Đô thị và nông thôn mới


Mới đây, huyện Hòa Vang đã chính thức triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) theo bộ tiêu chí quốc gia, với mục tiêu xây dựng từ 7-8 xã đạt bộ tiêu chí này theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015). Trong khi đó, theo khảo sát mới đây, trong tổng số 11 xã trên địa bàn, có 1 xã đạt 15/19 tiêu chí, 3 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 3 xã đạt từ 6-8 tiêu chí…

Thế nhưng, vấn đề ở đây không phải là việc đạt được các tiêu chí hay không, mà chính là việc giải quyết những vấn đề về mối quan hệ trong xây dựng NTM với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Hòa Vang.

Trong thời gian qua, với tốc độ phát triển nhanh của thành phố, huyện Hòa Vang cũng đã có những bước chuyển khá mạnh trên các mặt kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. Chỉ tính riêng năm 2010, tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện tăng mạnh và đạt 630,8 tỷ đồng, bằng 1,6 lần so với năm 2009. Sự phát triển các ngành đi đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu với tổng giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt 396 tỷ đồng, tăng 15,7%; tổng giá trị sản xuất thương mại-dịch vụ đạt 221 tỷ đồng, tăng 16,6%; từ đó xác định tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế của huyện là nông nghiệp 37%, công nghiệp 35,2%, dịch vụ 27,8%. Điều đó cho thấy đang có xu hướng hình thành một NTM theo hướng công nghiệp-dịch vụ một cách mạnh mẽ ở Hòa Vang.

Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú (nằm trên địa bàn xã Liên Chiểu và Hòa Liên huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.)

Năm 2010 cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quy hoạch và phát triển của Hòa Vang, khi trên địa bàn huyện có đến 13 dự án với quy mô lớn được triển khai, chiếm 1.390ha (chưa kể 7 dự án đã phê duyệt ranh giới quy hoạch có quy mô 1.570ha). Từ đó, đã đưa số dự án đang triển khai trên địa bàn lên 54 dự án, với tổng diện tích đất thu hồi hơn 5 nghìn ha, trong đó có 5.114 hộ thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp và 3.404 hộ đất ở.

Nhìn trên tổng thể phát triển chung của thành phố và của huyện Hòa Vang những năm qua, đặc biệt là tốc độ đầu tư phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thì có thể thấy, nhiều tiêu chí trong bộ 19 tiêu chí về NTM không khó hoàn thành. Đó là những tiêu chí về: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, giáo dục, y tế, văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo, hệ thống tổ chức chính trị xã hội …Trong khi đó, lại đặt ra những vấn đề hết sức gay gắt trong quá trình xây dựng NTM ở Hòa Vang trong tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ của Đà Nẵng hiện nay và ở tương lai gần.

Đó là vấn đề về quản lý quy hoạch, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường… Việc quản lý quy hoạch hết sức khó khăn và phức tạp. Thách thức về bảo vệ tài nguyên-môi trường là rất lớn, không chỉ từ những dự án trên địa bàn huyện mà từ các vùng lân cận. Hoạt động của các khu công nghiệp đã, đang và sẽ là những thách thức không nhỏ đối với môi trường sống cần được bảo vệ ở nông thôn, nhất là với những vùng cần đạt tiêu chí về NTM. Không chỉ là chất thải, mà việc khai thác tài nguyên một cách bừa bãi, thiếu kiểm soát cũng đang từng ngày ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Bên cạnh những tác động đó, thì trong đời sống nông thôn ở Hòa Vang cũng đang tồn tại những vấn đề cần giải quyết trong quá trình xây dựng NTM. Đó là việc tổ chức sản xuất để nâng cao đời sống, thu nhập của người nông dân; trong đó có cả việc tạo cơ chế thu hút đầu tư về nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ. Ở Hòa Vang, mặc dù đã đặt ra mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp đô thị nhưng cho đến nay, chuyển biến vẫn chưa rõ nét; giống cây trồng, con vật nuôi chưa được đầu tư một cách khoa học và hiện đại; năng suất lao động vẫn còn thấp; thiếu những cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo quy định ở vùng khó khăn… Việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vẫn phụ thuộc nhiều vào thành phố chứ chưa có chuyển biến mạnh ở trên địa bàn.

Một vấn đề quan trọng nữa để xây dựng NTM chính là xây dựng ý thức và nâng cao nhận thức của người dân về chương trình này… Trước tiên, đó là phải làm cho người dân ý thức được rằng, xây dựng NTM không phải từ việc cấp vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng…mà phải bằng việc xây dựng một nếp sống mới, có sự đầu tư từ nội lực trong chính mỗi người dân trong vùng nông thôn đó. NTM cũng cần phải gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống làng, xã vốn tồn tại lâu đời một cách hợp lý trong mối tương quan với tốc độ đô thị hóa và hiện đại hóa của thành phố…

Dù còn nhiều vấn đề cần bàn đến, nhưng xây dựng NTM hay đô thị hóa nông thôn Hòa Vang, cũng cần phải hướng đến mục tiêu lớn nhất là xây dựng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân Hòa Vang ngày một tốt hơn.

Anh Quân


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Cơ quan hành chính tiết kiệm gần 95 tỷ đồng


Ngày 17-12, UBND thành phố tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 130/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước” và Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã có 100% đơn vị thực hiện Nghị định 130/NĐ-CP và 352/357 đơn vị thực hiện Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó, 26 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí, 116 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí… Hầu hết các đơn vị đều xây dựng phương án, đề án và xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; bảo đảm mục tiêu và nguyên tắc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, dân chủ và quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức; chủ động trong việc sử dụng biên chế và kinh phí được cấp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng kinh phí có hiệu quả hơn, phát huy được năng lực của người lao động, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, tạo quyền chủ động cho đơn vị trong quản lý, sử dụng kinh phí, tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập cho người lao động.

Từ năm 2006 đến năm 2010, các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố đã tiết kiệm nguồn kinh phí gần 95 tỷ đồng; trong đó, tiết kiệm do thực hiện tinh giản biên chế trên 21 tỷ đồng, tiết kiệm chi phí hành chính trên 72 tỷ đồng, chiếm 15,14% so với tổng dự toán kinh phí tự chủ được giao các năm. Tại hội nghị, UBND thành phố cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện rút kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, bàn giải pháp, nhiệm vụ triển khai thực hiện hiệu quả 2 Nghị định trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đánh giá cao việc triển khai và kết quả thực hiện 2 Nghị định trên ở các cơ quan, đơn vị; đồng thời, giao nhiệm vụ cho Sở Nội vụ, Sở Tài chính tiếp thu các ý kiến tham gia để tham mưu cho UBND thành phố điều chỉnh định mức khoán biên chế, định mức chi tiêu hành chính cho các đơn vị theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về kinh phí, về phương tiện cơ sở vất chất, về tổ chức bộ máy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.

Dịp này, UBND thành phố đã tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 11 cá nhân có thành tích trong việc triển khai thực hiện 2 Nghị định của Chính phủ.

Tin và ảnh: THÀNH LÂN


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

LO5: Ký hợp đồng gói thầu chế tạo kết cấu thép dầm Cầu Rồng, sông Hàn


Cầu Rồng

Giá trị hợp đồng LO5 đảm nhận thi công là 105 tỷ đồng và được thực hiện trong vòng 12 tháng kể từ tháng 12/2010.

Ngày 09/12/2010 Tổng giám đốc Công ty Cổ phần LILAMA 5 (LO5) đã chính thức ký hợp đồng gói thầu ” Cung cấp vật tư, chế tạo kết cấu thép dầm Cầu Rồng bắc qua Sông Hàn TP. Đà Nẵng.

Việc ký kết được thực hiện với Công ty cổ phần cơ khí xây dựng giao thông 121 trực thuộc Tổng công ty Cienco 1.

Giá trị hợp đồng LO5 đảm nhận thi công là 105 tỷ đồng và được thực hiện trong vòng 12 tháng kể từ tháng 12/2010.

Ngoài ra, trong tháng 12, LO5 đã ký 2 gói thầu lắp đặt kết cấu thép của nhà Tuabin Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1-Hà Tĩnh và chế tạo Van cửa lấy nước của nhà máy thủy điện Hủa Na-Nghệ An với tổng giá trị hợp đồng là 45 tỷ đồng.

Minh Thành

Theo LO5

(Theo CAFEF )


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng: Bàn giao lô dây cáp điện tàu thủy đầu tiên sản xuất tại Việt Nam


Ngày 16-12, Công ty xây lắp và Công nghiệp tàu thủy miền Trung (MACSHINCO) tổ chức Lễ bàn bàn giao 20 tấn sản phẩm cáp điện tàu thủy đạt chuẩn quốc tế lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam cho Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn. Đây là lô sản phẩm đầu tiên do Nhà máy Cáp điện tàu thủy Vinashin (VIMACAB) được sản xuất và bán ra thị trường.

Công nhân đang vận hành hệ thống máy xoắn dây cáp điện tàu thủy.

Lô sản phẩm này được sản xuất trên dây chuyền máy móc hiện đại của Niehoff (Đức), Maillefer (Phần Lan). VIMACAB là nhà máy đầu tiên của Việt Nam sản xuất dây và cáp điện phục vụ trong ngành đóng tàu với công suất 8.000 tấn/năm, cung cấp cho ngành tàu thủy những sản phẩm đạt tiêu chuẩn IEC, Lloyd’s, DNV, TCVN,… Ngoài ra, nhà máy này còn sản xuất các loại dây cáp điện cho ngành công ngiệp và dân dụng.

Tin và ảnhNGUYÊN KHÔI


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Tàu container Phú Tân và 27 người mất tích ở vùng biển Hà Tĩnh


25 thuyền viên và 2 hành khách bị nạn vẫn chưa hề có thông tin gì bởi sóng to, gió lớn khiến các tàu cứu hộ không thể tiếp cận được.

Tàu Phú Tân vào cảng Đà Nẵng ngày 13/3/2010

Vào khoảng 7h30 ngày 16/12, Cảng vụ Hải Phòng nhận được thông tin cấp cứu từ tàu Phú Tân với tình trạng tàu bị nghiêng có nguy cơ bị chìm đắm. Lúc đó, tàu bị nghiêng tới 37 độ, mạn boong tàu đã chạm nước.

Cho đến chiều nay toàn bộ thông tin về tàu hoàn bị cắt đứt, hệ thống nhận được tin tàu đang chìm. Cảng vụ Hải Phòng cũng dự đoán, tất cả 25 thuyền viên và 2 hành khách không còn ai trên tàu, có thể đã tản mạn các nơi, nhảy xuống nước.

Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã cử tàu cứu hộ ra biển Hà Tĩnh để ứng cứu, đồng thời chỉ đạo tàu dầu Sông Châu 1 đang hoạt động ở khu vực gần đó khẩn trương tiếp cận tàu và tìm kiếm trục vớt các thuyền viên, hành khách của tàu Phú Tân.

Tuy nhiên, do sóng to, gió lớn nên đến 18 giờ ngày 16/12 các tàu cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận được với tàu Phú Tân. Theo đánh giá của Cảng vụ Hải Phòng, tình trạng của tàu Phú Tân là rất nguy cấp, đe doạ trực tiếp đến tính mạng của 27 người nói trên.

Tàu chở container Phú Tân có hành trình theo tuyến TPHCM – Đà Nẵng – Hải Phòng. Ngày 15/12, tàu Phú Tân rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để trở về Hải Phòng. Đến sáng 16/12, tàu bị nạn ở vùng biển Hà Tĩnh.

Chi tiết kỹ thuật tàu container Phú Tân

Theo thông tin trên website của Vinalines, tàu container Phú Tân thuộc đội tàu vận tải container của Vinalines gồm 7 chiếc.

Phú Tân là tàu container do CHLB Đức đóng năm 1988, trọng tải 14.101 tấn (sức chở 1.020 container loại 20 feet – TEU), dài 156m, máy chính có công suất 7.950 kW, tốc độ 17 hải lý/giờ.

Tàu này trước đây có các tên Watergeus (1989), Tranztas Trader (1996), Orient Aishwayrya (2001).

Nguồn TTXVN, SGTT


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Cảng Đà Nẵng sẽ tiếp nhận tàu container trên 40.000 TEU


Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng Nguyễn Thu cho hay kế hoạch nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đang được khẩn trương xúc tiến bằng việc đầu tư xây dựng thêm cảng container mới dài 500 m, độ sâu mớm nước lên đến 14 m, đủ khả năng tiếp nhận tàu container sức chở trên 40.000 TEU.

Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)

Năm 2010, hàng hóa tổng hợp qua hệ thống cảng Đà Nẵng ước đạt 3,3 triệu tấn (năm 2009 đạt 3,1 triệu tấn). Riêng hàng container qua cảng Tiên Sa đạt 90.000 TEU, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi công suất cảng này mới chỉ đáp ứng 70.000-80.000 TEU.

Cảng Tiên Sa – Đà Nẵng.

Sau gần nửa năm nạo vét luồng tàu, hiện độ sâu mớm nước của cảng Tiên Sa đã hạ xuống -12 m, có khả năng tiếp nhận tàu container 24.000 TEU.

HẢI CHÂU


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Họp báo về Đại hội Thể dục- Thể thao toàn quốc lần thứ VI tại Đà Nẵng


Chiều ngày 14/12/2010, Ban tổ chức Đại hội thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VI đã tiến hành họp báo về công tác tổ chức Đại hội. Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT và DL thành phố Đà Nẵng chủ trì họp báo.

Nhà thi đấu Thể dục Thể thao là nơi tổ chức các môn tại Đại hội: Bóng chuyền trong nhà nam, Bóng chuyền trong nhà nữ.

Theo Ban tổ chức, công tác chuẩn bị Đại hội đã sẵn sàng. Các công trình phục vụ cho thi đấu, đã hoàn thành, đảm bảo đáp ứng tốt nhất cho các trận đấu. Đặc biệt là Cung thể thao Tiên Sơn (trước đây thường gọi là NTĐ đa năng Đà Nẵng) mới được hoàn thành với kiến trúc độc đáo cũng như trang thiết bị rất qui mô, hiện đại mang tầm vóc không chỉ của khu vực Đông Nam Á. Với việc tổ chức thi đấu môn Bóng chuyền tại đây, Ban tổ chức nhận định khán đài sẽ không còn chỗ trống. .

Tại cuộc họp báo, NSND Nguyễn Tiến Định, Tổng đạo diễn chương trình Khai mạc và Bế mạc của Đại hội cũng cho biết một số thông tin về Lễ khai mạc hứa hẹn sẽ có nhiều điều bất ngờ và thú vị đem đến những ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Được biết Lễ Khai mạc sẽ diễn ra tại sân vận động Chi Lăng vào lúc 20 giờ ngày 25/12/2010, với sự tham dự của trên 15.000 khán giả. Ngoài phần lễ chính thức sẽ có chương trình đồng diễn nghệ thuật mang chủ đề “tỏa sáng” với 1500 sinh viên học sinh, nghệ sĩ tham gia biểu diễn. Lễ Bế mạc được tổ chức tại Cung thể thao Tiên Sơn vào tối ngày 31/12/2010.

Tại Đại hội thể thao lần này có 12 môn thi: Thể dục Thể hình, Điền kinh, Bơi trong bể 50m, Lặn, Rowing, Canoeing, Cử tạ, Cờ Vua, Cầu lông, Billiard – Snooker, Bóng chuyền, Bóng đá nam (Bóng đá nữ thi đấu tại TP Hồ Chí Minh cũng trong tháng 12). Các thông tin và lịch thi đấu chính thức được Ban tổ chức đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên website chính thức của Đại hội theo địa chỉ http://www.tdtt.gov.vn/

Ban tổ chức cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo tích cực của thành phố Đà Nẵng, đơn vị chủ nhà của Đại Hội. Với khẩu hiệu “Đà Nẵng năng động, sáng tạo, vươn tới tầm cao” cùng sự chuẩn bị chu đáo, tích cực và truyền thống thân thiện, mến khách của mảnh đất, con người giàu truyền thống Cách mạng, hứa hẹn VCK Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010 sẽ thành công tốt đẹp.

(Lê Hoa)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)