Hàng trăm bệnh nhân suy thận mãn các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam đang được “tiếp sức” bởi chương trình riêng có của Đà Nẵng - miễn phí toàn bộ phần đồng chi trả với BHYT (5-20%) cho bệnh nhân, từ nguồn ngân sách thành phố.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Đà Nẵng. Ảnh: NH.
Chương trình được triển khai từ đầu tháng 6-2011 tại Khoa Thận nhân tạo, BV Đa khoa Đà Nẵng cho tất cả các bệnh nhân Đà Nẵng, Quảng Nam.
Dọc hai dãy hành lang Khoa Thận nhân tạo, các máy chạy thận liên tục hoạt động để bố trí cho các bệnh nhân thay ca. Khác với tâm lý áp lực như những lần điều trị trước, giờ thì nhiều bệnh nhân chạy thận tỏ rõ niềm vui.
Ông Nguyễn Tài (52 tuổi, phường Hải Châu 2, Hải Châu, Đà Nẵng) gần 5 năm nay phải gắn liền với nơi đây. Tháng 5-2007, ông Tài đổ bệnh, 2 tháng đầu nhập viện do chưa kịp đóng BHYT nên chi phí chạy thận gần 40 triệu đồng. Từ ngày lâm bệnh, gia đình ông Tài từ hộ khá xuống hộ nghèo, túng quẫn. “Nếu không có chủ trương của thành phố, chắc tôi khó lòng dám điều trị đến cuối đời” - ông Tài nói.
Bà Lê Thị Ái (53 tuổi, phường Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), bệnh nhân có hơn 10 năm chạy thận, tâm sự: “May mà Đà Nẵng có chủ trương hỗ trợ bệnh nhân kịp thời, nhân đạo” - bà Ái vui mừng.
Khoa Thận nhân tạo (BV Đa khoa Đà Nẵng) hiện có 180 bệnh nhân suy thận đang điều trị, hầu hết gia cảnh đều đã khánh kiệt.
BS Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc BV Đa khoa Đà Nẵng cho hay: Trong lần thăm hỏi Khoa Thận nhân tạo, Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh cùng lãnh đạo Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương chi ngân sách thành phố hỗ trợ bệnh nhân chạy thận để chia sẻ gánh nặng với gia đình các bệnh nhân. Đây là chính sách riêng có của Đà Nẵng cùng nhiều biện pháp hỗ trợ đối với các bệnh nhân suy thận đặc biệt.
Mới đây, Đà Nẵng vừa đầu tư gần 8 tỷ đồng mua 16 máy chạy thận nhân tạo, nâng tổng số máy hoạt động tại BV Đa khoa Đà Nẵng lên 44 máy, góp phần giảm áp lực quá tải và nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Trong đó có 2 máy HDF siêu lọc cho bệnh nhân chạy thận.
Theo BS. Nguyễn Hữu Đa, Trưởng khoa Thận nhân tạo: Dù bệnh nhân phải đồng chi trả BHYT ở mức 5-20% phí điều trị (tùy đối tượng) nhưng do đặc thù bệnh nhân suy thận cần chăm sóc, điều trị liên tục đến cuối đời nên nếu không có các chính sách, chủ trương phù hợp từ phía nhà nước, địa phương và các tổ chức, cá nhân thì khó có thể giúp họ an tâm và đủ điều kiện trị bệnh.
Trung bình mỗi tháng, số tiền thành phố chi cho phần đồng chi trả BHYT cho các bệnh nhân suy thận mãn lên đến 60 triệu đồng.
Nguyễn Huy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét