Hiển thị các bài đăng có nhãn Kinh tế. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Kinh tế. Hiển thị tất cả bài đăng

Văn phòng đại diện Đà Nẵng tại Nhật Bản : nhịp cầu đầu tư vào Đà Nẵng


Liên tiếp trong nhiều năm qua, quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa Đà Nẵng – Nhật Bản diễn ra thường xuyên, bất chấp những khó khăn sau thảm họa động đất và sóng thần. Có được điều này là từ sự đóng góp của Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản (VPĐD) và đây là nhịp cầu đầu tư từ Nhật vào thành phố.

Nhật ký nhịp cầu đầu tư

Ngày 13-5, Đoàn Hiệp hội NPO Hữu nghị Nhật-Việt vùng Kansai do ông Nishimura Teiichi – Chủ tịch Hiệp hội kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Osaka và là Tổng Giám đốc Công ty Sakura Lepas làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng. Ông Nishimura cho biết mục đích chuyến thăm của đoàn là góp phần vun đắp tình hữu nghị đã được xây dựng và phát triển trong nhiều năm qua và tăng cường quan hệ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế giữa 2 nước Việt Nam – Nhật Bản, giữa Đà Nẵng với vùng Kansai nói riêng. Cũng theo ông Nishimura, trong thành phần đoàn có sự tham gia của đại diện các tập đoàn lớn đến từ vùng Kansai, điều này thể hiện phía Kansai rất quan tâm đến tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư tại Đà Nẵng. Ông đặc biệt nhấn mạnh cộng đồng các DN Nhật Bản hết sức mong muốn đường bay trực tiếp Osaka – Đà Nẵng nhanh chóng được thiết lập, qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại từ vùng Kansai – Nhật Bản đến Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai bên.

Khách du lịch Nhật Bản tìm hiểu Đà Nẵng qua vietnamairline tại Osaka.

Khách du lịch Nhật Bản tìm hiểu Đà Nẵng qua vietnamairline tại Osaka.

Ngày 17-5, ông Takahashi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tokai Kogyo đã dẫn đầu đoàn công tác đến Đà Nẵng để xúc tiến đầu tư sản xuất vào Đà Nẵng với tổng vốn 20 triệu USD. Ông Takahashi cho biết, tập đoàn Tokai Kogyo chuyên sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng cơ khí để cung cấp cho các hãng sản xuất ô-tô như Toyota, Nissan, BMW. Hiện tập đoàn có nhà máy sản xuất tại Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Việc đầu tư vào Đà Nẵng là địa điểm chiến lược trong phát triển của Tokai Kogyo bất chấp những khó khăn về kinh tế.

Và mới đây, ngày 24-6, Đoàn cán bộ Hội Nông nghiệp thành phố Yaizu (Nhật Bản) gồm 18 thành viên, do ông Uchida Masayuki, Chủ tịch Hội Nông nghiệp thành phố làm trưởng đoàn, đã đến Đà Nẵng. Mục đích của đoàn là tìm hiểu về tình hình phát triển nông, ngư nghiệp của thành phố với kỳ vọng về hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp giữa 2 thành phố.

Được biết, hiện nay có hơn 60 dự án FDI của các DN Nhật Bản đầu tư tại Đà Nẵng với tổng vốn hơn 300 triệu USD. Đà Nẵng cũng đã tiếp nhận hơn 300 triệu USD vốn ODA hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, trong đó nhiều dự án lớn như Hầm đường bộ Hải Vân, nâng cấp Cảng Tiên Sa, đê chắn sóng biển… đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Những hoạt động tại Nhật Bản

VPĐD thành phố Đà Nẵng đang vận động dự án ODA về xử lý nước thải tại các khu công nghiệp với số vốn đầu tư dự kiến 100 triệu USD. Trong đó, trước mắt tập trung dự án ODA xử lý nước thải Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với số vốn 14,9 triệu USD, vận động xây dựng Nhà đại đoàn kết hỗ trợ dân nghèo, vận động dự án phi chính phủ (NGO) từ Nhật Bản.

Năm 2010, VPĐD đã tổ chức 5 đoàn tham gia các hoạt động xúc tiến, giới thiệu quảng bá Đà Nẵng thông qua các Hội chợ, Tuần lễ văn hóa tại Nhật Bản và 3 đoàn đại diện thành phố công tác tại Nhật Bản; đón tiếp và hướng dẫn 54 đoàn khách Nhật Bản với tổng số 252 lượt người, hỗ trợ 9 DN Nhật Bản thành lập công ty tại Đà Nẵng với số vốn đăng ký 15.823.689 USD. Ngoài ra, VPĐD còn tham gia tổ chức các hoạt động giao lưu với nước ngoài về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao; ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế với các địa phương Nhật Bản như Biên bản ghi nhớ về hợp tác giao lưu với thành phố Sakai; tăng cường hợp tác với Kawasaki; triển khai hợp tác với Nagasaki; hợp tác với thành phố Mitsuke, thành phố Kobe; Chương trình Citynet và hiện ký kết thỏa thuận giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Tổ chức JICA… “VPĐD cũng đã tham dự và phối hợp thực hiện 4 chương trình quảng bá du lịch; tổ chức đón tiếp 4 đoàn Famtrip gồm các công ty lữ hành nổi tiếng như JTB, NTA, KNT, Nokyokanko… sang khảo sát tuyến điểm, cơ sở vật chất tại Đà Nẵng.

Đã đón tiếp 2 đoàn Presstrip cho 10 phóng viên Nhật sang viết bài giới thiệu về du lịch Đà Nẵng và miền Trung; triển khai biên tập và xuất bản 10.000 bản đồ giới thiệu du lịch và Khu công nghiệp bỏ túi bằng tiếng Nhật phát miễn phí cho du khách và các DN Nhật; tổ chức giảng dạy lớp hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật cho 82 học viên để chuẩn bị nhân lực cho đường bay trực tiếp Nhật Bản – Đà Nẵng”, ông Mai Đăng Hiếu, Phó trưởng VPĐD thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản, cho hay.

Với mục đích cung cấp đầy đủ thông tin về môi trường đầu tư – du lịch của Đà Nẵng, VPĐD đã biên tập và phát hành 15.000 cuốn tập gấp bằng tiếng Nhật và tiếng Việt. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng và Tổ chức JETRO tiếp tục đưa Đà Nẵng vào danh sách 30 thành phố tại châu Á được chú ý nhất của các DN Nhật năm 2010.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Hiệp định FTA Việt Nam-EU đem lại lợi ích cho cả hai bên


Sáng 8/7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu (EuroCham) tổ chức Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư” nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp/hiệp hội các thông tin cập nhật, chia sẻ các kinh nghiệm về FTA, những tác động và hiệu quả mà FTA sẽ mang lại.

May hàng xuất khẩu tại Tổng công ty Dệt may Gia Định.

May hàng xuất khẩu tại Tổng công ty Dệt may Gia Định.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, với giá trị xuất khẩu sang EU chiếm 16% GDP của cả nước (tương đương với 14.9 tỷ USD), EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Có thể khẳng định rằng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ mang lại lợi ích song phương cho cả Việt Nam và EU.

Nói về lợi ích tiềm năng từ FTA, ông Juan-Jose Almagro Herrador, Cố vấn kinh tế và chính trị, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, sẽ hạ thấp thuế quan của EU, đặc biệt là những lĩnh vực chủ chốt như dệt may, thủy sản, da giày; hạ thấp thuế quan của Việt Nam, theo đó Việt Nam nhập khẩu từ EU với giá rẻ hơn; nhập khẩu các dịch vụ chất lượng cao của EU dường như có thể giúp nền kinh tế địa phương tăng khả năng cạnh tranh trong dài hạn.

Ông nhấn mạnh, tham gia vào FTA sẽ còn tăng đầu tư của EU vào Việt Nam, tăng sự đa dạng hóa trong đối tác thương mại tại Việt Nam và Việt Nam sẽ đạt được vị thế tốt hơn trên thị trường EU.

Tiến sỹ Đinh thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

FTA Việt Nam-EU dự báo sẽ là một cam kết mở cửa thị trường mạnh và sâu trong hầu hết các lĩnh vực thương mại, tác động nhiều mặt đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ là chuyển dịch ngành phân phối-bán lẻ từ quy mô, khái niệm, cấu trúc, hệ thống và tập quán kinh doanh truyền thống sang một ngành thương mại hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người tiêu dùng.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Giữ nguyên kế hoạch khai thác dầu khí ở biển Đông


Để hoàn thành mục tiêu sản lượng khai thác quy dầu đạt 23 triệu tấn trong cả năm 2011, trong 6 tháng cuối năm, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ phối hợp với các nhà thầu khai thác dầu khí đưa 5 mỏ dầu khí vào khai thác nhằm gia tăng sản lượng khai thác dầu khí.

nguyen ba thanh

Ảnh Minh Họa

Ông Phùng Đình Thực, Tổng Giám đốc PVN đã cho biết kế hoạch khai thác dầu khí trên của PVN tại buổi giao ban trực tuyến sản xuất và kinh doanh ngày 5-7.

Ông Thực cũng khẳng định, việc PVN đang tìm kiếm thăm dò dầu khí trên biển Đông là hoàn toàn thuộc về quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hiện PVN đang phối hợp với các ngành liên quan thực hiện đúng kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí trên biển.

Bên cạnh việc đưa vào khai thác 5 mỏ dầu khí mới, Tổng Giám đốc PVN cho biết, PVN sẽ thực hiện tốt chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” nâng cao hơn nữa năng lực của các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành để phát huy nội lực, tăng cường ưu tiên sử dụng dịch vụ/hàng hóa trong ngành, trong nước phục vụ các hoạt động dầu khí.

Ông Thực cũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm, PVN sẽ cho ra 3 sản phẩm mới gồm: Giàn khoan tự nâng 90m nước lần đầu tiên đóng tại Việt Nam, sản phẩm xơ sợi phục vụ ngành dệt may và sản phẩm nhiên liệu sinh học Ethanol.

PVN đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất chủ yếu 6 tháng đầu năm, trong đó chỉ tiêu tài chính tăng cao so với cùng kỳ 2010.

Cụ thể, tổng doanh thu sáu tháng của PVN đạt 340.000 tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch năm 2011 và tăng 45% so với cùng kỳ 2010.

Theo PVN, doanh thu 6 tháng của tập đoàn tăng mạnh so với 2010 là nhờ sự đóng góp lớn của doanh thu từ bán dầu đạt 6,05 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ 2010. Mặc dù lượng dầu xuất bán không tăng nhưng nhờ giá dầu bình quân sáu tháng đạt 115 USD/thùng, tăng 34 USD/thùng so với 2010 nên doanh thu từ bán dầu vẫn tăng mạnh.

Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ dầu khí tiếp tục được đẩy mạnh đã mang lại doanh thu 94.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ 2010 và chiếm 28% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Nhờ doanh thu tăng cao, nộp ngân sách của PVN đạt 75.000 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2010, góp phần quan trọng thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu SCIC đầu tư những ngành then chốt của nền kinh tế


Chiều 31/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng làm việc với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chú trọng vào đầu tư hạ tầng và các ngành nghề sinh lợi, đặc biệt là những ngành nắm giữ vị trí then chốt của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu SCIC tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá.

Báo cáo về các hoạt động của SCIC, Tổng Giám đốc Lại Văn Đạo cho biết, từ khi chính thức hoạt động (1/8/2006), tính đến nay SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 933 doanh nghiệp (DN), giá trị vốn nhà nước là 7.540 tỷ đồng.

Sau khi bán vốn nhà nước tại các DN, đồng thời thành lập, góp vốn tại một số DN, hiện nay SCIC đang quản lý danh mục đầu tư gồm 469 DN, giá trị phần vốn nhà nước là 12.600 tỷ đồng, giá trị thị trường ước đạt 33.000 tỷ đồng.

Một trong những nhiệm vụ chính SCIC đang thực hiện là tái cơ cấu, bán vốn nhà nước tại các DN. Tổng số DN đã thực hiện bán vốn thành công là 499 (trong đó bán hết 455 DNp, bán bớt 44 DN), thu về cho Nhà nước 2.585 tỷ đồng.

Theo tính toán, tổng số tiền bán vốn đã thu về và dự kiến thu về đến năm 2012 khoảng 7.800 tỷ đồng. SCIC sẽ sử dụng số tiền này đầu tư vào các dự án trong các ngành, lĩnh vực then chốt, các sự án lớn, quan trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đầu tư linh hoạt để tăng trưởng nguồn vốn Nhà nước.

SCIC cần chú trọng đầu tư vào các ngành then chốt

Trọng tâm ưu tiên đầu tư của SCIC thời gian tới hướng tới hỗ trợ sự phát triển của hạ tầng kinh tế gồm các dự án hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ, đường biển, cảng biển, hàng không, các dự án năng lượng; đồng thời, tập trung vào mục tiêu tăng trưởng vốn khác gồm những lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao và ổn định, đảm bảo việc tạo ra giá trị gia tăng cho vốn Nhà nước. Một số lĩnh vực trọng tâm như cơ khí, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp nông thôn, điện tử tin học, môi trường, bệnh viện, hợp tác đầu tư với nước ngoài…

Đánh giá về các hoạt động của SCIC, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, SCIC đã tiếp quản một số lượng doanh nghiệp khá lớn và làm tốt việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, đem lại cho nguồn lợi cho ngân sách nhà nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các DN Nhà nước cần tiến tới đổi mới hoạt động theo hướng đầu tư vào các ngành trọng yếu, hình thành các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đa sở hữu nhưng có vốn nhà nước chi phối. Đây là con đường các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần hướng đến.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh những việc SCIC cần làm trong thới gian sắp tới là tiếp tục nhận DN về, hạn chế bán bớt DN, xúc tiến việc thực hiện bán hết, tiến tới việc đưa các DN lên thị trường chứng khoán đấu giá 100%. Phó Thủ tướng yêu cầu SCIC tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá, chú trọng vào đầu tư hạ tầng và các ngành nghề sinh lợi, đặc biệt là những ngành nắm giữ vị trí then chốt.

Thu Cúc

http://nguyensinhhung.com


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Phát triển vùng đô thị Tây Bắc Đà Nẵng


Từ thế mạnh địa hình tự nhiên, khu vực đô thị Tây Bắc thành phố đang đẹp lên từng ngày sau khi hàng loạt các dự án phát triển hạ tầng đô thị đã và đang triển khai như đường tránh quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất, Khu công nghiệp Công nghệ cao… và hàng loạt các dự án khu đô thị mới, tạo nên một sức hút về đầu tư phát triển nơi đây.

Thi công hạ tầng khu đô thị sinh thái Tân Hải Doanh.


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Liên kết kinh tế các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên


Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, hợp tác và liên kết kinh tế đang ngày càng trở nên bức thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.

Một trong những mục tiêu chính của liên kết kinh tế là phối hợp hoạt động của các bên nhằm tận dụng thế mạnh, lợi thế so sánh của nhau, đồng thời khắc phục những điểm yếu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực có hạn, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí để tạo ra những lợi ích lớn hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn. Nhờ vậy, các đối tác tham gia có thể thiết lập được một không gian kinh tế rộng lớn hơn, hiệu quả hơn cho các hoạt động kinh tế. 

Các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên cần liên kết để phát huy tiềm năng kinh tế biển. TRONG ẢNH: Cảng Tiên Sa đón khách quốc tế.

Miền Trung-Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế tạo điều kiện cho việc mở rộng giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế với nhiều vùng trong nước và quốc tế. Đây là khu vực có vị trí kinh tế chiến lược, nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thuận lợi để xây dựng cảng biển, sân bay quốc tế gần đô thị lớn… tạo cơ hội cho khu vực này phát huy được vai trò và vị trí của mình trong hội nhập kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển mạnh khoa học-công nghệ.

Trong cuộc hội thảo về “Hợp tác kinh tế khu vực miền Trung-Tây Nguyên” được tổ chức vừa qua, TS Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, nhận định: Liên kết, hợp tác kinh tế có vai trò to lớn, tác động tích cực đến sự phát triển của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Hợp tác và liên kết kinh tế là yêu cầu cần thiết đòi hỏi phải hình thành sớm nhằm giúp từng địa phương và toàn khu vực tăng tốc, phát triển bền vững.
Ông Phạm Bắc Bình, Giám đốc Công ty CP vận tải Bình Vinh, Đà Nẵng, nói: “Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên chưa vươn lên mạnh mẽ là do thiếu sự hợp lực, thiếu chia sẻ thông tin về khả năng của mỗi doanh nghiệp. Chúng tôi rất cần có sự hợp tác, liên kết kinh tế chặt chẽ giữa các tỉnh với nhau để chủ động trong nguồn hàng, sản phẩm. Ngay chính tại doanh nghiệp vận tải chúng tôi, hằng ngày nếu xe tải chở hàng lên một chuyến, thay bằng về xe không, nếu có sự hợp tác, chúng tôi sẽ chủ động nguồn hàng quay về lại. Lúc đó, mọi chi phí về xăng dầu, nhân công được tiết kiệm hơn, đồng nghĩa với việc giá thành vận tải sẽ hạ, tạo thuận lợi cho cả nhà xe và khách hàng”.
Mặc dù liên kết, hợp tác kinh tế là kết quả tất yếu, song thực tế vấn đề này tại miền Trung-Tây Nguyên còn nhiều rào cản. Một trong những rào cản đó là sự đánh đổi giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng. Do đặc điểm của các tỉnh ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên có những điểm khá tương đồng, đều có điều kiện phát triển và nhu cầu đầu tư khá giống nhau, trong khi đó, hầu hết các địa phương đều có xuất phát điểm thấp, nhu cầu tăng tốc phát triển trở nên bức thiết, dẫn đến việc chia sẻ lợi ích một cách công bằng trong một không gian kinh tế vượt khỏi các ranh giới hành chính vẫn gặp nhiều khó khăn. Không những thế, các doanh nghiệp vẫn còn hiện tượng chạy theo thành tích trong quản lý kinh tế như tốc độ tăng trưởng GDP nhanh, thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thành lập mới nhiều khu công nghiệp… dẫn đến những lực cản trong quá trình hợp tác, liên kết kinh tế. Đặc biệt, khu vực miền Trung-Tây Nguyên vẫn còn thiếu một trung tâm mạnh đóng vai trò là hạt nhân liên kết.
Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty giày BQ, cho rằng: Một trong những điểm yếu hiện nay của các doanh nghiệp miền Trung là việc tạo dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, trưng bày sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, mặc dù nhiều doanh nghiệp ở miền Trung-Tây Nguyên có những sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp, có khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường, song người tiêu dùng trong và ngoài nước lại chưa biết nhiều.
Trước những yêu cầu cấp thiết về hợp tác, kiên kết kinh tế giữa các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, cũng như qua phân tích những thế mạnh, rào cản, theo TS Hồ Kỳ Minh, các địa phương thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên nên có những định hướng trong việc hợp tác, liên kết. Có thể tiến hành hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế; hợp tác xây dựng không gian du lịch thống nhất; phát triển chuỗi logistic gắn kết các khâu sản xuất, lưu thông, giao nhận, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa; hợp tác giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế hay liên kết phát triển công nghiệp chế biến giúp các địa phương tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu; hợp tác giữa các địa phương có thế mạnh về hệ thống các trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề với các địa phương khó khăn hơn để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội… Tuy nhiên, để bảo đảm thành công, cần phải có một môi trường chính sách minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần tham gia liên kết, hợp tác kinh tế không chỉ các doanh nghiệp mà cần cả sự liên kết giữa chính quyền các tỉnh với nhau.
Bài và ảnh: Thanh Tình
Nguồn: BĐN

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “VN huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình”


Sáng 5-5, Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cùng với việc huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên.

Phát biểu khai mạc hội  nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, những thành tựu của 25 năm đổi mới (1986-2011) đã đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Kinh tế tăng trưởng bình quân 7,26%/năm trong 10 năm qua, tỷ lệ đói nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống dưới 10% năm 2010, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt. Việt Nam đã hoàn thành và vượt trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: AFP)

Trong quá trình phát triển, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn và kịp thời của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, trong đó có ADB, cả về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, ủng hộ và tư vấn chính sách. Tính đến tháng 3 năm 2011, ADB đã cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 10 tỷ USD cho hơn 100 chương trình và dự án, tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn, năng lượng và giáo dục.

Ghi nhận và đánh giá cao những hỗ trợ thiết thực của ADB dành cho Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam vui mừng luôn có một người bạn đồng hành là ADB; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả cao nhất nguồn vốn hỗ trợ từ ADB.

Thủ tướng nhấn mạnh thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, Việt Nam xác định những nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa đột phá là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng hiện đại.

Việt Nam đang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Năm năm tới sẽ là giai đoạn kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm; thu nhập khu vực nông thôn tăng khoảng 2 lần so với năm 2010, vì mục tiêu phát triển hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, xã hội.

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng theo Thủ tướng, hiện nay Việt Nam vẫn là một nước nghèo, trong chặng đường phát triển phía trước còn rất nhiều khó khăn. Cùng với việc huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên.

Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực còn đối mặt với nhiều thách thức (Ảnh: AFP)

Chúc mừng Việt Nam đã bước vào ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực còn đối mặt với nhiều thách thức, cho dù châu Á đang gia tăng vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông Kuroda, trước mắt, các nước châu Á sẽ chịu ảnh hưởng ngắn hạn của thảm họa sóng thần tại Nhật Bản. Sau khi tăng trưởng bình quân 9% trong năm ngoái, các nước đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng chậm lại với tốc độ dự kiến 7,8% năm nay và 7,7% trong năm tới. Lạm phát sau khi duy trì ở mức thấp 4,4% trong năm ngoái, năm nay sẽ bùng phát trở lại do sự tăng trưởng nóng ở một số nền kinh tế và cú sốc giá lương thực, nhiên liệu.

“Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc cẩn trọng các biện pháp kiểm soát lạm phát bởi những công dân nghèo nhất trong các quốc gia sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi điều này”, Chủ tịch ADB khuyến cáo và không quên nhắc lại thực tế là châu Á hiện còn hàng trăm triệu người thuộc diện nghèo nhất thế giới. Vấn đề lạm phát đã được ông Kuroda và nhiều diễn ra khác đề cập tại nhiều phiên thảo luận trước đó của ADB, như một trong những thách thức lớn nhất của châu Á hiện nay.

Trong bài phát biểu của mình, ông Kuroda đã gợi ý 5 vấn đề chủ chốt đóng vai trò thiết yếu nhằm khai thông tiềm năng phát triển của khu vực như: nâng cao vai trò lãnh đạo và cam kết quản trị điều hành hợp lý, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư khổng lồ, cải tổ hệ thống tài chính, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đồng thời gia tăng hợp tác và hội nhập khu vực.

Theo tính toán của ông Kuroda, từ nay đến 2020, mỗi năm châu Á cần khoảng 750 tỷ USD cho đầu tư phát triển hạ tầng, kể cả phần cứng lẫn phần mềm. Trước đó, Việt Nam cho biết sẽ cần 300 tỷ USD vốn đầu tư trong 5 năm tới, trong khi Ấn Độ cho biết số vốn cần trong 10 năm là 3.000 tỷ USD.

“Đầu tư phát triển hạ tầng đang thiếu hụt hiện nay là chìa khóa để đạt được sự tăng trưởng bền vững”, ông nhấn mạnh.

Theo TTXVN, nguyentandung.org


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Khu phức hợp của Tập đoàn Thiên Thanh khu vực sân vận động Chi Lăng


Đà Nẵng đang diễn ra một làn sóng đầu tư mới khi hàng loạt các dự án khu đô thị sinh thái được khởi động tạo ra sức lan tỏa đô thị về phía đông, phía nam, phía tây bắc. Song cùng với các khu đô thị mới là những dự án phức hợp – thương mại – dịch vụ cao cấp đã và đang thực sự nâng tầm đô thị Đà Nẵng. Dự án tạo ra nhiều sự khác biệt đang được người dân thành phố quan tâm là khu phức hợp – thương mai – dịch vụ cao cấp Thiên Thanh (thuộc khu vực sân vận động Chi Lăng) có tổng vốn đầu tư 750 triệu USD.

Phác thảo mô hình dự án Khu phức hợp thương mại tại khu vực sân vận động Chi Lăng.

Tầm nhìn

Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, việc triển khai quy hoạch và cho phép đầu tư dự án tại khu vực sân vận động Chi Lăng thực sự có tầm nhìn và sự đột phá trong quy hoạch. Riêng với việc di chuyển sân vận động Chi Lăng đã có không ít dư luận phản biện nhưng hãy nhìn vào những thành quả trong đầu tư phát triển đô thị suốt gần 14 năm qua đã cho thấy sự chuyển mình đi lên mạnh mẽ của đô thị Đà Nẵng. Hải Châu là quận trung tâm của thành phố nhưng chưa có dự án công trình đầu tư xứng tầm. Việc thống nhất di dời giải tỏa, đưa sân vận động ra ngoại thành, người dân Hải Châu ý thức được vai trò của địa phương trong nỗ lực xây dựng một vị thế mới. Hiện công tác giải tỏa, bố trí tái định cư cho người dân diễn ra đúng tiến độ. Riêng kinh phí đền bù giải tỏa gần 200 tỷ đồng.

Cũng theo ông Lê Anh, đặc thù của dự án là phải giải tỏa các hộ ở mặt tiền các trục đường lớn vốn có lợi thế trong kinh doanh nên công tác giải tỏa bước đầu gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên sau quá trình phổ biến chủ trương, nắm bắt tình hình trong dân, về cơ bản, người dân đồng thuận theo chủ trương quy hoạch của thành phố. Mọi công tác liên quan đến giải tỏa, đền bù được thực hiện công khai, minh bạch. Quận sẽ bám sát tất cả mọi vấn đề liên quan đến tái định cư không để người dân chịu thiệt thòi.

Xây dựng “nóc” nhà thành phố với 750 triệu USD

Tiến sĩ Võ Kim Cương, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Tập đoàn Thiên Thanh – đơn vị chủ đầu tư dự án – cam kết sẽ cụ thể hóa tầm nhìn quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng của thành phố Đà Nẵng. Với nguồn vốn đầu tư 750 triệu USD, dự án này là một trong nhiều dự án khác mà Tập đoàn Thiên Thanh đã và đang triển khai tại Đà Nẵng, nơi đây sẽ xây dựng hàng loạt các tòa tháp cao tầng, trong đó tòa tháp trung tâm cao từ 50 – 60 tầng, chưa kể các tầng hầm. Tập đoàn Thiên Thanh đã tiếp nhận khai thác khách sạn Green Plaza đường Bạch Đằng – Trần Phú và đang có kế hoạch mở rộng dự án về phía nam giáp với chân cầu Rồng.

Ở hướng đầu tư khác, Tập đoàn Thiên Thanh cũng triển khai dự án Trung tâm dịch vụ ô-tô cao cấp tại đường Trường Chinh với diện tích 2ha. Ông Nguyễn Tấn Vạng, Giám đốc dự án cho hay, sẽ cụ thể hóa các bước đầu tư với mục tiêu đến năm 2016 đưa công trình vào sử dụng. Năm 2012, bước đầu Tập đoàn Thiên Thanh đầu tư và khai thác khu vực 4 mặt tiền các trục đường chính với các dịch vụ thương mại, dịch vụ ô-tô, kinh doanh vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, điện máy, căn nhà mẫu. Dự án có 6 phân khu chức năng gồm: Trung tâm thương mại, Trung tâm hội nghị, trường học quốc tế, bệnh viện, khách sạn, văn phòng, nhà ở với tổng diện tích sàn lên đến 1 triệu m2.

Tập đoàn Thiên Thanh đang tuyển chọn các phương án thiết kế và tìm kiếm đối tác quốc tế tư vấn quản lý dự án, triển khai thi công.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến về cở sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra thông báo đồng ý bổ sung Dự án Phát triển cở sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào danh mục dự án nhóm A thuộc kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011 của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trên cở sở tổng mức vốn đã giao tại Quyết định 2145/QĐ-TTg ngày 23/11/2010.

Mô hình Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập và xây dựng từ năm 1998 với tổng diện tích gần 1.600 ha. Hiện, Khu Công nghệ đang là một trong những địa điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Được biết, Ban Quản lý Khu Công nghệ đã thu hút được 52 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư lên tới 1,3 tỷ đô la Mỹ. Hiện nay có 13 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ đi vào hoạt động và 6 dự án đang trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, một loạt các dự án tiềm năng đang được chờ xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Trong năm 2011, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc dự kiến thu hút khoảng 12-15 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1 tỷ đô la Mỹ.

Quốc Hà

Nguồn: http://nguyentandung.org/y-kien-thu-tuong/y-kien-thu-tuong-nguyen-tan-dung-ve-phat-trien-co-so-ha-tang-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac.html


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Đà Nẵng bao giờ xây lại Trung tâm Thương nghiệp chợ Cồn?


Không chỉ có tiểu thương buôn bán ở Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng (chợ Cồn) mà ngay cả người dân và du khách hằng ngày đến chợ mua sắm đều có chung tâm trạng lo lắng về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của chợ.

Ông Huỳnh Ngọc Quý, Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Cồn cho biết, hiện khu chợ này có hơn 2.000 hộ kinh doanh với đủ các mặt hàng, chưa kể đến lượng người ra vào chợ mua sắm mỗi ngày ước khoảng 10.000 lượt. Tính ra mỗi năm, các hộ kinh doanh ở chợ Cồn đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng và hiện tình hình buôn bán ở đây vẫn diễn ra rất nhộn nhịp, bất kể những năm gần đây có sự xuất hiện hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại tại Đà Nẵng.
“Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khu chợ này đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động buôn bán của tiểu thương”, ông Quý nói.

Năm 2010, thành phố và tiểu thương đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để sửa chữa chợ Cồn.

Ông Quý cho biết, công trình xây dựng chợ Cồn thành Trung tâm Thương nghiệp được chọn là công trình chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, thi công với tiến độ khá nhanh cho kịp thời gian. Qua hàng chục năm sử dụng, hiện tại hầu hết các tòa nhà, đình chợ và nhiều khu vực khác đã bị rạn nứt nhiều chỗ, các điều kiện về hạ tầng như điện, nước, vệ sinh, phòng chống cháy nổ… khó bảo đảm. Chẳng hạn, tòa nhà 3 tầng trước mặt đường Hùng Vương hiện cả bên trong và bên ngoài xuất hiện nhiều vết nứt trên dầm, sàn bê-tông… Theo các hộ kinh doanh ngành hàng vải tại tầng 2, mặc dù chợ xuống cấp nhưng do lợi thế là chợ nằm ở trung tâm thành phố nên hoạt động buôn bán gặp thuận lợi hơn so với các chợ khác. “Thế nhưng buôn bán ở đây cứ như ngồi trên đống lửa. Nếu xảy ra sự cố không biết hậu quả sẽ như thế nào. Mong sao thành phố sớm xây dựng lại chợ càng sớm càng tốt” – chị Lý, chủ quầy kinh doanh hàng vải tại tầng 2 nói.

BQL chợ Cồn cho biết, vào đầu năm 2007, Công ty Quản lý các chợ Ðà Nẵng (nay là Công ty Quản lý Hội trợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng) đã có kiến nghị với thành phố cần khẩn trương xây dựng lại chợ Cồn để bảo đảm an toàn. Và theo kế hoạch này, thiết kế xây dựng chợ được hoàn thành trong năm 2008, tuy nhiên đến thời điểm này, bản thiết kế xây dựng chợ vẫn chưa được phê duyệt. Và để giảm thiểu nguy hiểm, BQL chợ Cồn đã ra quy định khống chế lượng hàng hóa của các hộ buôn bán tại đây, đồng thời hằng năm thành phố cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng để sửa chữa những khu vực hư hỏng.
Riêng năm 2010, khi thông tin về xây dựng  chợ mới chưa biết khi nào sẽ thực hiện, thành phố đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để tiếp tục sửa chữa những khu đình hư hỏng. Ngoài ra, BQL chợ cũng vận động các tiểu thương đóng góp được gần 3 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp những khu vực chợ xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài, nhất thiết phải sớm xây dựng chợ mới. “Vậy khi nào sẽ xây lại chợ Cồn?”, ông Quý trả lời: “Vấn đề này phải chờ thành phố quyết định. Nhưng hiện tại, cả BQL và hàng nghìn tiểu thương kinh doanh tại chợ Cồn đều có chung mong muốn là thành phố nên sớm xây dựng lại chợ Cồn”.
Bài và ảnh: Trọng Hùng

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam – Australia ưu tiên lĩnh vực hợp tác kinh tế


Chiều 13/4 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia Kevin Rudd đang ở thăm và làm việc tại nước ta. Khẳng định tiềm năng hợp tác về kinh tế giữa Việt Nam và Australia còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, dành ưu tiên cho thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong thời gian qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Australia có những bước phát triển hết sức tích cực, đặc biệt từ khi hai bên nhất trí đưa quan hệ lên tầm đối tác toàn diện, phạm vi hợp tác giữa hai nước trên các mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật… ngày càng được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển chung của hai nước, hai dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia Kevin Rudd

Hiện nay, Australia là đối tác thương mại thứ 13 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều mỗi năm, năm 2010 đạt gần 3,8 tỷ USD. Tính đến tháng 3/2011, Australia có gần 240 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,17 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm với Bộ trưởng Kevin Rudd; tin tưởng những kết quả đạt được trong hội đàm sẽ sớm được triển khai thực hiện, qua đó góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Trao đổi về các hoạt động hợp tác cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tiềm năng hợp tác trên các mặt giữa hai nước còn rất lớn, nhất là tiềm năng hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư; đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; dành ưu tiên cho thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước; đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt những con số ấn tượng hơn…

Đi liền với đó, hai bên cần xây dựng cơ chế cụ thể hơn trong việc tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác về giáo dục-đào tạo; khoa học kỹ thuật, văn hóa…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn Bộ ngoại giao của hai nước tăng cường trao đổi nhằm tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Bộ trưởng Kevin Rudd thông báo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng những kết quả chính đạt được trong hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; cho biết, hai bên đã thống nhất nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng, trong đó có việc tăng cường hơn nữa cơ chế đối thoại, trao đổi đoàn ở các cấp; hợp tác trong vấn đề ứng phó với thiên tai; cứu hộ, cứu nạn…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam – Australia ưu tiên lĩnh vực hợp tác kinh tế

Nhấn mạnh, Australia luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam, Bộ trưởng Kevin Rudd khẳng định sẽ nỗ lực cùng với Việt Nam tiếp tục khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của mỗi nước trong hợp tác; phát triển quan hệ giữa hai nước ngày càng tương xứng với tầm đối tác toàn diện.

Bộ trưởng Kevin Rudd cũng mong  muốn, Việt Nam tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Australia sang hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản.

Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc

Nguồn : http://nguyentandung.org/doi-ngoai/thu-tuong-nguyen-tan-dung-uu-tien-linh-vuc-hop-tac-kinh-te-viet-nam-australia.html


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)