Hiển thị các bài đăng có nhãn Quốc phòng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quốc phòng. Hiển thị tất cả bài đăng

Gặp mặt truyền thống Cựu chiến binh tình báo quốc phòng


Ngày 7-5, tại thành phố Đà Nẵng, Ban liên lạc CCB Tình báo quốc phòng của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi gặp mặt truyền thống, nhân kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống của ngành Tình báo quốc phòng 1945 – 2011.

Cựu chiến binh

Gần 150 đại biểu (trong đó có hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng), nguyên là cơ sở hoạt động trong lòng địch, cán bộ, chiến sĩ tình báo ở các cấp, các đơn vị, đại diện Bộ Chỉ huy Cục 11, Quân khu 5, các đại biểu từ Hà Nội (B54), thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định đã về dự họp.

Tại cuộc gặp mặt, các CCB đã ôn lại những kỷ niệm về một thời chiến đấu oanh liệt với nhiều mất mát, hy sinh nhưng đầy tự hào vì đã gan dạ, mưu trí để thu thập thông tin của địch, phục vụ cho công cuộc giải phóng đất nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Tình báo là tai mắt của quân đội, biết rõ địch nhưng không để địch biết ta” (Thư Bác Hồ gửi Hội nghị tình báo tháng 8-1949). Qua đó, đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.

Phạm Ngọc Cừ


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thực hiện DOC đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông


Chiều 18/4/2011, tại Trụ sở Chính phủ, tiếp Trung tướng Neo Kian Hong, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa ngài Neo Kian Hong với Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; cho rằng, chuyến thăm sẽ đóng góp thiết thực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, đặc biệt là hai nước đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ phát triển trong thế kỷ 21, kết nối giữa hai nền kinh tế….đang mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên. Hiện Singapore là bạn hàng và là nhà đầu tư lớn của Việt Nam, hợp tác giáo dục, y tế… đang phát triển tốt. Trong những hợp tác chung Việt Nam-Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao hợp tác quốc phòng giữa hai nước, nhất là trao đổi kinh nghiệm, hợp tác về đào tạo, hợp tác hải quân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Trung tướng Neo Kian Hong, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Singapore

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Chính phủ và Bộ Quốc phòng Singapore ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong năm Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên, mở ra chương mới trong việc hợp tác để đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và thế giới. Đề cập về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tự do hàng hải ở biển Đông là phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới.

Do vậy, các bên liên quan cần nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) là giải pháp duy nhất để đảm bảo hòa bình, ổn định, tự do hàng hải ở biển Đông. Đây là lập trường chung của các nước ASEAN, các bên cần kiên trì đám phán để tiến tới Bộ qui tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Trong tiến trình này, quân đội các nước trong khu vực đóng vai trò quan trọng.

Đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trung tướng Neo Kian Hong cho rằng, tự do hàng hải là hết sức quan trọng trong phát triển của các nước trong khu vực. Do vậy, các bên cần thực hiện nghiêm túc Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được ký kết giữa ASEAN với Trung Quốc nhằm đảm bảo ổn định, hòa bình và phát triển ở khu vực và thế giới.Về Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Trung tướng Neo Kian Hong khẳng định sự ủng hộ của Singapore trong việc tăng cường hợp tác quân y, chống khủng bố và cướp biển, cứu hộ, cứu nạn. Nhấn mạnh về quan hệ song phương giữa hai nước, Trung tướng Neo Kian Hong cho rằng, quan hệ hai nước phát triển rất tốt đẹp, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…. mang lại lợi ích cho cả hai bên, trong đó hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng cũng đang triển khai có hiệu quả về đào tạo tiếng Anh, hợp tác hải quân và lục quân, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. 

Trước đó, nhận lời mời của Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Neo Kian Hong, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Singapore sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam đã đến Hà Nội ngày 18/4. Chiều 18/4, sau lễ đón chính thức tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp, hội đàm với Trung tướng Neo Kian Hong, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Singapore và đoàn. Trong không khí cởi mở, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình kinh tế, chính trị-xã hội, quốc phòng-an ninh của mỗi nước và những vấn đề cùng quan tâm.Hai bên thống nhất thời gian tới đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực hải quân, đào tạo tiếng Anh, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, quân y và trên các diễn đàn đa phương, trao đổi đoàn quân sự các cấp; trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, trang bị và công tác huấn luyện chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai; kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân và lực lượng vũ trang hai nước, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác hữu nghị trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới./. 

Thiện Thuật

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Bảo vệ Tổ quốc bằng tư duy mới và tầm nhìn thời đại


Hoàn toàn không có chuyện Việt Nam chạy đua vũ trang, bởi quan điểm của Đảng, Chính phủ Việt Nam là xây dựng được một nền quốc phòng đủ mạnh để tự vệ, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ”, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng đã lên tiếng trong một hội nghị tổ chức tại Đà Nẵng đầu năm 2010.

Thông điệp phát đi từ một hội nghị trong nước dù sao vẫn khó vọng tới được những người bạn bên ngoài biên giới Việt Nam, những người đang mang sự nghi kị khi mối quan tâm đến sự lớn mạnh của quân đội Việt Nam lớn hơn cùng với sự gia tăng về vị thế của đất nước này. Việc đầu tư xây dựng và phát triển quân đội không còn là câu chuyện riêng của mỗi quốc gia khi hội nhập.

Với những nỗ lực và hành động cụ thể, thiết thực trong năm ASEAN vừa qua, quân đội Việt Nam có lẽ đã chứng tỏ với khu vực và thế giới tin về một Việt Nam hòa bình, hòa hiếu với chính sách quốc phòng tự vệ, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không xâm phạm ai.

Đàm để không phải đánh

Người phụ trách đối ngoại của Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nói rõ: trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, không thể mở rộng quan hệ quốc tế mà thiếu lòng tin. Quốc phòng lại là lĩnh vực nhạy cảm nhất, nên tăng cởi mở, minh bạch trong hoạt động quốc phòng, tăng cường hợp tác quốc phòng chính là để xây dựng và củng cố lòng tin.

“Chuyên nghiệp và cởi mở đến khó tin”, một phóng viên nước ngoài thường trú tại Hà Nội có mặt tại phiên họp báo trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã phải thốt lên như vậy.

Hình ảnh mới về Quân đội Việt Nam – Hiện đại và Hòa bình – Ảnh Lê Anh Dũng

Từng đọc nhiều sách báo về những người lính Việt Nam, quen với câu chuyện về sự dũng cảm, tính nguyên tắc của những người trong quân ngũ, và cả tính nhạy cảm, bí mật của lĩnh vực này, năm 2010 là một sự trải nghiệm mới mẻ của anh phóng viên nọ để có cái nhìn khác, chân xác hơn về lính Cụ Hồ thời đại mới.

Lịch sử của dải đất Việt Nam quá nhiều thương đau chiến tranh gắn liền với những hi sinh và chiến công của người lính. Những thắng lợi trên chiến trường của quân đội tạo đà để những nhà ngoại giao hoàn thành sứ mệnh đàm phán vì tự do, độc lập và hòa bình cho tổ quốc. Thế nhưng, giờ đây, bàn đàm phán không còn là lãnh địa riêng của những nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Ngay cả người Việt Nam cũng không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh lạ về anh bộ đội Cụ Hồ. Không chỉ còn là ba lô, súng ống, và đạn dược, vũ khí… những bài tập vất vả nơi thao trường… và những hi sinh nơi chiến trường, màu xanh áo lính đã ghi dấu ấn trong tâm trí người Việt ở vị trí khác: bên bàn hội nghị, giữa những cuộc tiếp tân, những cái bắt tay…

“Có việc thì đi, cần vũ khí thì mua, giống như tất cả các nước khác. Hợp tác với nhiều nước nhưng không phương hại tới lợi ích của nước thứ ba“, vị tướng già của binh đoàn Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng đã nói như vậy.

Hàng chục hội nghị lớn nhỏ của giới quân sự đã được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2010. Một loạt các vấn đề lớn đã được đặt lên bàn thảo luận của những người mặc quân phục các quốc gia, dưới sự chủ trì của chủ nhà Việt Nam, bao gồm những vấn đề lợi ích sát sườn của Việt Nam như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Chưa bao giờ, tần suất đi của bộ đội Việt Nam ra các nước, cả trong khu vực và các nước lớn đối tác lại dày như năm nay, cả chính thức và không chính thức, nhằm tham vấn.

Không chỉ đi, quân đội Việt Nam còn vời bạn đến với mình, để hiểu và tin, để cùng thảo luận, thỏa thuận và hợp tác thực.

5 chuyến thăm chính thức cấp Bộ trưởng Quốc phòng đến Việt Nam cùng với việc hàng loạt các tàu hải quân các nước cập cảng, ghé thăm Việt Nam trong một năm… là quá đủ để thấy nhu cầu đi và đến của quân đội Việt.

Chỉ riêng để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+ lần đầu tiên được tổ chức, ngay từ đầu năm 2010, khó có thể đếm được bao nhiêu chuyến tham vấn đã được Việt Nam tổ chức, đến từng nước thành viên ASEAN, ban thư kí ASEAN cũng như các đối tác cộng.

Từ việc chưa thật rõ ý kiến của các nước ASEAN về hiện thực hóa ADMM+ và hầu như không có thông tin về thái độ của các nước đối tác đối thoại với tiến trình này, Việt Nam đã lắng nghe, nắm bắt, cập nhật và chia sẻ thông tin với các nước qua tham vấn, từ đó tạo đồng thuận để có được cơ chế hợp tác mới.

Đó là chưa kể việc Việt Nam tranh thủ các hội nghị, diễn đàn khu vực và quốc tế như Đối thoại Shangri-La, Đối thoại Nhật Bản – ASEAN, các hội nghị ARF… để vận động cho tiến trình này.

Chưa từng có nước chủ tịch ADMM nào tổ chức tham vấn toàn diện như Việt Nam, vừa phản ánh trách nhiệm cao vừa cho thấy tầm nhìn và cách tiếp cận đúng đắn của nước chủ tịch“, Phó Tổng thư kí ASEAN đã nhận xét như vậy.

Sau 4 năm chuẩn bị, khi thời gian tiến tới ADMM+ đầu tiên chỉ còn tính bằng ngày và công tác chuẩn bị đã cơ bản được hoàn tất, các đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn tiếp tục lên đường để giúp các nước làm công tác chuẩn bị và sẵn sàng phối hợp với các nước đưa các sáng kiến mới ra Hội nghị hướng tới Hội nghị ADMM+ đầu tiên thành công tốt đẹp.

Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam – Ảnh Lê Anh Dũng

Những người quan tâm đến an ninh khu vực nín thở lo cho Việt Nam trong vai trò chuẩn bị hội nghị ADMM+ vào tháng 10 tới ở Hà Nội, với băn khoăn, liệu Biển Đông, mối quan tâm lớn của các nước lớn và khu vực có được nêu ra tại Hội nghị.Cao điểm thách thức kĩ năng ngoại giao chuyên nghiệp của các anh lính Cụ Hồ phải kể đến thời điểm từ cuối tháng 7 năm 2010, sau ARF tại Hà Nội. Bầu không khí trong khu vực “tích điện” với phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về tình hình Biển Đông, và phản ứng của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, bỏ ra khỏi phòng họp 30 phút và trở lại với thái độ cứng rắn.

Hình ảnh rất đẹp của quân đội



Sẽ là thất bại chung nếu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vắng mặt nhưng cũng là thất bại không của riêng Việt Nam nếu Biển Đông hoàn toàn vắng bóng trong chương trình nghị sự.

Hội nghị ADMM+ với cách tiếp cận mềm về Biển Đông đủ làm hài lòng tất cả các bên là minh chứng hùng hồn cho sự ngoại giao chuyên nghiệp của những người vốn bị mặc định gắn với súng đạn, binh đao.

Một nhận thức mới, một tư duy mới về quân đội, về quốc phòng đang ngày càng sáng tỏ, với những nỗ lực “đàm” thay vì tập trung lo nhiệm vụ “đánh” như trước đây.

Đổi tư duy

Hợp tác trong quốc phòng không còn chỉ ở việc hỗ trợ khí tài, đạn dược, không chỉ cắt cử cố vấn… để giúp quân đội Việt Nam ăn no, đánh thắng như trong thời chiến.

Cái nhìn về quân đội Việt Nam cũng không còn là sự nghi kị, thăm dò bởi đã “đánh thắng hai đế quốc to”, với số lượng quân đông đảo nhất khu vực, với sức mạnh quân sự được xếp hàng đầu thế giới như khi Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh, bắt đầu hội nhập khu vực.

Cùng với sự hội nhập của đất nước, từ những hợp tác mang tính thăm dò ở khu vực những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ 20, rồi khởi động hợp tác quốc phòng đa phương ở cấp thấp trong khuôn khổ ASEAN sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức khu vực, quân đội Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập cùng khu vực và thế giới.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên từng chỉ ra, mối lo về ngoại xâm, về chiến tranh đã bớt, nhưng Việt Nam lại đối mặt với “những hình thức xâm lăng mới hiện nay tinh vi hơn, khó nhận biết hơn trước rất nhiều như xâm lăng kinh tế, xâm lăng văn hóa, nước lớn chèn ép, bắt chẹt nước nhỏ về kinh tế”.

Lực lượng quân đội mạnh, vũ khí trang bị tốt là cần nhưng sẽ là chưa đủ để thực hiện bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Như Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng phụ trách đối ngoại, Bộ Quốc phòng đã nói: Quốc phòng đồng nghĩa với bảo vệ tổ quốc, mà kế sách bảo vệ tổ quốc cao nhất của cha ông ta là củng cố hòa bình và không để ai xâm lược nước mình

Chỉ vài năm trước, có lẽ vẫn còn không ít dè dặt đối với hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ thì nay, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam khi trả lời trên Thanh Niên mới đây đã khẳng định Việt Nam hoan nghênh sự có mặt của Mỹ ở khu vực này. Nếu nhìn từ lịch sử, không thể không nói đây là một bước đổi mới tư duy “địch- ta”.

Trang phục mới – Hình ảnh mới



“Đối với một nước không lớn như VN, sự hiện diện và ảnh hưởng của các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ ở khu vực là một thực tế khách quan. Không có gì phải lo ngại về vấn đề này… Cách ứng xử tốt nhất của VN là giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế, sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên vì lợi ích chung, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực”, ông Nguyễn Chí Vịnh giải thích.

Từ tư duy đó, Quân đội Việt Nam đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác với tất cả quân đội các cường quốc, một minh chứng cho đường lối đối ngoại quốc phòng đúng đắn như một phương sách bảo vệ tổ quốc cao nhất – xây dựng và củng cố môi trường hòa bình, an ninh và ổn định để đất nước phát triển. 

Bảo vệ tổ quốc, hơn lúc nào hết, cần những cái đầu tỉnh táo, hiểu thời cuộc, hiểu mình và hiểu người. Và những người lính Cụ Hồ trong thế kỉ 21 đang tạo dựng một hình tượng mới như vậy về mình.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)