Đó là nhận xét của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận về dự thảo luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại hội trường chiều qua. Và để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả, các đại biểu đề nghị: Trung ương hãy gương mẫu trước.
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư thành uỷ Đà Nẵng) đã thẳng thắn nhận định về tình trạng lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực hiện nay. Ông cho rằng, lãng phí lớn nhất là thời gian, là con người, là đào tạo… Ông ví dụ: Vẫn còn tình trạng đào tạo cử nhân ra thì ngồi đóng dấu, bác sỹ ra trường thì đi bán thuốc…
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) cho rằng, việc sử dụng không đúng người cũng là một hành vi lãng phí. Bà lấy dẫn chứng: “Hôm qua, tôi được biết một thông tin rất buồn. Có một Tiến sĩ ở trường ĐH Xây dựng có luận án được đồng nghiệp quốc tế đánh giá xuất sắc, và đã được ứng dụng thực tế ở nước ngoài nhưng khi về nước ông lại được giao cho việc theo dõi đi muộn về sớm của sinh viên”. Đây là một ví dụ về lãng phí chất xám trong cơ quan nhà nước, bà đề nghị: “Phải nghiên cứu, xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc”.
Về việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong dự thảo luật, đại biểu Vy nhận xét dự thảo luật chưa tập trung vào việc tuyển và sử dụng biên chế, đúng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, tinh giản biên chế… “Tiết kiệm không có nghĩa là gặp việc đáng chi mà không chi, việc đáng làm mà không làm”, bà Vy phát biểu. Chính vì vậy, bà Vy đề nghị Luật nên đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư thành uỷ Đà Nẵng) kể: Cách đây 3 năm, Đà Nẵng mỗi năm chỉ gần 3 tỷ đồng cho cán bộ học tiếng Anh, nhưng sau 3 năm học nhiều cán bộ gặp người nước ngoài nói họ chẳng hiểu gì cả. Trước thực trạng đó tôi đã cho dừng chương trình này.
Về chống lãng phí trong các hội nghị, hội thảo… đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hoá) băn khoăn: Tôi không tin tưởng lắm về quy định này. Theo tôi, Chính phủ cần quy định chi tiết về hội nghị, hội thảo ở từng vùng, miền cho phù hợp về thời gian, đối tượng tham gia… Đại biểu Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) lại nhìn nhận sự lãng phí ở các cuộc hội nghị, hội thảo dưới một góc độ khác, ông buồn rầu nói: “Có hội nghị tập trung đại biểu của tất cả các tỉnh trong cả nước, vậy mà chỉ có mỗi một văn bản báo cáo và một vài ý kiến phát biểu, như thế là rất lãng phí”.
Về tình trạng xây trụ sở cơ quan, mỗi nơi một kiểu, đại biểu Nguyễn Văn Mễ (Thừa Thiên Huế) đưa ra dẫn dụ: “Nhiều hội trường lớn của các cơ quan xây rất to, nhưng cả năm chỉ sử dụng có 5, 6 lần mà hàng tháng vẫn phải mất tiền bảo dưỡng, điện, nước. Nên chăng nên xây trụ sở hành chính tập trung, mở rộng hệ thống thông tin để tiết kiệm chống lãng phí”. Ông cũng đề nghị nên sớm triển khai áp dụng luật này để khắc phục tình trạng lãng phí như hiện nay.
Thực hành tiết kiệm: Trung ương hãy gương mẫu trước!
Đánh giá về thực trạng thực hành tiết kiệm, đại biểu Nguyễn Bá Thanh ta thán: “Tám năm qua, tôi không thấy bộ, ngành nào tổng kết tiết kiệm, chống lãng phí mà chỉ nói chung chung, không đánh giá được gì. Tôi không biết, Trung ương, địa phương lãng phí nhiều hay ít. Nhưng kinh nghiệm cho thấy Trung ương phải gương mẫu trước, địa phương gương mẫu sau”.
Ông Thanh nhận xét: Cả bộ luật này tôi thấy chỉ có chế tài về hành chính, không thấy xử lý về hình sự. Theo ông Thanh, nếu không nghiêm khắc trong việc xử lý những cá nhân sai phạm trong thực hành tiết kiệm thì sẽ rất khó kiểm soát tình trạng này.
Về việc tổ chức thực hiện chế độ sử dụng phương tiện đi lại theo các chức danh, chức vụ, mặc dù Chính phủ đã có quy định nhưng theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) thì vẫn chưa đúng, chưa đủ và chưa sát với thực tế, bà dẫn giải: Hiện nay, Chính phủ quy định, người có chức danh, chức vụ cao thì đi xe tốt, xe nhiều tiền, người có chức danh, chức vụ thấp hơn thì đi xe ít tiền hơn (chắc chắn là nhanh hỏng hơn) nhưng thực tế người có chức danh cao ít đi hơn, đường đi cũng tốt hơn, người có chức danh thấp đi nhiều hơn, đường đi cũng xấu hơn (đường huyện, xã chắc chắn xấu hơn đường quốc lộ), nên qui định như vậy là chưa thực tế”. Bà đề nghị: “Nên trang bị phương tiện đi lại theo chức danh, chức vụ kết hợp với địa bàn công tác”.
Đại biểu Phạm Thế Duyệt tỉnh Hải Dương nhận định hậu quả của lãng phí không hề kém tham nhũng. Đề cập đến sự lãng phí trong các đề tài nghiên cứu khoa học, ông đề nghị: “Với các đề tài nghiên cứu khoa học mặc dù có chất lượng nhưng không sử dụng, để lãng phí thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Nên chăng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng lo cả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Đức Hoà – Hồng Hạnh
(Theo website Nguyễn Bá Thanh)