Hiển thị các bài đăng có nhãn an ninh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn an ninh. Hiển thị tất cả bài đăng

Con đường Nam quốc sơn hà Kỳ 3: Khi bộ đội thời bình hóa “Bộ đội Trường Sơn”


Kỳ 3: Khi bộ đội thời bình hóa “Bộ đội Trường Sơn”

Trên đường tuần tra biên giới đang mở, bên cạnh mái đầu hoa râm của những người lính từng mở đường trong những năm chống Mỹ, hầu hết là những gương mặt trẻ. Họ đã lớn lên như lửa thử vàng, như “rõ mình” hơn ở nơi còn in bóng dáng một thời thế hệ cha anh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…

Những vùng đất “đệ nhất khổ”

Chỉ nhìn nước da đen sạm, bộ quân phục loang lổ vết muối mồ hôi trong cái nắng bỏng rát Tây Nguyên cũng đủ biết Thượng úy Đặng Văn Tuấn, 33 tuổi, quê Hải Phòng, chỉ huy trưởng công trường Công ty 145 (Binh đoàn 12) tại xã Đắc Long, huyện Đắc Glây (Kon Tum) phải lăn lộn với con đường này ra sao. Đã bốn năm rồi, anh và đồng đội mở núi để làm đường trên bình độ 1500m. Chỉ có 8km đường mà họ đã phải đào tới hơn 1,2 triệu mét khối đất đá trong 2 năm qua. Về thăm vợ vừa sinh đứa con đầu lòng được 3 ngày thì Tuấn khoác ba lô vào Kon Tum nhận nhiệm vụ. Anh đã có tới hai lần thoát chết trong gang tấc. Lần đầu đi nhận tuyến, cả nhóm như đàn khỉ leo lên vách đá cheo leo. “Rắc”, mỏm đá Tuấn bám trượt vỡ, anh lăn xuống, nghĩ mình chắc chết thì may bám vào được một dây leo. Lần khác, Tuấn ở lại trực Tết trên công trường năm 2009. Chiều mồng 2 Tết, xa nhà, buồn tê tái, anh em rủ nhau ra làm… khai xuân và cũng để vơi đi nỗi buồn. Tuấn cùng cậu Hiệp lên đỉnh dốc nổ mìn phá đá. Hai anh em đã đào một công sự ẩn nấp. “Ầm”, “ục, ục, ục”, đá từ trên đỉnh lũ lượt lăn xuống. “Chạy mau”, Tuấn chỉ vội hét lên rồi kéo Hiệp nhảy khỏi công sự. Cả hai nhanh trí nhìn thấy cái máy đào đỗ gần đó, vội vàng chui vào gầu máy lánh nạn. “Binh!” – tảng đá khổng lồ lao thẳng đè lên gầu máy đào rồi khựng lại. Suốt chiều hôm ấy, anh em đào bới mới đẩy được đá, cứu hai người ra. Nếu không có cái máy đào, có lẽ cả hai đã tan xương nát thịt.

nguyen ba thanh

Bữa cơm của công nhân trẻ tại Kon Tum trong những ngày mưa thiếu thực phẩm. Ảnh: Nguyên Minh.

28 tuổi, Trung úy Phạm Văn Tuấn là phó giám đốc xí nghiệp trẻ nhất của Công ty xây dựng Lũng Lô. Ngày 1-6-2009, Tuấn vừa nhận quyết định bổ nhiệm chức phó giám đốc thì nhận lệnh gói ghém ba lô đi làm đường tuần tra biên giới. Nhanh đến mức, anh cũng chưa biết con đường này nó hình thù ngang dọc ra sao. Và rồi, nơi anh tới là một xứ “khỉ ho cò gáy”: Gói thầu ở Đắc Sú (Kon Tum) sát biên giới nước bạn Cam-pu-chia. Đường vào tuyến không có, phải nhờ nước bạn, làm một con đường công vụ 15km để đưa vật liệu, xăng, dầu vào. Nhưng đường công vụ cũng dốc dựng đứng, mọi thứ lại phải tập kết ở đầu đường, rồi dùng xe ủi ra “cõng” từng thứ. Tiếng là phó giám đốc, nhưng Tuấn chủ yếu đi bộ, đi xe máy, họa hoằn đường tốt mới được ngồi xe u-oát mà có lẽ tuổi đời của nó còn lớn hơn cả tuổi Tuấn.

Chỉ có trên đường tuần tra biên giới

Ăn khổ, ở khổ, ngày nào cũng dãi dầu cái nắng như thiêu nên khi gặp dòng suối nước trong vắt, cánh lính trẻ Công ty Đồng Tân (Quân khu 7), đang thi công tuyến đường ở nam sông Ia Đrăng, huyện Chư Prông (Gia Lai) sướng “phát điên”. Chiều muộn, cậu Nam, kỹ sư cầu đường rủ cậu Hùng, cán bộ vật tư đi tắm, thì thầm bảo nhau: “Cuối tuần về thăm nàng, người ngợm phải “tươm tươm” tý. Lính thì phải “tráng”, lại giữa rừng già, chẳng một bóng phụ nữ, tội gì không… tắm tiên. Hai chàng nhảy xuống suối, hí hửng vẫy vùng.

“Cứu… cứu… em”… “Cứu em”!

Những tiếng kêu thảng thốt khiến anh Dũng, chỉ huy trưởng công trường cùng anh em đang ăn cơm quẳng bát đũa chạy ra. Trên bờ suối, hai chàng trần như nhộng, tay tóm chặt chỗ kín nhảy tưng tưng, mặt còn lộ vẻ kinh hoàng, máu tuôn ra đỏ lòm cả bàn tay.

- Chúng mày bị làm sao thế?

- Các anh ơi! Con gì nó đớp, đớp… ấy chúng em!

- Chết! Đớp mất rồi à, có còn tý nào không? Quân y đâu?

Quân y chạy ra, nhưng không tài nào cầm máu được. May mà “phần quan trọng” của hai chàng vẫn còn, chỉ bị thương. Anh em vội vàng đưa hai chàng lên cáng, phủ chăn, chạy bộ ra Trung tâm y tế gần đó. Bác sĩ cho biết, họ đã bị cá cóc, một loài cá rất độc ở vùng Ia Đrăng cắn vào hạ bộ. Loài cá này khi chết phình to như quả bóng, con vật nào ăn phải nó cũng chết luôn. Nó cắn ai thì cầm máu rất khó, nếu không có thuốc đặc trị có thể mất máu mà chết. Hùng và Nam thoát nạn. Từ ấy, anh em chấp nhận là những kẻ “kém tắm”, không ai dám bén mảng tới bờ suối nọ.

nguyen ba thanh

Cán bộ chiến sĩ đơn vị công binh H8 (Quân chủng Phòng không – Không quân) thường treo hàng loạt điện thoại di động trên dây phơi để đón “sóng rơi, sóng vãi”. Ảnh: Nguyên Minh.

“Làm giám đốc không cần phải biết nấu cơm” – Trung tá Đỗ Quang Tiến, Giám đốc xí nghiệp 9 (Công ty 319) giờ đây đã phải ân hận vì quan niệm này. Năm 2008, anh vào chỉ huy làm đường bên bờ sông Sa Thầy, tỉnh Gia Lai, khí thế bừng bừng. Được một tháng, công việc đang ngon ăn thì 5, 10, 15, 20 rồi đến… 50 anh chàng to như trâu mộng cứ thế lăn đùng ra sốt rét. Quân y, thủ kho, rồi cấp dưỡng sốt rét hết. Chỉ còn mình Tiến phải vào bếp nấu ăn phục vụ mấy… “ông trẻ”. Khổ thân anh, từ bé đến giờ chưa một lần… cầm dao, phải vừa vào bếp, vừa ra giường hỏi mấy chú em đang rên hừ hừ cách chế biến. Sau đợt ấy, anh em gọi đùa gói thầu đồn 721 là gói thầu “bảy hai sốt”.

Đoàn cán bộ của Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng đi khảo sát tại Bù Gia Mập thì bất ngờ chạm trán một đàn voi rừng. Con voi đầu đàn rất hung dữ, xông thẳng tới đoàn. Trước tình huống nguy cấp ấy, Lê Văn Ngọc, chàng trai trẻ nhất đã nhanh trí ra hiệu cho mọi người ngồi xuống nấp. Riêng cậu thì dũng cảm chạy sang hướng khác gây sự chú ý của đàn voi, giúp mọi người an toàn.

Mùa mưa, đường vào tuyến nhão nhoẹt, khi vào công trường, bạn sẽ bắt gặp những chiếc xe máy nom vô cùng quái dị. Bánh xe được quấn thêm một lớp xích xe đạp chằng chịt để tăng độ bám. Bộ đội làm đường nhìn như chàng Đông-ki-sốt, đánh vật với chiếc xe như con ngựa bất kham vùng vẫy giữa dòng sông bùn. Đó cũng là phương tiện giao thông duy nhất tồn tại được trong mùa mưa.

Xác ô tô, xác xe máy cũng ngổn ngang dọc các cung đường. Mới có mấy năm ra quân, nhưng đã có tới hàng chục ô tô, xe máy thành sắt vụn vì gặp sự cố hoặc hỏng hóc do đường quá xấu.

Đến doanh trại của Lữ đoàn 28, Công ty 319, 789 và nhiều nơi khác, chúng tôi bắt gặp những chiếc điện thoại di động treo lơ lửng trên cành cây hay dây thép trước hiên nhà. Anh em đã dò tìm, nơi ấy, chỗ ấy có “sóng rơi, sóng vãi” của Viettel. May mắn hôm nào trời quang mây tạnh, sóng khỏe thì lõm bõm đàm thoại được dăm ba câu. Còn bình thường, điện thoại cứ treo đó, tin nhắn sẵn rồi, khi có sóng thì máy tự gửi đi!

Báo chí là thứ quý hiếm, anh em đọc đến nát nhàu. Thượng úy Nguyễn Xuân Hưng, Công ty 789 kể, có hôm vào thăm anh em, mua ít thịt chó cho anh em cải thiện. Thịt chó gói giấy báo, lấy thịt ra rồi, cánh lính trẻ phơi báo cho khô, rồi vuốt thẳng để đọc cho đỡ phí!

Chó là con vật được nuôi khá nhiều trên các tuyến đường. Chúng vừa đuổi rắn, vừa canh trộm. Anh em hầu như không bao giờ giết chó mình nuôi mà có khi còn được chúng… nuôi lại. Như con chó của kỹ sư Cường ở công ty 789 từng lập công khi phát hiện một con lợn rừng bị thương xuống suối uống nước. Anh em nhờ thế được… “một bữa no”!

Niềm tin, trăn trở và kỳ vọng

Đường tuần tra biên giới đã thực sự là nơi “lửa thử vàng”, có khá nhiều kỹ sư trẻ đã trở thành lãnh đạo các xí nghiệp mạnh. Cũng đã có rất nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân, chiến sĩ… được đứng trong hàng ngũ của Đảng từ công trường gian khổ này. Theo Đại tá Nguyễn Công Linh, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án 47, mỗi năm có tới hàng chục bạn trẻ được các chi bộ đội sản xuất, trung đội, đại đội công binh đề nghị kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, có một thực tế đáng suy nghĩ là làm thế nào để có nhiều bạn trẻ tài giỏi đến với con đường chiến lược này thì vẫn là một bài toán cần giải. Từ năm 2007 đến nay, Ban quản lý dự án 47 đã tuyển dụng hơn 20 kỹ sư trẻ vào làm việc. Nhiều người không sợ khó, sợ khổ nhưng do mức lương còn thấp, chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng, rất chênh lệch so với làm việc ở thành phố và ở các đơn vị bên ngoài nên nhiều người đã xin chuyển công tác. Ở các đơn vị như đoàn 299, 239, 543, 83, 131, mỗi gói thầu đều có hàng chục chiến sĩ trẻ ngày đêm miệt mài làm đường. Là chiến sĩ nghĩa vụ nên họ không có lương, chỉ có vài trăm nghìn đồng phụ cấp mỗi tháng. Rất ít người trong số họ có cơ hội được đi học sĩ quan hay chuyển sang chế độ chuyên nghiệp.

Năm 2009, khi đến làm việc với Ban quản lý Dự án 47, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã ghi nhận, cho phép thực hiện cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ đặc thù để thu hút nhiều nhân tài tham gia xây dựng đường tuần tra biên giới. Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Công Linh, vì nhiều lý do, chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” đó vẫn chưa được cụ thể hóa để trở thành hiện thực.

Từ thực tế tìm hiểu hoạt động của bộ đội làm đường tuần tra biên giới ở miền Trung, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp đã liên hệ cách thu hút giới trẻ tham gia xây dựng tuyến đường sắt Bai-kan – A-mua xuyên Xi-bê-ri mà ông và bạn bè từng trải qua. Công trường thanh niên cộng sản này được coi là điểm đến, là niềm tự hào của tuổi trẻ, thôi thúc hàng triệu sinh viên các trường đại học trên toàn Liên Xô tình nguyện tham gia. Đường tuần tra biên giới, con đường chiến lược nếu như gắn với việc phát động một phong trào tuổi trẻ rộng khắp, chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều bạn trẻ có tài, có đức, cống hiến và trưởng thành!

————-


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Con đường “Nam quốc sơn hà” kỳ 2: Cuộc ra quân “nhớ đời”


Kỳ 2: Cuộc ra quân “nhớ đời”

QĐND – Nhắc đến những ngày đầu gian khó mở đường, không thể không kể đến chuyến hành quân đầu tiên mà các giám đốc, kỹ sư trẻ đã gọi vui là “một giấc mơ kinh hoàng”. Đó là một ngày mùa thu năm 2007, họ từ thành phố, đồng bằng lần đầu tới Tây Nguyên để nhận tuyến đường mình sẽ làm. Trước đó, hầu hết anh em đều mới chỉ biết về Trường Sơn qua sách báo, phim ảnh…

Cuộc ra quân đầu tiên

Quyết định của Thủ tướng ban hành tháng 3-2007 nhưng phải đến gần nửa năm sau, các thủ tục pháp lý cho việc triển khai con đường vẫn chưa xong, dù đã qua tới 69 lần phê duyệt. Lúc này, Thiếu tướng Hoàng Kiền được điều động về làm Giám đốc Ban Quản lý dự án 47. Ông nóng ruột không chịu ngồi chờ thủ tục. Tiền trái phiếu là tiền vay của dân, chậm ngày nào, thiệt cho ngân sách ngày đó. Phải “vừa làm vừa báo cáo” thôi! Một ngày mùa thu năm 2007, ông quyết định: Triệu tập các nhà thầu vào ngay Tây Nguyên nhận tuyến. Trong tổng số 18 đơn vị công binh và 60 doanh nghiệp quân đội làm đường tuần tra biên giới, có tới hơn 40 đơn vị ra quân lần đầu trên các cánh rừng Tây Nguyên.

“Ra quân ư? Chúng tôi phấn chấn vì nhiệm vụ vẻ vang và các gói thầu đều có giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm lớn”- Anh Nguyễn Trọng Nguyện, Chỉ huy trưởng Công trường khu vực Dục Nông (Kon Tum) của Công ty Hương Giang (Binh đoàn Hương Giang) nhớ về những ngày đầu gian khó.

nguyen ba thanh

Các kỹ sư trẻ và Đại tá Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Công ty 789 (người ngồi hàng sau, cầm gậy) trong lần đi nhận tuyến năm 2007, tại Ia Lân (Kon Tum). Ảnh: Đức Thuận.

Không riêng gì Nguyện, hàng trăm giám đốc, phó giám đốc, chỉ huy trưởng công trường, kỹ sư… đều háo hức, kẻ lên xe con, người đáp máy bay vào ngay Tây Nguyên. Địa điểm tập kết của đoàn là Nhà khách Binh đoàn Tây Nguyên nằm giữa thành phố Plei-cu. Nguyện cùng anh Chung, giám đốc và vài kỹ sư khác nhảy lên chiếc Land Cuirser dã chiến, phóng một mạch từ Hà Nội vào Gia Lai. Nghe nói đến núi rừng, bản tính vốn lo xa, Nguyện xếp cả lên xe một thùng mì ăn liền và một cái bếp ga du lịch. Ai cũng bảo anh “hâm”, “tích cốc phòng cơ” không cần thiết giữa thời buổi kinh tế thị trường. Kệ! Nguyện cứ đưa hết lên xe. Chẳng dùng thì lại chở về!

Nhà khách Binh đoàn Tây Nguyên vui như mở hội. Xe con đỗ chật sân. Cà phê Trung Nguyên thơm ngào ngạt. Các giám đốc, kỹ sư tươi cười hớn hở. “Nghiêm! Chỉnh đốn trang phục…” – khẩu lệnh của vị tướng người xương xương, dáng đi thoăn thoắt khiến ai nấy giật mình. Một cuộc họp diễn ra với những tình huống trắc nghiệm:

- Anh em, có anh nào đã qua chiến tranh chống Mỹ, giơ tay?

Nhìn mãi cả hội trường, chỉ có một người, anh Trọng – Đoàn trưởng 728 (Binh đoàn 16), vốn là bộ đội đặc công đánh Mỹ.

- Anh em nào đã có kinh nghiệm mở đường giữa rừng đại ngàn Trường Sơn?

Lác đác vài cánh tay giơ lên cho biết đã tham gia làm đường Trường Sơn Đông, đường vành đai biên giới cũ.

- Nếu đi trong rừng gặp vắt thì phải làm gì?

Lắc đầu.

- Nếu gặp rắn lục, xử trí ra sao?

- Nếu đi trong rừng hết nước uống, thức ăn thì làm gì?

Lại lắc đầu và… lắc đầu.

Thế là mất cả một ngày trời để cuộc họp triển khai nhiệm vụ trở thành một cuộc tập huấn kinh nghiệm đi rừng. Thiếu tướng Hoàng Kiền trở thành giáo viên bất đắc dĩ, truyền thụ tỉ mỉ, hướng dẫn từ cách mắc tăng, võng đến cách xử trí khi gặp thú dữ, lạc rừng…

Bốn giờ sáng. Một hồi còi réo vang trong sân nhà khách. Sau bữa sáng nhanh gọn với mì ăn liền, mệnh lệnh hành quân được hạ đạt uy nghiêm như lên đường chiến đấu. Hàng trăm giám đốc, kỹ sư trẻ hàng ngũ chỉnh tề, ba lô, tăng võng đầy đủ lên đường, nhằm hướng những cánh rừng Tây Nguyên xa hút.

Nhóm của Nguyện tới cánh rừng Dục Nông, huyện Đắk Glây (Kon Tum) khi đã xế trưa. Nhìn rừng núi bạt ngàn, toàn cây cổ thụ và dây leo chằng chịt, anh bàn với nhóm của Công ty ACC đi…chung cho đỡ… “sợ”. Gửi xe ô tô ở Đồn biên phòng 673, hai đoàn lên đường với quyết tâm: “Sáng đi, chiều về”. Họ còn đặt cỗ, nhờ đồn biên phòng sắp giúp để chiều về ăn mừng thắng lợi.

Đòn cân não người chỉ huy

Dẫn đầu nhóm của Binh đoàn 12, với kinh nghiệm đi rừng Trường Sơn từ những năm chiến tranh, Thiếu tướng Hoàng Kiền giao tuyến xong khá sớm, quay ra dùng bữa tối tại thị trấn Đắc Glây. Ông tranh thủ liên hệ điện thoại với các đơn vị. Hầu hết các đơn vị đều hoàn thành, chỉ còn hai nhóm của Công ty Hương Giang và Công ty 36 vẫn chưa liên lạc được. Vị tướng mặt dần tái đi vì lo lắng.

21 giờ, vẫn chưa thấy tăm hơi hai nhóm đâu. Ở Đồn biên phòng 673, các mâm đầy ắp thức ăn nhưng không ai ăn. Tất cả kéo nhau vào rừng tìm kiếm suốt đêm nhưng không thấy tăm hơi. Anh em biên phòng nhận định, có lẽ đoàn đã lạc sang rừng nước bạn Lào. Mà rừng nước bạn còn rậm rịt, hoang vắng, còn cả hổ, báo, thú dữ, chẳng biết điều gì xảy ra. Anh Chung, Giám đốc Công ty Hương Giang bật khóc vì lo lắng. Trong số cán bộ đi nhận tuyến, có người em ruột của Chung…

Cả ngày hôm sau, các cuộc tìm kiếm vẫn không cho thấy kết quả gì…

Lại thêm một đêm nữa, Thiếu tướng Hoàng Kiền không ngủ được. Đã hướng dẫn tỉ mỉ thế, sao anh em lại lạc rừng? Hay sự cố xấu nhất xảy ra? Họ gặp thú dữ ăn thịt hay tai nạn đá rơi, trượt xuống vực? Nếu anh em có mệnh hệ gì, tuyến đường chưa mở mà một lúc mất cả chục cán bộ, biết ăn nói sao với thủ trưởng Bộ Quốc phòng, với Thủ tướng?

Trên đường tuần tra biên giới, những người lính làm việc suốt đêm. Ảnh: Vũ Quang Thái

Trở lại với chuyến đi của Nguyện và anh em. Họ lội bộ vào rừng, càng đi rừng núi càng chênh vênh, trơn trượt, âm u, ẩm ướt. Nhiều chỗ phải nắm dây leo mà đu. Không ai bảo ai, họ bắt đầu vứt bớt đồ đạc cho đỡ nặng. Có anh chàng dùng chiếc thắt lưng da cá sấu còn mới cũng cởi ra…vứt! Càng vào sâu, rừng càng ẩm, vắt ra càng nhiều. Chúng bò lổm ngổm trên lá, tinh ranh chui vào chân, vào cổ, vào nách làm cánh lính trẻ kinh hoàng. “May mà hôm đó không gặp rắn! Sau này ở lại làm đường, chúng tôi mới biết vùng Dục Nông này rất nhiều rắn xanh” – anh Nguyện kể. Có cậu lái xe của Công ty ACC bị rắn chui vào ba-lô, lúc về mở ba-lô lấy quần áo thì bị rắn đớp, may mà đi cấp cứu kịp thời. Còn ở đơn vị Nguyện, có đêm mưa, anh Bắc cấp dưỡng dậy sớm nấu ăn cho anh em, anh quờ phải thứ gì bùng nhùng cạnh bao gạo, bực mình lẩm bẩm:

- Ai sửa xe, sửa máy gì mà cẩu thả vứt cả dây cu-roa vào bếp thế này?

Anh cáu tiết quay “sợi dây cu-roa” vào chỗ gần bếp lửa thì sợi dây cu-roa bỗng… biết đi. Trời ơi! Một con rắn lục đang ngóc đầu lên, thao láo nhìn anh.

Sau những chuyện kinh hoàng ấy, mỗi lần công trường di dời đến đâu, Nguyện đều phải mua hàng bó dây cao su phát cho anh em, đề phòng rắn cắn còn ga-rô kịp thời.

Trở lại với cuộc hành quân, đi, đi mãi vẫn chỉ thấy rừng mù mịt, Nguyện lo lắng hỏi Tuấn, người của đơn vị khảo sát:

- Cậu khảo sát trước thế nào mà đi hoài chẳng thấy đường. Xem lại kẻo lạc đấy!

Lúc này máy định vị GPS mới được Tuấn mở ra xem vì sợ hết pin. Dù sóng rất chập chờn nhưng máy cũng đủ báo đoàn đang lạc sang nước bạn Lào. Tất cả hoảng hốt tìm đường quay về. Rừng chiều sụp tối rất nhanh. Chỉ còn tiếng nai, tiếng hoẵng và những âm thanh kì dị của rừng đêm. Những chai nước cuối cùng đã cạn. Những chiếc đèn pin cuối cùng rồi cũng hết pin. Cả đoàn đành dừng chân. Khát khô cổ. Đói cồn cào. Bây giờ, họ mới ân hận vì sao nỡ ném nước, ném lương khô đi. May mà Nguyện còn nhớ lời tướng Hoàng Kiền dặn hôm qua. Nếu hết nước uống, cứ tìm cây bương (tre rừng), chặt ra, bên trong sẽ có nước uống được. Về cái ăn, lúc này thùng mì ăn liền và cái bếp ga Nguyện mang theo thật là quý hơn vàng. Chặt từng cây bương, nấu từng bát nước, cả nhóm cũng được mỗi người một bát mì lót dạ. Ăn xong, cả nhóm tìm cây cối, mắc võng sát nhau, không dám đốt lửa vì sợ rắn, thú dữ tìm về. Cả nhóm ai nấy trùm kín tăng, áo mưa, đi nguyên giày nằm co ro trên võng. Đêm rừng khuya hoang vắng, thi thoảng lại nghe tiếng sột soạt, lạo xạo nửa giống bước chân người, nửa giống bước chân thú đi trên lá. Nhiều anh thú nhận buồn đi tiểu nhưng không dám dậy vì sợ đụng rắn…

Một đêm nặng nề rồi cũng trôi qua.

Sáng hôm sau, cả nhóm lên đường, lại xuyên rừng đi ra. Họ đi mãi, đi mãi đến quá trưa thì cậu Tuấn reo lên:

- Nương lúa Việt Nam các anh ơi!

- Sao cậu biết là nương Việt Nam?

- Nương nhiều lúa, rộng và dài thế kia là bên Việt Nam mình rồi. Bà con bên Lào không có nương lớn thế.

Nghe Tuấn lý giải, cả nhóm reo lên sung sướng. Chiều hôm ấy thì họ tìm ra tuyến đường theo đúng bản đồ thiết kế rồi tìm vào được một bản gần đó. Có dân là có tất cả. Anh em nhờ trưởng bản nấu giúp một bữa cơm. Buổi tối thứ hai sau bữa cơm ngon tuyệt vời, cả nhóm đánh một giấc say như chết, chưa thể liên lạc về vì nơi này chưa có điện thoại. Mãi đến chiều hôm sau, họ mới tìm về tới Đồn biên phòng 673 trong niềm vui sướng vỡ òa của mọi người. Anh Chung ôm lấy anh em, nước mắt rưng rưng.

Nhóm của Công ty 36 (Binh đoàn 11) bị lạc rừng vì một lý do thật đơn giản. Cấp trên đã dặn dò đi rừng tới đâu phải phát cây đánh dấu tới đó nhưng rồi họ lại ngại. Để rồi, càng đi vào sâu, càng mất dấu. Hai đêm, mấy chàng lính trẻ “gà tồ” được một trận nhớ đời. Chẳng có gì ăn ngoài gói lương khô mang theo, các chàng cầm cự ăn dè với uống nước ống bương. Đêm đầu tiên, cả nhóm ngồi đốt lửa thay nhau cảnh giới bốn phía, không anh nào dám ngủ vì sợ thú dữ “vồ”. Hai ngày sau, họ mới lần mò tìm được đường ra an toàn…

Những gian khổ ấy mới chỉ là một phần rất nhỏ so với những thử thách mà người lính mở đường phải đương đầu trong những năm tháng sau đó…

———————-


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Phóng sự Con đường “Nam quốc sơn hà” (Kỳ 1)


Kỳ 1: Từ cột mốc đến con đường chiến lược

- Đường tuần tra biên giới ra đời không chỉ từ khát vọng ngàn đời của cha ông về một biên cương bình yên, no ấm mà còn từ cả những câu hỏi thực tiễn nóng bỏng. Những câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn đọc hình dung được sự ra đời của con đường này…

Từ sự cố cái cột mốc…

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người từng dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng con đường từ những ngày đầu. Qua điện thoại, khi tôi đặt vấn đề, nghe nói đến con đường, giọng ông sôi nổi: Đó là con đường chiến lược quốc gia! Một buổi sáng Hà Nội mưa tầm tã, trong căn phòng nhỏ ở Trạm khách 66, ông đã kể về sự ra đời của con đường…

nguyen ba thanh

Đoạn đường tuần tra biên giới ở Bù Gia Mập (Bình Phước) năm 2008... Ảnh: Vũ Quang Thái.

“Cuối thập niên 80, tôi đang làm Tư lệnh Quân khu 3. Nhiều lần tới vùng biên giới Bình Liêu, Móng Cái (Quảng Ninh), tôi rất băn khoăn khi nhận thấy, còn nhiều nơi sâu vào nội địa 5-7km không có dân ở. Trong khi đó, bên kia biên giới, dân cư ở rất sầm uất và họ còn thả cả trâu bò sang đất ta. Mặc dù đã có Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ, nhưng đi 5-7 km sát đường biên không hề thấy bóng dáng một người dân. Tự nhiên trong tôi xuất hiện cảm giác chống chếnh, bất ổn. Đó là chưa kể gần các cột mốc, đường biên chỉ có trục đường ra theo trục ngang. Từ đó, định hình ý tưởng phải đưa dân ra sát biên giới, rồi từ ý tưởng trở thành quyết tâm lớn của tôi. Mà muốn đưa dân ra được thì phải có đường đi.

Nhưng đó là mình nghĩ vậy, còn tâm tư nguyện vọng của dân thì sao? Tôi nhiều lần đi nắm tình hình, gặp người dân dò hỏi. Bà con nói rằng, rất muốn ra biên giới, sinh sống gần đường biên nhưng còn “ngại”, phần vì mìn còn chưa gỡ hết, phần vì…

Thế rồi, lại thêm một “sự cố” xảy ra. Đầu năm 1988, tại một cuộc họp Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Biên phòng báo cáo bị mất một cột mốc ở Quảng Ninh. Bộ đội Biên phòng và Quân khu 3 nhận lệnh phải đi tìm bằng được. Cuối cùng, người tìm ra cột mốc là một già làng 78 tuổi. Câu chuyện ấy càng thôi thúc tôi ý tưởng đưa dân ra biên giới. Tôi bàn với lãnh đạo Quân khu, đưa bộ đội ra trước, tổ chức rà mìn, làm nương rẫy. Sau đó, xin ý kiến của tỉnh Quảng Ninh để đưa dân về các bản cũ sát biên giới. Từ một xã thí điểm, dần mở rộng ra 2-3 xã. Người dân được làm nhà, giao đất, giao rừng quản lý, đồng thời cũng “giao” cho dân phối hợp với bộ đội quản lý đường biên, cột mốc. Dự án vùng kinh tế – quốc phòng ở Tiên Yên, Ba Chẽ đã hình thành. Ý tưởng làm đường càng thôi thúc. Tôi đặt vấn đề với Bộ Quốc phòng và được đồng ý. Thế là, chúng tôi triển khai xây dựng những đoạn “đường vành đai biên giới” đầu tiên. Sau đó, anh Tư Sang (đồng chí Trương Tấn Sang – Thường trực Ban Bí thư – PV) và một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi kiểm tra đường tại Quảng Ninh đều đánh giá, khen ngợi cách làm này rất tốt, rất cần nhân rộng”.

Từ đoạn đường đầu tiên đó, các địa phương khác cũng từng bước xây dựng đường “vành đai biên giới”, tuy chỉ là đường nhỏ hẹp, cấp phối hoặc rải đá dăm nhưng rất thiết thực. Tính đến năm 2005, đã có 21 dự án dài 484 km do Bộ đội Biên phòng các tỉnh thực hiện.

…Đến “khoảng rừng nóng” Bù Gia Mập

Mùa hè năm 2004, vụ gây rối diễn ra ở Tây Nguyên. Đại tướng Phạm Văn Trà vào tìm hiểu tình hình, càng thấy rõ đòi hỏi hàng đầu đặt ra lúc này là phải có đường tốt hơn phục vụ tuần tra, kiểm soát biên giới. “Khó khăn nhất là từ Bình Phước đi Đắc Nông không có đường đi, phải xuyên qua rừng hoặc đi vòng 200km mới ra được biên giới. Lúc đó, tôi đã quyết định phải làm cho được đoạn đường gần 60km ở Đắc Nông, nhờ đó thông suốt tuyến biên giới từ Tây Ninh tới Đắc Nông. Tôi giao cho Bộ đội Công binh làm nhanh, với cơ chế đặc thù như xây dựng các công trình chiến đấu. Cùng với đó, yêu cầu xây dựng, hoàn thiện một đề án tổng thể về đường tuần tra biên giới đặt ra cấp bách và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất ủng hộ. Theo tôi, đó là một bước đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta”- Đại tướng Phạm Văn Trà kể.

nguyen ba thanh

Ảnh: Vũ Quang Thái

Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban quản lý dự án 47 khi đó là Tư lệnh Binh chủng Công binh nhận lệnh vào Tây Nguyên khảo sát, nhớ lại: “Chúng tôi tới rừng quốc gia Bù Gia Mập thuộc xã Đắc Ơ, là địa bàn có nhiều người vượt biên trái phép. Để làm gấp đoạn đường Bù Gia Mập, tôi đã chọn Trung đoàn Công binh 293, một trong những “quả đấm thép” của binh chủng. Sau một năm trời, với bàn tay miệt mài của người lính công binh 293, tuyến đường đầu tiên màu đất đỏ ba-dan như một sợi chỉ đỏ vắt ngang rừng đại ngàn”.

“Bản vẽ” con đường mang dáng hình đất nước

Thời gian này, việc xây dựng đề án tổng thể đường tuần tra biên giới được triển khai gấp rút. Trung tướng Phạm Hồng Lợi, lúc đó là Phó tổng tham mưu trưởng, Phó ban chỉ đạo Đường tuần tra biên giới liên tục đi khảo sát dọc biên cương. Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại: “Thủ tướng Chính phủ đã có tới 3 cuộc họp nghe lãnh đạo Bộ Quốc phòng báo cáo đề án con đường này. Lúc đầu, do nhiệm vụ cấp bách, Bộ Quốc phòng chỉ chuẩn bị phương án làm đường nhỏ, nền đường 3m, trải nhựa cấp phối hoặc đá dăm, đủ cho xe u-oát đi hoặc chỗ nào khó hơn thì đủ cho người, ngựa biên phòng đi tuần tra”. Đất nước còn nghèo, dù nhiệm vụ bảo vệ biên cương rất quan trọng, người lính không dám đòi hỏi sự ưu tiên, nhưng Chính phủ cùng các bộ, ngành lại có một câu hỏi được bàn thảo khá nhiều: “Nếu làm đường chỉ đủ đi tuần tra thì hơi phí? Liệu có thể làm một con đường lớn hơn, vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ dân sinh được không?”.

Ngày 4-11-2004, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị thường trực Chính phủ nghe Bộ Quốc phòng báo cáo dự thảo kế hoạch củng cố và xây dựng tuyến đường biên giới đất liền đến năm 2010. Sau khi nghe Thượng tướng Phùng Quang Thanh, khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng báo cáo, Thủ tướng đã kết luận: “Đã làm thì làm cho “đàng hoàng”, kết hợp tốt giữa kinh tế – xã hội với quốc phòng, an ninh. Không làm đường rộng 3m nữa mà phải làm đường lớn hơn”.

Đại tá Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó tư lệnh Công binh, được giao làm giám đốc đầu tiên của Ban quản lý dự án 47 kể: “Sau đó, chúng tôi đã xác định quyết tâm năm 2005 sẽ lập xong dự thảo đề án. Hàng loạt đơn vị khảo sát thiết kế tinh nhuệ nhất của Bộ Quốc phòng vào cuộc khẩn trương nên đến đầu tháng 8-2005 đã khảo sát được gần 5000km biên giới, dù xăng dầu, kinh phí chưa bảo đảm. Một phương án tuyến của con đường từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) đã ra đời. Có phương án tuyến, chúng tôi lại lên đường đi khảo sát cụ thể nhiều khu vực trọng điểm. Đoàn cán bộ, đa số đã kinh qua đánh Mỹ, dạn dày với mưa bom bão đạn, nay lại khoác ba lô trèo đèo, lội suối, băng rừng xác định từng cọc mốc, từng hướng tuyến sao cho ngắn nhất, hợp lý nhất, kinh tế nhất. Suốt mấy tháng trời, chúng tôi đi từ Bình Phước, dọc theo dòng suối sát biên, từ bìa rừng Bù Gia Mập sang Đắc Nông, đến những cánh rừng khộp Gia Lai, nơi còn in dấu đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Hết Tây Nguyên, chúng tôi lại ra Nghệ An, Thanh Hóa. Tới Sơn La, ngược dòng sông Mã, chúng tôi đi từ Chiềng Khương sang Sốp Cộp, từ Sông Mã sang Điện Biên rồi lại về biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng. Càng đi càng thấy đất nước ta hùng vĩ, dân tộc ta anh hùng, nhân dân ta cần cù chịu khó. Chúng tôi hiểu sứ mệnh của mình. Đau, yếu, sai khớp, chuột rút, có đồng chí bị ngã vì núi cao, đường trơn nhưng không ai chịu bỏ cuộc”.

Dự thảo đề án ở mức hoàn chỉnh hơn ra đời. Con đường bây giờ là đường ô tô có thể chạy suốt dọc dài biên giới, nền đường rộng 5,5m, mặt đường 3,5m, kết cấu bê tông xi măng; các công trình trên đường làm bằng thép và bê tông cốt thép.

Một ngày cuối năm 2005, tại Hội nghị thường trực Chính phủ, nghe Bộ Quốc phòng báo cáo dự thảo đề án, Thủ tướng Phan Văn Khải khá hài lòng. Phát biểu kết luận, ông nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng giao cho Bộ Quốc phòng, làm sao cho “nhanh, bền, tốt, rẻ, không có tiêu cực”. Thủ tướng giao cho Bộ Quốc phòng sớm bổ sung hoàn chỉnh đề án.

Con đường theo đề án phác thảo dài 14.250km, trong đó xây dựng mới hơn 10.196km, qua 25 tỉnh, dài hơn cả Vạn Lý Trường Thành, dự kiến sẽ phải làm trong hàng chục năm mới hoàn thành. Từng có nhiều cuộc tranh luận khác nhau về hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu? Nhưng đây là con đường sẽ được làm trong điều kiện vô cùng gian khó mà có lẽ chỉ những người lính Bộ đội Cụ Hồ với truyền thống “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” mới có thể gánh vác. Vì vậy, khi lãnh đạo Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép xác định đây là công trình quốc phòng an ninh, quản lý theo cơ chế đặc thù, sử dụng lực lượng quân đội thi công theo hình thức chỉ định thầu, Thủ tướng tán thành. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nói ngay: Việc này không thể một mình cá nhân Thủ tướng quyết được mà phải có một nghị quyết của Chính phủ.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 12-2006, Chính phủ đã ra Nghị quyết về đường tuần tra biên giới, nhất trí với đề nghị trên. Ngày 14-3-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định mang số 313/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Quy hoạch xây dựng đường TTBG đất liền giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo”.

Quyết định của Thủ tướng đã trở thành một cột mốc quan trọng, khẳng định tầm vóc chiến lược quốc gia của đường tuần tra biên giới, con đường mang dáng hình đất nước…

————————-


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông


Ngày 27-6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã trả lời báo chí Việt Nam về cuộc gặp của Đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc ngày 25-6-2011. Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:

nguyen ba thanh
Đảo Đá Tây trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Internet

* Phóng viên: Ngày 25-6, tại Bắc Kinh, với tư cách là đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc để chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây. Xin Thứ trưởng cho biết nội dung Thông điệp của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Thông tin về chuyến đi đã được báo chí đưa tin, còn nội dung Thông điệp tập trung vào 3 điểm chính sau:

1. Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và thế giới.

2. Bày tỏ quan ngại về những vụ việc vừa qua ở Biển Đông; đồng thời khẳng định rõ lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông, đề nghị các bên nghiêm túc thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” DOC, giải quyết tranh chấp và các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

3. Nêu một số kiến nghị cụ thể về việc thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, như việc duy trì tiếp xúc cấp cao, tổ chức phiên họp lần thứ 5 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc tại Hà Nội.…

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết rõ những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, về việc giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị là gì?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn. Ảnh: Internet

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gần đây nhất là Tuyên bố chung tháng 10-2008 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc. Theo đó, hai bên khẳng định quan tâm gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, “tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và tinh thần “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), duy trì cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, căn cứ nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực thích hợp. Trong quá trình đó, hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ổn định ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp. Hai bên đồng ý, với nguyên tắc dễ trước khó sau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin trực tiếp giữa quân đội hai nước”.

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết tiến trình đàm phán “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc”?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Như các bạn đã biết, sau khi hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc cuối tháng 12-2008, ta và Trung Quốc đã thỏa thuận chuyển trọng tâm đàm phán về công tác biên giới lãnh thổ sang vấn đề trên biển. Hai bên nhất trí trước khi đi vào giải quyết các vấn đề cụ thể cần đàm phán ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Đó là những định hướng lớn, quan trọng mà hai bên cần tuân thủ.

Với tinh thần đó, từ đầu năm 2010 đến nay, ta và Trung Quốc đã tiến hành 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên. Hai bên đã trao đổi ý kiến về một số nguyên tắc cơ bản như: nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982; Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam – Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì phải bàn bạc giữa các bên liên quan khác…Dự kiến vòng đàm phán thứ 7 sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian sắp tới.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Trung Quốc xuyên tạc sự thật và hăm dọa dân tộc Việt Nam


Ngày 11-6 vừa qua, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đã phát đi một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam dưới đầu đề “Cứng rắn với Trung Quốc không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”. Để dư luận ở Việt Nam và Trung Quốc cũng như ở khu vực và trên thế giới hiểu đúng sự việc, nghĩ cũng cần nói lại đôi điều.

nguyen ba thanh
2 trong số 3 tàu hải giám Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam, lao vào cắt cáp và cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 ngày 26-5-2011

Năm nay vừa tròn 20 năm hai nước Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ với nhau sau những năm tháng sóng gió. Một trong những nguyên tắc cơ bản hai bên đã thỏa thuận là “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, xây dựng mối quan hệ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, trở thành “láng giềng tốt, anh em tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hơn thế nữa, gần đây hai nước còn thỏa thuận xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đó là những tài sản quý giá, phải mất bao nhiêu công sức mới tạo dựng được và phía Việt Nam hết sức trân trọng giữ gìn.

Tiếc rằng, một số sách báo và báo mạng ở Trung Quốc không biết vì lẽ gì không ngớt đưa ra những bài không thiện chí, xuyên tạc về Việt Nam và mối quan hệ Trung-Việt. Tình hình này càng rộ lên sau hai sự việc liên tiếp trong chỉ có hai tuần lễ là vụ tầu hải giám của Trung Quốc vô cớ xông vào cắt phá cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 và dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính, tàu cá Trung Quốc phá hoại tuyến cáp của tàu Viking II đang hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Trong số những tờ báo ấy, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc “lớn tiếng” nhất. Ngày 11-6 vừa qua, Thời báo này đã phát đi một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam dưới đầu đề “Cứng rắn với Trung Quốc không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”.

Để dư luận ở Việt Nam và Trung Quốc cũng như ở khu vực và trên thế giới – đang rất lo ngại về những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông – hiểu đúng sự việc, thiết nghĩ cũng cần nói lại đôi điều.

Bài xã luận nói Việt Nam “đe dọa”, “dọa dẫm” Trung Quốc thì thật nực cười vì đâu phải tàu Việt Nam lao vào tàu Trung Quốc mà là ngược lại. Hành vi của tàu Trung Quốc không chỉ là “đe dọa” hay “dọa dẫm” mà là hành vi khiêu khích, gây hấn như luật pháp và thông lệ quốc tế đã định nghĩa rõ. Đó là chưa kể hàng loạt bài trên báo in và báo mạng ở Trung Quốc đã dồn dập tung ra những lời lẽ hằn học, ngỗ ngược, xúc phạm sâu sắc lòng tự trọng của nhân dân Việt Nam và chắc là cũng rất xa lạ với người dân Trung Quốc. Những lời lẽ như vậy thật không phù hợp chút nào với cách hành xử giữa các nước văn minh chứ chưa nói đến hai nước XHCN với nhau.

Đoạn cáp của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt ngày 26-5-2011

Bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu ngày 11-6 đầy rẫy những lời hăm dọa như: phía Việt Nam “dường như hoàn toàn không đếm xỉa đến những phản ứng mà Trung Quốc có thể đưa ra”, “nếu dùng biện pháp chiến tranh để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam sẽ đều thất bại…” (nhân đây, tuy rất không muốn nhưng buộc phải nhắc lại những sự kiện năm 1974 quân đội Trung Quốc tiến đánh Hoàng Sa, năm 1979 tiến hành chiến tranh biên giới, năm 1988 tiến đánh một số đảo ở Trường Sa để thấy rõ ai là người chẳng những hay đe dọa mà còn dùng biện pháp chiến tranh trong quan hệ Trung-Việt). Nhân dân Việt Nam đã phải bỏ ra hàng mấy chục năm đấu tranh chống ngoại xâm, nay thiết tha mong có hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, lẽ nào lại muốn gây hấn với bất kỳ ai, nếu độc lập không bị đe dọa, chủ quyền không bị chà đạp.

Chính hành vi ngỗ ngược của tàu hải giám Trung Quốc và những bài đại loại như xã luận ngày 11-6 của Thời báo Hoàn cầu đã làm cho những cảm giác của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc (không phải với nhân dân Trung Quốc nói chung) bị xói mòn, chứ không phải là “người dân Trung Quốc khi nhìn thấy các kiểu thể hiện của Việt Nam thông qua tin tức báo chí thì những cảm giác tốt đẹp của họ về Việt Nam tích lũy trong những năm qua gần như đã tiêu tan hết” như Thời báo Hoàn cầu viết.

Một mệnh đề được tác giả bài xã luận nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại là mối quan hệ giữa “nước lớn” và “nước nhỏ”. Trên thực tế, quả thật cũng có nước lớn và nước nhỏ. Song trong quan hệ quốc tế thì mọi quốc gia đều bình đẳng – một điều chính Trung Quốc cũng hay rao giảng. Hành vi ứng xử của phía Trung Quốc trong những ngày qua rõ ràng không phản ánh, hay nói đúng hơn là đi ngược lại chủ trương “tôn tiểu” mà bài báo nói tới; hơn thế nữa còn lộ rõ thái độ lấn lướt theo kiểu nước lớn – một điều đang gây lo ngại trong dư luận khu vực và quốc tế, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh một nước Trung Hoa “trỗi dậy hòa bình”.

Bài xã luận còn suy luận rằng, sự phản ứng chính đáng của phía Việt Nam dường như do áp lực nội bộ, cổ vũ tinh thần trong nước, tăng cường sự chú ý của cộng đồng quốc tế…, phản ứng chủ nghĩa dân tộc, gây nên sự đối lập giữa nhân dân hai nước… Gốc gác của vấn đề chính là nằm ở sức ép của phía Trung Quốc thông qua hành vi ngang ngược, chà đạp luật pháp và thông lệ quốc tế của tàu thuyền Trung Quốc trên Biển Đông. Bất kỳ một người Việt Nam nào cũng đều bất bình; bất luận người nào có lương tri trên thế giới cũng đều lo ngại. Trong quan hệ giữa các quốc gia thời hiện đại không thể hành xử theo kiểu cứ lấn lướt rồi buộc đối phương câm lặng theo kiểu “trùm chăn mà đánh” được! Thử hỏi, tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu sẽ hành xử ra sao nếu tàu nước ngoài xông vào cắt cáp của tàu địa chấn Trung Quốc đang hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế thực sự của Trung Quốc đúng theo luật pháp quốc tế (chứ không phải cái đường 9 đoạn tự dựng lên ở cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn dặm)? Trung Quốc đã từng bị nước ngoài xâm lấn, người dân Trung Quốc đã từng bị hạ nhục. Vì vậy, chắc rằng họ có thể hiểu nỗi bất bình của người dân Việt Nam.

Vị trí tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp cách Mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên, Việt Nam 120 hải lý ngày 26-5-2011

Bài xã luận đánh giá rằng, “Hà Nội đang có bước thụt lùi trước những kinh nghiệm thành công về giải quyết vấn đề trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ, đang đưa hai nước quay lại con đường đọ sức giữa cứng rắn và cứng rắn”. Có lẽ chẳng cần tốn lời bác bỏ luận điệu nực cười như vậy. Cho nên, chỉ cần thay chữ “Hà Nội” bằng chữ “Bắc Kinh” là đủ! Thật đáng tiếc, trong hai chục năm qua đã phải bỏ ra biết bao công sức mới khép lại được quá khứ bất hạnh, tạo dựng được mối quan hệ hợp tác mới, thế mà hành vi quá khích của tàu Trung Quốc đã đẩy quan hệ hai nước giật lùi! Tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu đã kết thúc bài báo bằng câu: “mời các ngươi hãy xem lại lịch sử đi”. Đúng vậy! Hãy xem lại lịch sử mấy ngàn năm sống bên cạnh nhau để ứng xử sao cho phải đạo là hai nước láng giềng hữu hảo!

Ứng xử sao cho đúng là hai nước láng giềng hữu nghị, đó là mong mỏi chân thành của mỗi người dân Việt Nam. Và chắc rằng đó cũng là ý nguyện của người dân Trung Quốc và khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Hoàng Trường


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao QĐND Việt Nam


Sáng 3/7, tại Hà Nội, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ, thăng quân hàm cấp tướng cho cán bộ cấp cao trong QĐND Việt Nam.

nguyen ba thanh

Đại tướng Phùng Quang Thanh trao quyết định bổ nhiệm cho Trung tướng Nguyễn Thành Cung.

Tới dự có: Đại tướng Phùng Quang Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lương Cường, Chính uỷ Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Đào Duy Minh, Chính uỷ Quân khu 5 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Thược, Phó Chính uỷ Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 3; Thiếu tướng Đinh Văn Cai, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 9; Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Thăng, Phó Chính uỷ Quân khu 1 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 1; Đại tá Trần Quang Phương, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 5 và được thăng quân hàm cấp thiếu tướng; Đại tá Đỗ Căn, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chính uỷ Quân khu 3 và được thăng quân hàm thiếu tướng.

Thay mặt Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, chúc mừng các đồng chí được Đảng, Nhà nước và quân đội tin tưởng giao cho cương vị, trọng trách mới. Đại tướng mong rằng, trên cương vị chủ chốt của đơn vị, các đồng chí được bổ nhiệm và thăng quân hàm cấp tướng lần này luôn phát huy vai trò là hạt nhân lãnh đạo trong xây dựng mối đoàn kết thống nhất, luôn luôn giữ vững ngọn cờ đoàn kết của Đảng trong quân đội; chăm lo xây dựng tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng gắn chủ quyền an ninh biên giới với phát triển kinh tế biển


Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại, là một thành phố trẻ phát triển nhanh theo hướng bền vững.

Đại tá Nguyễn Quốc Bình đón ngư dân gặp nạn trên biển được tàu Biên phòng cứu nạn vào ngày 25-1-2011. Ảnh: BÁ VĨNH

Tuy nhiên, do tác động nhiều mặt của tình hình thế giới, khu vực và trong nước nên thành phố nói chung và khu vực biên giới biển nói riêng còn tồn tại và nảy sinh nhiều phức tạp mới, có tác động ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế biển của thành phố. Đáng chú ý là hoạt động xâm phạm chủ quyền của tàu thuyền nước ngoài; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; buôn bán, sử dụng chất nổ, xung điện khai thác thủy hải sản làm hủy hoại môi trường sinh thái biển; những lợi thế về biển chưa được nhận thức, khai thác và phát huy tốt; những tai nạn rủi ro do thiên tai bão lũ diễn ra thường xuyên và có thời điểm hết sức khốc liệt gây thiệt hại về người và tài sản của ngư dân.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố đã nghiên cứu quán triệt và cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, tập trung lãnh đạo đổi mới toàn diện các mặt công tác biên phòng, trước hết là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế, nâng cao chất lượng huấn luyện và xây dựng đơn vị chính quy, chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật; gắn xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng TSVM với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CBCS; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng và cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của nền Biên phòng toàn dân, nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh trật tự khu vực biên giới biển và có nhiều đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển của thành phố… được lãnh đạo thành phố đánh giá cao và được nhân dân ghi nhận, tin yêu.

Phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, thông qua hoạt động thực hiện công tác Biên phòng và xây dựng lực lượng, nhất là thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Thành ủy, HĐND, UBND… cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố đã nêu cao trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, có nhiều đóng góp to lớn hơn để thực hiện tốt một trong những định hướng quan trọng của thành phố là chú trọng phát triển kinh tế biển. BĐBP thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng, thông qua triển khai thi hành Luật Biên giới quốc gia, các nghị định, chỉ thị của Chính phủ và của thành phố, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao thêm một bước nhận thức về biển, về vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo và thực trạng tình hình biển đảo hiện nay, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và pháp luật liên quan đến biên giới biển, đảo trong tình hình mới cho quần chúng nhân dân, để nhân dân có nhận thức tốt hơn, đúng hơn, đầy đủ hơn về vấn đề biển, đảo và phát triển kinh tế biển, nhất là ngư dân ở khu vực biên giới biển.

Tăng cường công tác nắm tình hình trên khu vực biên giới biển, nhất là công tác dự báo về âm mưu, chủ trương của các nước láng giềng, những âm mưu, thủ đoạn từ xa của các thế lực thù địch đối với biển Đông, về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài, về thời tiết khí hậu… để kịp thời thông báo cho ngư dân, làm tốt vai trò nòng cốt và tổ chức cho ngư dân xử lý các tình huống xấu xảy ra trên biển trên nguyên tắc “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, nhưng phải mềm dẻo, khôn khéo, lấy phòng ngừa, xua đuổi là chính, không gây căng thẳng, đối đầu, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại…” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, rủi ro về tài sản, tính mạng của nhân dân khi hoạt động trên biển.

Trên cơ sở coi trọng và thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện, gắn với việc kiểm tra, kiểm soát có trọng điểm người và phương tiện ra vào hoạt động trên biển trên cả ba lĩnh vực an ninh trật tự, trang bị kỹ thuật tàu thuyền và thiết bị an toàn khi đi biển. Liên tục tổ chức các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống có hiệu quả với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán sử dụng các chất ma túy, sử dụng chất nổ, hóa chất, xung điện đánh bắt hải sản trên biển để bảo vệ môi trường nguồn lợi biển, tạo ra điều kiện và môi trường, bình yên để ngư dân an tâm bám biển phát triển kinh tế.

Chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, lực lượng, phương tiện và tích cực hỗ trợ các dịch vụ như cung cấp thông tin về ngư trường cho ngư dân, đào tạo kỹ thuật về tàu thuyền. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan bảo đảm an ninh trật tự khu vực cảng cá mới Thọ Quang theo chỉ đạo của UBND thành phố, góp phần phục vụ việc phát triển kinh tế biển của thành phố.

Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các quận, huyện và các ngành có liên quan tiến hành khảo sát toàn diện về lực lượng, phương tiện để xây dựng các tổ, đội đánh cá, nhất là các phương tiện đánh bắt xa bờ, lực lượng tàu cá của Đà Nẵng tham gia trong vùng đánh cá chung.

Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xây dựng đề án kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh trên biển, xây dựng lực lượng nòng cốt trong ngư dân, nhất là lực lượng dân quân trên biển; coi trọng nếp sống có văn hóa trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trong giao tiếp với nhân dân theo hướng tất cả vì sự bình yên trên khu vực biên giới biển, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp về một thành phố an toàn, thân thiện, hội nhập và phát triển.

Đại tá NGUYỄN QUỐC BÌNH

Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Time: 10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2010


(ĐNĐT) – Động đất tại Hahiti, quả bom nhiệt hạch WikiLeaks, căng thẳng bán đảo Triều Tiên, World Cup Nam Phi… là những sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong năm 2010 theo bình chọn của tạp chí Time.

1. Động đất tại Haiti

su kien 1 copy.jpg

Trận động đất ngày 12-1 làm rung chuyển thủ đô Port-au-Prince của Haiti có thể chưa phải là trận động đất lớn nhất trong lịch sử cận đại, nhưng nó được xem là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất.

Trong vòng vài giờ, hàng triệu người đã mất nhà cửa. Những tòa nhà trong thành phố và khu vực lân cận đã trở thành những đống đổ nát. Khoảng 230.000 người đã chết, hàng trăm nghìn người bị thương. Cộng đồng quốc tế đã phản ứng một cách nhanh chóng, hàng chục quốc gia đã đưa các nhóm cứu hộ và nhân viên quân đội đến hỗ trợ ổn định tình hình.

Tuy nhiên, sự tàn phá đã ảnh hưởng nặng nề đến quốc gia nghèo nhất vùng Tây Bán cầu này. Hàng chục nghìn người vẫn đang trú trong các thành phố lều. Đã xảy ra nhiều vụ hãm hiếp và một đại dịch tả tấn công, làm chết hơn 300 người, dẫn đến việc kêu gọi cứu trợ quốc tế.

2. WikiLeaks



 

WikiLeaks, một tổ chức tìm kiếm và xuất bản những dữ liệu nhạy cảm hoặc các bí mật của chính phủ. Trang tin này đã thả hai quả bom lớn bằng việc tiết lộ 77.000 tài liệu của quân đội Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan và hơn 400.000 nhật ký chiến trường từ Iraq vào tháng 10.

Vào tháng 11, trang web này lại cho nổ quả bom nhiệt hạch khi tiết lộ hơn 200.000 bức điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ làm đau đầu Nhà Trắng và buộc Washington phải tiến hành một cuộc điều tra tội phạm đối với Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks.Vụ việc gây phản ứng nhiều chiều trong giới lãnh đạo cũng như cộng đồng mạng của nhiều nước trên thế giới.

3. Giải cứu 33 thợ mỏ Chile

Vào ngày 5-8, 33 thợ mỏ tại mỏ đồng San Jose ở sa mạc Atacama bị vùi lấp ở độ sâu hơn 700 mét dưới lòng đất. 69 ngày, kéo theo một thảm kịch gây sự xúc động sâu rộng trên toàn cầu. Sau một đêm, toàn bộ các thợ mỏ bỗng chốc trở thành những anh hùng, hình ảnh của họ xuất hiện trên hầu hết các tờ báo toàn cầu.

Hình ảnh về cuộc giải cứu, khoang cứu hộ, và cuộc sống riêng tư của họ đã được truyền hình trực tiếp một cách ấn tượng, còn hơn cả phim ảnh khi mỗi con người dũng cảm đi lên từ trong lòng đất đến trong vòng tay đẫm nước mắt của các thành viên gia đình và Tổng thống Chile.

4. Lũ lụt ở Pakistan

su kien 4 copy.jpg

Những trận mưa mùa vào tháng 7 đã gây ra một nạn lụt chưa từng có trong lịch sử Pakistan. Gần 1/5 đất nước chìm trong nước. Khoảng 20 triệu người Pakistan mất nhà cửa do nước sông dâng cao, 2.000 người chết và khoảng 10 triệu gia súc bị chết hoặc cuốn trôi. Thiệt hại về kinh tế khoảng 43 tỷ USD. Đây là một đòn giáng mạnh vào đất nước Pakistan vốn chịu nhiều mất mát của chiến tranh.

5. Vụ đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc



su kien 5 copy.jpg

Vụ việc bắt đầu vào tháng 3 khi tàu Cheonan, một tàu chiến của Hải quân Hàn Quốc bị chìm tại vùng biển tranh chấp giữa hai miền Triều Tiên, làm chết 46 thủy thủ. Một cuộc điều tra của quân đội Hàn Quốc tiến hành cho thấy chiếc tàu đã bị ngư lôi Triều Tiên đánh đắm. Vụ việc làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng.

Sau đó, vào ngày 23-11, Triều Tiên lại nã pháo lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc làm chết 4 người, trong đó có hai lính hải quân và 2 dân thường, làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn bao giờ hết.

6. World Cup Nam Phi



su kien 6 copy.jpg

Trong nhiều tháng trước khi diễn ra World Cup tại Nam Phi, báo giới quốc tế nghi ngờ khả năng tổ chức một sự kiện nổi tiếng nhất hành tinh của nước chủ nhà.

Đây là World Cup đầu tiên được tổ chức tại lục địa đen và vì vậy, đã có rất nhiều quan ngại: Liệu các sân vận động mới có được hoàn thành kịp thời gian? Liệu cơ sở hạ tầng có đủ để hàng vạn người hâm mộ trên thế giới đổ về Nam Phi? Liệu các biện pháp an ninh có đảm bảo trong một quốc gia nổi tiếng là tội phạm?

Trong 4 tuần diễn ra World Cup, Nam Phi là một cảnh tượng thành công nhất của những mùa World Cup gần đây, với những đám đông cuồng nhiệt, đặc biệt, trận đấu giữa đội Ghana với Tây Ban Nha và tiếng kèn vuvuzela gây tranh cãi trên toàn cầu.

7. Yemen: Mặt trận chống khủng bố mới



 

Vào hôm Giáng sinh năm 2009, một nghi phạm khủng bố đã thất bại trong vụ đánh bom trên chuyến bay đến Detroit. Và vụ đó đã nhắc nhở cộng đồng quốc tế về một Yemen, một quốc gia nghèo nhất và chia rẽ nhất thế giới đang trở nên nổi tiếng về chứa chấp các phiến quân ly khai. Một kẻ đánh bom đã được huấn luyện tại nước này. Kể từ đó, thế giới đã biết về một mối đe dọa đang ngày càng lớn của chi nhánh al Qaeda Yemen.

8. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Châu Âu

Đối với châu Âu, có lẽ đó là mùa hè của sự tức giận. Do ảnh hưởng của cuộc Đại suy thoái, một nước  thuộc nền kinh tế châu Âu đã áp dụng biện pháp thắt lưng buộc bụng. Khi Hy Lạp sắp rơi vào phá sản vào tháng 5, hàng chục nghìn người đã biểu tình tại thủ đô Athens và các thành phố khác để phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu công. Nhiều người cảm thấy họ đang bị trừng phạt vì các lỗi lầm của các chính trị gia.



 

Trên khắp châu Âu, người ta có cảm giác rằng các chính sách xã hội lâu dài được tạo ra sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đang bị đe dọa: trong nhiều tuần tại Pháp, các thành phố và thị trấn đã bị phong tỏa bởi các cuộc đình công khi những thanh niên và người tham gia biểu tình chống các kế hoạch kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm hai năm.

Vào tháng 10, chính phủ mới do Đảng Bảo thủ của Anh lãnh đạo đã tuyên bố cắt giảm ngân sách 128 tỷ USD, cắt giảm phúc lợi của quân đội làm dấy lên một sự phẫn nộ của công chúng.

9. Cuộc chiến chống ma túy ở Mexico



 

Cuộc chiến của Mexico chống lại các tập đoàn ma túy đã chuyển sang giai đoạn khủng khiếp nhất vào năm 2010. Các thành phố dọc theo biên giới đã bị cuốn vào tình trạng bạo lực trong các cuộc thanh trừng các đầu sỏ ma túy.

Vào tháng 9, đã có khoảng 400 cảnh sát hối lộ bị sa thải. Tổng thống Felipe Calderon đã có một số thắng lợi trong cuộc chiến chống lại các tập đoàn ma túy.

Tuy nhiên, những tin tốt lành còn lâu mới so được với các tin tức đều đặn báo cáo về các vụ bắt cóc, sát hại tập thể và xử tử vào ban đêm. Hơn 3.000 người đã bị giết chỉ trong năm nay.

10. Cuộc biểu tình của những người Áo Đỏ Thái Lan

Vào tháng 4 và tháng 5, hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ đánh chiếm trung tâm thương mại Bangkok, thủ đô Thái Lan. Những người Áo Đỏ đã tìm cách hạ bệ chính phủ mà họ cho là kém dân chủ.



 

Sau những cuộc tuần hành liên tục nhằm chứng tỏ một sự không khoan nhượng đối với chính phủ, tình hình đã trở nên bạo lực. Các đường phố ở thủ đô Bangkok đã trở thành chiến trường giữa quân đội của chính phủ và những người biểu tình. Cuộc trấn áp mạnh mẽ của Chính phủ đã dẫn đến cái chết của 91 người và hơn 1.800 người bị thương.

Vào tháng 11, hàng ngàn người Áo Đỏ lại tuần hành ở Bangkok để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong đợt biểu tình đó. Người ta lo rằng, trong tương lai sẽ còn tiếp tục diễn ra biểu tình và các hành động khác nữa.

ĐNĐT

.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)