Trở lại Làng đá mỹ nghệ Non Nước những ngày cuối năm, tiếng máy xẻ đá hòa cùng tiếng nói, tiếng cười râm ran. Tháng Chạp là tháng thực hiện và thanh lý nhiều hợp đồng chế tác, cung cấp đá trang trí với số lượng lớn ra thị trường. Tháng Chạp cũng mở ra nhiều bữa tiệc tất niên mừng kết thúc một năm làm ăn phát đạt. Người dân Làng đá mỹ nghệ Non Nước hôm nay còn tự hào với danh xưng: Làng ô-tô.
Ấn tượng làng đá mỹ nghệ non nước
Gặp nghệ nhân Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội Làng đá mỹ nghệ Non Nước, ông đặt ngay câu hỏi: “Nhà báo có nhận thấy Làng đá này phồn thịnh không?’’. Ông Nguyễn Việt Minh khoe: “Làng đá Non Nước bây chừ có thêm danh xưng mới, đó là Làng ô-tô’’. Trung bình 2 hội viên làng nghề thì một người có ô-tô. Nhiều người thợ, chủ xưởng hiện nay một bước là ngồi ô-tô láng coóng.
Làng đá mỹ nghệ Non Nước hiện có gần 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh với hơn 3.000 lao động tập trung ở các khối 7, 8, 9 Đông Hải và khối 3, 4 Sơn Thủy. Từ những đôi bàn tay khéo léo, người thợ đá Non Nước đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm với nhiều kích cỡ, mẫu mã khác nhau làm nên một thị trường đá mỹ nghệ đầy danh tiếng. Ðược biết, doanh thu từ Làng đá mỹ nghệ Non Nước năm 2010 ước đạt 150 tỷ đồng. Sản phẩm ở đây đã có mặt tại các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh… và xuất khẩu sang các nước ASEAN, Mỹ…
Nếu như những năm trước, thị trường nước ngoài chiếm đến 60% doanh số thì hiện nay cán cân đã thay đổi, khi thị trường trong nước lại chiếm ưu thế. Vì vậy, việc gia tăng sản xuất ở những ngày cuối năm để giao hàng đang diễn ra sôi động. Người Làng đá luôn mở tiệc tất niên, đón Tết sớm nhưng xong tiệc là quay sang làm việc. Hiện ông Nguyễn Việt Minh có hai cơ sở sản xuất và kinh doanh đá ở Ngũ Hành Sơn với hơn 30 công nhân. Thu nhập của công nhân dao động từ 2 đến 7 triệu đồng/tháng tùy vào công việc. Trong đó thợ chế tác lành nghề, bảo đảm được sản lượng và chất lượng sản phẩm cao sẽ có mức thu nhập từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Việt Minh tự hào nói: “Qua những biến động về kinh tế-xã hội, trong khi ở nhiều khu công nghiệp công nhân mất việc làm thì ở đây, ngay dưới chân núi Ngũ Hành, các nghệ nhân điêu khắc đá vẫn miệt mài làm việc, ổn định cuộc sống và đang từng bước nâng cao tay nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng’’.
“Quận Ngũ Hành Sơn đang triển khai phương án xây dựng Làng đá mỹ nghệ Non Nước với quy mô 37ha tại tổ 17, khu vực Đông Trà, phường Hòa Hải để di dời toàn bộ cơ sở sản xuất đá hiện nay nhằm khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường và phục vụ du lịch. Theo đó, tại đây sẽ có 583 cơ sở sản xuất, bao gồm 28 cơ sở quy mô từ 10 lao động trở lên sẽ được bố trí mỗi cơ sở 1.000 – 1.200m2; 49 cơ sở có từ 5-9 lao động được bố trí mỗi cơ sở 700 – 900m2 và 406 cơ sở dưới 5 lao động được bố trí mỗi cơ sở 300 – 400m2. ”
(Nguồn: UBND quận Ngũ Hành Sơn). |
Tuy nhiên Làng đá vẫn liên tục đứng trước những khó khăn, đó là thiếu lao động có tay nghề cao. Thợ có tay nghề cao thường có xu hướng thoát ra phận làm công để đứng ra mở cơ sở sản xuất mới. Một số người vào các tỉnh phía nam lập nghiệp, gầy dựng cơ sở sản xuất và thị trường, song thành công nơi đất khách quê người không nhiều. Làng đá vẫn là nơi đất lành và vì thế số lượng cơ sở sản xuất tăng lên mỗi năm. Tuy nhiên, Làng đá đang đứng trước thách thức về việc gìn giữ môi trường và trong thời gian quy hoạch, giải tỏa nên hiện tại không có sự đầu tư lớn.
Giữa chiều cuối năm giá lạnh nhưng những người thợ trẻ đam mê đá vẫn miệt mài sáng tạo, từ chiếc lọ đựng tăm, chiếc vòng đeo tay, bình hoa, hình 12 con giáp, tượng Phật… đến muôn vàn những vật dụng trang trí khác. Ðá ở đây là loại cẩm thạch nhiều màu sắc như trắng sữa, hồng phấn, sáng đục, xám vân đỏ, nâu đen, xanh đậm, mang vẻ đẹp bền bỉ trước thời gian. Ở đường Huyền Trân Công Chúa dưới chân núi Ngũ Hành, có nhiều cơ sở điêu khắc đá nổi tiếng của các nghệ nhân Nguyễn Việt Minh, Việt Hùng, Út Lan…
Bài và ảnh: TRIỆU NAM PHƯƠNG
(Theo website Nguyễn Bá Thanh)