Nhà thi đấu thể dục thể thao Đà Nẵng: Công trình độc đáo, hiện đại


Công trình Nhà Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) thành phố đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Nhìn toàn cảnh, có người nói rằng đó là “con trai nhả ngọc”, người thì gọi “tổ chim” mô phỏng sân vận động quốc gia Bắc Kinh. Còn những người thợ đang ngày đêm thi công trên công trình thì đó là chiếc đĩa bay. Đây là công trình được thiết kế  độc đáo, hiện đại bật nhất Đông Nam Á hiện nay.

Phối cảnh Nhà thi đấu TDTT Đà Nẵng.

Thử thách

Ngay sau khi có chủ trương đầu tư xây dựng Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng, nhiều nhà thầu lớn đã tự bỏ cuộc bởi áp lực quá lớn từ tiến độ công trình. Theo tính toán, công trình cần có thời gian thi công trên 20 tháng, thế nhưng duy chỉ có Tổng Công ty Sông Hồng đã bạo dạn phiêu lưu với thời gian thi công 14 tháng. Anh Đào Việt Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sông Hồng được điều động từ Hà Nội vào Đà Nẵng trong vai trò “tổng tư lệnh” với nhiệm vụ tổ chức thi công công trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng để đạt mục tiêu tối thượng là khai phá thị trường xây lắp ở Đà Nẵng và miền Trung. Dự án Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng trở thành con bài “đánh cược” về uy tín, thương hiệu của một DN xây lắp trong nhóm hàng đầu ở Việt Nam.

Tháng 9-2009, thời tiết Đà Nẵng chuyển mùa, mưa như trút nước, bão số 9 vần vũ cả tuần nhưng Tổng Công ty Sông Hồng vẫn lặng lẽ vận chuyển trang thiết bị và nhân công tiến hành động thổ, thi công công trình. Những mũi khoan xuyên vào lòng đất ở độ sâu 36 mét. Anh Nguyễn Đức Toàn, Trưởng Ban điều hành công trình nhớ lại: “Gian nan lắm, tầng địa chất rất phức tạp. Có mũi khoan chạy tọt vào lòng đất sâu thẳm nhưng cũng có mũi vấp ngay vào đá ngầm. 12 giàn khoan cọc nhồi tưa như xác mướp”. Công việc với “thổ địa” cứ chờn vờn khi liên tục thay đổi vị trí móng cọc. Định vị được nền móng lại chuyển sang thi công tầng hầm sâu 9 mét. Bùn đất tiếp tục được đưa lên với bao công sức của hàng trăm công nhân mỗi ca làm việc căng thẳng trên công trường.

Tháng 9-2010, sau 12 tháng lặng lẽ, kể cả ngày lễ, Tết, cán bộ, kỹ sư, công nhân hối hả làm việc, để cho Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng nên hình nên vóc. “Chúng tôi đã làm việc cật lực và chấp nhận thử thách, chấp nhận bị phạt tiến độ để lấy đó làm bài học mà động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi là những người lính và không cam chịu thất bại, không đầu hàng trước khó khăn, thử thách”, anh Nguyễn Đức Toàn bộc bạch. Thật vậy, Tổng Công ty Sông Hồng đã từng bị UBND thành phố Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) 2 lần ra quyết định xử phạt (một lần 90 triệu đồng và một lần 150 triệu đồng) vì chậm tiến độ. “Tuy nhiên, đơn vị cũng không ít lần được thưởng vì những thành tích thi công lao động sáng tạo, vượt qua những khó khăn về thiết kế kiến trúc, nhất là khi công trình vừa thiết kế, vừa thi công”, anh Nguyễn Đức Toàn nói.

Kỳ tích và kỳ công

Việc thiết kế Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng rất độc đáo, không trùng lắp bất kỳ một nhà thi đấu nào. Công trình có kết cấu riêng biệt, không điển hình với 100 cấu kiện khác nhau, kích thước khác nhau. Phần lớn các cấu kiện phải chế tạo, gia công riêng biệt nên rất tốn thời gian. Công trình có 40 cột xiên 8 độ theo hình elip cao 35 mét. Hình thái cột xiên này không thể đúc với khuôn ván hiện có mà nhà thầu phải gia công chế tạo. Đỉnh mỗi cột xiên có 2 vị trí chờ gắn bu-lông để lắp ghép với 39 vị trí khác mà mỗi vị trí bu-lông không được phép sai số 2mm. Tổng cộng có 80 vị trí đỉnh cột chờ gắn bu-lông được định vị tụ nhau một điểm giữa không trung. Với yêu cầu thi công phức tạp này, việc đổ bê-tông cột yêu cầu bảo đảm kỹ thuật, vững chắc về kết cấu nhưng làm sao khi đổ bê-tông lại không nén đầm. Đó là bài toán hóc búa và đã được đơn vị xử lý bằng phụ gia bê-tông và nâng mác xi-măng.

Ở hệ thống dầm là tập hợp những kết cấu hình tam giác, hình bình hành, hình thang. Đây là những kết cấu bê-tông, sắt-thép “thi gan” với lòng kiên nhẫn của người thợ. Hợp với dàn 40 cột xiên 40 vị kèo sắt nặng 1.400 tấn, khẩu độ dài 100 mét, dàn kèo được hệ thống cẩu, tời siêu trọng tải lên định vị vào chốt bu-lông cột xiên đang lơ lửng giữa trời.

Việc thi công phần mái, ốp kính cũng vô cùng gian nan. Riêng phần ốp kính đã ngốn 100 tấn ống tube để làm giàn giáo. Phần mái nhôm nặng 150 tấn cũng thi công 3 lớp lợp gồm bao che, chống nóng và tấm trang trí. Những người thợ thường xuyên thi công trong trạng thái đu dây, vừa vất vả, vừa nguy hiểm. Do thiết kế hình ovan, elip nên các tấm lợp, ốp kính đều chế tạo từng miếng riêng, lắp đặt riêng mà sai số chỉ được phép ở mức 1/2 mm.

Đến Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng trong thời gian thi công dễ nhận thấy đó là một công trình xây lắp và có cả một loạt nhà xưởng gia công, chế tạo. Đó là xưởng sắt, xưởng kính, xưởng nhôm, xưởng đá… Những tháng qua, dịch bệnh sốt xuất huyết cũng đã quét qua, hàng chục kỹ sư ngã quỵ. Có trường hợp vào viện điều trị vài ngày đã phải… trốn về bởi công việc đang cần đến họ.  Kỹ sư Phạm Quốc Trung, Giám sát thi công tâm sự: “Hơn 10 năm làm việc ở Tổng Công ty Sông Hồng nhưng đối với công trình Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong đời người thợ”. Có thời điểm công trình huy động 1.400 công nhân lao động trong một phạm vi hẹp và xử lý những giải pháp kỹ thuật thi công trong không gian vô cùng phức tạp. Riêng việc đưa một cấu kiện thép nặng 100 tấn lên độ cao 35 mét bảo đảm khớp nối sai số dưới 2mm là một kỳ tích. Tính độc đáo của thiết kế và độ khó về thi công mà đơn vị đã vượt qua là bài học bổ ích cho những người thợ xây lắp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Anh Nguyễn Đức Toàn cho biết, công trình đang hoàn thiện các hạng mục nội thất và dọn vệ sinh để kịp bàn giao cho chủ đầu tư vào đầu tháng 12-2010.

Nhà Thi đấu TDTT như một chiếc đĩa bay giữa lòng thành phố, mang đến cho Đà Nẵng một công trình kiến trúc độc đáo, hiện đại, nâng tầm đô thị trong giai đoạn phát triển mới. Trước mắt, công trình đón chào Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI diễn ra trong tháng 12-2010.

Dự án công trình Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng có sức chứa từ 5.000 – 7.000 khán giả, với tổng diện tích hơn 94.000m2; trong đó, diện tích nhà thi đấu gần 10.500m2. Nhà thi đấu được thiết kế 1 tầng hầm và 4 tầng nổi. Tầng hầm rộng hơn 4.100m2 là nơi bố trí các phòng quản lý thiết bị kỹ thuật cho công trình và phòng Câu lạc bộ. Tầng một với diện tích gần 11.300m2 bao gồm sân thi đấu TDTT, đại sảnh, khu truyền thông, khu khách VIP, phòng trọng tài, vận động viên, khu phục vụ… cùng hội trường đa chức năng. Tầng hai có diện tích 2.800m2 gồm sảnh, phòng điều khiển, khu bán đồ lưu niệm và khán đài. Tầng ba có diện tích 4.125m2 là khu vực quầy bán lẻ thiết bị, khu vệ sinh, hành lang… Tầng bốn có diện tích 7.945m2 là khu giải lao khách VIP.   (Nguồn: Sở Xây dựng).

Ghi chép của Triệu Nam Phương


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét