Ngày 28-10-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1979/QĐ-TTg thành lập Khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng. Như vậy, sau hai KCNC ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thì đây là KCNC thứ ba của cả nước được thành lập. Được xem là một cơ hội, là đòn bẩy cho thành phố phát triển nhưng thách thức cũng rất nhiều bởi khối lượng công việc thật lớn, cũng như độ khó khăn với từng hạng mục công việc. Tuy nhiên, với sự chủ động và quyết tâm của lãnh đạo thành phố, nên dù quỹ thời gian chưa nhiều nhưng dự án đã có những chuyển động rất tích cực.
- Sơ đồ Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Tổng diện tích quy hoạch dành cho KCNC lên đến trên 1.000ha và nằm trải dài trên địa hình khá phức tạp, thuộc quyền sử dụng của nhiều đối tượng như của người dân, quân đội, đất công cộng, cùng với hiện trạng khá “ngổn ngang” nhà ở, đất trang trại, đất trồng lúa, đất dành cho nghĩa trang và có cả mạng lưới điện 500kV, 120kV đi qua… Mặc dù vậy, đến nay, công tác áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng đã hoàn tất và đơn vị thi công đang tiến hành dọn mặt bằng để thi công những hạng mục đầu tiên. Đây được xem là thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng kỷ lục tại Đà Nẵng.
Cùng với đó, hệ thống văn bản mang tính pháp lý dành cho KCNC được ban hành. Cùng ngày ký quyết định thành lập KCNC Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định ban hành Quy chế hoạt động KCNC, tiếp đó là quyết định thành lập Ban Quản lý (BQL) dự án, công bố quy hoạch chi tiết dự án, dự thảo dự án thu hút đầu tư vào KCNC, đánh giá tác động môi trường… Không những hệ thống văn bản liên quan đến dự án sớm được ban hành, mà còn mang tính đột phá hơn so với hai KCNC ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó nổi bật nhất là việc cho phép BQL dự án KCNC Đà Nẵng (trực thuộc UBND thành phố Đà Nẵng) là cơ quan quản lý Nhà nước tương đương cấp Tổng cục, có con dấu hình quốc huy, là đơn vị dự toán cấp 1, đầu mối được giao chỉ tiêu kế hoạch hằng năm và được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước. Theo các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực quản lý KCNC, thì đây chính là mấu chốt để KCNC Đà Nẵng tạo nên những chuyển động hết sức tích cực trong thời gian vừa qua.
Điển hình nhất trong số này là công tác tiếp thị thu hút đầu tư vào KCNC Đà Nẵng đang diễn ra sôi động và đã mang lại kết quả khả quan. Sau hàng loạt sự kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước là Diễn đàn mời gọi các nhà đầu tư vào KCNC Đà Nẵng được tổ chức vào ngày 29-3-2009; Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế và những gợi ý cho việc xây dựng và phát triển KCNC Đà Nẵng. Cũng trong năm 2009, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng tổ chức đợt tiếp thị đến các quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc…
- Công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng. (Ảnh minh họa) Ảnh: Ông Văn Sinh
Cùng với hạ tầng tốt, với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, như các doanh nghiệp đầu tư thuộc lĩnh vực CNC, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghiệp, phát triển công trình hạ tầng hoặc sản xuất phần mềm tại đây sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% trong 9 năm tiếp theo đã thực sự thu hút được sự quan tâm của những đối tác. Về tiền thuê đất, dự kiến từ 0,40 – 0,60 USD/m2/năm, nếu trả một lần sẽ được miễn, giảm theo quy định, chi phí sử dụng hạ tầng dự kiến 0,20 USD/m2/năm, trả từng năm. Tất cả động thái này thực sự tạo được sự hấp dẫn với những nhà đầu tư trong và ngoài nước vào KCNC Đà Nẵng.
Tính đến thời điểm hiện nay, thành phố đã ký nhiều biên bản ghi nhớ với các đối tác lớn trong nước như Tập đoàn VNPT, Sovico Holdings và Công ty Giải pháp tích hợp vi tính viễn thông Việt Nam về việc đầu tư vào KCNC. Ngoài ra, các trường đại học lớn của Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế… đều thông báo sẽ có kế hoạch đầu tư vào KCNC Đà Nẵng dưới hình thức phòng thí nghiệm-ứng dụng-sản xuất. Riêng các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ như Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ, Viện Nguyên tử, Viện Thông tin Khoa học công nghệ… đều đã có những dự án cụ thể đầu tư tại KCNC. Đối với các đối tác nước ngoài, theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng, đã có 78 dự án được phê duyệt sẽ đầu tư vào KCNC.
Ngoài ra, hiện còn có rất nhiều đối tác tiềm năng đến từ Thung lũng Silicon của Mỹ đang tìm hiểu để đầu tư vào KCNC Đà Nẵng. Mới đây, trong chuyến tháp tùng Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đến thăm và làm việc với Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh, đại diện của Tập đoàn Hàng không vũ trụ và Phòng thủ châu Âu (EADS) cũng đã thông báo trong năm 2011 sẽ đầu tư vào KCNC Đà Nẵng. Đặc biệt, với việc thành phố Đà Nẵng quyết định chọn mô hình cho KCNC theo hướng mở, tức là vừa tập trung vừa phân tán (nhà đầu tư không nhất thiết phải xây dựng cơ sở vật chất và hoạt động trong khuôn viên của KCNC) thực sự mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư đến với thành phố. Nhờ vậy, nhiều đối tác lâu nay đã đầu tư trên lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu và đào tạo trong và ngoài nước đã có mặt tại Đà Nẵng như Viện Sinh học, Viện Hóa học, Đại học Griffith Úc, cũng như các đối tác Nhật Bản là Học viện Katayanaki, Viện Nghiên cứu công nghệ AIST, Viện Công nghệ Monohakobi… đều cho biết sẽ mở rộng và tăng cường đầu tư vào thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.
Trần Luân Sơn
(Theo website Nguyễn Bá Thanh)