5 năm qua nằm trong top dẫn đầu và 2 lần là “quán quân” về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đà Nẵng đã có những bước đi thích hợp đi tới thành công. Trong năm Hổ, con đường thành công của Đà Nẵng có thể còn nối dài hơn nữa, không chỉ cạnh tranh với các địa phương trong nước mà có thể đọ sức với các thành phố trên thế giới.
Thành phố Đà Nẵng
Trong kết quả xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thông qua chỉ số PCI (Provincial Competitiveness Index) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến Năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) công bố, Đà Nẵng liên tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu trong 5 năm qua và lần thứ hai vươn lên vị trí thứ nhất trong các năm 2008-2009.
Điều này đã phản ảnh những nỗ lực của thành phố về khai thác những tiềm năng, thế mạnh trong thời gian qua nhằm tạo lập môi trường kinh doanh có sức cạnh tranh cao, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và định hướng phát huy những lợi thế cạnh tranh riêng có của Đà Nẵng trong thời gian tới.
Thiên thời – địa lợi
Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ của đất nước, có vị trí chiến lược cả về kinh tế- xã hội và quốc phòng – an ninh; là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; là đầu mút trên Hành lang kinh tế Đông-Tây, với vai trò là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar.
Đà Nẵng là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, nhất là du lịch biển với gần 70 km bờ biển; đồng thời có điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trung tâm du lịch nhờ nằm giữa 6 di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) và di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản thế giới, gồm: Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn; Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là trung tâm tài chính – ngân hàng của miền Trung với trên 50 chi nhánh các ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa- thể thao, trung tâm giáo dục – đào tạo và trung tâm y tế với nhiều bệnh viện chuyên khoa, chuyên ngành có trang thiết bị y tế hiện đại.
Tạo dựng lợi thế cạnh tranh
Thành phố đã triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” từ năm 2001. Đà Nẵng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số doanh nghiệp và khắc dấu, trả kết quả tại một đầu mối duy nhất là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; còn đối với các dự án đầu tư nước ngoài (ngoài khu công nghiệp) là do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thực hiện.
Phần mềm quản lý hồ sơ, văn bản tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đang thí điểm tại 50% số phường, xã và tiến tới cài đặt tại tất cả các phường, xã trên địa bàn thành phố.
Đến nay, Đà Nẵng có trên 11.800 doanh nghiệp dân doanh, tổng vốn đăng ký đạt 28,5 ngàn tỷ đồng và 164 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 2,62 tỷ USD, trong đó: vốn thực hiện ước đạt 1,29 tỷ USD, chiếm 49,2% tổng vốn đầu tư với 96 dự án đã đi vào hoạt động, chiếm 58,5% dự án được cấp phép. Chính những thành phần kinh tế mới này đã tạo nên giá trị gia tăng mới cho kinh tế thành phố phát triển lâu dài và bền vững.
Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã nỗ lực hết mình tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thành phố được cung cấp thông tin pháp lý một cách tốt nhất thông qua những kênh thông tin: website, báo đài
Các chế độ công khai, minh bạch về hoạt động công vụ cũng được các đơn vị thực hiện nghiêm túc.
Mặt khác, trong công tác quản lý đất đai, từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết, nội dung dự án đến khung giá loại đất, kết quả kiểm định áp giá đều công khai để người dân, doanh nghiệp xem xét và góp ý.
Ngoài ra, một trong những đặc điểm khá nổi trội của Đà Nẵng là lãnh đạo thành phố thường xuyên dành thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với người dân và doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến của họ để điều chỉnh các chính sách khi cần thiết.
Bên cạnh việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Đà Nẵng là một trong những địa phương làm tốt trong công tác hỗ trợ dịch vụ công cho doanh nghiệp gồm: hỗ trợ thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến xuất khẩu và hội chợ thương mại, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, công nghệ và các dịch vụ liên quan.
Từ năm 2005, thành phố đã thực hiện việc hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực đến năm 2010. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong thời hạn ba năm; hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, 30% giá trị các hợp đồng tư vấn đổi mới công nghệ; hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký mới nhãn hiệu hàng hóa trong nước và 10 triệu đồng với nhãn hiệu đăng ký nước ngoài.
Trải thảm đỏ đón nhân tài
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thành phố đã triển khai nhiều chính sách về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trình độ học vấn của người dân thành phố Đà Nẵng tương đối cao, là một trong hai địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Hiện nay đã có 47/56 xã, phường hoàn thành phổ cập giáo dục trung học…
Đến cuối năm 2009, trên toàn địa bàn thành phố có 5 trường đại học, 9 trường cao đẳng, 48 cơ sở dạy nghề (trong đó 27 cơ sở là ngoài công lập) và các viện nghiên cứu chuyên ngành với đội ngũ cán bộ khoa học trình độ khá cao, có điều kiện trở thành trung tâm đào tạo khoa học công nghệ cho miền Trung – Tây Nguyên. Ước tính đến cuối năm 2009, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lực lượng lao động thành phố đạt 46,5%, trong đó lao động qua đào tạo nghề ước đạt 35%.
Bên cạnh các chính sách đào tạo lao động cho doanh nghiệp, thành phố cũng đẩy mạnh đào tạo lực lượng cán bộ, công chức cho khu vực công. Chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo Đề án 393 (đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài từ nguồn cán bộ, công chức), Đề án 47 (đào tạo đại học trong nước và nước ngoài từ nguồn học sinh thuộc các trường phổ thông trung học trên địa bàn thành phố) và Đề án 89 (đào tạo dự nguồn cho các chức danh cán bộ chủ chốt tại các phường, xã) là những chính sách mang tính đặc thù trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của thành phố.
Song song với chính sách đào tạo, Đà Nẵng đã ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao về công tác tại thành phố. Trong khoảng 10 năm thực hiện chính sách này, thành phố đã thu hút được 711 đối tượng, trong đó có 1 phó giáo sư, 5 tiến sĩ và 112 thạc sỹ.
Xây dựng cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh
Cùng với hệ thống sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, các tuyến đường quốc lộ 1A, 14 B, đường sắt Bắc Nam đã phát triển hoàn chỉnh và thuận lợi, Thành phố đã tập trung phát triển đồng bộ nhiều công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật làm tăng tiềm lực và cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế kết hợp với các công trình kiến trúc có quy mô lớn như Trung tâm Công nghệ phần mềm, Nhà hát Trưng Vương, Sân vận động Chi Lăng… góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tăng phúc lợi công cộng và cải thiện điều kiện sống của người dân.
Nhiều trục đường chính từ Tây sang Đông, từ Bắc vào, từ Nam ra, kết hợp với một số cầu mới qua sông Hàn, nối đôi bờ Đông- Tây, vùng ven với trung tâm thành phố, tạo nên diện mạo mới cho một không gian đô thị theo hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, Thành phố đã tích cực phối hợp, hỗ trợ thực hiện các dự án lớn của Chính phủ như mở rộng cảng và đường vào cảng Tiên Sa, xây dựng cầu Tuyên Sơn, hầm đường bộ Hải Vân… tạo giao thông thuận tiện, thuận lợi cho giao lưu buôn bán, phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, Đà Nẵng được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ vào hệ thống cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh ở Việt Nam.
Hình thành hạ tầng CNTT – Truyền thông hiện đại
Đà Nẵng là một trong ba trung tâm Bưu chính – Viễn thông chính của cả nước có trạm cập bờ cáp quang biển quốc tế SE-ME-WE 3; hạ tầng mạng viễn thông được đầu tư hiện đại với 60 đài vệ tinh phục vụ yêu cầu phát triển nhiều loại hình dịch vụ viễn thông tiên tiến, đáp ứng cao nhu cầu của khách hàng.
Nhìn chung, viễn thông Đà Nẵng hiện đang tiệm cận với trình độ phát triển, năng lực phục vụ và chất lượng mạng lưới đa dịch vụ về hạ tầng viễn thông – CNTT của các nước tiên tiến trên thế giới.
Mặt khác, Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng đã hợp tác chặt chẽ với các công ty của Ấn Độ (Aptech) và Nhật Bản (AOTS) để đào tạo lập trình viên, kỹ thuật viên và kỹ sư công nghệ thông tin đạt trình độ quốc tế. Do vậy, Đà Nẵng được xếp hạng là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông (ICT Index) năm 2009 do Ban Chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT) bình chọn.
TS. Trần Văn Minh,
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
(Theo website Nguyễn Bá Thanh)