Vì sao lao động Việt Nam ở Malaysia khó được nhận bảo hiểm?


Malaysia đang được đánh giá là thị trường xuất khẩu lao động triển vọng của năm 2011 khi nhu cầu tiếp nhận lao động nhập cư năm nay lên đến 90.000 người.

Tuy nhiên, đang có một thực tế ở thị trường “vàng” của xuất khẩu lao động Việt Nam một thời là lao động không may bị tai nạn rất khó được nhận bảo hiểm. Tỷ lệ lao động tử vong tại Malaysia nhận được bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 25-30%.

Theo Luật bảo hiểm của Malaysia, quy định  về mức được hưởng dành cho lao động không may bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong là 23.000RM đến 25.000 RM (khoảng 8.000 USD)/người, mức thương tật tùy vào từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tỷ lệ mất khả năng lao động.

Cụ thể, lao động tử vong do tai nạn lao động trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm xảy ra tai nạn: mức bảo hiểm chi trả/lao động không vượt quá mức thấp hơn hoặc 18.000 RM hoặc 60 tháng lương cơ bản, ngoài ra bảo hiểm chi trả thêm 7.000 RM/lao động theo hệ thống chi trả bảo hiểm lao động FWCS, theo đó tổng chi trả bảo hiểm không quá 25.000 RM/lao động.

Nếu lao động bị tai nạn dẫn đến vĩnh viễn mất khả năng lao động toàn phần trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm xảy ra tai nạn thì mức bảo hiểm chi trả/lao động không vượt quá mức thấp hơn hoặc 23.000 RM hoặc 60 tháng lương cơ bản….

Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều trường hợp người lao động tử vong từ năm 2009 nhưng đến nay gia đình vẫn chưa nhận được chi trả bảo hiểm tai nạn lao động, cũng như sự hỗ trợ từ phía chủ sử dụng nước sở tại và doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam.

Đây là lý do khiến một số gia đình có người thân bị tử vong đã có đơn thư gửi cơ quan chức năng đề nghị can thiệp đòi quyền lợi bảo hiểm cho thân nhân họ.

Một doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước cho biết, trên thực tế có rất nhiều lao động Việt Nam đã gặp khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm khi đi làm việc ở nước ngoài không may gặp rủi ro. Đặc biệt là thị trường Malaysia.

Số liệu tổng hợp từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cũng cho thấy, từ năm 2002 đến nay có khoảng gần 700 lao động Việt Nam chết tại Malaysia do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng phía Malaysia mới trao khoảng 200 tấm séc chi trả bảo hiểm cho người lao động Việt Nam.

Trao đổi với VnEconomy, đại diện Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cho biết, có nhiều lý do gây ra việc chậm trễ trong việc thanh toán bảo hiểm cho lao động.

Có rất nhiều trường hợp lao động bị tai nạn tử vong nhưng không được bảo hiểm (như tử vong liên quan đến tội phạm, đánh giết nhau; do chết ngoài thời gian làm việc; chết do bệnh tật sinh ra không phải do công việc lao động …). Ngoài ra, cũng có  một số chủ sử dụng lao động thiếu trách nhiệm hoặc chậm trễ trong việc làm các thủ tục cần thiết để người lao động bị tai nạn được nhận bảo hiểm.

Tuy nhiên, nguyên nhân được cho là cốt yếu ở đây, theo một chuyên gia trong giới này nhìn nhận là do vướng mắc trong thủ tục phối hợp thông tin giữa các cơ quan đại diện Việt Nam tại Malaysia.

Thực tế, phần lớn những trường hợp chưa giải quyết được bảo hiểm vì hồ sơ chưa được hoàn tất do phía Malaysia không có đủ thông tin về gia đình hoặc người thụ hưởng liên quan. Có không ít trường hợp cơ quan lao động đã có thông báo tới Sứ quán về trường hợp thuộc diện nhận bảo hiểm nhưng chưa thể hoàn tất hồ sơ do thông tin về người thụ hưởng, địa chỉ tại Việt Nam, số điện thoại liên hệ không có hoặc thiếu chính xác.

Vấn đề khó khăn là, hồ sơ phía Malaysia chuyển cho Sứ quán lại không bao giờ đề cập đến công ty xuất khẩu lao động Việt Nam (nơi nắm giữ rõ nhất thông tin lao động), do luật pháp nước bạn không chính thức công nhận tư cách pháp nhân của các công ty môi giới cả trong và ngoài nước trong lĩnh vực tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại Malaysia.

Về vấn đề này, theo các chuyên gia, trách nhiệm chủ yếu vẫn là do các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam không báo cáo đầy đủ khi có lao động tử vong. Nếu thực trạng này không được cải thiện, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường Malaysia, nơi đang có gần 70.000 lao động Việt Nam sống và làm việc.

VŨ QUỲNH


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng: Cấp thêm giấy chứng nhận hai dự án đầu tư FDI


FDI

Theo thông tin từ Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, UBND thành phố vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 560.000 USD.

Đó là dự án may mặc Gsafe (Việt Nam) của Công ty G Hardware (Singapore) chuyên sản xuất quần áo bảo hộ lao động và găng tay bảo hộ lao động công nghiệp để xuất khẩu và dự án thiết kế bảng mạch in UNITEC của Công ty cổ phần Điện tử UNITEC (Nhật Bản) cung cấp dịch vụ thiết kế bảng mạch in.

Được biết, trong ba tháng đầu năm 2011, có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký gần 237 triệu USD; 7 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 185,6 triệu USD; nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn Đà Nẵng đến nay lên 196 dự án với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,2 tỷ USD.

ĐNĐT


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Hai tàu đâm nhau trên biển Hội An, hai thuyền viên tử nạn


Sáng 6-4, trên vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) xảy ra vụ đâm nhau giữa hai tàu biển khiến 2 thuyền viên tử nạn, 3 thuyền viên mất tích.

Tàu SAR 412 đang tìm kiếm đưa thuyền viên gặp nạn vào bờ

Lúc 4 giờ 15 phút ngày 6-4, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) nhận được tin báo: khoảng 3 giờ 10 phút sáng ngày 6-4, tàu Phúc Hải 05 trên đường từ Indonesia về Đà Nẵng thì va chạm với tàu vận tải Bình Minh 28 chở clanhke từ Thanh Hóa đi An Giang tại vị trí 15 độ 54,4 phút N, 108 độ 36,8 phút E, cách Danang MRCC khoảng 25 hải lý, khiến tàu Bình Minh 28 bị chìm, tàu Phúc Hải 05 bị thủng máy và thủng hầm hàng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Danang MRCC lập tức điều tàu SAR 412 ra ngay hiện trường tiến hành cứu hộ cứu nạn.

Tại hiện trường lúc này có tàu Minh Hải 136 và tàu Phúc Hải 05 đang tìm kiếm. Sau đó, tàu Minh Hải 136 phát hiện có hai phao bè kết đôi đang trôi dạt. Lúc 6 giờ thì tàu này tiếp cận và đưa 6 thuyền viên của tàu Bình Minh đang kết trên hai phao bè đưa lên tàu.

Tàu SAR 412 đưa thuyền viên gặp nạn vào bờ

Lúc 7 giờ, tàu SAR 412 tiếp cận hiện trường và vớt được hai thuyền viên đang bị trôi dạt bên mạn trái của tàu Phúc Hải 05. Thuyền trưởng tàu SAR 412 (Danang MRCC) Phan Xuân Sơn cho biết, hai nạn nhân được vớt lên lúc này đã ngưng thở. Các thuyền viên đã khẩn trương tiến hành sơ cứu, thổi ngạt ban đầu và đưa vào bờ để điều trị.

Tuy nhiên, do bị thương nặng nên hai thuyền viên trên tàu Bình Minh 28 là Lê Ngọc Kiên (thợ máy, quê Thái Thụy, Thái Bình) và Nguyễn Thế Tuyển (sĩ quan Boong, quê Hưng Yên) đã tử nạn; 6 thuyền viên còn lại sức khỏe ổn định.
Theo thuyền trưởng tàu Bình Minh 28 Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1952, quê Diễn Châu, Nghệ An), tổng số thuyền viên trên tàu là 11 người.

Thợ máy Nguyễn Văn Điển kể lại sự việc lúc tàu bị đâm

Theo lời kể của thợ máy Nguyễn Văn Điển, thời tiết lúc tàu bị đâm có nhiều sương mù, tầm nhìn xa khoảng chưa đến 1km. Sau khi tàu Bình Minh 28 bị đâm chìm, các thuyền viên đã cố gắng nhảy ra khỏi tàu. Có một vài người bám được phao cứu sinh của tàu rồi kết bè lại, còn vài người trôi dạt mỗi người một nơi.
Hiện còn 3 thuyền viên của tàu Bình Minh 28 bị mất tích vẫn đang được tàu SAR 27-01 của Danang MRCC tiếp tục tích cực tìm kiếm.

Danh sách các thuyền viên trên tàu Bình Minh 28:

6 người được đưa vào bờ:

1. Nguyễn Văn Thắng, thuyền trưởng (quê Diễn Châu, Nghệ An)

2. Nguyễn Văn Điển, thợ máy (Thái Thụy, Thái Bình)

3. Nguyễn Văn Duy, thợ máy (Thái Thụy, Thái Bình)

4. Nguyễn Văn Hải, phục vụ (Quỳnh Lưu, Nghệ An)

5. Phạm Thế Dưỡng, thợ máy (Thái Thụy, Thái Bình)

6. Nguyễn Văn Bằng, thủy thủ (Thái Thụy, Thái Bình)

2 người tử nạn:

1. Lê Ngọc Kiên, thợ máy (Thái Thụy, Thái Bình)

2. Nguyễn Thế Tuyển, sĩ quan Boong (Hưng Yên).

3 người chưa tìm được:

1. Nguyễn Văn Giới, thủy thủ (Thái Thụy, Thái Bình)

2. Hà Văn Đồng, thợ máy

3. Hà Văn Nghĩa, thủy thủ
Đắc Mạnh

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định phê chuẩn nhân sự UBND Tp.HCM


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định phê chuẩn việc bầu thành viên, miễn nhiệm thành viên UBND nhiệm kỳ 2004-2011 của thành phố Hồ Chí Minh.

UBND TP.HCM

Đối với thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định 492/QĐ-TTG phê chuẩn chức danh Ủy viên UBND thành phố đối với: đồng chí Nguyễn Chí Thành và đồng chí Trương Văn Hai. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định 491/QĐ-TTG miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND thành phố này đối với: đồng chí Nguyễn Chí Dũng và đồng chí Phan Tấn Tài, để 2 đồng chí này nhận nhiệm vụ mới.

Hoàng Diên

Nguồn http://nguyentandung.org


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh: Tạo đồng thuận cao trong nhân dân


Ngày 5-4, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lần thứ 3 (mở rộng) nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ quý 1 và bàn nhiệm vụ trọng tâm quý 2. đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, chủ trì hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Theo báo cáo do đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy trình bày tại hội nghị, tình hình kinh tế-xã hội của thành phố tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành kinh tế có bước tăng trưởng khá. Tuy nhiên, do tác động của lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao… hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân gặp khó khăn. Thành phố đã triển khai thực hiện các chính sách bảo đảm tính hiệu quả và tăng trưởng kinh tế bền vững, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GDP) ước tăng 12,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt hơn 10,4 nghìn tỷ đồng, tăng 35,5% so cùng kỳ; tổng doanh thu chuyên ngành du lịch ước đạt 357 tỷ đồng, tăng 66%; giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 3,289 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5%; tổng thu ngân sách toàn thành phố ước thực hiện 3,674 nghìn tỷ đồng và tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện gần 2 nghìn tỷ đồng…

Các chương trình thành phố “5 không”, “3 có” tiếp tục được thực hiện; nhất là trong việc giảm nghèo, chương trình nhà ở xã hội, hỗ trợ cho hộ đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách… Quốc phòng-an ninh được giữ vững; tuy nhiên nổi lên một số vụ việc đáng lưu ý trên lĩnh vực an ninh trật tự; tai nạn giao thông tăng trên cả 3 tiêu chí. Trên lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy và các ban xây dựng Đảng đã tiến hành việc tổng kết năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011; chú trọng học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; tập trung công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng…

Về nhiệm vụ quý 2, hội nghị thảo luận và xác định những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Theo đó, thành phố tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn đi đôi với các giải pháp cụ thể, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện mạnh mẽ chủ trương “Năm giải tỏa, đền bù, tái định cư và an sinh xã hội”; bảo đảm tiến độ các dự án, công trình trọng điểm; tổ chức tốt Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế DIFC 2011 và các hoạt động du lịch hè… hướng đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững trong năm 2011.

Cùng với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các cấp ủy Đảng và chính quyền, đoàn thể theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình để hỗ trợ kịp thời các đối tượng đặc biệt khó khăn, hộ chính sách, người lao động thu nhập thấp; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU; củng cố công tác quản lý, quy chế hoạt động tại Trung tâm GD-DN 05-06 đồng thời bổ sung, sửa đổi Quy chế cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn thành phố… Các cơ quan chức năng bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của thành phố nhằm thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và các chính sách an sinh xã hội nhằm tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, công chức… đồng thời tăng cường lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết và Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố; tiếp tục rà soát, luân chuyển và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ các cấp; đẩy mạnh xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; triển khai công tác kiểm tra, giám sát của Đảng theo tinh thần Kết luận số 72- KL/TW của Bộ Chính trị…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đề nghị các cấp ủy, đơn vị, địa phương cần chú trọng việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và kế hoạch đã đề ra; trong đó cần tập trung kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp hiệu quả, phối hợp đồng bộ trong việc theo dõi, kiểm soát giá cả, xử phạt nghiêm khắc các vi phạm, siết chặt đầu tư công và tiết kiệm chi; ưu tiên hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhân dân sản xuất kinh doanh; tăng thu ngân sách; bảo đảm điện cho sản xuất và sinh hoạt; thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội…

Trong công tác bầu cử, cần tập trung quản lý, vận động cử tri ở những khu vực trọng điểm, tái định cư, học sinh, sinh viên, công nhân, lực lượng vũ trang… thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình… Lực lượng chức năng cần tăng cường đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, kiềm chế tai nạn giao thông… Các cấp ủy Đảng cần tập trung cho việc triển khai thực hiện các nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đạt hiệu quả.

N.T


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Thủ tướng phê duyệt 28.000 tỷ đồng xây đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi


Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi dài 139,52km có tổng mức đầu tư gần 28.000 tỷ đồng sẽ được khởi công vào cuối quý 4-2011, hoàn thành trong năm 2016.

Hướng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi

trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án Phát triển xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Đây là một trong những dự án hạ tầng giao thông quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Khu kinh tế trọng điểm miền Trung, góp phần nâng cao đời sống nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính về nguồn và trách nhiệm đóng góp vốn đối ứng của phía Việt Nam cho dự án trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ông Trần Xuân Sanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) , cho biết tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có tổng chiều dài 139,52km với tổng mức đầu tư gần 28.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay và vốn đối ứng của Việt Nam.

Hiện VEC đã thu xếp nguồn vốn vay và đang triển khai đấu thầu tư vấn, giải phóng mặt bằng… để tiến hành khởi công vào cuối quý 4-2011 và hoàn thành trong năm 2016.

Trước đó, ngày 23-3, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư dự án phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người bị ảnh hưởng của dự án theo đúng quy định.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có điểm đầu tuyến tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, điểm kết thúc nối vào đường vành đai quy hoạch của thành phố Quảng Ngãi. Diện tích giải phóng mặt bằng dự tính khoảng 963ha, bao gồm cả các khu vực dọc tuyến như trạm xăng dầu, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí, trung tâm vận hành và duy tu bảo dưỡng, trung tâm điều hành giao thông…

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Nga bố trí ở Viễn Đông thêm một trung đoàn Su-35


Máy bay chiến đấu Su-35. (Nguồn: Internet)

Nga sẽ tiếp tục bố trí ít nhất một trung đoàn máy bay Su-35 tại căn cứ 6968 thuộc khu vực Viễn Đông, gần biên giới chiến lược Nga-Trung.

Tạp chí Bình luận Quân sự Hán Hòa số tháng Tư dẫn nguồn lời một nhà quan sát quân sự ở Mátxcơva (Nga) cho biết trong số 48 chiếc máy bay chiến đấu Su-35 được giao cho không quân Nga bắt đầu từ năm 2012 sẽ có ít nhất một trung đoàn Su-35 được bố trí ở căn cứ 6968 thuộc khu vực Viễn Đông, cách biên giới Nga-Trung khoảng 299km.

Trước đó, Nga cũng đã bố trí toàn bộ số máy bay Su-27 SM loại mới nhất ở căn cứ không quân 6987 và căn cứ không quân 6989, lần lượt cách biên giới Nga-Trung 308km và 61km.

Cùng với việc chuẩn bị bố trí Su-35 tại căn cứ 6968, có thể nói hầu hết máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Nga đều được bố trí ở khu vực gần biên giới Nga-Trung. Điều đó có nghĩa biên giới Nga-Trung vẫn là trọng tâm chú ý trong chiến lược không quân của Nga.

Về vấn đề này, nguồn tin thẳng thắn nói: “Không quân Trung Quốc và toàn bộ sức mạnh quân sự của nước này đã trở thành mối đe dọa lớn nhất trong số các nước mà Nga có đường biên giới chung. Nga ngăn cách với NATO bởi vùng đệm tự nhiên là Belarus và Ukraine còn với Trung Quốc thì không nên việc không quân Nga tập trung mối quan tâm chiến lược ở Viễn Đông là điều tự nhiên. Ngoài ra, Su-27 SM và Su-35 đều được chế tạo ở khu vực Viễn Đông nên việc bố trí những máy bay này ở đây có lợi cho công tác duy tu, kiểm tra. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến Nga bố trí hai loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của mình ở đây.”

Xét về tổng thể, theo tờ tạp chí, nhờ sự có mặt của Su-35, không quân Nga sẽ giành lại được quyền kiểm soát trên không ở khu vực này. Đồng thời, nhờ được trang bị rađa IRBIS với bán kính quét lên tới 400km, về cơ bản, Nga có thể thám trắc toàn bộ vùng trời hai tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm cũng như một phần vùng trời tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc./.

P.V


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)