Ông Nguyễn Bá Thanh: Không lo khi cho DN Đà Nẵng vay vốn


BIDV đã thống nhất cho các doanh nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố vay hơn 10.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn vay.

Ngày 6/1, UBND TP Đà Nẵng và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thống nhất phương án cho các doanh nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố vay hơn 10.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn vay, qua đó thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố trong thời gian tới dưới sự bảo lãnh của chính quyền thành phố.
Ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Theo Tuổi trẻ, tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội chính trung ương kiêm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, khẳng định: Chính quyền Đà Nẵng luôn sát cánh cùng doanh nghiệp nên ngân hàng không phải lo lắng khi cho doanh nghiệp vay vốn.

Được biết, trong số khoản vay từ BIDV, sẽ có khoảng 3.000 tỉ đồng cho chương trình nhà ở xã hội, 6.500 tỉ đồng cho các dự án hạ tầng đang triển khai. Ngoài ra, BIDV tài trợ 1.800 tỉ đồng cho dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ Tam Kỳ đi Chu Lai (Quảng Nam) dài 27km.

Theo thông tin ban đầu, hiện đã có 6 doanh nghiệp được tiếp xúc nguồn vốn này là Tập đoàn Sun Group vay 2.500 tỷ đồng, Trung Nam  Group vay 1.800 tỷ đồng, Công ty Đà Nẵng Miền Trung vay 600 tỷ đồng, Công ty Đức Mạnh 579 vay 500 tỷ đồng, Công ty Bắc Nam 79 vay 300 tỷ đồng, Công ty Khởi Phát vay 300 tỷ đồng.

Tại cuộc làm việc, ông Trần Bắc Hà – chủ tịch HĐQT BIDV – cho biết BIDV sẽ ưu tiên dành 11.300 tỉ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp Đà Nẵng thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng đô thị như tuyến đường, khu đô thị, nhà ở xã hội… Các doanh nghiệp này đều được đánh giá là có tiềm lực, có phương án kinh doanh khả thi, nguồn vốn đảm bảo sẽ thu hồi tốt.

Ông Hà cam kết ngân hàng sẽ giải quyết thủ tục đơn giản nhất với lãi suất ưu đãi và thời gian vay dài hạn. Việc chính quyền đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn là hành động thiết thực để vực dậy nền kinh tế, đưa ngân hàng với doanh nghiệp gần nhau hơn nữa để cùng hợp tác phát triển./.

(DTNVN)

Ông Nguyễn Bá Thanh: Đừng biến cái giản đơn thành phức tạp


Trong buổi tiếp xúc với doanh nghiệp và ngân hàng đóng trên địa bàn Đà Nẵng hôm qua, ông Nguyễn Bá Thanh, với tư cách vừa là Trưởng ban Nội chính T.Ư, vừa là Bí thư – Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng đã thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong quản lý hiện nay.

Dù chủ nhật, nhưng sáng 6.1, UBND TP.Đà Nẵng cũng tổ chức buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp (DN) chuyên về lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị với lãnh đạo Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Cứ cho họ mở rộng ra càng nhiều càng tốt

Theo UBND TP.Đà Nẵng, tình hình chung của DN hiện nay là thiếu vốn hoạt động, trong khi đó có nhiều NH thừa vốn, liên tục có chính sách hạ lãi suất chào mời cho vay, nhưng DN lại không thể vay được vốn. Nút thắt vẫn không thể gỡ được khi cả hai bên không thể gặp nhau. Trước đây NH chỉ đưa ra 4 – 5 điều kiện chuẩn để cho vay. Nay khi kinh tế khó khăn, họ nâng chuẩn cho vay lên 9 – 10 điều kiện. Như vậy, số DN đạt theo chuẩn mới của NH sẽ giảm đi, theo UBND TP.Đà Nẵng là đến 50%. Điều này gây khó khăn cho DN và cả phía NH.
Ông Nguyễn Bá Thanh tại cuộc họp ngày 6.1

Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Bá Thanh cũng nói thẳng Đà Nẵng đang thiếu vốn đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng đô thị. Trong khi đó, vốn T.Ư dành cho đầu tư phát triển rót vào Đà Nẵng quá ít, không tương xứng. “Có hàng loạt dự án chính quyền muốn làm mà không thể làm được, không có điều kiện, nguồn vốn để làm”, ông Thanh nói.

Không giấu giếm thực tế, ông Thanh bộc bạch: “Nói thẳng với các đồng chí, Đà Nẵng thực sự thiếu vốn để đầu tư cho các dự án. Nhiều công trình hiện tại đang đói vốn, không có tiền để làm. Nếu có 2 tỉ USD vào lúc này thì Đà Nẵng cũng chỉ mất 3 – 5 năm là tiêu thụ hết”.

Theo ông Thanh, hiện cơ chế chính sách để kêu gọi đầu tư phát triển trong nước có nhiều cái “rất lạ”. Ông kể: “Tui mới đi Nhật Bản. Ở thành phố Osaka có 6,5 triệu dân mà họ có tới 100 sân golf. Còn chúng ta có gần 90 triệu dân mới có 20 sân golf mà đã la làng. Như ở Thái Nguyên, 4 năm ni chạy đi xin làm sân golf mà cũng không cho. Tui thấy toàn đồi núi không, chứ có đụng đến đất sản xuất lúa đâu. Làm gì thì làm, như làm sân golf không được đụng đến đất sản xuất lúa là được. Chứ ở tít mấy gò đồi cằn cỗi không sản xuất được mà cũng cấm làm sân golf là thấy không ổn”.

Rồi ông kể tiếp chuyện ở Silver Shores Đà Nẵng có một sòng bạc dành cho người nước ngoài, nhưng cũng chỉ được phép mở có 7 bàn. Ông thẳng thắn: “Tui nói thiệt, có khác gì đâu về bản chất giữa các con số 7 bàn, 30 bàn hay 50 bàn, mà đi xin tăng thêm hoài cũng không cho lên. Cứ cho họ mở rộng ra càng nhiều càng tốt, rồi khách nước ngoài mới kéo đến chơi thoải mái, đông đúc, còn ta cứ ngồi thu thuế chứ mất đi đâu mà lo”.

“Nói chi với nhau phải nói cho chắc”

Trở lại với các DN hoạt động trên lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị ở Đà Nẵng, ông Thanh nói rằng, chính quyền thành phố không “đi làm thay cho DN” để kêu gọi hay năn nỉ NH cho vay. “Nhưng rõ ràng, có rất nhiều DN đảm bảo sức khỏe, lành mạnh về tài chính, có dự án tốt góp phần quan trọng cho sự phát triển của Đà Nẵng thì không cớ gì mà không cho họ vay để đầu tư cho các dự án có khả năng thu hồi vốn vay”, ông Thanh mở lời để BIDV nghiên cứu có chính sách hợp lý về lãi suất, thời hạn cho vay với số tiền khoảng 6.500 tỉ đồng cho 15 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố hiện do SunGroup, Công ty CP Trung Nam, Công ty CP đầu tư Nam Việt Á, Liên danh Đức Mạnh – 579… làm chủ đầu tư.

Nói xong, ông Thanh dẫn chứng những dự án như Bà Nà Hills, InterContinental Đà Nẵng Resort ở Bãi Bắc – Sơn Trà, Silver Shores và hàng loạt dự án khác về lĩnh vực hạ tầng du lịch… là những dự án góp phần thu hút rất đông khách du lịch đến Đà Nẵng. “Trong vòng vài năm nữa, khi DN đã tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư vào những dự án khác nhau trên địa bàn thành phố, tui tin chắc là sẽ có 5 – 7 triệu lượt khách/năm đến Đà Nẵng. Tới lúc đó, phía NH sẽ khỏi lo mất vốn, khả năng thu hồi cực kỳ khả thi. Mà tui nói thiệt, nếu tui thấy mấy anh ni (ý chỉ các DN – PV) làm ăn không ra chi thì tui dại gì ngồi đây để bị dắt dây cùng lãnh trách nhiệm”, ông Thanh nói.

Khi nghe một số DN phản ảnh về những khúc mắc liên quan đến thủ tục cho vay, điều kiện giải ngân… mà xuất phát từ chính phía NH, ông Thanh nói ngay: “Mấy anh làm gì làm phải thông suốt từ trên xuống dưới, chứ đừng để trên nói thông, mà dưới thì tắc. Phải làm cho ra quy củ, trên nói sao thì dưới làm vậy. Chứ đừng chơi cái kiểu trên nói mở, mà dưới thì bắt DN chạy vòng vòng hết chỗ này tới chỗ kia mà cuối cùng cũng chẳng được gì. Nói chi với nhau phải nói cho chắc, làm được thì nói làm được, không làm được cũng nói một tiếng. Theo tui là phải thay đổi cách làm: phải biến thứ phức tạp thành cái giản đơn chứ đừng biến cái giản đơn thành phức tạp”.

Ông cũng trải lòng: “Cái DN mong muốn nhất là được vay với lãi suất thấp chừng nào quý chừng nấy, nếu có lãi suất ưu đãi thực sự thì càng tốt. Còn thời hạn vay phải dài hơn, thủ tục giải ngân thuận lợi”. Và khẳng định: “Nếu NH yêu cầu chính quyền phải cam kết để DN được vay vốn từ NH thì chính quyền thành phố cũng sẵn sàng”.

Đến đây ông Thanh tâm sự: “Sắp tới tui nhận nhiệm vụ mới, song tui cũng còn là đại biểu Quốc hội đơn vị TP.Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ nghèo bất hạnh thành phố nên cũng sẽ dành thời gian đều đặn để về làm việc, tư vấn với các anh lãnh đạo ở thành phố. Nên mấy anh NH yên tâm là tui cũng còn chịu trách nhiệm khi đứng ra làm cầu nối bảo lãnh, tín chấp để DN được vay vốn đầu tư phát triển đô thị Đà Nẵng”.

(BTN)

Cộng đồng mạng nói gì về “hiện tượng” Nguyễn Bá Thanh


Thông tin Bộ Chính trị quyết định phân công Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh làm Trưởng ban Nội chính Trung ương trở thành chủ đề “nóng” trên các trang mạng mấy ngày qua.

Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh luôn gây ấn tượng mạnh mẽ trước công chúng bởi những phát biểu thẳng thắn, việc làm quyết liệt và mạnh mẽ, góp phần tạo nên một “hiện tượng”Nguyễn Bá Thanh của năm 2012. Việc ông Thanh “để lại Đà Nẵng sau lưng” khiến không ít người, đặc biệt là người dân địa phương, có cảm giác buồn vui lẫn lộn.

Sau đây BBT tổng hợp một số ý kiến của cộng đồng mạng nói về thông tin “nóng” này:

Bạn Phạm Đức Thắng: Tôi là người Hải Phòng, chỉ biết ông Nguyễn Bá Thanh qua tin tức trên báo chí, truyền hình thôi, nhưng cũng thấy những người như ông là vô cùng hiếm. Nhưng với cương vị mới, cấp lãnh đạo mới thì hi vọng ông vẫn làm được như vậy
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.

Bạn Thang Le: Đưa bác này làm Nội chính là ổn, ổn định chính trị vĩ mô, đối ngoại có Thủ tướng Dũng, kiểm tra quan tham có Bác Thanh là ok. Mỗi người mỗi mảng, đừng chồng chéo nhau là được, quyết định của Bộ chính trị vậy là tốt.

Bạn Trinh Linh Tinh: Giá như có một ngàn like, mình sẽ like cho bác ấy đến khi nào mỏi tay thì thôi………….người thầy lớn của tui!!

Bạn Trinh Huu Thuy: Có lẽ ông đang là người hợp với thời đại. Đảng ta đang gặp rất nhiều khó khăn, thù trong giặc ngoài, đứng trước sức ép phải thay đổi mình. Ông Thanh là người hùng để làm điều ấy trong giai đoạn này. Cầu mong Đảng sáng suốt tìm người hợp thời để ổn định chính trị. Vào thời điểm này tôi cho là thiên thời địa lợi nhân hoà. nên chung ta phải hết sức cẩn thận

Bạn Nguyen Hong Nhat chia sẻ: Ông Nguyễn Bá Thanh (kiểu tể tướng Lưu Gù), công nhận ông ấy là người giỏi, một người vì dân mà nói vỗ mặt quan tham, mà ông ấy vẫn leo lên được chức vụ cao thế trong thời điểm này, quả là sưa nay hiếm. Việt Nam có rất nhiều người tài như ông ấy, “Hào kiệt thời nào cũng có”, nhưng họ đã bị “tham quan” kiểu như “Hòa Thân” hại ngay khi cái “chồi” yêu nước vì dân vừa nẩy nở. Ở quy mô địa phương như Đà Nẵng

Nay, ông ấy lên Trung ương, như từ sông ra biển, sẽ gặp sóng to, không biết ông ấy có bản lĩnh chính trị vượt qua để chèo lái con thuyền Việt Nam về tới bến “Minh Bạch” được không đây? Hiện trạng là nhiều quan ăn lương từ tiền thuế của người dân, thay vì để phục vụ người dân nhưng ngược lại họ đang hành hạ người nộp thuế trả lương cho quan. Ông ấy mà giúp dân tộc Việt Nam rửa được cái tham nhũng thì dân tộc Việt Nam sẽ khắc tên ông vào sử sách. Chúc ông Nguyễn Bá Thanh có đủ sức khỏe và minh mẫn để THANH trừng tham quan, là một tiền đề quan trọng để đưa dân tộc Việt sánh vai được với các cường quốc năm châu bốn biển. Nếu không, tệ nạn tham nhũng, lấy tiền mua chức mua quyền, như vậy Việt Nam sẽ có một chính quyền yếu, không đoàn kết được dân tộc, và sẽ là miếng mồi ngon cho các thế lực thù địch và bè lũ bành trướng chống phá và xâm lăng bờ cõi nước Việt dễ dàng hơn.

Bạn Phuong Pham chia sẻ trên facebook: Ở Đà Nẵng ông Thanh làm rất tốt, thế nhưng lên Trung ương thì chưa chắc. Ông cần phải có những người giúp việc đắc lực.

Bạn Tieu Long Racingboy: Bác Nguyễn Bá Thanh làm rất tốt, cháu ủng hộ bác, gía như các tỉnh thành phố nào của Việt Nam cũng có 1 vài người như vậy.

Bạn Sauraumuong Srm: Mình không muốn những việc ông Thanh làm tạo scandal rồi lại chìm xuồng. Hy vọng ông nhìn thấy những tấm gương phía trước nói và làm như Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Bạn Nguyễn Xuân Trường: Ông Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội làm Trưởng ban chống tham nhũng là một hiện tượng của đầu năm 2013! Bây giờ chứng kiến tôi mới biết người dân cả nước yêu mến ông Nguyễn Bá Thanh chỉ sau Bác Hồ thôi đó bà con. Nhưng sự việc này là bài toán khó cho ông ấy đây, vì nghe nói ở ngoài đó bè phái dữ giằng lắm chứ không phải vừa đâu, tôi nghĩ Bác Thanh liệu có nâng nổi bầu trời ảm đạm của Việt Nam hay là bị bầu trời đè bẹp Bác đây! Nhưng dù sao dân Việt Nam cũng hãy bên cạnh ông ấy vì công lý và chân lý, hơn thế nữa là vì lý tưởng của Đảng……!

Bạn Nguyễn Việt Đức: Bác Thanh đúng là người sống hết lòng vì dân, đúng chất với Bác Hồ kính yêu .

Bạn Mắt Một Mí: Bác Thanh có giọng đặc trưng của người Quảng -Đà! Bác Thanh nhà ta là người luôn gần dân, ông luôn nói chuyện rất dân dã, dùng những từ ngữ dễ hiểu? Hy vọng khi Bác làm công việc ở TƯ cũng tốt như ở Đà Nẵng và được mọi người ủng hộ thì đất nước sẽ tốt hơn rất nhiều.

Độc giả Nguyễn Đức Hiếu chia sẻ trên VOV News: “Tối 2/1, đồng loạt các báo mạng đăng tải thông tin ông Nguyễn Bá Thanh được phân công làm Trưởng ban Nội chính Trung ương. Tôi cũng như nhiều độc giả khác đều hết sức bất ngờ. Tuy nhiên, trước sự kiện này, tôi vừa cảm thấy vui, vừa cảm thấy băn khoăn.

Vui vì Trung ương đã có thêm một người dám nghĩ, dám nói, dám làm và làm quyết liệt. Nhưng băn khoăn vì vị bí thư Đà Nẵng kế nhiệm sau này còn có được sự gần gũi và quyết liệt để Đà Nẵng tiếp tục tiến lên nữa hay không? Và tôi cũng có một sự lo lắng nho nhỏ, rằng: khi ra Hà Nội rồi, không biết ông cùng những cộng sự khác có thể tạo nên dấu ấn gì nữa không. Song, tôi vẫn hy vọng…”

Bạn đọc Tống Phi Khanh viết: “Mừng cho Đảng, cho đất nước khi bước sang năm mới khi có được “chính nhân” nắm giữ trọng trách. Nhưng cũng thoáng ưu tư khi nghĩ tới chữ “nhân hòa”. Liệu ông có được một ê-kíp làm việc như ở Đà Nẵng để hoàn thành nhiệm vụ không?”.

Hy vọng vào tân Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh

Trên các báo và cộng đồng mạng mấy ngày nay, Nguyễn Bá Thanh đã trở thành nhân vật “hot” nhất đầu năm mới. Cái tên Nguyễn Bá Thanh đã được nhắc đến với nhiều kỳ vọng. Nhưng không ít người cho rằng, không thể đưa ra những lời khen/chê quá lời vào lúc này.

Bên cạnh những hoài nghi, dư luận đều hy vọng ông Thanh sẽ đảm nhận công việc mới theo đúng “ý Đảng-lòng Dân”. Độc giả Phi Khanh chia sẻ: “Chỉ hy vọng rằng công cuộc làm trong sạch đội ngũ của Đảng từ nay sẽ triệt để hơn khi được “gội từ đầu gội xuống” chứ không chỉ “rửa chân” qua loa”.

Một thành viên Facebook cũng bày tỏ: ‎”Một cánh én nhỏ chắc cũng không làm nên được “mùa xuân” nhưng vẫn mong bác làm được gì đó cho người 90 triệu người dân Việt Nam. Hơn hết, mong bác giữ được mình khi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới”, xã hội này cần lắm những người như bác”.

“Mong bác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những biện pháp hữu hiệu để đầy lùi tệ quan liêu, tham nhũng góp phần làm cho đất nước giàu mạnh hơn” – một thành viên mạng khác chia sẻ.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, thực hiện chức năng một ban đảng và là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; lập Ban nội chính ở các tỉnh uỷ, thành uỷ.

Trường Sa

Nguyễn Bá Thanh: Chân dung một lãnh đạo “khổ” nhất và “sướng” nhất


Có lẽ anh Bá Thanh là một trong những người “khổ” và “sướng” nhất trong hàng ngũ lãnh đạo Việt nam.

Mới đây, Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được một bức thư của bà Đào Liên Hương, Trưởng ban Quốc tế Hiệp hội các trường Cao đẳng, Đại học ngoài công lập Việt Nam, Tổng thư ký các Hiệp hội Tư vấn du học và Ngôn ngữ quốc tế, Giám đốc Quốc Anh IEC. Lá thư là những tâm sự chất chứa về một người mà bà luôn coi là một người anh lớn trong cuộc đời: ông Nguyễn Bá Thanh – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, tân Trưởng ban Nội chính Trung Ương.

Tòa soạn xin đăng tải nguyên văn bức thư này.

Tuổi thơ gian khó

Anh Nguyễn Bá Thanh mồ côi cha từ rất sớm. Ba anh mất trong một cuộc chống càn của quân đội Mỹ. Đến giờ, nhiều người vẫn nhắc về tấm gương hy sinh của ông: Anh dũng chống trả quyết liệt và hy sinh khi không còn một viên đạn. Ông đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Ba anh khi đó đã là Tỉnh ủy viên và ông cũng chỉ có mong ước con sẽ tiếp tục sự nghiệp của mình. Khi ông mất, Bình, cậu em kế anh Thanh mới tròn 4 tuổi, chưa biết gì nhiều. Còn anh Thanh thì khi đó đang học ở ngoài Bắc ở trường Học sinh Miền Nam.
Ông Nguyễn Bá Thanh trên nghị trường

Xách ba lô ra Bắc học tập, anh Bá Thanh không ngờ mình lại ở ngoài Bắc lâu đến vậy. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, trở về Đà Nẵng, sau một thời gian làm tại Sở Nông lâm, anh Thanh nhận công tác tại một trong những nông trường xa xôi và khó khăn nhất cả nước. Khổ cực trăm bề, má anh chỉ nhắc anh một câu: “Hãy ráng lên, con ạ!”.

Câu nói bình dị đó đã đi theo anh Thanh, vượt qua được muôn vàn những thử thách cam go của cuộc sống. Cũng chính cuộc đời của người vợ liệt sĩ đó đã là tấm gương sáng rõ nhất cho cậu con trai của mình.

Người của công chúng

Tôi và anh Thanh gặp nhau lần đầu, trong một hoàn cảnh rất đặc biệt: mẹ anh đang ốm thập tử nhất sinh tại bệnh viện. Anh nói với tôi: “Anh chỉ có một nguyện vọng duy nhất, cứu mẹ anh sống thêm”. Nhưng phải nói rằng, khuôn mặt thô ráp và thân hình to lớn như gấu của anh khiến tôi hơi e ngại.

Sau đó vài tuần, tôi có dịp vào Đà Nẵng để tổ chức tuần trăng mật của con một gia đình người bạn thân. Trong lúc đi taxi, ngồi quán nước, hoặc đi chợ, nghe người dân kháo nhau… tôi mới hiểu rõ hơn về anh. Hoá ra anh là người của công chúng theo đúng nghĩa của từ này: Nhân dân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, họ yêu và quý anh biết bao. Đừng hòng ai bắt dân Đà Nẵng nói xấu được “vị chỉ huy” của họ.

Những dịp anh phát biểu tại Hội đồng Nhân dân đều được truyền hình trực tiếp và mọi người đều tạm gác công việc lại để nghe anh nói. Số điện thoại của anh được công khai cho mọi người dân để họ có thể gọi điện trực tiếp cho anh. Khi nhận được thông tin nào đáng lưu ý, anh bèn đóng giả làm dân thường đi xuống tận nơi, ngồi ăn uống tại quán như một người khách để nghe cụ thể xem những khiếu nại đó có đúng không?

Cán bộ của anh rất liêm chính bởi anh rất nghiêm. Khi giao những vị trí nhạy cảm cho các cán bộ trẻ, anh nói ngay: Muốn có tiền ngay thì tham nhũng và đòi tiền của dân, nhưng sẽ không bền. Nếu làm việc trong sạch thì sẽ nghèo, nhưng, sau một thời gian sẽ được giao những vị trí then chốt và tiến lên nữa… tuỳ chọn. Và hầu hết các nhân viên trẻ, có năng lực của thành phố này đều chọn con đường thứ hai.

Thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính ở Đà Nẵng rất nhanh. Từ khi bạn mua đất hoặc nhà đến khi cầm trong tay sổ đỏ chỉ mất không quá 1 tháng. Trong khi ở rất nhiều địa phương khác thường là vô định… vì không ai có thể dám quả quyết rằng trong bao lâu mới xong. Nhà tôi ở khu Trung Hoà Nhân Chính – Hà Nội. Tôi mua đất năm 2001, xây nhà năm 2005, về đây ở năm 2006, vậy mà từ đó đến nay sổ đỏ vẫn chưa có. Có cán bộ nói với tôi, muốn có nhanh, phải lo chuẩn bị “phong bì”…

Còn ở Đà Nẵng? Tôi nhớ một kỷ niệm gắn liền với anh Thanh. Trong một lần gặp mặt, tôi trót phàn nàn một câu về tiến độ giấy phép xây dựng của bạn tôi trước mặt anh Thanh. Anh lập tức rút điện thoại ra nói mát mẻ với cậu phụ trách: “Vừa mới lên được là thành phố hàng đầu về thủ tục thông thoáng, nhanh chóng cho các nhà đầu tư, giờ lại muốn quay xuống à?”. Một lúc sau cậu ta gọi ngay cho tôi xin lỗi rồi nói: Lần sau chị cứ gọi thẳng cho em nhé, đừng gọi cho sếp, kẻo bọn em lại bị phê bình đấy.

Anh Thanh giải quyết việc rất nhanh và quyết liệt như vậy.

Còn nhớ, trong lần đầu vào Đà Nẵng, tôi nhờ anh dẫn đến thăm đền thờ vị anh hùng Thoại Ngọc Hầu, người có công chủ trương, xây nên kênh Vĩnh Tế, hoạch định biên giới Việt Miên nhưng phải chịu bao oan trái ngay cả sau khi đã qua đời. Ngôi đền nằm ở ven bờ sông Hàn.

Tại đây, anh nói dự định mời “Thần đèn” Cẩm Luỹ đến để nâng ngôi đền lên vì sau hàng trăm năm, ngôi đền ở vị trí thấp so với xung quanh, tường đã ải và ngấm nước, tôi gợi ý: “Sao anh không xây lại cho đẹp hẳn? Ông Thoại – có công với đất nước biết bao”. Anh suy nghĩ một lúc rồi gật đầu cương quyết. Và chỉ một thời gian ngắn sau đó, thành phố Đà Nẵng đã có thêm một ngôi đền khang trang, đẹp đẽ để tưởng nhớ vị anh hùng ngay tại quê hương.

Tôi cảm phục anh lắm, vì anh dám quyết, dám làm, quyết nhanh và làm cũng nhanh. Khi họp tổ dân phố, những người sống quanh đền đều tự nguyện ra đi để mở rộng sân đền, có chỗ chơi cho trẻ em quanh đấy. Tất nhiên cũng bởi vì chính sách đền bù của thành phố thoả đáng. Thời gian ngắn sau đó, tôi vào thăm lại Đà Nẵng, con đường đất trước mặt ngôi đền cũng đã được trải nhựa rất đẹp, mang tên Hà Thị Thân.

Những quyết sách gây tranh cãi…

Nhiều việc làm, quyết sách của anh gây không ít tranh cãi, cũng vì quá tiên phong và không giống ai: Nào là khởi đầu phong trào cấm đối tượng lang thang cơ nhỡ ăn xin, ăn mày trong thành phố, cấm đeo bám khách du lịch, quay camera CSGT, tăng lương cho CSGT, thưởng cho người báo tin… toàn những việc, với nhiều người là rất lạ đời.

Trong nhiều lần giải phóng mặt bằng tại thành phố, anh đều trực tiếp có mặt và đứng ở ngay hàng đầu, mặc bộ quần áo công nhân, trực tiếp điều đình với những người phản đối. Anh chẳng nề hà chuyện gì. Bởi vậy, dân rất nể và sợ cái uy, những hành động quyết liệt của anh. Nhưng theo tôi biết, chẳng phải ai cũng thích những sự “ làm tới” của anh đâu. Nhưng một điều không thể phủ nhận, người dân tại nhiều tỉnh thích địa phương mình cũng có một ông lãnh đạo giỏi và quyết liệt như vậy… Để khỏi bụi, khỏi kẹt xe, khỏi khổ về nạn giấy tờ, nhũng nhiễu…

Nhưng bảo anh làm khác đi, cũng giống như mọi người, cũng mềm mỏng, cũng tròn trịa, hợp thời… chắc còn khó hơn bắt anh xông lên hàng đầu trong cuộc chiến. Anh bảo: “Trong trận đá bóng, 11 anh, ai cũng thích làm hậu vệ, cứ đợi nhau, cứ chặn và vờn bóng thì còn gì là trận đấu? Phải có anh xông lên, sút bóng thì mới ra bàn thắng chứ”. Và anh chắc chắn vào cái chân trung phong đó rồi.

Cũng nhiều người nói: Đội bóng đá Đà Nẵng luôn gắn liền liền với hình anh anh Nguyễn Bá Thanh. Anh chẳng bỏ trận nào của “đội nhà”, kể cả đang họp ở Hà Nội, nếu tranh thủ được, anh cũng bay về để ủng hộ. Thắng thua gì, khi kết thúc trận, anh cũng xuống sân rút kinh nghiệm cùng cả đội. Bởi vậy đội bóng đá Đà Nẵng có thêm một huấn luyện viên danh dự Bá Thanh.

Nói rằng anh là vị cán bộ sướng nhất cũng đúng.

Vì làm được nhiều việc nên anh được bà con quý mến lắm. Sau này khi đã trở nên thân thiết, mỗi lần tôi vào Đà Nẵng hoặc anh ra Hà Nội họp, chúng tôi thường ngồi ăn uống nói chuyện.

Chúng tôi tâm sự về tương lai phát triển của Đà Nẵng, về những cây cầu, những con đường, những kế hoạch triển khai cho tàu điện ngầm, về những lần thi bắn pháo hoa tưng bừng… Chúng tôi cùng anh chia sẻ những ước mơ về một thành phố Đà Nẵng tương lai – thành phố đáng sống nhất của Việt Nam… Rồi chúng tôi bàn về đất nước, về sự phát triển của nông nghiệp – lĩnh vực đúng chuyên môn của anh, về việc cần người điều hành để thúc đẩy mạnh mẽ hơn, về những kế sách để giúp nông nghiệp Việt nam phất triển, để “cứu” Hà Nội khỏi kẹt xe… Tôi phục anh lắm, anh luôn nghĩ ra những kế rất hay mà khó ai nghĩ tới…

Không ít lần, khi ra trả tiền cho bữa ăn, chúng tôi nhận được một mảnh giấy có ghi những dòng chữ như:

“Xin cho phép tôi được mời anh Bá Thanh bữa cơm này, tôi tuy ở Hà Nội nhưng là dân gốc Đà Nẵng. Anh đã làm được nhiều việc cho thành phố quê hương lắm. Xin cảm ơn anh.”

“Anh Thanh ơi, tuy không quen anh nhưng đã được nghe anh nói rất nhiều trên vô tuyến. Cảm ơn anh, một con người dũng cảm. Xin được mời anh bữa ăn này – một người bạn không quen biết”.

Họ là ai? Là người Hà Nội, Đà Nẵng hay là một người Việt Nam nào đó đã từng đi qua Đà Nẵng và cảm phục sự đổi thay thần kỳ của thành phố này cũng như vai trò của vị “nhạc trưởng” Bá Thanh? Tôi biết những lúc như vậy anh cũng vui lắm.

Dịp cuối năm vừa qua, tôi rẽ qua Đà Nẵng một ngày để bàn bạc việc tổ chức đưa lô thuốc viện trợ từ Mỹ về cho các bệnh nhân nghèo tại các tỉnh miền Trung. Không ngờ cái việc nghe rất đơn giản đó lại vấp phải những rào cản vô hình từ nhiều cấp. May quá, có Bệnh viện Đà Nẵng và anh gật đầu nhận giúp. Thế là lô thuốc viện trợ trị giá 14 triệu USD mới tìm được đường về VN.

Cũng thời điểm này, tôi lại nghe được tin anh sắp ra Hà Nội giúp dân, giúp Đảng.

Cô con nuôi Nguyễn Thị Huyền – Hoa hậu Việt Nam, người hàng năm vẫn làm show Lung linh sắc Việt tại Đà Nẵng để gây quỹ cho bệnh nhân nghèo tại đây, reo lên một cách rất thực thà: “Hoan hô, bác Thanh – thần tượng mà con ngưỡng mộ bấy lâu nay sắp ra Hà Nội rồi”.

Chắc nhiều người dân Việt Nam cùng có chung niềm vui và hy vọng như vậy. Tôi nhắn tin cho anh: “Tối nay em sẽ mang hoa tới chúc mừng!”. Nhưng khi ra đến chợ, tôi đã chuyển sang mua hoa và quả để thắp hương cho mẹ anh. Bởi, tôi hiểu, chính bà là động lực đã giúp con mình thành công như ngày hôm nay.

Khi tôi tới, anh Nguyễn Bá Thanh đang ngồi một mình. Vui buồn, thắng thua người đàn ông này đều vậy, lặng lẽ ngồi hút thuốc. Tôi tới, cắm hoa vào bình trên ban thờ, thắp nhang cho bà, rồi yên lặng ngồi xuống bên anh. Người anh kiệm lời nhìn tôi, chúng tôi lặng lẽ hồi tưởng lại cả quãng thời gian vất vả vừa qua, những oan trái, những vùi dập, những cố gắng, những sẻ chia và biết bao thách thức phía trước… Chúng tôi chia tay và lần đầu tiên hai anh em ôm nhau vì những xúc động trào dâng.

Lúc tôi về, ra đến cổng, trời đã tối muộn, tôi vẫn thấy có hai người dân chờ đợi để vào xin gặp anh. Hóa ra hôm nay theo lịch – vẫn là ngày anh tiếp dân tại nhà vào buổi tối (tất cả các ngày trừ thứ bảy, Chủ nhật), người công bộc của dân lại lắng nghe để thấu hiểu và giải quyết thật nhanh những thắc mắc của người dân.

Chính anh đã là đầu tàu, kéo mọi người về với Đà Nẵng, đóng góp hết sức mình cho sự đổi thay kỳ diệu của mảnh đất này. Tôi nhắc mình phải tiến hành khẩn trương hơn cho việc vận chuyển gói hàng viện trợ trang thiết bị cho Bệnh viện Ung bướu. Bệnh viện này là tâm huyết do anh khởi xướng, dự kiến sẽ mở cửa chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo toàn bộ khu vực miền trung vào tháng giêng này. Tôi biết, anh rất tự hào về công việc này.

Về đến khách sạn rồi, tôi vẫn chưa hiểu nổi sự lạ lùng của cuộc đời, tôi gọi điện thoại hỏi lại anh: “Điều gì đã đưa em vào tận mảnh đất Đà Nẵng này để làm em của anh thế nhỉ?”. Anh đáp rất giản dị: “Đó là duyên phận cuộc đời em ạ!”. Nhưng tôi hiểu, chính anh là thỏi nam châm đã hút được sự trợ giúp của những người như tôi đến với mảnh đất miền Trung này, cũng như những công việc vì dân mà anh đang và sẽ làm.

Hẹn gặp anh ở Hà Nội nhé! Ra đấy lạnh chứ không ấm áp như ở đây đâu!
Hà Nội 1/1/2012

LH (BGD)

Một chút tình, lý ông Nguyễn Bá Thanh


Thấy gì từ những phát ngôn và hành động đã trở thành “thương hiệu” Nguyễn Bá Thanh?…

Giữa năm ngoái, trong một chuyến công tác dài ngày ở Đà Nẵng, người viết đã gặp gỡ một số doanh nhân có tiếng ở thành phố này.

Khi được hỏi về những tín hiệu lạc quan từ các chính sách vĩ mô để mở lối cho bức tranh doanh nghiệp đang u ám, vị giám đốc tuổi còn khá trẻ đã không ngần ngại mà rằng, “tiếc là chưa có nhiều người tài trong bộ máy điều hành, chưa thấy nhiều chuyên gia tầm cỡ để anh em tôi nể phục”.

“Vậy, Đà Nẵng có người tài không?”, tôi hỏi. “Tất nhiên có chứ, nếu không có ông Thanh, Đà Nẵng sao được như hôm nay”.

Cái “được như hôm nay” của Đà Nẵng, tất nhiên sẽ rất khác nhau theo cảm nhận của mỗi người. Còn với người viết bài này, đó đơn giản chỉ là cảm giác dễ chịu khi hỏi thăm đường, lúc mua sắm, lang thang tản bộ trời khuya chẳng canh cánh nỗi lo trộm cướp hay thái độ nhã nhặn của cảnh sát giao thông khi sơ ý đi ô tô qua cầu vào giờ cao điểm… Bởi, những điều tưởng như rất đỗi bình thường này đang ngày càng trở thành của hiếm với rất nhiều đô thị khác.
Ông Nguyễn Bá Thanh

Cũng có lẽ thế mà những người đang sống ở thành phố bên sông Hàn, dù có sinh ra ở đó hay đến từ nơi khác mà người viết đã có dịp chuyện trò, đều không muốn xa mảnh đất này.

Nhiều cư dân ở các tỉnh thành khác cũng muốn thành công dân Đà Nẵng. Để rồi câu chuyện về Nghị quyết 23 của Hội đồng Nhân dân thành phố mà ông Nguyễn Bá Thanh là Chủ tịch với quy định hạn chế nhập cư đã gây biết bao tranh cãi.

Hỏi một vị quan chức cơ quan Trung ương đã nghỉ hưu, đang sống ở Đà Nẵng, từng tiếp xúc khá nhiều với Bí thư Nguyễn Bá Thanh, ông kể, cái lý của ông Thanh là khả năng của thành phố chỉ có thể lo cho bằng đó dân thôi, nếu nhập cư ổ ạt, quá tải thì dân khổ trước. Và nhiều người đồng ý với cái lý này.

Lại hỏi liệu như thế thì có “cục bộ” quá không, ông quan hưu trí chậm rãi, “có lần tôi nghe anh Thanh tâm sự với mấy bác cao niên là, tính ông chỉ có người Đà Nẵng hiểu, nên có thể còn có việc này việc kia dân chưa bằng lòng, nhưng chắc dân cũng không “để bụng” lâu vì lấy đại cục làm trọng”.

Lan man sang chuyện ông Chủ tịch Thanh điều hành mấy phiên chất vấn dồn cho vị giám đốc sở nào đó “toát mồ hôi”, vị công dân cao niên kể tiếp rằng, cũng có lần nghe góp ý, ông Thanh bảo, tính ông là thế, khó có thể “khéo”, nên chắc chỉ có dân Đà Nẵng “thương” được thôi…

Nay, ông Thanh được phân công ra nhận nhiệm vụ mới tại Hà Nội. Trước kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đầu tháng 12 của năm cũ, thông tin này cũng đã nằm trong sự đồn đoán. Vậy nên vào thời điểm đó, người viết bài không bỏ sót phiên truyền hình trực tiếp nào ở kỳ họp này, để xem “lửa” của người đứng đầu thành phố còn “nóng” đến đâu tại phiên họp cuối (nếu dự đoán ông ra “Ba Đình” là chính xác).

Phát biểu khai mạc kỳ họp Hội đồng Nhân dân của ông Thanh không mấy ấn tượng, ngoại trừ một nhận định thẳng tuột: “Kinh tế Đà Nẵng gặp khó khăn chưa từng có”.

Bày tỏ sự “thất vọng” với một vị đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, vị này “xui” hãy kiên nhẫn, chờ đến phiên bế mạc, có thể sẽ thấy bất ngờ thú vị.

Dài, nhưng không chán, đó là cảm giác khi nghe phần phát biểu bế mạc kéo dài đến hơn một giờ đồng hồ của ông Thanh, mà theo lời của vị đại biểu nói trên thì từng ý đều được ghi lại và thực hiện đầy đủ.

Vẫn nhấn mạnh ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách thành phố đứng ra bảo lãnh để “anh ngân hàng phấn khởi vì biết thành phố có ngân sách nếu doanh nghiệp trả không được thì bỏ ra đền”. Song, yêu cầu mà ông đưa ra là thành phố phải trả lời được câu hỏi ai muốn vay, vay làm gì và có hiệu quả không. “Nếu làm rõ rồi mới tổ chức hội nghị, còn chưa làm rõ thì có họp cũng có tháo gỡ chi được đâu”, ông nói.

Thậm chí, ông còn đề nghị chính quyền thành phố tiến thêm một bước nữa là cùng Ngân hàng Nhà nước gặp gỡ một số ngân hàng thương mại để hỏi thử xem nếu thành phố đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp này thì ông có tiền cho vay không. Ngân hàng nào có thể cho vay cần có tên tuổi cụ thể, làm cái báo cáo sơ bộ rồi mới gặp gỡ, chứ “gặp gỡ hô khẩu hiệu là không chơi”.

Với cá nhân người viết, bất ngờ không nằm ở đây. Bởi, nửa năm trước, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng Lê Văn Hiểu đã cho hay: “Nói thẳng, nghe thẳng, thực hiện thẳng, ứng cứu rất nhanh… là những việc mà Đà Nẵng ít nhiều đã làm được cho doanh nghiệp địa phương”.

Bất ngờ, bắt đầu từ chỗ ông Thanh khuyên lãnh đạo ủy ban, lãnh đạo sở nếu đến trường học hãy đến thăm nhà vệ sinh. Đừng để nhà vệ sinh hôi hám khiến học sinh phải nhịn đi tiểu, nhịn đi cầu, đổ bệnh sau này.

Với yêu cầu khẩn trương, ông chỉ đạo phải đồng loạt ra quân sao cho đến nửa năm 2013 “kết thúc cái vụ này”.

Rồi khá nhỏ nhẹ, ông đề nghị các trường học tổng kiểm tra để đảm bảo ánh sáng cho học trò. Vì, có nơi thiếu cái bóng đèn không chịu lắp, trong khi 10 cháu thì 7 đến 8 em đeo kính, mình bậc người lớn phải có trách nhiệm.

Bí thư Nguyễn Bá Thanh (phải) tại buổi đối thoại trực tiếp với hơn một trăm ông chồng "vũ phu" tại Đà Nẵng, tháng 8/2009

Ông cũng giục đẩy nhanh phổ cập việc dạy bơi cho học sinh, phần vì đang sống ở vùng sông nước, phần vì “lớn lên đi bộ đội chạy đến đoạn sông nào đó không lẽ báo cáo mình không biết bơi à”.

“Than thở” dạy thêm học thêm là vấn đề được nói nhiều lắm rồi và nhắc đi nhắc lại yêu cầu bỏ cái lối dạy trước, dạy mớm bài, song ông đề nghị ngành giáo dục có có cách gì đó để có thể giúp đỡ học sinh yếu ngay từ lớp một.

“Để nó học kém thì nó chán nó sẽ đi chơi nên phải có phụ đạo, nhưng cũng phải mềm mại nhẹ nhàng để khỏi chạm sỹ diện”, ông nhắc nhở về phương pháp.

Từ giáo dục chuyển qua các lĩnh vực khác, ông vẫn thể hiện sự dân dã và sâu sát thực tế mà không phải quan chức đầu tỉnh nào cũng có.

Ông nói, người nghèo ung thư vào bệnh viện ung thư – công trình mới của thành phố – được chữa bệnh miễn phí hoàn toàn. Nhà nghỉ cho thân nhân người bệnh cũng không thu tiền, nhưng chỉ có quạt chớ không có điều hòa.

Ông cũng dặn các cơ quan chức năng phải bắt buộc và tạo điều kiện thuận lợi người đi xe máy mua ngay mũ đảm bảo chất lượng nếu đang sử dụng mũ rởm. Cũng có một số người thích thời trang sẽ không thích, nhưng khi hiểu là chính quyền lo cho cuộc sống của chính họ thì sẽ bớt giận đi thôi, còn bây giờ “cứ phải nghiến răng để làm”.

Những phát ngôn và hành động đã trở thành “thương hiệu” Nguyễn Bá Thanh, dù không phải nhất nhất đều nhận được sự tán đồng, có thể cho thấy phần nào cái tình và cái lý của ông.

Giữ tấm lòng ấy, bản lĩnh ấy, ở cương vị mới, ông sẽ làm tăng thêm sự yêu mến và tin tưởng, không chỉ của người dân Đà Nẵng, hy vọng là như vậy!

(IFN)

Ông Nguyễn Bá Thanh sắp để lại Đà Nẵng sau lưng


Để có một Đà Nẵng như hiện nay, Nguyễn Bá Thanh và đội ngũ của ông đã phải làm rất nhiều việc…

Đã nghe dư luận râm ran mấy hôm nay, rằng ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, sắp được điều ra Hà Nội nhận nhiệm vụ quan trọng lắm. Đến hôm qua, tin đồn hoá ra là… thật. Chức trưởng Ban Nội chính Trung ương, một Ban quan trọng, liên quan mật thiết đến Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, đã được tin tưởng giao cho một người thuộc nhóm nổi tiếng nhất miền Trung, nếu không nói là cả nước, đó là Nguyễn Bá Thanh.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh


Nhiều năm nay, ông Nguyễn Bá Thanh và Đà Nẵng là hai cái tên được nhắc đến với nhiều thiện cảm. Nói đến Đà Nẵng thì không thể không nói đến Nguyễn Bá Thanh và ngược lại. Sự phát triển, thay da đổi thịt của thành phố này, đến mức nhiều người vì quá hâm mộ gắn cho danh hiệu “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, có dấu ấn cá nhân của Nguyễn Bá Thanh.

Không nói đâu xa, trên VOV online, bất kỳ tin, bài nào liên quan đến hai cái tên này, đều thu hút một lượng người đọc “khủng”. Các bạn hãy vào những bài báo ấy mà đọc lại và đọc các ý kiến phản hồi ở dưới để thấy người dân hâm mộ ông Thanh đến mức nào. Không chỉ nhân dân mà người nổi tiếng như nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng thích con người này.

Làm “quan” cách mạng trong giai đoạn hiện nay mà được nhân dân tin yêu, kỳ vọng, tín nhiệm một cách vô tư như thế quả là hiếm, quả là một diễm phúc không chỉ của riêng ông Nguyễn Bá Thanh…

Với Đà Nẵng, tôi chỉ là một khách qua đường, nhưng mỗi lần đến đây, nhất là bay từ Hà Nội vào, đều thấy một cảm giác thư thái, dễ thở, khoan khoái xâm lấn tâm hồn. Thành phố đẹp, thoáng đãng, quy hoạch bài bản, có một tầm nhìn xa rộng, con người lam lũ làm ăn trong niềm vui sống… Đó là những nét phổ quát về Đà Nẵng mà chẳng cần phải tinh tế, sắc sảo gì cũng có thể nhận ra.

Tôi đi taxi, đi xe ôm và ngạc nhiên khi thấy những ông tài mà tôi gặp đều vô hình chung là những tuyên truyền viên rất tích cực về thành phố này và về Nguyễn Bá Thanh. Nào là mấy tháng nữa thì cầu Rồng sẽ khánh thành, cái cầu này được ông Thanh thúc đẩy xây dựng ra sao; nào là “ổng” đặt mục tiêu đến lúc nghỉ hưu sẽ xây thêm mấy cây cầu…

Chưa thấy người dân nào nói xấu ông sau lưng cả, trong khi đó, tôi thấy hiện tượng dân nói xấu “quan” sau lưng khá phổ biến ở các nơi khác. Cũng có thể người ta sợ cái uy của ông thể hiện ngay ở tướng mạo bề ngoài mà không dám công khai phê phán. Tuy vậy, theo tôi, khả năng này là nhỏ, nếu có thì tỷ lệ không phải là đa số.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh

Tôi cũng có bạn làm quan hàng tỉnh ở một địa phương khác, khi nhận xét về ông Nguyễn Bá Thanh, anh khâm phục lắm: “Ổng làm Bí thư thì như Chủ tịch, mà làm Chủ tịch lại… giống Bí thư. Chẳng ai máu lửa đến thế đâu. Khiếp lắm!”.

Một người bạn khác của tôi làm ở một Bộ ở Hà Nội, sau khi di làm việc với sở ngành dọc tại Đà Nẵng về  trầm trồ kể: “Chỗ này không có phong bì như nơi khác ông ạ! Làm việc là làm việc, sau đó mời nhau đi ăn lịch sự”.

Tôi cũng có lần  nghe Chủ tịch quận Hải Châu thuyết trình, ông này say sưa nói về các chương trình kinh tế- xã hội do Nguyễn Bá Thanh khởi xướng, tôi để ý thấy bên cạnh từ “chúng tôi”, hầu như câu nào cũng đá đến chữ “đồng chí Bí thư chỉ đạo” một cách rất tự nhiên…

Trong nhiều chương trình, kế hoạch khá hay, bổ ích, đặc trưng Đà Nẵng, tôi thấy thích nhất điều ông tâm huyết là rèn cho người dân nếp sống văn minh, lịch sự tỷ như không phơi quần áo phô ra đường phố, vận động chị em đi tập thể dục buổi sáng hay ra phố thì ăn mặc cho đàng hoàng, lịch sự; và đặc biệt là việc dồn sức rèn rũa thế hệ còn non tơ, để mười đến hai mươi năm nữa, Đà Nẵng sẽ có một lớp công dân khác về chất so với bây giờ… Sự lớn lao có lẽ phải bắt đầu từ những chi tiết, việc làm tỷ mỷ, cụ thể thậm chí tưởng như rất nhỏ nhặt…

Khỏi cần nhắc đến những việc làm mạnh mẽ, quyết liệt, khác thiên hạ của ông Nguyễn Bá Thanh. Cá nhân tôi, xin nhập vào đa số những người thích phong cách lãnh đạo của ông, nói theo ngôn ngữ trên facebook là “like” (yêu thích) mạnh! Tôi biết, để có một Đà Nẵng như hiện nay, Nguyễn Bá Thanh và đội ngũ của ông đã làm rất nhiều việc, mà chắc chắn, không phải việc gì cũng đúng hoàn toàn và được lòng hoàn toàn. Chả phải các cụ đã dạy đại khái là con người ta không ai hoàn hảo đó sao.

Tôi chỉ thấy rằng, trong tình hình hiện nay, những mẫu người hành động có hiệu quả như vậy là rất quí.

Và khi nghe tin ông sắp rời Đà Nẵng, ra Hà Nội nhận nhiệm vụ quan trong cực kỳ, dù không phải họ hàng thân thuộc hay quen biết gì ông, tôi cũng thấy bâng khuâng. Đặt hàng các đồng nghiệp ở trong ấy phỏng vấn ông về sự kiện này thì họ nhất định từ chối vì nắm chắc thất bại. Ông Thanh không mấy khi trả lời báo chí thật. Có lẽ ông được điều lên Trung ương cũng có rất nhiều người vui và không ít người buồn, vui vì những lý do có khi là đối lập nhau, buồn cũng thế…

Tạm biệt Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh không chỉ để lại sau lưng ông một thành phố mà là một quá trình phát triển chắc chắn sẽ còn được nhiều người tranh luận, mổ xẻ về sự được- thua, đúng- sai sau này. Ông để lại một con tàu đã được cài đặt, chỉ có đi lên chứ không thể nào khác được. Và ông để lại sau lưng một đội ngũ cán bộ có tư duy làm việc như thế, một thành phố với tư duy như thế. Hy vọng là như thế.

Và với hành trang mang theo, cũng mong ông sẽ làm được những việc có ích trong cương vị công tác mới, mặc dù việc mới ở Trung ương sẽ khó khăn, thử thách nhiều lắm lắm./.

P.K.B (DTNVN)

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)