Hiển thị các bài đăng có nhãn thành phố. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn thành phố. Hiển thị tất cả bài đăng

Người đi nói chuyện hạnh phúc


Một nguyên tắc bà Nguyễn Thị Vân Lan luôn muốn chị em tuân thủ để có được tình yêu, là hãy biết làm đẹp. “Tiếp xúc với một phụ nữ, người ta nhìn trước, nghe sau. Ngược với gặp đàn ông, người ta nghe rồi mới nhìn”. Tưởng với “chân lý” này, bà Vân Lan là người rất “mốt”. Trên thực tế, bà chẳng đổi kiểu tóc qua hàng mấy chục năm và luôn trung thành với quần tây đen, áo sơ-mi đơn giản. Con dâu có lần nhắc khéo: “Mẹ mà cứ như vậy các tiệm làm đẹp chẳng thể sống nổi”. Còn bà lại nghĩ: Đẹp là phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Vân Lan cùng đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố thăm, chúc Tết các đơn vị thi công trên công trường Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng ngày 21-2-2010. (Ảnh tư liệu)

Bà Nguyễn Thị Vân Lan cùng đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố thăm, chúc Tết các đơn vị thi công trên công trường Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng ngày 21-2-2010. (Ảnh tư liệu)

Như lửa than bùng cháy

Người ta từng thấy bà Nguyễn Thị Vân Lan (sinh năm 1950) trong vai trò Chủ tịch Hội LHPN tỉnh QN-ĐN, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. Đến lúc nghỉ hưu, bà lại đảm nhận thêm nhiều công việc mới: Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam; Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ, trẻ em nghèo bất hạnh thành phố. Nhưng còn một “nghề” bà Vân Lan vẫn nặng lòng gắn bó,  tựa như một đam mê. Đó là tư vấn tâm lý. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hạnh phúc gia đình.

Lần đầu tiên bà Vân Lan đóng vai trò chuyên gia tư vấn tâm lý là vào năm 2008, thời điểm vừa nghỉ hưu. Lúc bấy giờ, bà tham gia tư vấn cho hai kênh Hội LHPN và Hội Bảo trợ phụ nữ, trẻ em nghèo bất hạnh; đồng thời là cộng tác viên của tổng đài 108. Tuy nhiên, ước mong được chia sẻ, giãi bày về tâm lý đã ấp ủ trong bà từ khi bắt đầu tiếp nhận công việc Chủ tịch Hội LHPN tỉnh QN-ĐN cách đây 24 năm. “Hồi ấy, vừa nhận nhiệm vụ, tôi đã thành lập Trung tâm Hướng nghiệp và giáo dục gia đình. Ý nghĩ gia đình là quan trọng nhất, làm thế nào để mọi người nhận thức tốt điều này đã nhen nhóm từ rất lâu. Nên khi nghỉ hưu, nó như ngọn lửa than được bùng cháy”, bà Lan tâm sự.

Bà thú nhận: “Chia sẻ tâm tư để niềm vui được nhân đôi, nỗi buồn vơi đi một nửa mới là đam mê máu thịt của tôi”.

Có khi người ta mời bà đi nói chuyện với tư cách một chuyên gia. Có khi người ta gõ cửa phòng trong lúc bà đang làm việc. Sắp xếp được thời gian thì bà sẵn sàng bỏ hàng giờ đồng hồ hầu chuyện, còn không, bà vẫn bằng một cách nào đó giúp họ tháo gỡ nỗi niềm. Đặc biệt, với đặc thù công việc hiện nay thường xuyên tiếp xúc với phụ nữ nghèo, bà không bao giờ quên khéo léo lồng ghép chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc qua cách kể những câu chuyện tưởng như nghe cho vui. Đến thăm chị em đơn thân khu nhà liền kề hay trao quà cho phụ nữ bất hạnh, bà thường đọc tặng mấy câu thơ: “Nếu ai bắt mất hồn tôi-Chắc rằng bị giữ ở nơi dịu dàng” (Dịu dàng-Tác giả Nguyễn Hoài Xuân); “Nín đi em! Thằng bé cứ khóc gào-Chị mếu máo đầm đìa nước mắt-Hỡi bố mẹ bên bờ chia cắt-Phút giây thôi hãy nghe tiếng con mình” (Hai chị em-Tác giả Vương Trọng); “Đôi dép kia gắn bó bước song hành-Chẳng thề nguyền mà chẳng hề giả dối-Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội-Lối đi nào cũng có mặt cả đôi” (Đôi dép-Tác giả Nguyễn Trung Kiên)…

60 tuổi, bà Lan bắt đầu học… lái ô-tô và “lướt nét” điệu nghệ. Đó là những phương tiện giúp bà tự chủ trong cuộc sống. Và nhờ đó, kiến thức tâm lý hay các buổi đi nói chuyện trở nên thuận tiện hơn. Bà Vân Lan xuất thân là cử nhân chính trị, cử nhân luật, những bằng cấp có vẻ chẳng dính dáng đến niềm đam mê, nhưng rõ ràng đã bổ trợ rất nhiều cho một người tư vấn.

Lấy bài báo được cắt cẩn thận và tô đậm những dòng quan trọng, bà Lan nói thấy cái nào hay, “đụng” đến vấn đề gia đình là lập tức lưu giữ như một tư liệu quý. Vừa rồi, nghe thông tin tại thành phố Hồ Chí Minh có mở lớp về tiền hôn nhân, bà gọi điện xin theo học, nhưng tiếc là thời gian rải ra nhiều tháng nên không thể sắp xếp được công việc. Cách đây mấy hôm, bà  bỏ tiền túi in 500 cuốn sách tập hợp những bài nói chuyện “Làm thế nào để bảo vệ hạnh phúc gia đình”… tặng không cho mọi người, để cùng chia sẻ kinh nghiệm, để có thêm nhiều báo cáo viên làm phong phú thêm kiến thức về hạnh phúc gia đình.

Đồng cảm với từng hoàn cảnh

Có nhiều hoàn cảnh tìm đến khiến bà Vân Lan càng tin tư vấn tâm lý không chỉ là sở thích riêng tư nữa, mà trở thành trách nhiệm dù chẳng ai ràng buộc hay trả lương.

Để có bài nói chuyện thuyết phục, bà phải lên “giáo án” cho từng lần xuất hiện. Những câu chuyện, dẫn chứng lúc nào cũng sát thực, liên hệ ngay chính người trong từng ngành, trong giới để người nghe có cảm giác đang nói về chính mình. Sự kỳ công này xuất phát từ chỗ bà Lan không còn nghĩ mình là “bà nghị” báo cáo những điều lớn lao, mà chuyên gia tâm lý phải là một người đồng cảm với những trái tim đang thổn thức.

Có một lần sau buổi nói chuyện, một sĩ quan chạy lên xin phô-tô nội dung để về đưa cho vợ đọc. Đêm về, bà lại nghe điện thoại réo.

Bao nhiêu tâm tư về tình bạn, tình yêu cứ thế tuôn trào. Nhiều kỷ niệm không phai mờ trong hàng ngàn trường hợp tư vấn tâm lý bà từng thực hiện. Một nữ cán bộ ngân hàng bước vào phòng làm việc của bà với gương mặt bừng bừng. Bà nhận ra điều gì đó khác lạ: “Hình như em đang bất an?”. “Em đi tìm khẩu súng”, cô gái trả lời. Hóa ra, vì bị bội tình, người phụ nữ trẻ tuổi muốn giết người yêu. Nắm tay cô gái ngồi xuống ghế, bà kiên nhẫn nghe lại sự việc và đưa ra lời khuyên. Nét mặt cô dịu lại, bà biết, mình đã làm được hơn một việc là giúp người khác nguôi giận…

Lần khác, lúc tham dự phiên tòa ly hôn với tư cách đại diện Hội thẩm nhân dân, bà gặp một tình huống khá hài mà nếu không gỡ kịp thời sẽ thành… bi. Chồng là cán bộ Nhà nước làm việc trong thành phố, vợ chăm con ở quê Thăng Bình. Họ đâm đơn ra tòa với lý do “không thể nói”. Tòa đặt ra yêu cầu nếu người chồng không cho biết rõ vì sao ly hôn thì vụ án sẽ không được tiếp tục giải quyết. Chỉ đến khi ấy, anh chồng mới xin gặp riêng Hội thẩm để tâm sự. Anh bắt đầu câu chuyện: “Vợ tôi rất tốt. Tôi đi làm cả tháng mới về, cô ấy thay tôi chăm sóc cha mẹ chồng và nuôi các con. Tôi thương cô ấy.

Nhưng thú thực, hai năm rồi vợ chồng không ngủ chung vì vợ ăn trầu không chịu đánh răng. Không gần gũi thì còn gì tình nghĩa, thưa mấy chị?”. Bà Lan hỏi lại: “Vậy đã có bao giờ anh bỏ tiền lương ra tặng vợ bộ quần áo đẹp?”. Người chồng cự cãi: “Đó là chuyện đàn bà phải tự biết”. Bà Lan lại gặp riêng người vợ, nghe qua câu chuyện của chồng, chị khóc òa: “Hóa ra tôi hy sinh cho gia đình để rồi bị chê bai, ảnh đúng là không biết điều”. Lần này, bà Lan lại giở ngón nghề tư vấn… Sau 3 tháng quay lại gia đình ấy, bà suýt không nhận ra người vợ khi trông chị trẻ hơn 5 tuổi. Và hơn hết, họ không xa nhau nữa vì chị đã hiểu… đánh răng, giữ gìn thân thể thơm tho cũng là cách giữ chồng.

Tuy vậy, không phải lần nào cái kết cũng có hậu như chuyện cổ tích. Có nhiều trường hợp can thiệp và cuối cùng là sự chia tay. “Tôi không day dứt, bởi có những trường hợp giải phóng cho nhau là cách tốt hơn khi họ không thể tìm thấy sự hòa hợp”, bà Lan trầm giọng.

Đẹp là phù hợp

Chưa bao giờ hạnh phúc gia đình dễ dàng bị lung lay như bây giờ. Chính điều này càng khiến bà Lan như “sốt” lên khi chạm đến đề tài bảo vệ hạnh phúc gia đình: Con người ta cần cả vật chất lẫn tinh thần để tồn tại. Song xét cho cùng, tinh thần mới thực sự quan trọng khi nó là động lực để ta phấn chấn, yêu đời. Một người biết yêu thương và được sống trong tình yêu chắc chắn sẽ rạng ngời và làm được nhiều điều tốt đẹp.

Một nguyên tắc bà luôn muốn chị em tuân thủ để có được tình yêu đó là hãy biết làm đẹp. “Tiếp xúc với một phụ nữ, người ta nhìn trước, nghe sau. Ngược với gặp đàn ông, người ta nghe rồi mới nhìn”. Tưởng với “chân lý” này, bà Vân Lan là người rất “mốt”. Trên thực tế, bà chẳng đổi kiểu tóc qua hàng mấy chục năm và luôn trung thành với quần tây đen, áo sơ-mi đơn giản. Con dâu có lần nhắc khéo: “Mẹ mà cứ như vậy các tiệm làm đẹp chẳng thể sống nổi”. Còn bà lại nghĩ: Đẹp là phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Lan, chuyên gia tư vấn tâm lý của Đà Nẵng hiện còn quá ít so với nhu cầu. Cho nên, dù bước vào con đường này như một ngã rẽ tình cờ, bà vẫn muốn được chuyên nghiệp hóa bằng cách mở văn phòng tư vấn. Song do bộn bề với những cương vị khác, bà đành làm công việc mình yêu thích một cách đơn lẻ, âm thầm. Ở tuổi 61, hy vọng lại đến khi chỉ cách đây ít ngày, một Việt kiều Mỹ, từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và gia đình Việt Nam đã quay về nước tìm đến bà ngỏ ý thành lập Trung tâm Nghiên cứu giới và gia đình đặt tại Đà Nẵng…

Toàn Vân(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Nghị quyết hội đồng nhân dân Thành Phố Đà Nẵng


Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Trên cơ sở xem xét các Báo cáo và Tờ trình của Ủy ban Nhân dân thành phố, Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng Nhân dân thành phố và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố,

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng Nhân dân thành phố cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện dự toán nhân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ và biện pháp điều hành dự toán ngân sách những tháng cuối năm 2011, tình hình thực hiện và kế hoạch điều chỉnh vốn xây dựng cơ bản năm 2011; thống nhất thông qua các Báo cáo số 129/BC-UBND ngày 8 tháng 9 năm 2011 và Báo cáo số 138/BC-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban Nhân dân thành phố; đồng thời, nhấn mạnh một số vấn đề sau:

1. Đánh giá chung về tình hình thu, chi ngân sách 8 tháng đầu năm 2011

Nhìn chung thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 8 tháng năm 2011 cơ bản đạt tiến độ thu so với dự toán HĐND thành phố giao.

Công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách đảm bảo cân đối đủ nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán, giải quyết kịp thời vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; tập trung kinh phí thực hiện chính sách an sinh xã hội; thực hiện nghiêm túc tiết kiệm 10% chi thường xuyên, tạm dừng mua sắm ô-tô, thiết bị tài sản có giá trị cao, cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu; hỗ trợ kinh phí tổ chức các đợt bán hàng bình ổn giá thực hiện kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

2. Nhiệm vụ và một số biện pháp quản lý điều hành dự toán ngân sách những tháng cuối năm 2011

a) Tăng cường công tác quản lý, điều hành thu ngân sách nhà nước. Tổ chức thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu; có biện pháp xử lý vướng mắc về nợ đọng thuế; triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế. Tăng cường theo dõi, kiểm tra việc kê khai để phát hiện các trường hợp kê khai không đúng, không đủ để chấn chỉnh kịp thời, chống thất thu thuế. Thực hiện tốt chính sách giảm, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định. Phấn đấu tăng thu từ thuế, phí tối thiểu 10% so với dự toán được HĐND thành phố giao để chủ động trong cân đối ngân sách.

b) Ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi ngân sách.

- Tăng cường quản lý chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Tiếp tục rà soát vốn các công trình không có khả năng sử dụng hết kế hoạch đã bố trí để bổ sung cho các công trình trọng điểm, cấp bách khác, vốn giải tỏa đền bù. Phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn và sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư XDCB đã được bố trí. Các chủ đầu tư, Ban quản lý khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư XDCB, nghiệm thu khối lượng hoàn thành và làm thủ tục thanh toán vốn theo quy định để thanh toán hoàn trả tạm ứng ngân sách. Các ngành, địa phương chủ động cân đối nguồn để thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán và các nhiệm vụ phát sinh, hạn chế bổ sung ngoài dự toán. Thực hiện hiệu quả chương trình tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài sản, vốn ngân sách Nhà nước; ưu tiên thực hiện tốt các chính sách đối với các đối tượng chính sách, xã hội, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chế độ tiền lương, các khoản phụ cấp mới; đồng thời chủ động ngân sách để thực hiện phòng, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

- Các ngành, địa phương được giao nhiệm vụ chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn Trung ương bổ sung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối lượng, kịp thời lập các thủ tục, hồ sơ giải ngân vốn theo kế hoạch.

c) Tiếp tục thực hiện tốt công tác bình ổn giá và chính sách an sinh xã hội: giải quyết kịp thời kinh phí bảo hiểm y tế cho các đối tượng, hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, liên kết, lạm dụng vị thế độc quyền để áp đặt giá, buôn lậu và gian lận thương mại.

d) Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính công, nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế và kinh phí hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và cơ chế giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ; đẩy mạnh chính sách xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo tinh thần Nghị định số 69/2008/NĐ-CP và Nghị quyết 05/NQ-CP của Chính phủ nhằm huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư phát triển cung ứng dịch vụ công đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Ủy ban Nhân dân thành phố căn cứ Nghị quyết này, tiến hành chỉ đạo, điều hành các sở; ngành và chính quyền các cấp tổ chức thực hiện đạt hiệu quả nhiệm vụ và biện pháp điều hành dự toán ngân sách những tháng cuối năm 2011 và kế hoạch điều chỉnh vốn xây dựng cơ bản của thành phố năm 2011.

Nghị quyết này đã được Hội đồng Nhân dân thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, kỳ họp thứ 2 (bất thường) thông qua ngày 3 tháng 10 năm 2011.

Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng – Thành phố thân thiện với môi trường


Thành phố Đà Nẵng vừa được trao giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”. Lễ trao thưởng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN tại Bali, Indonesia vào ngày 23-11-2011. Những thành tựu về xây dựng và bảo vệ môi trường của Đà Nẵng đang được tôn vinh và hình ảnh đô thị Đà Nẵng được quảng bá ra bạn bè quốc tế.

images726105 danang S5300073 Đà Nẵng   Thành phố thân thiện với môi trường

Thành phố Đà Nẵng được vinh danh là thành phố môi trường bền vững ASEAN 2011. (Ảnh tư liệu)

Ông Nguyễn Trung Chính, một cựu sĩ quan quân đội quê ở Đại Lộc (Quảng Nam) đã chọn phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn làm quê hương thứ hai. Tôi gặp ông hằng ngày. Ông nói: “Ở Đà Nẵng, tôi khao khát được sống, được tận hưởng thành quả của sự phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội mà lớp con cháu đang dựng xây”. Biết tôi là nhà báo, ông xem tôi như bầu bạn. Ông hốt hoảng khi hệ thống nước thải tại khu vực Sao Biển chảy ra bãi tắm. Ông vui khi nhặt nhạnh từng bẹ dừa khô ven đường trong buổi sớm mai. Ông kể, báo chí khen ông Hồ Việt, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (tỉnh QN-ĐN) sáng sáng, chiều chiều nhặt từng cọng rác nhỏ bỏ vào thùng để cho bãi biển Phước Mỹ thêm sạch là tốt quá. “Già mẫu mực thì trẻ xông pha”, ông Chính nói thêm. Hiện ông Hồ Việt cũng đề xuất ý tưởng lập “Hội những người yêu biển Đà Nẵng” để bảo vệ môi trường bãi biển.

 

Bạn trẻ Lê Thị Trang, CLB Môi trường – Đại học Bách khoa Đà Nẵng trong một chuyến tham gia bảo vệ môi trường biển khoe: “Đà Nẵng hiện nay có khoảng 10 CLB hoạt động chuyên sâu về lĩnh vực môi trường. Các CLB luôn hành động kêu gọi bảo vệ môi trường, kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu sâu hơn và tham gia tốt hơn vào việc tự giác bảo vệ, cải thiện môi trường sống của chính mình”.

 

Thông tin về thành phố Đà Nẵng được vinh danh “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN-2011” được người dân đón nhận với niềm tự hào. Nhớ lại, năm 2008, thành phố Đà Nẵng đã chạm tới danh vị này nhưng ngay thời điểm nhận giải, Công ty CP Thép Thành Lợi lúc bấy giờ nhập về Cảng Tiên Sa trên 400 tấn thép phế liệu có chứa chất thải độc hại. Sự kiện này làm cho thành phố càng quyết tâm hơn trong việc quản lý và bảo vệ môi trường.

 

Anh Nguyễn Có, công nhân tại KCN Hòa Khánh cho biết, hiện môi trường ở KCN đã được cải thiện. Nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) đối với bảo vệ môi trường được nâng lên. Ví như Công ty CP Thép Đà Nẵng sau thời gian đứng trước nguy cơ bị đóng cửa do sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đến năm 2010, công ty đã chuyển thông điệp đến người lao động rằng “Bảo vệ môi trường hay là chết” bằng khẩu hiệu ngay trước công ty, nhà xưởng. Theo đó, công ty đã đầu tư và đưa vào vận hành Hệ thống bảo vệ môi trường đặc dụng. Được biết, Công ty CP Thép Đà Nẵng có số vốn điều lệ ban đầu khi cổ phần hóa là 41 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm đã quay lại đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường hơn 30 tỷ đồng. Từ một điểm đen về ô nhiễm môi trường, cho đến thời điểm này, thông qua các số liệu quan trắc đo đạc của cơ quan chức năng, Công ty CP Thép Đà Nẵng có thể khẳng định đã giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất luyện thép gây ra.

 

Một câu chuyện khác làm người nghe hoài nghi nhưng đó là chuyện có thật. Ngày mùng 6 Tết Tân Mão 2011, đoàn công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương dẫn đầu đến thăm một DN chế biến thủy sản trên địa bàn quận Sơn Trà. Vị giám đốc đưa đoàn đi thăm xưởng sản xuất và thăm hệ thống xử lý nước thải. Không ngần ngại, vị giám đốc vốc nước trong bể sau xử lý lên rửa mặt. Trên đường về, có người nghi ngại ông giám đốc đang diễn kịch nhưng cũng có ý kiến: “Diễn để làm gì? Đầu năm mới, Tết nhứt mà vốc nước bẩn lên mặt thì… không đáng để diễn đâu”.

 

Du khách tấm tắc khen Đà Nẵng nhiều không kể xiết. Nhiều người “mắt tròn, mắt dẹt” khi nghe kể về những chủ trương của thành phố như ngoài việc bảo vệ môi trường từ định hướng vĩ mô, Đà Nẵng còn hiện thực hóa bằng nhiều giải pháp cụ thể và độc đáo. Chẳng hạn, nếu người nào phát hiện hành vi đổ rác không đúng nơi quy định sẽ được thưởng nóng 1 triệu đồng. Theo đó, tất cả các quận, phường phải lập đường dây nóng, cử lực lượng trực 24/24 giờ để nhận tin báo. Khi nhận tin, lập tức có mặt ở hiện trường lập biên bản xử lý. Đây được coi là liệu pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng đổ rác trộm, đồng thời kích thích người dân tham gia vào việc phát giác, ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường.

 

Có thời gian, tình trạng đổ xà bần, rác tràn lan trên các lô đất chưa xây dựng, lại thường vào ban đêm nên khó phát hiện. Nhưng từ khi có chính sách thưởng cho người báo tin, xử lý nặng, kiên quyết với các hành vi đổ rác trộm, tình trạng này gần như không còn. Sau khi chặn đứng việc đổ rác, thành phố tiến hành bước tiếp theo là xử lý các lô đất đã bị đổ rác, xà bần cho sạch sẽ để tránh ô nhiễm, dịch bệnh.

 

Thành phố đã triển khai cách làm rất hay được nhiều người đồng tình. Đó là bỏ tiền thuê người dọn sạch, sau đó cho thuê hoặc rào lại. Các chủ đất khi muốn bán hoặc sử dụng lô đất đó xây nhà phải trả lại tiền thành phố đã bỏ ra dọn rác. Hầu hết chủ nhân các lô đất này đều ở xa, mua để đầu cơ, ít có cơ hội chăm lo, vì thế khi được thành phố dọn dẹp, quản lý hộ thì rất đồng tình. Trong khi nhiều thành phố khác còn loay hoay chưa biết xử lý thế nào với đất bỏ hoang, thì với cách làm sáng tạo trên của thành phố Đà Nẵng vừa tránh được tình trạng lãng phí đất vàng do để không, lại vừa bảo vệ được môi trường trong lành.

 

Ở Đà Nẵng, ý thức tự giác trồng thêm cây xanh đường phố của người dân được ước tính chiếm 35-40% số lượng cây xanh trồng mới hằng năm. Nhiều gia đình tự bỏ tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng trồng cây xanh trước nhà để tạo cảnh quan, đẹp nhà, đẹp phố.

 

Tâm huyết xây dựng “Thành phố môi trường” luôn được thắp lửa bởi ý chí từ phía lãnh đạo thành phố. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã thẳng thừng từ chối tiếp nhận dự án hàng tỷ USD bởi những lo ngại ảnh hưởng về môi trường. Hay như mới đây, ngày 16-8-2011, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã “vi hành” kiểm tra tình hình thực tế và trực tiếp chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang. Sự kiện này được coi là thông điệp khẳng định rằng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang và sẽ kiên quyết trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp cho cộng đồng bằng những nỗ lực cao nhất, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống với sự phát triển bền vững về môi trường.

 

Trên nhiều diễn đàn hội nghị, hội thảo trong nước, mỗi lần nói về  vấn đề môi trường, người ta lại viện dẫn việc Đà Nẵng từ chối 2 “siêu” dự án FDI với tổng vốn 2,5 tỷ USD để minh chứng. Chưa địa phương nào ở Việt Nam “dũng cảm” như thế. Điều đó minh chứng Đà Nẵng đang quyết tâm xây dựng “Thành phố môi trường”, chú trọng phát triển bền vững chứ không chạy theo đầu tư bằng mọi cách. Ngay tại Diễn đàn Kiến trúc châu Á với sự tham gia của đại diện 16 quốc gia được tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, trong diễn văn phát biểu đại diện cho Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tự hào nói: Thành phố Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là thành phố đang đổi mới mạnh mẽ, đi tiên phong phát triển đô thị theo hướng bền vững.

 

TRIỆU TÙNGDaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê chuẩn thành viên UBND thành phố Đà Nẵng


Ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê chuẩn việc bầu thành viên UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2011-2016.

Thủ tướng phê chuẩn thành viên UBND thành phố Đà Nẵng như sau: Chủ tịch UBND thành phố là ông Trần Văn Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2004-2011.

nguyen ba thanh

Ảnh minh họa một góc thành phố Đã Nẵng

Các Phó Chủ tịch gồm: Ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu; ông Võ Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2004-2011; ông Văn Hữu Chiến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2004-2011; ông Phùng Tấn Viết, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2004-2011.

Các Ủy viên UBND thành phố Đà Nẵng gồm: ông Nguyễn Viết Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố; ông Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố; ông Huỳnh Đức Thơ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Giám đốc Sở Kế  hoạch và Đầu tư thành phố; ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố; ông Nguyễn Văn Cán, Chánh Văn phòng UBND thành phố; bà Lê Thị Hường, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Hội thảo “Hỗ trợ phát triển Đà Nẵng – Thành phố môi trường”


Ngày 24-5, tại khách sạn Furama Resort, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo định hướng dự án “Biến đổi khí hậu và môi trường đô thị”, nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ phát triển Đà Nẵng – Thành phố môi trường. Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đã đến dự và ký kết thỏa thuận hợp tác.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến và ông Erik Schweikhardt, Cố vấn trưởng Văn phòng dự án của Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức tại Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Thành Lân
Dự án Hỗ trợ phát triển Đà Nẵng – Thành phố môi trường do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua GIZ được ký kết từ tháng 6-2010 và bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 10-2010. Mục tiêu tổng thể của dự án là hỗ trợ thành phố từng bước triển khai thực hiện chương trình toàn diện về môi trường một cách bền vững và có sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành. Thời gian thực hiện dự án 3 năm.  Đây là dự án nằm trong các thỏa thuận đã đạt được giữa Chính phủ Việt Nam và CHLB Đức về hợp tác phát triển hỗ trợ kỹ thuật cho Đà Nẵng xây dựng chiến lược môi trường đến năm 2020 và phát triển hệ thống vận tải công cộng. Dự án gồm 2 cấu phần: Phát triển môi trường đô thị và Giao thông công cộng. Tuy nhiên, cho đến nay, do sự thay đổi cấu phần về giao thông nên dự án cần thiết phải được xây dựng lại với một chiến lược mới phù hợp hơn.
Tại hội thảo, UBND thành phố và Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức đã ký kết thỏa thuận hợp tác và thống nhất lộ trình tổng thể cho việc thực hiện dự án, bao gồm các hoạt động chính của dự án, các kết quả dự kiến đạt được, cũng như trách nhiệm cụ thể của các bên tham gia dự án, nhằm triển khai thực hiện dự án đạt hiệu quả cao và theo đúng kế hoạch.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đánh giá cao sự hỗ trợ của GIZ trong thời gian qua, đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của GIZ trong việc thực hiện các cấu phần của dự án, xác định các nội dung chính cần thực hiện, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tổng quát đến năm 2020: Đà Nẵng phấn đấu là “Thành phố thân thiện môi trường”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cũng đề nghị GIZ tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực của địa phương, cũng như năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ thành phố trong 2 lĩnh vực giao thông và môi trường, góp phần thực hiện định hướng phát triển kinh tế bền vững gắn với môi trường. GIZ và các ban, ngành liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án theo kế hoạch, xem xét việc thực hiện một nghiên cứu quy hoạch chiến lược tổng thể về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, cụ thể là các vấn đề về quy hoạch và môi trường đô thị.
Thành Lân

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Hướng kiến trúc mới cho thành phố Đà Nẵng


Những năm gần đây, kiến trúc đô thị Đà Nẵng đã có nhiều nét mới. Điểm chung là đã toát lên vẻ hiện đại, song thành phố vẫn chưa dừng lại với những gì hiện có, mà luôn khích lệ các nhà đầu tư, các chủ dự án khám phá thêm những kiểu thiết kế kiến trúc mới, xu hướng mới.

Kiến trúc xanh
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, chia sẻ:  Với tốc độ đô thị hóa nhanh như Đà Nẵng thì việc làm ngay là biết đón đầu những xu hướng mới trên thị trường xây dựng, công nghệ xanh, công nghệ tự động hóa thân thiện với môi trường là tất yếu. Thật vậy, đã đến lúc con người mong muốn không chỉ tạo dựng những đô thị, nhà ở đẹp, hiện đại, phục vụ tốt cho cuộc sống của mình với những trang thiết bị tự động hiện đại nhất mà còn cần sống trong môi trường trong lành, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế sự tác động tiêu cực đến khí hậu trái đất. Kiến trúc xanh sẽ là xu hướng mới để bù đắp tài nguyên cây xanh, mặt nước đô thị.
Thiết kế kiến trúc xanh ở dự án Hyatt Regency Đà Nẵng.
Và xu hướng kiến trúc xanh đang bắt đầu lan tỏa. Từ kiến trúc xanh ở các khu resort, nay đến với các dự án đô thị sinh thái. Dự án Ecorio là một ví dụ. Một trong những lợi thế của Ecorio là có mật độ xây dựng thấp, chỉ từ 25% đến 30%. Quy hoạch tổng thể của dự án cũng bảo đảm nhu cầu sinh sống và nghỉ dưỡng trong một môi trường trong lành, thoáng mát và tách biệt khỏi trung tâm thành phố nhộn nhịp. Một khách hàng đã nhận xét: “Điểm nổi bật của dự án là các dãy nhà phố đều có sân vườn cả ở trước và sau, các đường dạo ven sông được bố trí khéo léo cho tất cả các cư dân ở đây sử dụng. Điểm khác biệt mà tôi bị thuyết phục hoàn toàn khi lần đầu tiên  khu công viên tượng được nhà đầu tư tạo cảnh quan, đây có lẽ là một điểm khác biệt hấp dẫn mà tôi chưa nhìn thấy bất cứ khu đô thị nào ở Việt Nam từ trước đến nay”.
Ngay sau Ecorio là dự án Golden Hills. Đây là khu đô thị sinh thái sẽ mang đến diện mạo mới cho sự phát triển đô thị Đà Nẵng. Nhà đầu tư đã hợp tác cùng công ty thiết kế quy hoạch đô thị hàng đầu thế giới là Skidmore, Owings & Merrill LLP (SOM) đến từ Mỹ và đơn vị thiết kế cảnh quan CICADA của Singapore để tham gia vào quá trình quy hoạch, thiết kế tổng thể dự án. Sự khác biệt của Golden Hills xuất phát từ việc kết hợp ý tưởng cửa sông (estuary) và quần đảo (islands), SOM đã tận dụng tối đa nét đẹp của sông, núi và biển để tạo nên khu đô thị sinh thái Golden Hills có kết cấu phát triển bền vững, lâu dài. Thiên nhiên nơi đây sẽ là sợi dây gắn kết con người và Golden Hills. Đây là thành phố hiện đại với đầy đủ các chức năng nhà phố, villa, sân tập golf, biệt thự sinh thái, bến du thuyền, khách sạn 4 sao, resort 5 sao, khu massage spa. Các hạng mục của công trình công cộng đáp ứng nhu cầu dân sinh, bệnh viện, trường học chuẩn quốc tế, công trình vui chơi giải trí, thể dục-thể thao, khu thương mại dịch vụ, văn phòng…
Kiến trúc bền vững
Ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng, cho rằng: Đà Nẵng nên xây dựng thành phố theo hướng phát triển bền vững, là một đô thị thông minh, đô thị cách tân, đô thị toàn cầu và đô thị đáng sống. Việc xây dựng một đô thị phát triển thì không thể thiếu vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc kết nối với thế giới, không những về kinh tế, khoa học mà còn cả về văn hóa, xã hội. Đà Nẵng là một thành phố trẻ nên chọn lối kiến trúc hiện đại, năng động làm nền tảng trong xây dựng và tạo nên điểm sáng thu hút xung quanh.
Còn theo ý tưởng của ông Phạm Phú Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết kế Xây dựng Đà Nẵng, thì Đà Nẵng nên chọn phong cách kiến trúc hiện đại làm nền tảng. Không nên làm giả cổ hay pha tạp giữa các lối kiến trúc Đông Tây kim cổ. Ông Bình giải thích vì Đà Nẵng là thành phố trẻ, năng động. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 nên lối kiến trúc cổ không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ông Bùi Thiện Cảnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng cũng cho rằng, kiến trúc hiện đại là nét riêng để Đà Nẵng khác với Hội An và Huế. Kiến trúc hiện đại vừa phù hợp với thời đại, vừa phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết của miền Trung là năm nào cũng mưa bão lớn.
Cơ sở hạ tầng được coi là hệ thống xương sống của một đô thị thì hệ thống thủy văn được coi là một trong những vấn đề quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Hiện Sở Xây dựng đang triển khai đề án xây dựng mô hình thủy văn và mô phỏng sự phát triển đô thị Đà Nẵng. Mục đích của dự án là giải quyết bài toán tổ hợp về lũ lụt, ngập úng và thủy triều với mục tiêu cuối cùng là xây dựng các bản đồ ngập lụt ứng với các kịch bản tần suất khác nhau có xét đến quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu.
Xem xét đến các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu, lũ lụt trong quá trình đô thị hóa, từ đó có các giải pháp thích ứng với điều kiện khí hậu, lũ lụt trong tương lai để quy hoạch, thiết kế kiến trúc xây dựng phát triển đô thị bền vững. Ông Tô Quang Toán (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam – đơn vị đã xây dựng bản đồ ngập lụt tại Đà Nẵng trước đây) cho biết, đã có báo cáo những vấn đề liên quan đến lượng mưa, mức độ ngập lụt, tình trạng nước biển dâng tại Đà Nẵng. Tình hình thời tiết khí hậu hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp, tại Đà Nẵng, lượng mưa vào mùa khô ngày càng giảm, lượng mưa vào mùa mưa ngày càng tăng, nên hạn hán và lũ lụt ngày càng nhiều. Theo ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, qua xây dựng một mô hình thủy văn phù hợp cho Đà Nẵng trong việc quy hoạch và phát triển đô thị thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của khí hậu sẽ bảo đảm tính ổn định và bền vững lâu dài trong tương lai của đô thị Đà Nẵng.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

(Theo www.nguyenbathanh.com)

LĐLĐ Đà Nẵng tiếp Đoàn Công đoàn thành phố Daegu, Hàn Quốc


Sáng ngày 13-4, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng đã có buổi tiếp Đoàn đại biểu Công đoàn thành phố Daegu, Hàn Quốc.Tại buổi tiếp, đại diện Công đoàn thành phố Daegu đã đánh giá cao mối quan hệ kết nghĩa tốt đẹp của hai tổ chức Công đoàn Daegu – Đà Nẵng, vai trò của tổ chức Công đoàn Đà Nẵng đối với đời sống, việc làm, tiền lương của công nhân, viên chức, lao động. Đồng thời đoàn rất quan tâm đến những kinh nghiệm của LĐLĐ thành phố Đà Nẵng trong việc chăm lo, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động phát triển doanh nghiệp bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đình công.

Daegu, thành phố lớn thứ 3 của Hàn Quốc và vùng lân cận ở phía Bắc tỉnh Gyeongsang đang gấp rút chuẩn bị để trở thành một trung tâm năng lượng xanh.

Trao đổi với đoàn, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố đã giới thiệu khái quát những hoạt động các cấp Công đoàn thành phố trong thời gian qua, việc thực hiện các chế độ, chính sách, phúc lợi xã hội cho người lao động Việt Nam theo pháp luật như Luật Lao động, Luật BHXH… và các thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động được thể hiện ở Thỏa ước lao động tập thể. Ngoài ra, Công đoàn các cấp cũng có những hoạt động chăm lo cho người lao động từ ngân sách của tổ chức mình thông qua các hoạt động thăm hỏi, hiếu hỉ, trợ cấp khó khăn, chương trình xây dựng nhà Mái ấm Công đoàn…

Ngọc Yến

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bài học từ thành phố Đà Nẵng


Trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã trở thành một trong những trung tâm đô thị lớn của Việt Nam. Trong sự phát triển đi lên tương đối toàn diện của Đà Nẵng, điều mà tôi – một công dân lâu năm của TPHCM – ngưỡng mộ nhất là ở thành phố biển miền Trung này gần như hoàn toàn sạch bóng người ăn xin lang thang, nhờ chính quyền thành phố có biện pháp giải quyết tốt.

Đường Nguyễn Tất Thành

Cách làm của Đà Nẵng thật ra cũng đơn giản thôi, nhưng sở dĩ thành công là nhờ chính quyền các cấp ở địa phương thật sự quyết tâm làm, không “đầu voi, đuôi chuột”. Lãnh đạo TP cho thành lập một đội chuyên trách gồm lực lượng công an và cán bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; đồng thời lập đường dây nóng, thông báo rộng rãi số điện thoại của đội này trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc kẽ trên các tấm pano treo trên đường phố để người dân tiện báo tin. Thành phố quy định: bất kỳ ai phát hiện được một người lang thang xin ăn và báo cho lực lượng chức năng đến xử lý sẽ được thưởng “nóng” 200.000 đồng. Những người lang thang xin ăn sau đó được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố. Cơ quan chức năng lập hồ sơ từng người, phân loại rồi báo về cho địa phương, gia đình đối tượng biết. Nếu bị bắt lần đầu, gia đình bảo lãnh và đối tượng cam kết không tái phạm sẽ được cho về. Trường hợp tái phạm nếu bị phát hiện sẽ đưa đi lao động tâp trung có thời hạn v.v…

Nhờ cách làm kiên quyết nói trên, trong 10 năm qua, Đà Nẵng đã xử lý được hơn 2.500 người lang thang xin ăn (trong đó 90% là dân địa phương khác). Trong năm 2010, toàn thành phố chỉ còn 66 đối tượng bị phát hiện và từ đầu năm 2011 đến nay vỏn vẹn chỉ có 4 người (theo báo Người Lao động, 29-3-2011).

Đường phố sạch sẽ

TP Hồ Chí Minh hiện nay là nơi tập trung số người lang thang xin ăn đông nhất nước. Trong số hàng ngàn người lang thang xin ăn mỗi ngày ở TP (từ em bé cho tới người già), số “ăn xin chuyên nghiệp” (giả bộ thương tật, ốm đau, đói rách hoặc bị chăn dắt bởi các đầu nậu…) chiếm tỷ lệ không nhỏ. Những người này lợi dụng lòng tốt của người khác thậm chí còn rủ rê, lôi kéo, ép buộc người khác tham gia với mình để tha hồ bóc lột, ăn chặn một cách hết sức tàn nhẫn. Việc làm trên vừa vô nhân đạo, bất công, đồng thời làm cho bộ mặt của TP thêm phần nhếch nhác,  gây phản cảm đối với du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu TP chúng ta.

Thành phố Đà Nẵng trong ngày lễ

Bài học từ Đà Nẵng rất hay, nên chăng chính quyền TP cần tham khảo, vận dụng để sớm giải quyết vấn nạn xin ăn lang thang, góp phần làm cho TP Hồ Chí Minh thêm xanh – sạch – đẹp.

Theo Biên Hà


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Phát triển nhanh thành phố Đà Nẵng


Đồng chí Trần Văn Minh

LTS: Năm 2010 là năm cuối thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh giai đoạn 5 năm 2006-2010 và các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX, thành phố Đà Nẵng tiếp tục đạt những kết quả quan trọng, tạo động lực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch 5 năm 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX. Nhân dịp năm mới Tân Mão 2011, P.V Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với đồng chí TRẦN VĂN MINH, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

* P.V: Thưa đồng chí Chủ tịch! Năm 2010, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng tình hình kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng tiếp tục có những bước phát ổn định và đạt được những thành quả đáng trân trọng. Xin Chủ tịch cho biết nhờ những giải pháp nào có được sự thành công đó?

- Đồng chí Trần Văn Minh: Thành phố triển khai kế hoạch năm 2010 trong điều kiện kinh tế thế giới dần phục hồi, đã tác động tích cực đến việc ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng. Kết quả tình hình kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố tiếp tục phục hồi và chuyển biến tốt, quốc phòng-an ninh được giữ vững, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội hoàn thành vượt mức kế hoạch, đặc biệt là lĩnh vực thu ngân sách, du lịch đã về đích sớm trước gần 2 tháng.

Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã tập trung triển khai việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh. Công tác giao kế hoạch kinh tế – xã hội, xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách… được tổ chức sớm, đã tạo điều kiện cho các ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện. Thành phố đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư và ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình và tiếp tục giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu năm 2009, sớm giải ngân các nguồn vốn năm 2010. Tích cực làm việc với các bộ, ngành Trung ương để bổ sung vốn cho các công trình, dự án.

Triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ về “Những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010”; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề về thủ tục hành chính, tiếp thu các phản ánh của nhà đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách của Chính phủ về miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp. Chỉ đạo Điện lực thành phố thực hiện các biện pháp bảo đảm điện cho sản xuất kinh doanh…

Đêm sông Hàn. Ảnh: Ông Văn Sinh

Thành phố cũng tập trung chỉ đạo các vấn đề văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”; triển khai thực hiện Đề án “Thành phố môi trường”. Các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện có kết quả. Chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân rất quan trọng nữa là, các chủ trương và giải pháp của Đảng bộ, chính quyền thành phố triển khai trong năm 2010 nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân và các thành phần kinh tế. Ngoài ra, năm 2010 cũng là một năm “mưa thuận gió hòa” với Đà Nẵng, nhiều công trình, dự án trọng điểm bảo đảm tiến độ do không bị ảnh hưởng của bão lụt.

* P.V: Hơn 90.000 hộ dân của thành phố phải di dời giải tỏa, tái định cư để xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị, đó là một thành công rất lớn, là minh chứng sống động của lòng dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Vậy những bài học lớn rút ra của Đà Nẵng đưa đến sự thành công đó ra sao, thưa đồng chí?

- Đồng chí Trần Văn Minh: Trong những năm qua, thành phố luôn ưu tiên đặt công tác giải tỏa đền bù, tái định cư là nhiệm vụ trọng tâm, đây là nội dung thường xuyên được quan tâm và triển khai mạnh mẽ. Bài học lớn rút ra của Đà Nẵng là thành phố đã tập trung giải quyết những vấn đề trong công tác giải tỏa đền bù, tái định cư, bảo đảm công khai minh bạch, kiên quyết, nhưng đồng thời cũng kiên trì, không nóng vội; không để những đối tượng xấu lợi dụng tuyên truyền chống phá chủ trương, chính sách đúng đắn của thành phố. Việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân là ưu tiên hàng đầu khi tiến hành các dự án, hầu hết các hộ dân trong diện giải tỏa đều được bố trí đất tái định cư các khu quy hoạch mới, có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật. Lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức tiếp dân để giải đáp và xử lý, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân.

* P.V: Thành phố Đà Nẵng tiếp tục chọn chủ đề năm 2011 là “Năm giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư và an sinh xã hội”. Đây cũng là vấn đề mà cử tri quan tâm, chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố. Vậy để thực hiện tốt các nội dung này, thành phố cần phải làm gì, thưa Chủ tịch?

- Đồng chí Trần Văn Minh: Từ khi trực thuộc Trung ương đến nay, mặc dù công tác giải tỏa đền bù, tái định cư của Đà Nẵng luôn được đánh giá cao về cách làm hiệu quả, được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của nhân dân nhưng năm 2010 thành phố vẫn chọn là  “Năm giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư và an sinh xã hội” và tiếp tục thực hiện nội dung đó trong năm 2011. Thực tế cho thấy, việc thành phố đưa ra chủ trương này đã có tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm ổn định đời sống của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững an ninh và trật tự xã hội. Trong mọi chủ trương liên quan đến quy hoạch, chỉnh trang đô thị đều lồng ghép trong đó mục tiêu hướng về con người. Đây là mục tiêu luôn được Đảng bộ, chính quyền thành phố quan tâm, coi trọng và mang tính xuyên suốt, từ đó những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Phối cảnh cầu Rồng qua sông Hàn

Để thực hiện tốt hơn nữa các nội dung này, thành phố sẽ tiếp tục có các quy định chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn phù hợp; các chủ trương, chính sách luôn bám sát các văn bản quy định của Trung ương về chính sách giải tỏa đền bù, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, bất cập trong quá trình triển khai. Các chính sách giải tỏa đền bù, được ban hành hằng năm, thường xuyên, sẽ được cập nhật kịp thời các quy định của Trung ương và những vấn đề thực tế phát sinh tại địa phương, nhằm thực hiện đầy đủ các chính sách đền bù cho người bị thu hồi đất.

Ngoài các chính sách chung Nhà nước đã quy định tại các Nghị định và Thông tư hướng dẫn, thành phố đã có những vận dụng cụ thể phù hợp với tình hình sử dụng đất thực tế tại địa phương, tập quán sinh sống của người dân từng vùng để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trên cơ sở bảo đảm sự công bằng, khách quan và có tính chất động viên, khuyến khích người bị thu hồi đất nhanh chóng thực hiện giải tỏa, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND thành phố thường xuyên đi kiểm tra thực tế, họp giao ban định kỳ với các chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công để đôn đốc tiến độ thi công nhằm nhanh chóng giao đất tái định cư cho các hộ giải tỏa. Công tác giải tỏa đền bù được chuyên môn hóa, các chính sách giải tỏa đền bù được quán triệt đầy đủ và nhất quán đối với tất cả các dự án.

* P.V: Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XX  Đảng bộ thành phố và Kế hoạch 5 năm 2011-2015, là năm mở đầu thời kỳ tập trung phát triển các ngành dịch vụ mà thành phố có lợi thế. Xin đồng chí cho biết những mục tiêu tổng quát, các giải pháp thực hiện và định hướng nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố?

- Đồng chí Trần Văn Minh: Mục tiêu tổng quát của nhiệm vụ về phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2011 là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại và đồng bộ, tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm. Tiếp tục lấy năm 2011 là “Năm giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư và an sinh xã hội”.

Các giải pháp thực hiện và định hướng nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố là tập trung ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các biện pháp và phân bổ nguồn lực để bố trí kịp thời đất tái định cư cho các hộ giải tỏa, nhanh chóng giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án; chú trọng đầu tư và phát triển dịch vụ, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Tập trung tranh thủ và thu hút mọi nguồn lực để đầu tư nhằm tăng tốc phát triển thành phố, chú trọng cả đầu tư trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh thăm và tặng quà cho lực lượng thi công dự án khu tái định cư Nam cầu Cẩm Lệ.

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, tập trung quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực. Duy trì thành quả đạt được và đẩy mạnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội và giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc. Nâng cao hiệu lực bộ máy tổ chức và điều hành của chính quyền các cấp. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đạt và vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2011, góp phần hoàn thành mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2011, thành phố Đà Nẵng đề ra 5 giải pháp đồng bộ. Đó là:

Thứ nhất, thúc đẩy phát triển nhanh các ngành dịch vụ thành phố có lợi thế, đi đôi với nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, từng bước nâng cao tỷ trọng trong cơ cấu GDP, tăng cường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Thứ hai, tập trung phát triển công nghiệp, thủy sản – nông – lâm, kinh tế biển để tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Thứ ba, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đi đôi với tăng cao tỷ trọng vốn thực hiện; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả của hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển.

Thứ tư, thực hiện tốt và có hiệu quả công tác quản lý đầu tư – xây dựng cơ bản, công tác quy hoạch, quản lý đô thị, các chương trình mục tiêu; gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững.

Cung thể thao Tiên Sơn. Ảnh: NHÂN MÙI

Thứ năm, quản lý cân đối, hiệu quả thu – chi ngân sách.

Các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 của thành phố Đà Nẵng rất nặng nề. Nhưng với truyền thống năng động và sáng tạo, đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, tin tưởng rằng, thành phố sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2011.

* P.V: Xin cảm ơn Chủ tịch. Chúc Chủ tịch năm mới sức khỏe và hạnh phúc!

Lê Văn Hoa (Thực hiện)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)