Mạng di động Metfone, thương hiệu của Viettel ở Campuchia
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) lại vừa trúng thầu và được cấp phép khai thác thị trường viễn thông di động tại quốc gia Mozambique ở miền Đông Nam châu Phi.
Như vậy, chỉ chưa đầy hai năm, Viettel đã liên tiếp khai trương, đàm phán, mở rộng hợp tác đầu tư ra nhiều nước trên thế giới với số vốn cam kết hàng trăm triệu USD.
Theo Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global), dự kiến trong năm 2010, Viettel sẽ nâng tổng số thị trường đầu tư lên 6 nước, đồng thời tiếp tục tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm thị trường đầu tư tại các nước khác thuộc châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Dồn dập đi tìm thị trường mới
Tháng 2/2009, Viettel chính thức khai trương mạng di động đầu tiên của hãng tại nước ngoài – mạng Metfone ở đất nước chùa Tháp Campuchia, sau một năm rưỡi xây dựng hạ tầng mạng rộng khắp toàn quốc. 8 tháng sau, Viettel tiếp tục khai trương mạng Unitel tại Lào.
Mặc dù là năm cả kinh tế thế giới lẫn trong nước gặp rất nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, nhưng ngay trong lúc khai trương hai mạng di động tại Campuchia và Lào, Viettel vẫn “âm thầm” đi tìm mở rộng ra các thị trường mới.
Đó là vụ thương thảo mua lại 60% cổ phần của mạng di động Teletalk tại Bangladesh, với số tiền Viettel cam kết đầu tư là là 250 triệu USD, và sau đó nâng lên 300 triệu USD; thương vụ 59 triệu USD mua lại 70% cổ phần của Công ty Viễn thông Teleco tại Haiti.
Teletalk là mạng di động nhỏ nhất tại Bangladesh, có khoảng 1 triệu thuê bao trong tổng số khoảng 50 triệu thuê bao di động ở quốc gia này. Tuy nhiên, Viettel vẫn chưa tiết lộ thông tin chính thức gì về Teletalk. Còn tại thị trường Haiti, ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel sẽ rót khoảng 300 triệu USD vào thị trường này.
Theo ông Trung, hiện tại, Viettel đang tập trung hợp tác và lên thiết kế tổng thể cho hệ thống hạ tầng, đồng thời nâng cấp mạng điện thoại cố định để nhanh chóng đưa vào phục vụ ở Haiti. Còn với mạng điện thoại di động, Viettel sẽ đầu tư xây dựng trên 1.000 trạm BTS và dự kiến đến quý 1/2011, Viettel sẽ chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại thị trường này.
Gần đây nhất, đầu tháng 11, thông tin từ ông Isidore Pedro da Silva, Chủ tịch Viện Viễn thông quốc gia Mozambique cho biết, Mozambique đã đồng ý cấp phép cho Viettel khai thác thị trường di động tại quốc gia này.
Theo thông tin ban đầu, Movitel – một đơn vị của Viettel liên doanh với một nhóm nhà đầu tư Mozambique, đã vượt qua hai công ty khác, trúng gói thầu với giá đưa ra là 29 triệu USD. Và dự tính trong 5 năm tới, Movitel sẽ đầu tư hơn 400 triệu USD tại Mozambique và cam kết cung cấp dịch vụ cho khoảng 85% dân số nước này.
Tất cả những kế hoạch đầu tư ra nước ngoài trên đây của Viettel có thể xem là những bước đi rất táo bạo và dồn dập của một tập đoàn còn non trẻ trong lĩnh vực viễn thông so với nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia về viễn thông trên thế giới.
Tham vọng “1 tỷ dân”
Có một đặc điểm chung nhất ở hầu hết các nước mà Viettel đầu tư đến là: có nền kinh tế chậm phát triển, mức thu nhập bình quân vào dạng thấp của thế giới; là những quốc gia có địa hình không thuận lợi, nhiều đồi núi; nhiều thiên tai, hạn hán hoặc bất ổn về chính trị.
Trên thị trường viễn thông trong nước, hiện tốc độ cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt khi có tới 7 nhà mạng cùng tham gia khai thác. Thị trường viễn thông di động Việt Nam được nhận định là sắp cán ngưỡng bão hòa. Đấy chưa kể, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã xin giấy phép hoặc liên kết với doanh nghiệp đã có hạ tầng khác để tham gia vào thị trường này.
Tuy nhiên, ngay cả khi Viettel hiện đang là một trong ba mạng di động “thống lĩnh thị trường” và có ưu thế nhất về số lượng thị phần thuê bao, nhưng giá cước dịch vụ (chủ yếu là gọi và tin nhắn) đã sắp tiệm cận giá thành, không thể hạ thấp hơn.
Trong khi đó, doanh thu từ các nhà viễn thông di động trong nước hiện nay đa số vẫn là từ các dịch vụ truyền thống là gọi và SMS. Còn nguồn thu từ các dịch vụ giá trị gia tăng khác thì gần như vẫn chưa có gì.
Thị trường trở nên bão hòa, tốc độ tăng trưởng của thị trường viễn thông trong nước đã được Viettel nhận định sẽ giảm. Vì thế, chiến lược mà tập đoàn này tính toán là đi đầu tư, kinh doanh tại những thị trường có mật độ người sử dụng điện thoại di động thấp hơn.
Nhưng tại sao lại đầu tư ở những quốc gia có đặc điểm “hóc búa” như trên? “Đơn giản, vì những nơi dễ thì đã không còn nữa”, Phó tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nói. Theo ông Hùng, trong lĩnh vực viễn thông, các công ty đã đi đầu tư được hơn 20 chục năm nên còn lại chỉ là những nơi khó và nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, vị Phó tổng giám đốc của Viettel ví von và phân tích, đó dù là những đất nước đó có chính trị không ổn định, nội chiến, thiên tai, nhưng dịch vụ viễn thông thì vẫn là thiết yếu, nó như là cơm là gạo, vì thế đất nước nào cũng cần, cần ở mọi nơi mọi lúc. Hơn nữa, viễn thông cũng là hạ tầng cơ sở, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, xây dựng, kinh tế… Chính vì thế mà Viettel không ngần ngại khi đầu tư vào những thị trường trên.
Với kế hoạch dồn dập đầu tư ra nước ngoài đã và đang được thực hiện, tập đoàn này đặt tham vọng: “Đến năm 2015 sẽ có một thị trường quy mô khoảng 500 triệu dân, doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn gấp 3 – 5 lần thị trường trong nước và trở thành một trong 10 doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới”.
“Tới năm 2020, Viettel sẽ phấn đấu có một thị trường với 1 tỷ dân”, ông Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự.
Đến thời điểm hiện tại, cả hai mạng của Viettel tại thị trường Lào và Campuchia đều đã vươn lên vị trí số 1 về hạ tầng mạng lưới và đứng số 2 về thuê bao. Dự tính bắt đầu từ năm 2010, Viettel sẽ có lãi tại những thị trường này.
(Theo website Nguyễn Bá Thanh)