Hòa Vang khánh thành Công viên – Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong


Sáng ngày 26-2, tại thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, UBND huyện Hòa Vang đã tổ chức lễ khánh thành Công viên – Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong (Hòa Vang). Đến dự lễ có các đồng chí Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và đại diện các sở, ban, ngành, các tầng lớp nhân dân trong huyện.

Các đồng chí Trần Văn Minh và Trần Thọ dâng hương tại nghĩa trang.

Được biết, năm 2004, khi Quốc lộ 14B được nâng cấp, Nghĩa trang liệt sĩ nằm ở vị trí trũng sâu, thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa khiến nhân dân địa phương và nhân dân các liệt sĩ không an tâm.

Để thể hiện lòng kính trọng và biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, đáp ứng lòng mong mỏi của thân nhân các liệt sĩ và nhân dân trong huyện, vào năm 2009, Công viên-Nghĩa trang mới được khởi công xây dựng với tổng kinh phí 13,5 tỷ đồng, trên diện tích 11.274m2. Công trình tọa lạc tại đồi Gò Cốc, thôn Cẩm Toại Trung và đã quy tập gần 1.000 phần mộ của những anh hùng, liệt sĩ xã Hòa Phong và những liệt sĩ của nhiều miền đất nước đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.

Công viên-Nghĩa trang còn là khu di tích lịch sử, một điểm nhấn về kiến trúc và khu du lịch để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ của huyện Hòa Vang hôm nay và mai sau.

Tin và ảnh: KIM OANH


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng tôn vinh các Doanh nghiệp tạo việc làm cho người khuyết tật


Ngày 26-2, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children), Ban hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức buổi gặp mặt đầu xuân với các doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn.

Các doanh nghiệp được khen thưởng vì đã tạo việc làm cho người khuyết tật.
Trong dịp này, 30 doanh nghiệp có nhiều hoạt động trong hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật (NKT) đã được tôn vinh như Công ty TNHH ONEDANAR, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thủ Đô, Công ty TNHH may Tâm Thiện, Công ty TNHH N. Trung… Đây là những đơn vị đã tham gia tích cực vào Dự án “Tăng cường các cơ hội và dịch vụ kinh tế cho NKT tại Đà Nẵng”. Dự án triển khai từ năm 2008, đến nay đã giúp trên 1.300 NKT và người chăm sóc NKT có  kỹ năng mềm và phát triển kinh doanh, cùng hàng trăm NKT được hưởng lợi từ dự án trong các hoạt động sản xuất kinh doanh… để họ hòa nhập cộng đồng..
Tin và ảnh: Phương Trà

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân


Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở cấp phường, xã tại Đà Nẵng là một trong những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và hiệu quả công tác cải cách hành chính. Qua thực tế triển khai cho thấy, biện pháp này thực hiện tốt hay không phụ thuộc vào sự đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật và trình độ của cán bộ ở cơ sở.

Hầu hết các phường, xã trên toàn thành phố đều được trang bị đồng bộ hệ thống máy tính và các phần mềm ứng dụng để xử lý công việc. Trong ảnh: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê.
Giải quyết nhanh, gọn
Anh Nguyễn Minh Trí, Trưởng Bộ phận cải cách hành chính phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê cho biết, hiện nay, phường sử dụng hai phần mềm chính là phần mềm Văn phòng không giấy và phần mềm một cửa, một cửa liên thông. Qua quá trình sử dụng, hai phần mềm này đã phát huy hiệu quả rất tích cực trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết các công việc trong nội bộ phường cũng như hồ sơ công dân gửi đến. “Đối với phần mềm Văn phòng không giấy, khi đưa vào sử dụng, toàn bộ các công văn, giấy tờ của phường đều được xử lý trên máy tính, qua mạng Lan nội bộ.
Chẳng hạn, hằng tuần, mỗi cán bộ, công chức phường lên lịch làm việc tuần. Sau đó, bộ phận văn phòng sẽ tổng hợp và đưa lên mạng nội bộ. Lãnh đạo phường căn cứ trên lịch làm việc này mà quản lý cán bộ. Hoặc khi có công văn từ cấp trên gửi đến phường thì Chủ tịch UBND phường sẽ phân công cho từng bộ phận cụ thể xử lý và trực tiếp theo dõi quá trình thực hiện trên mạng nội bộ. Nếu chưa đọc công văn của lãnh đạo hoặc chậm trễ trong thi hành nhiệm vụ thì Chủ tịch UBND phường nắm bắt được ngay”, anh Nguyễn Minh Trí nói.
Riêng đối với phần mềm một cửa và một cửa liên thông khi triển khai ở phường Vĩnh Trung đã giúp cho công việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được rút gọn và quan trọng hơn là sớm giải quyết những thủ tục hành chính mà trước đây bị xem là rườm rà, mất thời gian. Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung, Nguyễn Văn Hải khẳng định: “Với phần mềm Văn phòng không giấy, hội họp ở cơ quan ít đi, những cuộc họp không quan trọng có thể chuyển thành những thông báo trên mạng nội bộ.
Nhờ phần mềm này mà không phải tốn giấy để in ấn văn bản, rút gọn thời gian tiếp nhận, xử lý, chuyển tải thông tin trong nội bộ phường. Riêng Chủ tịch UBND thì quản lý cán bộ tốt hơn. Vì khi Chủ tịch chuyển công văn qua mạng Lan yêu cầu một bộ phận nào đó thực hiện thì nếu bộ phận đó triển khai chậm, hệ thống phần mềm sẽ thông báo ngay. Chính nhờ vậy mà Chủ tịch có thể giám sát, nhắc nhở cán bộ, công chức và có cơ sở để đánh giá hiệu quả làm việc của từng cá nhân”. Rõ ràng, việc đưa CNTT vào quá trình giải quyết các thủ tục hành chính công đã giảm bớt thời gian chờ đợi, nhanh, gọn, chính xác, dễ kiểm tra trạng thái hồ sơ do người dân gửi đến.
Hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ cán bộ
Những mặt tích cực mà CNTT mang lại trong quá trình xử lý các thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông hiển hiện rõ qua hiệu quả công việc và mức độ hài lòng của công dân. Nhưng để đạt hiệu suất công việc tối ưu, có hai yếu tố quan trọng cần chú ý là hạ tầng kỹ thuật và người sử dụng. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả hệ thống phần cứng là máy móc, thiết bị và hệ thống phần mềm là những chương trình xử lý dữ liệu được cài đặt. Với một hệ thống chính sách ưu tiên đặc biệt cho phát triển CNTT, những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị máy móc và phần mềm xử lý dữ liệu cho bộ phận một cửa, một cửa liên thông 56 xã, phường.
Theo đánh giá của ông Đặng Công Ba, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây, quận Sơn Trà thì hệ thống máy tính của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường đã được trang bị khá tốt. Ngoài ra, hiện mỗi cán bộ, công chức của phường đều được cấp một máy tính để làm việc. Chị Trần Đỗ Quốc Minh, Trưởng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường An Hải Tây khẳng định: “Hạ tầng kỹ thuật và con người để ứng dụng CNTT ở phường đều đã sẵn sàng. Chúng tôi chỉ cần đợi đến lúc UBND thành phố hỗ trợ trang bị mạng Lan nội bộ nữa là đưa vào ứng dụng ngay, không gặp khó khăn gì”.
Cho đến thời điểm này, hầu hết các phường, xã trên địa bàn thành phố đều được hỗ trợ máy tính cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương chưa được trang bị mạng Lan nội bộ nên quá trình triển khai công việc còn gặp trở ngại. Theo đánh giá chung, hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức ở các phường, xã hầu hết đều biết sử dụng máy tính phục vụ cho công việc chuyên môn. Trong quá trình ứng dụng các phần mềm hành chính, việc đào tạo, tập huấn có thể được triển khai song hành. “Trước khi đưa các phần mềm vào sử dụng, UBND phường Vĩnh Trung đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức. Phía công ty cung cấp phần mềm chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cách sử dụng và nhờ vậy, quá trình vận hành sau đó không gặp nhiều trở ngại”, anh Nguyễn Minh Trí cho biết. Khó khăn chủ yếu đang tồn tại ở các địa phương là trong quá trình sử dụng, cũng có lúc phần mềm bị lỗi và công việc vì thế sẽ bị gián đoạn, chậm trễ. Đồng thời, trình độ của cán bộ cũng không đồng đều nên cần có thời gian để mọi chuyện đi vào nền nếp.
Từ thực tế trên cho thấy, việc trang bị và ứng dụng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT cho các phường, xã sẽ giúp Đà Nẵng sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử. Đến khi đó, nền hành chính sẽ được công khai, minh bạch và phục vụ hiệu quả hơn cho sự phát triển của thành phố, tạo lòng tin trong nhân dân về năng lực quản lý, điều hành và hoạt động của hệ thống hành chính từ cấp thành phố đến cơ sở.
Bài và ảnh: Hà An

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bí thư Nguyễn Bá Thanh làm việc với Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung


Chiều 18-2, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã có buổi làm việc với Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh làm việc với Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung

Theo báo cáo của Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung, năm 2010, quỹ đã tiếp nhận sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước 27,6 tỷ đồng, tăng 91,3 % so năm 2009; trong đó, tiếp nhận từ UBND thành phố Đà Nẵng 4 tỷ đồng và đã triển khai xây dựng 16 công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai tại các tỉnh, thành khu vực miền Trung. Riêng tại thành phố Đà Nẵng, quỹ đã xây dựng và đưa vào sử dụng 3 công trình là Nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai với tổng vốn đầu tư 4,4 tỷ đồng. Trong đợt lũ lịch sử tại các tỉnh Bắc và Nam miền Trung cuối năm 2010, quỹ đã chuyển hơn 3.000 suất quà, trị giá gần 1 tỷ đồng cho đồng bào vùng bị thiên tai…

Năm 2011, quỹ tiếp tục huy động sự đóng góp tài trợ của các địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân và sẽ triển khai hàng chục dự án xây dựng các công trình phòng tránh thiên tai; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thành lập các tổ, đội chuyên trách cứu hộ cứu nạn trong bão lũ, cấp phát các vật tư trang thiết bị phục vụ công tác PCLB; vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ để phối hợp triển khai các dự án về phòng chống thiên tai…

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh ghi nhận sự đóng góp quý báu của quỹ đối với công tác phòng tránh thiên tai, cứu trợ đồng bão vùng lũ ở khu vực miền Trung nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng. Ông Thanh cho biết, năm 2011, thành phố sẽ tiếp tục tài trợ và vận động các cơ quan doanh nghiệp tài trợ cho hoạt động đầy tính nhân văn vì sự bình yên của cộng đồng mà quỹ đang triển khai.

N.C


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệpdoanh nghiệp


Phát biểu kết luận tại Hội nghị triển khai Kết luận 80-KL/TW của Ban Bí thư (khóa X) về đẩy mạnh xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân (ĐTND) trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNNN) do Thường trực Thành ủy tổ chức vào chiều ngày 14-2, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ nhấn mạnh: Trong công tác tuyên truyền, cần phải làm cho các chủ DN thấy được điều kiện khách quan cần có tổ chức Đảng và ĐTND trong DN; các tổ chức này phải góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động và phát triển của DN.

Đồng chí Trần Thọ phát biểu kết luận hội nghị.

Việc thành lập tổ chức Đảng và ĐTND được tiến hành theo phương thức làm từng bước, đạt kết quả vững chắc, không nóng vội; sắp xếp lại tổ chức Đảng theo 3 hướng: Do các Quận ủy và Huyện ủy quản lý, Đảng ủy khối DN và Đảng ủy các Khu công nghiệp quản lý theo hướng thuận lợi và hợp lý; phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị trong việc chuyển sinh hoạt của các đảng viên trong DN đang sinh hoạt trên địa bàn dân cư; có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới bảo đảm quy trình, thủ tục và chất lượng; phát huy vai trò tổ chức Đảng và ĐTND trong DN. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, đồng chí Trần Thọ đề nghị người đứng đầu cấp ủy, các ban, ngành liên quan phải phát huy tích cực vai trò, trách nhiệm của mình, có thái độ quyết liệt hơn nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác này.

Thực hiện Kết luận 80-KL/TW, Ban chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và các ĐTND trong các DNNNN của thành phố đã triển khai kế hoạch đến năm 2015. Theo đó, mục tiêu tổng quát giai đoạn 2010-2015 là phấn đấu 100% DN có từ 50 lao động (có tham gia BHXH, BHYT) trở lên, hoạt động ổn định thành lập được Công đoàn cơ sở, trong đó có 70% có tổ chức Đảng và đảng viên; 100% số đảng viên đang sinh hoạt Đảng tại nơi cư trú có hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên trong các DN chuyển đến sinh hoạt Đảng tại các tổ chức Đảng nơi làm việc (nếu có) hoặc các tổ chức Đảng phù hợp. Các nhiệm vụ cụ thể về công tác tuyên truyền; lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức, phát triển đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong DN… cũng đã được đề ra và thảo luận tại hội nghị.

Được biết, đến nay, trên toàn thành phố có 283 DN có đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng và ĐTND; trong đó có 201 DN trong các khu công nghiệp và chế xuất.

Tin và ảnh: N.T


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn: Đưa vào hoạt động khu nội trú 11 tầng


Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vừa đưa vào hoạt động khu nội trú 11 tầng dành cho học sinh của nhà trường. Theo đó, khu nội trú gồm 149 phòng với 3 loại: Phòng ở 4 người, 6 người và 8 người,  đủ cho 750 học sinh ở và sinh hoạt. Ngoài phòng ở, còn có khu sân chơi, bãi tập, bể bơi, sân vận động… Tổng kinh phí đầu tư xây dựng công trình hơn 106 tỷ đồng. Hiện đã có khoảng hơn 300 em đăng ký ở.

Khu nội trú 11 tầng đã đi vào hoạt động tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: K.NGÂN

Việc đưa vào hoạt động khu nội trú sẽ giúp nhiều học sinh, nhất là những em ở xa có điều kiện để sinh hoạt, học tập được tốt hơn.
Kim Ngân

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Financial Times:Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh là Lý Quang Diệu của Việt Nam.


Sơn Trà, Đà Nẵng

Financial Times cho rằng Đà Nẵng là thành phố có quy hoạch hoàn hảo, và gọi Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh là Lý Quang Diệu của Việt Nam.

Khi nghĩ tới đầu tư vào Việt Nam, mọi sự chú ý sẽ hướng về Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tạp chíFinancial Times lại đưa ra ý kiến rằng, các nhà đầu tư hãy nhìn về Đà Nẵng.

Đà Nẵng, thành phố đông dân thứ 4 của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhờ vị trí địa lý tuyệt vời, có núi rừng bao phủ và hàng chục km bãi biển trải dài.

Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Đà Nẵng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, biệt thự và sân golf, cùng với một số lượng lớn các nhà máy mọc lên, tận dụng lợi thế vị trí địa lý của Đà Nẵng ở trung tâm của Việt Nam để phát triển hoạt động kinh doanh.

Ông Peter Ryder, Giám đốc điều hành của Indochina Capital, một công ty tiên phong đầu tư vào một số dự án phát triển cao cấp tại thành phố này nói rằng, thành công của Đà Nẵng một phần nhờ vào tư tưởng lãnh đạo của ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng.

Ông nói: “Đà Nẵng thường xuyên được bình chọn là nơi tốt nhất để đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, với các cơ sở hạ tầng tốt nhất, vượt xa tất cả các đô thị lớn khác và sự tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cao hơn các khu vực khác tại Việt Nam. Nguyễn Bá Thanh có thể được coi là Lý Quang Diệu của Việt Nam”.

Giống như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nền kinh tế của Đà Nẵng đã phát triển với tốc độ cao hơn tốc độ phát triển quốc gia trong 10 năm qua. Từ 2006-2010, kinh tế Đà Nẵng đã tăng trưởng khoảng 11% /năm và đặt mục tiêu tăng trưởng 13,5% -14,5% trong 5 năm tiếp theo.

Trái ngược với tình trạng hỗn loạn giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 900.000 dân là một thành phố rất sạch đẹp và quy củ với những làn gió mát trong lành, với những đại lộ rộng rãi, những đường vành đai và những cây cầu. Tất cả mọi thứ đều được quy hoạch một cách hoàn hảo.

Ông Ryder cho biết: “Chúng tôi đã rất quan tâm về hoạt động xây dựng trên bãi biển. Các hoạt động của chúng tôi vẫn sẽ tiến triển tốt, nhưng chúng tôi chưa có bất kỳ kế hoạch nào cho các dự án mới.

Một nhà kinh tế cho rằng nhu cầu từ tầng lớp giàu có tại Việt Nam, những người muốn kết hợp giữa nhà nghỉ và đầu tư sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn nữa cho sự phát triển tại Đà Nẵng.

Tuyết Mai

Theo FT


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)