Hiển thị các bài đăng có nhãn dân tộc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn dân tộc. Hiển thị tất cả bài đăng

Trung Quốc xuyên tạc sự thật và hăm dọa dân tộc Việt Nam


Ngày 11-6 vừa qua, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đã phát đi một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam dưới đầu đề “Cứng rắn với Trung Quốc không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”. Để dư luận ở Việt Nam và Trung Quốc cũng như ở khu vực và trên thế giới hiểu đúng sự việc, nghĩ cũng cần nói lại đôi điều.

nguyen ba thanh
2 trong số 3 tàu hải giám Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam, lao vào cắt cáp và cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 ngày 26-5-2011

Năm nay vừa tròn 20 năm hai nước Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ với nhau sau những năm tháng sóng gió. Một trong những nguyên tắc cơ bản hai bên đã thỏa thuận là “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, xây dựng mối quan hệ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, trở thành “láng giềng tốt, anh em tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hơn thế nữa, gần đây hai nước còn thỏa thuận xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đó là những tài sản quý giá, phải mất bao nhiêu công sức mới tạo dựng được và phía Việt Nam hết sức trân trọng giữ gìn.

Tiếc rằng, một số sách báo và báo mạng ở Trung Quốc không biết vì lẽ gì không ngớt đưa ra những bài không thiện chí, xuyên tạc về Việt Nam và mối quan hệ Trung-Việt. Tình hình này càng rộ lên sau hai sự việc liên tiếp trong chỉ có hai tuần lễ là vụ tầu hải giám của Trung Quốc vô cớ xông vào cắt phá cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 và dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính, tàu cá Trung Quốc phá hoại tuyến cáp của tàu Viking II đang hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Trong số những tờ báo ấy, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc “lớn tiếng” nhất. Ngày 11-6 vừa qua, Thời báo này đã phát đi một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam dưới đầu đề “Cứng rắn với Trung Quốc không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”.

Để dư luận ở Việt Nam và Trung Quốc cũng như ở khu vực và trên thế giới – đang rất lo ngại về những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông – hiểu đúng sự việc, thiết nghĩ cũng cần nói lại đôi điều.

Bài xã luận nói Việt Nam “đe dọa”, “dọa dẫm” Trung Quốc thì thật nực cười vì đâu phải tàu Việt Nam lao vào tàu Trung Quốc mà là ngược lại. Hành vi của tàu Trung Quốc không chỉ là “đe dọa” hay “dọa dẫm” mà là hành vi khiêu khích, gây hấn như luật pháp và thông lệ quốc tế đã định nghĩa rõ. Đó là chưa kể hàng loạt bài trên báo in và báo mạng ở Trung Quốc đã dồn dập tung ra những lời lẽ hằn học, ngỗ ngược, xúc phạm sâu sắc lòng tự trọng của nhân dân Việt Nam và chắc là cũng rất xa lạ với người dân Trung Quốc. Những lời lẽ như vậy thật không phù hợp chút nào với cách hành xử giữa các nước văn minh chứ chưa nói đến hai nước XHCN với nhau.

Đoạn cáp của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt ngày 26-5-2011

Bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu ngày 11-6 đầy rẫy những lời hăm dọa như: phía Việt Nam “dường như hoàn toàn không đếm xỉa đến những phản ứng mà Trung Quốc có thể đưa ra”, “nếu dùng biện pháp chiến tranh để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam sẽ đều thất bại…” (nhân đây, tuy rất không muốn nhưng buộc phải nhắc lại những sự kiện năm 1974 quân đội Trung Quốc tiến đánh Hoàng Sa, năm 1979 tiến hành chiến tranh biên giới, năm 1988 tiến đánh một số đảo ở Trường Sa để thấy rõ ai là người chẳng những hay đe dọa mà còn dùng biện pháp chiến tranh trong quan hệ Trung-Việt). Nhân dân Việt Nam đã phải bỏ ra hàng mấy chục năm đấu tranh chống ngoại xâm, nay thiết tha mong có hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, lẽ nào lại muốn gây hấn với bất kỳ ai, nếu độc lập không bị đe dọa, chủ quyền không bị chà đạp.

Chính hành vi ngỗ ngược của tàu hải giám Trung Quốc và những bài đại loại như xã luận ngày 11-6 của Thời báo Hoàn cầu đã làm cho những cảm giác của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc (không phải với nhân dân Trung Quốc nói chung) bị xói mòn, chứ không phải là “người dân Trung Quốc khi nhìn thấy các kiểu thể hiện của Việt Nam thông qua tin tức báo chí thì những cảm giác tốt đẹp của họ về Việt Nam tích lũy trong những năm qua gần như đã tiêu tan hết” như Thời báo Hoàn cầu viết.

Một mệnh đề được tác giả bài xã luận nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại là mối quan hệ giữa “nước lớn” và “nước nhỏ”. Trên thực tế, quả thật cũng có nước lớn và nước nhỏ. Song trong quan hệ quốc tế thì mọi quốc gia đều bình đẳng – một điều chính Trung Quốc cũng hay rao giảng. Hành vi ứng xử của phía Trung Quốc trong những ngày qua rõ ràng không phản ánh, hay nói đúng hơn là đi ngược lại chủ trương “tôn tiểu” mà bài báo nói tới; hơn thế nữa còn lộ rõ thái độ lấn lướt theo kiểu nước lớn – một điều đang gây lo ngại trong dư luận khu vực và quốc tế, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh một nước Trung Hoa “trỗi dậy hòa bình”.

Bài xã luận còn suy luận rằng, sự phản ứng chính đáng của phía Việt Nam dường như do áp lực nội bộ, cổ vũ tinh thần trong nước, tăng cường sự chú ý của cộng đồng quốc tế…, phản ứng chủ nghĩa dân tộc, gây nên sự đối lập giữa nhân dân hai nước… Gốc gác của vấn đề chính là nằm ở sức ép của phía Trung Quốc thông qua hành vi ngang ngược, chà đạp luật pháp và thông lệ quốc tế của tàu thuyền Trung Quốc trên Biển Đông. Bất kỳ một người Việt Nam nào cũng đều bất bình; bất luận người nào có lương tri trên thế giới cũng đều lo ngại. Trong quan hệ giữa các quốc gia thời hiện đại không thể hành xử theo kiểu cứ lấn lướt rồi buộc đối phương câm lặng theo kiểu “trùm chăn mà đánh” được! Thử hỏi, tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu sẽ hành xử ra sao nếu tàu nước ngoài xông vào cắt cáp của tàu địa chấn Trung Quốc đang hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế thực sự của Trung Quốc đúng theo luật pháp quốc tế (chứ không phải cái đường 9 đoạn tự dựng lên ở cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn dặm)? Trung Quốc đã từng bị nước ngoài xâm lấn, người dân Trung Quốc đã từng bị hạ nhục. Vì vậy, chắc rằng họ có thể hiểu nỗi bất bình của người dân Việt Nam.

Vị trí tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp cách Mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên, Việt Nam 120 hải lý ngày 26-5-2011

Bài xã luận đánh giá rằng, “Hà Nội đang có bước thụt lùi trước những kinh nghiệm thành công về giải quyết vấn đề trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ, đang đưa hai nước quay lại con đường đọ sức giữa cứng rắn và cứng rắn”. Có lẽ chẳng cần tốn lời bác bỏ luận điệu nực cười như vậy. Cho nên, chỉ cần thay chữ “Hà Nội” bằng chữ “Bắc Kinh” là đủ! Thật đáng tiếc, trong hai chục năm qua đã phải bỏ ra biết bao công sức mới khép lại được quá khứ bất hạnh, tạo dựng được mối quan hệ hợp tác mới, thế mà hành vi quá khích của tàu Trung Quốc đã đẩy quan hệ hai nước giật lùi! Tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu đã kết thúc bài báo bằng câu: “mời các ngươi hãy xem lại lịch sử đi”. Đúng vậy! Hãy xem lại lịch sử mấy ngàn năm sống bên cạnh nhau để ứng xử sao cho phải đạo là hai nước láng giềng hữu hảo!

Ứng xử sao cho đúng là hai nước láng giềng hữu nghị, đó là mong mỏi chân thành của mỗi người dân Việt Nam. Và chắc rằng đó cũng là ý nguyện của người dân Trung Quốc và khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Hoàng Trường


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kon Tum nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc


Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, trong hai ngày 16-17/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội ,Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác của Trung ương đã làm việc tại tỉnh Kon Tum. Sáng 17/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, tập trung vào các nội dung tình hình triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, đặc biệt là các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.Báo cáo về tình hình của Kon Tum, Bí thư Tỉnh ủy Hà Ban cho biết là tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc tại Kon Tum.

Đến nay, bình quân thu nhập đầu người đạt hơn 13 triệu đồng/người/năm; tăng trưởng kinh tế năm qua đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây; thu ngân sách trên địa bàn đã vượt 1.300 tỷ đồng. Các cây trồng chủ lực (lúa, ngô, cao su, càphê, hồ tiêu…) đều được đầu tư phát triển mạnh, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu lên gần 60 triệu USD.

Thực hiện Kết luận số 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ, tỉnh quyết định tạm dừng đầu tư 7 công trình với tổng kinh phí 37,7 tỷ đồng; giãn tiến độ đầu tư 3 công trình với tổng kinh phí 15,5 tỷ đồng; tiết kiệm 10% chi thường xuyên tương đương hơn 23 tỷ đồng, dừng mua 8 ôtô với giá trị 8,81 tỷ đồng…

Trong quý 1 năm 2011, Kon Tum chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán và dịch bệnh gia súc, nhiều diện tích cây trồng bị mất trắng, hàng ngàn con trâu, bò, lợn bị chết hoặc tiêu hủy… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách trên địa bàn đều tăng, tỉnh cũng đã cấp chứng nhận 18 dự án đầu tư, thành lập mới 78 doanh nghiệp, mở rộng đầu tư 20 doanh nghiệp… tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động.

Công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 tại Kon Tum được triển khai tích cực, nghiêm túc, đảm bảo đúng tiến độ, trình tự, thủ tục, phát huy dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Toàn tỉnh dự kiến có 717 khu vực bỏ phiếu, được bầu 6 đại biểu Quốc hội, 50 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 279 đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, 1.416 đại biểu Hội đồng nhân dân xã.

Do đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn rộng, giao thông, thông tin liên lạc khó khăn, thời điểm bầu cử lại vào mùa mưa, được phép của Hội đồng bầu cử, Kon Tum sẽ tiến hành bầu cử sớm, trước một ngày (21/5/2011) so với ngày bầu cử toàn quốc, đối với một số khu vực bỏ phiếu trên địa bàn huyện Kon Plong, Sa Thầy, Tu Mơrông, Đăk Glei.

Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng, thông qua nhiều chương trình, chính sách cụ thể, thiết thực, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong muốn cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chủ động, tích cực hơn nữa trong việc cải thiện và nâng cao mức sống cho đồng bào.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Kon Tum đã nhanh chóng tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, tỉnh cần tiến hành bài bản hơn nữa, làm sao quán triệt sâu sắc những đường lối chiến lược, quan điểm cơ bản, những mục tiêu nhiệm vụ cụ thể và giải pháp lớn, trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế tại địa phương, đưa Kon Tum ngày càng phát triển, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong muốn Kon Tum khẩn trương cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra thành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương về tài nguyên, đất đai, rừng… đẩy mạnh phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý Kon Tum giải quyết thấu đáo các vấn đề thiết thân đối với địa phương, bảo đảm đất sản xuất cho dân, quan tâm phát triển thủy lợi, đẩy mạnh trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao trình độ dân trí, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao…

Chia sẻ những khó khăn trong sản xuất và đời sống mà bà con phải gánh chịu trong bối cảnh tình hình lạm phát, giá giả leo thang như hiện nay, Tổng Bí thư mong muốn bà con hãy tích cực hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Nhấn mạnh Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum là địa bàn chiến lược về quốc phòng an ninh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí trong dân, trong Đảng, xây dựng cơ sở chính trị, thế trận lòng dân vững chắc, làm tốt công tác dân tộc, công tác tôn giáo, công tác dân vận, giữ vững ổn định ngay từ cơ sở, đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, thì công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được coi là nhiệm vụ then chốt.

Kon Tum cần tập trung chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ đảng viên gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ vững niềm tin của dân đối với Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý Kon Tum tiếp tục chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết, bảo đảm việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 thành công tốt đẹp, thực sự dân chủ và đúng luật. Tại Kon Tum, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đã đến thăm bà con các dân tộc ở thôn Đắc Mút, xã Đắc Mar, làm việc với lãnh đạo huyện Đắc Hà.

Nói chuyện với bà con dân tộc Bahnar trong ngôi nhà Rông truyền thống ở thôn Đăk Mút, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của bà con, từ hộ làm kinh tế giỏi như gia đình Mguih đến hộ nghèo như gia đình Achun.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng căn dặn bà con phải luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống, giữ gìn những sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, không nghe kẻ xấu xúi giục làm điều xấu, tập trung thi đua lao động sản xuất hướng tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, nghiêm chỉnh thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của công dân.

Làm việc với lãnh đạo huyện Đắc Hà, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền các cấp trong huyện đã tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm); có nhiều mô hình mới, hiệu quả nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh từ đất và rừng, phát triển mạnh các cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, mở hướng phát triển vững chắc trong cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, huyện luôn chăm lo các hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thông qua mô hình “Ngân hàng lương thực cộng đồng,” Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý Đăk Hà quan tâm giải quyết một số vấn đề thiết yếu ở địa phương, tìm hướng lâu dài để bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ phát triển sản xuất; chăm lo xây dựng, phát triển Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước vươn lên trở thành một huyện giàu có. Tại Đăk Mút, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà Già làng A Jur và gia đình nông dân A Văng./.

Nguyễn Thị Sự
Nguồn: http://nguyenphutrong.com/2011/04/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-kon-tum-nang-cao-muc-song-cho-dong-bao-cac-dan-toc.htm

(Theo www.nguyenbathanh.com)