Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Tấn Dũng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Tấn Dũng. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp báo cáo kết quả bầu cử


Sáng 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã họp phiên thứ 40 nghe Hội đồng bầu cử báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 và cho ý kiến vào việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp. Cùng dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, tại phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII chủ yếu tập trung cho công tác tổ chức, nhân sự và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; tình hình thực hiện và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.

Phiên họp thứ 40 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XII.

Về công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ đã có văn bản đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về hai dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học sang kỳ họp thứ hai để có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ hơn. Về công tác tổ chức nhân sự, dự kiến chương trình bố trí khoảng 11 ngày để Quốc hội xem xét, quyết định về vấn đề này theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật và trên cơ sở nghiên cứu thông lệ kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nhiệm kỳ trước. Về các vấn đề kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, Quốc hội dành một buổi thảo luận tại tổ và một ngày thảo luận tại Hội trường về nội dung này. Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại Hội trường một buổi về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009…

Cho ý kiến vào nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, đa số Ủy viên Ủy ban nhất trí với nhất dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII và đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về hai dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học sang kỳ họp thứ hai để có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị. Trước một số ý kiến đề nghị chỉ tập trung cho công tác nhân sự và không dành khoảng thời gian 1,5 ngày cho thảo luận về kinh tế – xã hội, các đại biểu cho rằng, đây là kỳ họp quan trọng chủ yếu tập trung cho công tác tổ chức, nhân sự nhưng không vì thế mà không đề cập đến vấn đề kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh xã hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Son, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, trong kỳ họp thứ nhất, Chính phủ cần có báo cáo kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2011, có báo cáo thẩm tra để cho thấy sự tiếp nối của Quốc hội, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình đề nghị cần có báo cáo về Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009, có thảo luận tổ, hội trường và có Nghị quyết về nội dung này…

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đặc biệt quan trọng, giao thoa giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội vì vậy các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Văn phòng Quốc hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của Pháp luật. Kỳ họp sẽ tập trung vào công tác tổ chức, nhân sự của các cơ quan nhà nước, xem xét các báo cáo và quyết định một số nội dung quan trọng như tình hình thực hiện và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011 (có thảo luận tại tổ và hội trường); phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009… và thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Không đưa vào chương trình kỳ họp hai dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Giáo dục đại học cũng như Báo cáo kết quả giám sát việc tổ chức bầu cử, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội.

Dự kiến Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII sẽ được tiến hành trong khoảng 13,5 ngày (trong đó 0,5 ngày họp trù bị). Phiên khai mạc được ấn định vào ngày 21/7 và bế mạc vào ngày 5/8/2011. Công tác tổ chức, nhân sự được bố trí trong khoảng 11 ngày./.


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết 11


Sáng nay (30/5), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo TP. Hồ  Chí Minh về tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm 2011 và đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương.

Với vai trò trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, tuyệt đối không được lơ là trong kiểm soát lạm phát.

 

Thủ tướng làm việc với Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh

Tăng trưởng ổn định, CPI có xu hướng giảm

Báo cáo tại  buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2011, TP. Hồ Chí Minh luôn duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 18,4%; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 22,2%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,4%; giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng 6,1%… Chỉ số CPI của Thành phố có xu hướng giảm (tháng 5/2011 là 2,38%, tháng 4/2011 là 3,16%).

Từ đầu năm đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết việc làm cho 104,3 ngàn lượt lao động, đạt 38,6% kế hoạch, trong đó lao động có việc làm ổn định là 70.800 người. Thị trường vàng và ngoại tệ trên địa bàn Thành phố ít biết động, chênh lệch giá mua bán ngoại tệ giữa các ngân hàng thương mại và thị trường tự do tiếp tục được thu hẹp. So với cuối năm 2010, tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thành phố giảm 2,04%, tổng dư nợ cho vay tăng 4,6%.

Thành phố đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (đạt hơn 200 tỷ đồng); tạm dừng trang bị mới ô tô, tài sản có giá trị lớn (trên 212 tỷ đồng); điều chỉnh giảm vốn (453 tỷ đồng) đối với 95 dự án gặp khó khăn, không triển khai hoặc chậm tiến độ với số vốn điều chỉnh trên 453 tỷ đồng; tạm thời chưa giao vốn cho 115 công trình khởi công mới, 95 công trình chuẩn bị thực hiện, 562 công trình chuẩn bị đầu tư với số vốn 1.654 tỷ đồng. Công tác kiểm soát, quản lý giá cả, bình ổn thị trường được tăng cường và mang lại kết quả tích cực.

Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cũng cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2011 mà TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện trong đó có việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu; tổ chức tốt thị trường nội địa để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng trong nước; tích cực triển khai các chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố trong năm 2011; quan tâm, tạo việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ đôn đốc các chủ  đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đúng kế hoạch đối với các dự án xây dựng từ nguồn ngân sách, các dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với lãnh đạo TP. HCM bên lề cuộc họp

Quyết liệt hơn nữa

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ  tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những kết quả mà TP. Hồ Chí Minh đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội là rất đáng mừng và khá toàn diện; đặc biệt có nhiều chỉ tiêu đạt được cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực với cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội mà Chính phủ đã chỉ đạo, nhất là những nội dung trong Nghị quyết 11.

Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh đã làm tốt việc kiểm soát giá, kiểm soát nhập siêu; tiết kiệm điện, nước… điều này có tác động rất lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu chung của cả nước trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Với tinh thần phát huy cao nhất những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp kiềm chế lạm phát, tuyệt đối không được lơ là trong việc kiểm soát lạm phát.

Theo đó, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát giá cả, dứt khoát không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý bất cứ mặt hàng thiết yếu nào. Kiểm soát tốt tín dụng trên địa bàn, tính thanh khoản, nợ xấu của các ngân hàng cũng như thị trường ngoại hối, thị trường vàng…

Đi liền với đó là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tạo điều kiện về vốn đối với các doanh nghiệp sản xuất ra những sảm phẩm đang có lợi thế, đang có thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu; đồng thời tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu.

Tính toán, xây dựng cơ chế huy động hiệu quả nguồn lực của toàn xã hội trong xây dựng các công trình phúc lợi, dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng của Thành phố cũng như thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội…

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến đối với các nhóm kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh về vốn đầu tư phát triển hạ tầng; cơ chế chính sách đầu tư; quản lý tài chính, điều hành ngân sách…

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất của TP. Hồ Chí Minh về cấp vốn thực hiện Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP. Hồ Chí Minh; vốn cho Khu Công nghệ cao; vốn cho Dự án vệ sinh môi trường Thành phố giai đoạn 2; vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên trên địa bàn Thành phố…

Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc

http://nguyentandung.org


(Theo www.nguyenbathanh.com)

TT Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam


Ngày 24-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã bổ nhiệm ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữ chức Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng quyết định ông Đỗ Hoài Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, tiếp tục làm công tác chuyên môn tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Đài Tiếng nói Việt Nam

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng quyết định ông Phan Sỹ Bình thôi giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

P.V


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công đường hành lang ven biển phía Nam


Ngày 14/5, tại ấp An Ninh, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các vị lãnh đạo Trung ương và địa phương chính thức phát lệnh khởi công đoạn đường tránh TP Rạch Giá và đường Minh Lương – Thứ Bảy thuộc tuyến đường hành lang ven biển phía Tây Nam.

DA có điểm đầu từ Bangkok (Thái Lan) qua Campuchia và kết thúc tại TP Cà Mau với tổng chiều dài 950km. Đoạn đi qua Việt Nam dài khoảng 217km, điểm đầu tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) và kết thúc tại tỉnh Cà Mau, bao gồm một phần của các QL80, 61 và 63. DA được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một của DA đường hành lang ven biển phía Nam có tổng chiều dài xây dựng 108,8km, bao gồm xây dựng mới 81,6km và 18,2km cải tạo nâng cấp đường hiện hữu.

Trong đó có các cầu đặc biệt lớn là vượt sông Cái Lớn và Cái Bé với chiều dài 1.238m. Tổng mức đầu tư của DA là 398 triệu USD (tương đương 8.159 tỷ đồng) từ nguồn ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc; vốn ưu đãi của Ngân hàng phát triển châu Á; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia và đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu phát lệnh khởi công.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Tuyến đường hành lang ven biển phía Tây nằm trong tổng thể tuyến hành lang Đông – Tây nối từ Cà Mau – Việt Nam, qua Campuchia tới Bangkok (Thái Lan). Tuyến đường, đặc biệt quan trọng cả về phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng an ninh; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là trực tiếp thúc đẩy phát triển văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng các địa phương vùng ven biển đất nước, gồm hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau – hai tỉnh có diện tích lớn nhất của ĐBSCL. Đây là tuyến ven biển đầu tiên của đất nước phía Tây mà Nhà nước ta xây dựng nối liền các nước ASEAN.

Thủ tướng đã đánh giá cao và biểu dương chủ đầu tư – Bộ Giao thông vận tải mà trực tiếp là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, các đơn vị tư vấn, nhà thầu và hoan nghênh tỉnh Kiên Giang đã tích cực chuẩn bị nhiều năm, để chính thức khởi công dự án quan trọng này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư, tư vấn, thi công phải thực hiện nghiêm các hợp đồng đã ký; thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư và xây dựng, để dự án được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn, hiệu quả; yêu cầu tỉnh Kiên Giang và các địa phương nằm trong toàn tuyến thực hiện thu hồi đất, đền bù tái định cư, giải phóng mặt bằng đảm bảo cho người dân về nơi ở mới có điều kiện sống tốt hơn.

Dự kiến thời gian hoàn thành 2 dự án là 3 năm, do 2 nhà thầu là Công ty KUKDONG (Hàn Quốc) và Liên danh 3 Công ty Xây dựng Hàn Quốc HANSAHIN – KUKDONG -KEANGNAM thực hiện

Xem video tại đây:



PV


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “VN huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình”


Sáng 5-5, Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cùng với việc huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên.

Phát biểu khai mạc hội  nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, những thành tựu của 25 năm đổi mới (1986-2011) đã đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Kinh tế tăng trưởng bình quân 7,26%/năm trong 10 năm qua, tỷ lệ đói nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống dưới 10% năm 2010, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt. Việt Nam đã hoàn thành và vượt trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: AFP)

Trong quá trình phát triển, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn và kịp thời của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, trong đó có ADB, cả về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, ủng hộ và tư vấn chính sách. Tính đến tháng 3 năm 2011, ADB đã cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 10 tỷ USD cho hơn 100 chương trình và dự án, tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn, năng lượng và giáo dục.

Ghi nhận và đánh giá cao những hỗ trợ thiết thực của ADB dành cho Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam vui mừng luôn có một người bạn đồng hành là ADB; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả cao nhất nguồn vốn hỗ trợ từ ADB.

Thủ tướng nhấn mạnh thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, Việt Nam xác định những nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa đột phá là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng hiện đại.

Việt Nam đang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Năm năm tới sẽ là giai đoạn kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm; thu nhập khu vực nông thôn tăng khoảng 2 lần so với năm 2010, vì mục tiêu phát triển hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, xã hội.

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng theo Thủ tướng, hiện nay Việt Nam vẫn là một nước nghèo, trong chặng đường phát triển phía trước còn rất nhiều khó khăn. Cùng với việc huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên.

Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực còn đối mặt với nhiều thách thức (Ảnh: AFP)

Chúc mừng Việt Nam đã bước vào ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực còn đối mặt với nhiều thách thức, cho dù châu Á đang gia tăng vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông Kuroda, trước mắt, các nước châu Á sẽ chịu ảnh hưởng ngắn hạn của thảm họa sóng thần tại Nhật Bản. Sau khi tăng trưởng bình quân 9% trong năm ngoái, các nước đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng chậm lại với tốc độ dự kiến 7,8% năm nay và 7,7% trong năm tới. Lạm phát sau khi duy trì ở mức thấp 4,4% trong năm ngoái, năm nay sẽ bùng phát trở lại do sự tăng trưởng nóng ở một số nền kinh tế và cú sốc giá lương thực, nhiên liệu.

“Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc cẩn trọng các biện pháp kiểm soát lạm phát bởi những công dân nghèo nhất trong các quốc gia sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi điều này”, Chủ tịch ADB khuyến cáo và không quên nhắc lại thực tế là châu Á hiện còn hàng trăm triệu người thuộc diện nghèo nhất thế giới. Vấn đề lạm phát đã được ông Kuroda và nhiều diễn ra khác đề cập tại nhiều phiên thảo luận trước đó của ADB, như một trong những thách thức lớn nhất của châu Á hiện nay.

Trong bài phát biểu của mình, ông Kuroda đã gợi ý 5 vấn đề chủ chốt đóng vai trò thiết yếu nhằm khai thông tiềm năng phát triển của khu vực như: nâng cao vai trò lãnh đạo và cam kết quản trị điều hành hợp lý, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư khổng lồ, cải tổ hệ thống tài chính, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đồng thời gia tăng hợp tác và hội nhập khu vực.

Theo tính toán của ông Kuroda, từ nay đến 2020, mỗi năm châu Á cần khoảng 750 tỷ USD cho đầu tư phát triển hạ tầng, kể cả phần cứng lẫn phần mềm. Trước đó, Việt Nam cho biết sẽ cần 300 tỷ USD vốn đầu tư trong 5 năm tới, trong khi Ấn Độ cho biết số vốn cần trong 10 năm là 3.000 tỷ USD.

“Đầu tư phát triển hạ tầng đang thiếu hụt hiện nay là chìa khóa để đạt được sự tăng trưởng bền vững”, ông nhấn mạnh.

Theo TTXVN, nguyentandung.org


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thực hiện DOC đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông


Chiều 18/4/2011, tại Trụ sở Chính phủ, tiếp Trung tướng Neo Kian Hong, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa ngài Neo Kian Hong với Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; cho rằng, chuyến thăm sẽ đóng góp thiết thực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, đặc biệt là hai nước đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ phát triển trong thế kỷ 21, kết nối giữa hai nền kinh tế….đang mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên. Hiện Singapore là bạn hàng và là nhà đầu tư lớn của Việt Nam, hợp tác giáo dục, y tế… đang phát triển tốt. Trong những hợp tác chung Việt Nam-Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao hợp tác quốc phòng giữa hai nước, nhất là trao đổi kinh nghiệm, hợp tác về đào tạo, hợp tác hải quân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Trung tướng Neo Kian Hong, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Singapore

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Chính phủ và Bộ Quốc phòng Singapore ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong năm Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên, mở ra chương mới trong việc hợp tác để đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và thế giới. Đề cập về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tự do hàng hải ở biển Đông là phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới.

Do vậy, các bên liên quan cần nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) là giải pháp duy nhất để đảm bảo hòa bình, ổn định, tự do hàng hải ở biển Đông. Đây là lập trường chung của các nước ASEAN, các bên cần kiên trì đám phán để tiến tới Bộ qui tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Trong tiến trình này, quân đội các nước trong khu vực đóng vai trò quan trọng.

Đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trung tướng Neo Kian Hong cho rằng, tự do hàng hải là hết sức quan trọng trong phát triển của các nước trong khu vực. Do vậy, các bên cần thực hiện nghiêm túc Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được ký kết giữa ASEAN với Trung Quốc nhằm đảm bảo ổn định, hòa bình và phát triển ở khu vực và thế giới.Về Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Trung tướng Neo Kian Hong khẳng định sự ủng hộ của Singapore trong việc tăng cường hợp tác quân y, chống khủng bố và cướp biển, cứu hộ, cứu nạn. Nhấn mạnh về quan hệ song phương giữa hai nước, Trung tướng Neo Kian Hong cho rằng, quan hệ hai nước phát triển rất tốt đẹp, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…. mang lại lợi ích cho cả hai bên, trong đó hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng cũng đang triển khai có hiệu quả về đào tạo tiếng Anh, hợp tác hải quân và lục quân, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. 

Trước đó, nhận lời mời của Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Neo Kian Hong, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Singapore sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam đã đến Hà Nội ngày 18/4. Chiều 18/4, sau lễ đón chính thức tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp, hội đàm với Trung tướng Neo Kian Hong, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Singapore và đoàn. Trong không khí cởi mở, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình kinh tế, chính trị-xã hội, quốc phòng-an ninh của mỗi nước và những vấn đề cùng quan tâm.Hai bên thống nhất thời gian tới đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực hải quân, đào tạo tiếng Anh, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, quân y và trên các diễn đàn đa phương, trao đổi đoàn quân sự các cấp; trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, trang bị và công tác huấn luyện chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai; kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân và lực lượng vũ trang hai nước, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác hữu nghị trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới./. 

Thiện Thuật

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến về cở sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra thông báo đồng ý bổ sung Dự án Phát triển cở sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào danh mục dự án nhóm A thuộc kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011 của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trên cở sở tổng mức vốn đã giao tại Quyết định 2145/QĐ-TTg ngày 23/11/2010.

Mô hình Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập và xây dựng từ năm 1998 với tổng diện tích gần 1.600 ha. Hiện, Khu Công nghệ đang là một trong những địa điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Được biết, Ban Quản lý Khu Công nghệ đã thu hút được 52 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư lên tới 1,3 tỷ đô la Mỹ. Hiện nay có 13 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ đi vào hoạt động và 6 dự án đang trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, một loạt các dự án tiềm năng đang được chờ xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Trong năm 2011, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc dự kiến thu hút khoảng 12-15 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1 tỷ đô la Mỹ.

Quốc Hà

Nguồn: http://nguyentandung.org/y-kien-thu-tuong/y-kien-thu-tuong-nguyen-tan-dung-ve-phat-trien-co-so-ha-tang-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac.html


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường


Ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Trong năm tài chính, giá bán điện chỉ được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành.

Theo đó, nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường là thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng.

Từ 1/6, điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường phải được thực hiện công khai, minh bạch. Trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng Quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Ba trường hợp được thay đổi giá bán điện

Quyết định nêu rõ, trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi so với kế hoạch phát điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt, làm giá bán điện tại thời điểm tính toán:

- Giảm từ 5% trở lên so với giá bán điện hiện hành thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh giảm giá bán điện tương ứng.

- Tăng 5% so với giá bán điện hiện hành thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trường hợp sau 5 ngày làm việc mà Bộ Công Thương  chưa có ý kiến trả lời, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện 5%.

- Tăng trên 5% so với giá bán điện hiện hành thì EVN báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài Chính để thẩm định. Sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ mà chưa có ý kiến trả lời, cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/6/2011.

Giá bán điện bình quân là giá bán điện được xác định theo nguyên tắc tính bình quân cho 1 kWh điện thương phẩm, bao gồm 4 thành phần: Giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, chi phí điều hành – quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện (gọi là giá bán điện).

Hoàng Diên

Nguồn: http://nguyentandung.org/doi-song/thu-tuong-nguyen-tan-dung-dieu-chinh-gia-ban-dien-theo-co-che-thi-truong.html


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam – Australia ưu tiên lĩnh vực hợp tác kinh tế


Chiều 13/4 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia Kevin Rudd đang ở thăm và làm việc tại nước ta. Khẳng định tiềm năng hợp tác về kinh tế giữa Việt Nam và Australia còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, dành ưu tiên cho thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong thời gian qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Australia có những bước phát triển hết sức tích cực, đặc biệt từ khi hai bên nhất trí đưa quan hệ lên tầm đối tác toàn diện, phạm vi hợp tác giữa hai nước trên các mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật… ngày càng được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển chung của hai nước, hai dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia Kevin Rudd

Hiện nay, Australia là đối tác thương mại thứ 13 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều mỗi năm, năm 2010 đạt gần 3,8 tỷ USD. Tính đến tháng 3/2011, Australia có gần 240 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,17 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm với Bộ trưởng Kevin Rudd; tin tưởng những kết quả đạt được trong hội đàm sẽ sớm được triển khai thực hiện, qua đó góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Trao đổi về các hoạt động hợp tác cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tiềm năng hợp tác trên các mặt giữa hai nước còn rất lớn, nhất là tiềm năng hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư; đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; dành ưu tiên cho thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước; đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt những con số ấn tượng hơn…

Đi liền với đó, hai bên cần xây dựng cơ chế cụ thể hơn trong việc tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác về giáo dục-đào tạo; khoa học kỹ thuật, văn hóa…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn Bộ ngoại giao của hai nước tăng cường trao đổi nhằm tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Bộ trưởng Kevin Rudd thông báo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng những kết quả chính đạt được trong hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; cho biết, hai bên đã thống nhất nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng, trong đó có việc tăng cường hơn nữa cơ chế đối thoại, trao đổi đoàn ở các cấp; hợp tác trong vấn đề ứng phó với thiên tai; cứu hộ, cứu nạn…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam – Australia ưu tiên lĩnh vực hợp tác kinh tế

Nhấn mạnh, Australia luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam, Bộ trưởng Kevin Rudd khẳng định sẽ nỗ lực cùng với Việt Nam tiếp tục khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của mỗi nước trong hợp tác; phát triển quan hệ giữa hai nước ngày càng tương xứng với tầm đối tác toàn diện.

Bộ trưởng Kevin Rudd cũng mong  muốn, Việt Nam tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Australia sang hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản.

Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc

Nguồn : http://nguyentandung.org/doi-ngoai/thu-tuong-nguyen-tan-dung-uu-tien-linh-vuc-hop-tac-kinh-te-viet-nam-australia.html


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

TT Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ Dự án mua trang thiết bị cho B.V Ung thư TP Đà Nẵng


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý trong Công văn 521/TTg-KGVX ngày 07/04/2011, chủ trương bổ sung Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cần thiết cho Bệnh viện Ung thư TP.Đà Nẵng vào Danh mục các Dự án đầu tư được hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009.

Bệnh viện Ung thư TP Đà Nẵng

Theo đó, Bộ Y tế cần thực hiện các thủ tục cần thiết trình Thủ tướng Chính ph xem xét, quyết định, đồng thời chủ trì nghiên cứu, đề xuất việc mở rộng hình thức đầu tư này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giao UBND TP Đà Nẵng chịu trách nhiệm chỉ đạo việc đầu tư xây dựng và quản lý hoạt động của Bệnh viện theo đúng mục tiêu, nội dung của Dự án được phê duyệt và các quy định pháp luật hiện hành.

Được biết, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đã được khởi công ngày 28/3/2009, tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Bệnh viện được thết kế với quy mô 500 giường bệnh nội trú với 13 chuyên  khoa cấp 1. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2012.

Bệnh viện có chức năng tiếp nhận khám, chẩn đoán, điều trị có hiệu quả mọi bệnh lý ung thư, làm công tác dự phòng bệnh ung thư cho nhân dân TP Đà Nẵng và khu vực Miền Trung, triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học – công nghệ và tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn chuyên ngành ung thư…

Quốc Hà

Nguồn http://nguyentandung.org


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)