Ông Nguyễn Bá Thanh: “Lãng phí gây hậu quả không kém tham nhũng”


Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La)

Đó là nhận xét của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận về dự thảo luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại hội trường chiều qua. Và để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả, các đại biểu đề nghị: Trung ương hãy gương mẫu trước.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư thành uỷ Đà Nẵng) đã thẳng thắn nhận định về tình trạng lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực hiện nay. Ông cho rằng, lãng phí lớn nhất là thời gian, là con người, là đào tạo… Ông ví dụ: Vẫn còn tình trạng đào tạo cử nhân ra thì ngồi đóng dấu, bác sỹ ra trường thì đi bán thuốc…

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) cho rằng, việc sử dụng không đúng người cũng là một hành vi lãng phí. Bà lấy dẫn chứng: “Hôm qua, tôi được biết một thông tin rất buồn. Có một Tiến sĩ ở trường ĐH Xây dựng có luận án được đồng nghiệp quốc tế đánh giá xuất sắc, và đã được ứng dụng thực tế ở nước ngoài nhưng khi về nước ông lại được giao cho việc theo dõi đi muộn về sớm của sinh viên”. Đây là một ví dụ về lãng phí chất xám trong cơ quan nhà nước, bà đề nghị: “Phải nghiên cứu, xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc”.

Về việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong dự thảo luật, đại biểu Vy nhận xét dự thảo luật chưa tập trung vào việc tuyển và sử dụng biên chế, đúng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, tinh giản biên chế… “Tiết kiệm không có nghĩa là gặp việc đáng chi mà không chi, việc đáng làm mà không làm”, bà Vy phát biểu. Chính vì vậy, bà Vy đề nghị Luật nên đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư thành uỷ Đà Nẵng) kể: Cách đây 3 năm, Đà Nẵng mỗi năm chỉ gần 3 tỷ đồng cho cán bộ học tiếng Anh, nhưng sau 3 năm học nhiều cán bộ gặp người nước ngoài nói họ chẳng hiểu gì cả. Trước thực trạng đó tôi đã cho dừng chương trình này.

Về chống lãng phí trong các hội nghị, hội thảo… đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hoá) băn khoăn: Tôi không tin tưởng lắm về quy định này. Theo tôi, Chính phủ cần quy định chi tiết về hội nghị, hội thảo ở từng vùng, miền cho phù hợp về thời gian, đối tượng tham gia… Đại biểu Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) lại nhìn nhận sự lãng phí ở các cuộc hội nghị, hội thảo dưới một góc độ khác, ông buồn rầu nói: “Có hội nghị tập trung đại biểu của tất cả các tỉnh trong cả nước, vậy mà chỉ có mỗi một văn bản báo cáo và một vài ý kiến phát biểu, như thế là rất lãng phí”.

Về tình trạng xây trụ sở cơ quan, mỗi nơi một kiểu, đại biểu Nguyễn Văn Mễ (Thừa Thiên Huế) đưa ra dẫn dụ: “Nhiều hội trường lớn của các cơ quan xây rất to, nhưng cả năm chỉ sử dụng có 5, 6 lần mà hàng tháng vẫn phải mất tiền bảo dưỡng, điện, nước. Nên chăng nên xây trụ sở hành chính tập trung, mở rộng hệ thống thông tin để tiết kiệm chống lãng phí”. Ông cũng đề nghị nên sớm triển khai áp dụng luật này để khắc phục tình trạng lãng phí như hiện nay.

Thực hành tiết kiệm: Trung ương hãy gương mẫu trước!

Đánh giá về thực trạng thực hành tiết kiệm, đại biểu Nguyễn Bá Thanh ta thán: “Tám năm qua, tôi không thấy bộ, ngành nào tổng kết tiết kiệm, chống lãng phí mà chỉ nói chung chung, không đánh giá được gì. Tôi không biết, Trung ương, địa phương lãng phí nhiều hay ít. Nhưng kinh nghiệm cho thấy Trung ương phải gương mẫu trước, địa phương gương mẫu sau”.

Ông Thanh nhận xét: Cả bộ luật này tôi thấy chỉ có chế tài về hành chính, không thấy xử lý về hình sự. Theo ông Thanh, nếu không nghiêm khắc trong việc xử lý những cá nhân sai phạm trong thực hành tiết kiệm thì sẽ rất khó kiểm soát tình trạng này.

Về việc tổ chức thực hiện chế độ sử dụng phương tiện đi lại theo các chức danh, chức vụ, mặc dù Chính phủ đã có quy định nhưng theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) thì vẫn chưa đúng, chưa đủ và chưa sát với thực tế, bà dẫn giải: Hiện nay, Chính phủ quy định, người có chức danh, chức vụ cao thì đi xe tốt, xe nhiều tiền, người có chức danh, chức vụ thấp hơn thì đi xe ít tiền hơn (chắc chắn là nhanh hỏng hơn) nhưng thực tế người có chức danh cao ít đi hơn, đường đi cũng tốt hơn, người có chức danh thấp đi nhiều hơn, đường đi cũng xấu hơn (đường huyện, xã chắc chắn xấu hơn đường quốc lộ), nên qui định như vậy là chưa thực tế”. Bà đề nghị: “Nên trang bị phương tiện đi lại theo chức danh, chức vụ kết hợp với địa bàn công tác”.

Đại biểu Phạm Thế Duyệt tỉnh Hải Dương nhận định hậu quả của lãng phí không hề kém tham nhũng. Đề cập đến sự lãng phí trong các đề tài nghiên cứu khoa học, ông đề nghị: “Với các đề tài nghiên cứu khoa học mặc dù có chất lượng nhưng không sử dụng, để lãng phí thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Nên chăng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng lo cả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Đức Hoà – Hồng Hạnh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

“Hoan hô ông Nguyễn Bá Thanh, làm việc cũng giỏi, đá banh cũng tài”


Năm 2003 là một năm thành công lớn của TP. Đà Nẵng: được Chính phủ đánh giá là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá, đặc biệt là kỷ luật hành chính được thiết lập tốt, trật tự, kỷ cương nghiêm… Người có công lớn trong việc đưa Đà Nẵng thành một điển hình mà nhiều địa phương trong cả nước đã tới để học tập kinh nghiệm chính là Bí thư Thành uỷ TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.

Ông nổi tiếng là một người nói thẳng…

Tôi đã từng chứng kiến không chỉ một lần, trên diễn đàn các cuộc họp với lãnh đạo 61 tỉnh, thành phố trong cả nước, khi nói về trật tự, kỷ cương Thủ tướng Phan Văn Khải thường nhắc tới 2 người, đó là ông Trương Đình Tuyển và ông Nguyễn Bá Thanh. Khi làm Bí thư Nghệ An, ông Trương Đình Tuyển được coi là nhà tổ chức “cứng rắn” trong việc thiết lập lại “cái trật tự kỷ cương đang rất lỏng lẻo” ở xứ Nghệ. Dạo ấy, vào Nghệ An gặp ông Trương Đình Tuyển, ông Bí thư tỉnh uỷ cười, bảo: “Tay Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng còn “rắn” hơn tớ nhiều”. Tuy nhiên dạo ấy nhiều người biết tới ông Nguyễn Bá Thanh như là người đã có công lớn: “biến” Đà Nẵng thành một thành phố “5 không” (không có giết người, cướp của; không có người nghiện ma tuý; không có người mù chữ; không có hộ đói; không có người lang thang, ăn xin). Mới đây quay trở lại Nghệ An, người xứ Nghệ nói: “Tiếc là ông Tuyển trở lại Trung ương làm Bộ trưởng Thương mại sớm quá…”.

Từ lâu tôi cứ tự hỏi không hiểu tại sao cùng những điều kiện, cơ chế, chính sách như nhau mà “ông Thanh ở Đà Nẵng làm được” còn những nơi khác thì không. Bí quyết là ở đâu? Khi vào Đà Nẵng tôi mới vỡ lẽ ra rằng, thực ra chẳng có bí quyết nào cả. Cái cần phải làm thì ai cũng biết, mà biết rất rõ nữa là khác, nhưng người ta có chịu làm và có muốn làm hay không mà thôi. Ngồi trò chuyện với ông Nguyễn Bá Thanh, ông bảo: “Giống như một trận đấu bóng đá ầy mà. Muốn có cơ hội thắng được đối phương thì khi ra sân 11 cầu thủ đều phải cố gắng hết mình. Ai chẳng hiểu điều ấy, nhưng khi vào trận rồi thì có anh đá hết sức, có anh lại chỉ lo giữ “giò”. Ấy vậy mà khi chia tiền thưởng thì 11 cầu thủ được chia đều như nhau. Đá hăng cũng như không đá mà lại được hưởng như nhau thì cần gì phải đá”. Cựu Phó Chủ tịch Quảng Nam- Đà Nẵng cũ Ngô Văn Trấn nói một cách hình ảnh rằng: “Ông Thanh là một “cầu thủ” chuyên nghiệp, khi đã ra sân là đá hết mình. Mục tiêu lớn nhất là đem lại một trận thắng cho đội nhà, bất chấp cá nhân mình có bị làm sao”. Khi còn là “cầu thủ” ông đã làm đúng như vậy. Đúng là cái “triết lý bóng đá” đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách lãnh đạo của ông. Sau này, khi trở thành “huấn luyện viên”, ông yêu cầu “các cầu thủ” của mình phải có kỷ luật nghiêm. “Đã ra sân thì các cầu thủ phải thực hiện triệt để ý đồ chiến thuật của Huấn luyên viên. Nếu cầu thủ nào không đáp ứng đúng yêu cầu thì phải thay ra khỏi sân”- ông nói.

Trong công việc ông Thanh là người quyết liệt, không thích nói nhiều, không vòng vo, không ưa dùng những từ hoa mỹ, đã nói là làm, đã làm là đến nơi đến chốn, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Trong công tác lãnh đạo ông tôn trọng ý kiến của tập thể, nhưng lại đề cao tuyệt đối vai trò của cá nhân. Ồng không cho phép cán bộ dưới quyền nhân danh tập thể này nọ mà yêu cầu phải chịu trách nhiệm cá nhân. “Tập thể là những con người cụ thể hợp lại, vì vậy khi giao việc là giao cho những con người cụ thể, chứ không phải con người chung chung. Khi chịu trách nhiệm cũng phải có người cụ thể, chứ không phải là tập thể chung chung”. Ông nói như thế và ông đã làm đúng như vậy kể từ khi ông còn là Chủ nhiệm HTX Hoà Nhơn, rồi Phó Bí thư huyện uỷ Hoà Vang, hay khi đã là Giám đốc Nông trường chè Quyết Thắng, rồi Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam- Đà Nẵng và ngay cả khi đã là Chủ tịch TP. Đà Nẵng (thuộc Quảng Nam- Đà Nẵng) rồi Chủ tịch TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và nay là Bí thư thành uỷ Đà Nẵng.

Ngoài công việc ông có một niềm đam mê thực sự với bóng đá. Người dân Đà Nẵng kể rằng, trước mỗi trận đấu của đội bóng đá Đà Nẵng ông thường mời các huấn luyện viên của đội tới để cùng thảo luận từ đấu pháp của trận đấu cho tới cách bố trí đội hình suốt cả đêm. Thế nên dân Đà Nẵng mới có thơ rằng: “Hoan hô ông Nguyễn Bá Thanh/ Làm việc cũng giỏi, đá banh cũng tài”.

… và nghiêm khắc

Cựu Phó Chủ tịch Quảng Nam- Đà Nẵng Ngô Văn Trấn kể: “Khi vừa được bầu vào chức Chủ tịch TP. Đà Nẵng, tại một cuộc họp triển khai thực hiện nhiệm vụ năm tới ông yêu cầu Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố lên kết luận hội nghị. Vừa kết luận xong, theo thói quen trước đây, một vị Giám đốc sở lên phát biểu bác lại nhiều kết luận vì cho rằng không thể triển khai công việc như vậy được. Ông Thanh lên diễn đàn: “Đã kết luận rồi thì không nói lại nữa, cứ thế mà làm và phải làm cho được, còn sai thì Chủ tịch UBND Thành phố chịu trách nhiệm”. Nói rồi ông Trấn kết luận: “Điều cơ bản là anh Thanh đã làm thay đổi cả một phong cách lãnh đạo: vừa cương quyết, vừa mạnh mẽ, dám làm và tự chịu trách nhiệm, những điều mà thế hệ chúng tôi không có được”. Lại một chuyện nữa: “Trước khi tiến hành xây dựng cầu Sông Hàn đã có không ít ý kiến phản bác. Thậm chí ông Thanh còn bị chất vấn ngay gắt tại một “hội nghị Diên Hồng” toàn các bô lão: “Ai quyết định xây chiếc cầu này và nếu thất bại thì ai chịu trách nhiệm?”. Ông Thanh trả lời: “Quyết định là tập thể thường vụ Thành uỷ và người chịu trách nhiệm là tôi- Chủ tịch UBND thành phố!”. Chiếc cầu được xây và hiện là một trong những chiếc cầu hiện đại và đẹp nhất ở Đà Nẵng. Một lão nông chúng tôi gặp ở bến đò sang xã Hoà Xuân, đã đọc cho chúng tôi nghe một câu vè về ông Thanh: “Mong ông công tác dài lâu/ Để ông xây tiếp vài cầu cho dân”. “Người Đà Nẵng nói vậy không ngoa đâu. Ngay từ khi còn làm Chủ nhiệm HTX Hoà Nhơn (Hoà Vang, Quảng Nam- Đà Nẵng cũ) ông Thanh đã nổi tiếng là người xây cầu. Không biết bao nhiêu chiếc cầu ở đó đều được người dân Hoà Nhơn gọi với cái tên trìu mến: “cầu ông Thanh” rồi đó”- ông Ngô Văn Trấn kể.

Chưa hết, “Tại một cuộc họp  kiểm tra các công trình xây dựng đang ở giai đoạn nước rút, không thấy cán bộ có thẩm quyền dự họp. Hỏi ra mới biết Trưởng Ban quản lý các công trình công nghiệp dân dụng (Sở xây dựng) cùng một vài cán bộ dưới quyền kéo nhau đi du lịch. Quay trở về ông Trưởng ban này bị cách chức. “Từ nay ai không làm đúng, làm tròn chức trách thì thôi không làm nữa!”- ông Thanh tuyên bố. Ông Phan Văn Kha, Phó Văn phòng  Thành uỷ Đà  Nẵng, người đã làm trợ lý cho 4 đời Chủ tịch và Bí thư Quảng Nam- Đà Nẵng và nay là TP. Đà Nẵng nói: “Trong công việc ông là người hết sức nghiêm khắc”. “Muốn làm được vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp. Nhưng muốn cán bộ dưới quyền mình như vậy thì bản thân người lãnh đạo phải “ngay ngắn”, chứ lãnh đạo mà cũng “lèm nhèm” thì nói ai nghe”- ông Thanh nói.

Cho đến tận hôm nay người dân Đà Nẵng vẫn kể cho nhau nghe về chuyện ông ra góc phố ăn ốc luộc, khi phát hiện ra mức thuế quá cao về đã chỉ đạo điều chỉnh lại mức thuế. Rồi thì chuyện hai ba giờ sáng ông đột nhiên vào bệnh viện để xem tinh thần phục vụ của các y, bác sỹ đã tốt chưa… Tuy nhiên người Đà Nẵng bàn tán nhiều nhất vẫn là chuyện ông tiếp dân: “Ai tới ông cũng tiếp: tiếp tại cơ quan, tại nhà riêng. Chỗ nào người dân bức xúc là ông có mặt ngay. Có những vụ việc khiếu kiện của dân mà trước đây năm lần bảy lượt, hết cơ quan này tới cấp kia xem xét, nâng lên hạ xuống mãi mà vẫn không giải quyết được thành thử người dân cứ khiếu kiện kéo dài từ năm này qua năm khác. Khi ông lên làm Chủ tịch Thành phố, người dân kéo tới tìm ông, ông xuống tận nơi xem xét cụ thể, nghe người dân trình bày, thấy hợp lý, hợp tình ông quyết ngay tại chỗ. Rồi chuyện từ 2 năm trước đây ông đối thoại với hàng trăm người vừa ở trại cải tạo ra, cho họ vay vốn, tạo công ăn việc làm cho họ vẫn còn được người dân Đà Nẵng kể lại cho tới tận hôm nay…

Chia tay ông Thanh tôi cứ thấm thía cái “triết lý bóng đá” lý thú của ông: “Muốn có cơ hội thắng đối phương thì ra sân 11 cầu thủ phải đá hết mình”. Trong công cuộc xây dựng đất nước cũng vậy thôi: muốn phát triển thì mọi người đều phải hợp sức, đồng lòng.

  • Lê Thọ Bình

    (Đà Nẵng- Hà Nội

    Cuối năm 2003)

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)