Hiển thị các bài đăng có nhãn phục vụ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn phục vụ. Hiển thị tất cả bài đăng

Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân


Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở cấp phường, xã tại Đà Nẵng là một trong những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và hiệu quả công tác cải cách hành chính. Qua thực tế triển khai cho thấy, biện pháp này thực hiện tốt hay không phụ thuộc vào sự đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật và trình độ của cán bộ ở cơ sở.

Hầu hết các phường, xã trên toàn thành phố đều được trang bị đồng bộ hệ thống máy tính và các phần mềm ứng dụng để xử lý công việc. Trong ảnh: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê.
Giải quyết nhanh, gọn
Anh Nguyễn Minh Trí, Trưởng Bộ phận cải cách hành chính phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê cho biết, hiện nay, phường sử dụng hai phần mềm chính là phần mềm Văn phòng không giấy và phần mềm một cửa, một cửa liên thông. Qua quá trình sử dụng, hai phần mềm này đã phát huy hiệu quả rất tích cực trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết các công việc trong nội bộ phường cũng như hồ sơ công dân gửi đến. “Đối với phần mềm Văn phòng không giấy, khi đưa vào sử dụng, toàn bộ các công văn, giấy tờ của phường đều được xử lý trên máy tính, qua mạng Lan nội bộ.
Chẳng hạn, hằng tuần, mỗi cán bộ, công chức phường lên lịch làm việc tuần. Sau đó, bộ phận văn phòng sẽ tổng hợp và đưa lên mạng nội bộ. Lãnh đạo phường căn cứ trên lịch làm việc này mà quản lý cán bộ. Hoặc khi có công văn từ cấp trên gửi đến phường thì Chủ tịch UBND phường sẽ phân công cho từng bộ phận cụ thể xử lý và trực tiếp theo dõi quá trình thực hiện trên mạng nội bộ. Nếu chưa đọc công văn của lãnh đạo hoặc chậm trễ trong thi hành nhiệm vụ thì Chủ tịch UBND phường nắm bắt được ngay”, anh Nguyễn Minh Trí nói.
Riêng đối với phần mềm một cửa và một cửa liên thông khi triển khai ở phường Vĩnh Trung đã giúp cho công việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được rút gọn và quan trọng hơn là sớm giải quyết những thủ tục hành chính mà trước đây bị xem là rườm rà, mất thời gian. Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung, Nguyễn Văn Hải khẳng định: “Với phần mềm Văn phòng không giấy, hội họp ở cơ quan ít đi, những cuộc họp không quan trọng có thể chuyển thành những thông báo trên mạng nội bộ.
Nhờ phần mềm này mà không phải tốn giấy để in ấn văn bản, rút gọn thời gian tiếp nhận, xử lý, chuyển tải thông tin trong nội bộ phường. Riêng Chủ tịch UBND thì quản lý cán bộ tốt hơn. Vì khi Chủ tịch chuyển công văn qua mạng Lan yêu cầu một bộ phận nào đó thực hiện thì nếu bộ phận đó triển khai chậm, hệ thống phần mềm sẽ thông báo ngay. Chính nhờ vậy mà Chủ tịch có thể giám sát, nhắc nhở cán bộ, công chức và có cơ sở để đánh giá hiệu quả làm việc của từng cá nhân”. Rõ ràng, việc đưa CNTT vào quá trình giải quyết các thủ tục hành chính công đã giảm bớt thời gian chờ đợi, nhanh, gọn, chính xác, dễ kiểm tra trạng thái hồ sơ do người dân gửi đến.
Hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ cán bộ
Những mặt tích cực mà CNTT mang lại trong quá trình xử lý các thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông hiển hiện rõ qua hiệu quả công việc và mức độ hài lòng của công dân. Nhưng để đạt hiệu suất công việc tối ưu, có hai yếu tố quan trọng cần chú ý là hạ tầng kỹ thuật và người sử dụng. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả hệ thống phần cứng là máy móc, thiết bị và hệ thống phần mềm là những chương trình xử lý dữ liệu được cài đặt. Với một hệ thống chính sách ưu tiên đặc biệt cho phát triển CNTT, những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị máy móc và phần mềm xử lý dữ liệu cho bộ phận một cửa, một cửa liên thông 56 xã, phường.
Theo đánh giá của ông Đặng Công Ba, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây, quận Sơn Trà thì hệ thống máy tính của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường đã được trang bị khá tốt. Ngoài ra, hiện mỗi cán bộ, công chức của phường đều được cấp một máy tính để làm việc. Chị Trần Đỗ Quốc Minh, Trưởng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường An Hải Tây khẳng định: “Hạ tầng kỹ thuật và con người để ứng dụng CNTT ở phường đều đã sẵn sàng. Chúng tôi chỉ cần đợi đến lúc UBND thành phố hỗ trợ trang bị mạng Lan nội bộ nữa là đưa vào ứng dụng ngay, không gặp khó khăn gì”.
Cho đến thời điểm này, hầu hết các phường, xã trên địa bàn thành phố đều được hỗ trợ máy tính cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương chưa được trang bị mạng Lan nội bộ nên quá trình triển khai công việc còn gặp trở ngại. Theo đánh giá chung, hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức ở các phường, xã hầu hết đều biết sử dụng máy tính phục vụ cho công việc chuyên môn. Trong quá trình ứng dụng các phần mềm hành chính, việc đào tạo, tập huấn có thể được triển khai song hành. “Trước khi đưa các phần mềm vào sử dụng, UBND phường Vĩnh Trung đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức. Phía công ty cung cấp phần mềm chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cách sử dụng và nhờ vậy, quá trình vận hành sau đó không gặp nhiều trở ngại”, anh Nguyễn Minh Trí cho biết. Khó khăn chủ yếu đang tồn tại ở các địa phương là trong quá trình sử dụng, cũng có lúc phần mềm bị lỗi và công việc vì thế sẽ bị gián đoạn, chậm trễ. Đồng thời, trình độ của cán bộ cũng không đồng đều nên cần có thời gian để mọi chuyện đi vào nền nếp.
Từ thực tế trên cho thấy, việc trang bị và ứng dụng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT cho các phường, xã sẽ giúp Đà Nẵng sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử. Đến khi đó, nền hành chính sẽ được công khai, minh bạch và phục vụ hiệu quả hơn cho sự phát triển của thành phố, tạo lòng tin trong nhân dân về năng lực quản lý, điều hành và hoạt động của hệ thống hành chính từ cấp thành phố đến cơ sở.
Bài và ảnh: Hà An

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)