Hiển thị các bài đăng có nhãn Dự án. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Dự án. Hiển thị tất cả bài đăng

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp


Chiều 15-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

images727907 TTXVN Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp

Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng tham gia thảo luận ở tổ chiều 15-11. Ảnh: TTXVN

Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn của dự án luật như phạm vi điều chỉnh, quyền yêu cầu giám định của đương sự trong vụ việc dân sự, hành chính; cơ cấu tổ chức, địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức GĐTP; việc xã hội hóa hoạt động GĐTP; về hội đồng GĐTP, kết luận GĐTP và trách nhiệm người đứng đầu tổ chức GĐTP; chế độ đối với người GĐTP; chính sách đối với hoạt động GĐTP; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động GĐTP.

 

Về vấn đề có nên giữ lại bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh hay không, các vị đại biểu Quốc hội có nhiều quan điểm khác nhau.

 

ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng, hoạt động giám định pháp y cần có cơ sở vật chất, đội ngũ bác sĩ giỏi của ngành Y tế. Hiện nay, 63/63 tỉnh đều có pháp y y tế, riêng pháp y công an thì vẫn còn 13 tỉnh chưa có. Theo ĐB, pháp y y tế có cả đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, nên đã đến lúc cần đặt pháp y vào đúng vị trí, đúng chuyên môn như Điều 13, quy định tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm Pháp y tỉnh; Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. ĐB đề nghị luật cần quy định rõ khi có mâu thuẫn giữa kết luận giám định pháp y công lập và tư nhân thì giải quyết thế nào? Đồng thời, ĐB cũng đề nghị quy định rõ việc thành lập hội đồng giám định lại.

 

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) bày tỏ quan điểm nhất trí với quy định tại Điều 1 và Điều 24 dự thảo luật, cho phép các bên đương sự trong vụ án dân sự, hành chính được quyền trưng cầu GĐTP, nhưng đề nghị bổ sung theo hướng cho phép đương sự trong vụ án hình sự cũng được quyền yêu cầu GĐTP nếu yêu cầu đó không liên quan đến vấn đề xác định tội danh hay vấn đề chịu trách nhiệm hình sự. Về xã hội hóa GĐTP, ĐB nhất trí như quy định dự thảo luật. Riêng về Điều 13 dự thảo luật quy định theo hướng bỏ bộ phận giám định pháp y của Công an cấp tỉnh, ĐB đề nghị nên cân nhắc giữ lại như hiện nay, vì lĩnh vực này luật chưa cho xã hội hóa.

 

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng, GĐTP là công cụ quan trọng phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, góp phần giải quyết các vụ án chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Theo ĐB, dự thảo luật có nhiều điểm mới rất cần thiết và quan trọng như đổi mới mô hình tổ chức GĐTP trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; tạo cơ chế đáp ứng yêu cầu giám định hiện nay; có chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với ngành GĐTP; tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực GĐTP; quy định rõ trách nhiệm của giám định viên tư pháp… Tuy nhiên, về vấn đề xã hội hóa GĐTP, ĐB đề nghị cần nghiên cứu thật sự nghiêm túc, có chế tài cụ thể, bảo đảm tính hiệu quả cao khi thực hiện.

 

ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đề nghị giữ lại bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, vì pháp y công an có đặc thù riêng, luôn lên đường làm nhiệm vụ cho dù nắng, mưa hay bão lũ.

 

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, Điều 8 dự án luật quy định thời hạn công tác thực tế để đề nghị bổ nhiệm chức danh giám định viên chỉ có 5 năm là quá ít, đề nghị luật cần quy định thời hạn này ít nhất từ 10 năm trở lên. Về vấn đề bồi thường, ĐB đề nghị luật cần quy định rõ tổ chức GĐTP ban hành kết quả giám định sai thì bồi thường thế nào, không nên ghi chung chung như dự thảo luật.

 

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, trong những năm qua, lực lượng pháp y công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ kịp thời yêu cầu điều tra, đấu tranh, phát hiện tội phạm, nhất là việc điều tra những vụ trọng án. Do đó, ĐB đề nghị cần phải tiếp tục duy trì bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh. Theo ĐB thì công tác giám định pháp y trong thực tế rất vất vả, nhất là việc giám định thi thể những người đã chết 2 – 3 ngày. Anh em làm công tác giám định pháp y trong ngành Công an đã không quản ngại khó khăn, mưa, nắng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lực lượng này đang hoạt động có hiệu quả, có kinh nghiệm, ngoài kiến thức pháp y còn có kiến thức về kỹ thuật hình sự, có tính kỷ luật cao, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu giám định. Do đó, ĐB cho rằng, giao cho ngành Công an tiếp tục thực hiện công tác giám định pháp y thì chỉ có lợi, nhất là trong tình hình hiện nay.

 

Các vị đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng), Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) đều bày tỏ quan điểm ủng hộ việc giữ lại bộ phận pháp y Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như hiện nay.

 

PHẠM HỮU HOA


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính


Chiều 10-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

images726518 Than Duc Nam Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính

ĐBQH Thân Đức Nam thảo luận ở tổ.

Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn của Luật như phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (XLHC); vấn đề giao Tòa án thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp XLHC; mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính; việc bỏ quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh; các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả; các chức danh có thẩm quyền xử phạt và cách quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm so với mức phạt tiền tối đa; vấn đề giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương.

 

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị tiếp tục duy trì việc quy định biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh là biện pháp XLHC, vì nếu không quy định biện pháp này thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy hiện nay. Theo ĐB thì đây cũng là biện pháp cần thiết và hiệu quả để quản lý trật tự xã hội.

 

ĐB cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, biện pháp bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn nghiện ma túy hoặc người bán dâm thường xuyên có độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn tái phạm hoặc không có nơi cư trú nhất định. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy cũng quy định một trong những hình thức cai nghiện là cai nghiện ma túy bắt buộc.

 

Luật Phòng, chống ma túy vẫn xác định người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì phải áp dụng biện pháp XLHC là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. ĐB cho rằng nếu bãi bỏ biện pháp hành chính này trong dự án luật thì sẽ không có các trình tự, thủ tục mang tính cưỡng chế đủ mạnh để đưa đối tượng nêu trên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 

ĐB đề nghị nên giao Bộ Công an quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, vì hiện nay phần lớn các vụ việc vi phạm hành chính do Công an giải quyết. Bên cạnh đó, bộ máy giúp việc của Bộ Công an trong lĩnh vực này là Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã được kiện toàn, có thể bảo đảm tốt công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, Bộ Tư pháp mới chỉ có một vụ giúp việc là Vụ Hành chính – Hình sự. Vì vậy, đề nghị luật quy định theo hướng giao Bộ Tư pháp có chức năng phối hợp với Bộ Công an trong công tác thi hành pháp luật về XLHC. Theo ĐB thì đây là vấn đề rất quan trọng, đề nghị Quốc hội cần xem xét thận trọng trước khi quyết định, bởi lẽ khi giao nhiệm vụ này cho Bộ Tư pháp thì sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như tăng biên chế để thực hiện nhiệm vụ từ cấp xã, phường trở lên, trình độ, kinh nghiệm…

 

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị luật quy định theo hướng việc XLHC nên dứt điểm, tránh tình trạng cùng một hành vi vi phạm nơi này đã xử phạt rồi cho đi, đến nơi khác lại phạt tiếp… ĐB đề nghị cần nghiên cứu có chế tài quy định theo hướng đã xử phạt rồi thì hành vi đó phải chấm dứt ngay sau khi xử phạt.

 

ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, biện pháp giáo dục tại xã, phường từ trước đến nay rất hiệu quả, hợp lý; biện pháp đưa các em đi trường giáo dưỡng cũng phát huy hiệu quả tốt; biện pháp bắt buộc chữa bệnh có tính nhân đạo, vừa đưa người bán dâm đi chữa bệnh vừa tránh lây lan bệnh tật trong cộng đồng. Tuy nhiên, ĐB bày tỏ sự băn khoăn khi giao Tòa án thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC, vì nhân sự ngành Tòa án hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu, nên chăng cần giữ nguyên thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC như hiện nay. Về mức xử phạt, ĐB cho rằng không nên quy định ở nông thôn mức phạt thấp, thành phố mức phạt cao, như vậy là không hợp lý.

 

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) bày tỏ quan điểm đồng ý phương án 2 trong Tờ trình của Chính phủ, việc giao cho ngành Tòa án thẩm quyền áp dụng các biện pháp XLHC là một vấn đề lớn cần có lộ trình thích hợp, trước mắt đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

 

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, việc nhận định các cơ quan Tòa án không đủ nhân sự, năng lực để thực hiện thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC là chưa hợp lý. ĐB đề nghị luật cứ quy định giao thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC cho Tòa án, nhưng gia hạn cho Tòa án 2 năm để chuẩn bị nhân sự, bộ máy, sau đó mới triển khai thực hiện thẩm quyền này. Về mức xử phạt nên hợp lý, không nên phạt quá cao nhằm tránh tình trạng “cưa đôi” số tiền phạt giữa người thi hành công vụ và người vi phạm.

 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng dự thảo luật giao Chính phủ quy định quá nhiều, cần xem lại một cách nghiêm túc vấn đề này. Vừa qua, Quốc hội mở rộng thẩm quyền tố tụng hành chính cho ngành Tòa án đã thêm gánh nặng rất nhiều cho ngành Tòa án. Bây giờ giao thêm cho ngành Tòa án chức năng áp dụng biện pháp XLHC thì không hợp lý, vượt quá khả năng hiện nay của ngành Tòa án.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, việc quy định mức xử phạt hành chính 2 tỷ đồng là quá cao, vì với số tiền lớn như vậy có khi đã vi phạm pháp luật hình sự, nếu luật quy định dễ dẫn đến tình trạng “lách luật”. ĐB đề nghị nên xem lại chế định về tuổi vị thành niên hiện nay, nhất là đối với các trường hợp phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng mà đương sự chỉ thiếu 2-3 ngày nữa là đủ tuổi vị thành niên. Theo ĐB thì Luật Xử lý vi phạm hành chính là một dự luật rất quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày của nhân dân nên cần xem xét thận trọng.

 

PHẠM HỮU HOA(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức ngã ba Huế


Thời gian qua, Báo Đà Nẵng và các cơ quan hữu quan nhận được nhiều đơn thư của người dân ở các phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Hòa An (Cẩm Lệ) và Thanh Khê Tây, An Khê (Thanh Khê) bày tỏ băn khoăn, lo lắng vì không rõ nhà mình có nằm trong phạm vi giải tỏa dự án Đầu tư xây dựng công trình Nút giao thông khác mức ngã ba Huế (cầu vượt qua đường sắt) không? Khi nào sẽ tiến hành giải tỏa? Phương án đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư ra sao?…

Mô hình công trình nút giao thông khác mức ngã ba Huế trong tương lai.

Mô hình công trình nút giao thông khác mức ngã ba Huế trong tương lai.

Phóng viên Báo Đà Nẵng đã làm việc, tìm hiểu tại một số cơ quan chức năng và được biết, phạm vi quy hoạch mở rộng ra xung quanh trung tâm nút giao thông ngã ba Huế hiện trạng kéo dài theo 4 tuyến đường: Trục 1 Tây Bắc, Điện Biên Phủ, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, và trên đoạn đường sắt Bắc – Nam từ Km793+310 đến Km793+610. Trong khi đó, theo thiết kế, dự kiến công trình kéo dài theo đường Tôn Đức Thắng khoảng 360m, độ mở rộng theo phương ngang so với chỉ giới đường đỏ về mỗi phía khoảng 13m; kéo dài theo đường Điện Biên Phủ khoảng 270m, độ mở rộng theo phương ngang so với chỉ giới đường đỏ về mỗi phía khoảng 5m; kéo dài theo đường Trục 1 Tây Bắc khoảng 220m, không mở rộng theo phương ngang; kéo dài theo đường Trường Chinh dự kiến khoảng 270m, độ mở rộng theo phương ngang so với chỉ giới đường đỏ về phía không có đường sắt Bắc-Nam (phía Đông) khoảng 8m.

Còn theo Sơ đồ ranh giới quy hoạch sử dụng đất để đầu tư xây dựng công trình Nút giao thông khác mức ngã ba Huế do UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5286 ngày 23-6-2011, phạm vi quy hoạch thuộc phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), phường Thanh Khê Tây và An Khê (quận Thanh Khê). Ranh giới sử dụng đất của dự án được giới hạn như sau: giáp Khu dân cư Thanh Lộc Đán ở phía Đông Bắc; giáp Khu dân cư số 1 Trường Chinh ở phía Tây Nam; giáp Khu dân cư Phần Lăng ở phía Đông Nam; giáp Trung tâm đô thị mới Tây Bắc ở phía Tây Bắc. Đáng chú ý là diện tích chiếm dụng đất của nút giao thông khác mức ngã ba Huế lên đến 96.066m2 và thu hồi thêm 64.629m2 đất xung quanh khu trung tâm và kéo dài theo 4 tuyến đường để phục vụ thi công, nâng tổng diện tích đất thu hồi sử dụng cho dự án lên đến 160.695m2 (hơn 16ha).

Theo Quyết định số 1609/QĐ-BGTVT ngày 21-7-2011 của Bộ Giao thông-Vận tải, thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo dài 4 năm, từ năm 2012 đến 2015, trong đó 1 năm cho thiết kế kỹ thuật và phê duyệt; 1 năm cho công tác tổ chức đấu thầu, thiết kế bản vẽ thi công và phê duyệt bản vẽ thi công; 2 năm cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thi công. Theo đó, trong năm 2012 tiến hành thiết kế kỹ thuật và chuẩn bị thực hiện dự án, để năm 2013 tiến hành khởi công xây dựng công trình và hoàn thành vào quý 3 năm 2015. Còn phạm vi GPMB được xác định theo hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án do Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải lập, sau khi hồ sơ thiết kế cơ sở này và ranh giới quy hoạch sử dụng đất được duyệt; căn cứ xác định hồ sơ GPMB được tính theo chỉ giới xây dựng công trình; phạm vi chiếm dụng vĩnh viễn là phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống nút giao; khối lượng GPMB được xác định trên cơ sở phạm vi GPMB của dự án, từ đó xác định được số nhà, diện tích nhà, diện tích các loại đất phải thu hồi, số lượng các công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời.

Còn về phương án bồi thường, bố trí và hỗ trợ tái định cư, Bộ Giao thông-Vận tải giao đơn vị chủ đầu tư là Sở Giao thông-Vận tải Đà Nẵng thực hiện theo đúng thủ tục quy định… Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Dự án Cầu Rồng, đơn vị được Sở Giao thông-Vận tải giao điều hành dự án cho hay: “Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai từ năm 2012. Tùy theo nguồn vốn được cấp, chúng tôi sẽ triển khai các công tác theo tiến độ yêu cầu. Trong kế hoạch vốn của năm 2011, chỉ cấp kinh phí cho công tác lập dự án đầu tư thôi. Về phạm vi giải tỏa, chúng tôi vừa hoàn thành cắm mốc ranh giới giải tỏa trên thực địa và đã bàn giao cho chính quyền các địa phương quản lý. Trước mắt, người dân muốn biết nhà mình có nằm trong phạm vi quy hoạch hay không thì mang số thửa đất, số tờ bản đồ đến UBND các quận để đối chiếu, xác nhận quy hoạch. Hiện chưa có kế hoạch cụ thể về thời gian giải tỏa. Còn phương án đền bù, bố trí, hỗ trợ tái định cư sẽ do thành phố xây dựng và thành lập Hội đồng GPMB để thực hiện”.

Được biết, UBND thành phố vừa gửi Công văn số 5563 đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải cho phép được thực hiện dự án Đầu tư xây dựng công trình Nút giao thông khác mức tại ngã ba Huế theo hình thức Hợp đồng BT, với thời gian thực hiện đầu tư từ năm 2011 đến 2013. Trước nhiều thắc mắc, lo lắng của người dân về phạm vi giải tỏa để đầu tư xây dựng công trình, thiết nghĩ, UBND các quận và đơn vị chức năng cần sớm công bố một số thông tin công khai về dự án để người dân biết và an tâm.

Bài và ảnh: Hoàng Hiệp(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Nguyễn Bá Thanh kiểm tra dự án Khu Công nghiệp Công nghệ thông tin


Sáng 31-8, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố có chương trình kiểm tra thực tế các dự án: Khu Công nghiệp Công nghệ cao (CNC), Khu Công nghiệp Công nghệ thông tin (CNTT), địa điểm di tích lịch sử Trung Sơn và địa điểm xây dựng Tượng đài chiến tích Hải Vân. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, đại diện lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang.

Sau khi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của các đơn vị, đồng chí Nguyễn Bá Thanh có ý kiến kết luận. Theo đó, về Khu Công nghiệp CNC, đến ngày 20-9, các đơn vị chức năng hoàn thiện hồ sơ 300 ha đầu tiên, chuyển diện tích đất của Trường Quốc tế Đà Nẵng đi nơi khác để giao đất cho khu CNC và tiến hành giải tỏa, đền bù trong khu vực này; các đơn vị khai thác đất phải thực hiện việc san lấp, hoàn thổ tạo mặt bằng cho khu CNC.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh kiểm tra thực tế dự án Khu Công nghiệp Công nghệ thông tin.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh kiểm tra thực tế dự án Khu Công nghiệp Công nghệ thông tin.

Về Khu CNTT, cần tiến hành giải tỏa, đền bù trước mắt trong diện tích 130 ha; di dời mồ mả vào mặt bằng giai đoạn 1 Nghĩa trang Hòa Ninh; thực hiện chính sách di dời, giải tỏa dứt điểm để bố trí tái định cư. Về khu di tích lịch sử Trung Sơn (xã Hòa Liên), cần giữ lại toàn bộ khu vực 12 ha ở phía Tây đường đi qua khu vực này để chỉnh trang, tôn tạo, đồng thời thu hồi và tiến hành đền bù toàn bộ diện tích đất không sản xuất do ô nhiễm; kiểm soát tình trạng xây dựng ở khu vực phía Đông đường đi. Về Tượng đài chiến thắng Hải Vân, cơ quan chức năng cần quy hoạch khu vực khoảng 2.000 đến 2.500m2 ở địa điểm đã khảo sát để xây dựng Tượng đài, trong đó chú ý phải tạo thuận lợi cho du khách thăm viếng Tượng đài…

Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cũng đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghĩa trang Hòa Ninh; xử lý ô nhiễm môi trường; bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; triển khai nhanh chóng các dự án tái định cư ở Liên Chiểu và huyện Hòa Vang… liên quan đến các dự án Khu CNC và CNTT.

N.THÀNH


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh kiểm tra các dự án tại quận Cẩm Lệ


Đó là vấn đề quan trọng được đưa ra tại buổi kiểm tra thực tế các dự án trên địa bàn quận Cẩm Lệ của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố trong sáng 30-8. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh kiểm tra thực tế các khu tái định cư tại Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh kiểm tra thực tế các khu tái định cư tại Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ

Ấn định tiến độ của từng dự án

Theo báo cáo của ông Võ Văn Thương, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, đến 25-8, trong tổng số 2.675 hộ giải tỏa thuộc dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, đã có 1.426 hộ nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng, đạt gần 54%; còn 799 hộ có nhà ở và 276 hồ sơ đất trống chưa bàn giao. Trong đó, có 91 hộ ở Cồn Dầu chưa chịu nhận tiền đền bù. Về di dời mồ mả tại Nghĩa địa Cồn Dầu, 1.347 mộ có gia chủ đã nhận tiền đền bù, trong đó đã di dời được hơn 1.280 mộ.

Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp cùng địa phương vận động nhân dân thực hiện việc nhận tiền đền bù để giải phóng mặt bằng cho các đơn vị thi công. “Đến hết tháng 12 này, tất cả các hộ trong dự án phải nhận tiền đền bù và nhận đất tái định cư thực tế”, đồng chí Bí thư Thành ủy quyết định.

Đối với các dự án tái định cư trên địa bàn, tại khu E1 và E2, ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng cho biết, tại khu E1 đã có 2.196 lô đất tái định cư thực tế trong tổng số 2.254 lô đất theo quy hoạch (2.196/2.254); khu E2 có 870/1.656 lô, đến hết tháng 9 sẽ có đủ 1.000 lô đất thực tế. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Bá Thanh yêu cầu đến hết tháng 9 phải có đủ 1.200 lô và đến cuối tháng 1-2012 phải hoàn thành dứt điểm khu E2. Trước đề nghị đó, vì hết vốn thi công công trình, ông Nguyễn Quang Trung kiến nghị thành phố bổ sung cho khu E1 15 tỷ đồng và khu E2 20 tỷ đồng. Kiến nghị này được Bí thư Thành ủy đồng ý, chỉ đạo UBND thành phố bù đủ số tiền đề nghị.

Đối với các dự án do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng-Xây lắp và Kinh doanh nhà làm chủ đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc công ty cho biết, đơn vị này sẵn sàng thực hiện theo đúng tiến độ mà lãnh đạo thành phố đề nghị. Tại khu E mở rộng, đã có 800/1.811 lô đất, đến 30-9 sẽ có 200 lô, còn 811 lô phải xong trước 30-1-2012 theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy; khu E2 mở rộng (giai đoạn 1) có 900/2.140 lô đất và sẽ hoàn thành trước ngày 29-3-2012; khu E mở rộng (giai đoạn 2) đã có 560/1.900 lô đất, được đề nghị đến 30-1-2012 thi công xong. Bên cạnh việc hoàn thành toàn bộ 2.161 lô đất tại khu B (giai đoạn 1 và 2) Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, đơn vị này đã thực hiện xong 870 lô đất tái định cư thực tế trong tổng số 1.070 lô đất theo quy hoạch tại Khu D và được lãnh đạo thành phố ấn định thời gian hoàn thành là hết tháng 12 năm nay.

Trong khi đó, tại khu A mở rộng (giai đoạn 1), ông Trần Phước Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng cho biết, đã có đủ 524 lô đất tái định cư thực tế; giai đoạn 2 có 754/1.090 lô, do vướng mắc 9 hộ chưa giải tỏa. Đơn vị này cam kết đến 30-9 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án. Còn ông Đỗ Xuân Bình, Trưởng ban Quản lý các dự án tái định cư cho biết, đã đủ 827 lô đất thực tế tại Khu C giai đoạn 1 và 2.

Báo cáo nhanh vướng mắc để giải quyết

Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị các đơn vị liên quan cùng địa phương thống nhất nội dung về các vướng mắc trong thực hiện các dự án để báo cáo nhanh hằng tuần cho Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND thành phố để có phương án giải quyết kịp thời, bảo đảm tiến độ các dự án cũng như đời sống của nhân dân. Đồng chí cũng đề nghị quận Cẩm Lệ nhanh chóng thành lập các đội phá dỡ công trình trong vùng quy hoạch để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công san lấp; đồng thời thành lập các đội hỗ trợ những hộ gia đình khó khăn xây dựng nhà ở vùng tái định cư. Ông Võ Văn Thương cho biết, đã giúp đỡ được 10 hộ có đất tái định cư thực tế theo diện này làm nhà. “Cần phải xây dựng chương trình này thành phong trào để vận động mọi nguồn lực giúp đỡ cho người nghèo, gia đình khó khăn; trong đó có việc vận động các đơn vị thi công các dự án cùng tham gia để đạt hiệu quả cao hơn”, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đề nghị.

Về việc giải quyết những vướng mắc của các dự án, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đề nghị UBND thành phố phối hợp với cơ quan liên quan di chuyển các đường dây điện để bảo đảm tiến độ giải tỏa, tái định cư; trong đó thành phố hỗ trợ 50% kinh phí. Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý cần tận dụng các trang, thiết bị còn sử dụng, bảo đảm tiết kiệm chi phí thấp nhất. Công ty Công viên-Cây xanh thành phố phải ươm 1 triệu cây bàng để phủ xanh những khu tái định cư, tập trung cho khu vực Hòa Xuân, Cẩm Lệ; đồng thời tổ chức trồng cây xanh trên các tuyến phố chính, nếu cần phải tính đến phương án đấu giá công khai.

Về thi công các dự án, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị cần giãn tiến độ lát gạch vỉa hè ở một số khu dân cư nếu chưa thật cần thiết để tập trung kinh phí vào những nơi bức thiết; yêu cầu các đơn vị thi công tăng thêm thiết bị, máy móc để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư.

Về các kiến nghị, đề xuất của địa phương, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đồng ý việc bố trí 100 lô đất tái định cư cho 75 hộ dân phường Hòa Xuân tại khu vực đảo nổi Đồng Nò về khu E2 mở rộng thuộc dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, còn lại dân các địa phương khác ở khu vực này thì bố trí về Khu tái định cư Bá Tùng (quận Ngũ Hành Sơn). Đồng chí cũng đồng ý với đề nghị bổ sung 100 triệu đồng cho việc xây dựng Nghĩa trang Giáo xứ Cồn Dầu tại Hòa Sơn, đồng thời cho biết sẵn sàng tiếp tục đối thoại trực tiếp với các hộ dân tại Cồn Dầu để tiến hành giải tỏa khu vực này trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị huyện Hòa Vang và Công an thành phố tiến hành các phần việc cần thiết để tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất tại các khu vực gây chậm trễ cho dự án trên địa bàn huyện trước đây để bàn giao cho đơn vị thi công, không làm chậm tiến độ các dự án.

Về lâu dài, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đề nghị giao cho Ban Giải tỏa đền bù số 2 thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền quận Cẩm Lệ tiến hành đo đạc, khớp nối, kiểm định khu vực đất dự trữ Hòa Xuân nằm ở phía Tây và Đông Cẩm Lệ (thuộc phường Hòa Xuân) trong năm nay để đến năm 2012 sẽ tiến hành quy hoạch, giải tỏa khu vực này.

Nguyễn Thành


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Nguyễn Bá Thanh kiểm tra triển khai các dự án quận Ngũ Hành Sơn


Sáng 23-8, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã đi kiểm tra thực tế việc triển khai các dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến và lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn.
Nhiều vướng mắc cần giải quyết
nguyen-ba-thanh

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh kiểm tra thực tế các dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Theo ông Lê Hoàng Đức, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn,  vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến các dự án trên địa bàn quận chính là việc không có đất để di dời phần mộ trên địa bàn quận đến Nghĩa trang Hòa Sơn. Về vấn đề này, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH thành phố Nguyễn Thị Thanh Hưng cho biết, giai đoạn 5 của dự án Nghĩa trang Hòa Sơn có diện tích 21ha, nhưng chỉ mới thi công được 2ha do vướng bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, Nghĩa trang Hòa Ninh quy hoạch ban đầu 10ha, nhưng hiện nay đang được mở rộng lên 40ha.

Còn ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 Đà Nẵng cho biết, đến ngày 20-8, dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn đã nhận 1.213 lô đất tái định cư và còn thiếu 1.046 lô. Từ thực tế, đơn vị này đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét phương án bố trí vị trí tương xứng cho các hộ sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ có diện tích thu hồi đất ở lớn (trên 300m2) trên mặt tiền đường Huyền Trân Công Chúa; giải quyết bố trí tái định cư cho 4 hộ giải tỏa mặt tiền đường trên do trước đây đã đăng ký nhận đất tái định cư đường Trần Hưng Đạo (nối dài) nhưng các lô đất này không còn để bố trí cho họ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng-Xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng cho biết, tại dự án Khu đô thị Hòa Hải 1-3, giai đoạn 1 còn 25 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng; đã có 186 lô đất thực tế bố trí tái định cư giai đoạn 1 và giai đoạn 2; phần khu đất Tiến Hiếu còn 46 hồ sơ, công ty đã mời nhận tiền 3 lần và mời nhận đất tái định cư nhưng các hộ chưa nhận. Về khu tái định cư phía Tây Khu đô thị công nghệ FPT, còn  lại 25 hồ sơ đất nhà ở, 12 hồ sơ đất nông nghiệp và 70 mộ chưa bàn giao, di dời. Vướng mắc tại dự án này là 12 hộ giải tỏa đi hẳn ở vị trí mặt tiền đường Trần Đại Nghĩa chưa đồng ý cho kiểm định để yêu cầu bố trí tái định cư tại chỗ; trong khi đơn vị này báo cáo đã có 200 lô đất tái định cư thực tế. Dự án Trường Đại học Mỹ-Thái Bình Dương, hiện còn 59 hồ sơ đất nhà ở, 25 hồ sơ đất nông nghiệp và 695 mộ chưa bàn giao, di dời; trong khi công ty đã bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 cho trường để xây dựng nhà điều hành. Dự án Khu dân cư Nam Tuyên Sơn có tổng cộng 198 hồ sơ giải tỏa, phân kỳ 1 đã giải tỏa xong mặt bằng nhưng phân kỳ 2 còn 16 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng…
Một vướng mắc nữa trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, là triển khai dự án Khu du lịch ven biển Sao Việt. Theo báo cáo từ Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 3, đến ngày 22-8, đã chi trả, bàn giao mặt bằng 60 hồ sơ, còn lại 33 hộ chưa bàn giao 2,2 ha. Nguyên nhân là do các hộ đang kinh doanh dịch vụ du lịch nên việc vận động bàn giao mặt bằng khó khăn, các hộ có ý kiến cần đối thoại với lãnh đạo quận và thành phố để giải quyết các nguyện vọng.
Vấn đề lớn trong bố trí tái định cư được đưa ra trong buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố với các bên liên quan, chính là việc bàn giao mặt bằng để bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án Khu du lịch sinh thái làng quê (Khuê Đông 1 và 2). Theo đó, nhiều ý kiến người dân cho rằng, giai đoạn 1 Khu dân cư Bá Tùng đã có hơn 1 nghìn lô đất, nhưng lại bố trí tái định cư vào giai đoạn 2 với 500 lô, trong khi chưa có hệ thống điện nước nên không bảo đảm đời sống cho nhân dân.
“Tái định cư là ưu tiên số 1”
Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tại buổi làm việc với các bên liên quan. Theo đó, vấn đề đối với quận Ngũ Hành Sơn không phải là giải tỏa, đền bù mà ưu tiên cho bố trí tái định cư.
Để giải quyết vấn đề này, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị các đơn vị chức năng bố trí 500 lô đất tái định cư Khu dân cư Bá Tùng (giai đoạn 1) cho các hộ dân giải tỏa thuộc dự án Khu du lịch sinh thái làng quê (Khuê Đông 1 và 2) trên tinh thần tạm ứng tiền đền bù cho nhân dân xây dựng nhà ở trước, và nhân dân chưa phải bàn giao mặt bằng ngay cho dự án. Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 5 dự án Nghĩa trang Hòa Sơn và thi công 40 ha Nghĩa trang Hòa Ninh để ưu tiên bàn giao bố trí cho việc cất bốc, di dời và cải táng các phần mộ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Việc giải tỏa đền bù để thực hiện các dự án này phải kết thúc trong tháng 9-2011.
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị và địa phương, đồng chí Bí thư Thành ủy đã đúc kết những vấn đề cần quan tâm tại các dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Theo đó, về quy hoạch, tất cả các tuyến đường lớn trên địa bàn phải thống nhất lấy từ 20 – 30 mét để khai thác quỹ đất; đồng thời quản lý kiến trúc ngay từ đầu đối với việc xây dựng tại các tuyến đường này nhằm bảo đảm mỹ quan, trật tự đô thị. Đồng chí đề nghị Sở Xây dựng nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia để quy hoạch tuyến đường Huyền Trân Công Chúa thành trục chính của khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. “Cần giải tỏa khu phía Bắc, sắp xếp lại khu vực phía Nam tuyến đường làm sao để người dân vừa ở được, vừa kinh doanh được, để khu vực này thành khu phố đẹp, thu hút khách du lịch đến mua sắm về đêm”, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đề nghị. Bên cạnh đó, trong khu vực này cần quy hoạch một vườn tượng quy mô khoảng 10ha kết hợp với công viên, cây cảnh, là điểm tham quan du lịch, mua sắm, đồng thời là địa điểm tổ chức các sự kiện điêu khắc quốc tế, thu hút các nhà điêu khắc danh tiếng trên thế giới.
Trước việc triển khai tiến độ các dự án không đồng đều, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đề nghị các đơn vị chức năng tiến hành tổng rà soát toàn bộ quỹ đất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn; tổng rà soát các dự án du lịch trên địa bàn quận. “Đề nghị các chủ dự án phải cam kết về thời gian triển khai, nếu chậm tiến độ hoặc không triển khai thì thành phố sẽ có biện pháp để thu hồi các dự án này”, đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh. Cùng với đó, để triển khai nhanh các dự án trên địa bàn, đồng chí yêu cầu chính quyền địa phương, các bên liên quan trực tiếp đối thoại với người dân, tháo gỡ những vướng mắc trong giải tỏa đền bù; giải quyết thấu tình đạt lý trên tinh thần kiểm tra chặt chẽ từng hồ sơ; chuẩn bị các phương án tiến hành cưỡng chế cương quyết và chặt chẽ.
Nguyễn Thành

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

TP.Đà Nẵng: thêm 09 dự án FDI được cấp phép đầu tư trong Quý I/2011


Tin từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư cho biết, trong Quý I/2011, trên địa bàn thành phố có 09 dự án đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đầu tư gần 237 triệu USD và 07 dự án điều chỉnh tăng vốn; nâng tổng số vốn đầu tư cấp mới và vốn tăng thêm trong ba tháng đầu năm lên 424,5 triệu USD, tăng 4,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp FDI đóng góp rất nhiều trong sự phát triển của thành phố

Các dự án tập trung vào lĩnh vực dịch vụ chiếm 05 trong số 09 dự án mới thu hút, phù hợp với cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Lũy kế đến nay, tại Đà Nẵng có 185 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 3,1 tỷ USD.

(Quỳnh Đan)


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Khởi công dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills Đà Nẵng


Tối ngày 9/4, tại Đà Nẵng đã diễn ra lễ khởi công dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills và đường Nguyễn Tất Thành nối dài. Dự án Golden Hills có qui mô 400 ha được xây dựng tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu với tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD.

Mô hình dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills.

Khi hoàn thành, nơi đây sẽ tạo ra một trung tâm đô thị sinh thái mới, hiện đại tại cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng với 5 phân khu gồm nhiều hạng mục công cộng như trường học quốc tế, bệnh viện, trung tâm vui chơi giải trí, khu thương mại dịch vụ, bến du thuyền, …

Cùng với khu đô thị sinh thái này, dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài vốn đầu tư 300 tỷ đồng (rộng 33 m, dài 2,7 km) cũng được khởi công xây dựng.

Đây là tuyến đường nối cửa ngõ Tây Bắc của thành phố với đường giao thông phía Nam hầm Hải Vân – Túy Loan, kết nối các trung tâm du lịch của thành phố với khu đô thị sinh thái Golden Hills, thông với đường cao tốc Bắc – Nam.

Hai dự án trên dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014, góp phần quan trọng trong phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội phía Tây Bắc thành phố cùng với Khu công nghệ cao, khu Công nghệ thông tin.

Dự án còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực dọc sông Cu Đê và quốc lộ 1A từ thuần nông sang phát triển dịch vụ và du lịch.

Cũng trong buổi lễ, Công ty cổ phần Trung Nam, nhà đầu tư dự án đã trao tặng 150 triệu đồng cho Quỹ hỗ trợ người nghèo xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang và 160 triệu đồng cho 2 phường Hoà Hiệp Nam và Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Hồng Hạnh

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

TT Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ Dự án mua trang thiết bị cho B.V Ung thư TP Đà Nẵng


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý trong Công văn 521/TTg-KGVX ngày 07/04/2011, chủ trương bổ sung Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cần thiết cho Bệnh viện Ung thư TP.Đà Nẵng vào Danh mục các Dự án đầu tư được hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009.

Bệnh viện Ung thư TP Đà Nẵng

Theo đó, Bộ Y tế cần thực hiện các thủ tục cần thiết trình Thủ tướng Chính ph xem xét, quyết định, đồng thời chủ trì nghiên cứu, đề xuất việc mở rộng hình thức đầu tư này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giao UBND TP Đà Nẵng chịu trách nhiệm chỉ đạo việc đầu tư xây dựng và quản lý hoạt động của Bệnh viện theo đúng mục tiêu, nội dung của Dự án được phê duyệt và các quy định pháp luật hiện hành.

Được biết, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đã được khởi công ngày 28/3/2009, tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Bệnh viện được thết kế với quy mô 500 giường bệnh nội trú với 13 chuyên  khoa cấp 1. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2012.

Bệnh viện có chức năng tiếp nhận khám, chẩn đoán, điều trị có hiệu quả mọi bệnh lý ung thư, làm công tác dự phòng bệnh ung thư cho nhân dân TP Đà Nẵng và khu vực Miền Trung, triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học – công nghệ và tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn chuyên ngành ung thư…

Quốc Hà

Nguồn http://nguyentandung.org


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng: Cấp thêm giấy chứng nhận hai dự án đầu tư FDI


FDI

Theo thông tin từ Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, UBND thành phố vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 560.000 USD.

Đó là dự án may mặc Gsafe (Việt Nam) của Công ty G Hardware (Singapore) chuyên sản xuất quần áo bảo hộ lao động và găng tay bảo hộ lao động công nghiệp để xuất khẩu và dự án thiết kế bảng mạch in UNITEC của Công ty cổ phần Điện tử UNITEC (Nhật Bản) cung cấp dịch vụ thiết kế bảng mạch in.

Được biết, trong ba tháng đầu năm 2011, có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký gần 237 triệu USD; 7 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 185,6 triệu USD; nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn Đà Nẵng đến nay lên 196 dự án với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,2 tỷ USD.

ĐNĐT


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng


Ngày 30/3, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (gọi tắt là Dự án 661). Đồng chí Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

trồng rừng

Được triển khai từ năm 1999 trên địa bàn các quận: Sơn Trà, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang với tổng kinh phí gần 33 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Trung ương và vốn đối ứng của ngân sách thành phố, sau 10 năm thực hiện, dự án đã trồng mới 3.567,9/3.700 ha, đạt tỷ lệ  96,43 % kế hoạch được giao; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 2.352/2.352 lượt ha, đạt tỉ lệ 100% kế hoạch. Dự án đã giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân các xã miền núi với hơn 5.181 lượt hộ dân, góp phần tăng thu nhập cho người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng dự án; giúp cộng đồng nhân dân nhận thức về rừng, giảm hẳn số người tác động vào rừng; nhiều vụ cháy rừng được dập tắt kịp thời…. Ngoài ra, Dự án cũng đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế xói mòn đất, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng được độ che phủ của rừng, góp phần tích cực phòng chống thiên tai và bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái phát triển theo hướng ổn định, bền vững….

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã biểu dương những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương các cấp. Đồng thời đồng chí cũng yêu cầu, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Chương trình trồng rừng mới; các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương với tinh thần trách nhiệm của mình phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra, đặc biệt các tháng mùa khô, tuyệt đối không được đánh bứng cây rừng để làm cây kiểng; ngăn chặn kịp thời các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, đặc biệt ở khu rừng xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình UBND thành phố bổ sung kinh phí chăm sóc rừng trồng năm thứ nhất đối với một số khu vực đã xung yếu. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có kế hoạch trang bị phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho các địa phương, đơn vị từ nguồn kinh phí sự nghiệp đã phân bổ năm 2011, hoàn thành Đề án phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp; đồng thời phối hợp với Công an thành phố (Cảnh sát môi trường) tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý thật nghiêm các trường hợp mua bán, giết mổ động vật hoang dã trái phép trên địa bàn thành phố….

(Văn Lâm)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)