Đồng chí Nguyễn Bá Thanh đến thăm trường THPT chuyên Lê Quý Đôn


Chiều 18-11, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đến thăm, chúc mừng đội ngũ thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 25 năm thành lập trường và chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

images729138 DSC 0316 Đồng chí Nguyễn Bá Thanh đến thăm trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tặng quà cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Thay mặt lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh gửi lời chúc mừng và bày tỏ mong muốn đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, phấn đấu dạy tốt, học tốt, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; góp phần tích cực và chủ động vào việc đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng.

 

Bí thư Thành ủy cho rằng, thầy, cô giáo của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn phải thực sự là người phát hiện, bồi dưỡng và định hướng cho sự phát triển của mỗi học sinh, để các em trở thành những cán bộ xuất sắc trong thực tiễn của Đà Nẵng.

TS Nguyễn Đình Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cảm ơn sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng, chính quyền và của đông đảo các bậc phụ huynh. Với sự hỗ trợ, động viên kịp thời đó, trong năm học qua, thầy và trò nhà trường đã phát huy những thành tích xuất sắc trong 25 năm qua, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Với những thành tích đó, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Đảng bộ nhà trường giữ vững danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”; nhà trường được UBND thành phố tặng cờ dẫn đầu của các ngành học, bậc học của thành phố…

 

N.T – T.PHƯƠNG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp


Chiều 15-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

images727907 TTXVN Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp

Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng tham gia thảo luận ở tổ chiều 15-11. Ảnh: TTXVN

Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn của dự án luật như phạm vi điều chỉnh, quyền yêu cầu giám định của đương sự trong vụ việc dân sự, hành chính; cơ cấu tổ chức, địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức GĐTP; việc xã hội hóa hoạt động GĐTP; về hội đồng GĐTP, kết luận GĐTP và trách nhiệm người đứng đầu tổ chức GĐTP; chế độ đối với người GĐTP; chính sách đối với hoạt động GĐTP; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động GĐTP.

 

Về vấn đề có nên giữ lại bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh hay không, các vị đại biểu Quốc hội có nhiều quan điểm khác nhau.

 

ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng, hoạt động giám định pháp y cần có cơ sở vật chất, đội ngũ bác sĩ giỏi của ngành Y tế. Hiện nay, 63/63 tỉnh đều có pháp y y tế, riêng pháp y công an thì vẫn còn 13 tỉnh chưa có. Theo ĐB, pháp y y tế có cả đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, nên đã đến lúc cần đặt pháp y vào đúng vị trí, đúng chuyên môn như Điều 13, quy định tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm Pháp y tỉnh; Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. ĐB đề nghị luật cần quy định rõ khi có mâu thuẫn giữa kết luận giám định pháp y công lập và tư nhân thì giải quyết thế nào? Đồng thời, ĐB cũng đề nghị quy định rõ việc thành lập hội đồng giám định lại.

 

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) bày tỏ quan điểm nhất trí với quy định tại Điều 1 và Điều 24 dự thảo luật, cho phép các bên đương sự trong vụ án dân sự, hành chính được quyền trưng cầu GĐTP, nhưng đề nghị bổ sung theo hướng cho phép đương sự trong vụ án hình sự cũng được quyền yêu cầu GĐTP nếu yêu cầu đó không liên quan đến vấn đề xác định tội danh hay vấn đề chịu trách nhiệm hình sự. Về xã hội hóa GĐTP, ĐB nhất trí như quy định dự thảo luật. Riêng về Điều 13 dự thảo luật quy định theo hướng bỏ bộ phận giám định pháp y của Công an cấp tỉnh, ĐB đề nghị nên cân nhắc giữ lại như hiện nay, vì lĩnh vực này luật chưa cho xã hội hóa.

 

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng, GĐTP là công cụ quan trọng phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, góp phần giải quyết các vụ án chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Theo ĐB, dự thảo luật có nhiều điểm mới rất cần thiết và quan trọng như đổi mới mô hình tổ chức GĐTP trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; tạo cơ chế đáp ứng yêu cầu giám định hiện nay; có chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với ngành GĐTP; tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực GĐTP; quy định rõ trách nhiệm của giám định viên tư pháp… Tuy nhiên, về vấn đề xã hội hóa GĐTP, ĐB đề nghị cần nghiên cứu thật sự nghiêm túc, có chế tài cụ thể, bảo đảm tính hiệu quả cao khi thực hiện.

 

ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đề nghị giữ lại bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, vì pháp y công an có đặc thù riêng, luôn lên đường làm nhiệm vụ cho dù nắng, mưa hay bão lũ.

 

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, Điều 8 dự án luật quy định thời hạn công tác thực tế để đề nghị bổ nhiệm chức danh giám định viên chỉ có 5 năm là quá ít, đề nghị luật cần quy định thời hạn này ít nhất từ 10 năm trở lên. Về vấn đề bồi thường, ĐB đề nghị luật cần quy định rõ tổ chức GĐTP ban hành kết quả giám định sai thì bồi thường thế nào, không nên ghi chung chung như dự thảo luật.

 

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, trong những năm qua, lực lượng pháp y công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ kịp thời yêu cầu điều tra, đấu tranh, phát hiện tội phạm, nhất là việc điều tra những vụ trọng án. Do đó, ĐB đề nghị cần phải tiếp tục duy trì bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh. Theo ĐB thì công tác giám định pháp y trong thực tế rất vất vả, nhất là việc giám định thi thể những người đã chết 2 – 3 ngày. Anh em làm công tác giám định pháp y trong ngành Công an đã không quản ngại khó khăn, mưa, nắng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lực lượng này đang hoạt động có hiệu quả, có kinh nghiệm, ngoài kiến thức pháp y còn có kiến thức về kỹ thuật hình sự, có tính kỷ luật cao, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu giám định. Do đó, ĐB cho rằng, giao cho ngành Công an tiếp tục thực hiện công tác giám định pháp y thì chỉ có lợi, nhất là trong tình hình hiện nay.

 

Các vị đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng), Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) đều bày tỏ quan điểm ủng hộ việc giữ lại bộ phận pháp y Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như hiện nay.

 

PHẠM HỮU HOA


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh: Đà Nẵng sẵn sàng đầu tư cho Hoàng Quý Phước


Theo đề nghị của Hiệp hội Bơi lội Việt Nam (Tổng cục TDTT), năm 2012, “dị nhân sông Hàn” Hoàng Quý Phước sẽ sang Mỹ tập huấn để nhắm đến Olympic London 2012 và những mục tiêu xa hơn nữa.

 

Câu chuyện”dị nhân sông Hàn” phá kỷ lục trên đường đua xanh tại SEA Games 26 là đề tài râm ran trong dư luận tại thành phố Đà Nẵng trong buổi sáng 14-11.

images727202 HQPhuoc Đồng chí Nguyễn Bá Thanh: Đà Nẵng sẵn sàng đầu tư cho Hoàng Quý Phước

Kính ngư Hoàng Quý Phước. Ảnh: ĐNĐT

Là hiện tượng của bơi lội Việt Nam những năm gần đây và lần thứ hai tham dự SEA Games, kình ngư Đà Nẵng Hoàng Quý Phước được đặt hy vọng rất lớn.

 

Tuy nhiên, việc tay bơi mới 18 tuổi này phá kỷ lục SEA Games với thành tích 53,07 giây (kỷ lục cũ 53,82 giây) là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của giới chuyên môn lẫn người hâm mộ. Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng Nguyễn Phúc Linh không giấu nỗi niềm tự hào khi cho biết, đây cũng là lần đầu tiên thành phố có một VĐV phá được kỷ lục SEA Games.

 

Ông Lê Nguyên Hồng, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Đà Nẵng cho biết, từ trước lúc Hoàng Quý Phước đi dự SEA Games 26, khi Hiệp hội Thể thao dưới nước Đà Nẵng bảo vệ kế hoạch chuẩn bị tiến đến Đại hội TDTT toàn quốc tại Nam Định (vào năm 2015) thì Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo, nếu Hoàng Quý Phước muốn đi Mỹ, Úc hay chỗ nào tốt nhất để tiếp tục nâng cao thành tích thì Đà Nẵng sẵn sàng đầu tư.

 

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng Nguyễn Phúc Linh cũng khẳng định, do Hoàng Quý Phước là trường hợp đặc biệt nên Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo có sự đầu tư thích đáng. Theo đề nghị của Hiệp hội Bơi lội Việt Nam, năm 2012, Hoàng Quý Phước sẽ đi tập huấn tại Mỹ bằng nguồn kinh phí “hợp tác” giữa Tổng cục TDTT và UBND thành phố Đà Nẵng.

Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đã chính thức có tờ trình với lãnh đạo thành phố về vấn đề này. “Với thành tích mà Hoàng Quý Phước vừa đạt được, tôi tin chắc chắn là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng sẽ ủng hộ. Mục tiêu của việc đưa Hoàng Quý Phước sang Mỹ tập huấn không chỉ nhắm đến Olympic London 2012 mà vì em còn rất trẻ nên phải có chiến lược đầu tư lâu dài”, ông Nguyễn Phúc Linh nhấn mạnh.

 

Trước mắt, Hoàng Quý Phước vẫn còn nhiều nội dung thi đấu tại SEA Games và ông Nguyễn Phúc Linh hy vọng kình ngư này sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tích vang dội cho thể thao nước nhà. Ngay trong sáng 14-11, ông Lê Nguyên Hồng cho biết, Hiệp hội Thể thao dưới nước Đà Nẵng đã quyết định thưởng nóng cho Hoàng Quý Phước 10 triệu đồng.

 

Việt Ân(THeo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính


Chiều 10-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

images726518 Than Duc Nam Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính

ĐBQH Thân Đức Nam thảo luận ở tổ.

Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn của Luật như phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (XLHC); vấn đề giao Tòa án thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp XLHC; mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính; việc bỏ quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh; các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả; các chức danh có thẩm quyền xử phạt và cách quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm so với mức phạt tiền tối đa; vấn đề giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương.

 

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị tiếp tục duy trì việc quy định biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh là biện pháp XLHC, vì nếu không quy định biện pháp này thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy hiện nay. Theo ĐB thì đây cũng là biện pháp cần thiết và hiệu quả để quản lý trật tự xã hội.

 

ĐB cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, biện pháp bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn nghiện ma túy hoặc người bán dâm thường xuyên có độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn tái phạm hoặc không có nơi cư trú nhất định. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy cũng quy định một trong những hình thức cai nghiện là cai nghiện ma túy bắt buộc.

 

Luật Phòng, chống ma túy vẫn xác định người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì phải áp dụng biện pháp XLHC là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. ĐB cho rằng nếu bãi bỏ biện pháp hành chính này trong dự án luật thì sẽ không có các trình tự, thủ tục mang tính cưỡng chế đủ mạnh để đưa đối tượng nêu trên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 

ĐB đề nghị nên giao Bộ Công an quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, vì hiện nay phần lớn các vụ việc vi phạm hành chính do Công an giải quyết. Bên cạnh đó, bộ máy giúp việc của Bộ Công an trong lĩnh vực này là Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã được kiện toàn, có thể bảo đảm tốt công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, Bộ Tư pháp mới chỉ có một vụ giúp việc là Vụ Hành chính – Hình sự. Vì vậy, đề nghị luật quy định theo hướng giao Bộ Tư pháp có chức năng phối hợp với Bộ Công an trong công tác thi hành pháp luật về XLHC. Theo ĐB thì đây là vấn đề rất quan trọng, đề nghị Quốc hội cần xem xét thận trọng trước khi quyết định, bởi lẽ khi giao nhiệm vụ này cho Bộ Tư pháp thì sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như tăng biên chế để thực hiện nhiệm vụ từ cấp xã, phường trở lên, trình độ, kinh nghiệm…

 

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị luật quy định theo hướng việc XLHC nên dứt điểm, tránh tình trạng cùng một hành vi vi phạm nơi này đã xử phạt rồi cho đi, đến nơi khác lại phạt tiếp… ĐB đề nghị cần nghiên cứu có chế tài quy định theo hướng đã xử phạt rồi thì hành vi đó phải chấm dứt ngay sau khi xử phạt.

 

ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, biện pháp giáo dục tại xã, phường từ trước đến nay rất hiệu quả, hợp lý; biện pháp đưa các em đi trường giáo dưỡng cũng phát huy hiệu quả tốt; biện pháp bắt buộc chữa bệnh có tính nhân đạo, vừa đưa người bán dâm đi chữa bệnh vừa tránh lây lan bệnh tật trong cộng đồng. Tuy nhiên, ĐB bày tỏ sự băn khoăn khi giao Tòa án thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC, vì nhân sự ngành Tòa án hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu, nên chăng cần giữ nguyên thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC như hiện nay. Về mức xử phạt, ĐB cho rằng không nên quy định ở nông thôn mức phạt thấp, thành phố mức phạt cao, như vậy là không hợp lý.

 

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) bày tỏ quan điểm đồng ý phương án 2 trong Tờ trình của Chính phủ, việc giao cho ngành Tòa án thẩm quyền áp dụng các biện pháp XLHC là một vấn đề lớn cần có lộ trình thích hợp, trước mắt đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

 

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, việc nhận định các cơ quan Tòa án không đủ nhân sự, năng lực để thực hiện thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC là chưa hợp lý. ĐB đề nghị luật cứ quy định giao thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC cho Tòa án, nhưng gia hạn cho Tòa án 2 năm để chuẩn bị nhân sự, bộ máy, sau đó mới triển khai thực hiện thẩm quyền này. Về mức xử phạt nên hợp lý, không nên phạt quá cao nhằm tránh tình trạng “cưa đôi” số tiền phạt giữa người thi hành công vụ và người vi phạm.

 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng dự thảo luật giao Chính phủ quy định quá nhiều, cần xem lại một cách nghiêm túc vấn đề này. Vừa qua, Quốc hội mở rộng thẩm quyền tố tụng hành chính cho ngành Tòa án đã thêm gánh nặng rất nhiều cho ngành Tòa án. Bây giờ giao thêm cho ngành Tòa án chức năng áp dụng biện pháp XLHC thì không hợp lý, vượt quá khả năng hiện nay của ngành Tòa án.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, việc quy định mức xử phạt hành chính 2 tỷ đồng là quá cao, vì với số tiền lớn như vậy có khi đã vi phạm pháp luật hình sự, nếu luật quy định dễ dẫn đến tình trạng “lách luật”. ĐB đề nghị nên xem lại chế định về tuổi vị thành niên hiện nay, nhất là đối với các trường hợp phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng mà đương sự chỉ thiếu 2-3 ngày nữa là đủ tuổi vị thành niên. Theo ĐB thì Luật Xử lý vi phạm hành chính là một dự luật rất quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày của nhân dân nên cần xem xét thận trọng.

 

PHẠM HỮU HOA(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tham dự thảo luận về vấn đề ô nhiễm môi trường


Hôm nay (7/11), Quốc hội đã dành trọn 1 ngày nghe báo cáo và thảo luận về vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu kinh tế và làng nghề. Đa số ý kiến đều nhất trí tình trạng đã đến mức báo động đỏ, nếu không giải quyết ngay từ bây giờ thì hậu quả con cháu đời sau sẽ phải gánh chịu.

 

Theo kết quả giám sát của đoàn công tác Quốc hội, nhiều khu kinh tế chưa thực hiện nghiêm cam kết bảo vệ môi trường, thường xuyên xả nước thải chưa xử lý vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường (có nơi đến vài chục lần). Ở một số nơi, hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra, kiểm tra tới.

8 Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tham dự thảo luận về vấn đề ô nhiễm môi trường

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh

Nước thải của các khu công nghiệp, dịch vụ trong khu kinh tế chỉ được xử lý sơ bộ và thải vào hệ thống thu gom chung hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Rất ít nơi có khu xử lý nước thải tập trung (khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập đầu tiên vào năm 2003 nhưng đến nay chỉ mới bắt đầu vận hành).

 

Còn với các làng nghề, ô nhiễm nước, không khí, đất đai… cũng rất nghiêm trọng. Ở một số làng có mức độ ô nhiễm cao thì tuổi thọ trung bình của người dân thấp hơn đến 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc. Tại các làng sản xuất, tái chế kim loại, tỷ lệ người mắc bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Ở làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, bệnh phụ khoa chiếm chủ yếu, ngoài ra là các bệnh về đường tiêu hóa, viêm da, hô hấp…

 

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) phản ánh, ở nhiều khu vực ô nhiễm còn xuất hiện các căn bệnh lạ. Các làng ung thư mọc lên ngày càng nhiều cũng xuất phát từ nguyên nhân ô nhiễm môi trường.

 

“Mọi sai phạm đều xuất phát từ nhận thức chỉ nhìn thấy lợi nhuận trước mắt. Xử phạt thì không nghiêm minh. Nếu về lâu dài vẫn để tình trạng thế này thì con cháu chúng ta phải chịu. Không thể đánh đổi môi trường lấy lợi nhuận trước mắt vì không tiền nào khắc phục hết được hậu quả”, bà An nói.

 

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, nếu đánh giá toàn diện, hậu quả còn nghiêm trọng hơn báo cáo rất nhiều. Vì những hậu quả môi trường diễn ra âm thầm, tác động dài lâu và hậu quả khôn lường. “Tình trạng đã giống như một quả bom nguyên tử, có quả đã nổ, có quả sắp nổ. Hậu quả và thời gian xử lý còn lâu dài hơn xử lý chất độc dioxin. Mà nguyên nhân gây ra ô nhiễm lại chỉ tập trung ở một nhóm người, bất chấp hậu quả mai sau”, ông Tính nhấn mạnh. Khi đó, mọi thành quả về kinh tế đều không còn ý nghĩa.

 

Hàng loạt nguyên nhân đã được mổ xẻ, phân tích. Trong đó, nổi bật câu chuyện các tỉnh chỉ muốn chạy theo tăng trưởng, bỏ bê trách nhiệm với môi trường. Doanh nghiệp tất nhiên chỉ vì lợi nhuận nên “lờ” nghĩa vụ, song cơ quan quản lý nhà nước cũng vẫn “nhẹ tay” với sai phạm do e ngại nhà đầu tư không mặn mà. Nếu có phát hiện sai phạm cũng chưa xử lý triệt để. Thậm chí, đa số các vụ việc bị phát hiện là do dân phát giác chứ không phải do cơ quan quản lý nhà nước tìm ra.

 

Theo báo cáo của Chính phủ, riêng trong năm 2011 đã có 1.728 vụ ô nhiễm, tăng 72,6% so với năm trước. Song, chỉ 153 vụ bị khởi tố.

 

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) thẳng thắn, pháp luật nhà nước chưa nghiêm một phần còn là do sự chồng chéo trong phân công chức năng giữa các cơ quan quản lý. Các bộ, ngành thì phối hợp chưa nhuần nhuyễn, giữa tỉnh với ban quản lý khu kinh tế thì trách nhiệm chưa rành mạch. Theo ông, năm 2010, cả nước mới chỉ xử phạt sai phạm về môi trường ở 6 tỉnh, với số tiền 513 triệu là quá nhỏ nhoi đáng để suy nghĩ.

 

Đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị) nêu câu hỏi, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên – Môi trường chịu trách nhiệm chính, song cùng phối hợp là nhiều bộ, ngành liên quan khác. Vậy, liệu Bộ có trở thành nhạc trưởng được hay không?

 

Thực tế như bà Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chia sẻ, thì mỗi khi ở tỉnh có doanh nghiệp vi phạm và Sở Tài nguyên – Môi trường tham mưu với tỉnh để đóng cửa thì bao giờ các ngành liên quan như kế hoạch, đầu tư, công thương và điện lực cũng lên tiếng, vì đối chiếu theo các luật liên quan thì rất khó để đóng cửa hay cắt điện.

 

Về giải pháp, bà Ly Kiều Vân cho rằng, cần xử lý nghiêm minh hơn. Tăng thanh tra, kiểm tra, giám sát để xử lý triệt để các cơ sở sai phạm. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, phải kiên quyết đóng cửa các cơ sở sai phạm nghiêm trọng kéo dài để làm gương.

 

Còn theo đại biểu Đỗ Văn Đương, trước mắt cứ “đánh” vào kinh tế, vào bài toán lợi nhuận bằng các loại thuế, phí và hình thức xử phạt nghiêm minh để doanh nghiệp phải tuân thủ. Ngoài ra, công khai rõ địa chỉ người có trách nhiệm với bảo vệ môi trường để người dân giám sát. Cũng nên phát huy sức mạnh “tai mắt” của dân để dân phát giác và tố cáo doanh nghiệp vi phạm.

 

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc công khai tên tuổi, địa chỉ doanh nghiệp vi phạm trên báo chí hoặc các bảng thông báo công cộng để tăng tính răn đe. Còn với các làng nghề, cần nhanh chóng quy hoạch và phân biệt rõ làng nghề truyền thống với các làng nghề “trá hình” tận dụng công nghệ, máy móc lạc hậu để trốn thuế.

 

Các đại biểu cũng đồng tình ngay trong kỳ họp này nên ban hành một nghị quyết thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, giao Chính phủ thực hiện một số giải pháp tăng cường. Dự kiến Nghị quyết sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp này.

 

Hồ Thu(Theo GTVT)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp Ấn Độ


Ngày 2-11, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đã tiếp Ngài Ranjit Rae, Đại sứ nước Cộng hòa Ấn Độ nhân chuyến thăm và làm việc của Ngài Đại sứ tại Đà Nẵng. Trao đổi tại buổi tiếp, hai bên đều nhất trí với việc sẽ tăng cường giao lưu trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, văn hóa nghệ thuật, an ninh-quốc phòng và thương mại.

images724117 an do 2 Đà Nẵng kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp Ấn Độ

Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến tiếp Ngài Ranjit Rae, Đại sứ Ấn Độ. Ảnh: M.H

Trong đó, chú trọng việc giới thiệu doanh nghiệp của hai bên về tiềm năng phát triển kinh tế của Đà Nẵng và Ấn Độ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh, đầu tư kinh tế. Thời gian qua, chưa có dự án đầu tư kinh tế nào của doanh nghiệp Ấn Độ được xúc tiến tại Đà Nẵng, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều chỉ đạt mức khoảng 30 triệu USD mỗi năm. Vì vậy, Chủ tịch Văn Hữu Chiến khẳng định, chính quyền thành phố sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Đà Nẵng, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao. Đồng chí mong rằng, với cương vị Đại sứ, Ngài Ranjit Rae sẽ giới thiệu về Đà Nẵng với các doanh nghiệp của Ấn Độ và hợp tác, trao đổi thông tin, tạo thuận lợi để Đà Nẵng kết nghĩa với một thành phố của Ấn Độ. Đồng thời, duy trì việc hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, quan tâm đầu tư Trung tâm Anh ngữ Việt – Ấn và cấp học bổng cho cán bộ, sinh viên Đà Nẵng…

 

Ngài Đại sứ Ranjit Rae đã cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo thành phố và cho biết, chuyến thăm Ấn Độ vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho hai nước. Ngài Đại sứ nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp của hai bên chưa hiểu nhiều về tình hình đầu tư, phát triển kinh tế của mỗi nước. Do vậy, trong thời gian đến, sẽ có Đoàn doanh nghiệp của Ấn Độ sang thăm và tìm hiểu cơ hội kinh doanh ở Việt Nam. Với tư cách Đại sứ, Ngài Ranjit Rae sẽ giới thiệu với Đoàn đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng để tìm kiếm môi trường đầu tư mới. Ngoài việc thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, Ấn Độ sẽ tăng cường hợp tác với Đà Nẵng về giáo dục, giao lưu văn hóa, nghệ thuật; tiếp tục đầu tư dự án “Phát triển vùng chuyên canh lúa giống tại Đà Nẵng” và sẽ giới thiệu một thành phố của Ấn Độ kết nghĩa với Đà Nẵng trong tương lai.

 

M.Hạnh(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)