Bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn phát triển kinh tế biển


Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Thành ủy Đà Nẵng xác định: “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển, là một trong ba trung tâm lớn của nước ta, động lực phát triển khu vực miền Trung-Tây Nguyên hướng ra Biển Đông và các nước tiểu vùng sông Mê Kông“.

nguyen ba thanh

Bộ đội Biên phòng thành phố tham gia cứu nạn trên biển.

Thời gian qua, thành phố đã có nhiều chủ trương, giải pháp để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trong quản lý, bảo vệ biên giới biển và các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. Với chức năng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới và là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) “Biển đảo và biên giới thành phố”, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố đã tham mưu cho các cấp và phối hợp với các ngành, các lực lượng, các địa phương thực hiện nhiệm vụ QP-AN bảo vệ chủ quyền biên giới, biển – đảo Tổ quốc.

Trên cơ sở quyết tâm phòng thủ khu vực thành phố, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã xây dựng kế hoạch bảo vệ chủ quyền biên giới, vùng biển, kế hoạch bảo vệ ngư dân hoạt động trên các vùng biển xa, kế hoạch bảo vệ tàu thăm dò địa chấn kết hợp tuần tra bảo vệ chủ quyền,… tham gia cùng cơ quan quân sự, công an và các lực lượng diễn tập các phương án A, A2, A3, A4, kế hoạch tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và phòng chống bão lụt… Thực hiện quy chế phối hợp 3 lực lượng Công an (CA), Quân sự (QS), Biên phòng (BP) thường xuyên tuần tra, quản lý giữ gìn ANTT địa bàn; tổ chức lực lượng (CA, BP) tăng cường chống cướp giật, chống tội phạm trên các địa bàn, tuyến đường trọng điểm và khu vực biên giới biển.

Để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với các ngành như: Ủy ban MTTQ thành phố về “Thực hiện ngày Biên phòng và xây dựng nền biên phòng toàn dân”, với Sở NN và PTNT về “Quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý hoạt động nghề cá và bảo đảm an toàn cho ngư dân”; với Sở VH-TT và DL về “Xây dựng điểm sáng văn hóa trên các tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo”. Đồng thời ký kết và triển khai các chương trình phối hợp với Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Sở Y tế và Sở Giáo dục – Đào tạo đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào cách mạng của quần chúng, phát triển KT-XH, chăm lo sức khỏe cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xóa đói nghèo, xóa nhà tạm, xóa mù chữ … góp phần nâng cao dân trí và ổn định an sinh xã hội ở khu vực biên giới biển.

Đảng ủy BĐBP thành phố cũng đã ký kết và triển khai thực hiện quy chế phối hợp với 5 Quận ủy và Huyện ủy Hòa Vang để tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, tuyến sau hướng về biên giới, biển – đảo và tăng cường công tác dân vận – vận động quần chúng của BĐBP trên địa bàn thành phố; tổ chức liên kết, kết nghĩa giữa các đơn vị BĐBP với các đơn vị, địa phương, xây dựng mối đoàn kết quân dân, củng cố thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh và xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện.

Để tiếp tục đẩy mạnh và triển khai các chủ trương, giải pháp gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế biển với QP-AN, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển – đảo đáp ứng yêu cầu phát triển và tình hình trên biển hiện nay, BĐBP thành phố phối hợp với các ngành, lực lượng và các địa phương tập trung một số giải pháp:

- Xây dựng 17 phường biên giới biển vững mạnh toàn diện, QP-AN vững mạnh, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với bảo vệ chủ quyền biên giới, biển – đảo. Tập trung xây dựng các mô hình “Điểm sáng văn hóa trên biên giới, bờ biển, hải đảo“, xây dựng khu dân cư văn hóa biển (mô hình này đã thành công ở khu dân cư văn hóa biển Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) và đang triển khai tiếp ở phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) và một số phường ven biển do BĐBP phối hợp với Sở VH-TT và DL và các địa phương xây dựng. Quy hoạch các bến đậu tàu thuyền, bến du thuyền, cảng cá, tập trung xây dựng “Bến bãi, âu thuyền, cảng cá an toàn, văn hóa” theo mô hình tự quản ở âu thuyền, cảng cá Thọ Quang do UBND quận, BĐBP và Sở NN và PTNT xây dựng.

Nâng cấp Trung tâm thông tin biển ở Đồn Biên phòng 248 (công trình do UBND quận Thanh Khê đầu tư), xây mới Trung tâm thông tin của Đồn Biên phòng 252 tại âu thuyền Thọ Quang và một số cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ biển. Huy động các nguồn lực để trang bị cho các tàu thuyền đủ phương tiện thu, phát thông tin liên lạc trên cả 3 tuyến khơi, lộng và ven bờ. Ứng dụng công nghệ thông tin phần mềm quản lý tàu cá ở các đồn, trạm biên phòng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng số lượng tàu thuyền, nâng cao công suất phương tiện, nhất là tàu thuyền hoạt động xa bờ. Đi đôi với nâng cấp, cải hoán và chuyển đổi cơ cấu nghề, cơ cấu tàu thuyền trên các vùng biển, khẩn trương kiện toàn, xây dựng mới các tổ tàu thuyền “Đoàn kết, an toàn”, tổ “Tương hỗ” phù hợp từng nghề trên cơ sở 97 tổ đã được thành lập hoạt động; tiếp tục ký thực hiện cam kết đối với chủ phương tiện, thuyền viên, trên cơ sở đó kết nối thông tin liên lạc giữa các phương tiện với nhau và với BĐBP theo quy ước mật danh báo tọa độ trên biển. Xây dựng và bố trí lực lượng tự vệ trên cả 3 tuyến, trọng tâm là tuyến xa bờ.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN và PTNT theo chức năng nhiệm vụ bố trí lực lượng, phương tiện thực hiện quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường, nguồn lợi và các hoạt động khai thác hải sản, phối hợp các lực lượng chức năng và ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. BĐBP, Sở NN và PTNT, Sở TN-MT và Trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khu vực II cần có cơ chế phối hợp hoạt động để tăng cường tuần tra kiểm soát dân sự kết hợp làm kinh tế, cung ứng hậu cần nghề cá và bảo đảm an toàn cho ngư dân.

Kiến nghị Thành ủy đưa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển – đảo và xây dựng lực lượng BĐBP vào chỉ thị về nhiệm vụ QP-AN hằng năm để lãnh đạo gắn với lãnh đạo phát triển kinh tế biển. Thành phố ưu tiên thích đáng nguồn ngân sách cho phát triển kinh tế biển và nhiệm vụ QP-AN bảo vệ chủ quyền biên giới, biển – đảo và xây dựng khu vực biên giới biển phát triển vững mạnh cả về kinh tế-văn hóa-xã hội và QP-AN. Ủy ban MTTQ thành phố chủ trì phối hợp các đoàn thể quần chúng phát động phong trào “Toàn dân hướng về biên giới biển – đảo và huyện đảo Hoàng Sa“, vận động quỹ hỗ trợ nhân đạo cho các hoạt động trên các vùng biển Tổ quốc gặp rủi ro, sự cố, tai nạn thiệt hại người, tài sản cần được giúp đỡ ngay để động viên, chia sẻ, đồng thời nhằm khơi dậy lòng yêu Tổ quốc, quý trọng từng tấc đất thiêng liêng mà cha ông đã đổ bao xương máu để bảo vệ vẹn toàn biên cương, bờ cõi Việt Nam thân yêu trong các tầng lớp nhân dân thành phố và cả nước.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét