Sáng 6-9, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã có buổi gặp mặt, đối thoại với gần 2.000 hộ dân vùng giải tỏa trên địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến và lãnh đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp có liên quan.
Phải đặt người dân là trung tâm
“Trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có khoảng 70 dự án, riêng địa bàn xã Hòa Liên có tổng diện tích thu hồi khoảng 1.400ha với 2.500 trong tổng số 3 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Trong khi có một số dự án đã được hoàn thành, thì vẫn còn những dự án chưa tìm được tiếng nói chung giữa nhà đầu tư và nhân dân”, ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết lý do của buổi gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố và các hộ dân.
Tiếng nói của người dân, theo ông Trần Trung Long, ở thôn Quan Nam 3, là trong việc áp giá đền bù, địa bàn xã Hòa Liên được xem là miền núi nên giá đền bù thấp; chưa kể việc người đi trước thì nhận đền bù thấp, người sau thì được đền bù cao hơn. Một số khu vực dân chưa chịu giao đất, nhưng nhà đầu tư đổ đất “cao thấy ngợp”, dẫn đến việc ngập lụt là không thể tránh khỏi khi mùa mưa đến. Các nhà đầu tư chở đất đá san lấp công trình gây bụi bặm, tiếng ồn, nhân dân nói nhưng không được giải quyết nên mới xảy ra chặn xe. “Người ta đi chặn xe không được ai trả tiền, mất công ăn việc làm nhưng do ô nhiễm quá, chịu không nổi nên mới chặn xe!”, ông Trần Trung Long cho biết nguyên nhân việc chặn xe của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự mà đỉnh điểm là sự việc đáng tiếc trong quan hệ giữa Công ty CP Tập đoàn Trung Nam (gọi tắt là Công ty Trung Nam) với nhân dân xã Hòa Liên vừa qua.
Tiếp nối những vấn đề đó, ông Ngô Văn Tước ở thôn Quan Nam 5 cho rằng, cần khẩn trương nạo vét dòng chảy thông thoáng để giải quyết ngập úng; sửa chữa những tuyến đường bị sạt lở do xe chở vật liệu gây nên. Ông nhấn mạnh, cần phải khẩn trương thi công các khu tái định cư, có đầy đủ đường, điện, nước để người dân có đất thực tế làm nhà trước khi bàn giao mặt bằng do vùng nông thôn không có nhà thuê…
Cùng với những bức xúc đó, các ý kiến của nhân dân xã Hòa Liên còn nêu lên những vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn, chất thải tại các nhà máy thép nói riêng và của khu công nghiệp nói chung, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; việc người dân phân vân trước những khu quy hoạch nhưng chưa triển khai dự án; các khu đất nông nghiệp còn lại chưa triển khai không thể sản xuất; việc cắt đất cho người thân trong gia đình làm nhà trong vùng quy hoạch; thái độ tiếp dân và giải quyết vấn đề của cán bộ… Để giải quyết vấn đề này, ông Ngô Quang Trường cho rằng, nhân dân luôn ủng hộ các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và thành phố để góp phần phát triển đất nước và địa phương; tuy nhiên có những chủ trương khi triển khai thì làm không đến nơi đến chốn. Vì vậy, phải đặt nhân dân là trung tâm của các vấn đề để tập trung giải quyết.
Các ngành chức năng nói gì?
Trước những bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, cơ quan chức năng trong quá trình đánh giá tác động của dự án trên địa bàn đã lưu ý các doanh nghiệp và đề nghị có những giải pháp cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm, tuy nhiên do khối lượng công trình lớn nên đã gây ra ô nhiễm. Về chất thải khu công nghiệp, do đường ống bị hư hỏng nhưng đã được xử lý. Do các nhà máy thép Dana-Ý và Thái Bình Dương đóng gần khu dân cư nên mặc dù đã có những giải pháp khắc phục nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn; nên sắp tới sẽ tiến hành di dời khu dân cư ra khỏi khu vực này.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng có ý kiến thực hiện 2 phương án để thoát nước tạm trong khu vực dự án, đồng thời với việc sẽ khảo sát, xây dựng kênh thoát nước để đưa ra sông Cu Đê, tránh tình trạng ngập lụt cho khu vực này. Còn ông Phạm Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cho biết, hiện đã có khoảng 3.500 hộ dân trên địa bàn sử dụng nước sạch; ở những vùng tái định cư, đơn vị luôn sẵn sàng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cấp nước sạch của người dân…
Trong khi đó, vấn đề quan tâm lớn nhất là đền bù, hỗ trợ cho người dân đã được ông Nguyễn Nhu, Phó Ban Giải tỏa đền bù các công trình xây dựng số 3 giải trình chi tiết với nhân dân trong khu vực dự án, cụ thể là đối với Khu đô thị Quan Nam-Thủy Tú, khu dân cư Nam đường Nguyễn Tất Thành và đường Nguyễn Tất Thành nối dài. Theo đó, toàn xã Hòa Liên có 1.924 hồ sơ đất nông nghiệp, 512 hồ sơ nhà ở với tổng diện tích 190,5ha trong diện giải tỏa, đền bù. Việc đền bù đất nông nghiệp có sự điều chỉnh giá là do thực hiện theo quyết định ở từng thời điểm khác nhau, với các mức giá 21,5 triệu, 29 triệu, 35 triệu và 42,5 triệu đồng cho mỗi sào. Toàn bộ hồ sơ nhà ở đã kiểm định xong; số hộ dân bố trí vào khu tái định cư Hòa Liên 2 đã ổn định. Về hỗ trợ xây dựng móng nhà và gia đình khó khăn, đến nay đã có 193 hộ có quyết định hỗ trợ.
Theo đó, các hộ có sổ đỏ và nhà ở thực sự được hỗ trợ 10 triệu đồng làm móng nhà được trừ vào tiền đất tái định cư. Hỗ trợ công bồi trúc: Diện tích nhà nhỏ hơn 50m2 được 5 triệu đồng; từ 50 đến 100m2 được 10 triệu đồng và từ 100m2 trở lên được 15 triệu đồng. Hỗ trợ khó khăn đối với những nhà có tổng giá trị đền bù từ 200-300 triệu đồng được hỗ trợ 5 triệu đồng; từ 100-200 triệu đồng là 10 triệu đồng và nhỏ hơn 100 triệu đồng là 20 triệu đồng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục trình lãnh đạo thành phố xem xét, phê duyệt các trường hợp còn lại”, ông Nguyễn Nhu khẳng định.
“Phải làm sao cho cuộc sống người dân tốt hơn”
“Trong quá trình xây dựng và triển khai các chủ trương, chính sách mới, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, trăn trở phải làm sao cho cuộc sống người dân tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình làm, có thể do năng lực còn hạn chế nên vẫn còn những bất cập”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khẳng định trong phần trả lời những vấn đề bức xúc của người dân xã Hòa Liên.
Trong những trăn trở đó, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng, sau 36 năm giải phóng, với truyền thống anh hùng, nhưng nhân dân vùng núi huyện Hòa Vang còn nghèo, còn cực, vẫn còn luẩn quẩn với lúa khoai… nên những vùng nào không có tiềm năng phát triển nông nghiệp sẽ chuyển sang công nghiệp, sang xây dựng khu đô thị… vì thế mới có chủ trương mở rộng đô thị lên phía Hòa Vang. “Trong quá trình thực hiện đô thị hóa, có nhiều vấn đề đặt ra như người dân mất ruộng sẽ làm gì, trước được ở rộng nhưng sau thì ở chật hơn, trong quá trình xây dựng sẽ ô nhiễm tiếng ồn, bụi bặm… nhưng cũng phải thấy là ở chật hơn nhưng có đường rộng, đời sống văn minh hơn”, đồng chí Bí thư Thành ủy chia sẻ với người dân.
Để giải quyết bức xúc của người dân, đồng chí Bí thư Thành ủy đã có những chỉ đạo cụ thể đối với việc triển khai các dự án trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị chức năng rà soát những tuyến đường vận chuyển vật liệu xây dựng để ưu tiên đền bù, bố trí tái định cư cho các hộ dân ven đường; đơn vị vận chuyển phải bảo đảm đủ 20 xe tưới nước, giảm thiểu bụi trong quá trình vận chuyển đất đá đồng thời với việc nạo vét sông rạch, thoát nước tránh ngập úng cho vùng dân cư, tu sửa đường đi cho nhân dân. Các Ban giải tỏa đền bù liên quan đến dự án cũng như đơn vị đo đạc bản đồ, đơn vị cung cấp nước sạch phải thường trực ở trụ sở xã Hòa Liên nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc, bức xúc của nhân dân. Đất chưa thực hiện đền bù, bàn giao thì không được san lấp, nếu làm thì sẽ bị phạt nghiêm khắc. Công ty Trung Nam phải giáo dục ý thức cho đội ngũ lái xe, đồng thời cơ quan chức năng phải xử phạt “hết khung” đối với những lái xe vi phạm pháp luật, gây tai nạn giao thông. Các doanh nghiệp gây ô nhiễm phải có giải pháp mạnh mẽ, không để tình trạng ô nhiễm tái diễn và không để dân nói nhiều.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo, toàn bộ đất nông nghiệp trên địa bàn xã Hòa Liên không sản xuất được do ảnh hưởng các dự án thì dù chưa triển khai dự án cũng phải tiến hành kiểm định, đền bù và trả tiền cho nhân dân. Các đơn vị chức năng phải rà soát từng trường hợp trong vùng dự án, để ai cũng có mái nhà để ở, có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các hoàn cảnh khó khăn.
Về vụ việc đáng tiếc xảy ra vừa qua giữa Công ty Trung Nam và nhân dân xã Hòa Liên, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho biết “hơi bất ngờ”. Đồng chí cho rằng, người của Công ty Trung Nam có hành động đánh dân là vi phạm pháp luật; cần phải biết khôn khéo, tranh thủ sự đồng thuận của nhân dân trong vùng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng, việc chặn xe không đúng chức năng là hành động vi phạm pháp luật nên yêu cầu nhân dân Hòa Liên không được chặn xe, nếu có tình trạng ô nhiễm, bụi bặm thì báo với chính quyền xử lý. Công an thành phố phải bố trí lực lượng thường trực để giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự tại khu vực này.
“Tôi mong và tin nhân dân xã Hòa Liên ý thức đúng về dự án này. Vụ việc vừa qua chỉ là sự cố. Để khi triển khai xong dự án, lúc quay lại thấy người dân Hòa Liên vui vẻ thì lãnh đạo thành phố mới thấy hạnh phúc!”, đồng chí Bí thư Thành ủy chân tình chia sẻ.
Nguyễn Thành (Theo Báo Đà Nẵng)
(Theo website Nguyễn Bá Thanh)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét