Nguyễn Bá Thanh: Giáo dục thanh thiếu niên Đà Nẵng


Thành đoàn Đà Nẵng vừa phối hợp với Công an TP đưa 294 thanh thiếu niên được coi là “chậm tiến” đi thăm trường giáo dưỡng số 3 Tân Hòa (thuộc Bộ Công an), trại tạm giam Hòa Sơn và khu du lịch Bà Nà.

Trong buổi gặp gỡ chiều cùng ngày, ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, có thể khiến các em có những suy nghĩ tiêu cực, tuy nhiên không nên vì thế mà “buông xuôi” rồi bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo vào các hành vi phạm pháp. Bởi hậu quả của việc vi phạm pháp luật thì không chỉ có các em mà cả gia đình và xã hội phải gánh chịu.

Ông Nguyễn Bá Thanh tin tưởng sau chuyến tham quan này, các em bỏ được những thói hư tật xấu, trở thành những công dân tốt góp phần đẩy lùi những tệ nạn xã hội.

Chuyến đi ngày 7/9 nhằm mục tiêu nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân cho thế hệ trẻ, qua đó từng bước kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, đảm bảo anh ninh trật tự.

Đây cũng là sáng kiến của TP Đà Nẵng – áp dụng phương pháp giáo dục thực tế nhằm đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo điều kiện cho giới trẻ sống tốt hơn.

294 thanh thiếu niên “chậm tiến” (vì đã có những hành vi như trộm cắp, đánh nhau gây mất trật tự xã hội, nghiện game online, bỏ nhà lang thang)… của 7 quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng đã được giao lưu, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các trẻ em phạm tội đang học tập và giáo dục tại trường giáo dưỡng số 3.

Các em cũng gặp gỡ và nói chuyện, tìm hiểu thực tế những cơ sở sản xuất, nơi sinh hoạt và cải tạo của các phạm nhân trại giam Hòa Sơn.

Ngoài ra các em còn được đưa đi tham quan thắng cảnh Bà Nà nổi tiếng của TP Đà Nẵng và sinh hoạt cộng đồng cùng các đoàn viên thanh niên ưu tú của Công an và Thành đoàn Đà Nẵng.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Nguyễn Bá Thanh – Đà Nẵng miễn thu phí chợ 1 tháng/năm cho các tiểu thương


UBNDTP Đà Nẵng vừa có quyết định miễn thu phí chợ 1 tháng/năm đối với các hộ tiểu thương thực tế đang kinh doanh đúng theo quy định tại 6 chợ trên địa bàn thành phố, gồm: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Khu B Siêu Thị, chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Hòa Thuận.

Các tiểu thương phấn khởi, yên tâm kinh doanh khi được miễn nộp phí chợ 1 tháng mỗi năm

Theo Quyết định của Thành phố, việc miễn thu phí sẽ được thực hiện vào kỳ thu phí tương ứng tháng giêng âm lịch hàng năm (áp dụng từ ngày 1/1/2010).

UBND thành phố giao cho Sở Công thương và UBND quận Hải Châu triển khai đến các đơn vị trực thuộc thực hiện và kiểm tra tình hình thực hiện quyết định miễn thu phí chợ nêu trên; đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan tính toán số giảm thu ngân sách để tổng hợp vào dự toán ngân sách thành phố hàng năm.

Theo thông tin từ Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 85 chợ với hơn 14.000 hộ kinh doanh, ước tính số tiền miễn thu phí lên đến vài chục tỷ đồng/năm.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng cho biết, thời gian quan thành phố đã có rất nhiều ưu đãi đối với các tiểu thương. Hiện thành phố đang nghiên cứu đầu tư xây dựng 3 chợ: chợ Cồn, chợ Hàn và siêu thị Đà Nẵng thành trung tâm mua bán lớn theo phương châm xã hội hóa, có thể xây dựng các trung tâm buôn bán tổng hợp nhiều tầng ngay trên diện tích các chợ cũ nhưng vẫn dành riêng khu vực cho tiểu thương tiếp tục buôn bán mà không tăng giá thuê mặt bằng. Với cơ sở vật chất của các chợ được nâng lên, bà con sẽ có điều kiện buôn bán tốt hơn


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Việt Nam – thành công và tỉnh táo


Nhà báo kinh tế Trần Ngọc Châu

Cho dù tình hình kinh tế tháng 11/2010 – nhất là biến động của giá vàng và đô la – lặp lại y hệt tháng 11 năm ngoái, tăng trưởng của Việt Nam năm 2010 vẫn cao nhất trong khu vực ASEAN.

Xuất khẩu vẫn phải là quốc sách.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,5%. Bình luận con số này, tờ báo New York Times viết: “Trong khi một quốc gia phát triển như Mỹ sẽ vui vẻ với mức tăng trưởng như vậy, thì Việt Nam lại đặt ra mục tiêu lớn hơn”. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang phấn đấu vượt mức tăng trưởng 6,5% như kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, cái giá phải trả của tăng trưởng là lạm phát. Bên cạnh thành công nói trên, vào thời gian này chúng ta lại phải đối phó với nguy cơ lạm phát và sự sụt giảm xuất khẩu.

Mặc dù mức độ sụt giảm này thấp hơn hầu hết các nước đang phát triển khác, nhưng nó cũng khiến mức độ thâm thủng mậu dịch hay nhập siêu của chúng ta tăng lên. Tình hình trên cũng là thách thức gay gắt của các quốc gia đang phát triển.

Vị thế quốc tế tăng

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN + 8 cuối tháng 11 cho thấy vị thế Việt Nam trên trường quốc tế gia tăng. Đó là một thực tế chứ không chỉ là “lời ca ngợi”. Nhà báo Kavi, nguyên tổng biên tập tờ Nation của Thái Lan viết: “Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số đầy ấn tượng, Việt Nam đã có nhiều đóng góp đối với nền kinh tế ASEAN trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu.” Theo tác giả, trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã thành công trong việc khẳng định vai trò là một nền kinh tế chủ lực trong khối.

Tuy vậy, các nhà nghiên cứu về Việt Nam của đại học Havard cho rằng “Việt Nam cần cảnh giác với sự ngọt ngào của những lời khen ngợi.” Và chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng khi Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách của chúng ta luôn đủ bản lĩnh, bình tĩnh, tỉnh táo để ý thức về thành công và hạn chế, về điểm mạnh và yếu kém, về thời cơ, thuận lợi và những thách thức, khó khăn.

Việc Intel khánh thành nhà máy kiểm thử vi mạch lớn nhất thế giới tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy cộng đồng đầu tư quốc tế vẫn đánh giá cao Việt Nam bằng hành động.

Phải hướng về xuất khẩu

Nếu đã tiếp cận vấn đề từ đánh giá của bên ngoài, nhất là lợi thế cạnh tranh khi chúng ta gia nhập WTO, thì xuất khẩu vẫn phải là quốc sách.

Khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính, một số nhà xuất khẩu Việt Nam được khuyến khích quay về thị trường nội địa, nhưng ta nên biết rằng đó chỉ là “tránh bão”, là giải pháp tình tế.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ Việt Nam, cho hay, ông cũng hướng tới việc đa dạng khách hàng bằng cách tìm kiếm khách hàng ở Trung Quốc và những khu vực đang phát triển của Việt Nam như thành phố Đà Lạt, nơi các biệt thự mới được xây dựng không ngừng. Tuy nhiên, thị trường địa phương không thể thay thế được tiềm năng khổng lồ của nhà tiêu dùng toàn cầu.

“Thị trường địa phương vẫn rất nhỏ so với thị trường Mỹ và tổng thể xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng, mặc dù không nhiều như giai đoạn trước khủng hoảng”, Frederick R. Burke, luật sư điều hành Công ty Baker & McKenzie, nhà tư vấn xuất khẩu, nói./.

Nhà báo kinh tế Trần Ngọc Châu, Tiến sĩ báo chí Truyền thông, Nguyên Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hiện nay là Giám đốc Kênh truyền hình Kinh tế Tài chính FBNC.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Kinh tế 2010 đang trên đà phát triển


Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phát triển KT-XH năm 2011 với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7- 7,5%, là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Những phân tích từ góc độ thống kê dưới đây cho thấy rõ xu hướng chung của nền kinh tế là đang phát triển tích cực, làm căn cứ cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng nói trên.

Nếu năm 2009, tăng trưởng kinh tế rơi xuống đáy trong quý I, thoát đáy vượt dốc đi lên từ quý II thì năm nay kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi, tiến tới phát triển.

Trước hết, sự phục hồi biểu hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP năm 2010 có một số điểm đáng lưu ý: Một là tốc độ tăng của năm nay cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.Hai là tốc độ tăng có xu hướng cao lên qua các quý. Ba là, nếu ước quý IV và ước cả năm GDP đạt được như dưới đây thì tuy tốc độ tăng của năm 2010 còn thấp hơn tốc độ tăng của các năm từ 2000- 2007 (bình quân tăng 7,63%/năm, trong đó năm thấp nhất tăng 6,79%, năm cao nhất tăng 8,46%), nhưng đã cao hơn tốc độ tăng của năm 2009 (5,32%) và năm 2008 (6,31%), cho thấy xu hướng phục hồi đã thể hiện rõ.

Cuối cùng, đây là tín hiệu khả quan để chúng ta quyết định mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong  2011 và trong thời kỳ 2011- 2015.

Tốc độ tăng GDP năm 2009 và 2010:

Năm căn cứ để tin

Sự phục hồi thể hiện tương đối nhanh và rõ rệt đối với sản xuất công nghiệp. Mạch tăng giá trị sản xuất công nghiệp 2 chữ số trong 18 năm liền (từ 1991- 2008) nhưng đã bị ngắt quãng, rơi xuống đáy sâu nhất vào quý I/2009, sau đó thoát đáy vượt dốc đi lên từ quý II, tăng trưởng cao lên nhanh hơn qua các tháng, từ tháng 8/2009, mức tăng 2 chữ số đã trở lại, được giữ vững và liên tục đạt được cho đến nay.

10 tháng năm 2010 so với cùng kỳ năm 2009 và khả năng cả năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp sẽ tăng 13,7%, tuy còn thấp hơn tốc độ tăng trong các năm từ 2000 – 2008, nhưng đã cao gấp 1,8 lần tốc độ tăng của năm 2009. Điều đó cho thấy công nghiệp là lĩnh vực đang phục hồi nhanh nhất.

FDI thực hiện 10 tháng ước đạt 9 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2009; khả năng cả năm có thể đạt khoảng 11 tỷ USD, mức cao thứ 2 từ trước tới nay, chỉ sau kỷ lục 11,5 tỷ USD của năm 2008, cao hơn mức 10 tỷ USD của năm 2009 và cao hơn nhiều so với các năm từ 2007 trở về trước.

Tiêu thụ trong nước mà biểu hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là TMBL) đạt kết quả khá. 10 tháng đạt 1.282 nghìn tỷ đồng; khả năng cả năm có thể đạt trên 1.510 nghìn tỷ đồng, tương đương 78 tỷ USD (năm 2005 đạt 30,3 tỷ USD, năm 2009 đạt 67 tỷ USD). So với cùng kỳ năm trước, TMBL tăng 25,1%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân thì tăng 15%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng (10,1%) của cùng kỳ năm trước và cao gấp đôi tốc độ tăng GDP. Như vậy, TMBL đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.

Xuất khẩu 10 tháng ước đạt 57,8 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng đạt được ở cả 2 khu vực, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn hơn (31 tỷ USD so với 26,8 tỷ USD), có tốc độ tăng cao hơn (25,8% so với 20,4%). Tăng trưởng đạt được cao hơn ở nhóm hàng công nghiệp chế biến (33,9%), tiếp đến là nông, lâm, thủy sản (18%); tăng cao hơn về giá và tăng về lượng đối với một số mặt hàng; ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu.

Mới qua 10 tháng đã có 14 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 3 mặt hàng so với cùng kỳ. Tăng trưởng đạt được ở nhiều thị trường, trong đó có các thị trường lớn tăng khá như Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu 2 tháng còn lại đạt được mức như tháng 10, thì tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt trên 70 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2009, cao gần gấp 4 lần tốc độ tăng theo mục tiêu (6%) đề ra.

Nhờ tốc độ tăng của xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu (10 tháng là 23,3% so với 20,7%), nên tỷ lệ nhập siêu đã thấp hơn cùng cùng kỳ năm trước (16,4% so với 19%); khả năng cả năm nay sẽ thấp hơn năm trước cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu.

Cuối cùng, một biểu hiện phục hồi khá rõ là khách quốc tế đến Việt Nam cả về lượng khách, cả về tốc độ tăng (10 tháng đạt 4,172 triệu lượt người và tăng 39%); khả năng cả năm có thể lần đầu tiên vượt qua mốc 5 triệu lượt người, vượt xa so với đỉnh điểm trước đây. Cùng với sự tăng lên của lượng khách là khả năng cao hơn về lượng ngoại tệ thu được (khả năng có thể vượt 4,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi năm 2009).

Hoạt động xuất khẩu là một trong những điểm sáng của nền kinh tế nước ta 10 tháng đầu năm nay

Những thách thức tiềm ẩn

Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ chưa bền vững. Nói như vậy xuất phát từ hai mặt, một mặt là những hạn chế, bất cập hiện có của nội tại nền kinh tế đất nước; mặt khác là những khó khăn thách thức đang tiểm ẩn ở phía trước. Các hạn chế bất cập và khó khăn thách thức sau đây cần được quan tâm.

Sau 10 tháng (tức là tháng 10/2010 so với tháng 12/2009), CPI đã tăng 7,58%, gần bằng với mục tiêu điều chỉnh của cả năm. Nếu 2 tháng cuối năm nay tăng 0,39%, thì cả năm sẽ vượt qua mốc 8%; nếu tăng bằng với 2 tháng cuối năm 2009 (tháng 11 tăng 0,55%, tháng 12 tăng 1,38%) thì cả năm sẽ tăng 9,66%; nếu tăng bằng với mức 2 tháng qua thì vượt qua một chữ số.

Nếu tính bình quân 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước (mặt bằng giá), thì CPI đã tăng 8,75%. Vì vậy, kiềm chế lạm phát trở thành vấn đề nóng nhất hiện nay, đặc biệt trong những tháng tới nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tăng lên.

Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt, như không tăng tỷ giá (để tránh nhập khẩu lạm phát làm khuyếch đại lạm phát ở trong nước); cho nhập khẩu vàng để giá vàng trong nước không cao hơn giá vàng thế giới và giảm thiểu tâm lý, kỳ vọng lạm phát; tăng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9%; tạm dừng chủ trương hạ lãi suất đầu vào, đầu ra mà để cho thị trường điều chỉnh nhằm hạn chế tiền từ ngân hàng ra lưu thông, hút tiền từ lưu thông vào ngân hàng; tăng quỹ bình ổn giá,…

Nhập siêu 10 tháng ở mức 9,05 tỷ USD, khả năng cả năm có thể ở mức thấp hơn năm trước (gần 12,9 tỷ USD) và thấp hơn mức kế hoạch của năm nay, nhưng đây là năm thứ 4 liên tục, mức nhập siêu (tính bằng tỷ USD) đã ở mức hai chữ số. Nhập siêu chủ yếu ở các thị trường không phải là công nghệ nguồn. Nguyên nhân nhập siêu chủ yếu do cơ cấu sản xuất, cơ cấu xuất khẩu còn mang nặng tính gia công, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển; do hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; trong một bộ phận dân cư có tâm lý chuộng hàng ngoại,…

Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh diễn ra phức tạp, khó lường, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản; việc khắc phục phải mất nhiều chi phí, công sức, thời gian,…

Mặc dù còn phải khắc phục những hạn chế, bất cập và còn phải vượt qua khó khăn, thách thức, nhưng xu hướng chung của nền kinh tế nước ta vẫn là đang trên đà phục hồi, là tín hiệu khả quan để thực hiện mục tiêu cao hơn trong thời gian tới.

Ngọc Minh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

XNLD Dầu khí Vietsovpetro phát hiện dòng dầu mới


Ngày 11/11/2010, trong khi thử vỉa tại giếng khoan thăm dò R-32 ngoài khơi tại khu vực Đông Bắc mỏ Rồng thuộc Lô 09-1 thuộc bồn trũng Cửu Long, XNLD Dầu khí Vietsovpetro đã nhận được dòng dầu tự phun với lưu lượng trung bình 500m3/ngày đêm.



Đây là một trong những khu vực triển vọng được Xí nghiệp xác định là trọng tâm tìm kiếm thăm dò để ổn định và gia tăng sản lượng khai thác dầu khí trong những năm tới.

Dự kiến năm 2011, XNLD Dầu khí Vietsovpetro sẽ đầu tư xây dựng giàn nhẹ RC-7 để khai thác dầu tại giếng R-32 và tiếp tục tiến hành khoan một số giếng mới để thăm dò, thẩm lượng và gia tăng sản lượng khai thác dầu tại các khu vực triển vọng ở Lô 09-1.

Thế Kim


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Dầu khí Đông Nam Á vươn ra biển lớn như thế nào?


Khu vực Đông Nam Á có tiềm năng dầu khí lớn của thế giới. Trữ lượng dầu lớn đang nằm ở ngoài khơi các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam…



Indonesia – từng là thành viên duy nhất ở Đông Nam Á trong khối OPEC

Petronas (Malaysia) không có tiềm lực tài chính lớn nhưng cũng đã tiến ra nước ngoài rất mạnh mẽ với mục tiêu chủ yếu là lợi nhuận dựa vào ưu thế kinh nghiệm kỹ thuật và lợi thế của một quốc gia Hồi giáo trong quan hệ với các nước Hồi giáo đang nắm giữ phần lớn nhất trong tổng trữ lượng dầu khí còn lại của thế giới.

Gần đây Petronas đã có những thành công ngoạn mục  trong các cuộc đấu thầu quốc tế giành quyền thăm dò- khai thác dầu khí ở Trung Đông, ở Phi Châu và nhiều nơi khác mà kinh nghiệm của họ là những bài học rất bổ ích đối với chúng ta.

Công ty dầu khí quốc gia Indonesia cũng là một công ty có tiềm lực rất mạnh nhưng vì trữ lượng trong nước tương đối lớn nên họ chủ trương tự đầu tư hoặc tham gia đầu tư với các công ty dầu khí nước ngoài vào các đề án tìm kiếm –thăm dò-khai thác trong nước là chính, còn đầu tư ra nước ngoài rất là thận trọng và hạn chế.

Trong câu chuyện giữa những người đồng nghiệp, các bạn Indonesia nói rằng không việc gì phải bỏ những địa bàn trong nước, nơi mà mình biết rất rõ những thách thức và thuận lợi để đi vào những nơi có những rủi ro lớn đang chờ đợi mình.Có lẽ các bạn ấy là những người ít thích mạo hiểm, phiêu lưu.

Trước khi đầu tư ra nước ngoài các công ty dầu phải xác định rõ mục tiêu, đối tượng mà mình nhắm tới sao cho tương thích với tầm vóc của mình. Sau đó, điều tối quan trọng là phải hiểu biết về địa chất khu vực một cách tương đối đầy đủ  để từ đó chọn địa bàn  hoạt động sao cho ít rủi ro nhất.

Công việc này thường do các viện dầu khí và các trường đại học tiến hành, các công ty dầu tiếp tục nghiên cứu tỉ mỉ  những lô, những mỏ, những tầng chứa…mà họ dự định tham gia đấu thầu để cùng với những kết quả nghiên cứu về luật pháp, về môi trường đầu tư nói chung, nhất là những rủi ro để  làm cơ sở cho những quyết định lựa chọn đề án, quyết định đầu tư.

Khi không có đủ điều kiện để tiến hành các công việc nói trên thì các công ty dầu chọn phương án tham gia vào các đề án đã có chủ là những công ty có tiềm lực  và uy tín lớn.

Nói chung , các công ty lần đầu đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm- thăm dò khai thác dầu khí thường chọn phương án giảm thiểu rủi ro bằng con đường liên doanh, liên danh, liên kết với các công ty khác hoặc mua các mỏ đang khai thác.

Rủi ro khó đánh giá nhất là rủi ro địa chất, rủi ro an ninh, chính trị và rủi ro thị trường nên các công ty thường rất thận trọng, không phiêu lưu trong quyết định của mình. Đối với một đơn vị sản xuất- kinh doanh thì tiêu chí quan trọng nhất là đầu tư phải có lãi.

Cuối cùng để đánh giá hoạt động  đầu tư trong lĩnh vực thượng nguồn  người ta dùng 3 chỉ tiêu sau đây để xem xét:

-Khả năng vất thể hóa kết quả đầu tư. Chỉ tiêu này được phản ảnh qua số lượng phát hiện dầu khí thương mại , cụ thể là số mỏ,  số trữ lượng  tại chỗ, trữ lượng thu hồi gia tăng trong mỗi năm.

-Hiệu quả vốn đầu tư, thể hiện qua chi phí phát hiện và chi phí khai thác-vận chuyển trên mỗi thùng dầu trữ lượng thu hồi.

-Tốc độ đưa phát hiện vào khai thác.Thông thường một công ty dầu được đánh giá là giỏi  khi thời gian từ khi phát hiện mỏ thương mại đến khi khai thác dòng dầu đầu tiên nằm trong khoảng từ 2 đến 3 năm.



Còn tiếp…

TS. Trần Ngọc Toản (Nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng liên kết với Nam Úc triển khai dự án đào tạo nghề


Ngày 15/11, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh chủ trì buổi tiếp đoàn công tác của Bộ Việc làm, Đào tạo và Giáo dục sau Phổ thông bang Nam Úc do Bộ trưởng Jack Snelling dẫn dầu.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Jack Snelling cho biết bang Nam Úc đánh giá cao sự phát triển của Đà Nẵng, đặc biệt là ngành công nghiệp du lịch. Ông thông báo Viện Giáo dục và Đào tạo Nghề Nam Úc (Viện TAFE) vừa ký kết dự án hợp tác với Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng mở các chương trình đào tạo hệ cao đẳng theo tiêu chuẩn quốc tế các nghề quản trị khách sạn-nhà hàng, du lịch, công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh. Ông bày tỏ hy vọng sự hợp tác giữa hai trường sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho việc mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Nam Úc và Đà Nẵng.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ chuẩn bị cơ sở vật chất cho sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch và dịch vụ. Vì vậy, chương trình liên kết đào tạo của hai trường hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, qua đó không chỉ cung cấp nhân lực cho Đà Nẵng mà còn cho cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Chủ tịch đề nghị cần lưu ý đến công tác quảng bá chương trình đào tạo này và xác định chi phí đào tạo hợp lý để sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận chương trình. Ngoài ra, cần xác định một số ngành nghề cần thiết cho Đà Nẵng hiện nay như nghề hướng dẫn viên du lịch để ưu tiên triển khai đào tạo. Phía thành phố cam kết hỗ trợ hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để hai bên có thể sớm triển khai chương trình.

(Quỳnh Đan)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)