Hiển thị các bài đăng có nhãn Đoàn đại biểu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đoàn đại biểu. Hiển thị tất cả bài đăng

Ông Nguyễn Bá Thanh thảo luận với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Cần Thơ, Hưng Yên.


Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách (NS) Trung ương năm 2012. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Cần Thơ, Hưng Yên.

Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên thảo luận ở tổ.  Ảnh: TTXVN

Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN

Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những nội dung quan trọng như việc thực hiện dự toán thu NSNN và khả năng thu nội địa, thu xuất nhập khẩu, thu dầu thô và những vấn đề nổi lên trong quản lý thu NS năm 2011; hiệu quả, tính hợp lý của các khoản tăng chi và tồn tại trong thực hiện dự toán chi NSNN năm 2011, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; tính hợp lý của mức bội chi NSNN 4,9%; đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh giãn, giảm, miễn một số chính sách thuế, cắt giảm đầu tư công đối với việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2011; đánh giá những thuận lợi, khó khăn và tính hợp lý của các nguyên tắc xây dựng dự toán NSNN năm 2012; đánh giá chỉ tiêu về tổng thu, tổng chi, cơ cấu thu, các giải pháp cơ cấu lại chi NSNN, tính hợp lý của các nguyên tắc phân bổ ngân sách Trung ương, cơ cấu NS Trung ương và NS địa phương , tính cụ thể, rõ ràng, hợp lý trong phương án phân bổ NS Trung ương năm 2012 và những đề xuất, kiến nghị…

 

Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm tán thành với các báo cáo của Chính phủ do Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền trình Quốc hội, đồng thời đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội về nhận định tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2011. Về thu NSNN, ĐB cho rằng ước cả năm vượt 13,4% so với dự toán, tăng 20,6% so với thực hiện năm 2010 là mức tăng khá cao, song chưa vững chắc, bởi các nguồn thu chủ yếu chưa phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà phần lớn từ đất đai, bán tài nguyên dầu thô.

 

ĐB đề nghị phân tích rõ hơn trong cơ cấu số tăng thu ngân sách này thì phần tăng do yếu tố giá thế giới tăng là bao nhiêu, do thực lực phát triển kinh tế, đầu tư sản xuất kinh doanh là bao nhiêu để từ đó có biện pháp khắc phục. Đối với số vượt thu NS Trung ương khoảng 54 ngàn tỷ đồng, NS địa phương khoảng 25,5 ngàn tỷ đồng, ĐB đề nghị cân nhắc có thể dành khoảng từ 3 đến 4 ngàn tỷ đồng để tăng dự phòng nhằm xử lý kịp thời một số nhu cầu phát sinh cấp bách vào cuối năm. Về những giải pháp chủ yếu trong 2 tháng cuối năm 2011, ĐB đề nghị cần tăng cường chống thất thu, kiểm tra, kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là các tuyến biên giới, trên biển; rà soát các khoản nợ đọng thuế của các doanh nghiệp, vì hằng năm số nợ đọng này rất lớn; dành nguồn dự phòng ngân sách để kịp thời xử lý khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt.

 

ĐB cơ bản tán thành phương án NSNN năm 2012 do Chính phủ trình. Tuy nhiên, ĐB cho rằng nên xây dựng phương án dự phòng ứng phó khi tình hình xấu, các nguồn thu bị ảnh hưởng có thể không đạt như dự kiến. ĐB đánh giá cao việc dành ngân sách hơn 59 ngàn tỷ đồng chi cho tiền lương để nâng mức lương tối thiểu lên 1.050.000 đồng và phụ cấp công vụ ở mức 25%. Tuy nhiên, về dự toán thu dầu thô 87 ngàn tỷ đồng trên cơ sở sản lượng dự kiến 14,68 triệu tấn và giá bình quân 85 USD/thùng, ĐB cho rằng trong bối cảnh hiện nay, tình hình Trung Đông, Bắc Phi phức tạp nên giá dầu có thể biến động khó lường, đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ thêm căn cứ xây dựng dự toán giá dầu thô sao cho sát với thực tế. Về phân bổ vốn đầu tư phát triển năm 2012, đối với khoản bổ sung có mục tiêu từ NS Trung ương, dự kiến khu vực miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long bố trí kinh phí tăng từ 23-25%; trong khi đó khu vực đồng bằng Sông Hồng tăng trên 51%; ĐB đề nghị xem lại phương án phân bổ này, bố trí tăng chi cho khu vực miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long vì thường hay bị thiên tai, bão, lũ lụt gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Về ngân sách ngành Giao thông-Vận tải, theo ĐB Thân Đức Nam thì năm 2011 ngành chỉ triển khai các dự án sử dụng vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, các dự án khác đều phải đình hoãn. Năm 2012, phương án ngân sách ngành GTVT được xây dựng ở mức tối thiểu, chủ yếu phục vụ các dự án dở dang và tăng cường các kênh huy động ngoài ngân sách. Về nguồn vốn NSNN cần khoảng 14,8 ngàn tỷ đồng, bao gồm các dự án ODA khoảng 8.200 tỷ đồng, dự án giao thông trong nước gần 6.200 tỷ đồng, nguồn trái phiếu Chính phủ khoảng 20 ngàn tỷ đồng và sẽ huy động ngoài ngân sách khoảng 20 ngàn tỷ đồng. Với nhu cầu thực tế này, trong dự toán NSNN năm 2012 bố trí cho ngành GTVT 5.590 tỷ đồng là ở mức quá thấp, chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu. Do đó, ĐB đề nghị cân đối tăng thêm, chí ít phải đáp ứng thanh toán khối lượng các dự án, công trình cấp bách đã hoàn thành.

 

Thiếu tướng, Phó Chính ủy Quân khu 5, ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) bày tỏ sự nhất trí cao với đánh giá thực hiện NSNN năm 2011, dự toán NSNN và phân bổ NS Trung ương năm 2012 cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội. Theo ĐB thì báo cáo thẩm tra có cơ sở, thẳng thắn và khách quan. ĐB cho rằng năm 2011 việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án khởi công mới chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa khắc phục được tình trạng phân bổ dàn trải. ĐB đề nghị cần làm rõ vì sao các công trình trọng điểm, dự án chuyển tiếp chưa thật sự được ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

 

Về chi NS Trung ương năm 2012, ĐB đề nghị cần bố trí ngân sách ở mức hợp lý, đồng thời tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện cũng như rà soát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công, chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chính sách dành cho người nghèo… Nâng cao hiệu quả các chính sách, bảo đảm đưa các hoạt động chi thường xuyên ra khỏi các công trình mục tiêu quốc gia, tập trung nguồn lực để thực hiện chỉ tiêu xóa nghèo năm 2012.

 

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khiếu nại. Tham gia phát biểu, đại biểu Quốc hội chuyên trách Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, tại các điều 12, 13, 14, 15 quy định việc cung cấp thông tin, tài liệu nhưng lại không quy định thời hạn cung cấp và cũng không thấy giao cho Chính phủ quy định. Do đó, ĐB đề nghị cần quy định thời hạn cung cấp thông tin, tài liệu vào trong luật để thuận tiện cho việc thực hiện sau này, đồng thời cần rà soát kỹ lưỡng vì vẫn còn một số điều khoản quy định chưa chính xác. ĐB đề nghị quy định bổ sung vào luật vấn đề thừa kế quyền và nghĩa vụ khiếu nại trong quá trình giải quyết khiếu nại và vấn đề phòng ngừa, ngăn chặn nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại.

 

PHẠM HỮU HOA(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)