Hiển thị các bài đăng có nhãn An ninh Quốc Phòng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn An ninh Quốc Phòng. Hiển thị tất cả bài đăng

Đà Nẵng thử nghiệm hệ thống cảnh báo sóng thần đầu tiên


Hôm nay 15/5, tại khu vực bờ biển Đà Nẵng, hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần đầu tiên ở Việt Nam đã được triển khai thử nghiệm. Trực tiếp chỉ đạo thực nghiệm có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát, lãnh đạo TP Đà Nẵng, Tập đoàn Viettel và sự tham dự của một số đơn vị quân đội đóng trên địa bàn.

 

Diễn tập sơ tán, cứu hộ

Dựa theo mô hình cảnh báo của Nhật Bản, Indonesia, hệ thống được xây dựng ban đầu này gồm 10 trạm cảnh báo sóng thần. Trong đó, 2 trạm đặt tại 2 đài trực canh Đồn biên phòng và Trung đoàn thông tin, 2 trạm cảnh báo tự động tại các Đài truyền thanh, 6 trạm bán tự động tại các xã, phường ven biển.

Hệ thống này kết nối với Hệ thống tiếp nhận thông tin – cảnh báo sóng thần từ Viện Vật lý địa cầu, sau đó chuyển tải thông tin cảnh báo đến từng vùng, từng tỉnh, thành ven biển dựa trên các phương tiện truyền trực tiếp hoặc hạ tầng viễn thông rộng khắp của mạng di động Viettel.

Sau khi thử nghiệm và vận hành tại Đà Nẵng, hệ thống sẽ được nhân rộng tại các địa phương có nguy cơ xảy ra động đất, sóng thần trên cả nước

Trong buổi thử nghiệm, các lực lượng chức năng đã diễn tập vận hành hệ thống. Kịch bản là một trận động đất 8,8 độ richter diễn ra hồi 9h55 (giờ địa phương) ở ngoài khơi phía Tây quần đảo Philippines, có khả năng gây ra sóng thần lớn ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực bờ biển Đà Nẵng.

 

Sơ đồ vận hành hệ thống cảnh báo sóng thần

Trong vòng 10 phút sau khi động đất xảy ra, tiếp nhận thông tin cảnh báo sóng thần từ Viện Vật lý địa cầu, hệ thống còi hụ, các phương tiện báo động, gây sự chú ý của người dân được vận hành.

Ngay sau đó, hệ thống phát thanh qua sóng, phát thanh trực tiếp bằng các loa công suất lớn phát đi bản tin đầu tiên với nội dung thông báo sự kiện động đất, vị trí, địa điểm và cảnh báo nguy cơ tác động, ảnh hưởng bởi sóng thần.

Đồng thời, tại các khu vực xảy ra nguy cơ sóng thần, các thuê bao điện thoại di động nhận được tin nhắn thông báo, cảnh báo.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo

Trong vòng 4-6 phút tiếp theo, sau khi được các chuyên gia tại Viện Vật lý địa cầu tính toán, bản tin số 2 được phát với nội dung đưa ra các thông tin về độ cao, tốc độ sóng thần, các khu vực có nguy cơ sóng thần ập vào. Đồng thời, đưa ra các hướng dẫn, chỉ dẫn về việc sơ tán, các biện pháp đối phó.

Sau khi sóng thần xảy ra, tác động vào bờ biển, bản tin số 3 được phát với nội dung thông báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng chống, cứu hộ hoặc báo an, trở về khỏi nơi sơ tán tùy theo mức độ ảnh hưởng của sóng thần vào bờ.

Một số đơn vị quân đội đã trực tiếp tham gia diễn tập, tiếp nhận, xử lý thông tin, tổ chức sơ tán, cứu hộ tại các điểm dân cư.

Khẩn trương hoàn thiện, trang bị hệ thống cảnh báo cho toàn quốc

Sau khi cùng các đại biểu thảo luận về các thao tác, kết quả buổi thử nghiệm hệ thống, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao kết quả ban đầu của hệ thống cảnh báo sóng thần đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế, lắp đặt và vận hành.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị hữu quan tiếp tục hoàn thiện, khẩn trương trang bị hệ thống cần thiết này tại các vùng có nguy cơ cao chịu động đất, sóng thần trên phạm vi toàn quốc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và các diễn biến ngày càng cực đoan của thiên tai. Chính phủ đặc biệt quan tâm và quán triệt tới các cấp, các ngành, tới từng người dân để đầu tư, lưu ý về công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần.

Phó Thủ tướng lưu ý các cơ quan, đơn vị hữu quan trong việc triển khai hệ thống cảnh báo sóng thần tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng thiết bị, mạng lưới thông tin và đặc biệt là quy trình vận hành, thông báo thông tin, lồng ghép với các chương trình phòng chống thiên tai để đồng bộ hóa hệ thống.

Bên cạnh đó, cần phổ biến rộng rãi, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác và kỹ năng phòng chống, cứu hộ, cứu nạn của người dân trước thảm họa sóng thần, động đất và thiên tai nói chung.

Hệ thống còi báo động, loa truyền thanh trực tiếp vừa được xây dựng

Theo dự kiến, cũng tại Đà Nẵng, đầu tháng 10 tới các cơ quan chức năng sẽ tổ chức diễn tập quy mô lớn về công tác phòng chống, cảnh báo, sơ tán dân trong trường hợp động đất, sóng thần tác động vào Đà Nẵng.

Tuy không nằm ở rìa các mảng địa chất nên ít bị tổn thương hơn nhưng trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam tồn tại hệ thống đứt gãy hoạt động phức tạp, do vậy động đất cũng thường xuyên xảy ra. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay ở khu vực phía Bắc có 2 trận động đất có độ lớn 6,7-6,8 độ richter, hàng chục trận động đất 5,1-5,5 độ richter.

Cho tới nay chưa có bằng chứng thuyết phục để khẳng định sóng thần đã ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam trong lịch sử, tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, các vùng nguồn động đất ở khu vực biển Đông và lân cận hoàn toàn có thể gây sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam.

Nguyên Linh




(Theo www.nguyenbathanh.com)

Gặp mặt truyền thống Cựu chiến binh tình báo quốc phòng


Ngày 7-5, tại thành phố Đà Nẵng, Ban liên lạc CCB Tình báo quốc phòng của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi gặp mặt truyền thống, nhân kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống của ngành Tình báo quốc phòng 1945 – 2011.

Cựu chiến binh

Gần 150 đại biểu (trong đó có hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng), nguyên là cơ sở hoạt động trong lòng địch, cán bộ, chiến sĩ tình báo ở các cấp, các đơn vị, đại diện Bộ Chỉ huy Cục 11, Quân khu 5, các đại biểu từ Hà Nội (B54), thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định đã về dự họp.

Tại cuộc gặp mặt, các CCB đã ôn lại những kỷ niệm về một thời chiến đấu oanh liệt với nhiều mất mát, hy sinh nhưng đầy tự hào vì đã gan dạ, mưu trí để thu thập thông tin của địch, phục vụ cho công cuộc giải phóng đất nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Tình báo là tai mắt của quân đội, biết rõ địch nhưng không để địch biết ta” (Thư Bác Hồ gửi Hội nghị tình báo tháng 8-1949). Qua đó, đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.

Phạm Ngọc Cừ


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tới Đà Nẵng


Ngày 7/5, Đội tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương (Liên bang Nga) cập cảng Đà Nẵng, chính thức bắt đầu chuyến thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng và giao lưu nhân kỷ niệm 66 năm ngày chiến thắng trận Stalingrad trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương cập cảng Đà Nẵng. (Ảnh: Hữu Trung)

Lễ đón chính thức được tổ chức tại Cảng Tiên Sa với sự có mặt của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam, Bộ Chỉ huy Vùng C Hải quân, Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cùng Ngài Golubev Antoy V, Phó Lãnh sự Liên bang Nga tại Đà Nẵng. 

Đội tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương thuộc biên chế của chiến hạm tàu hạng lớn chống tàu chiến “Đô đốc Vinogradov,” tàu chở dầu hạng trung “Penchega” và tàu cứu hộ “SB-522”. Tổng số thành viên trên tàu 461 sỹ quan và thủy thủ do Trung tá Hải quân Kovalev Ivan Alexandrovich, Chỉ huy đội tàu – Tổng Tham mưu chiến đoàn tàu thủy hạm đội Thái Bình Dương làm trưởng đoàn.

Chiều cùng ngày, lãnh đạo tàu đến chào xã giao lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Vùng 3 Hải quân. Trong thời gian thăm Đà Nẵng các thành viên trên tàu đã có những chuyến thăm quan các điểm di sản văn hóa thế giới tại khu vực miền Trung và thành phố Đà Nẵng, thi đấu giao hữu bóng chuyền với đội Vùng 3 Hải quân, thi đấu giao hữu bóng đá với Bộ Tư lệnh Quân khu V.

Nhân dịp này, Công ty Vietsovpetro và phía Nga tổ chức Lễ bàn giao bia tưởng niệm các quân nhân Nga đã hy sinh tại Việt Nam và Lễ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian thăm Đà Nẵng, tàu có tổ chức cho nhân dân tham quan tàu. Tàu rời Đà Nẵng vào ngày 11/5./.

Văn Sơn

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Đại biểu 54 dân tộc thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1


Sáng 18/4, Đoàn đại biểu 54 dân tộc đi thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu cho chuyến thăm dự kiến trong chín ngày, từ 18-28/4. Đoàn có gần 150 thành viên, do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Bá Trình làm trưởng đoàn, với sự tham gia của 64 đại biểu đại diện cho 54 dân tộc trong cả nước và một số đơn vị khác.

Quang cảnh lễ tiễn đoàn đại thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Trong hành trình, đoàn sẽ thăm, tặng quà và giao lưu với dân quân của tám đảo thuộc huyện đảo Trường Sa; thắp hương tượng đài liệt sỹ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ, thăm viếng chùa trên đảo, tham gia lễ tưởng niệm trên biển…

Tại Nhà giàn DK1, đoàn sẽ khảo sát thực tế và thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ nhà giàn; tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Chương trình do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải Quân lần đầu tiên tổ chức cho đoàn đại biểu 54 dân tộc đi thăm vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Vững niềm tin với Trường Sa và nhà giàn DK


“Qua chuyến công tác, mỗi chúng ta đều nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, càng thấy rõ hơn trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm biển đảo của Tổ quốc”, Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND khẳng định.

Lưu luyến phút chia tay. Ảnh: Đăng Trường.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Tổng cục XDLL CAND (18/6/1981 – 18/6/2011), được sự đồng ý của Đảng ủy CATW, lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục XDLL CAND tổ chức đoàn đại biểu gồm 62 đồng chí đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Tham gia đoàn công tác của Tổng cục XDLL CAND có đại diện Tổng cục An ninh I; đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; đại diện Quân chủng Hải quân.

Đoàn do đồng chí Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND làm Trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Cộng Hòa, Chuẩn đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân làm Phó trưởng đoàn. Tới ngày 17/4, tàu Hải quân HQ 936 cập cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại biển đảo Trường Sa và khu vực nhà giàn DK I.

Lưu luyến buổi chia tay

Con tàu Hải quân HQ 936 trở thành ngôi nhà chung với đoàn công tác suốt chặng hải trình tròn 10 ngày trên vùng biển đảo Trường Sa và nhà giàn DK I. Những ngày ở xa đất liền, môi trường sống, làm việc cùng mục tiêu, chí hướng “vì Trường Sa thân yêu” đã khiến tất cả thành viên của đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ Hải quân, thủy thủ đoàn vừa giữ nghiêm tác phong, kỷ luật điều lệnh khi làm nhiệm vụ, lại vừa thể hiện đậm nét tình cảm đồng chí, đồng đội sâu sắc trong sinh hoạt, hỗ trợ công tác. Khoảng thời gian ấy giờ trở nên nhanh hơn thường lệ và buổi chia tay, kết thúc chuyến công tác tổ chức ngay trên boong tàu với tâm trạng  lưu luyến, xao xuyến nhớ.

Đó là những phát biểu kết luận súc tích, đúc rút kết quả đạt được của chuyến công tác, khẳng định niềm tin và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của Trưởng đoàn công tác, Thiếu tướng Trần Bá Thiều; đó là những cảm xúc chân thực và lắng đọng, những suy nghĩ đầy tâm huyết của nguyên Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Thiếu tướng Trần Quang Trọng; đó là tình cảm mật thiết giữa lực lượng Hải quân với Công an nhân dân như khẳng định của Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa…

Kỷ niệm giường tầng, chiếu cói

10 ngày, chặng hải trình vượt hàng nghìn hải lý từ đất liền ra đảo, từ đảo nổi đến đảo chìm, rồi đến nhà giàn, nếu nói về điều kiện ăn nghỉ, mỗi người như sống lại thời học viên với giường tầng, chiếu cói. Do điều kiện khó khăn, mỗi phòng ngủ trên tàu có hai giường tầng với bốn chỗ nhưng ban tổ chức phải bố trí thành 7-8 người (bốn ngủ ở giường, còn lại ngủ sàn). Nhưng điều đó không khiến ai băn khoăn. Chất lính, sự giản dị và đồng cam cộng khổ, đó là cơ sở để ngay cả những cán bộ cấp cao sinh hoạt trong cảnh đó cũng thấy ấm lòng. Điều kiện sinh hoạt ấy hóa kỷ niệm thiêng liêng, thế nên có phòng 8 cán bộ đều cấp hàm đại tá mà chỉ có 2 giường tầng, còn phòng bên thì hai cán bộ cấp tướng ở cùng hai giường tầng với 5 cán bộ cấp tá, đó là điều bình dị, và những vần thơ ấm áp, lấp lánh sự lãng mạn ra đời trong bối cảnh ấy.

Buổi sáng, tiếng phát thanh “toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu” lúc 5h30 trở nên quen thuộc, tất thảy dậy làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng trên tàu và nhanh chóng xuống xuồng vào đảo. Để hiểu hơn cuộc sống, rèn luyện trên đảo của cán bộ, chiến sĩ, nhiều đêm đoàn công tác nghỉ tại đảo nổi, ngủ trên chính giường cá nhân mà người lính Hải quân vẫn sử dụng hằng ngày…

Vững niềm tin với đảo xa

Đây là chuyến thăm, làm việc chính thức đầu tiên của đoàn công tác Bộ Công an tới quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK I với sự tham gia của nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong CAND. Để thực hiện chuyến đi đặc biệt ý nghĩa này, đoàn công tác đã có sự chuẩn bị chu đáo về con người, phương tiện, kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Hải quân (Bộ Quốc phòng). Hưởng ứng hoạt động ý nghĩa hướng về Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Tổng cục và nhiều đơn vị thuộc Bộ đã dành khoản tiền trích từ tiền lương và phụ cấp, quyên góp ủng hộ cán bộ, chiến sĩ công tác tại đảo. Nhiều phần quà có ý nghĩa cũng được cán bộ, chiến sĩ và học viên các trường CAND gửi tặng.

Đoàn CBCS Tổng cục XDLL CAND tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại Trường Sa.

Đoàn công tác nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của Quân chủng Hải quân, trong đó có Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4. Đích thân Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, người có hàng chục năm lăn lộn với biển, đảo, trực tiếp đi cùng đoàn.

Trong thời gian nói trên, đoàn đã tới thăm, làm việc tại một số đảo nổi: Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Trường Sa; đảo chìm Đá Lớn, Đá Thị, Đá Tây; nhà giàn Huyền Trân, thuộc khu vực nhà giàn DK I. Với đảo chìm – nơi được xây bằng bê tông cốt thép trên nền san hô nên điều kiện sống khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Đảo Trường Sa, nơi được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”, đảo nổi lên như một pháo đài sừng sững giữa biển Đông, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 254 hải lý.

Đảo Trường Sa hôm nay là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, ngoài các đơn vị Quân đội còn có các hộ dân sinh sống, các công trình văn hóa, tâm linh như: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ, chùa. Nơi đây có trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống thủy văn quốc gia và thế giới, thường xuyên cung cấp tình hình thời tiết ở khu vực biển Đông. Đảo cũng đã xây dựng nhà khách Thủ đô, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho khách khi đến với đảo.

Qua chuyến công tác tại các đảo cho thấy đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đã được cải thiện nhiều so với trước, đáng chú ý là việc đầu tư các thiết bị về thông tin liên lạc, nghe nhìn, điện năng lượng mặt trời, điện gió. Ở bất kỳ đảo nào, cán bộ, chiến sĩ Hải quân và lực lượng liên quan cũng đều thể hiện tinh thần, bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường. Họ cũng là những người rèn rũa trong môi trường rèn luyện nghiêm khắc, thể hiện tình cảm sâu đậm với đồng chí, đồng đội, với đoàn công tác.

Như khẳng định của Thiếu tướng Trần Bá Thiều, qua chuyến công tác, mỗi chúng ta đều nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, càng thấy rõ hơn trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời càng khâm phục tinh thần khắc phục khó khăn, đoàn kết gắn bó của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng trên đảo. Mặc dù cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió vô cùng khó khăn, các chiến sĩ vẫn luôn kiên định vững vàng, tràn đầy niềm tin và luôn phát huy phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ. Chính tinh thần lạc quan, yêu đời và kỷ luật thép của những người lính đã nhân lên niềm tin trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thiếu tướng Trần Bá ThiềuKhông thể quên những tình cảm nồng ấm

Tất cả những nơi đoàn đến đều được đón nhận những tình cảm nồng ấm và sâu sắc nhất của cán bộ, chiến sĩ và quân dân trên đảo. Chúng ta không thể nào quên hình ảnh những chiến sĩ trẻ chọn những bông hoa, những con ốc đảo, những cây bàng vuông đẹp nhất tặng các thành viên đoàn công tác. Đặc biệt, chúng ta dự lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa, lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc với tình cảm thiêng liêng và xúc động. Trong chuyến công tác này, Đoàn Ca múa nhạc CAND mặc dù sau chuyến hành trình dài trên biển, các diễn viên đều bị say sóng nhưng với tình cảm và tinh thần trách nhiệm cao trước đồng đội thân yêu, các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phục vụ cán bộ và nhân dân huyện đảo Trường Sa 10 buổi biểu diễn văn nghệ…

Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quânNiềm tin chủ quyền biển đảo

Đây là đoàn công tác đầu tiên của Bộ Công an tới Trường Sa, tham gia đoàn có nhiều tướng lĩnh, cán bộ cấp cao trong CAND, điều đó thể hiện tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của lực lượng Công an. Đến với Trường Sa, tôi nghĩ rằng mỗi người đều trở về với niềm tin mãnh liệt, đó là niềm tin vào chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tin vào cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở hải đảo, tin vào bản lĩnh, ý chí và sức lực của chúng ta. Qua chuyến công tác càng khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Công an và Quân đội, trong đó có lực lượng Hải quân. Cũng phải nói rằng, chuyến đi này thời tiết thực sự ủng hộ. Từ đầu năm 2011 tới nay đã có 6 đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo nhưng cả 6 đoàn đều không thể lên nhà giàn DK I do sóng lớn, riêng đoàn của ta là thứ bảy đã thực hiện được nhiệm vụ thiêng liêng đó.

Thiếu tướng Trần Quang Trọng, nguyên Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CANDNơi gian khó nhất là nơi rèn luyện tốt nhất

Đây là lần đầu tiên tôi được đến với Trường Sa. Khi ra đảo, các đồng chí Hải quân nói với tôi rằng giờ điều kiện nước sinh hoạt khá phong phú, đoàn công tác tắm giặt theo nhu cầu. Nhưng tôi nghĩ, có thể vì chúng tôi là sĩ quan cấp tướng nên các anh muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất để chúng tôi không ái ngại, không vất vả. Tôi hiểu điều đó nên đến đảo nào mình cũng có ý thức tiết kiệm từng âu nước. Hôm ở đảo Sinh Tồn Đông, 3h sáng thức dậy, tôi bước ra hành lang. Tôi thấy một chiến sĩ vừa đi gác về, anh dùng một chậu nhỏ và đổ ít nước vừa đủ để vắt khăn lau người. Hành động đó khiến tôi rưng rưng nước mắt. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất vất vả, hết lòng vì Tổ quốc, trong khi cuộc sống hôm nay nhiều bạn trẻ ở đất liền đang theo đuổi lợi ích riêng mình. Bởi thế, sự cống hiến của họ rất đáng khâm phục. Họ cũng là những người rất giàu tình cảm. Quả thực, nơi gian khó nhất là nơi rèn luyện tốt nhất.

Đăng Trường

 


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng: “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc”


Chiều 7-4, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị triển khai công tác của Ban chỉ đạo biển – đảo và xây dựng, quản lý bảo vệ khu vực biên giới thành phố Đà Nẵng năm 2011.

Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng tuần tra bảo vệ an ninh trên biển.

Theo Đại tá Dương Đề Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, từ tháng 10-2010 đến nay, trên vùng biển Đà Nẵng đã xảy ra 42 vụ việc. Trong đó, có 16 tàu vận tải và tàu đánh cá ngư dân bị chìm, hư hỏng, khiến 12 người chết, 3 người bị mất tích; đứt trôi gần 4.000 mét lưới, dây neo các loại… thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tai nạn lao động trong khi hành nghề, bất cẩn trong điều khiển phương tiện, thiếu thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải và chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy chưa nghiêm…

Khi xảy ra các vụ việc trên, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đều tiếp nhận nguồn tin và kịp thời xử lý. Các lực lượng, phương tiện của Biên phòng Đà Nẵng đã kịp thời cứu hộ cứu nạn 30 ngư dân, hướng dẫn trên 2.000 phương tiện tàu thuyền tránh bão, cứu kéo 236 phương tiện đánh bắt của ngư dân đến vị trí an toàn…

Trao kỷ niệm chương cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Trong thời gian tới, bộ đội biên phòng sẽ đề nghị với trên triển khai lực lượng chuyên trách, có các phương tiện và trang bị hiện đại đủ sức thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, giám sát việc thi hành pháp luật trên biển; phát hiện, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các hành vi phạm pháp, ứng phó hiệu quả các sự cố mất an toàn về tính mạng, tài sản, tài nguyên và môi trường trên vùng biển và thềm lục địa được phân công.

Tại hội nghị, 29 cá nhân xuất sắc đã được trao kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc”.

Tin, ảnh: Tùng Lâm


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Quần đảo Trường Sa công viên xanh giữa biển cả


Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa giờ đây đã mang diện mạo mới. Đoàn công tác của Bộ Công an lên thăm các đảo nổi như Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Trường Sa, Trường Sa Đông đều cảm nhận không gian sạch đẹp, trong đó nhiều đảo được ví như công viên xanh giữa biển cả.

Tiếp tục chuyến thăm và kiểm tra công tác tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đoàn công tác của Bộ Công an đánh giá cao tinh thần, ý chí vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, đồng thời khẳng định lực lượng CAND luôn sát cánh, phối hợp lực lượng Quân đội, trong đó có Hải quân thực hiện nhiệm vụ cao cả trên vùng biển đảo chủ quyền của Tổ quốc.

Những câu chuyện về tình đồng chí trên đảo

Thiếu úy Lê Văn Nam bồng súng hướng về phía biển. Biển đêm thẳm sâu. Trăng đầu tháng chếch hình lưỡi liềm, sóng sánh như cánh én đuôi vàng chao vào vùng biển lặng đảo Sơn Ca. Thiếu úy Nam thực hiện ca gác lúc 20h, khi văn công đang biểu diễn ở đảo. Điều đặc biệt, đó là ca gác thay cho đồng đội ít tuổi hơn, vốn đã lỡ hẹn đêm diễn trước đó. Hơn 30 tuổi, 12 năm trong Quân đội, anh có tới 7 năm tri kỷ với đảo nổi, đảo chìm: Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử, Đá Đông, Đá Thị, Len Đao…

Ca sĩ Thanh Tâm “cháy” hết mình với lính đảo Trường Sa.

“Nhà 5 anh chị em. Có lần về phép da đen nhẻm, mẹ bán ổ lợn nhét tiền vào ba lô, bảo tôi bồi dưỡng. Tôi khóc, bởi tôi hiểu nhà có hai sào ruộng mà nuôi bảy cái miệng ăn, đã bao giờ mẹ được bữa no. Nghèo khó thì mình càng phải phấn đấu, phải nỗ lực, xứng danh với lính đảo Trường Sa” – anh tâm sự.

Còn tại đảo Sinh Tồn Đông, đêm văn nghệ lại có ấn tượng rất riêng. Khi văn công đang sôi động với dàn âm nhạc mạnh, tôi bước về phía bờ cát, nơi cây phong ba rợp bóng. Thiếu úy Đặng Quang Huy, khẩu đội trưởng pháo binh làm nhiệm vụ trực đêm. Trang phục và tác phong nghiêm trang, anh vừa chứng tỏ sự chính quy, sức mạnh của lực lượng, vừa toát lên nét đẹp và lãng mạn của người lính giữa đảo khơi, giữa mây trời, trăng khuya, gió biển.

Ít thể ngờ rằng, chỉ hơn mười phút sau khi thay ca gác, anh đã là diễn viên biểu diễn ngay trong đêm văn nghệ và trong trang phục người lính còn đẫm mồ hôi. Đảo trưởng Nguyễn Văn Thọ thổ lộ, những người lính đảo rất đa năng, họ nghiêm túc trong chấp hành kỷ luật, sẵn sàng trong trực chiến, lại vừa làm anh nuôi, vừa say mê thể dục thể thao, âm nhạc…

Quyến luyến nghĩa tình đất liền – hải đảo

Quả thực, có đi tới những nơi đầu sóng ngọn gió, người ta mới thấu hiểu tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng, mới hiểu đúng nghĩa nhất của lòng tri kỷ. Đây là lần đầu tiên đoàn nghệ thuật CAND thực hiện cuộc hải trình đến với Trường Sa, tất thảy đều khao khát được cống hiến. Ca sĩ Thanh Tâm có nhiều năm đem lời ca tiếng hát về các bản làng miền núi vùng cao, vùng xa thì nay đến với đảo, chị lại nghẹn lòng trước những tình cảm rất riêng, rất lính, rất biển. Chị nói, không gian ấy, tình cảm ấy chẳng thể lẫn với bất cứ nơi nào khác, cũng như chẳng ở đâu có những thứ quà tặng độc đáo như hình ảnh anh lính mang áo sóng biển xanh chạy vội lên sân khấu tặng chị một đoá bàng vuông, nhưng lại ngập ngừng không thể bước xuống.

Biểu diễn ở đảo Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Trường Sa lớn, Thanh Tâm và tốp ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ múa CAND đã có những đêm cháy hết mình với niềm say mê khát khao tuổi trẻ giữa trùng khơi. Bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt và hải trình đầy sóng gió, những nữ diễn viên trẻ như Thu Hoài, Thu Huyền, Huyền Trang, Linh Tâm… vừa lả đi vì say sóng, lắc lư khi xuống xuồng thì chốc lát đã sống động trong bầu không khí sum vầy cùng anh em lính đảo ở đảo chìm Đá Thị, Đá Lớn. Những đêm văn nghệ ở đảo còn là sự đồng âm đồng nhạc của cán bộ, chiến sĩ Công an và Hải quân, hòa chung âm điệu “nối vòng tay lớn”. Hôm diễn ở đảo Trường Sa Đông, bất ngờ trời đổ mưa to, lính đảo ví đó là sự “làm nũng” của ông trời nên không có gì phải ngại, đêm diễn vẫn tiếp tục.

Đảo đổi mới đi lên cùng đất nước

Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa giờ đây đã mang diện mạo mới. Đoàn công tác của Bộ Công an lên thăm các đảo nổi như Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Trường Sa, Trường Sa Đông đều cảm nhận không gian sạch đẹp, trong đó nhiều đảo được ví như công viên xanh giữa biển cả. Trên đảo, các cơ sở hạ tầng phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã được nâng cấp khá hiện đại. Ngoài nhà cửa khang trang, đường đi lối lại đổ bê tông sạch đẹp, giờ đây các đảo đều đã có hệ thống điện mặt trời và điện gió, mạng Internet và sóng điện thoại di động.

Ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu như mưa bão, khi hệ thống điện từ năng lượng mặt trời ngừng hoạt động thì năng lượng điện gió cũng đủ cung cấp ở mức nhất định cho đảo. Các bể chứa nước mưa nhiều đảo có thể dự trữ trong nhiều tháng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Với đảo chìm, tuy không có không gian như đảo nổi nhưng cơ sở, thiết bị phục vụ sinh hoạt cũng được nâng cấp cơ bản.

Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng Biên tập trao quà của Báo CAND tặng cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca.

Với không gian xanh trên đảo thực sự tạo vẻ đẹp riêng có. Nổi bật trong số đó là đảo Sơn Ca, Trường Sa Đông với các loài cây xanh rợp bóng như bàng vuông, phong ba, bão táp, bạch dương… Loài muống biển chỉ nở hoa vào mỗi sáng còn dây và lá lại cuộn dưới những tán phong ba dẻo dai, trong khi bàng vuông chỉ nở về đêm. Lính đảo nói rằng, hương của bàng vuông diệu kỳ lắm, vừa dịu nhẹ cứ vương vấn trong gió, trong sương, đến độ người nỡ hái hoa khi rời đảo cứ dùng dằng, dùng dằng.

Đảo trưởng Nguyễn Thế Lự kể, sau giải phóng khi chúng ta xây dựng, tu bổ lại đảo, tại đây có rất nhiều chim sơn ca. Chúng làm tổ, chim mẹ, chim con sống thành đàn có tới hàng vạn con. Sơn ca nhiều đến mức, lớp phân và mùn của cây, rễ tại đó dày tới hơn gang tay. Theo thời gian, sơn ca thưa dần, nhưng vài năm lại đây, những đôi sơn ca dường như nhớ đảo cũ, chúng lại trở về. Với các đảo Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Trường Sa lớn…, mùa chim di cư, đảo vẫn là điểm hẹn của rất nhiều loài chim biển, trong đó có những chim di cư từ Ấn Độ Dương.

Niềm tin vững chắc

Kiểm tra công tác tại các đảo, các đồng chí trong Đoàn công tác: Thiếu tướng Trần Bá Thiều – Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND và đồng chí Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa – Phó Chính uỷ Quân chủng Hải quân bày tỏ sự tin tưởng trước ý chí, tinh thần rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Các đồng chí khẳng định, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã chứng tỏ rằng, trước bất kỳ khó khăn, thách thức nào cũng đều phát huy truyền thống anh hùng, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng chính trong môi trường, điều kiện sống và làm việc tại hải đảo, cán bộ, chiến sĩ càng chứng tỏ tình đồng chí, đồng đội sâu sắc, tinh thần đoàn kết và cộng lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trò chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ tại các đảo, Thiếu tướng Trần Bá Thiều cho rằng, rất nhiều việc làm, hành động cao cả được khẳng định trong môi trường sống và làm việc ở đảo xa, đó là điều đất liền cần học tập.

Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, học viện, trường CAND. Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát cho hay, Học viện đã hoàn tất các phần việc trong vai trò chủ trì hội thảo khoa học cấp Bộ về chủ đề đấu tranh giữ vững an ninh – trật tự trên biển. Vừa qua Học viện cũng tổ chức cho một số cán bộ và sinh viên tham gia đoàn công tác của Bộ Quốc phòng tới Trường Sa nhằm trang bị thêm những vấn đề thực tiễn và giáo dục lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền đất nước trong cán bộ, học viên.

Theo Thượng tá Tạ Quang Huy, Trưởng ban Công tác Thanh niên Bộ Công an, các đợt sinh hoạt chính trị, giáo dục lòng yêu nước, chủ quyền biển đảo trong thanh niên CAND đã được triển khai rộng khắp nhiều năm qua. Gần đây, các hoạt động hướng về Trường Sa luôn được thanh niên Công an chú trọng, nhiều hình thức phong phú được phát động như cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” do TW Đoàn phát động, sinh hoạt chính trị, nói chuyện về biển đảo, về Trường Sa.

Nhân dịp tham gia đoàn công tác của Bộ Công an tới thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng Biên tập và Thượng tá Nguyễn Thị Hiển, Trưởng ban Trị sự đã trực tiếp trao, tặng quà của Báo CAND cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên các đảo thuộc Trường Sa. Cùng thăm và tặng quà (ngoài phần quà chính của Tổng cục XDLL CAND) còn có các phần quà của Tổng cục An ninh I, Ban Thanh niên Bộ Công an và một số đơn vị khác.

Đăng Trường (email từ Trường Sa)


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Đà Nẵng gắn chủ quyền an ninh biên giới với phát triển kinh tế biển


Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại, là một thành phố trẻ phát triển nhanh theo hướng bền vững.

Đại tá Nguyễn Quốc Bình đón ngư dân gặp nạn trên biển được tàu Biên phòng cứu nạn vào ngày 25-1-2011. Ảnh: BÁ VĨNH

Tuy nhiên, do tác động nhiều mặt của tình hình thế giới, khu vực và trong nước nên thành phố nói chung và khu vực biên giới biển nói riêng còn tồn tại và nảy sinh nhiều phức tạp mới, có tác động ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế biển của thành phố. Đáng chú ý là hoạt động xâm phạm chủ quyền của tàu thuyền nước ngoài; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; buôn bán, sử dụng chất nổ, xung điện khai thác thủy hải sản làm hủy hoại môi trường sinh thái biển; những lợi thế về biển chưa được nhận thức, khai thác và phát huy tốt; những tai nạn rủi ro do thiên tai bão lũ diễn ra thường xuyên và có thời điểm hết sức khốc liệt gây thiệt hại về người và tài sản của ngư dân.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố đã nghiên cứu quán triệt và cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, tập trung lãnh đạo đổi mới toàn diện các mặt công tác biên phòng, trước hết là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế, nâng cao chất lượng huấn luyện và xây dựng đơn vị chính quy, chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật; gắn xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng TSVM với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CBCS; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng và cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của nền Biên phòng toàn dân, nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh trật tự khu vực biên giới biển và có nhiều đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển của thành phố… được lãnh đạo thành phố đánh giá cao và được nhân dân ghi nhận, tin yêu.

Phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, thông qua hoạt động thực hiện công tác Biên phòng và xây dựng lực lượng, nhất là thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Thành ủy, HĐND, UBND… cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố đã nêu cao trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, có nhiều đóng góp to lớn hơn để thực hiện tốt một trong những định hướng quan trọng của thành phố là chú trọng phát triển kinh tế biển. BĐBP thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng, thông qua triển khai thi hành Luật Biên giới quốc gia, các nghị định, chỉ thị của Chính phủ và của thành phố, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao thêm một bước nhận thức về biển, về vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo và thực trạng tình hình biển đảo hiện nay, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và pháp luật liên quan đến biên giới biển, đảo trong tình hình mới cho quần chúng nhân dân, để nhân dân có nhận thức tốt hơn, đúng hơn, đầy đủ hơn về vấn đề biển, đảo và phát triển kinh tế biển, nhất là ngư dân ở khu vực biên giới biển.

Tăng cường công tác nắm tình hình trên khu vực biên giới biển, nhất là công tác dự báo về âm mưu, chủ trương của các nước láng giềng, những âm mưu, thủ đoạn từ xa của các thế lực thù địch đối với biển Đông, về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài, về thời tiết khí hậu… để kịp thời thông báo cho ngư dân, làm tốt vai trò nòng cốt và tổ chức cho ngư dân xử lý các tình huống xấu xảy ra trên biển trên nguyên tắc “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, nhưng phải mềm dẻo, khôn khéo, lấy phòng ngừa, xua đuổi là chính, không gây căng thẳng, đối đầu, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại…” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, rủi ro về tài sản, tính mạng của nhân dân khi hoạt động trên biển.

Trên cơ sở coi trọng và thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện, gắn với việc kiểm tra, kiểm soát có trọng điểm người và phương tiện ra vào hoạt động trên biển trên cả ba lĩnh vực an ninh trật tự, trang bị kỹ thuật tàu thuyền và thiết bị an toàn khi đi biển. Liên tục tổ chức các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống có hiệu quả với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán sử dụng các chất ma túy, sử dụng chất nổ, hóa chất, xung điện đánh bắt hải sản trên biển để bảo vệ môi trường nguồn lợi biển, tạo ra điều kiện và môi trường, bình yên để ngư dân an tâm bám biển phát triển kinh tế.

Chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, lực lượng, phương tiện và tích cực hỗ trợ các dịch vụ như cung cấp thông tin về ngư trường cho ngư dân, đào tạo kỹ thuật về tàu thuyền. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan bảo đảm an ninh trật tự khu vực cảng cá mới Thọ Quang theo chỉ đạo của UBND thành phố, góp phần phục vụ việc phát triển kinh tế biển của thành phố.

Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các quận, huyện và các ngành có liên quan tiến hành khảo sát toàn diện về lực lượng, phương tiện để xây dựng các tổ, đội đánh cá, nhất là các phương tiện đánh bắt xa bờ, lực lượng tàu cá của Đà Nẵng tham gia trong vùng đánh cá chung.

Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xây dựng đề án kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh trên biển, xây dựng lực lượng nòng cốt trong ngư dân, nhất là lực lượng dân quân trên biển; coi trọng nếp sống có văn hóa trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trong giao tiếp với nhân dân theo hướng tất cả vì sự bình yên trên khu vực biên giới biển, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp về một thành phố an toàn, thân thiện, hội nhập và phát triển.

Đại tá NGUYỄN QUỐC BÌNH

Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Mang quà TẾT ra với đảo


Vượt hơn 300 hải lý, những ngày cuối năm Canh Dần, tàu HQ-628 rời quân cảng Đà Nẵng trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, biển động mạnh, gió cấp 6, cấp 7, lãnh đạo Vùng C Hải quân ra thăm, tặng quà Tết các cán bộ và chiến sĩ hai đảo tiền tiêu Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Giới thiệu chùm ảnh của tác giả THANH LỘC

Chuyển hàng Tết lên tàu HQ-628 ra thăm bộ đội hai đảo tiền tiêu của Tổ quốc Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Cồn Cỏ (Quảng Trị).
Bảo dưỡng ‘’cánh sóng ‘’ ngày Xuân của Trạm ra-đa 550 trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Một ca trực của cán bộ, chiến sĩ ở lại đảo ăn Tết tại Trạm ra-đa 540 trên đảo Cồn Cỏ.
Thăm, tặng quà Tết bộ đội Hải quân đóng quân trên đảo Cồn Cỏ.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Hải Quân đón Xuân sớm trên đảo


Năm nào cũng vậy, bước vào dịp tháng chạp, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng C Hải quân lại mang không khí Tết sớm đến với lính hải quân tại 2 huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) và Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).


Trung tuần tháng 1, tàu HQ 628 chở đoàn lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng C Hải quân và các phóng viên, nhà báo mang quà ra thăm, chúc Tết tại 2 đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn. Trong điều kiện sóng to, gió cấp 6 cấp 7, tàu HQ 628 phải mất gần 20 giờ mới đưa đoàn cập cảng huyện đảo Cồn Cỏ.

Mang quà ra hải đảo.

Khác hẳn mọi ngày, hôm đó đảo Cồn Cỏ rực rỡ với đủ cờ hoa, băng rôn mừng Đảng, mừng Xuân. Sau gần 1 giờ đồng hồ đi viếng nghĩa trang, thăm, chúc Tết Huyện ủy, UBND huyện và các lực lượng vũ trang, đoàn công tác trở về Trạm ra-đa 540 thuộc Tiểu đoàn 351, Vùng C Hải quân. Gặp chúng tôi, Trung úy Nguyễn Ngọc Thái, quyền Trạm trưởng chia sẻ: Đêm qua, cả trạm không một CBCS nào chợp mắt; bộ phận trực ra-đa suốt đêm theo dõi, dẫn tàu; số anh em còn lại thao thức đợi chờ trời sáng để đón đoàn, mừng Xuân.
Sau những cái bắt tay chúc mừng, Đại tá Lê Thanh Vân, Phó Tư lệnh Vùng C đã biểu dương tinh thần và trách nhiệm của mỗi CBCS của trạm. Dù gặp nhiều khó khăn, cách trở về điều kiện sống, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, song mỗi CBCS của trạm đã phấn đấu, vượt qua và giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên đảo, kịp thời phát hiện những vấn đề trên biển, thông báo lên cấp trên xử lý một cách nhanh chóng, an toàn. Ngoài công tác chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn làm tốt việc tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện đời sống.


Những lời chia sẻ, động viên của đồng chí Phó Tư lệnh vùng như truyền thêm lửa cho mỗi người lính. CBCS toàn đơn vị đã hứa quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt tăng cường nâng cao cảnh giác trong dịp Tết này. Và, tuy chưa đến Tết nhưng một buổi tiệc liên hoan đón Xuân sớm giữa những người lính đảo và những người từ đất liền ra đã diễn ra đầm ấm… Qua đó, động viên tinh thần CBCS đơn vị trong việc canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đoàn rời đảo trong nỗi luyến tiếc giữa người ở người đi. Chúng tôi hẹn năm sau lại mang Xuân đến cho các anh.


Tàu HQ 628 chở đoàn công tác khuất dần đảo Cồn Cỏ. Hơn 20 giờ vượt sóng, đoàn đã cập cảng huyện đảo Lý Sơn.


Sau khi mang những món quà Tết của đất liền trao tặng cho quân và dân trên đảo, đoàn công tác tổ chức đón Tết tại Trạm ra-đa 550. Những cái bắt tay, những giây phút xúc động của các chiến sĩ trẻ khi gặp lại người thân, đồng đội ở đất liền khiến không khí trở nên ấm nồng. Một số chiến sĩ phục vụ có thời hạn tâm sự: Tâm trạng bọn em lúc này thật khó tả. Đây là cái Tết đầu tiên bọn em xa quê, không được đón xuân cùng ông bà, cha mẹ, bạn bè. Dẫu buồn nhưng chúng em nhận thức được nhiệm vụ bảo vệ biển đảo là hết sức thiêng liêng. Được sự quan tâm của đơn vị, chúng em quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hôm nay, đoàn công tác tận đất liền đã đến thăm, trao quà Tết, bọn em rất vui. Lâu lắm rồi mới được nghe “mùi” đất liền!


Tối hôm ấy, đơn vị đã tổ chức một bữa tiệc đón Tết cổ truyền hết sức ý nghĩa với đầy đủ rượu, thịt, bánh chưng; cán bộ, quân dân trên đảo tham gia đông đủ. Không khí Tết diễn ra rất đầm ấm, mọi người tranh nhau hát những bài hát chào đón mùa xuân. Những lời chúc tốt đẹp, những lời động viên cho một năm mới được trao nhau; lãnh đạo vùng dặn dò ân cần các chiến sĩ ra-đa trong công tác canh giữ biển, trời quê hương…


Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Xuân Huyện, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết: Năm 2010, CBCS Trạm ra-đa 550 đã hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, thực hiện nhiều đợt cứu hộ cứu nạn cho hàng chục phương tiện của ngư dân bị nạn trên biển; giúp đỡ đời sống kinh tế cho nhân dân. Qua đó, góp phần để cán bộ và nhân dân huyện đảo Lý Sơn hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng.


Đoàn công tác chúng tôi chia tay cán bộ, nhân dân đảo Lý Sơn, chia tay cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 550 trong sự bùi ngùi, xúc động. Thêm một cái Tết nữa đến sớm với chiến sĩ hải quân trên đảo đã động viên, khích lệ tinh thần, giúp các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.


Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)