Đồng chí Nguyễn Bá Thanh: Ưu tiên bố trí tái định cư cho nhân dân Hòa Xuân


Sáng 29-5, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và đơn vị thi công về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và thi công một số dự án trên địa bàn quận Cẩm Lệ.


Đồng chí Nguyễn Bá Thanh và đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc. Ảnh: N.THÀNH

Theo báo cáo của quận Cẩm Lệ, đến giữa tháng 5-2012, ở các dự án trên địa bàn phường Hòa Xuân, tổng số hộ có nhà và đất ở đã bàn giao là 5.177 nhà, nhà thờ, từ đường tộc họ; hiện còn lại 1.676 nhà (trong đó có 22 nhà thờ) chưa bàn giao và 170 ngôi mộ khu vực Cồn Dầu chưa di dời. Trong đó, dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân đã bàn giao 2.069 trong tổng số 2.659 hồ sơ… Số lô đất tái định cư trên thực tế đạt trên 80%. Ngoài ra, lãnh đạo quận Cẩm Lệ đã báo cáo những vấn đề liên quan đến các dự án trên địa bàn như: Tây Bắc và Đông Nam nút giao thông Hòa Cầm, đường nối QL 14B đi Hòa Thọ Tây, Phong Bắc 4, Khu dân cư số 3 Nguyễn Tri Phương mở rộng, các khu tái định cư khu vực Phước Lý…

Sau khi nghe báo cáo tiến độ và những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện các dự án, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng, mặc dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng khối lượng thực hiện ít, tiến độ chậm, việc tái định cư chưa đạt yêu cầu. Về tổng thể các dự án trên địa bàn phường Hòa Xuân, đồng chí đề nghị tập trung ưu tiên cho các dự án: Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, khu tái định cư, sân vận động 20 nghìn chỗ ngồi, Trạm xử lý nước thải và đất tái định cư cho gia đình chính sách. Đồng chí cũng yêu cầu cơ quan chức năng xem xét phương án tái định cư và hiệu quả dự án khi lập quy hoạch; điều chỉnh chiều rộng một số tuyến đường để cân đối chặt chẽ số lô đất bảo đảm tái định cư cho người dân; ưu tiên bố trí tái định cư cho nhân dân Hòa Xuân; đền bù đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng của các dự án; tiến hành việc trồng cây, thảm nhựa những tuyến đường ở khu vực tái định cư có mật độ dân cư đông để bảo đảm môi trường; tổ chức các đội hỗ trợ tư vấn, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xây dựng nhà tái định cư; mở rộng mặt bằng, ưu tiên bố trí đất các nghĩa trang nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di dời mồ mả tại các dự án trên địa bàn phường Hòa Xuân nói riêng và quận Cẩm Lệ nói chung…

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh cũng cho ý kiến về việc hỗ trợ kinh phí xây dựng Đình làng Trung Lương và Tùng Lâm; xử lý dứt điểm việc bàn giao mặt bằng tại khu vực Cồn Dầu trên tinh thần vận động, thuyết phục; tạm dừng thi công một số dự án trên địa bàn quận Cẩm Lệ…

N.THÀNH(DNO)

Đính chính vụ Văn Giang - Ecopark và bà Nguyễn Thanh Phượng

Ban biên tập nhận nguồn tin từ Cộng tác viên cho biết: Ngày 2/5/2012, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (nhà đầu tư thực hiện dự án Ecopark, đăng ký kinh doanh tại Hưng Yên) là ông Đào Ngọc Thanh, đã ban hành công văn số 83/CV-VH gửi các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương trong cả nước với mong muốn các cơ quan truyền thông giúp ông Đào Ngọc Thanh làm sáng tỏ thông tin về việc bà Nguyễn Thanh Phượng với nội dung:



Hình ảnh công văn của công ty “Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” gửi cơ quan báo chí
Nội dung trong bản công văn được ông Đào Ngọc Thanh khẳng định rõ: “Sau khi cưỡng chế đất đai ở Văn Giang, Hưng Yên. Ngày 24/4/2012, trên mạng Internet xuất hiện một số thông tin cho rằng “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” (nhà đầu tư thực hiện dự án Ecopark, đăng ký kinh doanh tại Hưng Yên) và Công ty CP phát triển Bất động sản Việt Hưng là một.

Trước thông tin này, Tổng giám đốc khẳng định “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” hoàn toàn không liên quan gì tới Công ty CP phát triển Bất động sản Việt Hưng”, mọi thông tin về pháp lý của công ty, hoàn toàn có thể kiểm chứng tại cổng thông tin Doanh nghiệp và đầu tư Hưng Yên. Đường dẫn: http://hungyenbusiness.gov.vn. Và kể từ năm 2003 thành lập công ty đến nay, “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng”(Vihajico), chưa từng thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng bất kỳ lần nào. Tổng giám đốc công ty hiện nay là ông Đào Ngọc Thanh, cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Lương Xuân Hà, chứ không phải theo một số tin đồn thất thiệt là Bà Nguyễn Thanh Phượng mà cộng đồng mạng đã đồn đoán.

Chúng tôi khẳng định bà Nguyễn Thanh Phượng hoàn toàn không liên quan gì tới dự án Ecopark, cũng như không có bất cứ vai trò pháp lý nào trong Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng.

Nội dung chi tiết bản công văn của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng:



Nguồn: http://thutuongnguyentandung.net/tin-nong-cong-ty-cp-dt-pt-do-thi-viet-hung-dinh-chinh-ve-vu-viec-ecopark.html

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh:Tập trung đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư

Ngày 15-3,Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo UBND thành phố và các sở, ngành, đơn vị chức năng thực hiện các nhiệm vụ trong đầu tư phát triển đô thị.

nguyen ba thanh

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh

Theo đó, tập trung đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư, đặc biệt là đối với các công trình trọng điểm, khi cần thiết thì áp dụng biện pháp xử phạt đối với các đơn vị chậm trễ trong thi công. Khẩn trương kiểm tra toàn bộ đất mồ mả, đất trống, đất nông nghiệp trên địa bàn 2 quận Thanh Khê và Liên Chiểu và vệt Sân bay Nước Mặn, quận Ngũ Hành Sơn. Nghiên cứu phương án chống sạt lở đất, đá trên tuyến đường ra bãi Bắc, bán đảo Sơn Trà. Triển khai các dự án mới về xây dựng các khu ký túc xá sinh viên để tranh thủ nguồn vốn Trung ương.

Phối hợp với tỉnh Quảng Nam khơi thông sông Cổ Cò. Gặp mặt các chủ đầu tư để làm cam kết triển khai dự án, nếu tiếp tục vi phạm cam kết sẽ thu hồi dự án. Tổng rà soát lại các bãi tắm biển và các dịch vụ vệ tinh nhằm sẵn sàng phục vụ mùa du lịch hè. Đốc thúc đẩy nhanh tiến độ dự án Thủy điện Sông Côn, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai dự án Nhà máy nước từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng châu Á (ADB). Triển khai xây dựng nghĩa trang Hòa Ninh để di dời mồ mả đến. Di dời cảng sông Hàn. Tiến hành giải tỏa bàn giao mặt bằng cho dự án mở rộng Nhà máy Bia Việt Nam tại Đà Nẵng.

Tập trung xử lý việc chuyển đổi mục đích đất quốc phòng trên địa bàn thành phố. Hoàn thành hồ sơ mở rộng khu cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng. Mời chuyên gia nước ngoài tham gia quy hoạch giao thông đô thị trên địa bàn, đặc biệt là quy hoạch giao thông nhằm tránh nạn tắc đường trong những năm tới. Tổng rà soát hệ thống biển báo phục vụ việc tổ chức giao thông phân làn để từ ngày 1-4 tiến hành xử phạt hành vi vi phạm quy định này.

TheoDaNang

Mô hình thị trưởng của Đà Nẵng – Hy vọng và lực cản

Dưới các tên gọi khác nhau, mô hình mà Đà Nẵng đề xuất, chính là mô hình thị trưởng mà hầu hết các quốc gia phát triển và có nền hành chính hiện đại đều áp dụng.
Ngọn đuốc hy vọng

Trong gần hai thập niên gần đây, Đà Nẵng luôn nức tiếng toàn quốc về cải cách hành chính, thu hút đầu tư, an ninh trật tự; Đà Nẵng trở thành hình mẫu cho các đoàn công tác của các tỉnh thành khác đến tham quan, học tập. Sự thành công lớn đến mức, chính quyền TW đôi lúc coi những bước “xé rào hợp lý” của Đà Nẵng như là một thí điểm khai phá cho đất nước.

Sự thành công của Đà Nẵng gắn liền với tài năng và bản tính quyết liệt của các lãnh đạo Đà Nẵng, trong đó có ông Nguyễn Bá Thanh.

Chưa hài lòng với những thành công bước đầu, ông Nguyễn Bá Thanh muốn bảo đảm sự thịnh vượng dài lâu cho thành phố Đà Nẵng kể cả khi thế hệ lãnh đạo như ông đã về hưu, ông muốn đặt nền móng dân chủ cho cơ chế lựa chọn lãnh đạo của thành phố Đà Nẵng trong tương lai, ngày 24/11/2008, ông Nguyễn Bá Thanh cùng Thường trực Thành ủy Đà Nẵng họp thống nhất đề án bầu trực tiếp Chủ tịch thành phố đệ trình lên Quốc hội và Chính phủ.


Ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Nhân dân Đà Nẵng khấp khởi ngóng chờ. Họ khấp khởi được trực tiếp tuyển lựa “công bộc của nhân dân” từ thị trường tự do cạnh tranh. Họ khấp khởi được trực tiếp lựa chọn không chỉ người đứng đầu thành phố mà cả chương trình tranh cử, chương trình hành động, chính sách của từng ứng viên hay nói cách khác họ được lựa chọn theo phương thức “cả gói” (nhân sự và chính sách) từ một thực đơn đa dạng. Họ khấp khởi được chứng kiến cuộc đua tài với vô vàn sáng kiến của các ứng viên. Họ khấp khởi được chứng kiến một cuộc bầu cử dân chủ, công khai, minh bạch. Đà Nẵng đã thắp lên ngọn đuốc hy vọng.

Tiếc thay, ước nguyện này chưa có cơ hội thành hiện thực vào năm 2008 bởi còn vướng vào nhiều Văn bản Pháp luật, quy định liên quan.

Kiên định theo đuổi

Không nản chí, nhân dân và những người đương nhiệm ở Đà Nẵng tiếp tục tha thiết đề nghị cho phép nhân dân Đà Nẵng trực tiếp bầu người đứng đầu Thành phố (Thị trưởng/Chủ tịch) với nhiều chi tiết mới, lập luận sắc sảo hơn so với đề xuất năm 2008. Cụ thể, ngày 24/2/2012, ông Nguyễn Bá Thanh – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã có buổi nói chuyện được truyền hình trực tiếp với hơn 4000 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Thành phố, trong đó có ba nội dung sau:

+ Chức chủ tịch UBND TP do dân bầu trực tiếp qua tranh cử công khai.
+ Khi ra tranh cử, ứng viên phải nêu kế hoạch hành động để thuyết phục cử tri.
+ Chủ tịch có quyền lựa chọn các phó chủ tịch. Hay nói cách khác bầu cử theo phương thức liên danh; cử tri lựa chọn không chỉ ông chủ tịch mà cả ê-kíp của ông chủ tịch.
Dưới các tên gọi khác nhau, mô hình mà Đà Nẵng đề xuất, chính là mô hình thị trưởng mà hầu hết các quốc gia phát triển và có nền hành chính hiện đại đều áp dụng. Sở dĩ nó trở thành mô hình phổ biến, đại diện cho sự phát triển, vì những ưu điểm sau đây:
Là hình thức bầu cử dân chủ nhất. Vì không qua khâu trung gian nào, cử tri trực tiếp chọn ra “công bộc” của mình, nên “khúc xạ ý chí diễn ra ít nhất.


Cầu Sông Hàn - Biểu tượng của Đà Nẵng

Sợi dây lợi ích được ràng buộc chặt chẽ nhất. Cử tri lựa chọn thị trưởng (hay chủ tịch thành phố) và ê-kíp của ông ta, chính là lựa chọn “nhà cung cấp dịch vụ công” như trật tự an ninh, giao thông, y tế, giáo dục, môi trường … với hy vọng tìm được nhà cung cấp với chất lượng cao nhất có thể và với chi phí thấp (tiền thuế thấp). Ở góc độ kinh tế, thì cử tri chính là khách hàng mua các “dịch vụ công cộng đặc biệt”. Hãy để những “khách hàng đặc biệt” này trực tiếp nói lên tiếng nói của mình khi lựa chọn thị trưởng. “Tiếng nói của lợi ích là tiếng nói có độ tin cậy cao nhất”. Về phía thị trưởng, khi lợi ích thắng cử và tái cử hoàn toàn phụ thuộc vào cử tri thì họ phải hết sức chiều lòng dân, cho dù có hợp với gu ông ta hay không; thị trưởng sẽ coi cử tri là ông chủ thực sự.

Cạnh tranh cao nhất. Tài năng của ứng viên được thể hiện rõ nhất. Cơ chế bầu trực tiếp thị trưởng thường có nhiều ứng viên. Bởi vậy, việc bầu cử thị trưởng có tính cạnh tranh rất cao, có nhiều yếu tố bất ngờ, kết quả bầu cử thường khá sát sao. Không có sự bảo trợ nào từ bên trên, các ứng viên phải tự mình trực tiếp phô diễn khả năng trước cử tri; ứng viên phải đối đáp, bảo vệ quan điểm, tính ưu việt của chương trình tranh cử trước sự tấn công của đối thủ; những bài diễn văn do thư ký chuẩn bị trước sẽ lùi xa vào dĩ vãng. Điều này, chúng ta có thể thấy rõ nhất trong các vòng debate (tranh luận giữa hai ứng viên trước kỳ bầu cử) trên truyền hình CNN.

Giải pháp trọn gói. Khi thị trưởng được lựa chọn cấp phó của mình, thì ông ta không biết đùn đẩy, đổ lỗi cho ai nữa. Hơn nữa, để bảo đảm thắng cử thì ứng viên thị trưởng không chỉ chứng minh năng lực cá nhân của mình, mà phải chứng minh năng lực của cả ê-kíp. Nên buộc ứng viên thị trưởng phải liên kết với những người giỏi, miễn là người đó đồng ý đứng vào liên danh và ủng hộ chính sách tranh cử, mặc cho người đó có biết nịnh đầm hay không. Ngoài việc đưa ra ê-kíp thì ứng viên cũng đưa ra các chính sách, các cam kết rất cụ thể mà mình sẽ theo đuổi nếu trúng cử. Việc cử tri lựa chọn 3 trong 1 này còn được gọi là giải pháp trọn gói.

Mặc dầu có bốn ưu điểm vượt trội nêu trên, nhưng không phải cứ áp dụng mô hình thị trưởng là sẽ tìm ra người lãnh đạo tài năng nhất. Để thành công mô hình này đòi hỏi những điều kiện nhất định: số lượng ứng viên phải đủ nhiều và thực sự cạnh tranh; trình độ dân trí không quá thấp; pháp luật về tranh cử phải đủ chặt chẽ để hạn chế hiện tượng người đương nhiệm lạm dụng chức vụ giành những lợi thế bất bình đẳng, bảo đảm sự phân phối công bằng thời lượng truyền thông cho các ứng viên.
Các điều kiện đã chín muồi?

Trước hết, nói về dân trí ở Việt Nam thừa điều kiện để bầu trực tiếp thị trưởng. Thứ nhất, người Việt vốn tự hào về tính cần cù thông mình của mình. Thứ hai, các cử tri Việt Nam đã đủ trình độ sáng suốt lựa chọn ra các Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND các cấp, thì không có lý do gì họ không đủ sáng suốt chọn ra thị trưởng, là người gắn bó với thành phố. Thứ ba, so với mặt bằng chung, trình độ dân trí ở thành thị còn cao hơn một mức. Thứ tư, ở các thành phố trực thuộc TW, đặc biệt như Hà Nội thì các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đồng thời là cử tri gương mẫu. Ở đó cán bộ công chức rất nhiều. Không thể nói, dân trí ở những thành phố như vậy là thấp được.

Về điều kiện truyền thông. Trong thời kỳ đổi mới, truyền thông Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, đủ sức hỗ trợ cho các cuộc bầu cử trực tiếp. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong thời gian vừa qua đã chú trọng phát triển cơ sở vật chất cho truyền thông, lắng nghe và cổ vũ báo chí phát hiện những vụ việc tiêu cực – mà Tiên Lãng là một ví dụ tốt -, xem truyền thông như là một kênh phản biện xã hội. Các quy định gần đây về công khai tài sản, thu nhập của các vị lãnh đạo cũng góp phần làm cho việc bầu cử minh bạch hơn.

Đặc biệt với việc tiếp cận cởi mở đối với Internet từ năm 1997 và chính sách “xã hội hóa” một số hoạt động truyền hình, thì người Việt sục sạo trên internet để tự giáo dục mình, tự tìm ra sự thực, tự đúc rút ra chân lý. Và quan trọng nhất, làm quen với thông tin đa chiều, hình thành thói quen phân tích, nghe bằng cả hai tai, tự mình đánh giá và phản bác luận điệu xuyên tạc, lập luận vô lý của bất cứ ai. Hơn nữa, truyền thông trong tay Nhà nước, cùng với đầu óc phân tích của người Việt dư sức vô hiệu hóa các thông tin sai sự thực, quan điểm đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc.

Truyền hình Việt Nam đã quá quen thuộc với việc tổ chức các talk show (tọa đàm) và các buổi debate (tranh luận). Các tiền đề truyền thông cơ bản đã sẵn sàng cho việc bầu trực tiếp thị trưởng.
Số lượng ứng viên đủ nhiều và mang tính cạnh tranh. Đây chính là điểm yếu trong đề xuất của Đà Nẵng năm 2008. Theo đề xuất này, Thành ủy Đà Nẵng sẽ giới thiệu hai ứng cử viên, Mặt trận Tổ quốc Đà Nẵng giới thiệu một ứng cử viên vào chức danh chủ tịch. Đề xuất này đáp ứng vế thứ nhất: số lượng ứng viên đủ nhiều, nhưng không đáp ứng tiêu chí “mang tính cạnh tranh” của vế thứ hai. Vì cả ba ứng viên này đều do một “đạo diễn” chọn ra; nên rất có thể hai ứng viên chỉ đóng vai trò làm phông tô điểm cho ứng viên thứ ba. Nếu điều này diễn ra, thì mọi điều tốt đẹp của mô hình bầu cử trực tiếp thị trưởng sẽ không diễn ra như kỳ vọng của nhân dân.

Thay vì đề xuất thiếu tính cạnh tranh nêu trên, cần quy định theo hướng, “bất kỳ công dân Việt Nam nào đủ điều kiện ứng cử vào HĐND cấp tỉnh đều có quyền ứng cử thị trưởng thành phố trực thuộc TW mà không cần qua hiệp thương”. Chỉ ba dòng này được chấp nhận, thì điểm yếu nói trên hoàn toàn được khắc phục.

Về điều kiện thứ tư: pháp luật về tranh cử phải đủ chặt chẽ để hạn chế hiện tượng người đương nhiệm lạm dụng chức vụ giành những lợi thế bất bình đẳng, bảo đảm sự phân phối công bằng thời lượng truyền thông cho các ứng viên. Đây cũng là một điểm yếu trong hệ thống pháp luật về bầu cử ở Việt Nam hiên nay. Tuy nhiên, với sự phát triển của internet thì khiếm khuyết này trở nên không còn quá trọng như trong thời đại chỉ có báo giấy, truyền hình và radio. Internet tự nó đã dân chủ. Khác với vai trò thụ động của độc giả trong truyền thông truyền thống, độc giả internet hoàn toàn chủ động click vào link nào, dừng lại đọc bao lâu; chính độc giả làm chủ cuộc chơi chứ không phải “nhà đài”. Internet sẽ góp phần bù đắp lại công bằng, nếu báo giấy, truyền hình chưa công bằng; sẽ tập trung làm rõ những điểm bị cố tình bỏ qua trên báo giấy và truyền hình.

Xét về tổng thể, ở Đà Nẵng nói riêng và các thành phố trực thuộc TW nói chung, đã có đủ bốn điều kiện thực tiễn, sẵn sàng cho việc bầu cử trực tiếp thị trưởng. Tuy nhiên, với các quy định pháp luật hiện hành thì vẫn có vài vướng mắc nhỏ liên quan đến Luật bầu cử Đại biểu HĐND, Luật tổ chức HĐND và UBND và Hiến pháp 1992.

Vướng mắc “tuy to mà nhỏ”

Vướng mắc liên quan đến Luật bầu cử Đại biểu HĐND, Luật tổ chức HĐND và UBND và Điều 123 Hiến pháp 1992, là một phần lý do dẫn đến đề xuất năm 2008 của Đà Nẵng bị khước từ. Điều 123 Hiến pháp 1992 quy định: “Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu”.

Vướng mắc này tuy không nhỏ nhưng đối với tập quán chính trị ở Việt Nam thì không đến mức bất khả vượt qua.

Dẫn chứng là năm 2008, có ba đề xuất cùng được nêu ra, cả ba đều không phù hợp với Điều 123 Hiến pháp 1992: thí điểm bỏ HĐND cấp huyện, thí điểm bầu trực tiếp Chủ tịch xã, thí điểm bầu trực tiếp Chủ tịch thành phố trực thuộc TW.

Chỉ có đề xuất thứ nhất được bật đèn xanh bởi một Nghị quyết. Và khi có nghị quyết bảo trợ thì người ta yên tâm áp dụng trên 10 tỉnh thành/tổng số 63 tỉnh thành. Điều này có nghĩa là việc bầu trực tiếp thị trưởng có được quy định trong Hiến pháp 1992 hay không không phải là chuyện không thể vượt qua.

Vướng mắc nói trên tuy “không to” theo tập quán chính trị, nhưng nếu đề xuất này được đưa vào trong lần sửa đổi Hiến pháp 1992 sắp tới (dự kiến vào năm 2013) thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đó chính là lý do UBND TP. Đà Nẵng cùng ông Nguyễn Bá Thanh kiên định nêu lại vấn đề bầu trực tiếp thị trưởng ngay trước thềm sửa đổi Hiến pháp 1992.

Theo thiển ý của người viết, đây là cách làm hoàn toàn hợp lý, hợp hiến. Vì các giải pháp hợp lý cần phải được tích hợp vào hiến pháp trước lúc đem ra thi hành.

Bởi vậy, việc sửa đổi hiến pháp sắp tới, không chỉ nên mở đường cho việc xây dựng chính quyền đô thị ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mà còn mở đường cho việc xây dựng chính quyền phù hợp với đặc thù hải đảo, miền núi xa xôi. Và hiến pháp cũng phải bảo đảm cơ hội bình đẳng giữa các tỉnh thành, không đóng cửa trước đòi hỏi cải cách chính quyền địa phương của các tỉnh thành còn lại.

TS. Võ Trí Hảo (ĐH Kinh tế TPHCM)

bi thu thanh uy da nang nguyen ba thanh lam doanh nghiep duc


Chiều 24-2, bà Phạm Quỳnh Mai, Chủ tịch Tập đoàn tư vấn và phát triển dự án (DEVI Group) dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Đức đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Đà Nẵng.Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã có buổi làm việc với đoàn.


Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tặng quà lưu niệm cho đại diện lãnh đạo DEVI Group.

Đại diện DEVI Group bày tỏ mong muốn hợp tác với thành phố Đà Nẵng để xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực y tế, môi trường, xử lý rác thải, sản xuất và cung cấp năng lượng điện sạch từ mặt trời, gió…; đặc biệt là xúc tiến thành lập trung tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y tế chuyên khoa và hỗ trợ điều trị các bệnh về thận, sản xuất huyết thanh phục vụ trong y tế; xử lý rác thải bằng công nghệ cao tại thành phố Đà Nẵng.

Bí  thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho biết, thành phố Đà Nẵng luôn tạo những điều kiện thuận lợi và nhanh chóng để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp của Đức đến hợp tác, đầu tư. Riêng việc hợp tác, hỗ trợ trên các lĩnh vực y tế được thành phố đánh giá cao vì mang tính thiết thực và khả thi nhằm nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực.
Tin và ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng

“Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu. Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.

Một sự kiện ở miền Trung được dư luận quan tâm đó là buổi đối thoại của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với 4.500 cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp của thành phố.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh


Tại buổi đối thoại, những vấn đề gai góc, tế nhị… lâu nay của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở thành phố bên bờ sông Hàn được đặt ra như một trở ngại trên con đường phát triển nhanh, bền vững của thành phố Đà Nẵng, qua đó tạo sức thu hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư. Đó cũng là những việc cần chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn tác phong, lề lối làm việc của cán bộ Đảng viên.

Tại buổi đối thoại, những vấn đề nan giải, các nguy cơ của bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp ở thành phố Đà Nẵng được Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đặt ra công khai. Một số kết quả đạt được chưa đủ để tự mãn. Thành phố Đà Nẵng không chấp nhận và cũng không để tình trạng đó kéo dài. Cán bộ ở Đà Nẵng phải phải bứt phá, phải nhìn xa hơn.

Lấy ví dụ những việc chưa làm được, ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định: Danh hiệu Thành phố môi trường bền vững ASEAN là phần thưởng xứng đáng với nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng, nhưng công tác quản lý môi trường vẫn còn buông lỏng, không quyết liệt xử lý những điểm nóng về ô nhiễm của Đà Nẵng như ở Khu hậu cần nghề cá và dịch vụ thủy sản Thọ Quang, rồi khu dân cư Phú Lộc hay tại Nhà máy thép Thái Bình Dương… Tiếp đó là tình trạng lạm thu trong nhà trường, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan…

TP Đà Nẵng phấn đấu xây dựng lực lượng cán bộ mạnh về chuyên môn, có trách nhiệm với nhân dân

Nhiều năm nay, việc tổ chức đối thoại trực tiếp được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng duy trì. Nhưng, đầy đây lần tổ chức quy mô nhất. Trong một buổi sáng, hơn 4.500 cán bộ, công chức UBND, Sở, ban, ngành, quận, huyện của thành phố Đà Nẵng “tạm gác” lại việc công để nghe những điều tưởng chừng khó nghe nhất, nhưng cũng thiết thực nhất với tư cách là công bộc của nhân dân

Sau 3 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước (2008, 2009 và 2010), vị trí thứ 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 của thành phố Đà Nẵng là biểu hiện của việc thiếu tâm huyết và nhiệt tình của một bộ phận cán bộ của thành phố.

Bí thư thành ủy Đà Nẵng cho rằng, đó cũng là dịp để lãnh đạo chính quyền nhìn nhận lại thái độ, trách nhiệm đối với doanh nghiệp và thấy những việc chưa làm được để có hướng cải thiện, phấn đấu cho mục tiêu thời gian tới.

Quang cảnh buổi đối thoại

Nói về triển khai Nghị quyết T.Ư 4 tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Nguy hiểm nhất là cán bộ tự thấy mình quan trọng, rời xa dân, quan liêu, thiếu trách nhiệm, bệnh thành tích, tự thỏa mãn, ngại va chạm. Lúc đó, dễ nảy sinh việc lạm dụng quyền lực”.

Cảnh báo về biểu hiện quan liêu, xa dân trong nhiều cán bộ chính quyền. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu. Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.

Khát vọng của cán bộ trẻ ở Đà Nẵng được ươm mầm từ nhiều năm trước khi ông chỉ đạo thành lập và là Chủ tịch danh dự CLB Cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng. Từ cách làm này, một bộ phận cán bộ trẻ, trí thức ở phương xa đã về cống hiên cho thành phố động lực của miền Trung.

Chấn chỉnh kịp thời bệnh quan liêu, thiếu trách nhiệm, xa rời nhân dân, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị toàn Đảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong từng vị trí công tác cụ thể, để Đà Nẵng có đội ngũ cán bộ thực sự có năng lực chuyên môn, trách nhiệm với nhân dân…

Hải Sơn/VOV Miền Trung

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tham dự lễ kỷ niệm 35 năm ngày phát sóng đầu tiên của VTV Đà Nẵng

Ngày 14-2, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV Đà Nẵng) tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày phát sóng đầu tiên (14-2-1977 – 14-2-2012) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND thành phố; Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh trao Huân chương Độc lập hạng ba của Chủ tịch nước cho VTV Đà Nẵng. Ảnh: MỸ HẠNH
Theo đánh giá, 35 năm qua, nhờ có kế hoạch đầu tư đồng bộ cả về con người và cơ sở vật chất, VTV Đà Nẵng đã vươn lên phát triển không ngừng, hằng năm sản xuất hơn 100 đề mục chương trình với thời lượng hơn 100.000 phút. Trong đó, nhiều bản tin, chuyên mục, sản phẩm nghệ thuật, khoa giáo, giải trí phong phú, hấp dẫn, bổ ích, phát sóng liên tục 7 buổi/tuần. Bên cạnh đó, trung tâm còn sản xuất hàng trăm chương trình, trên 1.000 tin, phóng sự thời sự, đóng góp cho các kênh truyền hình quốc gia. Hiện tại, sóng kênh 9 VTV Đà Nẵng đã phủ hết địa bàn Đà Nẵng, gần hết tỉnh Quảng Nam, một phần phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và phía nam tỉnh Thừa Thiên-Huế; qua đó đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin ngày càng cao của nhân dân; đồng thời đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực trong xã hội…

Ghi nhận những thành tích trên, Chủ tịch nước quyết định tặng Huân chương Độc lập hạng ba cho VTV Đà Nẵng; tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho Phòng Thời sự, Huân chương Lao động hạng ba cho Phòng Kỹ thuật sản xuất chương trình thuộc VTV Đà Nẵng. Ngoài ra, 1 tập thể và 2 cá nhân đang công tác tại VTV Đà Nẵng cũng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: Hiệu ứng từ những chương trình truyền hình đã giúp VTV Đà Nẵng tạo dựng thế đứng vững vàng, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của nhân dân và thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội. Đồng chí đề nghị, VTV Đà Nẵng cần tiếp tục đầu tư thực hiện các chương trình và tác phẩm có chiều sâu, bám sát thực tiễn cuộc sống, nâng cao chất lượng tin, bài, tăng thời lượng phát trên đài truyền hình quốc gia, góp phần phản ánh sự phát triển sôi động và đa dạng của khu vực miền Trung-Tây Nguyên, trong đó có Đà Nẵng. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng mong rằng, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ hỗ trợ VTV Đà Nẵng trong việc đầu tư phương tiện tác nghiệp, nhân lực để VTV Đà Nẵng trở thành một trong những đài truyền hình khu vực hàng đầu của cả nước.

M.HẠNH