Miền Trung cần liên kết để phát triển, điều này nói nhiều, nhưng làm ít. Đã đến lúc, chuyện liên kết không thể trì hoãn mà phải bằng hành động cụ thể.
Ngày 15-7, Hội thảo Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung (từ TT-Huế tới Khánh Hòa) diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham gia của lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, các chuyên gia…
Chọn lọc liên kết
Nói như TS Trần Du Lịch – Phó đoàn ĐBQH TPHCM, liên kết để biến sức mạnh kinh tế của vùng thành cấp số nhân chứ không phải con số cộng. Đặc thù trong vùng là phát triển tương đồng theo kiểu “dàn hàng ngang”. Tỉnh nào cũng có mô hình na ná nhau, từ sân bay, cảng biển, khu kinh tế, cơ cấu công nghiệp… Điều này dẫn đến sự cạnh tranh nhỏ lẻ nội vùng, không chỉ làm suy yếu nhau mà còn mất năng lực cạnh tranh của cả vùng, yếu tố cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Từ đặc thù đó, đòi hỏi, sự liên kết phải chọn lọc để không mất đi tính năng động sáng tạo của từng địa phương. Nói cách khác, sẽ có liên kết trục dọc toàn vùng để phát triển “chiều ngang” của từng địa phương. Vậy chọn lọc vấn đề gì để liên kết? TS Trần Văn Minh– UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, cần chọn du lịch là nội dung liên kết cụ thể, trước mắt và hành động ngay. Du lịch là thế mạnh mà tất cả các địa phương đều có tiềm năng. Liên kết du lịch sẽ kéo theo các vấn đề về hạ tầng, đào tạo nhân lực, nguồn vốn đầu tư các sản phẩm, các điểm đến. Bên cạnh đó, phát triển du lịch sẽ kéo theo phát triển y tế, văn hóa, dịch vụ… Đồng quan điểm, ông Hoàng Tuấn Anh-UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng, với lợi thế bờ biển dài, các Di sản thế giới, các điểm đến hấp dẫn, du lịch trong vùng rất cần hợp lực để phát triển lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng. Năm 2010, cả nước có 5 triệu khách quốc tế thì riêng trong vùng đã có 2,5 triệu, một con số ấn tượng.
GS.TSKH Bùi Văn Ga- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, trong vùng cần có phân cấp đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực. Cần có các đại học chuyên ngành gắn liền với từng địa phương để đào tạo ra nhân lực chất lượng cao. Bản thân các trường đại học chuyên ngành này kinh phí đầu tư rất lớn, đòi hỏi các địa phương trong vùng cần liên kết, phân công đầu tư. Chẳng hạn tại Quảng Nam cần xây dựng đại học Văn hóa- Du lịch dựa trên nền tảng văn hóa địa phương và du lịch Vùng, đại học Tài nguyên và Môi trường với các chuyên ngành năng lượng, môi trường, tài nguyên, biến đổi khí hậu… Hoặc ở Quảng Ngãi cần xây dựng đại học Công nghệ với các ngành cơ khí, điện-điện tử, công nghệ lọc hóa dầu, chế biến dầu khí… Phát triển Đại học Đà Nẵng thành đại học nghiên cứu theo định hướng ứng dụng. Việc phân công đào tạo, theo hướng các đại học vùng, đại học chuyên ngành, đại học nghiên cứu phù hợp với điều kiện, lợi thế từng địa phương sẽ tránh tình trạng đào tạo trùng lặp, đầu tư nhiều, nhân lực đào tạo ra nhiều nhưng thiếu nhân lực cao, chuyên sâu, không theo kịp xu hướng thị trường.
Có kết nối mới liên kết
Do đặc điểm địa lý, các tỉnh trong vùng cách nhau khá xa, trung bình 100km, do đó việc liên kết giao thông có vai trò mấu chốt. Ông Đào Tấn Lộc- UVT.Ư Đảng, Bí thư tỉnh Phú Yên cho rằng, mỗi tỉnh đều có vài chục ki-lô-mét đường ven biển. Bây giờ phải kết nối các đầu mối, cùng chung sức để thông suốt con đường này. Bởi nó có ý nghĩa lớn phát triển kinh tế biển, du lịch, quốc phòng. Ông Lộc cũng đề cập đến chuyện liên kết đội tàu đánh bắt đủ lớn mạnh để vươn ra biển Đông.
Vì sao phát triển na ná nhau, ông có cảng, sân bay thì tôi cũng phải có. Vì cái tư duy theo nhiệm kỳ. Biết là giống nhau nhưng cũng làm để tạo dấu ấn, không người ta lại bảo cả nhiệm kỳ không để lại cái gì. Phải biết hy sinh vì cái lợi ích chung lâu dài, toàn vùng, thì liên kết mới thực sự hiệu quả, bền vững. PGS.TS Lê Xuân Bá- Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.Hiện mỗi tỉnh có hàng ngàn tàu khai thác, cần liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, hình thành các tập đoàn khai thác, hậu cần, vận chuyển, hỗ trợ nhau trên biển vững mạnh. Chia sẻ vai trò của liên kết giao thông trong toàn vùng, ông Phạm Ngọc Minh – Tổng GĐ Tổng Cty Hàng không Việt Nam cho biết, máy bay vận chuyển hành khách không thiếu. Nhưng vì sao thời gian qua cứ bị quá tải. Nguyên nhân vì hạ tầng hàng không chưa đủ mạnh. Nguyên tắc khi khách đông, Tổng Cty sẽ rút máy bay nhỏ, thay máy bay lớn hơn, nhưng điều kiện cảng lại không đáp ứng đủ. Thành thử nâng cấp hạ tầng sân bay các tỉnh trong vùng là cấp bách, bởi lượng khách trong khu vực đang tăng mạnh, tính riêng năm 2010 đã có hơn 3,5 triệu khách nội địa, chiếm 43% khách vận chuyển của Vietnam Airlines.
Bên cạnh đó, các tỉnh trong vùng cần liên kết phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm khai thác thế mạnh về vùng nguyên liệu, lao động; hợp tác trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách để đầu tư phát triển chung của vùng; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng; hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu… Tất cả các vấn đề liên kết đó là nhu cầu thực tiễn đòi hỏi có chọn lọc, cần một quá trình thực hiện. Sự liên kết này vừa chắp cánh phát triển các thế mạnh đồng thời không triệt tiêu động lực cạnh tranh của mỗi địa phương.
* Ông Nguyễn Bá Thanh – UVT.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
Liên kết vùng là vấn đề 500 năm qua giải quyết chưa đến nơi đến chốn. Nhận thức thì ngon đấy nhưng hành động cụ thể lại không làm được.
Trong vùng có lợi thế là mặt tiền hướng ra biển Đông nhưng cũng là khu vực kém phát triển so với nhiều vùng, phải chăng vì phát triển manh mún, thiếu liên kết? Lần này lãnh đạo các tỉnh chủ động liên kết với quyết tâm cao, trên cơ sở chia sẻ lợi ích các bên, đưa vùng phát triển mạnh, giàu sức cạnh tranh. Quyết tâm thì có, còn lại là hành động, phải cụ thể, không thể nói xong để đó.
(Theo website Nguyễn Bá Thanh)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét