Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Hóa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Hóa. Hiển thị tất cả bài đăng

ông Trương Tấn Sang dự Lễ tôn vinh tác giả, tác phẩm xuất sắc Giải báo chí năm 2010


 

Nguyen ba thanh
Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao hai giải A cho tác giả Nguyễn Đăng Lâm – TTXVN (ngoài cùng bên trái) và nhóm tác giả Báo Lao Động. (Ảnh: Minh Đức)

Đúng ngày kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tối 21/6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã tổ chức trọng thể Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ V cho 128 tác phẩm đoạt giải ở 8 thể loại giải.

Một trong 2 tác phẩm đoạt giải A là của tác giả Nguyễn Đăng Lâm – Phóng viên TTXVN tại Quảng Ngãi với chủ đề “Lý Sơn – Bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.” Đây là tác phẩm viết về đề tài biển đảo và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bằng những tư liệu phong phú, được cung cấp từ những nhà nghiên cứu lịch sử, từ những người dân ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi – những con người bình thường nhưng giàu lòng yêu nước, coi trọng chủ quyền biển đảo quê hương; rất có ý thức về việc giữ gìn báu vật của cha ông từ bao đời để lại. Từ hàng trăm năm qua, các tộc họ trên đảo luôn gìn giữ, bảo vệ và lưu truyền từ đời này sang đời khác những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, được coi là Bảo tàng sống về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài giải A về thể loại Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép của Nguyễn Đăng Lâm, Liên chi hội nhà báo TTXVN còn có 3 giải C cho các tác giả và nhóm tác giả đoạt Giải xã luận, bình luận, chuyên luận; Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí. TTXVN cũng đoạt 1 giải B, 1 giải C và 3 giải khuyến khích ở thể loại Giải Ảnh báo chí.

Giải Báo chí Quốc gia năm 2010 có số lượng tác phẩm dự giải cao nhất từ trước đến nay, 1.321 tác phẩm tham dự 8 loại giải (tăng 30% so với năm 2009). So với 4 mùa giải trước, đây cũng là năm có số lượng đơn vị báo chí tham dự Giải nhiều nhất (125 đơn vị); số lượng tác phẩm ảnh báo chí cao nhất, có 27 cá nhân gửi tác phẩm dự thi không qua tuyển chọn của cơ sở (theo cơ chế mới) và số tác phẩm của cộng tác viên dự thi nhiều nhất (244 tác phẩm).

Theo đánh giá của Hội đồng Giải báo chí Quốc gia: mặt bằng chất lượng các tác phẩm dự Giải năm 2010 đồng đều hơn các năm trước. Tác phẩm có chất lượng cao vẫn tập trung ở khối báo chí Trung ương và các thành phố lớn. Đồng thời, xuất hiện nhiều đơn vị địa phương dự Giải với nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, có tính phát hiện, có hiệu quả xã hội như các Đài Phát thanh Hà Tĩnh, Ninh Bình, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Vính Long; Đài Truyền hình Nghệ An, Bến Tre, Lâm Đồng, Hà Nội; các tác phẩm báo in của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Ở một số loại giải, chất lượng tác phẩm vượt các năm trước.

Giải Tin, bài phản ánh, bút ký (báo in) có nội dung phong phú, nhiều bài nhiều kỳ. Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận (báo in) có nội dung sát thực tiễn, bớt lý luận hàn lâm, nhiều bài đạt chất lượng cao. Giải Phóng sự, phóng sự điều tra (báo in, truyền hình) đều tăng cả về số lượng và chất lượng… Một số loại giải chất lượng ở mức trung bình khá, chưa vượt các kỳ Giải trước. Tác phẩm báo điện tử tham dự nhiều nhưng chưa rõ về thể loại và chất lượng chuyên môn chưa cao…

Phát biểu tại Lễ tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc Giải báo chí Quốc gia năm 2010, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhấn mạnh báo chí cách mạng Việt Nam luôn kịp thời trong việc phát hiện, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động sản xuất, trong học tập…; phê phán những sai trái, những việc làm không có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu xuyên tạc của kẻ địch; tuyên truyền đối ngoại để bạn bè thế giới hiểu về đất nước và con người Việt Nam… Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới yêu cầu đội ngũ những người làm báo Việt Nam càng phải tích cực học tập nghiệp vụ, trau dồi đạo đức cách mạng, gần gũi với nhân dân để có ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu.

Trong diễn văn khai mạc, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia nêu rõ những tác phẩm đoạt giải, đặc biệt là các tác phẩm đoạt giải A thực sự là những tác phẩm chất lượng cao cả về nội dung và phương pháp thể hiện. Những tác giả, tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia năm 2010 thực sự là những tấm gương tiêu biểu cho đội ngũ những người làm báo Việt Nam đang ngày đêm đem hết sức lực, trí tuệ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước; góp phần xây dựng nước Việt Nam “dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.”

Vòng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia 2010 có 161 tác phẩm tham dự ở 8 loại giải. Đây là những tác phẩm xuất sắc, có tính phát hiện, phản ánh đúng tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng của đất nước; có định hướng dư luận xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; có chất lượng tốt về nội dung và hình thức thể hiện.

Công Hải

 


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Parente Fireworks của Ý: “Sức sống dòng sông” đoạt giải nhất DIFC 2011


Màn trình diễn của đội pháo hoa Parente Fireworks (Ý) với chủ đề “Sức sống dòng sông” đã đoạt giả nhất Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011 (DIFC 2011).

Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh trao giải cho các đội tham dự DIFC 2011

Với chủ đề “Sức sống của dòng sông”, đội pháo hoa Parente Fireworks – Ý mô tả các khía cạnh và đặc điểm khác nhau của dòng sông, bằng cách kết hợp hài hòa giữa nhạc và pháo hoa. Dòng nước lững lờ trôi giữa thiên nhiên còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ, nước với ý nghĩa là cội nguồn của sự sống, sức mạnh và sự cuồng nộ của những dòng nước lũ, tất cả những yếu tố này đã khơi gợi tạo nguồn cảm hứng cho quá trình sáng tạo màn trình diễn.

Giải nhì thuộc về đội Panda – Trung Quốc và đội Hanwha – Hàn Quốc; giải ba thuộc về hai đội Jubilee Fireworks – Anh và chủ nhà Đà Nẵng – Việt Nam.

Đà Nẵng Điện tử giới thiệu màn trình diễn của đội Parente Fireworks, giải nhất DIFC 2011:

Sức sống dòng sông

Sức sống dòng sông

Sức sống dòng sông

Sức sống dòng sông


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Lung linh sông Hàn: Ấn tượng lễ hội pháo hoa Đà Nẵng


Tối 29/4 tại Đà Nẵng, hơn 150.000 lượt du khách và hàng vạn nhân dân thành phố đã cùng say đắm trong bữa tiệc sắc màu pháo hoa trên bầu trời thành phố với chủ đề “Lung linh sông Hàn”.

Về dự Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011 (DIFC 2011) có đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Hà Thị Khiết – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội…

 

 

Dòng sông Hàn bừng sáng với 20 thuyền hoa và đặc biệt là hơn 10 ngàn hoa đăng được các tình nguyện viên thả bồng bềnh trên mặt nước.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV4, DVTV) và Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng (DVTV), đồng thời được truyền hình trực tuyến trên một số trang báo điện tử.

Khai mở dạ tiệc sắc màu, phần trình diễn dài 20 phút của đội Jubilee Fireworks Vương quốc Anh đưa người xem xuôi dòng lịch sử Hàn giang, từ thượng nguồn tịch lặng của con suối, trải qua thác ghềnh hiểm trở và xuôi dòng yên ả nơi cửa biển Đà Nẵng.
Đội Hàn Quốc

 

Đội Hanwha, Hàn Quốc lại đem đến hình ảnh một thành phố trẻ vươn mình nơi đầu biển lớn thông qua hình tượng “Sông Hàn và những thách thức“.
21 phút trình diễn của đội chủ nhà Việt Nam khắc họa một dòng sông lung linh qua những điệu hò miệt biển mạnh mẽ sức sống, từ tiết tấu samba sôi động của nhịp sống hối hả của một thành phố trẻ, đến những giai điệu solo, hòa khoan nhè nhẹ của cuộc sống thảnh thơi chiều tà dọc con đường Bạch Đằng bên bờ sông …
Hiệu ứng Thiên Nga

Gần 5 vạn chỗ ngồi trên khán đài A,B,C chật kín người từ rất sớm. Không may mắn mua được những chiếc vé ngồi khán đài, nhóm bạn trẻ Hà Nội trả bạt ngồi bên lề đường Như Nguyệt háo hức chia sẻ: “Chúng tôi đến đây từ 5h chiều để tìm được vị trí tốt. Tôi đã tham dự nhiều lễ hội, nhưng thật sự ấn tượng với những màn pháo hoa rực rỡ tại Đà Nẵng lần này: rực rỡ, hoành tráng, đẳng cấp nhưng vẫn đầy tinh tế, đắm say“.

Hiệu ứng đuôi sao chổi

Để khai thác và làm nổi bật hình ảnh độc đáo của dòng sông nối đôi bờ Đà Nẵng, các đội đã trình diễn nhiều hiệu ứng gợi lên cảm giác hùng vĩ, oai nghiêm và huy hoàng của dòng sông; vẻ đẹp của đôi bờ làng quê yên ả;  cảm giác mênh mông nơi dòng sông đổ mình ra biển lớn. Trong ảnh: Hiệu ứng thiên nga trên nước của đội Việt Nam.

Hiệu ứng pháo cây dừa của đội Hàn Quốc
Đội Việt Nam

Khi đội Anh chú trọng pháo hoa tầm trung, Hàn Quốc ưu thế với sự kết nối viên mãn hiệu ứng giữa âm nhạc và pháo hoa thì Việt Nam nghiêng về hiệu ứng pháo hoa dưới nước và độ rộng bao trùm bầu trời.

Trong ảnh: Múa Đà Nẵng tình người.

Xen kẽ giữa bầu trời sắc màu là chương trình biểu diễn của hơn 500 diễn viên với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, truyền tải thông điệp về một Đà Nẵng vươn mình hội nhập và phát triển.

Múa Chăm
Tiết mục Nắng có còn xuân

Ngày 30/4, các màn trình diễn của đội Parente – Ý và Panda – Trung Quốc hứa hẹn thêm một đêm mãn nhãn cho người xem với ánh sáng, âm thanh, sắc màu và không khí lễ hội rộn ràng. Lễ bế mạc và công bố kết quả cuộc thi cũng sẽ diễn ra trong tối 30/4.

Hồng Hạnh


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Gặp mặt các đội thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng


Tối 26-4, UBND thành phố tổ chức buổi gặp mặt và chiêu đãi chào mừng các đội thi và nhà tư vấn tham dự Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2011 (DIFC 2011) tại Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đến dự và phát biểu chúc mừng 5 đội: Ý, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc và chủ nhà Việt Nam đã có sự chuẩn bị chu đáo, đầu tư công phu và rất chuyên nghiệp để tạo ra những màn trình diễn pháo hoa ấn tượng, kỳ ảo trên bầu trời thành phố Đà Nẵng trong hai đêm 29 và 30-4 tới. Đồng chí Phù Tấn Viết gửi tặng món quà lưu niệm là biểu tượng thành phố Đà Nẵng và chúc các đội sẽ thi đấu thành công tại cuộc thi năm nay.

Đồng chí Phùng Tấn Viết tặng quà lưu niệm cho đại diện đội Anh. Ảnh: V.Dũng

Theo ông Joe Ghazzal, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty tổ chức sự kiện Global 2000 về DIFC 2011, cả 4 đội quốc tế là Ý, Trung Quốc, Anh, Hàn Quốc tham gia cuộc thi năm nay đều rất mạnh và đã có những kinh nghiệm đáng kể vì đây là những đội đã được chọn kỹ từ rất nhiều đội trên toàn thế giới đăng ký tham gia, dựa trên chất lượng, năng lực và uy tín của họ trong các cuộc thi pháo hoa khác. Ông Joe Ghazzal tin rằng, các đội sẽ mang tới DIFC 2011 những pha trình diễn thật lộng lẫy và hấp dẫn.

Hy vọng trong 2 đêm diễn ra Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2011, người xem trực tiếp và qua truyền hình sẽ được thưởng thức tài nghệ trình diễn âm thanh, ánh sáng lung linh, kỳ ảo từ những bông pháo hoa muôn màu sắc – Một món quà rất ý nghĩa chào mừng đất nước 36 năm hoàn toàn thống nhất.

Tin và ảnh: Việt Dũng


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Hướng kiến trúc mới cho thành phố Đà Nẵng


Những năm gần đây, kiến trúc đô thị Đà Nẵng đã có nhiều nét mới. Điểm chung là đã toát lên vẻ hiện đại, song thành phố vẫn chưa dừng lại với những gì hiện có, mà luôn khích lệ các nhà đầu tư, các chủ dự án khám phá thêm những kiểu thiết kế kiến trúc mới, xu hướng mới.

Kiến trúc xanh
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, chia sẻ:  Với tốc độ đô thị hóa nhanh như Đà Nẵng thì việc làm ngay là biết đón đầu những xu hướng mới trên thị trường xây dựng, công nghệ xanh, công nghệ tự động hóa thân thiện với môi trường là tất yếu. Thật vậy, đã đến lúc con người mong muốn không chỉ tạo dựng những đô thị, nhà ở đẹp, hiện đại, phục vụ tốt cho cuộc sống của mình với những trang thiết bị tự động hiện đại nhất mà còn cần sống trong môi trường trong lành, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế sự tác động tiêu cực đến khí hậu trái đất. Kiến trúc xanh sẽ là xu hướng mới để bù đắp tài nguyên cây xanh, mặt nước đô thị.
Thiết kế kiến trúc xanh ở dự án Hyatt Regency Đà Nẵng.
Và xu hướng kiến trúc xanh đang bắt đầu lan tỏa. Từ kiến trúc xanh ở các khu resort, nay đến với các dự án đô thị sinh thái. Dự án Ecorio là một ví dụ. Một trong những lợi thế của Ecorio là có mật độ xây dựng thấp, chỉ từ 25% đến 30%. Quy hoạch tổng thể của dự án cũng bảo đảm nhu cầu sinh sống và nghỉ dưỡng trong một môi trường trong lành, thoáng mát và tách biệt khỏi trung tâm thành phố nhộn nhịp. Một khách hàng đã nhận xét: “Điểm nổi bật của dự án là các dãy nhà phố đều có sân vườn cả ở trước và sau, các đường dạo ven sông được bố trí khéo léo cho tất cả các cư dân ở đây sử dụng. Điểm khác biệt mà tôi bị thuyết phục hoàn toàn khi lần đầu tiên  khu công viên tượng được nhà đầu tư tạo cảnh quan, đây có lẽ là một điểm khác biệt hấp dẫn mà tôi chưa nhìn thấy bất cứ khu đô thị nào ở Việt Nam từ trước đến nay”.
Ngay sau Ecorio là dự án Golden Hills. Đây là khu đô thị sinh thái sẽ mang đến diện mạo mới cho sự phát triển đô thị Đà Nẵng. Nhà đầu tư đã hợp tác cùng công ty thiết kế quy hoạch đô thị hàng đầu thế giới là Skidmore, Owings & Merrill LLP (SOM) đến từ Mỹ và đơn vị thiết kế cảnh quan CICADA của Singapore để tham gia vào quá trình quy hoạch, thiết kế tổng thể dự án. Sự khác biệt của Golden Hills xuất phát từ việc kết hợp ý tưởng cửa sông (estuary) và quần đảo (islands), SOM đã tận dụng tối đa nét đẹp của sông, núi và biển để tạo nên khu đô thị sinh thái Golden Hills có kết cấu phát triển bền vững, lâu dài. Thiên nhiên nơi đây sẽ là sợi dây gắn kết con người và Golden Hills. Đây là thành phố hiện đại với đầy đủ các chức năng nhà phố, villa, sân tập golf, biệt thự sinh thái, bến du thuyền, khách sạn 4 sao, resort 5 sao, khu massage spa. Các hạng mục của công trình công cộng đáp ứng nhu cầu dân sinh, bệnh viện, trường học chuẩn quốc tế, công trình vui chơi giải trí, thể dục-thể thao, khu thương mại dịch vụ, văn phòng…
Kiến trúc bền vững
Ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng, cho rằng: Đà Nẵng nên xây dựng thành phố theo hướng phát triển bền vững, là một đô thị thông minh, đô thị cách tân, đô thị toàn cầu và đô thị đáng sống. Việc xây dựng một đô thị phát triển thì không thể thiếu vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc kết nối với thế giới, không những về kinh tế, khoa học mà còn cả về văn hóa, xã hội. Đà Nẵng là một thành phố trẻ nên chọn lối kiến trúc hiện đại, năng động làm nền tảng trong xây dựng và tạo nên điểm sáng thu hút xung quanh.
Còn theo ý tưởng của ông Phạm Phú Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết kế Xây dựng Đà Nẵng, thì Đà Nẵng nên chọn phong cách kiến trúc hiện đại làm nền tảng. Không nên làm giả cổ hay pha tạp giữa các lối kiến trúc Đông Tây kim cổ. Ông Bình giải thích vì Đà Nẵng là thành phố trẻ, năng động. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 nên lối kiến trúc cổ không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ông Bùi Thiện Cảnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng cũng cho rằng, kiến trúc hiện đại là nét riêng để Đà Nẵng khác với Hội An và Huế. Kiến trúc hiện đại vừa phù hợp với thời đại, vừa phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết của miền Trung là năm nào cũng mưa bão lớn.
Cơ sở hạ tầng được coi là hệ thống xương sống của một đô thị thì hệ thống thủy văn được coi là một trong những vấn đề quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Hiện Sở Xây dựng đang triển khai đề án xây dựng mô hình thủy văn và mô phỏng sự phát triển đô thị Đà Nẵng. Mục đích của dự án là giải quyết bài toán tổ hợp về lũ lụt, ngập úng và thủy triều với mục tiêu cuối cùng là xây dựng các bản đồ ngập lụt ứng với các kịch bản tần suất khác nhau có xét đến quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu.
Xem xét đến các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu, lũ lụt trong quá trình đô thị hóa, từ đó có các giải pháp thích ứng với điều kiện khí hậu, lũ lụt trong tương lai để quy hoạch, thiết kế kiến trúc xây dựng phát triển đô thị bền vững. Ông Tô Quang Toán (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam – đơn vị đã xây dựng bản đồ ngập lụt tại Đà Nẵng trước đây) cho biết, đã có báo cáo những vấn đề liên quan đến lượng mưa, mức độ ngập lụt, tình trạng nước biển dâng tại Đà Nẵng. Tình hình thời tiết khí hậu hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp, tại Đà Nẵng, lượng mưa vào mùa khô ngày càng giảm, lượng mưa vào mùa mưa ngày càng tăng, nên hạn hán và lũ lụt ngày càng nhiều. Theo ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, qua xây dựng một mô hình thủy văn phù hợp cho Đà Nẵng trong việc quy hoạch và phát triển đô thị thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của khí hậu sẽ bảo đảm tính ổn định và bền vững lâu dài trong tương lai của đô thị Đà Nẵng.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Lung linh sông Hàn-Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011


Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011 (DIFC 2011) với chủ đề “Lung linh sông Hàn” diễn ra đúng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, là cơ hội vàng cho Đà Nẵng phát huy thế mạnh du lịch biển. Tham dự DIFC 2011 có các đội: Anh, Hàn Quốc, Italia, Trung Quốc và đội chủ nhà Việt Nam (Đà Nẵng).

Sẵn sàng cho Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011

Kịch bản của 5 đội tham gia Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011 đã được hoàn tất, hứa hẹn những màn trình diễn pháo hoa đặc sắc trên sông Hàn trong hai đêm 29 và 30-4. Phần trình diễn dài 20 phút của đội Julibee Fireworks – Anh sẽ đưa người xem xuôi dòng lịch sử sông Hàn, với các thời khắc phát triển chính, từ thượng nguồn của dòng sông ở Quảng Nam cho đến khi đổ ra biển Đông tại Đà Nẵng.

Đội pháo hoa Anh quốc cho biết, phần trình diễn của chúng tôi sẽ chứa đựng sự tinh túy của dòng sông Hàn lung linh bằng cách hình ảnh hóa sự quan trọng của dòng sông đối với cuộc sống của thành phố. Từ sự thanh bình tĩnh lặng đến gào thét dữ dội, linh hồn của dòng sông sẽ được truyền tải vào màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục với hàng loạt các loại pháo hoa khác nhau được sử dụng. Chúng tôi sẽ đưa khán giả vào một chuyến hành trình đầy hình ảnh và cảm xúc.

Với chủ đề “Xuôi dòng Hàn giang”, màn trình diễn dài 21 phút 08 giây của đội Panda Fireworks- Trung Quốc sẽ được chia thành 5 phần. Đội Hanwha- Hàn Quốc sẽ có màn trình diễn “Sông Hàn và những thách thức”, kết hợp giữa âm thanh và ánh sáng. Đội pháo hoa Parente Fireworks – Ý sẽ mang đến cuộc thi năm nay màn trình diễn với chủ đề “Sức sống của dòng sông”. Antonio Parente, người thiết kế riêng phần biểu diễn của đội Ý cho biết, màn trình diễn sẽ mô tả các khía cạnh và đặc điểm khác nhau của dòng sông, bằng cách kết hợp hài hòa giữa nhạc và pháo hoa.

Trên nền nhạc do nhạc sỹ Trần Ái Nghĩa biên soạn, phần trình diễn dài 21 phút của đội Việt Nam với chủ đề “Lung linh sông Hàn” gói gọn trong 4 phần: Lung linh biển rộng – Lung linh bóng dáng những công trình – Lung linh chân dung người Đà Nẵng và Lung linh Sông Hàn tất cả gắn liền với thiên nhiên, cảnh quan và con người Đà Nẵng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố đã đồng ý chủ trương cho phép Sở phối hợp với các đơn vị liên quan lắp đặt 18 cụm âm thanh, màn hình cỡ lớn phục vụ các khán đài và người xem hai bên bờ sông Hàn. Theo đó, 2 cụm được đặt phía trục đường Như Nguyệt, 4 cụm được đặt dọc theo đường Bạch Đằng. Các cụm còn lại được dựng ở dọc đường Trần Hưng Đạo, gồm: 6 cụm phục vụ khán đài B, 3 cụm phục vụ khán đài A, 3 cụm được bố trí dọc công viên đường Trần Hưng Đạo – đoạn từ tòa nhà Olalani đến chân cầu Sông Hàn.

Công ty CP Xây dựng Đầu tư công nghiệp Đông Dương (đon vị thi công khác đài chính ở DIFC 2011 ở bò Đông Sông Hàn) đang khẩn trương tiến hành thi công lắp ráp khu A. Hơn 40 kỹ sư và công nhân của công ty đang khẩn trương lắp ráp hoàn thiện khán đài A với sức chứa 9.458 chỗ ngồi và lắp ráp khán đài B với sức chứa 16.068 chỗ ngồi. Yếu tố an toàn tại các vị trí khán đài xem pháo hoa luôn được công ty đặt lên hàng đầu, chính vì thế khán đài được lắp đặt bằng hệ thống giàn thép và dầm chịu lực, với tải trọng được thiết kế an toàn là 250kg/1 chỗ ngồi và khả năng chịu tải tối đa 800kg/1 chỗ ngồi. Đây là hệ số an toàn rất cao, bảo đảm độ an toàn tuyệt đối cho người xem./.

PV


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Bài học từ thành phố Đà Nẵng


Trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã trở thành một trong những trung tâm đô thị lớn của Việt Nam. Trong sự phát triển đi lên tương đối toàn diện của Đà Nẵng, điều mà tôi – một công dân lâu năm của TPHCM – ngưỡng mộ nhất là ở thành phố biển miền Trung này gần như hoàn toàn sạch bóng người ăn xin lang thang, nhờ chính quyền thành phố có biện pháp giải quyết tốt.

Đường Nguyễn Tất Thành

Cách làm của Đà Nẵng thật ra cũng đơn giản thôi, nhưng sở dĩ thành công là nhờ chính quyền các cấp ở địa phương thật sự quyết tâm làm, không “đầu voi, đuôi chuột”. Lãnh đạo TP cho thành lập một đội chuyên trách gồm lực lượng công an và cán bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; đồng thời lập đường dây nóng, thông báo rộng rãi số điện thoại của đội này trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc kẽ trên các tấm pano treo trên đường phố để người dân tiện báo tin. Thành phố quy định: bất kỳ ai phát hiện được một người lang thang xin ăn và báo cho lực lượng chức năng đến xử lý sẽ được thưởng “nóng” 200.000 đồng. Những người lang thang xin ăn sau đó được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố. Cơ quan chức năng lập hồ sơ từng người, phân loại rồi báo về cho địa phương, gia đình đối tượng biết. Nếu bị bắt lần đầu, gia đình bảo lãnh và đối tượng cam kết không tái phạm sẽ được cho về. Trường hợp tái phạm nếu bị phát hiện sẽ đưa đi lao động tâp trung có thời hạn v.v…

Nhờ cách làm kiên quyết nói trên, trong 10 năm qua, Đà Nẵng đã xử lý được hơn 2.500 người lang thang xin ăn (trong đó 90% là dân địa phương khác). Trong năm 2010, toàn thành phố chỉ còn 66 đối tượng bị phát hiện và từ đầu năm 2011 đến nay vỏn vẹn chỉ có 4 người (theo báo Người Lao động, 29-3-2011).

Đường phố sạch sẽ

TP Hồ Chí Minh hiện nay là nơi tập trung số người lang thang xin ăn đông nhất nước. Trong số hàng ngàn người lang thang xin ăn mỗi ngày ở TP (từ em bé cho tới người già), số “ăn xin chuyên nghiệp” (giả bộ thương tật, ốm đau, đói rách hoặc bị chăn dắt bởi các đầu nậu…) chiếm tỷ lệ không nhỏ. Những người này lợi dụng lòng tốt của người khác thậm chí còn rủ rê, lôi kéo, ép buộc người khác tham gia với mình để tha hồ bóc lột, ăn chặn một cách hết sức tàn nhẫn. Việc làm trên vừa vô nhân đạo, bất công, đồng thời làm cho bộ mặt của TP thêm phần nhếch nhác,  gây phản cảm đối với du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu TP chúng ta.

Thành phố Đà Nẵng trong ngày lễ

Bài học từ Đà Nẵng rất hay, nên chăng chính quyền TP cần tham khảo, vận dụng để sớm giải quyết vấn nạn xin ăn lang thang, góp phần làm cho TP Hồ Chí Minh thêm xanh – sạch – đẹp.

Theo Biên Hà


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Thiết kế kiến trúc Sân vận động Đà Nẵng dáng rồng bay


Thiết kế kiến trúc đô thị Đà Nẵng đang chứng kiến sự xuất hiện của những công trình mới, đặc sắc. Hồi cuối năm 2010, công trình Cung thể thao Tiên Sơn với thiết kế kiến trúc hình tượng chiếc đĩa bay đã đưa vào sử dụng thì đầu năm 2011, công trình sân vận động mới tại phường Hòa Xuân là hình tượng rồng bay đang được khẩn trương đầu tư.

 

Phác thảo thiết kế kiến trúc Sân vận động Đà Nẵng với biểu tượng rồng bay.

Ngày 16-3-2011, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chính thức lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc sân vận động mới để đầu tư xây dựng nhằm thay thế sân vận động Chi Lăng. Phương án thiết kế này của Công ty Mooyoung (Hàn Quốc) dựa trên ý tưởng hình tượng rồng bay đã hội tụ điều kiện cần và đủ để thành phố đầu tư.

Sân vận động mới được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế với sức chứa 40.000 chỗ ngồi. Phần mái che sẽ thể hiện hình dáng một con rồng đang uốn lượn mềm mại bay cao lên bầu trời. Các chi tiết ô cửa thông khí được cách điệu theo hình vảy rồng sẽ làm nổi bật hình ảnh con rồng trong nắng. Phương án thiết kế này cũng được nghiên cứu phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, gắn với biển và những ngọn núi Ngũ Hành Sơn. Đại diện đơn vị tư vấn cho biết, từ những ấn tượng tốt đẹp về thành phố Đà Nẵng, công ty đã thiết kế sân vận động này với ý nghĩa biểu tượng cho thành phố Đà Nẵng đầy sức sống đang vươn cao vươn xa trên con đường hội nhập và phát triển. Đây cũng là một điểm nhấn về kiến trúc của thành phố tương lai.

Với diện tích mặt bằng sân vận động rộng 77.000m2, đơn vị tư vấn thiết kế cho biết lối chính dẫn vào sân vận động đi theo hướng tây, lối vào phụ hướng đông bắc. Khách VIP đi vào ô cửa phía tây nam. Khán giả đi vào sân vận động từ hướng đông sau khi qua một tiền sảnh rộng 15 mét và có lối riêng cho người khuyết tật. Liền kề với tiền sảnh sẽ là khu trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí, cửa hàng mua bán dụng cụ thể dục-thể thao. Để vào các khu khán đài, khán giả vào theo 4 lối cửa chính. Thiết kế cũng có 16 ô cửa thoát hiểm bảo đảm an toàn thoát hiểm với lượng khán giả 40.000 người trong vòng 15 phút.

Xét về quy mô đầu tư, công năng sân vận động mới có thể sánh ngang bằng và cao hơn sân vận động Mỹ Đình. Việc thi công xây dựng sân vận động mới cũng có tính đến khả năng tận dụng lại một số trang thiết bị, mái không gian của sân vận động Chi Lăng để tiết kiệm đầu tư.

Được biết, hiện công tác giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho người dân vùng giải tỏa đang được gấp rút triển khai. Trong đó, phạm vi dự án có 700 hộ dân di dời giải tỏa và trên 900 thửa đất nông nghiệp được đền bù. Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân cho biết, người dân địa phương rất vui mừng khi được tin thành phố đầu tư xây dựng sân vận động tại đây. Phường Hòa Xuân vinh dự có được công trình công cộng quy mô lớn, hiện đại, phục vụ thiết thực cho hoạt động thể dục – thể thao ở thành phố. Vui mừng hơn khi công trình sân vận động được xây dựng sẽ là nơi giải quyết việc làm cho nhiều người lao động ở địa phương. Vùng đất Hòa Xuân rồi sẽ dậy sóng tiếng reo hò trong niềm vui chiến thắng qua các hoạt động thể dục-thể thao. Ông Toàn cũng cho biết hiện nhu cầu đất tái định cư cho dự án lên đến trên 800 lô, do đó thành phố cần sớm triển khai các dự án tái định cư để người dân ổn định cuộc sống mới.

NAM PHƯƠNG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Xây dựng Đà Nẵng trở thành nơi sống tốt ở châu Á


Một “thành phố sống tốt” phải hội đủ các yếu tố về vật chất và tinh thần, có giá trị nhân văn, phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa – xã hội, trong đó người dân đặt ở vị trí trung tâm.

Một góc đô thị Đà Nẵng hôm nay (Ảnh: Thanh Tuyền)

Xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố du lịch, môi trường, công nghệ cao, có môi trường sống lý tưởng, có giá trị nhân văn, hạnh phúc cho con người” là những ý tưởng được các giáo sư, tiến sĩ, nhà quy hoạch, quản lý đô thị hàng đầu Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực ASEAN và châu Á” vừa được tổ chức tại Đà Nẵng.

Để trở thành “thành phố sống tốt” trong 20 năm tới,  theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM, cho rằng Đà Nẵng phải xây dựng thành phố theo hướng phát triển bền vững, gắn liền với quy hoạch mang đặc điểm nền kinh tế đô thị, gắn với phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phát triển KT-XH đặt trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông, với thực tiễn và tiềm năng của mình, Đà Nẵng nên đặt mục tiêu trong 20 năm tới phải thật sự là thành phố hiện đại, năng động nhất khu vực Đông Nam Á, thành một trong những đô thị tốt nhất khu vực châu Á.

Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng nên xây dựng thành một thành phố có đặc trưng riêng thông qua các hoạt động có tính mũi nhọn để thu hút đầu tư và kinh doanh phát triển, như xây dựng thành phố du lịch – hội nghị chất lượng cao; thành phố thể thao – du lịch – chữa bệnh (nghĩ dưỡng).

“Bên cạnh tổ chức cuộc thi pháo hoa quốc tế, Đà Nẵng cần mạnh dạn mở rộng hoạt động sự kiện mang tầm quốc tế khác, vừa tạo cơ hội đầu tư từ cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông vừa thúc đẩy dịch vụ đa ngành với trình độ cao. Đồng thời mở cửa bầu trời, cảng biển ra quốc tế, xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến của quốc gia và quốc tế”, Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn hiến kế.

Dưới góc nhìn của một nhà quản lý quy hoạch, TS-KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội  quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng Đà Nẵng hội đủ điều kiện để phát triển thành một thành phố du lịch, hiện đại và độc đáo. Tuy nhiên, hiện nay thành phố vẫn chưa thực sự hút du khách, nhà đầu tư bởi thực tế chưa xứng với tiềm năng của nó.

Ông Chính đưa ra một số ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng trong thời gian tới: đã là một thành phố du lịch ngang tầm khu vực và thế giới cần phải xây dựng trung tâm du thuyền tại vịnh Đà Nẵng; xây dựng hòn đảo nhân tạo với các hoạt động vui chơi, giải trí độc đáo kiêm bảo tàng hải dương học trên vịnh Đà Nẵng; xây dựng tụ điểm dịch vụ du lịch trên đỉnh Sơn Trà – vị trí đẹp nhất nhìn về Đà Nẵng về đêm; xây dựng thành phố trên cao tại bán đảo Sơn Trà…  “Ý tưởng này phù hợp với tiêu chí thành phố du lịch gắn với công nghệ cao”, ông nói.

Phát triển bền vững

“Khi nói đến phát triển đô thị, người ta đều đề cập một sự phát triển hài hòa cả kinh tế, môi trường và  văn hóa – xã hội một cách bền vững mà mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân khá giả hơn lên, sống thỏa mái hơn, hạnh phúc hơn cả về vật chất lẫn tinh thần ở mức hưởng thụ cao; cơ sở vật chất hiện đại tiên tiến ở mức thế giới; quan hệ giữa người với người tốt đẹp, mọi cá nhân có cơ hội phát triển như nhau, môi trường sống tốt… Khi các tiêu chí đã được thống nhất giữa các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học và người dân sẽ cụ thể hóa thành chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch hàng năm, 5 năm và dài hạn trong quá trình xây dựng thành phố”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Ông nhận định: Đà Nẵng là địa phương đi trước một bước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo môi trường mở cho thu hút đầu tư, tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch phát triển, Đà Nẵng cần chú trọng vào phát triển dịch vụ công, đặc biệt là không gian công cộng. Ông đề xuất: Đà Nẵng phải chú trọng phát triển công nghiệp chất lượng cao, vì chỉ công nghiệp chất lượng cao mới mang lại nguồn thu bền vững cho sự phát triển.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Trần Ngọc Ca, Văn phòng Hội đồng Chính sách khoa học công nghệ quốc gia, phát triển công nghệ và công nghệ cao ở Đà Nẵng phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh bền vững tiến tới trở thành một cực (hub) về công nghệ đặc thù. Với những thế mạnh là trung tâm kinh tế vùng, lối ra biển của Hành lang kinh tế Đông – Tây, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, viễn thông; internet,…rất tốt; môi trường sống tốt; nằm giữa các di sản văn hóa thế giới là Cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn…; Đà Nẵng có nhiều tiềm năng trở thành một trung tâm du lịch – kinh tế lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, để chọn hướng đi cho công nghệ Đà Nẵng trong tương lai, Tiến sĩ Trần Ngọc Ca cho rằng, Đà Nẵng nên chọn hướng phát triển khu công nghệ cao chứ không chỉ là khu công nghiệp công nghệ cao. Ưu điểm của khu công nghệ cao là khai thác và phát triển được các năng lực về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo. “Khi chọn mô hình này, về lâu dài Đà Nẵng sẽ có nhiều lợi thế phát triển kinh tế dựa trên giá trị gia tăng cao hơn, nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, thay vì chỉ tập trung sản xuất công nghiệp đang có xu thế gia công, ít giá trị gia tăng và rất dễ bị rơi vào “bẫy lao động trẻ, thu nhập và giá trị gia tăng thấp”, ông Ca nói.

Thanh Tuyền


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng sẽ lắp đặt thêm 10 máy tra cứu thông tin du lịch


Sẽ lắp đặt máy tra cứu thông tin du lịch tại Nhà hát Trưng Vương – một trong những địa điểm tập trung đông khách du lịch.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa đồng ý cho lắp đặt thêm 10 máy tra cứu thông tin du lịch (được đầu tư từ dự án công nghệ thông tin và truyền thông thành phố) tại một số điểm trên địa bàn thành phố.

Theo đó, 10 máy sẽ được lắp đặt tại Nhà ga mới – Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Trạm cáp treo Bà Nà, Siêu thị BigC, Góc khách sạn Bạch Đằng, Bảo tàng Chăm (thay mới), Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Công viên biển Đông, Nhà hát Trưng Vương, Khu vực Bến xe trung tâm và Khách sạn Đà Nẵng.

UBND thành phố cũng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với các đơn vị liên quan để lắp đặt 10 máy tra cứu thông tin du lịch nêu trên; đồng thời triển khai việc mua phần mềm và các hoạt động bảo dưỡng, bảo vệ thiết bị.

Sơn Trà

(28/02/2011)

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)