Hiển thị các bài đăng có nhãn chinh phu viet nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chinh phu viet nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén


Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

hop quoc hoi

Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hôm nay (30/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, một số giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2011.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, bước vào năm 2011, trên cơ sở các đánh giá, dự báo và nhận thức rõ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra với nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2011.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Tuy nhiên, tình hình KT-XH trong nước và quốc tế những tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện nhiều yếu tố đáng lo ngại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát có xu hướng tăng cao.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP và báo cáo Bộ Chính trị ra Kết luận 02/KL-TW và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 59/NQ-QH12, với các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Mức bội chi thấp nhất mấy năm gần đây

Tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện những “điểm sáng” như giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,3% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng, xuất khẩu tăng cao gấp 3 lần kế hoạch, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ…

Kết quả thu – chi ngân sách nhà  nước 6 tháng đầu năm cho thấy, hết tháng 6/2011 tổng thu ngân sách đạt 327.820 tỷ đồng, bằng 55,1% dự  toán. Chi ngân sách đạt 355.600 tỷ đồng, đạt 49% dự toán. Như vậy, bội chi ngân sách 6 tháng là 27.780 tỷ đồng, bằng 23% dự toán. Đây là mức bội chi thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây.

Đặc biệt, thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đã ổn định; thu chi ngân sách đạt khá, bội chi giảm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đang chậm lại; cắt giảm đầu tư công có hiệu quả nhưng vẫn tăng đầu tư cho “tam nông”; đã có những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tăng giá của thị trường bất động sản; an sinh xã hội được quan tâm và có những chuyển biến tích cực; quốc phòng – an ninh được tăng cường và giữ vững…

Tuy nhiên, trong báo cáo, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đó là, lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn khó khăn, tăng trưởng đạt thấp; thị trường chứng khoán sụt giảm; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn…

Phấn đấu một số chỉ tiêu cơ bản

Về những giải pháp cho 6 tháng cuối năm, Chính phủ cho rằng, cần tập trung quyết liệt vào điều hành một số chính sách lớn như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó, cần thực hiện nhất quán chủ  trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng cũng như chính sách tài khóa thắt chặt phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm để nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với chính sách thương mại, giá cả, thị trường, tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, ổn định thị trường, bảo đảm ổn định cung – cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Thực hiện kiên trì và nhất quán điều hành giá xăng dầu, điện, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Với việc ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ cho rằng, cần tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản năm 2011 là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15-17%; tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%; tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.

Cần những giải pháp chiến lược dài hạn, vững chắc hơn

Thảo luận về  các báo cáo trên, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng, sự điều hành của Chính phủ đã tạo niềm tin của nhân dân, nhất là đối với các chính sách an sinh xã hội, tạo ổn định về mặt chính trị - xã  hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhìn nhận, những kết quả về KT-XH trên chỉ mới là kết quả bước đầu. Nền kinh tế còn đối diện nhiều thách thức, khó khăn, do đó, cần có những giải pháp kiên quyết hơn nữa.

Báo cáo thẩm tra của  Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, song song với những giải pháp mang tính tình thế, ngắn hạn, Chính phủ  cần chú trọng đến các giải pháp chiến lược mang tính dài hạn như công tác quy hoạch, kế hoạch, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, hạn chế nhập siêu, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, minh bạch hóa hệ thống tài chính, tránh đầu cơ, tiết kiệm năng lượng… Đặc biệt, cần tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh quản lý về giá cả, thị trường.

Điều khiển phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, bên cạnh những “điểm sáng” về thu ngân sách, tăng xuất khẩu, tăng trưởng sản xuất công nghiệp…, nền kinh tế nước ta cũng nổi lên những vấn đề lớn cần sớm được khắc phục. Đó là lạm phát tăng cao, lãi suất huy động và cho vay đều tăng, nhập siêu vẫn cao…

Vì thế, với 6 tháng cuối năm cần tính toán các tình huống khác nhau của nền kinh tế để có giải pháp vững chắc hơn. Bên cạnh đó, tăng tính đối thoại, trách nhiệm giải trình của các cơ quan hữu quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)