Hiển thị các bài đăng có nhãn hành chính. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn hành chính. Hiển thị tất cả bài đăng

Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính


Chiều 10-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

images726518 Than Duc Nam Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính

ĐBQH Thân Đức Nam thảo luận ở tổ.

Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn của Luật như phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (XLHC); vấn đề giao Tòa án thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp XLHC; mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính; việc bỏ quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh; các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả; các chức danh có thẩm quyền xử phạt và cách quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm so với mức phạt tiền tối đa; vấn đề giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương.

 

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị tiếp tục duy trì việc quy định biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh là biện pháp XLHC, vì nếu không quy định biện pháp này thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy hiện nay. Theo ĐB thì đây cũng là biện pháp cần thiết và hiệu quả để quản lý trật tự xã hội.

 

ĐB cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, biện pháp bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn nghiện ma túy hoặc người bán dâm thường xuyên có độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn tái phạm hoặc không có nơi cư trú nhất định. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy cũng quy định một trong những hình thức cai nghiện là cai nghiện ma túy bắt buộc.

 

Luật Phòng, chống ma túy vẫn xác định người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì phải áp dụng biện pháp XLHC là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. ĐB cho rằng nếu bãi bỏ biện pháp hành chính này trong dự án luật thì sẽ không có các trình tự, thủ tục mang tính cưỡng chế đủ mạnh để đưa đối tượng nêu trên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 

ĐB đề nghị nên giao Bộ Công an quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, vì hiện nay phần lớn các vụ việc vi phạm hành chính do Công an giải quyết. Bên cạnh đó, bộ máy giúp việc của Bộ Công an trong lĩnh vực này là Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã được kiện toàn, có thể bảo đảm tốt công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, Bộ Tư pháp mới chỉ có một vụ giúp việc là Vụ Hành chính – Hình sự. Vì vậy, đề nghị luật quy định theo hướng giao Bộ Tư pháp có chức năng phối hợp với Bộ Công an trong công tác thi hành pháp luật về XLHC. Theo ĐB thì đây là vấn đề rất quan trọng, đề nghị Quốc hội cần xem xét thận trọng trước khi quyết định, bởi lẽ khi giao nhiệm vụ này cho Bộ Tư pháp thì sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như tăng biên chế để thực hiện nhiệm vụ từ cấp xã, phường trở lên, trình độ, kinh nghiệm…

 

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị luật quy định theo hướng việc XLHC nên dứt điểm, tránh tình trạng cùng một hành vi vi phạm nơi này đã xử phạt rồi cho đi, đến nơi khác lại phạt tiếp… ĐB đề nghị cần nghiên cứu có chế tài quy định theo hướng đã xử phạt rồi thì hành vi đó phải chấm dứt ngay sau khi xử phạt.

 

ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, biện pháp giáo dục tại xã, phường từ trước đến nay rất hiệu quả, hợp lý; biện pháp đưa các em đi trường giáo dưỡng cũng phát huy hiệu quả tốt; biện pháp bắt buộc chữa bệnh có tính nhân đạo, vừa đưa người bán dâm đi chữa bệnh vừa tránh lây lan bệnh tật trong cộng đồng. Tuy nhiên, ĐB bày tỏ sự băn khoăn khi giao Tòa án thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC, vì nhân sự ngành Tòa án hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu, nên chăng cần giữ nguyên thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC như hiện nay. Về mức xử phạt, ĐB cho rằng không nên quy định ở nông thôn mức phạt thấp, thành phố mức phạt cao, như vậy là không hợp lý.

 

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) bày tỏ quan điểm đồng ý phương án 2 trong Tờ trình của Chính phủ, việc giao cho ngành Tòa án thẩm quyền áp dụng các biện pháp XLHC là một vấn đề lớn cần có lộ trình thích hợp, trước mắt đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

 

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, việc nhận định các cơ quan Tòa án không đủ nhân sự, năng lực để thực hiện thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC là chưa hợp lý. ĐB đề nghị luật cứ quy định giao thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC cho Tòa án, nhưng gia hạn cho Tòa án 2 năm để chuẩn bị nhân sự, bộ máy, sau đó mới triển khai thực hiện thẩm quyền này. Về mức xử phạt nên hợp lý, không nên phạt quá cao nhằm tránh tình trạng “cưa đôi” số tiền phạt giữa người thi hành công vụ và người vi phạm.

 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng dự thảo luật giao Chính phủ quy định quá nhiều, cần xem lại một cách nghiêm túc vấn đề này. Vừa qua, Quốc hội mở rộng thẩm quyền tố tụng hành chính cho ngành Tòa án đã thêm gánh nặng rất nhiều cho ngành Tòa án. Bây giờ giao thêm cho ngành Tòa án chức năng áp dụng biện pháp XLHC thì không hợp lý, vượt quá khả năng hiện nay của ngành Tòa án.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, việc quy định mức xử phạt hành chính 2 tỷ đồng là quá cao, vì với số tiền lớn như vậy có khi đã vi phạm pháp luật hình sự, nếu luật quy định dễ dẫn đến tình trạng “lách luật”. ĐB đề nghị nên xem lại chế định về tuổi vị thành niên hiện nay, nhất là đối với các trường hợp phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng mà đương sự chỉ thiếu 2-3 ngày nữa là đủ tuổi vị thành niên. Theo ĐB thì Luật Xử lý vi phạm hành chính là một dự luật rất quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày của nhân dân nên cần xem xét thận trọng.

 

PHẠM HỮU HOA(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Văn phòng Chính phủ tổ chức tập huấn nghiệp vụ về thủ tục hành chính


Sáng ngày 16-5 tại Đà Nẵng, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC) thuộc Văn phòng Chính phủ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác KSTTHC của 24 bộ, ngành và 10 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên. Đến dự có đồng chí Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Các đại biểu dự khóa tập huấn. Ảnh: S.T

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục KSTTHC nêu mục đích khóa tập huấn nhằm hỗ trợ cho các đơn vị chức năng thuộc bộ, ngành, địa phương thực hiện đánh giá tác động các quy định về TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo 4 tiêu chí: Sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả; nghiên cứu rà soát, đánh giá độc lập các quy định về thủ tục hành chính đã được ban hành để đề xuất phương án đơn giản hóa. Đây là biện pháp nhằm duy trì bền vững kết quả của Đề án 30 về đơn giản hóa TTHC đã thực hiện. Được biết, kết quả bước đầu của Đề án 30 đã kiến nghị đơn giản hóa gần 5.000 trong số 5.400 TTHC của cả nước. Sau khi hiện thực đơn giản hóa TTHC bằng việc sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan sẽ cắt giảm gần 30.000 tỷ đồng chi phí tuân thủ TTHC/năm cho các tổ chức, cá nhân.

Phát biểu tại buổi khai mạc, đồng chí Trần Văn Minh đánh giá cao hiệu quả và lợi ích của Đề án 30. Kết quả thực hiện Đề án 30 tại Đà Nẵng đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư và đưa thành phố liên tục trong 3 năm (2008-2010) dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng chí mong rằng khóa tập huấn sẽ tiếp tục giúp các cán bộ phụ trách công tác KSTTHC phát huy tốt vai trò tham mưu phục vụ CCTTHC.

S.T


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Cơ quan hành chính tiết kiệm gần 95 tỷ đồng


Ngày 17-12, UBND thành phố tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 130/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước” và Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã có 100% đơn vị thực hiện Nghị định 130/NĐ-CP và 352/357 đơn vị thực hiện Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó, 26 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí, 116 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí… Hầu hết các đơn vị đều xây dựng phương án, đề án và xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; bảo đảm mục tiêu và nguyên tắc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, dân chủ và quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức; chủ động trong việc sử dụng biên chế và kinh phí được cấp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng kinh phí có hiệu quả hơn, phát huy được năng lực của người lao động, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, tạo quyền chủ động cho đơn vị trong quản lý, sử dụng kinh phí, tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập cho người lao động.

Từ năm 2006 đến năm 2010, các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố đã tiết kiệm nguồn kinh phí gần 95 tỷ đồng; trong đó, tiết kiệm do thực hiện tinh giản biên chế trên 21 tỷ đồng, tiết kiệm chi phí hành chính trên 72 tỷ đồng, chiếm 15,14% so với tổng dự toán kinh phí tự chủ được giao các năm. Tại hội nghị, UBND thành phố cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện rút kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, bàn giải pháp, nhiệm vụ triển khai thực hiện hiệu quả 2 Nghị định trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đánh giá cao việc triển khai và kết quả thực hiện 2 Nghị định trên ở các cơ quan, đơn vị; đồng thời, giao nhiệm vụ cho Sở Nội vụ, Sở Tài chính tiếp thu các ý kiến tham gia để tham mưu cho UBND thành phố điều chỉnh định mức khoán biên chế, định mức chi tiêu hành chính cho các đơn vị theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về kinh phí, về phương tiện cơ sở vất chất, về tổ chức bộ máy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.

Dịp này, UBND thành phố đã tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 11 cá nhân có thành tích trong việc triển khai thực hiện 2 Nghị định của Chính phủ.

Tin và ảnh: THÀNH LÂN


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)