Vinaconex xây năm tòa nhà hỗn hợp tại Đà Nẵng


Sáng 15/10, tại quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) khởi công xây dựng công trình cụm nhà ở hỗn hợp tại lô đất B3 Khu đô thị mới Nam cầu Trần Thị Lý.

Phối cảnh Cụm nhà ở hỗn hợp Khu đô thị mới Nam cầu Trần Thị Lý.

Phối cảnh Cụm nhà ở hỗn hợp Khu đô thị mới Nam cầu Trần Thị Lý.

Cụm nhà ở hỗn hợp tại Lô B3, Khu đô thị mới Nam cầu Trần Thị Lý đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết và tọa lạc trên lô đất 21.311m2.

Phó Tổng giám đốc Vinaconex Đoàn Châu Phong cho biết, dự án cụm nhà ở hỗn hợp được thực hiện theo hình thức đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản với nguồn vốn lên tới 1.300 tỷ đồng.

Cụm công trình gồm năm tòa chung cư cao từ 17-29 tầng với một tầng hầm liên thông. Diện tích xây dựng chiếm tỷ lệ hơn 28% tổng diện tích toàn dự án với khoảng 6.000m2 và gần 124.000m2 sàn. Dự án cũng dành trên 5.000m2 cho đất trồng cây xanh và tạo cảnh quan; hơn 9.000m2 sân bêtông và gần 1.000m2 cho đường nội bộ, bãi đỗ xe ngoài trời.

Theo thiết kế, tầng hầm liên thông sẽ sử dụng làm bãi đỗ xe tĩnh, đồng thời kết hợp các khu xử lý kỹ thuật với tổng diện tích sàn lên tới là 19.272m2. Giữa hai tháp 17 và 21 tầng của các tòa chung cư CT1 và CT2 có đế nối thông hai tầng. Các tòa CT3, CT5 có quy mô 25 tầng và tòa nhà CT4 cao 29 tầng. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp cho người dân thành phố Đà Nẵng 992 căn hộ có tổng diện tích trên 96.000m2 và gần 2.500 m2 sàn phục vụ mục đích kinh doanh dịch vụ.

Thông qua dự án, Vinaconex mong muốn hướng cho người dân sinh sống tại đô thị Đà Nẵng làm quen với sự tiện ích, văn minh, hiện đại mà các khu nhà ở chung cư đem lại, góp phần thay đổi dần thói quen sở hữa nhà ở có đất riêng biệt để nâng cao mối quan hệ trong cộng đồng đô thị, hướng tới mục tiêu lâu dài là tiết kiệm đất đai, phát triển bền vững tại đô thị.

Chủ đầu tư khẳng định, dự án sẽ được thi công với những công nghệ xây dựng mới, hiện đại nhất hiện nay là bêtông ứng xuất trước tiền chế của Vương quốc Bỉ; trượt lõi cứng bằng công nghệ của Cộng hòa Áo.

Các sản phẩm tiền chế được cung cấp bởi Nhà máy sản xuất cấu kiện bêtông dự ứng lực thuộc Công ty cổ phần Vinaconex Xuân Mai, Đà Nẵng.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đánh giá cao sự hợp tác của Vinaconex qua các dự án phát triển bất động sản tại địa bàn thành phố thời gian qua. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và sự trầm lắng chung của thị trường bất động sản thì dự án này góp phần tiếp tục khẳng định sức hút của Đà Nẵng đối với các nhà đầu tư.

Mô hình tổ hợp chung cư kết hợp dịch vụ hạ tầng tốt cũng là một trong những định hướng, chiến lược phát triển nhà ở của thành phố trẻ Đà Nẵng trong tương lai.

Đà Nẵng là điểm cuối của dọc hành lang kinh tế Đông Tây với dự kiến năm 2016 trục cao tốc Đà Nẵng-Quảng Nam hoàn thành sẽ thu hút phát triển thêm nhiều khu kinh tế với sự tham gia cả các doanh nghiệp, tập đoàn mạnh trong nước và quốc tế đến đầu tư. Bởi vậy, tăng quỹ nhà không chỉ giải quyết nhu cầu ở cho người dân địa phương mà còn phục vụ đối tượng đến làm việc tại thành phố Đà Nẵng./.

Thu Hằng (Vietnam+)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Hợp tác cùng IBM xây dựng Đà Nẵng thành đô thị thông minh


Sáng ngày 10/10, UBND TP Đà Nẵng và IBM Việt Nam chính thức có tuyên bố chung về việc hai bên sẽ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) với thời hạn kéo dài 5 năm. Trong đó IBM là đối tác quan trọng trong việc tư vấn, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng CNTT hiện đại cho TP Đà Nẵng nhằm xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị thông minh – nhân văn.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng ký kết hợp tác với IBM để chung tay xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị thông minh trong tương lai gần.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng ký kết hợp tác với IBM để chung tay xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị thông minh trong tương lai gần.

Các lĩnh vực tập trung hợp tác bao gồm các dự án và CNTT trong một số ngành, lĩnh vực như: Giao thông, Quản lý tài nguyên nước, Thông tin và Truyền thông, Y tế và Công nghệ cao. Đặc biệt, với những giải pháp CNTT của IBM, Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều cơ sở dữ liệu, phương án để giải quyết những thách thức trong quá trình phát triển, nhất là chống ùn tắc giao thông, kiểm soát hệ thống cơ sở hạ tầng; Kiểm soát chất lượng, quá trình khai thác, cung cấp và sử dụng nguồn tài nguyên nước; Kiểm soát nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, cảnh báo về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm; Ứng phó với sự biến đổi khí hậu… Qua đó, 2 bên sẽ xúc tiến xây dựng lộ trình thích hợp để từng bước hình thành Trung tâm điều hành, hỗ trợ chính quyền thành phố ra các quyết định chính xác, có cơ sở, nhanh chóng và sát thực tế.

Thông qua sự hợp tác này, với tầm nhìn xây dựng Đà Nẵng thành một Thành phố thông minh trong 5 – 10 năm tới, mọi hoạt động, công việc tại thành phố đều được điện tử hóa, việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, tài nguyên như đất, biển… sẽ dựa trên nền tảng tin học hóa một cách tối đa và hiệu quả nhất. Các hệ thống và các giao thức khác nhau tại Đà Nẵng có thể tương tác, kết nối, chia sẻ thông tin với nhau, giúp thành phố phát triển tốt hơn và chính quyền TP sẽ có được một cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban ngành trên phạm vi toàn Đà Nẵng.

Được biết, trong 3 năm liên tiếp gần đây (2009-2011) Đà Nẵng là địa phương đứng đầu cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (3 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng ICT Index Việt Nam). Việc hợp tác chiến lược giữa IBM và Đà Nẵng sẽ tạo thêm cơ hội và điều kiện xây dựng một đô thị hiện đại, văn minh. Qua đó, mọi trao đổi giữa công dân, tổ chức, doanh nghiệp với chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước đều có thể thực hiện trực tuyến, mọi lúc mọi nơi

Hoài Thu(Theo CAND)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Tọa đàm trực tuyến về phòng chống thiên tai


Vào lúc 9h ngày 9/10, tại thành phố Đà Nẵng, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTVDanang) tổ chức tọa đàm chủ đề “Miền Trung – Tây Nguyên tích cực chủ động phòng chống thiên tai”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cuộc đối thoại sẽ được truyền hình trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và phát sóng trực tiếp trên kênh Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, trên kênh VTC1.

Cuộc tọa đàm dự kiến kéo dài 1 giờ đồng hồ, sẽ cung cấp thêm thông tin, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác phòng chống, những biện pháp cứu hộ cứu nạn khi tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, khí hậu toàn cầu biến đổi bất lợi, khó lường.

Nội dung tọa đàm xoay quanh một số vấn đề như an toàn hồ chứa, quy chế vận hành – quy trình xả lũ các hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó của các lực lượng vũ trang, những điểm mới trong phương án phòng chống thiên tai năm nay so với mọi năm, sự phối hợp giữa các đơn vị lực lượng vũ trang khi ứng cứu nhân dân trong mưa bão…

Cuộc tọa đàm có sự tham dự của ông Văn Phú Chính, Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Cục phó Cục Quản lý đê điều Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung – Tây Nguyên; Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh QK5, Trưởng ban Phòng chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn Quân khu 5; Đại tá Ngô Sỹ Quyết, Tư lệnh Vùng 3 Hải quân; Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372;

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tham gia tọa đàm tại địa chỉ toasoanwebcp@chinhphu.vn

Cổng TTĐT Chính phủ


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bộ trưởng Đinh La Thăng đổi tổng chỉ huy dự án ngay tại công trường


Ngày 4/10, kiểm tra công trường xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, trước sự ì ạch của dự án, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã quyết định thay ngay tổng chỉ huy.

Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 4/10.

Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 4/10.

Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 4/10.

Theo ông Hoàng Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung (chủ đầu tư), dự án nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng được khởi công từ tháng 12/2007 với tổng vốn hơn 1.345 tỷ đồng từ ngân sách và vốn vay. Công trình được thiết kế đủ tiêu chuẩn phục vụ 4 triệu khách mỗi năm và theo kế hoạch, nhà ga phải đưa vào khai thác từ quý I/2010. Tuy nhiên, việc thi công rất ì ạch, chậm tiến độ và chất lượng công trình được phía nhà thầu báo đã đạt 97%, nhưng công trình còn nhiều khiếm khuyết.

Đại diện đơn vị tư vấn giám sát thi công dự án này là Liên danh Wilbur Smith Associates (WSA, Mỹ), Công ty Tư vấn thiết kế hàng không Paris (ADPi – Pháp) và Công ty Tư vấn thiết kế – xây dựng công trình hàng không (Bộ Quốc phòng) cho rằng, quá trình thi công các đơn vị nhà thầu, nhất là nhà thầu chính Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim) luôn vi phạm cam kết về tiến độ từng hạng mục, công trình của dự án… Điều này đã làm cho tiến độ chậm trễ hơn một năm.

Đến nay dự án đã thực hiện được 3 năm, đang trong giai đoạn hoàn thành, nhưng việc an toàn phòng chống cháy nổ của nhà ga và vấn đề an toàn lao động trên công trường chưa được đảm bảo, đặc biệt là công nhân vẫn không có bảo hộ lao động… Hiện mốc hoàn thành dự án chỉ chưa đầy 3 tháng nhưng trên công trường chỉ có 250 cán bộ kỹ thuật, công nhân.

Ngoài ra, công trình kéo dài, nâng cấp đường băng 35R-17L của sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng đang chậm. Đại diện nhà thầu là Công ty ACC (quân đội) cho biết đến nay tiến độ mới đạt 50% trong khi Bộ Giao thông Vận tải lại yêu cầu phải hoàn thành trước ngày 31/12.

Mô hình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phê bình chủ đầu tư và các nhà thầu. Ông chỉ ra sự chậm trễ tiến độ là do các cán bộ quản lý, điều hành, các nhà thầu, đặc biệt nhà thầu Constrexim yếu kém về năng lực lẫn chuyên môn. Lãnh đạo thiếu sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát tại công trường.

Mô hình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Mô hình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Đứng ngay tại công trình, ông Đinh La Thăng đã chỉ định ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam thay ông Đặng Hồng Cương (Trưởng ban quản lý dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng) làm tổng chỉ huy, toàn quyền điều hành toàn bộ công việc từ ngày 5/10.

Bộ trưởng cũng yêu cầu 2 nhà thầu Constrexim và ICIC phải tăng cường nhân lực, vật lực, khẩn trương tăng ca, kể cả thi công ban đêm tại công trình để đảm bảo tiến độ. Nếu nhà thầu nào không huy động đủ nhân lực và không đảm bảo tiến độ như Bộ đã yêu cầu thì sẽ bị phạt, đồng thời sẽ cử cán bộ điều hành có năng lực, kinh nghiệm từ dự án sân bay Cần Thơ, sân bay Phú Quốc ra thay.

Minh Nhật (Theo Vnexpress)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Em đã tìm thấy con đường của mình…


“Nhờ có chuyến đi tham quan tại Trại giam Hòa Sơn, Trường Giáo dưỡng số 3 và được nghe bác Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng răn dạy, em đã tỉnh ngộ để làm lại cuộc đời, em đã tìm thấy con đường đi của cuộc đời mình…”, em Ngô Thị Phương Duyên, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, học sinh lớp 8 Trường THCS Trần Đại Nghĩa tâm sự như vậy.

Sau đợt đi tham quan đặc biệt ngày 7-9-2010 và được nghe bác Bí thư Thành ủy đối thoại, Uyên đã tìm ra con đường đi của mình.

Sau đợt đi tham quan đặc biệt ngày 7-9-2010 và được nghe bác Bí thư Thành ủy đối thoại, Uyên đã tìm ra con đường đi của mình.

Một thời quậy phá…

Ngồi trước mặt tôi là một cô bé khá xinh, khuôn mặt hiền. Không ai nghĩ em có một quãng thời gian ăn chơi, quậy phá và “coi trời bằng vung” như vậy. Sinh ra trong một gia đình chỉ có 2 chị em gái, cứ tưởng ít anh em sẽ được bố mẹ quan tâm, chăm sóc. Nhưng rồi, khi em học đến lớp 3 thì gia đình bắt đầu lục đục, bố bỏ mẹ theo vợ bé. Mẹ lấy công việc để khỏa lấp đi những tháng ngày cô đơn nên em cũng ít được quan tâm, chăm sóc, động viên.

Em lớn lên trong một gia đình không có niềm vui, tiếng cười và điều gì đến cũng sẽ đến. Em bắt đầu chơi với đám bạn xấu khi mới học tiểu học. Lớn lên một chút thì những quán bar, nhà hàng cà-phê trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thậm chí ở các nơi khác không nơi nào em không bước đến. Sức học ngày càng giảm sút, cô thầy cũng chán ngán với cô học trò quậy phá. Những tháng ngày ăn chơi, em sẵn sàng hành hung bất cứ những học sinh nào cùng trang lứa mà mình thấy ghét hoặc có sự xích mích.

Nhiều lần bị phụ huynh kiện, mẹ em bắt đầu thấy “ớn” với đứa con gái “trời ơi” nên đã đưa Uyên vào tá túc tại thành phố Hồ Chí Minh, gửi nơi cửa Phật, những mong em thay đổi. Suốt 2 năm nhưng “mèo vẫn hoàn mèo” nên Uyên đành phải quay về Đà Nẵng. Trở về Đà Nẵng, em tiếp tục giao du với những đám bạn ăn chơi trước đó. Nhiều lần Uyên xông vào trường cũ của mình để đánh những học sinh mà em không “ưa”. Bị phụ huynh viết đơn kiện, em lại bị Công an gọi lên để làm việc và đưa vào diện quản lý, giáo dục. “Em đã 3 lần được Công an phường mời lên làm việc. Mỗi lần như vậy em lại hứa và lại tái phạm”, Uyên nói…

Chồi non mọc thẳng…

Ngày 7-9-2010, Uyên nằm trong danh sách 8 trường hợp đặc biệt của phường Khuê Mỹ được đi “tham quan” Trại giam Hòa Sơn, Trường Giáo dưỡng số 3 và được nghe bác Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đối thoại trực tiếp. Uyên tâm sự: “Khi được tham quan tại các địa điểm nói trên, nhìn những người bạn trẻ khoác trên mình chiếc áo tù, em thấy rùng mình. Nếu như mình mà vào đây chắc là chịu không nổi, hơn nữa chắc mẹ sẽ buồn phiền lắm. Nhất là khi được bác Nguyễn Bá Thanh răn dạy những điều hay lẽ phải, em như tỉnh người ra. Đêm đầu tiên trở về nhà, em không đi chơi với đám bạn như mọi khi mà nằm suy nghĩ mãi. Phải làm lại cuộc đời để mẹ khỏi phiền muộn và để mình không còn mang tiếng quậy phá, em tự hạ quyết tâm với chính mình!”.

Được sự quan tâm giúp đỡ của Cảnh sát khu vực, Uyên xin đi học lại lớp 7, Trường THCS Trần Đại Nghĩa.  Nếu trước đây em ăn chơi, quậy phá bao nhiêu thì nay em chăm chỉ, cần cù bấy nhiêu. Kết thúc năm học lớp 7, em đạt học sinh khá. Nhiều thầy cô nhận xét: Uyên học như để bù lại những tháng ngày lầm lỡ của mình nên rất siêng năng. Còn theo nhận xét của Thiếu úy Trương Văn Sáu, Cảnh sát khu vực Công an phường Khuê Mỹ, sau khi được đi tham quan và được  bác Bí thư Thành ủy gặp mặt, dặn dò, Uyên đã thay đổi hẳn; ít giao du với những đám bạn hư, chăm học hơn. Em thật sự đã tiến bộ.

Uyên tâm sự: “Em không thể chìm mãi vào hư hỏng. Em còn trẻ và còn cả một tương lai dài phía trước…”. Từ những lời nói đầy trách nhiệm của cô bé tuổi trăng tròn, tôi tin chắc em đã chọn được con đường để mình đi.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh: Nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo


Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, ngày 4-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị thành phố Đà Nẵng gồm: ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Đoàn đại biểu QH Đà Nẵng và bà Nguyễn Thị Kim Thúy đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Hải Châu và Sơn Trà.

Cử tri quận Hải Châu phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với các ĐBQH.

Cử tri quận Hải Châu phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với các ĐBQH.

Tại quận Hải Châu, sau khi nghe ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy trình bày những nội dung QH sẽ thực hiện trong kỳ họp thứ 2, các cử tri đã nêu ý kiến đóng góp những vấn đề quan trọng, bức xúc trong đời sống hiện nay. Theo đó, các cử tri cho rằng, chất lượng hoạt động của QH và các ĐBQH cần được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và mong mỏi của đông đảo cử tri. Việc xây dựng luật cần được triển khai một cách chuyên nghiệp và có chất lượng, không nên để từng bộ, ngành xây dựng dự án luật thuộc lĩnh vực chuyên môn của bộ, ngành đó vì sẽ dẫn đến thiếu chất lượng, không toàn diện.

Cử tri Trần Văn Ba, quận Ngũ Hành Sơn: Phải tổ chức tuyên truyền thật tốt Luật Biển Việt Nam sẽ được QH thông qua tại kỳ họp tới

Cử tri Trần Văn Ba, quận Ngũ Hành Sơn: Phải tổ chức tuyên truyền thật tốt Luật Biển Việt Nam sẽ được QH thông qua tại kỳ họp tới

Việc xây dựng và triển khai các văn bản dưới luật phải nhanh chóng, kịp thời để luật được đi vào thực tiễn đời sống, bảo đảm việc thực thi pháp luật một cách chặt chẽ, đồng bộ. QH và ĐBQH tăng cường hơn nữa chức năng giám sát; trong đó có một số lĩnh vực cần quan tâm như chi tiêu công, nợ công, giảm biên chế, thực hiện cải cách hành chính… Các cử tri cũng đề nghị QH cần tìm ra nguyên nhân để giải quyết một cách căn cơ những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước hiện nay như đạo đức, lối sống, tại nạn giao thông, kiểm soát giá cả, sử dụng tài nguyên đất đai hợp lý, quản lý và bảo vệ rừng, chống tham nhũng, lãng phí… cũng như những vấn đề liên quan đến an ninh-quốc phòng như bảo đảm trật tự xã hội, phòng chống tệ nạn, tăng cường tiềm lực quốc phòng…

* Chiều cùng ngày, tiếp xúc với các ĐBQH Nguyễn Bá Thanh và Nguyễn Thị Kim Thúy, các cử tri quận Sơn Trà đề nghị QH cần xem xét việc xây dựng và thực thi pháp luật nghiêm minh nhằm chấn chỉnh trật tự xã hội, bảo đảm an toàn giao thông…; tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức và thực thi pháp luật; giải quyết các chế độ, chính sách cho các đối tượng thương binh một cách công bằng, hợp lý; tăng cường quản lý việc lạm thu, dạy thêm, học thêm trong nhà trường…

Để nâng cao chất lượng hoạt động của QH, cử tri đề nghị các ĐBQH cần sâu sát với đời sống nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thực hiện nghiêm túc các chương trình hành động đã đề ra khi vận động tranh cử… Về những vấn đề liên quan đến địa phương, các cử tri đề nghị Đoàn ĐBQH thành phố giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách đền bù, tái định cư, trong đó có việc tính lãi suất đối với số tiền của người dân được đền bù từ khi bàn giao mặt bằng đến khi giao đất tái định cư thực tế; xây dựng khu sinh hoạt cho cộng đồng dân cư; quản lý trật tự đô thị, môi trường; cấp biển số nhà kịp thời; xử lý các tuyến đường từ 5,5 mét trở xuống bị xuống cấp…

Thay mặt Đoàn ĐBQH thành phố, ông Nguyễn Bá Thanh đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri nhằm gửi đến kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII, đồng thời giải đáp những nội dung mà cử tri quan tâm. (N.T)

* Buổi chiều cùng ngày tại quận Cẩm Lệ, đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa đã tiếp xúc cử tri 6 phường của quận và nghe ý kiến phản ánh của bà con về những vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay. Trên cơ sở những nội dung liên quan đến kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII, một số cử tri đã đề nghị trong kỳ họp đến, đại biểu QH thành phố cần có ý kiến về việc tăng cường vai trò giám sát đối với an toàn vệ sinh thực phẩm, làm rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan Nhà nước đối với vấn đề này để người dân an tâm sử dụng thực phẩm và nghiêm trị những hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm không an toàn. Cử tri cũng đề cập đến sự lãng phí trong đầu tư cơ sở hạ tầng trường học tại các đô thị lớn và so sánh sự chênh lệch giữa đầu tư giáo dục ở đô thị với vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, yêu cầu cần có giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay ở tất cả các bậc học phổ thông.

Về những vấn đề bức xúc trên địa bàn quận Cẩm Lệ, cử tri đề nghị đại biểu QH đơn vị thành phố Đà Nẵng cần giám sát chặt chẽ tình hình giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư ở một số phường như: Hòa Xuân, Hòa Thọ Đông, Khuê Trung; khảo sát thực tế về tình trạng quy hoạch treo để đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện cho người dân an cư lạc nghiệp. Ngoài ra, cử tri cũng phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, tình trạng thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng, bất hợp lý trong bố trí tái định cư tại phường Hòa Xuân… Từ những ý kiến trên, Đoàn đại biểu QH thành phố sẽ tập hợp những vấn đề mang tầm vĩ mô để báo cáo tại kỳ họp thứ 2 QH khóa XIII. Những vấn đề thuộc tầm quản lý của quận và thành phố sẽ giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu và sẽ tiếp tục tiếp nhận ý kiến của nhân dân tại đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố thời gian đến. (M.H)

* Sáng 4-10, các đại biểu Quốc hội: Huỳnh Nghĩa, Thân Đức Nam có buổi tiếp xúc cử tri quận Ngũ Hành Sơn để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 2 của QH khóa XIII.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ đồng tình trong kỳ họp thứ 2 này QH sẽ thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cử tri Trần Văn Ba (phường Hòa Hải) đề nghị phải tổ chức tuyên truyền thật tốt Luật Biển Việt Nam đến tận từng người dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về biển, chủ quyền biển đảo. Phải làm cho nhân dân biết bảo vệ Tổ quốc không chỉ là nhiệm vụ của quân đội mà là nhiệm vụ của toàn dân. Mặt khác, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho ngư dân phát triển ngành nghề đánh bắt hải sản xa bờ, đồng thời tham gia cùng các lực lượng vũ trang bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Đề cập đến vấn đề khiếu nại, tố cáo, cử tri đồng tình với việc QH sẽ tách thành 2 luật: Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, nhưng cần phải hoàn thiện hơn nhằm góp phần giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo và tránh để tồn đọng đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc kéo dài việc thụ lý giải quyết. Cử tri đề nghị QH khóa XIII phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát và hiệu quả giám sát, đặc biệt là giám sát công tác phòng, chống tham nhũng. Cử tri phản ánh chế độ lương cho cán bộ, công chức, viên chức chưa theo kịp tình hình lạm phát, trượt giá và chưa là động lực để làm tốt công việc.

Phụ cấp cho thương binh, người có công cách mạng còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu trong cuộc sống của đối tượng này. Liên quan đến vấn đề của địa phương, một số cử tri phản ánh về chính sách đền bù khi mở rộng đường Lê Văn Hiến chưa thỏa đáng. Người dân gửi đơn khiếu nại đã lâu nhưng chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết, trả lời dứt điểm. Trong quá trình triển khai các dự án như: Khu dân cư Nam Tuyên Sơn, Khu dân cư Bá Tùng mở rộng, dự án trong vùng căn cứ K20, dự án mở rộng đường Mai Đăng Chơn đã gây ngập úng, lầy lội và ô nhiễm môi trường khi mưa xuống. Một số cử tri phản ánh thành phố chậm ban hành quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa đất, làm hạn chế quyền lợi của nhân dân.

S.Trung(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tiếp và làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng


Sáng ngày 04/10/2011, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăngcùng các thành viên trong đoàn công tác. Cùng dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến, đại diện một số ngành, đơn vị liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh đã thông báo vắn tắt một số nét nổi bật về công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại Đà Nẵng. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu xây dựng đô thị, phát triển kinh tế của TP trong giai đoạn hiện nay, đồng thời giải quyết ách tắc giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, đồng chí Nguyễn Bá Thanhđề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đầu tư để TP thực hiện dự án Cầu vượt ngã ba Huế, Cảng Đà Nẵng, các tuyến đường nông thôn; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án của Bộ trên địa bàn như Cảng hàng không Đà Nẵng, đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, di dời ga đường sắt khỏi khu vực trung tâm…

Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra thực tế nút giao thông ngã ba Huế

Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra thực tế nút giao thông ngã ba Huế

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đánh giá cao sự phát triển của Đà Nẵng về mọi mặt, trong đó có cơ sở hạ tầng giao thông, cách làm năng động của Đà Nẵng trong việc tạo nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông, công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, coi đây là kinh nghiệm quý để Bộ áp dụng khi triển khai các dự án giao thông. Đồng chí cũng cho biết, Bộ sẽ có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình Cảng hàng không, quyết tâm hoàn thành công trình vào cuối năm nay, quan tâm đầu tư cho các công trình giao thông nông thôn khi có nguồn vốn…

Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đến kiểm tra thực tế nút giao thông ngã ba Huế. Đây là nút giao thông đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt phương án xây dựng nút giao thông khác mức để giải quyết tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra tại đây./.

Hồ Thủy(Theo DaiTruyenHinhDaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)