Hiển thị các bài đăng có nhãn Chính trị. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chính trị. Hiển thị tất cả bài đăng

Cấm cán bộ, công chức đi học trong giờ hành chính


Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vừa ký ban hành chỉ thị số 15-CT/TU về chấn chỉnh việc đi học trong giờ hành chính của cán bộ, công chức, viên chức thuộc đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn TP.

Theo đó, từ ngày 1.2.2012, tất cả các trường hợp được cử đi học, cả ngắn hạn hoặc dài hạn, trong kế hoạch hoặc ngoài kế hoạch đều phải học vào ngày thứ bảy, chủ nhật và sau 17 giờ vào các ngày từ thứ hai đến thứ sáu.

Trường hợp đặc biệt phải dự các lớp đào tạo trong giờ hành chính do T.Ư và TP tổ chức, phải có sự đồng ý của thường trực Thành ủy trên cơ sở đề xuất của lãnh đạo chủ chốt cơ quan, đơn vị có người được cử đi học.

Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, việc bố trí thời gian đi học của cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách TP chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng đi học trong giờ hành chính khá nhiều, làm ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng công tác.

Khai mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa XI


Diễn ra từ ngày 4 – 7/7, Hội nghị lần thứ hai BCH TƯ Đảng khóa XI sẽ tập trung vào các nội dung chính là thảo luận, quyết định chương trình, quy chế làm việc, chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và công tác nhân sự.

Hội nghị khai mạc hôm nay, 4/7 tại Hà Nội, trong bối cảnh cả nước vui mừng trước thành công tốt đẹp của Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, thắng lợi toàn diện, to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

nguyen ba thanh
Ảnh toàn cảnh Hội nghị

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đồng thời nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ trước mắt theo tinh thần các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, tích cực cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII.

Quyết định chương trình, quy chế làm việc

Hội nghị sẽ thảo luận và quyết định về Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.

Về Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là công việc rất quan trọng của Hội nghị Trung ương đầu khóa, xác định những nội dung, bước đi, định hướng của việc cụ thể hóa, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội.

Với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ra nghị quyết, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo thực hiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, lựa chọn đưa vào Chương trình những vấn đề lớn, quan trọng và cần thiết nhất, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới mà Đại hội XI đã xác định. Ưu tiên cho những vấn đề bức xúc, khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết hoặc những khâu cần đột phá như tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; chính sách pháp luật về đất đai; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường; chính sách an sinh xã hội…

Về quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là sự cụ thể hóa Điều lệ Đảng, chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của các cơ quan đảng, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc sinh hoạt và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Về triển khai chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Báo cáo chính trị của Đại hội XI xác định rõ mục tiêu, định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Đại hội đã quyết định phải khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc rất khó và hệ trọng, cần được tiến hành một cách khoa học và chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói.

Giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt

Một nội dung quan trọng nữa được Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề cập đó là việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, ngay sau Đại hội XI, Bộ Chính trị đã tiến hành phân công một bước các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chuẩn bị giới thiệu các đồng chí Ủy viên Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ ở cấp mình.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã thành công tốt đẹp. Theo quy định của pháp luật, ngày 21/7/2011 sắp tới, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung bầu hoặc phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước.

Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương có trách nhiệm chuẩn bị và giới thiệu nhân sự ứng cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước.

Vì vậy, tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ dành thời gian thích đáng để xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ, việc chuẩn bị nhân sự lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác cán bộ do Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung.

Theo chương trình dự kiến, Hội nghị sẽ diễn ra tới hết ngày 10/7/2011.

Nguyễn Hoàng


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén


Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

hop quoc hoi

Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hôm nay (30/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, một số giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2011.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, bước vào năm 2011, trên cơ sở các đánh giá, dự báo và nhận thức rõ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra với nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2011.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Tuy nhiên, tình hình KT-XH trong nước và quốc tế những tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện nhiều yếu tố đáng lo ngại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát có xu hướng tăng cao.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP và báo cáo Bộ Chính trị ra Kết luận 02/KL-TW và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 59/NQ-QH12, với các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Mức bội chi thấp nhất mấy năm gần đây

Tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện những “điểm sáng” như giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,3% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng, xuất khẩu tăng cao gấp 3 lần kế hoạch, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ…

Kết quả thu – chi ngân sách nhà  nước 6 tháng đầu năm cho thấy, hết tháng 6/2011 tổng thu ngân sách đạt 327.820 tỷ đồng, bằng 55,1% dự  toán. Chi ngân sách đạt 355.600 tỷ đồng, đạt 49% dự toán. Như vậy, bội chi ngân sách 6 tháng là 27.780 tỷ đồng, bằng 23% dự toán. Đây là mức bội chi thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây.

Đặc biệt, thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đã ổn định; thu chi ngân sách đạt khá, bội chi giảm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đang chậm lại; cắt giảm đầu tư công có hiệu quả nhưng vẫn tăng đầu tư cho “tam nông”; đã có những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tăng giá của thị trường bất động sản; an sinh xã hội được quan tâm và có những chuyển biến tích cực; quốc phòng – an ninh được tăng cường và giữ vững…

Tuy nhiên, trong báo cáo, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đó là, lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn khó khăn, tăng trưởng đạt thấp; thị trường chứng khoán sụt giảm; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn…

Phấn đấu một số chỉ tiêu cơ bản

Về những giải pháp cho 6 tháng cuối năm, Chính phủ cho rằng, cần tập trung quyết liệt vào điều hành một số chính sách lớn như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó, cần thực hiện nhất quán chủ  trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng cũng như chính sách tài khóa thắt chặt phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm để nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với chính sách thương mại, giá cả, thị trường, tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, ổn định thị trường, bảo đảm ổn định cung – cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Thực hiện kiên trì và nhất quán điều hành giá xăng dầu, điện, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Với việc ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ cho rằng, cần tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản năm 2011 là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15-17%; tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%; tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.

Cần những giải pháp chiến lược dài hạn, vững chắc hơn

Thảo luận về  các báo cáo trên, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng, sự điều hành của Chính phủ đã tạo niềm tin của nhân dân, nhất là đối với các chính sách an sinh xã hội, tạo ổn định về mặt chính trị - xã  hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhìn nhận, những kết quả về KT-XH trên chỉ mới là kết quả bước đầu. Nền kinh tế còn đối diện nhiều thách thức, khó khăn, do đó, cần có những giải pháp kiên quyết hơn nữa.

Báo cáo thẩm tra của  Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, song song với những giải pháp mang tính tình thế, ngắn hạn, Chính phủ  cần chú trọng đến các giải pháp chiến lược mang tính dài hạn như công tác quy hoạch, kế hoạch, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, hạn chế nhập siêu, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, minh bạch hóa hệ thống tài chính, tránh đầu cơ, tiết kiệm năng lượng… Đặc biệt, cần tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh quản lý về giá cả, thị trường.

Điều khiển phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, bên cạnh những “điểm sáng” về thu ngân sách, tăng xuất khẩu, tăng trưởng sản xuất công nghiệp…, nền kinh tế nước ta cũng nổi lên những vấn đề lớn cần sớm được khắc phục. Đó là lạm phát tăng cao, lãi suất huy động và cho vay đều tăng, nhập siêu vẫn cao…

Vì thế, với 6 tháng cuối năm cần tính toán các tình huống khác nhau của nền kinh tế để có giải pháp vững chắc hơn. Bên cạnh đó, tăng tính đối thoại, trách nhiệm giải trình của các cơ quan hữu quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Đinh Thế Huynh làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương


Ngày 22/6, tại trụ sở Bộ Công an, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương về công tác tuyên giáo, chính trị, tư tưởng (CTTT) trong lực lượng CAND.
Dự buổi làm việc có đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (TW); đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng Ban Tuyên giáo TW. Về phía Đảng ủy Công an TW có Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Phạm Minh Chính, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Vụ, Cục, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an.

nguyen ba thanh
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW và các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Hưng

Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng – CAND báo cáo tình hình, kết quả công tác tuyên giáo, CTTT trong lực lượng CAND thời gian qua, nêu rõ: Trong những năm qua, Đảng ủy Công an TW, lãnh đạo Bộ Công an đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác tuyên giáo, công tác CTTT trong lực lượng CAND, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo ANTT, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyên truyền của lực lượng CAND được tăng cường, bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, của Đảng ủy Công an TW, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị. Hệ thống báo chí, xuất bản của lực lượng CAND đã từng bước được củng cố về tổ chức và ổn định về hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Đảng ủy Công an TW, lãnh đạo Bộ Công an, Trung tướng Đặng Văn Hiếu cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả của Ban Tuyên giáo TW trong thời gian qua và nêu rõ: Đảng ủy Công an TW, lãnh đạo Bộ Công an và cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp đều nhận thức rõ vai trò hàng đầu của công tác tuyên giáo, công tác CTTT. Trung tướng Đặng Văn Hiếu mong muốn trong thời gian tiếp theo, Ban Tuyên giáo TW sẽ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, có cơ chế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác tuyên giáo, CTTT…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đinh Thế Huynh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả lực lượng CAND đã đạt được trong công tác tuyên giáo, CTTT. Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh để tiếp tục hoàn thành tốt các yêu cầu, nhiệm vụ được giao, trong thời gian tiếp theo, Đảng ủy Công an TW cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên giáo, CTTT trong toàn lực lượng. Chú trọng công tác đào tạo, tuyển chọn cán bộ, giáo dục CTTT, rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất, đạo đức cách mạng, đảm bảo “vừa hồng, vừa chuyên”, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Đồng thời chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ để cán bộ, chiến sỹ giỏi về pháp luật, sắc bén về nghiệp vụ, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ Ban Tuyên giáo TW sẽ luôn sát cánh cùng lực lượng CAND trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Các cơ quan chức năng Ban Tuyên giáo TW sẽ phối hợp với Tổng cục Xây dựng lực lượng – CAND xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác trao đổi thông tin, công tác tuyên giáo, CTTT, báo chí; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ ANTT…

Cùng ngày, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương (CATW) tổ chức lớp bồi dưỡng nội dung, phương pháp truyền đạt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và báo cáo viên trong Đảng bộ CATW.

Dự hội nghị có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng Ban Tuyên giáo TW. Về phía Đảng ủy CATW có Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Phạm Minh Chính, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Vụ, Cục thuộc Bộ Công an.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trung tướng Đặng Văn Hiếu nêu rõ: Lớp bồi dưỡng nội dung, phương pháp truyền đạt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là hoạt động quan trọng mở đầu đợt sinh hoạt chính trị, học tập quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong lực lượng CAND. Thông qua lớp bồi dưỡng nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và báo cáo viên của Đảng bộ CATW về nội dung, phương pháp truyền đạt Nghị quyết. Đồng thời giúp đội ngũ cán bộ chủ chốt và báo cáo viên của Đảng bộ CATW kế hoạch tổ chức, học tập, quán triệt tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong CAND.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thảo luận, thông qua nhiều quyết sách quan trọng, có giá trị định hướng, chỉ đạo sâu sắc toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong những năm tiếp theo.

Đảng bộ CATW cần tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc các văn kiện quan trọng về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội XI, Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi). Chuẩn bị tốt đội ngũ báo cáo viên có đủ kinh nghiệm, năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững quan điểm, định hướng của Đảng, các văn kiện của Đảng, đặc biệt là các chủ trương, chính sách của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, xây dựng lực lượng CAND trong giai đoạn tới.

Trong quá trình học tập, thảo luận, cần chú ý tập trung đầu tư, suy nghĩ, liên hệ thực tiễn, gắn với cuộc đấu tranh tư tưởng, chính trị hiện nay. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thảo luận sâu về những điểm lớn, những vấn đề cơ bản và mới trong các văn kiện Đại hội để hiểu rõ, thấm nhuần tinh thần của các văn kiện, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo viên của Ban Tuyên giáo TW, Bộ Ngoại giao trình bày các văn kiện quan trọng về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020; chiến lược an ninh, quốc phòng trong tình hình mới; đường lối, chính sách đối ngoại trong thời gian tới…

Việt Hưng


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Chủ tịch UBND Lê Hoàng Quân: Dồn sức giải quyết các vấn đề bức bách


 

nguyen ba thanh
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngay sau khi tái đắc cử chức Chủ tịch UBND TPHCM, đồng chí Lê Hoàng Quân đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi nhanh bên lề kỳ họp.

° PV: Xin chúc mừng đồng chí tái đắc cử chức vụ Chủ tịch UBND TPHCM. Đồng chí có thể chia sẻ cảm xúc của mình lúc này?

° Đồng chí LÊ HOÀNG QUÂN: Thay mặt UBND TP khóa VIII, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ TP, HĐND – UBND – UBMTTQ TP, các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là đông đảo cử tri, đồng bào TP đã góp sức cho UBND TP tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, kế hoạch 5 năm (2006-2010) và tham gia bầu cử Quốc hội khóa XIII, HĐND TP khóa VIII với tỷ lệ rất cao.

Hôm nay, trong kỳ họp rất quan trọng của HĐND TP khóa VIII – kỳ họp lần thứ nhất bầu các chức danh lãnh đạo của HĐND, UBND TP, cá nhân tôi rất xúc động và vinh dự, đồng thời cũng nhận thấy đây là trọng trách to lớn mà Đảng bộ, các ngành các cấp, đặc biệt là đồng bào TP đã gửi gắm, tin tưởng vào HĐND TP cũng như UBND TP khóa VIII.

Chúng tôi xin hứa sẽ không làm Đảng bộ, đồng bào, đặc biệt là cử tri TP thất vọng, sẽ nỗ lực đem hết sức mình phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, truyền thống yêu nước của đồng bào TP để ra sức khắc phục các thiếu sót, tồn tại, vượt qua các thử thách, đưa TP phát triển xứng tầm.

Ngoài ra, tôi cũng xin hứa sẽ tăng cường đoàn kết, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với cử tri, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và cùng cả hệ thống chính trị của TP quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng bộ TP lần thứ IX, các kế hoạch 2011-2015, Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đó là những suy nghĩ, nhận thức cũng như trách nhiệm của tôi khi được các đại biểu HĐND TP tín nhiệm bầu tôi tái cử, giữ chức Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2011-2016.

° Thưa đồng chí, trong quá trình lãnh đạo điều hành hoạt động của UBND TP nhiệm kỳ 2006-2010, còn điều gì khiến đồng chí băn khoăn, chưa hài lòng?

° Những thành tựu của nhiệm kỳ 2006-2010 có ý nghĩa quan trọng nhưng rõ ràng kết quả đó vẫn chưa thật toàn diện, chưa như mong muốn, vẫn còn nhiều vấn đề mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP phải đồng tâm hợp lực để khắc phục. Sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ của nhân dân là rất quan trọng.

Trước mắt TP đang rất cần sự đồng thuận trong giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa quy hoạch treo, lạm phát… Đảng bộ, chính quyền TP đang nỗ lực làm hết sức mình để góp phần kiềm chế lạm phát, giữ đà tăng trưởng phù hợp với kinh tế TP, tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để góp phần giải quyết tình hình khó khăn cho các đối tượng nghèo, chính sách trên địa bàn, đặc biệt là đối tượng lao động, công nhân viên chức. Để chính quyền TP thực hiện tốt các vấn đề nói trên, vẫn rất cần sự đồng thuận, chia sẻ của đồng bào TP.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chúc mừng đồng chí Lê Hoàng Quân tái đắc cử Chủ tịch UBND TPHCM . Ảnh: VIỆT DŨNG

° Thưa đồng chí, ngoài sự đồng thuận của người dân, với tình hình hiện nay, rõ ràng TP đang rất cần một “nhạc trưởng” để chỉ huy và chịu trách nhiệm đến cùng với các quyết định của TP?

° Tôi đồng ý. Trên thực tế, mô hình Chính quyền đô thị mà TP đang kiến nghị Trung ương cho thực hiện thí điểm thể hiện rõ điều này. Riêng với UBND TP hiện nay, với vai trò điều hành, chúng tôi sẽ thực hiện quyết liệt hơn đối với các vấn đề bức bách, nhất là đối với các dự án trọng điểm của TPHCM.

Chẳng hạn, với những dự án của TPHCM, chúng tôi sẽ không thực hiện tràn lan, dàn trải mà tập trung thực hiện dứt điểm từng dự án để hạn chế đến mức thấp nhất tác động đối với đời sống của người dân và tránh lãng phí.

VÂN ANH – HỒNG HIỆP


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Trương Tấn Sang: Ngành Kiểm sát cần tích cực cải cách tư pháp


Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, ngành Kiểm sát cần nỗ lực tham gia vào quá trình cải cách tư pháp, đảm bảo tính khách quan, tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng, điều tra, xét xử, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.

Đồng chí Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị

Ngày 22/6 tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức hội nghị toàn ngành năm 2011. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tới dự.

Bên cạnh việc biểu dương những thành tích đạt được thời gian qua, đồng chí Trương Tấn Sang đề nghị ngành Kiểm sát phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức hoạt động, tổ chức cán bộ, hoàn thiện thể chế pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Ngành cần tiếp tục triển khai tập trung các đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt các văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI.

Ngành cần nỗ lực tham gia vào quá trình cải cách tư pháp, đảm bảo tính khách quan, tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng, điều tra, xét xử, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.

Theo đồng chí Trương Tấn Sang, quá trình đổi mới, cải cách tư pháp cần tránh sự nóng vội, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành cũng như ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Ngành Kiểm sát cần rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, thực hiện lời dạy của Bác Hồ về 5 đức tính của cán bộ Kiểm sát là công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn. Đây là một vấn đề quan trọng và cấp thiết để chủ động xây dựng một nền tư pháp đổi mới, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Lãnh đạo ngành cũng cần tạo điều kiện để cán bộ, kiểm sát viên được tham gia Hiệp hội công tố thế giới, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Nguyễn Đức


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm báo SGGP


Kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2011), chiều 20-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm, làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể đội ngũ PV, BTV, CB-CNV của TTXVN và giới báo chí cả nước nói chung nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp của báo chí trong công cuộc đấu tranh vì độc lập và thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Phó Thủ tướng mong muốn, các cơ quan báo chí cả nước và TTXVN sẽ phát huy ngày càng hiệu quả hơn nữa vai trò nâng cao dân trí, đưa thông tin về mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thắt chặt hơn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chiều 20-6, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dẫn đầu đoàn đại biểu TPHCM đến thăm Báo SGGP. Cùng đi với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Rảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng bộ khối Dân – Chính – Đảng TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Trần Thế Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM, cùng đại diện một số ban Đảng, sở – ngành TP.

nguyen ba thanhĐồng chí Lê Thanh Hải tặng hoa cho cán bộ, phóng viên, công nhân viên báo SGGP nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP, vui mừng báo cáo với đoàn về một số kết quả đạt được trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, Báo SGGP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, tiếp tục giữ vững định hướng tuyên truyền và tôn chỉ mục đích của tờ báo Đảng; có nhiều loạt bài đấu tranh để bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền về con đường đi lên CNXH ở nước ta; biểu dương những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới trong đời sống xã hội, thông tin kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân; góp phần đưa nghị quyết Đảng đi vào cuộc sống. Trong quá trình phát triển, Báo SGGP không ngừng tự đổi mới phương thức hoạt động, từng bước đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới, xứng đáng với sự tin cậy của Thành ủy, sự tin yêu của nhân dân TPHCM. Trong các cuộc thi giải báo chí vừa qua, Báo SGGP đoạt được nhiều giải thưởng cao. Đạt được thành tích trên là nhờ sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Thành ủy TPHCM.

Thay mặt Thành ủy TPHCM, đồng chí Lê Thanh Hải biểu dương những cố gắng của tập thể CB-PV-CNV Báo SGGP trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng chí cho rằng, Báo SGGP có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết IX của Đảng bộ TPHCM, giúp cán bộ đảng viên nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống. Trước những diễn biến phức tạp trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, đội ngũ làm Báo SGGP càng phải thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lập trường giai cấp và nâng cao tính chiến đấu. Muốn vậy, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo SGGP phải không ngừng học tập, bồi dưỡng kiến thức và trau dồi đạo đức người làm báo. Đồng chí tin tưởng Báo SGGP sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, xây dựng tờ báo ngày càng trở thành món ăn tinh thần của đông đảo bạn đọc gần xa, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của TPHCM.

Dịp này, có hơn 100 đoàn đại biểu các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp đến thăm và tặng hoa chúc mừng Báo SGGP nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Biên phòng TP, Công an TPHCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP, Sở Ngoại vụ, Tổng cục Cảnh sát, Hội Cựu chiến binh TP, Viện Kiểm sát nhân dân TP…

Đoàn đại biểu TPHCM do Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải dẫn đầu, cũng đã đến thăm Văn phòng đại diện Báo Nhân dân tại TPHCM, Đài Truyền hình VN, Đài Truyền hình TPHCM. Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, đã đến thăm, chúc mừng Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng, Văn phòng đại diện Báo Hà Nội Mới tại TPHCM, Báo Phụ nữ TP và Hội Nhà báo TP. Chiều 20-6, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đã đến thăm và chúc mừng 3 cơ quan báo Trung ương tại TPHCM gồm Đại Đoàn Kết, Lao Động, Thanh Niên và báo Doanh Nhân Sài Gòn.

Cùng ngày, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua đã đến thăm, chúc mừng Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam (phân xã TPHCM), Tuần báo Văn Nghệ, Báo Tuổi Trẻ. Ngày 20-6, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư cũng đến thăm, chúc mừng các cơ quan báo: Giác Ngộ, Công An TPHCM, Người Lao Động và Pháp Luật TPHCM.

Chiều 20-6, Câu lạc bộ Nhà báo nữ TPHCM thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đã tổ chức họp mặt, giao lưu với hơn 100 nhà báo nữ TPHCM, đồng thời ra mắt Ban Chủ nhiệm mới nhiệm kỳ 2011-2013.

NHÓM PV

 


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp báo cáo kết quả bầu cử


Sáng 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã họp phiên thứ 40 nghe Hội đồng bầu cử báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 và cho ý kiến vào việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp. Cùng dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, tại phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII chủ yếu tập trung cho công tác tổ chức, nhân sự và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; tình hình thực hiện và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.

Phiên họp thứ 40 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XII.

Về công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ đã có văn bản đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về hai dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học sang kỳ họp thứ hai để có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ hơn. Về công tác tổ chức nhân sự, dự kiến chương trình bố trí khoảng 11 ngày để Quốc hội xem xét, quyết định về vấn đề này theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật và trên cơ sở nghiên cứu thông lệ kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nhiệm kỳ trước. Về các vấn đề kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, Quốc hội dành một buổi thảo luận tại tổ và một ngày thảo luận tại Hội trường về nội dung này. Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại Hội trường một buổi về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009…

Cho ý kiến vào nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, đa số Ủy viên Ủy ban nhất trí với nhất dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII và đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về hai dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học sang kỳ họp thứ hai để có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị. Trước một số ý kiến đề nghị chỉ tập trung cho công tác nhân sự và không dành khoảng thời gian 1,5 ngày cho thảo luận về kinh tế – xã hội, các đại biểu cho rằng, đây là kỳ họp quan trọng chủ yếu tập trung cho công tác tổ chức, nhân sự nhưng không vì thế mà không đề cập đến vấn đề kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh xã hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Son, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, trong kỳ họp thứ nhất, Chính phủ cần có báo cáo kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2011, có báo cáo thẩm tra để cho thấy sự tiếp nối của Quốc hội, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình đề nghị cần có báo cáo về Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009, có thảo luận tổ, hội trường và có Nghị quyết về nội dung này…

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đặc biệt quan trọng, giao thoa giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội vì vậy các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Văn phòng Quốc hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của Pháp luật. Kỳ họp sẽ tập trung vào công tác tổ chức, nhân sự của các cơ quan nhà nước, xem xét các báo cáo và quyết định một số nội dung quan trọng như tình hình thực hiện và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011 (có thảo luận tại tổ và hội trường); phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009… và thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Không đưa vào chương trình kỳ họp hai dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Giáo dục đại học cũng như Báo cáo kết quả giám sát việc tổ chức bầu cử, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội.

Dự kiến Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII sẽ được tiến hành trong khoảng 13,5 ngày (trong đó 0,5 ngày họp trù bị). Phiên khai mạc được ấn định vào ngày 21/7 và bế mạc vào ngày 5/8/2011. Công tác tổ chức, nhân sự được bố trí trong khoảng 11 ngày./.


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Hội đồng bầu cử


Chiều 30/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp thứ năm Hội đồng Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng bầu cử cho ý kiến vào báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: Trí Dũng)

Báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử do ông Phạm Minh Tuyên, Trưởng ban công tác đại biểu, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử trình bày cho biết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã diễn ra trong không khí dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công tốt đẹp.Tỷ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử đạt rất cao ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước trong đó, có 4 tỉnh cao nhất, đạt 99,99% là Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn.

Thảo luận, đóng góp ý kiến, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng báo cáo cần làm rõ hơn tầm quan trọng của công tác chuẩn bị đã góp phần làm nên thành công của cuộc bầu cử. Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường vụ Quốc hội, cần phải đánh giá vai trò của Hội đồng bầu cử, các tiểu ban giúp việc cho Hội đồng bầu cử, cũng như tổ chức bầu cử các cấp…

Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Quynh đề nghị báo cáo cần đánh giá và làm nổi bật nội dung, ý nghĩa của cuộc bầu cử đã được nhân dân và cử tri cả nước hết sức quan tâm, những kết quả đạt được thể hiện trách nhiệm cao của cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là ý nghĩa của việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cùng trong một thời điểm.

Tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần có sự phân tích, đánh giá để làm rõ hơn tính chất dân chủ, bình đẳng và những kết quả đã đạt được của cuộc bầu cử.

Phát biểu kết luận phiên họp thứ năm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Nguyễn Phú Trọng đánh giá báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử về cơ bản đã phản ánh đúng thực chất của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên, Tổng Bí thư đề nghị trong Báo cáo cần nêu rõ bối cảnh, đặc điểm, yêu cầu, tính chất của cuộc bầu cử lần này, đồng thời làm nổi bật những điểm mới của cuộc bầu cử (bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cùng trong một ngày…).

Trên tinh thần làm rõ hơn về thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đồng chí đề nghị cần có sự phân tích cụ thể kết quả của cuộc bầu cử để thấy được chất lượng của cuộc bầu cử.

Báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên, trước khi trình Thường vụ Quốc hội xem xét vào đầu tháng Sáu tới./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Văn phòng Chính phủ tổ chức tập huấn nghiệp vụ về thủ tục hành chính


Sáng ngày 16-5 tại Đà Nẵng, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC) thuộc Văn phòng Chính phủ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác KSTTHC của 24 bộ, ngành và 10 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên. Đến dự có đồng chí Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Các đại biểu dự khóa tập huấn. Ảnh: S.T

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục KSTTHC nêu mục đích khóa tập huấn nhằm hỗ trợ cho các đơn vị chức năng thuộc bộ, ngành, địa phương thực hiện đánh giá tác động các quy định về TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo 4 tiêu chí: Sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả; nghiên cứu rà soát, đánh giá độc lập các quy định về thủ tục hành chính đã được ban hành để đề xuất phương án đơn giản hóa. Đây là biện pháp nhằm duy trì bền vững kết quả của Đề án 30 về đơn giản hóa TTHC đã thực hiện. Được biết, kết quả bước đầu của Đề án 30 đã kiến nghị đơn giản hóa gần 5.000 trong số 5.400 TTHC của cả nước. Sau khi hiện thực đơn giản hóa TTHC bằng việc sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan sẽ cắt giảm gần 30.000 tỷ đồng chi phí tuân thủ TTHC/năm cho các tổ chức, cá nhân.

Phát biểu tại buổi khai mạc, đồng chí Trần Văn Minh đánh giá cao hiệu quả và lợi ích của Đề án 30. Kết quả thực hiện Đề án 30 tại Đà Nẵng đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư và đưa thành phố liên tục trong 3 năm (2008-2010) dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng chí mong rằng khóa tập huấn sẽ tiếp tục giúp các cán bộ phụ trách công tác KSTTHC phát huy tốt vai trò tham mưu phục vụ CCTTHC.

S.T


(Theo www.nguyenbathanh.com)

An toàn vệ sinh lao động: Thanh tra nhiều, vi phạm không giảm


Nhân tháng An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ năm 2011 (từ ngày 1-3 đến 15-4), Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã thanh tra 19 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật lao động…

Lỗi sai phạm: “vũ như cẩn”!
Trong 19 doanh nghiệp mà đoàn thanh tra đợt này, có 16 đơn vị là công ty cổ phần, 2 công ty TNHH và 1 hợp tác xã. Tổng số lao động đến thời điểm kiểm tra có trên 2 ngàn người, trong đó có gần 500 lao động nữ, chiếm 22% trên tổng số.
Theo cán bộ thanh tra trong đoàn, những lỗi vi phạm năm nay vẫn là những lỗi mà hầu hết các doanh nghiệp đã mắc phải trong những lần kiểm tra trước. Chẳng hạn: Có 8 đơn vị chưa xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc đã xây dựng nhưng chưa đăng ký theo quy định; 5 đơn vị chưa xây dựng và đăng ký thang, bảng lương theo quy định là: Công ty CP XL Bưu điện miền Trung, Công ty CP Xây dựng miền Trung, Nhà máy sản xuất thép Tấn Quốc, Công ty CP XL và CN tàu thủy miền Trung, Công ty CP XD Sông Hồng Đà Nẵng. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến những vi phạm trong việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tranh chấp, đình công trong những năm gần đây do không bảo đảm quyền lợi, thu nhập cho người lao động như thỏa thuận.

Công ty TNHH Daiwa Việt Nam là một trong những đơn vị thực hiện tốt chính sách BHXH cho người lao động.

Hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra lần này không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chưa đúng về công tác an toàn vệ sinh lao động. Đã có 12 doanh nghiệp không thực hiện báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động và tai nạn lao động theo quy định; 8 doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động; 9 đơn vị chưa thành lập hội đồng bảo hộ lao động, 11 doanh nghiệp chưa thực hiện công tác  huấn luyện định kỳ cho lao động đang làm việc… Đặc biệt, trong khi thanh tra, đoàn đã phát hiện 9 thiết bị cần có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn của 4 đơn vị: Công ty TNHH SX&TM Hải Vy, Nhà máy Sản xuất thép Tấn Quốc, Công ty CP Muối và thương mại miền Trung; Công ty CP Dinco nhưng chưa được đăng ký và kiểm định. Bên cạnh đó, còn có 13 đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại. 4 doanh nghiệp là Công ty CP XD giao thông 325, Công ty CP XD miền Trung, Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp nhất và Công ty CP Cơ khí XD công trình 623 tại Đà Nẵng đã chưa cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, 10 đơn vị khác chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ và lưu hồ sơ cho lao động, 15 đơn vị không có cán bộ y tế doanh nghiệp…

Xử lý và tái phạm?
Qua đợt thanh tra này, đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp. Trong đó có 2 đơn vị là Công ty CP Dinco và HTX Sản xuất sắt Thanh Tín bị xử phạt về hành vi vi phạm pháp luật lao động với số tiền 15 triệu đồng; 3 đơn vị khác là Công ty CP XD Sông Hồng Đà Nẵng, Công ty CP XD Bưu điện miền Trung và Công ty CP cơ khí XD công trình 623 tại Đà Nẵng số tiền gần 10 triệu đồng… Ngoài ra, đoàn cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định cũng như áp dụng pháp luật lao động trong các trường hợp cụ thể về lao động, tiền lương, BHXH, công tác an toàn lao động…
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết: “Năm nào Sở cũng tổ chức 2-3 cuộc thanh tra về việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, riêng công tác kiểm tra luôn là công việc thường xuyên. Trong lần thanh tra này, có 1.577 lao động được đóng BHXH (chiếm tỷ lệ cao 99,8%). Đây là con số đáng mừng. Tuy nhiên, các đơn vị cũng vẫn mắc phải những lỗi vi phạm như những lần trước. Hầu hết các doanh nghiệp đều sai sót trong ghi hợp đồng lao động, ảnh hưởng quyền lợi của người lao động. Nhiều tổ chức Công đoàn chưa bảo vệ được quyền lợi cho người lao động”. Như vậy, “đến hẹn lại lên” các đợt thanh, kiểm tra hằng năm không ít nhưng các hành vi vi phạm pháp luật lao động vẫn còn nhiều, quyền lợi của người lao động không được bảo đảm. Đó là bởi chế tài chưa đủ mạnh, mức phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các đơn vị.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

(Theo www.nguyenbathanh.com)