Tôi không sinh ra ở Đà Nẵng nhưng gia đình tôi định cư ở Đà Nẵng và hầu hết mọi thành viên gia đình đều đang học tập và làm việc tại đó. Riêng tôi, do tính chất nghề nghiệp, phải sống xa Đà Nẵng đã hơn 10 năm nay. Vừa rồi, tôi được Công ty Tư vấn BVI (Black and Veatch International), một doanh nghiệp tư vấn của Hoa Kỳ phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á tuyển dụng và bổ nhiệm vào vị trí Chuyên gia Kinh tế và Phân tích Tài chính cho Dự án Cấp nước Đà Nẵng.
Thành phố bên sông Hàn. Ảnh: Thu Thủy
Thế là sau hơn 10 năm xa cách, tôi mới được trở về công tác tại Đà Nẵng. Thời gian 10 năm đủ có cơ hội thấy hết những thay đổi của Đà Nẵng, chiêm nghiệm lại những khác biệt so với nơi khác và nhận thấy được tầm vóc và xu thế phát triển của Đà Nẵng trong tương lai.
Với những kiến thức thu thập được, những trải nghiệm trong công tác và tư duy quản lý chiến lược của mình khi khảo sát tình hình phát triển của Đà Nẵng hiện nay, tôi nhận thấy rằng thành phố đang đổi thay từng ngày đúng theo các tiêu chí phát triển bền vững mà hầu hết các đô thị hiện đại trên thế giới đang nỗ lực theo đuổi. Công tác quản lý đô thị và quy hoạch đô thị phổ biến hiện nay dựa theo một nguyên tắc nghe rất đơn giản. Đó là nguyên tắc bốn tiêu chí bền vững: bền vững về xã hội, bền vững về tự nhiên, bền vững về kỹ thuật, và bền vững về tài chính. Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau soi rọi bốn tiêu chí phát triển bền vững đó vào công tác quản lý và quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng như thế nào.
Bền vững về xã hội là tiêu chí quan trọng bậc nhất. Công tác quản lý và quy hoạch phát triển đô thị thường có tác động sâu rộng đến cuộc sống nhiều người từ nhiều thành phần khác nhau với nhiều nguồn gốc văn hóa khác nhau. Để công tác quản lý và quy hoạch đô thị tồn tại vững vàng theo thời gian mong muốn thì công tác này trước hết phải vì con người, nghĩa là phải có tính nhân văn, phải cân bằng được với các giá trị văn hóa, tôn giáo; phải bảo đảm được đầy đủ các yếu tố xã hội như giáo dục, y tế, việc làm thu nhập, giao thông, vui chơi giải trí và các dịch vụ xã hội cần thiết khác, đó là những yếu tố tạo tiền đề cho bền vững xã hội.
Từ nhiều năm nay, Đà Nẵng đổi thay từng ngày theo tiến độ hoàn thiện các công trình xây dựng. Cả thành phố như một đại công trường. Tuy nhiên, công tác thi công luôn luôn được sắp xếp hợp lý và quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa những xáo trộn cuộc sống người dân, không gây ách tắc giao thông, không tác động tiêu cực đến công việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đã có số liệu thống kê cho thấy, Đà Nẵng thực hiện khối lượng công việc di dân và giải phóng mặt bằng nhiều nhất so với các địa phương khác trong cả nước. Ấy thế, nhưng hầu như mọi công trình trọng điểm đều được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Điều này cho thấy công tác di dân và giải phóng mặt bằng được thực hiện rất tốt. Làm được điều này, Đà Nẵng rất chú trọng công tác truyền thông. Tất cả mọi việc đều được công khai, với mong muốn của chính quyền thành phố là ý tưởng quy hoạch kết hợp với công nghệ tiên tiến phải hài hòa được với ý nguyện của nhân dân. Công tác truyền thông được tiến hành sâu rộng xuyên suốt qua các giai đoạn quy hoạch như (a) thăm dò ý tưởng, (b) mô hình hóa ý tưởng, (c) quy hoạch sơ bộ và quy hoạch chi tiết, và (d) thực thi đồ án quy hoạch. Đặc biệt, đối với hai giai đoạn sau cùng công tác truyền thông được đẩy mạnh rất sâu rộng và chi tiết bằng các cuộc khảo sát điều tra kinh tế-xã hội rất cụ thể.
Người dân Đà Nẵng rất có trách nhiệm với công việc chung, chính quyền thành phố rất tôn trọng ý kiến công chúng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân nói lên ý kiến của mình. Bởi vậy, mọi đồ án quy hoạch đều được đón nhận và ủng hộ vì được thực hiện theo như ý nguyện của nhân dân.
Về công tác quản lý đô thị, phải ghi nhận một điều nổi bật ở Đà Nẵng là không gian đô thị và cuộc sống đô thị rất ngăn nắp và tươm tất, đường phố thông thoáng, hè phố rộng rãi. Đi bộ ở Đà Nẵng rất thoải mái, không bị vướng bận bởi sự hỗn loạn của giao thông, không bị quấy rầy chèo kéo của những người bán hàng rong, không bị đeo bám của những người ăn xin. Đà Nẵng là đô thị duy nhất trong cả nước thực hiện thành công tiêu chí “3 có” và “5 không”. Có thể coi đây là tiêu chí phát triển đô thị bền vững đặc trưng Việt Nam mà các đô thị khác trong cả nước nên học tập.
Bền vững về tự nhiên là tiêu chí quan trọng thứ hai. Tiêu chí này dựa trên nguyên tắc cơ bản là tất cả mọi cấu phần của công tác quản lý và quy hoạch đô thị phải tồn tại hài hòa và thân thiện với môi trường sinh thái tự nhiên. Và theo thứ tự ưu tiên, chúng ta cùng xem xét hai yếu tố ưu tiên số một trong thứ tự đó tại Đà Nẵng như thế nào.
Ưu tiên thứ nhất là nguồn nước: Đà Nẵng chưa phải là địa phương gặp khó khăn về nguồn nước, nhưng chính quyền đô thị đã rất quan tâm đến lĩnh vực này vì biết rằng nguồn nước sẽ trở nên khan hiếm trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Công tác bảo vệ nguồn nước đang được chính quyền chỉ đạo thực hiện rất triệt để. Các đồ án công trình phát triển nếu được đánh giá là có tác động tiêu cực đến nguồn nước đều bị từ bỏ. Đà Nẵng là một trong số địa phương đầu tiên quan tâm đến vấn đề quản lý nguồn nước theo lưu vực liên vùng. Thể hiện sự ủng hộ của mình đối với chính quyền đô thị Đà Nẵng, Ngân hàng Phát triển châu Á đã đồng ý tài trợ cho Đà Nẵng một dự án nguyên cứu nguồn nước sẽ được triển khai trong nay mai. Ngân hàng Phát triển châu Á cũng là đơn vị tài trợ Dự án Cấp nước đô thị cho Đà Nẵng.
Ưu tiên thứ hai là khoảng không gian xanh. Đà Nẵng chưa được gọi là thành phố xanh, tuy nhiên tình hình đang dần cải thiện với sự quan tâm của chính quyền đô thị. Cây xanh được gìn giữ bảo vệ và phát triển tươm tất. Ta dễ dàng nhận thấy rất nhiều hàng cây mới trồng đang cố gắng vươn cao tỏa bóng mát cho khách bộ hành. Chỉ tiêu mật độ đất cây xanh đô thị là 8 – 10m2 cho mỗi người dân đã được xác định và dành đất tại các đồ án quy hoạch phát triển đô thị đã góp phần cải thiện không gian chung cho toàn thành phố.
Đà Nẵng là đô thị rất đặc biệt, vừa có núi có sông lại vừa có biển bao quanh. Định hướng phát triển của Đà Nẵng đã được chính quyền chỉ đạo là hướng ra biển – “nối dài bờ sông, kéo dài bờ biển” trong sự hài hòa với cảnh quan núi rừng Sơn Trà và Bà Nà-Núi Chúa.
Những khoảng không gian xanh được gìn giữ và phát triển hợp lý tạo đặc trưng kiến trúc hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên sẵn có. Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng nhiều khu công viên cây xanh như: Khu công viên Khuê Trung, công viên biển cuối tuyến đường Phạm Văn Đồng, các khu cây xanh gắn với trung tâm thể thao giải trí ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, vùng Bà Nà-Suối Mơ, ven sông Hàn, đường Cách mạng Tháng Tám. Các công viên rừng và bảo tồn thiên nhiên được xác định hình thành và đang dần rõ nét tại Sơn Trà, Phước Tường, Bà Nà-Núi Chúa, Đồng Nghệ.
Bền vững về kỹ thuật là tiêu chí quan trọng thứ ba. Điều này phản ánh rất rõ ràng trong các dự án phát triển của Đà Nẵng. Các dự án đều phải nhận diện và tích hợp tất cả các công trình hạ tầng phụ trợ cần thiết như cấp điện, cấp nước, thoát nước và vệ sinh, bưu chính-viễn thông, cây xanh và chiếu sáng, v.v… Tiến độ thi công cũng được thiết lập rất cụ thể chi tiết và đồng bộ, xây trước, xây sau nhịp nhàng và hợp lý, không đào đi đào lại lãng phí và hỗn loạn.
Có lẽ những ai đã từng chứng kiến cảnh náo loạn và ách tắc giao thông do những “lô cốt” trên đường phố từ các dự án xây dựng tại nhiều đô thị khác thì sẽ cảm nhận rất rõ ràng tính hợp lý và trân trọng công tác quản lý đô thị tại Đà Nẵng.
Bền vững về tài chính là tiêu chí quan trọng cuối cùng. Ở Đà Nẵng, công tác phân tích kinh tế-xã hội và tài chính rất được quan tâm thực hiện nghiêm ngặt và thẩm định chặt chẽ cho từng dự án đầu tư phát triển. Nguyên tắc chủ đạo của công tác này là phải nhận diện ra được toàn bộ mọi chi phí phát sinh đầu tư, vận hành, bảo dưỡng và quản lý công trình.
Một thực tế đáng ghi nhận tại Đà Nẵng là không những tài chính cho dự án mà tài chính cho những hộ dân bị ảnh hưởng của dự án cũng được xem xét và triển khai rất đồng bộ. Các hộ dân phải di dời, nhường lại mặt bằng cho dự án đều được chính quyền quan tâm ổn định cuộc sống và có việc làm, tạo thu nhập bền vững. Đây chính là yếu tố tạo động lực thành công cho công tác di dân giải phóng mặt bằng ở Đà Nẵng.
Đà Nẵng là một thành phố trẻ, nhưng công tác quản lý và quy hoạch đô thị đang là điểm sáng. Thành tựu này có được nhờ chính quyền quản lý đô thị luôn theo đuổi một nguyên tắc rất đơn giản: Bốn tiêu chí bền vững kết hợp với tư duy chiến lược vì con người.
TS. Trương Tiến Hải
(Theo website Nguyễn Bá Thanh)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét