Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng

CHDCND Triều Tiên khẳng định mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ


Vẫn chưa có dấu hiệu thật sự cho thấy đàm phán 6 bên sẽ được nối lại sau 2 năm đình trệ. Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cùng 3 cựu lãnh đạo châu Âu ngày 28-4 đã rời CHDCND Triều Tiên để đến Hàn Quốc với thông điệp: Bình Nhưỡng yêu cầu sự bảo đảm của Washington trong việc ngừng chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi. Không có thông tin chính thức về cuộc gặp gỡ của ông Carter với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il và Đại tướng Kim Jong-un. Song, hãng Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho hay, nhóm “bô lão” đã không gặp được ông Kim Jong-il.

Cựu Tổng thống Jimmy Carter (trái) gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao CHDCND Triều Tiên Kim Young Nam. Ảnh: THX
Trong chuyến thăm Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc lần này, đồng hành với ông Carter là cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, cựu Thủ tướng Na Uy Gro Harlem Brundtland và cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson. Theo hãng tin AP, trên một blog, ông Carter cho biết, CHDCND Triều Tiên khẳng định mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, đồng thời sẵn sàng đàm phán không điều kiện cùng Washington và Seoul. Ông Carter cho biết, điều quan trọng là Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân nếu không có sự bảo đảm an ninh từ Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp báo khi đến Seoul, ông Carter cũng nhấn mạnh: Nhà lãnh đạo Kim Jong-il sẵn sàng đàm phán không điều kiện với Hàn Quốc, hoặc với Mỹ, hoặc với 6 cường quốc vào bất kỳ lúc nào.
Cựu Tổng thống Carter vốn được CHDCND Triều Tiên tôn trọng vì vai trò của ông trong thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Bình Nhưỡng vào năm 1994, giúp ngăn chặn được một cuộc chiến tranh. Vào thời điểm đó, CHDCND Triều Tiên đã trục xuất các thanh sát viên quốc tế, đe dọa phá hủy Seoul và nguy cơ chiến tranh bùng nổ. Ông Carter cùng đi với Tổng thống Mỹ đương nhiệm lúc đó là Bill Clinton đến Bình Nhưỡng và gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, tức cha của ông Kim Jong-il. Tuy nhiên, các quan chức ở Washington và Seoul lần này dường như không đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng của nhà ngoại giao Carter trong việc tháo gỡ bế tắc đối với đàm phán 6 bên. Hàn Quốc còn cho rằng, chuyến công cán của ông Carter sẽ khó thay đổi được thái độ của Bình Nhưỡng.
Mang sứ mệnh hòa bình đến CHDCND Triều Tiên, nhóm “bô lão” bị đẩy vào tình huống khó khăn khi đàm phán đình trệ đã hơn 2 năm. Trong giai đoạn đó, CHDCND Triều Tiên thực hiện các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời tiết lộ về một cơ sở hạt nhân mới được cho là một cách khác để chế tạo bom nguyên tử, gây quan ngại cho khu vực Đông Bắc Á. Cuối năm ngoái, quân đội Triều Tiên đã nã đạn pháo lên đảo thuộc Hàn Quốc. Seoul còn cáo buộc Bình Nhưỡng là thủ phạm làm đắm tàu chiến Cheonan vào tháng 3-2010 làm 46 thủy thủ thiệt mạng.
Hãng AP cho biết, CHDCND Triều Tiên cũng đang thúc đẩy tiến trình xây dựng lò phản ứng năng lượng hạt nhân nước nhẹ. Thông tin này dựa theo hình ảnh vệ tinh thương mại vào đầu tháng 3 vừa qua nhưng được Viện Khoa học và An ninh quốc tế ở Washington công bố vào ngày 28-4. Trong khi Bình Nhưỡng cam kết về các mục đích năng lượng dân sự, một lò phản ứng như thế cho thấy rằng, đất nước này làm giàu uranium để có thể sử dụng trong vũ khí nguyên tử.
Mỹ khẳng định sẽ không xúc tiến đàm phán hạt nhân nếu Hàn Quốc không hài lòng về trách nhiệm của người láng giềng miền Bắc trong 2 vụ việc gây chết người vào năm ngoái. Song, đến nay Bình Nhưỡng vẫn từ chối xin lỗi và bác bỏ việc liên quan đến vụ đắm tàu Cheonan.
PHÚC NGUYÊN

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh gặp TGĐ Tập đoàn WL Ross, Mỹ


Ngày 6-4, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài David Was, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn đầu tư WL Ross (Mỹ).

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tiếp đại diện Tập đoàn WL Ross. Ảnh: Mỹ Hạnh

Trao đổi tại buổi tiếp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đánh giá cao đầu tư của Tập đoàn tại Đà Nẵng thông qua liên doanh giữa Tập đoàn ITG (đơn vị thành viên của tập đoàn) với Tổng Công ty Phong Phú (Tập đoàn Dệt-may Việt Nam – Vinatex) để thực hiện dự án xây dựng cụm công nghiệp dệt-may tại Khu công nghiệp Hòa Khánh trị giá 80 triệu USD. Về những vướng mắc trong quá trình hợp tác giữa Tổng Công ty Phong Phú và ITG, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng, đại diện hai công ty cần ngồi lại bàn bạc, trao đổi để đi đến thỏa thuận sao cho có lợi cả đôi bên. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu, cũng cần chuẩn bị phương án viện đến sự phân xử của trọng tài kinh tế hoặc tòa án. Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khẳng định, chính quyền thành phố Đà Nẵng sẵn sàng đứng ra dàn xếp mâu thuẫn giữa hai công ty và tạo mọi điều kiện thuận lợi để liên doanh phát triển sản xuất kinh doanh, xúc tiến đầu tư một cách hiệu quả tại Đà Nẵng.

Ông David Was đã bày tỏ lòng cảm kích trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố đối với sự phát triển của liên doanh ITG và Tổng Công ty Phong Phú. Ông cho biết, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hoạt động của liên doanh gặp nhiều khó khăn trong năm 2008, 2009. Tuy nhiên, từ năm 2010, dự án cụm công nghiệp dệt may này đã đi vào hoạt động hiệu quả, sử dụng công nghệ dệt may tiên tiến nhất trên thế giới và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.

Được biết, để điều hành cụm công nghiệp này, hai công ty đã thành lập Công ty TNHH ITG-Phong Phú tại Đà Nẵng, trong đó ITG góp 60% và Tổng Công ty Phong Phú góp 40% vốn. Liên doanh này cung cấp cho các khách hàng trong và ngoài nước các giải pháp sản phẩm trọn gói, theo chuỗi sản xuất, từ khâu ban đầu là dệt, nhuộm, thiết kế sản phẩm đến khâu cuối cùng là hoàn tất, may và giặt mài thành phẩm. Ông David Was khẳng định, Tập đoàn WL Ross sẽ tập trung giải quyết mâu thuẫn giữa Tập đoàn ITG và Tổng Công ty Phong Phú trong năm 2011. Và sau đó, tiếp tục đầu tư công nghệ cao cũng như nguyên liệu tốt nhất cho các dây chuyền sản xuất, bảo đảm an toàn và phúc lợi xã hội tốt cho công nhân, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân thành phố, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Đà Nẵng những năm đến.

M.H


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Time: 10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2010


(ĐNĐT) – Động đất tại Hahiti, quả bom nhiệt hạch WikiLeaks, căng thẳng bán đảo Triều Tiên, World Cup Nam Phi… là những sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong năm 2010 theo bình chọn của tạp chí Time.

1. Động đất tại Haiti

su kien 1 copy.jpg

Trận động đất ngày 12-1 làm rung chuyển thủ đô Port-au-Prince của Haiti có thể chưa phải là trận động đất lớn nhất trong lịch sử cận đại, nhưng nó được xem là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất.

Trong vòng vài giờ, hàng triệu người đã mất nhà cửa. Những tòa nhà trong thành phố và khu vực lân cận đã trở thành những đống đổ nát. Khoảng 230.000 người đã chết, hàng trăm nghìn người bị thương. Cộng đồng quốc tế đã phản ứng một cách nhanh chóng, hàng chục quốc gia đã đưa các nhóm cứu hộ và nhân viên quân đội đến hỗ trợ ổn định tình hình.

Tuy nhiên, sự tàn phá đã ảnh hưởng nặng nề đến quốc gia nghèo nhất vùng Tây Bán cầu này. Hàng chục nghìn người vẫn đang trú trong các thành phố lều. Đã xảy ra nhiều vụ hãm hiếp và một đại dịch tả tấn công, làm chết hơn 300 người, dẫn đến việc kêu gọi cứu trợ quốc tế.

2. WikiLeaks



 

WikiLeaks, một tổ chức tìm kiếm và xuất bản những dữ liệu nhạy cảm hoặc các bí mật của chính phủ. Trang tin này đã thả hai quả bom lớn bằng việc tiết lộ 77.000 tài liệu của quân đội Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan và hơn 400.000 nhật ký chiến trường từ Iraq vào tháng 10.

Vào tháng 11, trang web này lại cho nổ quả bom nhiệt hạch khi tiết lộ hơn 200.000 bức điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ làm đau đầu Nhà Trắng và buộc Washington phải tiến hành một cuộc điều tra tội phạm đối với Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks.Vụ việc gây phản ứng nhiều chiều trong giới lãnh đạo cũng như cộng đồng mạng của nhiều nước trên thế giới.

3. Giải cứu 33 thợ mỏ Chile

Vào ngày 5-8, 33 thợ mỏ tại mỏ đồng San Jose ở sa mạc Atacama bị vùi lấp ở độ sâu hơn 700 mét dưới lòng đất. 69 ngày, kéo theo một thảm kịch gây sự xúc động sâu rộng trên toàn cầu. Sau một đêm, toàn bộ các thợ mỏ bỗng chốc trở thành những anh hùng, hình ảnh của họ xuất hiện trên hầu hết các tờ báo toàn cầu.

Hình ảnh về cuộc giải cứu, khoang cứu hộ, và cuộc sống riêng tư của họ đã được truyền hình trực tiếp một cách ấn tượng, còn hơn cả phim ảnh khi mỗi con người dũng cảm đi lên từ trong lòng đất đến trong vòng tay đẫm nước mắt của các thành viên gia đình và Tổng thống Chile.

4. Lũ lụt ở Pakistan

su kien 4 copy.jpg

Những trận mưa mùa vào tháng 7 đã gây ra một nạn lụt chưa từng có trong lịch sử Pakistan. Gần 1/5 đất nước chìm trong nước. Khoảng 20 triệu người Pakistan mất nhà cửa do nước sông dâng cao, 2.000 người chết và khoảng 10 triệu gia súc bị chết hoặc cuốn trôi. Thiệt hại về kinh tế khoảng 43 tỷ USD. Đây là một đòn giáng mạnh vào đất nước Pakistan vốn chịu nhiều mất mát của chiến tranh.

5. Vụ đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc



su kien 5 copy.jpg

Vụ việc bắt đầu vào tháng 3 khi tàu Cheonan, một tàu chiến của Hải quân Hàn Quốc bị chìm tại vùng biển tranh chấp giữa hai miền Triều Tiên, làm chết 46 thủy thủ. Một cuộc điều tra của quân đội Hàn Quốc tiến hành cho thấy chiếc tàu đã bị ngư lôi Triều Tiên đánh đắm. Vụ việc làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng.

Sau đó, vào ngày 23-11, Triều Tiên lại nã pháo lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc làm chết 4 người, trong đó có hai lính hải quân và 2 dân thường, làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn bao giờ hết.

6. World Cup Nam Phi



su kien 6 copy.jpg

Trong nhiều tháng trước khi diễn ra World Cup tại Nam Phi, báo giới quốc tế nghi ngờ khả năng tổ chức một sự kiện nổi tiếng nhất hành tinh của nước chủ nhà.

Đây là World Cup đầu tiên được tổ chức tại lục địa đen và vì vậy, đã có rất nhiều quan ngại: Liệu các sân vận động mới có được hoàn thành kịp thời gian? Liệu cơ sở hạ tầng có đủ để hàng vạn người hâm mộ trên thế giới đổ về Nam Phi? Liệu các biện pháp an ninh có đảm bảo trong một quốc gia nổi tiếng là tội phạm?

Trong 4 tuần diễn ra World Cup, Nam Phi là một cảnh tượng thành công nhất của những mùa World Cup gần đây, với những đám đông cuồng nhiệt, đặc biệt, trận đấu giữa đội Ghana với Tây Ban Nha và tiếng kèn vuvuzela gây tranh cãi trên toàn cầu.

7. Yemen: Mặt trận chống khủng bố mới



 

Vào hôm Giáng sinh năm 2009, một nghi phạm khủng bố đã thất bại trong vụ đánh bom trên chuyến bay đến Detroit. Và vụ đó đã nhắc nhở cộng đồng quốc tế về một Yemen, một quốc gia nghèo nhất và chia rẽ nhất thế giới đang trở nên nổi tiếng về chứa chấp các phiến quân ly khai. Một kẻ đánh bom đã được huấn luyện tại nước này. Kể từ đó, thế giới đã biết về một mối đe dọa đang ngày càng lớn của chi nhánh al Qaeda Yemen.

8. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Châu Âu

Đối với châu Âu, có lẽ đó là mùa hè của sự tức giận. Do ảnh hưởng của cuộc Đại suy thoái, một nước  thuộc nền kinh tế châu Âu đã áp dụng biện pháp thắt lưng buộc bụng. Khi Hy Lạp sắp rơi vào phá sản vào tháng 5, hàng chục nghìn người đã biểu tình tại thủ đô Athens và các thành phố khác để phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu công. Nhiều người cảm thấy họ đang bị trừng phạt vì các lỗi lầm của các chính trị gia.



 

Trên khắp châu Âu, người ta có cảm giác rằng các chính sách xã hội lâu dài được tạo ra sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đang bị đe dọa: trong nhiều tuần tại Pháp, các thành phố và thị trấn đã bị phong tỏa bởi các cuộc đình công khi những thanh niên và người tham gia biểu tình chống các kế hoạch kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm hai năm.

Vào tháng 10, chính phủ mới do Đảng Bảo thủ của Anh lãnh đạo đã tuyên bố cắt giảm ngân sách 128 tỷ USD, cắt giảm phúc lợi của quân đội làm dấy lên một sự phẫn nộ của công chúng.

9. Cuộc chiến chống ma túy ở Mexico



 

Cuộc chiến của Mexico chống lại các tập đoàn ma túy đã chuyển sang giai đoạn khủng khiếp nhất vào năm 2010. Các thành phố dọc theo biên giới đã bị cuốn vào tình trạng bạo lực trong các cuộc thanh trừng các đầu sỏ ma túy.

Vào tháng 9, đã có khoảng 400 cảnh sát hối lộ bị sa thải. Tổng thống Felipe Calderon đã có một số thắng lợi trong cuộc chiến chống lại các tập đoàn ma túy.

Tuy nhiên, những tin tốt lành còn lâu mới so được với các tin tức đều đặn báo cáo về các vụ bắt cóc, sát hại tập thể và xử tử vào ban đêm. Hơn 3.000 người đã bị giết chỉ trong năm nay.

10. Cuộc biểu tình của những người Áo Đỏ Thái Lan

Vào tháng 4 và tháng 5, hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ đánh chiếm trung tâm thương mại Bangkok, thủ đô Thái Lan. Những người Áo Đỏ đã tìm cách hạ bệ chính phủ mà họ cho là kém dân chủ.



 

Sau những cuộc tuần hành liên tục nhằm chứng tỏ một sự không khoan nhượng đối với chính phủ, tình hình đã trở nên bạo lực. Các đường phố ở thủ đô Bangkok đã trở thành chiến trường giữa quân đội của chính phủ và những người biểu tình. Cuộc trấn áp mạnh mẽ của Chính phủ đã dẫn đến cái chết của 91 người và hơn 1.800 người bị thương.

Vào tháng 11, hàng ngàn người Áo Đỏ lại tuần hành ở Bangkok để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong đợt biểu tình đó. Người ta lo rằng, trong tương lai sẽ còn tiếp tục diễn ra biểu tình và các hành động khác nữa.

ĐNĐT

.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Người sáng lập WikiLeaks bị bắt






Mô tả ảnh.




Hình ảnh phác họa Julian Assange (trái) tại tòa án và những người muốn nộp tiền bảo lãnh cho ông (Ảnh: BBC)

Nhà sáng lập Wikileaks, Julian Assange đã bị bắt ngày 7-12 trong một cuộc điều tra tội phạm tình dục. Tuy nhiên, trang mạng này không hề nao núng và tiếp tục phát hành các bức điện mật mà giới chức Mỹ cho rằng đang hủy hoại nền an ninh và quan hệ của Mỹ trên toàn thế giới.

Sau một tháng lẩn trốn, người đàn ông Australia 39 tuổi này đã trình diện cảnh sát Anh để tuân theo lệnh bắt giữ của tòa án Thụy Điển. Ông bị truy nã để thẩm vấn sau khi hai phụ nữ tố cáo ông có quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su và không được sự đồng ý của họ.

Assange cho biết, ông sẽ chống lại việc dẫn độ sang Thụy Điển, mở ra một giai đoạn có thể được gọi là một cuộc chiến pháp lý căng thẳng.

Tại một phiên tòa ở London, Assange không có biểu hiện phản ứng khi Thẩm phán Howard Riddle bác bỏ việc xin tại ngoại của ông ta trong khi chờ đợi phán quyết dẫn độ vào ngày 14-12. Tòa cho rằng, Assange có thể sẽ tẩu thoát nếu được tạm tha. Khi thẩm phán hỏi liệu có đồng ý bị dẫn độ không, Assange nó rằng không đồng ý.

Trong một phiên thẩm vấn kéo dài một giờ tại London, Thẩm phán Gemma Lindfield, đại diện chính quyền Thụy Điển, đã đưa ra các cáo buộc tội hãm hiếp, gạ gẫm và quấy rối trái luật chống lại Assange, sau hai vụ quan hệ tình dục riêng biệt trong tháng 8 với hai phụ nữ Thụy Điển.

Tại Thụy Điển, một người quan hệ tình dục với một người bị mất ý thức, say rượu hoặc đang ngủ có thể bị kết án hãm hiếp và bị lãnh án từ hai đến sáu năm tù.

Luật sư của Assange đã chống lại các cáo buộc và nói rằng hai phụ nữ trên chỉ tố cáo sau khi biết rằng Assange đã ngủ với cả hai.

Các công tố viên tại Thụy Điển chưa có cáo buộc chính thức nào chống lại Assange. Luật sư của Wikileaks, Mark Stephens nói ông nghi ngờ việc Thụy Điển có quyền hợp pháp dẫn độ Assange chỉ để thẩm vấn.

Theo luật sư người Thụy Điển của Assange, Bjorn Hurtig, việc lập thủ tục dẫn độ có thể mất từ một tuần đến hai tháng. Nếu Assange thua kiện, ông có thể kiện lên tòa án tối cao. Có thể có thêm các đơn kháng cáo và Thụy Điển cũng có quyền kháng cáo nếu thấy tòa án thiên vị Assange.



Vào lúc này, Stephens cho biết ông ta sẽ gửi một đơn xin tại ngoại mới cho Assange và cho biết thêm rằng một số người Anh nổi tiếng như Jemima Khan và nhà làm phim Ken Loach và nhà báo Australia, John Pilger đã ngỏ ý đóng góp 20.000 euro (31,500 USD) mỗi người để Assange được tự do.

Trước đó, chính phủ Australia cho biết họ đang yêu cầu Lãnh sự quán giúp đỡ Assange, như tất cả người dân Australia bị bắt giữ ở nước ngoài. Chính phủ Australia cho biết, Tổng lãnh sự quán Australia tại London đã thông báo cho Assange để đảm bảo chắc chắn rằng ông đã có người đại diện về mặt pháp lý.

Hiện công chúng vẫn chưa biết Assange bị giam giữ ở đâu bởi vì cảnh sát Anh không bao giờ tiết lộ vì các lý do riêng tư và an ninh.

WikiLeaks tiếp tục phát hành điện tín mật

Lầu Năm Góc đã hoan nghênh vụ bắt giữ Assange. Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates phát biểu trong chuyến viếng thăm Afghanistan rằng: “Đó là một tin tốt lành đối với tôi”.

Trong lúc đó, như thể chứng tỏ rằng không thể bị đe dọa, Wikileaks tiếp tục phát hành hàng chục bức điện mật mới, kể cả các chi tiết về kế hoạch phòng thủ của NATO tại Estonia, Latvia và Lithuania làm Nga nổi giận.

Phát ngôn viên của Wikileaks, Kristinn Hrafnsson nhấn mạnh rằng vụ bắt giữ Assange và quyết định dừng dịch vụ chuyển tiền quyên góp của cả Visa và MasterCard cho Wikileaks sẽ không thay đổi chiến dịch của tổ chức này. Tuy nhiên, Hrafnsson nói rằng tổ chức này chưa có kế hoạch thực hiện lời đe dọa sẽ phát hành ồ ạt các tài liệu nhạy cảm nhất của Mỹ nếu bị tấn công.

Chính phủ Mỹ đang điều tra việc Assange có bị truy tố tội gián điệp hoặc các tội khác. Ngày 7-12, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng một số quan chức nước ngoài đã trở nên do dự khi tin tưởng vào Mỹ sau vụ tiết lộ các tài liệu mật của Wikileaks.

Ngoài ra, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Dave Lapan nói rằng quân đội đã chứng kiến một sự “thụt lùi” trong các cuộc tiếp xúc với nước ngoài. “Họ tin rằng Mỹ không giữ được bí mật và đã để cho các bí mật lộ ra, làm thay đổi rất nhiều điều”.

Quang Hiển

(Theo AP)




(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Mỹ – Nhật bắt đầu tập trận, Triều Tiên huy động thêm tên lửa


(ĐNĐT) – Ngày 3-12, một cuộc diễn tập lớn nhất từ trước tới nay giữa Mỹ và Nhật Bản đã được tiến hành trên vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, trong khi Triều Tiên huy động thêm tên lửa.


Trong cuộc trình diễn hỏa lực quân sự chung mang tên “Keen Sword”, Mỹ và đồng minh bên kia bờ Thái Bình Dương tiến hành cuộc tập trận 8 ngày với 60 tàu chiến, máy bay 500 và 44.000 quân tại vùng biển phía nam Nhật Bản. Đây là cuộc tập trận đánh dấu kỷ niệm 50 năm liên minh Mỹ-Nhật.








Lực lượng quân đội Mỹ và Nhật Bản tại nghi lễ khai mạc cuộc tập trận ngày 3-12. Ảnh: THX

Cuộc tập trận đã lên kế hoạch từ trước vượt xa cuộc tập trận Mỹ-Hàn trên Hoàng Hải tuần này vốn có ý nghĩ như một cuộc biểu dương lực lượng với Bình Nhưỡng, sau khi Triều Tiên nã pháo tấn công đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc.

Trung Quốc, thay vì công khai lên án Triều Tiên về vụ nã pháo vào Hàn Quốc, đã kêu gọi đàm phán với Bình Nhưỡng và cho rằng đàm phán thì tốt hơn là “dương oai diễu võ”.

Tuy nhiên, Washington, Tokyo và Seoul đã phớt lờ đề xuất của Bắc Kinh về đàm phán sáu bên với sự tham gia của Moscow. Thay vào đó, họ sẽ tổ chức một hội nghị ba bên do Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton Mỹ chủ trì vào thứ hai tới (6-12). 

Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao hội nghị này. Do tình hình trên bán đảo Triều Tiên cực kỳ phức tạp và nhạy cảm. Chúng tôi hy vọng hội nghị sẽ làm giảm căng thẳng và thúc đẩy đối thoại, hơn là làm căng thẳng tình hình và đẩy mạnh sự đối đầu.”

Cũng trong ngày 3-12, hãng Yonhap đưa tin, Hàn Quốc cho biết, sẽ sớm tổ chức diễn tập bắn đạn thật trên vùng biển Hoàng Hải và sẽ trả đũa mạnh mẽ hơn đối với bất kỳ sự xâm lược nào của Triều Tiên sau vụ nã pháo.

Một quan chức thuộc Tham Mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch tiếp tục diễn tập bắn đạn thật gần 5 hòn đảo trên Hoàng Hải, kể cả đảo YeonPyeong, càng sớm càng tốt.”

Trước khi bắt đầu diễn tập, chúng tôi đang kiểm tra các biện pháp đối phó lại các khiêu khích trong tương lại của Triều Tiên và huy động vũ khí để đáp trả nếu Triều Tiên gây hấn một lần nữa trong quá trình diễn tập”, quan chức trên cho biết.

Triều Tiên huy động thêm tên lửa nhiều nòng


Trong khi đó, ngày 3-12, một nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đã huy động thêm các giàn phóng tên lửa nhiều nòng có khả năng dội pháo vào Seoul, một thành phố chỉ nằm cách biên giới chỉ 50 km.

Nguồn tin giấu tên cho biết: “Triều Tiên gần đây đã gia tăng số lượng giàn tên lửa nhiều nòng khoảng từ 100 đến khoảng 5.200 quả, có khả năng tập trung tấn công từ các căn cứ của họ vào Seoul và các khu vực lân cận”.




Tên lửa SA-2. Ảnh: abovetopsecret.com


Tuy nhiên, nguồn tin trên không cho biết liệu các giàn phóng tên lửa nhiều nòng được huy động đến gần biên giới với Hàn Quốc hay không. Seoul và các vùng lân cận là nơi sinh sống của gần một nửa trong số 50 triệu dân Hàn Quốc.

Trước đó, Triều Tiên còn được cho là đã huy động các tên lửa đất đối không SA-2 và SA-5 đến gần biên giới.

Căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên đã dâng cao kể từ khi Triều Tiên nã pháo lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc hôm 23-11 gần khu vực tranh chấp trên biển Hoàng Hải. Hai dân thường và hai lính hải quân Hàn Quốc đã thiệt mạng trong vụ này, đánh dấu cuộc tấn công đầu tiên vào một khu vực dân sự kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Trong một diễn biến khác,  tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đưa nguồn tin trích dẫn cho hay, Kim Jong-un, con trai út đồng thời là người kế vị lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, đã lệnh cho quân đội vào đầu tháng 11 sẵn sàng cho một cuộc tấn công bằng pháo binh vào Hàn Quốc.

Tờ nhật báo trên dẫn một tin rất thân cận với quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc cho rằng: “Đầu tháng trước, quân đội Triều Tiên đã phát đi chỉ thị dưới danh nghĩa Kim Jong-un, gửi cho các chỉ huy cao cấp của quân đội sẳn sàng đối phó với sự khiêu khích của kẻ thù bất kỳ lúc nào”.

Nguồn tin dẫn lời một sĩ quan quân đội giấu tên khi đánh giá về vụ nã pháo lên đảo Yeonpyeong rằng: “Nó đã được lên kế hoạch. Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc đó trong thời gian dài”.

Quân đội Triều Tiên đã đợi một cơ hội và dựa trên cái cớ chống lại cuộc tập trận thường niên của Hàn Quốc. Ngoài ra, đây cũng là một nỗ lực nhằm thiết lập hình ảnh của Kim Jong-un như là một lãnh đạo mạnh mẽ để gạt bỏ những sự bất tín nhiệm trong một số binh sĩ”, tờ báo cho biết.

Quang Hiển

(Theo AFP, BBC, Yonhap, Chosun Ilbo)

.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Interpol phát lệnh truy nã nhà sáng lập WikiLeaks


(ĐNĐT) – Ngày 1-12,  Cảnh sát quốc tế Interpol cho biết đã yêu cầu các quốc gia thành viên bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange do nghi ngờ hãm hiếp dựa trên cơ sở lệnh bắt của Thụy Điển.

Nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange (Ảnh: Reuters)

Một phát ngôn viên của Interpol cho biết, Thụy Điển đã có Lệnh đỏ và khẳng định rằng Interpol đã đưa lên website của mình lời đề nghị của Thụy Điển về hỗ trợ việc tìm kiếm người đàn ông Australia 39 tuổi này.

Phòng Công tố Công cộng quốc tế Thụy Điển tại Gothenburg đã phát đi một lệnh bắt đối với Julian Assange vào ngày 18-11, nói rằng “nguyên nhân có thể là tội hãm hiếp, lạm dụng tình dục và cưỡng bức trái pháp luật”.

Assange, một người hiện chưa rõ nơi ở, đã gửi đơn kháng án tại Tòa án Thụy Điển nhưng đã bị từ chối tuần qua và ông đã gửi một lá đơn thứ hai.

Vào lúc này, Assange có thể đối mặt với việc bắt giữ và dẫn độ về Thụy Điển từ bất kỳ đâu trên thế giới, nơi mà chính quyền sở tại quyết định thực hiện lệnh bắt nói trên.

Những người ủng hộ Assange đã tố cáo các lực lượng ẩn danh cố tình hư cấu ra việc ông ta đã phạm tội tình dục đối với hai phụ nữ Thụy Điển vào tháng 8 nhằm đánh vào chiến dịch đưa tài liệu mật mà WikiLeaks đang sở hữu ra công chúng.

Hiện WikiLeaks vẫn đang tiếp tục việc tiết lộ tài liệu mật. Tuần này, khoảng 250 ngàn bức điện tín mật của Bộ Ngoại giao Mỹ đã được tung lên mạng internet và các tờ báo trên thế giới.

Việc tiết lộ các tài liệu, chủ yếu là các bức điện ngoại giao nội bộ của Mỹ, đã gây một sự ngượng ngùng cao độ cho Mỹ và một vài đồng minh thông qua những tiết lộ chấn động và hớ hênh đi cùng những sự kiện thế giới.

Ngày 30-11, Assange đã trả lời phỏng vấn của tạp chí Time từ một địa điểm bí mật qua dịch vụ điện thoại Skype. Dù là người Australia, Assange được cho là sống chủ yếu ở châu Âu và gần đây là Anh quốc.

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đã lên án vụ ăn cắp và phơi bày những bức điện tín ngoại giao là phạm tội hình sự, giáng một đòn vào sự ổn định và thực tiễn ngoại giao thế giới. Mỹ đã tiến hành điều tra và làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan trong vụ rò rỉ thông tin này.

Quang Hiển

(Theo AFP)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Mỹ – Nhật sắp tập trận lớn


Nhật Bản và Mỹ chuẩn bị tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn vào ngày mai, trong bối cảnh tình hình xung đột trên bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng.

Lính Hàn đứng gác trên hòn đảo Yeonpyeong hôm qua. Ảnh: Chosun.

Cuộc tập trận mang tên “Keen Sword”, đã được lên kế hoạch từ trước cuộc pháo kích của Triều Tiên trên hòn đảo của Hàn Quốc vào tuần trước, sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 10/12, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định.

“Đây là thời điểm thích hợp để chứng tỏ mối khăng khít giữa Nhật Bản và Mỹ”, một quan chức cấp cao nói với tờ Yomiuri Shimbun.

Khoảng 34.000 binh lính Nhật Bản, 40 tàu chiến, 250 phi cơ sẽ cùng với hơn 10.000 lính Mỹ với 20 tàu chiến và 150 máy bay tham dự cuộc tập trận này. Cuộc diễn tập Mỹ – Nhật lớn nhất kể từ năm 2007 sẽ diễn ra trên vùng biển của Nhật Bản, gần với bờ biển phía nam Hàn Quốc.

Tokyo lần đầu tiên mời quan chức quân đội Hàn Quốc tới quan sát cuộc tập trận. Qua đó, Tokyo hy vọng sẽ chứng minh được sự đoàn kết giữa ba quốc gia. Nhật Bản cũng từng gửi binh lính tới quan sát cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vào tháng 7, sau vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc, khiến 46 thủy thủ bị chết. Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đã đánh chìm con tàu.

Cuộc tập trận chung này sẽ lớn hơn rất nhiều so với cuộc diễn tập giữa Mỹ và Hàn Quốc vừa kết thúc hôm qua – nhằm thị uy Bình Nhưỡng vì đã nã pháo vào hòn đảo nằm ở biên giới của Hàn Quốc.

Nhật Bản đề cao cảnh giác sau vụ pháo kích mà Hàn Quốc hứng chịu. Thủ tướng Naoto Kan chỉ đạo các bộ trưởng chuẩn bị cho bất cứ tình huống khẩn cấp nào.

“Cuộc tập trận giữa Nhật Bản và Mỹ là một hoạt động thông thường, diễn ra đều đặn trong nhiều năm”, thông điệp của Không quân Mỹ có đoạn, trong đó nhấn mạnh cuộc diễn tập nhằm củng cố mối hợp tác giữa các lực lượng Mỹ và Nhật Bản.

Sau vụ pháo kích của Bình Nhưỡng lên hòn đảo Yeonpyeong làm 4 người Hàn Quốc thiệt mạng, hôm 23/11, Trung Quốc đã kêu gọi 6 quốc gia liên quan có cuộc gặp mặt khẩn cấp để bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thỏa thuận có cuộc hội đàm riêng tại Washington vào ngày 6/12. Những nước còn lại trong đàm phán 6 bên là Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.

Song Minh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)