Ngày 4-4-2011, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xử sơ thẩm vụ án “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đối với bị cáo Cù Huy Hà Vũ, sinh năm 1957, trú tại 24 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình. Ngay sau đó, một số trang mạng, đài, báo và một số tổ chức ở nước ngoài đã bình luận rằng, đó là “phiên tòa vi phạm pháp luật”; “thiếu dân chủ”… Họ đòi “thả ngay Cù Huy Hà Vũ và các “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam (!)
Cần khẳng định, đây là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việt Nam là một Nhà nước pháp quyền. Cù Huy Hà Vũ có những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, phải đưa ra xét xử theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định đó hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Tại Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Các quyền tự do, dân chủ của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, được quy định rõ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác, được tôn trọng bảo vệ và thực thi trên thực tế.
Đối với Cù Huy Hà Vũ, kết quả quá trình điều tra cơ quan pháp luật Việt Nam đã xác định rõ những hành vi phạm tội của ông ta. Ngày 21-10-2010, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có báo cáo và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ việc phát hiện trên trang mạng internet có một số bài trả lời phỏng vấn của người tự xưng danh là Cù Huy Hà Vũ với nhiều nội dung chống phá Nhà nước và nhân dân Việt Nam… Qua điều tra, các lực lượng chức năng phát hiện 40 đầu tài liệu, trong đó có một số bài báo do Vũ viết, trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đòi đa nguyên, đa đảng; xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam… Ngày 5-11-2010, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tổ chức khám xét chỗ ở của Cù Huy Hà Vũ tại 24 đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, tiếp tục thu giữ nhiều tài liệu mang nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Do đó, ngày 5-11-2010 cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra lệnh tạm giữ Cù Huy Hà Vũ và ngày 9-11-2010 đã ra quyết định khởi tố vụ án. Ngày 11-11-2010, Viện KSND tối cao ra quyết định chuyển vụ án đến Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội để ra quyết định khởi tố bị can đối với Cù Huy Hà Vũ về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam để điều tra làm rõ.
Quá trình làm việc tại cơ quan điều tra, Cù Huy Hà Vũ đã khai nhận: Các tài liệu bị thu giữ cùng một số bài viết, bài trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài châu Á tự do (RFA) với nội dung kêu gọi đa nguyên, đa đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp… là của Vũ.
Các bài Vũ viết được lưu giữ ở nhà và đưa lên mạng internet, trang bauxitvietnam cụ thể như sau: “Phải đa đảng mới chống được lạm quyền” (Vũ trả lời phỏng vấn đài châu Á tự do (RFA) ngày 1-2-2010); “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30-4 dưới mắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ” (Vũ trả lời phỏng vấn đài VOA ngày 29-4-2010); “TS Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện Thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp” (Vũ trả lời phỏng vấn đài VOA tháng 6-2010); “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc”, (Vũ trả lời phỏng vấn Đài RFA ngày 31-8-2010 và đăng trên trang mạng bauxitvietnam); “Phóng viên Trâm Oanh phỏng vấn Cù Huy Hà Vũ tháng 10-2010 có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê-nin, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; “Tam quyền nhất lập đồng lòng hại dân”, (Vũ viết và gửi đăng trên trang mạng bauxitvietnam); “Bà Trần Khải Thanh Thủy cố ý gây thương tích và dấu hiệu bẫy người khác phạm tội”; “Đường sắt cao tốc Bắc-Nam – dự án tham nhũng”, (Vũ trả lời đài VOA năm 2010); “Bàn về Đảng cầm quyền” (Vũ đang viết dở, nội dung phỉ báng xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam); “Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình”, (bài viết có nội dung xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam, phỉ báng chính quyền nhân dân)… Cơ quan An ninh điều tra đã trưng cầu giám định âm thanh giọng nói trong đĩa CD của phóng viên Trâm Oanh, đài truyền thanh ở Đức. Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an kết luận: Đó là giọng nói của Cù Huy Hà Vũ…
Tội phạm đã rõ như vậy nhưng trước tòa Vũ lại không thừa nhận sai phạm của mình. Tuy nhiên, sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ, lời khai… thu thập được trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã xác định có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo Cù Huy Hà Vũ cấu thành tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, Khoản 1, điểm C – Bộ luật Hình sự.
Việc các thế lực thù địch cho rằng “phiên tòa vi phạm pháp luật” “thiếu dân chủ” vì bị cáo không có sự bảo vệ của các luật sư, một số tài liệu của vụ án không được công bố tại tòa…, thì các chứng cớ lưu lại đều cho thấy đây là sự cáo buộc vô căn cứ, xuyên tạc sự thật. Các luật sư được Vũ mời tham gia bào chữa gồm: Trần Đình Triển, Vương Thị Thanh, Hà Huy Sơn, Trần Vũ Hải, đã đọc và nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án nhưng khi ra tòa lại yêu cầu hội đồng xét xử công bố các “tài liệu của vụ án và nhận xét báo cáo của cơ quan tổ chức”… Cần nói ngay rằng, theo Điều 214 Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS), việc làm trên của các luật sư là không tuân thủ pháp luật vì những tài liệu chứng cứ của vụ án này đã được Viện KSND Hà Nội công bố trước tòa.
Sau đó, Cù Huy Hà Vũ tiếp tục đưa ra các yêu cầu hết sức vô lý như: Đòi hủy phiên tòa vì Vũ chưa nhận cáo trạng; phiên tòa không có mặt “người bị hại”, chưa trả lời đơn đề nghị trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ; Tòa không để chú ruột Vũ là ông Cù Huy Chử làm người đại diện pháp luật cho bị cáo… Thậm chí, Vũ còn đòi thay toàn bộ Hội đồng xét xử vì đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; thay kiểm sát viên… Những lời đề nghị không có căn cứ pháp luật nêu trên đều bị HĐXX phiên tòa bác bỏ.
Không đạt được ý định hoãn phiên tòa, Vũ và các luật sư quay sang đòi Hội đồng xét xử công bố toàn văn 10 bài viết đăng tải trên VOA, RFA được cho là tuyên truyền chống đối Nhà nước… Chủ tọa phiên tòa đã bác bỏ đòi hỏi này vì các bằng chứng ấy đều đã được Kiểm sát viên công bố rõ trong cáo trạng, bản thân Vũ đã thừa nhận 10 tài liệu đó là của mình và các tài liệu trên đều có chữ ký xác nhận của Vũ. Trong những lần hỏi cung, Vũ thừa nhận và ký vào biên bản hỏi cung với cơ quan điều tra. Theo quy định của pháp luật, HĐXX chỉ công bố những tài liệu mới phát sinh (nếu có) trong vụ án để những người tiến hành tố tụng, luật sư, bị cáo và những người liên quan phân tích đánh giá. Ở vụ án này điều đó đã không xảy ra.
Không được tòa chấp nhận, nhiều lần các luật sư dọa bỏ về. Luật sư Trần Vũ Hải không chấp hành nội quy phiên tòa và đã bị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở nhiều lần. Trước thực tế trên, căn cứ theo các Điều 197 và 198 Bộ luật TTHS, chủ tọa phiên tòa đã buộc vị luật sư này rời khỏi phòng xử án. Sau đó, các luật sư còn lại đã tự ý rời bỏ phiên tòa khi mới kết thúc phần xét hỏi. Với việc làm trên, các luật sư đã tự mình tước quyền bào chữa cho bị cáo được pháp luật quy định tại Điều 217 và 218 Bộ luật TTHS về tranh luận tại phiên tòa; vi phạm Điều 58 của Bộ luật TTHS về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa…
Tại phiên tòa cũng như sau phiên tòa, Vũ đã đưa ra nhiều lập luận, tự cho rằng: “Việc làm trên chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng”… Bản cáo trạng cũng như bản án kết tội của HĐXX đã khẳng định rõ, các bài viết và trả lời phỏng vấn của Cù Huy Hà Vũ là xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền và thể chế Nhà nước, bôi nhọ cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam… Dư luận quần chúng nhân dân đều cho rằng, mức án 7 năm tù, 3 năm quản chế sau mãn hạn tù đối với Cù Huy Hà Vũ là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật./.
Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Tuấn
(Theo website Nguyễn Bá Thanh)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét