Một chút tình, lý ông Nguyễn Bá Thanh


Thấy gì từ những phát ngôn và hành động đã trở thành “thương hiệu” Nguyễn Bá Thanh?…

Giữa năm ngoái, trong một chuyến công tác dài ngày ở Đà Nẵng, người viết đã gặp gỡ một số doanh nhân có tiếng ở thành phố này.

Khi được hỏi về những tín hiệu lạc quan từ các chính sách vĩ mô để mở lối cho bức tranh doanh nghiệp đang u ám, vị giám đốc tuổi còn khá trẻ đã không ngần ngại mà rằng, “tiếc là chưa có nhiều người tài trong bộ máy điều hành, chưa thấy nhiều chuyên gia tầm cỡ để anh em tôi nể phục”.

“Vậy, Đà Nẵng có người tài không?”, tôi hỏi. “Tất nhiên có chứ, nếu không có ông Thanh, Đà Nẵng sao được như hôm nay”.

Cái “được như hôm nay” của Đà Nẵng, tất nhiên sẽ rất khác nhau theo cảm nhận của mỗi người. Còn với người viết bài này, đó đơn giản chỉ là cảm giác dễ chịu khi hỏi thăm đường, lúc mua sắm, lang thang tản bộ trời khuya chẳng canh cánh nỗi lo trộm cướp hay thái độ nhã nhặn của cảnh sát giao thông khi sơ ý đi ô tô qua cầu vào giờ cao điểm… Bởi, những điều tưởng như rất đỗi bình thường này đang ngày càng trở thành của hiếm với rất nhiều đô thị khác.
Ông Nguyễn Bá Thanh

Cũng có lẽ thế mà những người đang sống ở thành phố bên sông Hàn, dù có sinh ra ở đó hay đến từ nơi khác mà người viết đã có dịp chuyện trò, đều không muốn xa mảnh đất này.

Nhiều cư dân ở các tỉnh thành khác cũng muốn thành công dân Đà Nẵng. Để rồi câu chuyện về Nghị quyết 23 của Hội đồng Nhân dân thành phố mà ông Nguyễn Bá Thanh là Chủ tịch với quy định hạn chế nhập cư đã gây biết bao tranh cãi.

Hỏi một vị quan chức cơ quan Trung ương đã nghỉ hưu, đang sống ở Đà Nẵng, từng tiếp xúc khá nhiều với Bí thư Nguyễn Bá Thanh, ông kể, cái lý của ông Thanh là khả năng của thành phố chỉ có thể lo cho bằng đó dân thôi, nếu nhập cư ổ ạt, quá tải thì dân khổ trước. Và nhiều người đồng ý với cái lý này.

Lại hỏi liệu như thế thì có “cục bộ” quá không, ông quan hưu trí chậm rãi, “có lần tôi nghe anh Thanh tâm sự với mấy bác cao niên là, tính ông chỉ có người Đà Nẵng hiểu, nên có thể còn có việc này việc kia dân chưa bằng lòng, nhưng chắc dân cũng không “để bụng” lâu vì lấy đại cục làm trọng”.

Lan man sang chuyện ông Chủ tịch Thanh điều hành mấy phiên chất vấn dồn cho vị giám đốc sở nào đó “toát mồ hôi”, vị công dân cao niên kể tiếp rằng, cũng có lần nghe góp ý, ông Thanh bảo, tính ông là thế, khó có thể “khéo”, nên chắc chỉ có dân Đà Nẵng “thương” được thôi…

Nay, ông Thanh được phân công ra nhận nhiệm vụ mới tại Hà Nội. Trước kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đầu tháng 12 của năm cũ, thông tin này cũng đã nằm trong sự đồn đoán. Vậy nên vào thời điểm đó, người viết bài không bỏ sót phiên truyền hình trực tiếp nào ở kỳ họp này, để xem “lửa” của người đứng đầu thành phố còn “nóng” đến đâu tại phiên họp cuối (nếu dự đoán ông ra “Ba Đình” là chính xác).

Phát biểu khai mạc kỳ họp Hội đồng Nhân dân của ông Thanh không mấy ấn tượng, ngoại trừ một nhận định thẳng tuột: “Kinh tế Đà Nẵng gặp khó khăn chưa từng có”.

Bày tỏ sự “thất vọng” với một vị đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, vị này “xui” hãy kiên nhẫn, chờ đến phiên bế mạc, có thể sẽ thấy bất ngờ thú vị.

Dài, nhưng không chán, đó là cảm giác khi nghe phần phát biểu bế mạc kéo dài đến hơn một giờ đồng hồ của ông Thanh, mà theo lời của vị đại biểu nói trên thì từng ý đều được ghi lại và thực hiện đầy đủ.

Vẫn nhấn mạnh ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách thành phố đứng ra bảo lãnh để “anh ngân hàng phấn khởi vì biết thành phố có ngân sách nếu doanh nghiệp trả không được thì bỏ ra đền”. Song, yêu cầu mà ông đưa ra là thành phố phải trả lời được câu hỏi ai muốn vay, vay làm gì và có hiệu quả không. “Nếu làm rõ rồi mới tổ chức hội nghị, còn chưa làm rõ thì có họp cũng có tháo gỡ chi được đâu”, ông nói.

Thậm chí, ông còn đề nghị chính quyền thành phố tiến thêm một bước nữa là cùng Ngân hàng Nhà nước gặp gỡ một số ngân hàng thương mại để hỏi thử xem nếu thành phố đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp này thì ông có tiền cho vay không. Ngân hàng nào có thể cho vay cần có tên tuổi cụ thể, làm cái báo cáo sơ bộ rồi mới gặp gỡ, chứ “gặp gỡ hô khẩu hiệu là không chơi”.

Với cá nhân người viết, bất ngờ không nằm ở đây. Bởi, nửa năm trước, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng Lê Văn Hiểu đã cho hay: “Nói thẳng, nghe thẳng, thực hiện thẳng, ứng cứu rất nhanh… là những việc mà Đà Nẵng ít nhiều đã làm được cho doanh nghiệp địa phương”.

Bất ngờ, bắt đầu từ chỗ ông Thanh khuyên lãnh đạo ủy ban, lãnh đạo sở nếu đến trường học hãy đến thăm nhà vệ sinh. Đừng để nhà vệ sinh hôi hám khiến học sinh phải nhịn đi tiểu, nhịn đi cầu, đổ bệnh sau này.

Với yêu cầu khẩn trương, ông chỉ đạo phải đồng loạt ra quân sao cho đến nửa năm 2013 “kết thúc cái vụ này”.

Rồi khá nhỏ nhẹ, ông đề nghị các trường học tổng kiểm tra để đảm bảo ánh sáng cho học trò. Vì, có nơi thiếu cái bóng đèn không chịu lắp, trong khi 10 cháu thì 7 đến 8 em đeo kính, mình bậc người lớn phải có trách nhiệm.

Bí thư Nguyễn Bá Thanh (phải) tại buổi đối thoại trực tiếp với hơn một trăm ông chồng "vũ phu" tại Đà Nẵng, tháng 8/2009

Ông cũng giục đẩy nhanh phổ cập việc dạy bơi cho học sinh, phần vì đang sống ở vùng sông nước, phần vì “lớn lên đi bộ đội chạy đến đoạn sông nào đó không lẽ báo cáo mình không biết bơi à”.

“Than thở” dạy thêm học thêm là vấn đề được nói nhiều lắm rồi và nhắc đi nhắc lại yêu cầu bỏ cái lối dạy trước, dạy mớm bài, song ông đề nghị ngành giáo dục có có cách gì đó để có thể giúp đỡ học sinh yếu ngay từ lớp một.

“Để nó học kém thì nó chán nó sẽ đi chơi nên phải có phụ đạo, nhưng cũng phải mềm mại nhẹ nhàng để khỏi chạm sỹ diện”, ông nhắc nhở về phương pháp.

Từ giáo dục chuyển qua các lĩnh vực khác, ông vẫn thể hiện sự dân dã và sâu sát thực tế mà không phải quan chức đầu tỉnh nào cũng có.

Ông nói, người nghèo ung thư vào bệnh viện ung thư – công trình mới của thành phố – được chữa bệnh miễn phí hoàn toàn. Nhà nghỉ cho thân nhân người bệnh cũng không thu tiền, nhưng chỉ có quạt chớ không có điều hòa.

Ông cũng dặn các cơ quan chức năng phải bắt buộc và tạo điều kiện thuận lợi người đi xe máy mua ngay mũ đảm bảo chất lượng nếu đang sử dụng mũ rởm. Cũng có một số người thích thời trang sẽ không thích, nhưng khi hiểu là chính quyền lo cho cuộc sống của chính họ thì sẽ bớt giận đi thôi, còn bây giờ “cứ phải nghiến răng để làm”.

Những phát ngôn và hành động đã trở thành “thương hiệu” Nguyễn Bá Thanh, dù không phải nhất nhất đều nhận được sự tán đồng, có thể cho thấy phần nào cái tình và cái lý của ông.

Giữ tấm lòng ấy, bản lĩnh ấy, ở cương vị mới, ông sẽ làm tăng thêm sự yêu mến và tin tưởng, không chỉ của người dân Đà Nẵng, hy vọng là như vậy!

(IFN)

Ông Nguyễn Bá Thanh sắp để lại Đà Nẵng sau lưng


Để có một Đà Nẵng như hiện nay, Nguyễn Bá Thanh và đội ngũ của ông đã phải làm rất nhiều việc…

Đã nghe dư luận râm ran mấy hôm nay, rằng ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, sắp được điều ra Hà Nội nhận nhiệm vụ quan trọng lắm. Đến hôm qua, tin đồn hoá ra là… thật. Chức trưởng Ban Nội chính Trung ương, một Ban quan trọng, liên quan mật thiết đến Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, đã được tin tưởng giao cho một người thuộc nhóm nổi tiếng nhất miền Trung, nếu không nói là cả nước, đó là Nguyễn Bá Thanh.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh


Nhiều năm nay, ông Nguyễn Bá Thanh và Đà Nẵng là hai cái tên được nhắc đến với nhiều thiện cảm. Nói đến Đà Nẵng thì không thể không nói đến Nguyễn Bá Thanh và ngược lại. Sự phát triển, thay da đổi thịt của thành phố này, đến mức nhiều người vì quá hâm mộ gắn cho danh hiệu “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, có dấu ấn cá nhân của Nguyễn Bá Thanh.

Không nói đâu xa, trên VOV online, bất kỳ tin, bài nào liên quan đến hai cái tên này, đều thu hút một lượng người đọc “khủng”. Các bạn hãy vào những bài báo ấy mà đọc lại và đọc các ý kiến phản hồi ở dưới để thấy người dân hâm mộ ông Thanh đến mức nào. Không chỉ nhân dân mà người nổi tiếng như nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng thích con người này.

Làm “quan” cách mạng trong giai đoạn hiện nay mà được nhân dân tin yêu, kỳ vọng, tín nhiệm một cách vô tư như thế quả là hiếm, quả là một diễm phúc không chỉ của riêng ông Nguyễn Bá Thanh…

Với Đà Nẵng, tôi chỉ là một khách qua đường, nhưng mỗi lần đến đây, nhất là bay từ Hà Nội vào, đều thấy một cảm giác thư thái, dễ thở, khoan khoái xâm lấn tâm hồn. Thành phố đẹp, thoáng đãng, quy hoạch bài bản, có một tầm nhìn xa rộng, con người lam lũ làm ăn trong niềm vui sống… Đó là những nét phổ quát về Đà Nẵng mà chẳng cần phải tinh tế, sắc sảo gì cũng có thể nhận ra.

Tôi đi taxi, đi xe ôm và ngạc nhiên khi thấy những ông tài mà tôi gặp đều vô hình chung là những tuyên truyền viên rất tích cực về thành phố này và về Nguyễn Bá Thanh. Nào là mấy tháng nữa thì cầu Rồng sẽ khánh thành, cái cầu này được ông Thanh thúc đẩy xây dựng ra sao; nào là “ổng” đặt mục tiêu đến lúc nghỉ hưu sẽ xây thêm mấy cây cầu…

Chưa thấy người dân nào nói xấu ông sau lưng cả, trong khi đó, tôi thấy hiện tượng dân nói xấu “quan” sau lưng khá phổ biến ở các nơi khác. Cũng có thể người ta sợ cái uy của ông thể hiện ngay ở tướng mạo bề ngoài mà không dám công khai phê phán. Tuy vậy, theo tôi, khả năng này là nhỏ, nếu có thì tỷ lệ không phải là đa số.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh

Tôi cũng có bạn làm quan hàng tỉnh ở một địa phương khác, khi nhận xét về ông Nguyễn Bá Thanh, anh khâm phục lắm: “Ổng làm Bí thư thì như Chủ tịch, mà làm Chủ tịch lại… giống Bí thư. Chẳng ai máu lửa đến thế đâu. Khiếp lắm!”.

Một người bạn khác của tôi làm ở một Bộ ở Hà Nội, sau khi di làm việc với sở ngành dọc tại Đà Nẵng về  trầm trồ kể: “Chỗ này không có phong bì như nơi khác ông ạ! Làm việc là làm việc, sau đó mời nhau đi ăn lịch sự”.

Tôi cũng có lần  nghe Chủ tịch quận Hải Châu thuyết trình, ông này say sưa nói về các chương trình kinh tế- xã hội do Nguyễn Bá Thanh khởi xướng, tôi để ý thấy bên cạnh từ “chúng tôi”, hầu như câu nào cũng đá đến chữ “đồng chí Bí thư chỉ đạo” một cách rất tự nhiên…

Trong nhiều chương trình, kế hoạch khá hay, bổ ích, đặc trưng Đà Nẵng, tôi thấy thích nhất điều ông tâm huyết là rèn cho người dân nếp sống văn minh, lịch sự tỷ như không phơi quần áo phô ra đường phố, vận động chị em đi tập thể dục buổi sáng hay ra phố thì ăn mặc cho đàng hoàng, lịch sự; và đặc biệt là việc dồn sức rèn rũa thế hệ còn non tơ, để mười đến hai mươi năm nữa, Đà Nẵng sẽ có một lớp công dân khác về chất so với bây giờ… Sự lớn lao có lẽ phải bắt đầu từ những chi tiết, việc làm tỷ mỷ, cụ thể thậm chí tưởng như rất nhỏ nhặt…

Khỏi cần nhắc đến những việc làm mạnh mẽ, quyết liệt, khác thiên hạ của ông Nguyễn Bá Thanh. Cá nhân tôi, xin nhập vào đa số những người thích phong cách lãnh đạo của ông, nói theo ngôn ngữ trên facebook là “like” (yêu thích) mạnh! Tôi biết, để có một Đà Nẵng như hiện nay, Nguyễn Bá Thanh và đội ngũ của ông đã làm rất nhiều việc, mà chắc chắn, không phải việc gì cũng đúng hoàn toàn và được lòng hoàn toàn. Chả phải các cụ đã dạy đại khái là con người ta không ai hoàn hảo đó sao.

Tôi chỉ thấy rằng, trong tình hình hiện nay, những mẫu người hành động có hiệu quả như vậy là rất quí.

Và khi nghe tin ông sắp rời Đà Nẵng, ra Hà Nội nhận nhiệm vụ quan trong cực kỳ, dù không phải họ hàng thân thuộc hay quen biết gì ông, tôi cũng thấy bâng khuâng. Đặt hàng các đồng nghiệp ở trong ấy phỏng vấn ông về sự kiện này thì họ nhất định từ chối vì nắm chắc thất bại. Ông Thanh không mấy khi trả lời báo chí thật. Có lẽ ông được điều lên Trung ương cũng có rất nhiều người vui và không ít người buồn, vui vì những lý do có khi là đối lập nhau, buồn cũng thế…

Tạm biệt Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh không chỉ để lại sau lưng ông một thành phố mà là một quá trình phát triển chắc chắn sẽ còn được nhiều người tranh luận, mổ xẻ về sự được- thua, đúng- sai sau này. Ông để lại một con tàu đã được cài đặt, chỉ có đi lên chứ không thể nào khác được. Và ông để lại sau lưng một đội ngũ cán bộ có tư duy làm việc như thế, một thành phố với tư duy như thế. Hy vọng là như thế.

Và với hành trang mang theo, cũng mong ông sẽ làm được những việc có ích trong cương vị công tác mới, mặc dù việc mới ở Trung ương sẽ khó khăn, thử thách nhiều lắm lắm./.

P.K.B (DTNVN)

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)

Đảng ủy Quân sự thành phố kiểm điểm, tự phê bình và phê bình


Từ ngày 28 đến 30-9, Đảng ủy Quân sự thành phố tổ chức Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Bí thư Đảng ủy Quân sự thành phố chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh chủ trì hội nghị kiểm điểm của Đảng ủy Quân sự thành phố. Ảnh: VĂN CA
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh chủ trì hội nghị kiểm điểm của Đảng ủy Quân sự thành phố. Ảnh: VĂN CA
Tại hội nghị, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự thành phố đã nghiêm túc kiểm điểm, chỉ rõ những ưu, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng tổ chức Đảng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nguyên tắc, quy trình quản lý quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, đề bạt và quyết định nhân sự cán bộ theo đúng thẩm quyền; chấp hành nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, không có việc lạm dụng quyền hạn của người đứng đầu trong công tác quản lý để thực hiện sai trái nguyên tắc, thu vén lợi ích cá nhân; đổi mới phương pháp lãnh đạo… Đảng ủy Quân sự thành phố đã tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố những chủ trương xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, tuyển chọn và đào tạo nguồn phát triển Đảng trong thanh niên nhập ngũ có chất lượng…
Hội nghị diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, không né tránh khuyết điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân, đồng thời thống nhất đề ra các chủ trương, giải pháp tập trung sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Trong đó xác định 3 nội dung lãnh đạo thực hiện trong thời gian đến về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đổi mới phương pháp, tác phong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy.

Đà Nẵng đón đầu đầu tư từ Nhật Bản


Chiều 28-9, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki. Cùng dự buổi tiếp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.
Tại buổi tiếp, đồng chí Nguyễn Bá Thanh hoan nghênh chuyến thăm và làm việc của Đại sứ Yasuaki Tanizaki tại Đà Nẵng, xem đây là cơ hội tốt để thành phố thắt chặt quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Nhật Bản. Đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết, kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng phát triển nhanh, trong đó hạ tầng đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Tốc độ phát triển kinh tế thành phố những năm qua trung bình đạt trên 10%. Đời sống người dân được nâng cao.
Đến năm 2030, quy mô dân số thành phố khoảng 2,5 triệu người. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh mong muốn trên cương vị của mình, Đại sứ Yasuaki Tanizaki làm cầu nối tích cực để kêu gọi nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực mà thành phố đang kêu gọi đầu tư tại Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung. Thành phố chủ động chuẩn bị các điều kiện để xúc tiến đầu tư khi doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác đầu tư tại Đà Nẵng. Ngoài ra, thành phố sẽ dành những cơ chế riêng như bố trí đất, xây dựng các trung tâm thương mại để phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần mở rộng và phát triển thành phố trong những năm đến. Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng đề nghị Nhật Bản xem xét hỗ trợ vốn ODA cho dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm tại thành phố trong thời gian tới để phục vụ giao thông công cộng cho người dân và du khách.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Yasuaki Tanizaki. Ảnh: Việt Dũng
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Yasuaki Tanizaki. Ảnh: Việt Dũng
Hiện nay, hai dự án ODA của Nhật Bản triển khai trên địa bàn thành phố đó là công trình Hầm đường bộ Hải Vân và Cảng Tiên Sa đã góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và các tỉnh, thành trong khu vực. Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó Nhật Bản có nhiều doanh nghiệp nhất đầu tư vào thành phố.
Chân thành cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo thành phố, Đại sứ Yasuaki Tanizaki khẳng định, Đà Nẵng là địa phương phát triển nhanh, hiện đại trong khu vực và trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản. Đại sứ khẳng định, xu hướng ra nước ngoài đầu tư đang trở nên phổ biến ở các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản đến đầu tư. Riêng từ đầu năm 2012 đến nay, doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư hơn 4 tỷ USD vào Việt Nam và dòng vốn đầu tư từ Nhật sẽ tiếp tục tăng cao từ nay đến cuối năm.
Ngài Đại sứ cam kết sẽ kêu gọi nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến Đà Nẵng để đầu tư vì chính quyền thành phố có nhiều cơ chế thông thoáng, môi trường đầu tư thuận lợi và phù hợp. Riêng về dự án tàu điện ngầm, Đại sứ cho biết sẽ tích cực xem xét và tạo điều kiện thuận lợi để thành phố tiếp cận sớm nguồn vốn nhằm triển khai dự án trong những năm tới.
V.D(DNO)

Nên mời chuyên gia Nhật Bản đến thuỷ điện Sông Tranh 2


Đó là ý kiến của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 25/9.
Ngày 25/9, hàng trăm người dân quận Hải Châu đã đến tham dự buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII.
Kém cỏi thì đừng cố sĩ diện!
Cùng với nhiều vấn đề liên quan đến tình hình chung của đất nước và TP Đà Nẵng, cử tri quận Hải Châu còn tỏ ra rất quan tâm đến thuỷ điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam lân cận. Cử tri Phạm Sĩ Toàn (phường Thanh Bình) kiến nghị Quốc hội không cho thuỷ điện Sông Tranh 2 tích nước vì nếu vỡ đập sẽ chết dân hàng loạt. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều cử tri khác tại buổi tiếp xúc.
Ông Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng) ngày 25/9 - Ảnh: HC
Ông Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng) ngày 25/9 - Ảnh: HC
Ông Nguyễn Bá Thanh không giấu nổi thất vọng khi đặt câu hỏi: “Các nhà khoa học Việt Nam ở đâu mà thuỷ điện Sông Tranh 2 nói hoài không ra? Động đất liên tù tì trong mấy ngày như thế mà không biết giải thích nguyên nhân tại sao? Bây chừ ra lệnh không tích nước nữa nhưng nó cũng cứ nổ lộp bộp, nứt nhà dân lung tung. Thuỷ điện 180MW chứ có phải nhỏ đâu, một lượng điện cũng khá lớn nhưng chừ anh nào cũng sợ nên không cho tích nước là an toàn nhất”.
Đồng thời ông cho biết thêm, ngày hôm qua, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Nguyễn Đức Hải có tham vấn ý kiến của ông về cách xử lý đối với thuỷ điện Sông Tranh 2. Và ông đã tư vấn cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nên đề nghị Chính phủ mời chuyên gia nước ngoài vào, đem theo thiết bị, máy móc đầy đủ để khảo sát mới có thể biết chính xác được.
“Mình thì kém, trình độ, phương tiện, máy móc chưa đủ mà cứ sĩ diện, cố chứng tỏ ta đây nghiên cứu khoa học tốt cho nên cứ lần quần trong khi dân thì hoang mang. Không cần tìm đâu cho xa, mời các chuyên gia Nhật Bản là có kinh nghiệm về động đất nhất, có đầy đủ máy móc, thiết bị đo địa chấn… Chứ cứ để tình hình thế này là ăn không ngon, ngủ không yên, suốt ngày lo động đất, lo thuỷ điện Sông Tranh” – ông Nguyễn Bá Thanh nói.
“Bật mí” chuyện phát hiện giả chữ ký ông Nguyễn Bá Thanh
Ông trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng cũng “bật mí” về việc phát hiện ra tình trạng mà ông gọi là “làm liều đến cái mức giả chữ ký Nguyễn Bá Thanh” và cho biết: “Công an điều tra gần ra rồi”. Theo đánh giá các đối tượng giả chữ viết, chữ ký của ông đạt tới mức gần giống chứ không hề là chuyện đùa. “Nhưng tôi cũng đã có cách đề phòng trước mấy ổng rồi” – ông Nguyễn Bá Thanh nói.
Theo đó, từ cách đây 3 – 4 năm, ông đã cho thành lập ở Văn phòng UBND TP Đà Nẵng một phòng chuyên lo về giải toả đền bù. Có đơn thư nào mang bút phê, chữ ký của ông Nguyễn Bá Thanh thì đều phải chuyển hết lên phòng này để xác minh có đúng hay không rồi mới làm văn bản cho giải quyết. Nhờ lường trước như vậy nên các đối tượng cố tình mạo danh ông Nguyễn Bá Thanh để trục lợi chuyện đất đai đã không “qua” nổi.
Cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng) bày tỏ sự bức xúc về tình hình thuỷ điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam lân cận - Ảnh: HC
Cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng) bày tỏ sự bức xúc về tình hình thuỷ điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam lân cận - Ảnh: HC
Ông Nguyễn Bá Thanh cũng cho biết thêm, mới đây UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản quy định các Ban, các công ty làm nhiệm vụ có liên quan đến công tác đền bù giải toả nếu chỉ căn cứ vào bút phê của lãnh đạo TP rồi tự ý giải quyết mà không xin ý kiến và được UBND TP ra văn bản rồi mới tiến hành giải quyết thì sẽ bị quy vào diện đồng loã và bị khởi tố liền.
“Cho nên các ông Trưởng Ban đền bù giải toả, giám đốc các công ty ngồi đây phải hết sức chú ý. Đừng để các đối tượng giả chữ ký đưa cho mình, giúi thêm cái phong bì rồi mình tự ý giải quyết thì sẽ bị công an bắt chứ không còn chuyện xử lý hành chính gì nữa!” – ông Nguyễn Bá Thanh nói.
HẢI CHÂU(Ifnonet)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: “Không nên mở thêm hệ tại chức”


Tôi cũng từng hỏi Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận là tại sao các cơ quan nhà nước không nhận hệ tại chức? Ngành giáo dục sản xuất ra một sản phẩm kém mà lại bắt người khác phải sử dụng?”, Bí thư Nguyễn Bá Thanh nói.
Ngày 19/9, đối thoại với sinh viên, giảng viên ĐH Duy Tân, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trăn trở: “Khó khăn của thành phố là làm sao có được một ban lãnh đạo đủ tầm, có tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng quan trọng là phải biết cách làm. Singapore không có tài nguyên, chỉ có con người nhưng lại bắt đầu bằng giáo dục. Việt Nam nếu không lo cho giáo dục thì không thể thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh
Khi biết ĐH Duy Tân chưa đào tạo hệ tại chức, ông Thanh thẳng thắn: “Nếu chưa có hệ tại chức thì đừng tính đến”. Và ông phân tích, trước đây Đà Nẵng vừa đưa ra chủ trương không nhận hệ tại chức đã bị phản ứng, nhưng mới đây Hà Nội và một số tỉnh thành khác cũng ủng hộ bằng cách không tuyển công chức học hệ này.
“Tôi cũng từng hỏi Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận tại hành lang Quốc hội là tại sao các cơ quan nhà nước không nhận hệ tại chức? Ngành giáo dục sản xuất ra một sản phẩm kém mà lại bắt người khác phải sử dụng?”, ông Thanh nói.
Lãnh đạo thành phố đưa ra ví dụ, nhiều trường lấy đầu vào đại học khoảng 20 điểm, những thí sinh được 17 – 19 điểm đều trượt, nhưng tại sao trường đó không lấy những học sinh này vào trường mà lại tổ chức một cuộc thi tuyển khác, vừa tốn kém, vừa lấy đầu vào hệ tại chức quá thấp dẫn đến năng lực kém.
Bí thư Thanh cũng gợi ý trường đại học Duy Tân đi thẳng vào thế mạnh của mình là đào tạo công nghệ thông tin, du lịch, ít mà chất lượng.”Quy tắc bất di bất dịch là có thầy giỏi sẽ có trò giỏi. Do đó, điều đầu tiên là phải săn tìm thầy giỏi, tìm được những thầy giáo giỏi về chuyên môn, có phương pháp sư phạm tốt để truyền đạt cho sinh viên, bỏ qua điệp khúc thầy đọc, trò chép”.
Một giảng viên mong muốn Bí thư Thành ủy góp tiếng nói đến các doanh nghiệp để khi sinh viên ra trường không bị phân biệt về bằng cấp giữa trường tư thục với trường công lập. Ông Thanh thẳng thắn: “Việc phân biệt còn kéo dài. Không phải có sự can thiệt của tôi, mà bản thân ĐH Duy Tân muốn đầu ra tốt thì phải chú ý đến chất lượng, phụ thuộc vào chính những người đào tạo, đổi mới tư duy để có những sinh viên giỏi phục vụ cho đất nước”.
Theo (VNE)

Có năng lực thì đưa lên, không có chuyện chung chi


Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tại buổi gặp gỡ, nói chuyện với hơn 500 cán bộ, giảng viên của ĐH Duy Tân sáng nay 19.9.
Ông Thanh khẳng định: “Những người được đào tạo ra có năng lực thực sự sẽ rất dễ dàng tìm việc làm ở Đà Nẵng. Đà Nẵng tuyển người dựa hoàn toàn vào năng lực. Ở Đà Nẵng anh nào làm tốt, có năng lực thì đưa lên, không có chuyện chung chi. Tôi cũng mạnh dạn nói không với tình trạng mua quan, bán chức ở Đà Nẵng…”.
Cũng tại buổi nói chuyện với cán bộ, giảng viên của ĐH Duy Tân, ông Thanh cho biết, trong tương lai, Đà Nẵng định hướng phát triển lấy du lịch làm mũi nhọn đột phá. Mỗi năm TP sẽ đón 5 – 7 triệu lượt khách du lịch vì vậy nguồn nhân lực cho du lịch là rất cần, từ việc đào tạo những hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nhân viên phục vụ, đến đầu bếp cho những khách sạn lớn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khẳng định "có năng lực thì đưa lên, không có chuyện chung chi" ở Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khẳng định "có năng lực thì đưa lên, không có chuyện chung chi" ở Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng phát triển xây dựng một thành phố điện tử, phát triển mạnh về công nghệ thông tin, nên cần một lực lượng lớn về lĩnh vực này.
Ông Thanh nói Đà Nẵng rất cần những nơi đào tạo như ĐH Duy Tân để đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai.
“Trường phải có hướng đi rõ ràng trong đào tạo, biết nhắm đến những nhu cầu mà TP đang cần, để phục vụ cái cần đó; đừng đào tạo tràn lan, mở tùm lum ngành rồi sinh viên ra trường không có việc làm, rất phí”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh “hiến kế” cho ĐH Duy Tân về việc “chiêu hiền đãi sĩ”. Theo đó, ông Thanh cho rằng, phải mời cho bằng được những người thầy giỏi, có phương pháp giảng dạy tốt thì mới mong có được chất lượng đào tạo tốt; sinh viên ra trường có năng lực, kiến thức giỏi.
Về phía chính quyền, ông Thanh cũng hứa với ĐH Duy Tân, TP.Đà Nẵng sẽ giúp trường trong vấn đề bố trí nhà ở, chính sách đãi ngộ để trường có thể thu hút giảng viên giỏi ở các nơi.
Trả lời câu hỏi của giảng viên ĐH Duy Tân về việc trường này có nên mở ngành đào tạo y dược, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có ĐH Đà Nẵng đang đào tạo y dược, nhưng ngành này cũng đang sắp “chết yểu”, chỉ còn Trường CĐ Y tế là có triển vọng. ĐH Duy Tân chưa nên mở ngành này, bởi chưa có thế mạnh, chưa có cơ sở vật chất.
Một giảng viên khác hỏi: “Các doanh nghiệp còn chê sinh viên ngoài công lập, theo ông bí thư có thể làm thế nào để thay đổi thực trạng này?”. Ông Thanh trả lời: “Bí thư không thể nói mà thay đổi được tình hình. Quan trọng là chính trường phải tự tìm cách thay đổi mình, nâng cao chất lượng đào tạo; đào tạo được người giỏi thì sẽ không bị doanh nghiệp phân biệt đối xử…”.
Diệu Hiền(TNO)