KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng thành lập theo Quyết định số 5210/QĐ-UBND ngày 4-9-2001 của UBND thành phố với diện tích 77,3ha. Đến nay đã có 24 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang hoạt động, chiếm 50% diện tích đất của KCN này.
Hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN hiện nay có công suất 3.000m3/ngày đêm. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ KCN gây ra cho khu vực dân cư xung quanh đã ở mức báo động. Vừa qua, lãnh đạo thành phố trực tiếp chỉ đạo các ban, ngành chức năng vào cuộc xử lý với yêu cầu không để một mét khối nước thải chưa được xử lý đổ ra môi trường. Thực hiện chỉ đạo, trong những ngày này, Sở Tài nguyên – Môi trường đang tích cực phối hợp với các nhà chuyên môn làm việc với Công ty Quốc Việt để triển khai việc mở rộng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng. Tuy nhiên, thủ phạm chính của việc gây ô nhiễm là từ các DN tại KCN này và qua đó cho thấy công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, kiểm tra thực hiện xử lý môi trường sau cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa tốt, dẫn đến không kiểm soát được tình hình, để đến khi ô nhiễm quá nặng mới chạy theo xử lý.
Theo ông Trần Đắc Việt, Trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường quận Sơn Trà, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường khu vực dân cư xung quanh KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng là do một số DN chế biến thủy sản xả nước thải trực tiếp ra môi trường không qua hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, mặc dù bản thân các DN đó có hệ thống xử lý nước thải riêng đạt quy chuẩn. Việc “xả trộm” nước thải ra môi trường mang lại nguồn lợi cho DN hàng trăm triệu đồng, còn hậu quả thì người dân xung quanh KCN phải gánh chịu. Bên cạnh đó, có nhiều thời điểm hệ thống xử lý nước thải tập trung phải tiếp nhận lượng nước thải quá tải lên đến 4.700m3/ngày đêm, dẫn đến nước thải sau xử lý không đạt chất lượng, gây hôi thối.
Ông Phạm Việt Hùng, Trưởng ban Quản lý các KCN và KCX Đà Nẵng thừa nhận: “Ban Quản lý mà không quản lý vì không đủ nhân lực, vật lực và cũng không có thẩm quyền thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra”. Đồng quan điểm này, ông Trần Đắc Việt cho rằng: “Chúng tôi chỉ có quyền phối hợp kiểm tra các chỉ tiêu gián tiếp về hệ thống, tiêu chuẩn vận hành và trước khi kiểm tra phải có thông báo cho DN bằng văn bản nên DN dễ sẵn sàng đối phó với đoàn kiểm tra. Còn thanh tra ngành và thanh tra các cấp mới có quyền kiểm tra trực tiếp vi phạm, không cần báo trước”.
Tuy nhiên theo Quyết định số 3983/QĐ-UBND ngày 27-5-2010 của UBND thành phố về việc Ban hành Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với các KCN trên địa bàn thành phố thì Ban Quản lý các KCN và KCX Đà Nẵng là cơ quan đầu mối phối hợp quản lý Nhà nước tất cả các hoạt động diễn ra trong các KCN. Nhưng thực tế cơ quan quản lý Nhà nước mà không có thẩm quyền thanh tra, không đủ nhân lực, vật lực để kiểm tra thì sẽ không thể phát hiện sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Sự thiếu chặt chẽ và không rõ ràng trong việc phân công nhiệm vụ của Ban Quản lý và các ngành chức năng liên quan trong Quy chế phối hợp đã tạo ra lỗ hổng trong công tác quản lý Nhà nước đối với các DN trong KCN mà KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng là một ví dụ.
Để xử lý ô nhiễm môi trường KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, bên cạnh việc mở rộng hệ thống xử lý nước thải tập trung, cần bắt buộc các DN xử lý nước thải trước khi đưa ra hệ thống xử lý tập trung, đồng thời cần có sự phân công cụ thể, rõ ràng trong công tác quản lý Nhà nước đối với các ngành liên quan nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của DN, trong đó có xử lý môi trường. Đây cũng là việc nên tính đến cho công tác quản lý các KCN khác trên địa bàn thành phố.
Thu Phương(Theo DaNang)
(Theo website Nguyễn Bá Thanh)