Bán đảo Triều Tiên đột ngột nóng lên dữ dội từ thứ ba tuần trước khi pháo miền bắc dội xuống đảo của miền nam. Hơn một tuần sau tình hình vẫn không lắng dịu với bên tàu chiến, bên tên lửa cách nhau chỉ vài chục km.
Một chiếc máy bay trên hàng không mẫu hạm USS George Washington trong cuộc diễn tập quân sự tại biển Hoàng hải. Ảnh: AFP
Đây không phải lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc hơn nửa thế kỷ trước hai miền Triều Tiên căng thẳng với nhau. Thái độ đối đầu kéo dài khiến người dân nơi đây dường như đã quen chung sống với khủng hoảng. Tuy nhiên, những gì xảy ra ngày 23/11 trên đảo Yeonpyeong và các diễn biến sau đó vẫn đánh dấu một mức độ nghiêm trọng mới của tình hình tại điểm nóng Đông Á này.
Nhiêm trọng nhất từ Chiến tranh Triều Tiên
Trong khi truyền thông thế giới đang đổ dồn về vụ giẫm đạp đẫm máu tại Campuchia ngày 23/11, tin tức phát đi từ bán đảo Triều Tiên đã khiến dư luận thay đổi sự chú ý. Những khẩu đội pháo bên bờ biển của Triều Tiên đột nhiên rót xối xả xuống hòn đảo nhỏ Yeonpyeong, nơi có căn cứ quân sự nằm lẫn với khu dân cư của Hàn Quốc. Hơn 60 ngôi nhà tại đây bị thiêu cháy, trong khi thường dân Hàn Quốc trên đảo bỏ chạy tìm nơi trú ấn hoặc di tản về đất liền.
Lực lượng lính thuỷ đánh bộ của Hàn Quốc trên đảo đáp trả bằng đạn pháo về phía Triều Tiên nằm cách đó chỉ khoảng 10 km, đồng thời cho máy bay chiến đấu xuất kích. Cảnh tượng tại đây gợi nhớ đến cuộc chiến hơn nửa thế kỷ trước. Vụ tấn công khiến hai binh sĩ và hai thường dân Hàn Quốc thiệt mạng, cùng thiệt hại về vật chất khoảng hơn 5 triệu USD. Sự kiện này khiến dư luận bị sốc và được đánh giá là dữ dội nhất kể từ cuộc chiến tranh 1950-1953.
Vụ giao tranh giữa hai miền xung quanh hòn đảo Yeonpyeong, nằm cách đường ranh giới Liên Triều trên biển khoảng 3 km về phía nam và cách thủ đôSeoul của Hàn Quốc 120 km về phía tây, chỉ diễn ra trong khoảng một tiếng, nhưng đã đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn căng thẳng nghiêm trọng mới giữa hai bên. Sự kiện này diễn ra chỉ vài ngày sau khi một nhà khoa học Mỹ tiết lộ việc Triều Tiên đã xây dựng nhà máy tinh chế uranium hiện đại, mở ra cách thức thứ hai nước này có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trận pháo kích của miền bắc lên đảo Yeonpyeong đã gây sốc nhưng không quá bất ngờ, nếu xâu chuỗi các sự kiện xảy ra gần đây trên bán đảo Triều Tiên. Tình hình tại đây leo thang căng thẳng từ vụ chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm hồi tháng 3/2010, trong khi tại miền bắc năm nay cũng chứng kiến những chuyển biến chính trị mang tính lịch sử về chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất. Khu vực quanh đảo Yeonpyeong từng là hiện trường của 3 vụ giao tranh đổ máu giữa hải quân hai miền vào các năm 1999, 2002 và 2009.
Các bên thận trọng với Bình Nhưỡng
Bản thân chính phủ Hàn Quốc thì rơi vào thế khó sau vụ tấn công của miền bắc. Ngoài việc bắn đáp trả khoảng 80 quả đạn pháo, họ không thể tính đến việc trả đũa quân sự trên quy mô lớn. Tổng thống Lee Myung-bak một mặt lệnh cho cấp dưới “trừng phạt đích đáng” miền bắc, một mặt lại yêu cầu họ phải đảm bảo “tình hình không leo thang”. Nói cách khác Hàn Quốc có quá nhiều thứ để mất nếu để chiến tranh thực sự giữa hai miền xảy ra và điều này đã đẩy họ vào thế khó.
Tuy nhiên, Hàn Quốc đã có những điều chỉnh đáng kể về quân sự sau sự kiện đảo Yeonpyeong. Đáng chú ý là việc Seoul thay đổi quy tắc giao chiến theo hướng tăng sự chủ động trong cách đối phó với sự khiêu khích của Triều Tiên. Đây được cho biện pháp nhằm khắc phục sự thụ động trong phương thức giao chiến cũ vốn chỉ chú trọng đến việc ngăn chặn sự leo thang căng thẳng. Quy tắc mới được phân định cụ thể các cách thức phản ứng khác nhau trước các vụ tấn công của miền bắc nhằm vào dân thường hay quân đội.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc tăng quân cho 5 hòn đảo nhỏ gồm Baegnyeong, Daecheong, Socheong, Woo và đảo Yeonpyeong mới bị pháo kích, nằm ngay sát Triều Tiên. Vụ tấn công của Triều Tiên cũng khiến Bộ trưởng Quốc phòng Kim Tae-young phải từ chức để nhận trách nhiệm.
Trong khi đó, đồng minh chính trị và kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên là Trung Quốc không hề có động thái lên án vụ tấn công của Bình Nhưỡng, mà chỉ kêu gọi các bên kiềm chế. Bắc Kinh còn chia sẻ quan điểm với Bình Nhưỡng về việc phản đối cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc trên vùng biển Hoàng hải. Quan điểm này đã khiến Washington lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình tác động lên Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, bản thân đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc là Mỹ cũng tỏ ra thận trọng không kém. Washington mặc dù lên án Triều Tiên gay gắt và tái khẳng định sẽ bảo vệ Hàn Quốc, nhưng tránh không đả động gì tới bất cứ hành động quân sự nào để đáp trả vụ tấn công. Chính quyền Mỹ cũng không coi đây là một hành động chiến tranh hay sự vi phạm thoả thuận ngừng bắn giữa hai miền từ năm 1953.
Tập trận răn đe
Hành động cụ thể của Mỹ đối với vụ tấn công của Triều Tiên cũng không khác so với vụ chiến hạm Cheonan bị đánh chìm trước đây. Họ tiếp tục thực hiện “bài” ngoại giao chiến hạm, khi điều tàu sân bay USS George Washington tới khu vực ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Con tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân này mang theo 75 máy bay chiến đấu và thuỷ thủ đoàn 5.700 người tới vùng biển Hàn Quốc hôm chủ nhật để tiến hành cuộc tập trận hải quân chung kéo dài 4 ngày.
Phía Triều Tiên phản đối kịch liệt vụ tập trận và doạ đáp trả “không thương tiếc” đối với sự kiện mà họ coi là khiêu khích này, đồng thời hướng tên lửa và pháo ra phía biển nơi có cuộc tập trận trong tư thế sẵn sàng khai hoả.
Hàn Quốc báo động quân đội trước lời đe doạ và chuẩn bị cho một vụ tấn công mới của miền bắc có thể xảy ra, nhưng vẫn không nhượng bộ khi tiếp tục cùng đồng minh Mỹ thị uy sức mạnh quân sự từ 28/11 đến 1/12. Tuy nhiên Seuol đã tạm hoãn một nội dung diễn tập bắn đạn thật trong cuộc tập trận này với lý do thời tiết. Trước đó, một cuộc diễn tập bắn đạn thật cũng được cho là nguyên nhân khiến Triều Tiên khai hoả.
Song song với căng thẳng qua hình ảnh bên tên lửa bên tàu chiến ở biển Hoàng hải là các nỗ lực ngoại giao hối hả diễn ra, nhằm tháo ngòi tình hình được đánh giá là “bên bờ vực chiến tranh” trên bán đảo Triều Tiên. Những nguồn tin từ Bắc Kinh cho hay Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã tới Bình Nhưỡng, cùng thời gian trợ lý cao cấp của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il là Choe Thae-bok tới Bắc Kinh.
Trong khi đó, sau khi cuộc tập trận kết thúc hôm qua, khép lại 10 ngày sôi sục trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục cùng Mỹ có hoạt động quân sự chung với quy mô lớn hơn nhiều. Cuộc diễn tập hải quân bắn đạn thật mới có thể diễn ra ngay trong tuần tới, tại 29 điểm quanh Hàn Quốc. Điều này cho thấy liên quân Mỹ-Hàn không có sự nhượng bộ nào sau vụ tấn công đảo Yeonpyeong của miền bắc. Như vậy không khó dự đoán, tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn diễn biến khó lường trong thời gian tới sau 10 ngày nóng như “đổ lửa” vừa qua.
Đình Nguyễn
(Theo website Nguyễn Bá Thanh)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét