Hiển thị các bài đăng có nhãn 7 tinh mien Trung. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn 7 tinh mien Trung. Hiển thị tất cả bài đăng

Ông Nguyễn Bá Thanh dự hội thảo “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung”


Ngày 15-7, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung” (từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa) lần thứ nhất do Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức. Ban Điều hành Hội thảo gồm các đồng chí: Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng (UVTWĐ), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Đào Tấn Lộc, UVTWĐ, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên và Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Tổ trưởng Tổ Tư vấn. Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Hoàng Tuấn Anh, UVTWĐ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 7 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học; các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn của cả nước.

Biến sức mạnh liên kết thành “con số nhân”

Vấn đề liên kết để phát triển đã được đặt ra từ lâu, nhưng trên thực tế, mối liên kết các địa phương trong khu vực 7 tỉnh duyên hải miền Trung (sau đây gọi chung là Vùng) thời gian qua đã không được triển khai một cách mạnh mẽ vì thế không đạt được hiệu quả như mong muốn. Sự hợp tác và liên kết Vùng chưa mang lại hiệu quả từ quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực đến cơ chế phối hợp điều hành. “Tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh trong Vùng khá tương đồng nhau cả về tiềm năng biển và ven biển, tiềm năng du lịch, tiềm năng phát triển cảng và các khu công nghiệp tập trung quy mô lớn. Nhưng hiện tại tính liên kết trong Vùng để cùng phát huy lợi thế cạnh tranh còn rất lỏng lẻo, thậm chí trong nội bộ Vùng còn cạnh tranh mạnh mẽ, làm cản trở sự phát triển chung” – TS Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận.

Lãnh đạo 7 địa phương ký biên bản cam kết thực hiện nội dung liên kết.

Lãnh đạo 7 địa phương ký biên bản cam kết thực hiện nội dung liên kết.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: Phải thẳng thắn thừa nhận, sự kết nối để cùng nhau phát triển giữa các tỉnh, thành chúng ta nếu có thì phần lớn do tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô, các chiến lược phát triển kinh tế tổng thể của quốc gia chứ chưa phải từ nỗ lực hay từ sự chủ động của mỗi địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, sự liên kết tự thân giữa các địa phương chúng ta cho đến nay vẫn nhỏ lẻ và rời rạc.

Với góc độ của một nhà nghiên cứu, TS Trần Du Lịch cho rằng, trong hai thập niên qua, nhất là trong 10 năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền mỗi địa phương trong Vùng với khát vọng vươn lên, đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, quá trình phát triển vừa qua cũng cho thấy, nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn, thì sẽ khó có thể nâng cao sức cạnh tranh của toàn Vùng. Với sự quy hoạch phân bố lực lượng sản xuất theo mô hình cơ cấu kinh tế tỉnh dẫn đến sự phân tán nguồn lực và thiếu sự liên kết để giải quyết những vấn đề chung của bài toán phát triển đã và đang đặt ra khá gay gắt đối với mỗi địa phương.

“Nhận thức vấn đề đúng, nhưng làm thế nào trong điều kiện mà lợi ích phát triển của mỗi địa phương không chỉ có điểm tương đồng, mà còn chứa đựng cả những dị biệt, thậm chí mâu thuẫn lợi ích. Mặt khác, sự liên kết không làm mất đi động lực cạnh tranh, tính năng động sáng tạo của từng địa phương; đồng thời phải biến sức mạnh kinh tế của Vùng thành “con số nhân”, chứ không phải là “con số cộng” của 7 địa phương hiện nay” – TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đứng về phía lãnh đạo địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, việc liên kết hợp tác đã khởi xướng từ lâu, nhưng đến nay mới có các điều kiện cần và đủ, quan trọng nhất là xuất phát từ nội tại của 7 tỉnh. “Việc liên kết sẽ có lợi cho 7 tỉnh và cả Vùng. Việc liên kết để cùng có tiếng nói chung trong đề xuất, kiến nghị giải quyết những vấn đề quan trọng về phát triển của vùng; đồng thời liên kết để bàn việc của từng tỉnh!” – Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh. Còn Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc thì cho rằng, việc liên kết trong vùng có truyền thống tốt, nhưng trước những đòi hỏi hiện nay, cần phải tăng cường hợp tác, liên kết để tăng tính cạnh tranh trong phát triển của cả Vùng…

Tập trung để huy động nguồn lực

Chính từ việc nhận thức cần thiết phải có sự liên kết của 7 tỉnh duyên hải miền Trung, hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm từ các nhà lãnh đạo, quản lý đến các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các doanh nhân…

Thông qua việc phân tích tiềm năng, thế mạnh cũng như những điểm yếu của từng địa phương và mối liên kết, hợp tác trong Vùng, nhóm nghiên cứu nội dung của Hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và các nhà khoa học đã đề xuất mục tiêu liên kết của Vùng là hướng đến việc khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và toàn Vùng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có tầm cỡ khu vực và quốc tế; ưu tiên phát triển kinh tế biển (hạ tầng cảng biển, dịch vụ hàng hải, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, chế biến và xuất khẩu thủy, hải sản), góp phần tạo việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí cho các tầng lớp dân cư. Trong đó, những năm trước mắt, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu, có tính khả thi cao như phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch; phân công, chuyên môn hóa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư… nhằm tạo lập không gian kinh tế thống nhất toàn Vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế…

Trên cương vị của mình, những nhà lãnh đạo, nghiên cứu thuộc các bộ, ngành liên quan cũng đã tán thành việc tập trung cho những lĩnh vực này và có những ý kiến bổ sung khá quan trọng. TS Nguyễn Bá Ân cho rằng: Liên kết phát triển tạo lập không gian kinh tế chung cho phát triển kinh tế của toàn Vùng để phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của các tỉnh trong Vùng. Trên cơ sở phối hợp có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu mà Vùng có lợi thế, tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả Vùng như hợp tác phát triển để kết nối mạng kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; cung cấp điện, nước; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch.

Trong khi đó, bàn về một nội dung quan trọng là kết nối hệ thống hạ tầng giao thông, TS Lý Huy Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông và Vận tải) nhấn mạnh 2 nội dung liên kết. Đó là: Việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Vùng cần theo đúng quy hoạch đã đề ra, trong đó thực hiện trước các dự án ưu tiên; việc phát triển theo đúng quy hoạch sẽ bảo đảm lợi ích đóng góp tối ưu của kết cấu hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế – xã hội Vùng và cả quốc gia, tránh tư tưởng cục bộ gây lãng phí trong đầu tư. Phối hợp chặt chẽ trong việc quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh; khi lập quy hoạch giao thông vận tải một tỉnh, cần có sự tham vấn các tỉnh lân cận để có phương án phối hợp quy hoạch phát triển hợp lý, thống nhất vị trí, quy mô kết nối để đảm bảo hiệu quả chung của toàn Vùng.

Về phát triển du lịch-một thế mạnh của Vùng, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, trong liên kết phát triển, phải xác định du lịch sinh thái biển là một định hướng phát triển chiến lược không chỉ cho 7 tỉnh, thành duyên hải miền Trung mà còn cho cả ngành du lịch Việt Nam. “Đây là cơ hội cực kỳ thuận lợi  giúp ngành du lịch Việt Nam cạnh tranh được với các nước trong khu vực cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, làm thay đổi bộ mặt và diện mạo các tỉnh, thành duyên hải miền Trung. Vì vậy, tập trung đầu tư cho du lịch sinh thái biển chính là đầu tư cho ngành “Công nghiệp không khói” tương lai”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhìn nhận. Đồng thuận với ý kiến này, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh cho rằng, trong liên kết khu vực, phải xác định mục tiêu trước mắt là liên kết về du lịch. Trong đó, có những vấn đề như phát triển hạ tầng du lịch, gắn kết chuỗi đô thị duyên hải miền Trung; phát triển thương mại gắn với phục vụ du lịch; liên kết tổ chức các tour, tuyến và các sự kiện phục vụ du lịch; tập trung đầu tư vốn, đào tạo nguồn nhân lực và nhất là ưu tiên cho các dự án du lịch được triển khai thuận lợi… Qua đó, cần tạo được hiệu ứng xã hội về liên kết trong du lịch. Cùng nhìn nhận về đồng thuận xã hội để tạo nên sức mạnh liên kết, PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc bắt tay nhau trong liên kết của chính quyền 7 địa phương là tốt, nhưng cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp cùng tham gia vào vấn đề này; bởi trên thực tế, nếu các doanh nghiệp không bắt tay nhau thì nỗ lực của chính quyền cũng hạn chế.

Còn với góc độ của mình, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh một vấn đề cần quan tâm trong liên kết, đó chính là những nội dung quan trọng của liên kết phải dựa trên nền tảng văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. “Văn hóa bao giờ cũng gắn với phát triển”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đúc kết.

Là người có quá trình gắn bó với đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, ngoài hệ thống các trường cao đẳng, đại học hiện có thì đối với các trường cao đẳng, đại học được thành lập mới từ nay đến năm 2020, các địa phương trong Vùng cần có sự phối hợp thống nhất với nhau về cơ cấu ngành nghề, định hướng phát triển, vị trí xây dựng của từng trường… Có như vậy mới tạo nên sức mạnh về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong toàn hệ thống cao đẳng, đại học trong Vùng.

Nhằm hiện thực hóa những nội dung liên kết được đưa ra, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà đưa ra vấn đề tài trợ vốn; trong đó ông cho biết trong những năm tới BIDV tập trung tài trợ vốn cho 4 lĩnh vực: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh, quốc tế; phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch; phát triển kinh tế biển; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, ông cũng nêu lên các giải pháp cơ bản cho công tác huy động vốn phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng dựa trên liên kết, hợp tác giữa các tỉnh; trong đó có nguồn vốn quốc tế hỗ trợ chính thức phát triển, tăng cường phát hành trái phiếu địa phương, thu hút vốn thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP) và nguồn vốn tín dụng ngân hàng…

Tạo cơ chế chặt chẽ cho liên kết

Để việc triển khai những nội dung liên kết một cách cụ thể và đạt hiệu quả thiết thực, TS Trần Du Lịch đề xuất, cần xây dựng và tiếp tục tổ chức hoạt động của nhóm tư vấn liên kết phát triển. Trong đó, mỗi địa phương cử một đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo phối hợp xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện; thống nhất thành lập Tổ điều phối Vùng và Nhóm tư vấn liên kết phát triển Vùng để chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp và các vấn đề khác.

Nhóm Tư vấn liên kết phát triển Vùng đặt tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng; là bộ phận thường trực theo dõi, tổng hợp tình hình phát triển kinh tế – xã hội của vùng; nghiên cứu đề xuất các giải pháp, luận cứ khoa học cho việc liên kết phát triển vùng bền vững; phối hợp tham gia nghiên cứu, tư vấn cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Vùng; giúp Tổ điều phối và lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện Biên bản cam kết và là đơn vị đầu mối tham mưu tổ chức các hội thảo, giao ban Vùng. Mỗi địa phương cũng thành lập một bộ phận chuyên trách về liên kết tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Cơ chế điều phối được đưa ra tại hội thảo là: Định kỳ họp giao ban tại các địa phương để đánh giá tình hình thực hiện các nội dung cam kết liên kết trên các lĩnh vực, thống nhất kế hoạch cụ thể cho thời gian tiếp theo, thông qua các kiến nghị chung đối với Trung ương và các bộ, ngành… Định kỳ mỗi năm từ 1-2 lần, lãnh đạo cấp cao 7 tỉnh, thành phố luân phiên tổ chức các cuộc hội thảo nhằm thu hút được nhiều ý kiến đa dạng, nhiều chiều từ các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp, là cơ sở tham khảo quan trọng để các địa phương trong Vùng hoạch định chính sách phát triển. Từ nay về sau, các địa phương thông báo cho nhau về các dự án lớn, nếu có khó khăn vướng mắc thì cùng đề xuất, kiến nghị giải quyết; lãnh đạo cấp cao phải tham dự những sự kiện lớn được các địa phương trong Vùng tổ chức…

Những nội dung này đưa vào Biên bản ghi nhớ được lãnh đạo 7 tỉnh, thành miền Trung ký kết ngay tại hội thảo, thể hiện rõ cam kết trong việc đưa nội dung liên kết vào thực tiễn.

Đồng thời, trước yêu cầu bức thiết, Hội thảo cũng đã công bố quyết định thành lập “Quỹ Nghiên cứu phát triển Vùng” để phục vụ kinh phí hoạt động của Tổ Điều phối, công tác nghiên cứu của Nhóm Tư vấn và hoạt động chung của Vùng. Quỹ được hình thành từ nguồn đóng góp của các địa phương trong Vùng (các tỉnh có nguồn thu nộp lên Trung ương đóng góp 500 triệu đồng/năm, các tỉnh còn lại 200 triệu đồng/năm), sự tài trợ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và sự ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chủ tịch Hội đồng Quỹ là ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV; các Phó Chủ tịch gồm: Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc. Ngay tại hội thảo, Chủ tịch “Quỹ Nghiên cứu phát triển vùng” Trần Bắc Hà công bố đã nhận được sự tài trợ ban đầu của các doanh nghiệp với tổng số tiền lên đến 27,6 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, vốn điều lệ ban đầu của Quỹ là trên 30 tỷ đồng.

Nhằm hiện thực hóa những nội dung liên kết đã thông qua, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc đã tiếp nhận quyền đăng cai tổ chức hội thảo lần thứ hai, dự kiến diễn ra tại thành phố Tuy Hòa vào tháng 12-2011 nhằm bàn về các vấn đề liên quan đến liên kết phát triển du lịch trong Vùng.

Nguyễn Thành


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)