Khai trương đường bay Hongkong-Đà Nẵng


Tối 26-11, chuyến bay trực tiếp từ HongKong do Công ty Du lịch quốc tế Vietlink phối hợp với Vietnam Airlines chở 184 du khách quốc tế đáp xuống sân bay Đà Nẵng, chính thức khai trương đường bay trực tiếp Hongkong-Đà Nẵng.

Từ đây đến ngày 3-5-2011, sẽ có thêm 45 chuyến bay thuê bao trên hành trình tương tự cất cánh vào thứ ba và thứ sáu hằng tuần, bằng loại máy bay Airbus 321, với 184 ghế.

Tặng hoa cho khách tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: H.Vang

Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng cùng với Vietlink tổ chức tiếp đón, tặng hoa cho đoàn khách tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, nhằm khuyến khích các công ty du lịch khai thác đường bay trong thời gian đến, và tạo hình ảnh thân thiện, mến khách của thành phố.

Lấy Đà Nẵng làm trung tâm, một số người trong đoàn khách đi các tour du lịch đến các di sản miền Trung là thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An và cố đô Huế. Số còn lại sẽ lưu trú ở Đà Nẵng và tham gia các chương trình tự do như: mua sắm, chơi golf, tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm, bán đảo Sơn Trà và khu danh thắng Ngũ Hành Sơn trước khi lên đường về nước.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Hongkong, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng chi nhánh Vietnam Airlines tại Hongkong bày tỏ sự phấn khởi trước những phản hồi tích cực của thị trường vì hầu hết các chuyến bay từ nay cho đến hết tháng 2-2011 đều có hệ số sử dụng ghế rất cao.

Ông Tuấn hy vọng sự hợp tác với Vietlink sẽ là các tiền đề khả thi để Vietnam Airlines phát triển hơn nữa mạng thị trường đường bay của mình, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc đi lại giữa Hongkong và Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ông Võ Văn Đạt, Giám đốc Quản lý Công ty Lữ hành Quốc tế Vietlink (Hongkong), cho biết ngày càng có nhiều người Hongkong cũng như từ miền Nam Trung Quốc đại lục và du khách quốc tế tới Hongkong mong muốn đến Việt Nam, khám phá thành phố tuyệt đẹp bên sông, bên biển Đà Nẵng, nơi có đèo Hải Vân cheo leo, hiểm trở, được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan,” có bán đảo Sơn Trà là điểm hẹn lý tưởng cho du khách, có Ngũ Hành Sơn huyền thoại là “Nam Thiên danh thắng”…

HẰNG VANG – TTXVN


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh: tiếp xúc cử tri


Sáng ngày 28-11, Chủ tịch HĐND thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và đại biểu HĐND thành phố Trần Huy Đức có buổi tiếp xúc cử tri hai phường: Hòa Cường Bắc và Hòa Cường Nam để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố khóa VII.

Cử tri đã nghe đại biểu Trần Huy Đức báo cáo tóm tắt kết quả phát triển kinh tế-xã hội thành phố năm 2010, kết quả giám sát của HĐND thành phố, trả lời của UBND thành phố đối với ý kiến cử tri của 2 phường.

Phần lớn các ý kiến cử tri đề nghị thành phố có biện pháp quản lý các khu đất trống trên các tuyến đường 2-9, đường 30-4 và nhiều tuyến đường khác trong các khu tái định cư đã bỏ trống nhiều năm. Những khu đất trống này trở thành nơi chứa rác gây ô nhiễm môi trường, là nơi các con nghiện tụ tập để hút chích ma túy. Hiện nay nhiều tổ dân phố của hai phường thiếu nơi sinh hoạt tổ. Khu tái định cư Bình An có 150 hộ dân mà chỉ bố trí có 3 thùng rác là không đủ, rác tràn ra ngoài bốc mùi hôi.

Một số khu dân cư chưa hoàn thiện hệ thống thoát nước gây ngập vào mùa mưa và ô nhiễm môi trường. Việc chuyển đổi ngành nghề cho hộ dân mất đất sản xuất do giải tỏa còn chậm. Hiện nhiều hộ dân tận dụng các khu đất bỏ trống chưa xây dựng trồng hoa nhưng xin bắc điện để bơm nước tưới không được. Cử tri đề nghị thành phố có ý kiến với Điện lực Đà Nẵng tạo điều kiện cho dân được bắc điện. Đề nghị thành phố hỗ trợ cho 40 hộ ngư dân của 2 phường cải hoán nâng công suất các tàu thuyền dưới 30CV để tạo công ăn việc làm.

Sau khi thành phố xây dựng cầu Hòa Xuân, hiện có một số hộ trước đây làm nghề đưa đò nay gặp khó khăn về việc làm. Đề nghị thành phố quan tâm có chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Cử tri đề nghị thành phố tạo điều kiện cho 25 hộ dân của tổ 29 phường Hòa Cường Bắc được lắp đặt và sử dụng nước sạch. Hiện các hộ này vẫn sử dụng nước giếng khoan không bảo đảm vệ sinh. Một số ý kiến cử tri cho rằng việc xử lý cán bộ sai phạm, tham nhũng còn nhẹ, cả nể, nặng về tình cảm.

Trước những vấn đề cử tri nêu ra, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh yêu cầu UBND thành phố kiểm tra xử lý ngay như: Tình trạng vỉa hè xuống cấp, thiếu thùng rác trong khu dân cư, tình trạng hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện; có quy định đối với chủ các lô đất chưa xây dựng phải dọn vệ sinh, rào chắn không để ô nhiễm môi trường; yêu cầu UBND quận Hải Châu khảo sát và có chính sách chuyển đổi ngành nghề cho các hộ hành nghề đưa đò qua sông Cẩm Lệ. Hiện nay, thành phố đang triển khai xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng cho các cụm tổ dân phố và sẽ tiếp tục xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn 2 phường.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Lộ tài liệu mật – Hillary lệnh theo dõi lãnh đạo LHQ


Theo tài liệu mật được Wikileaks tiết lộ, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lệnh cho các nhà ngoại giao Mỹ do thám các quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc, gồm cả đại diện Anh.

Tất cả đại diện của các nước thường trực Hội đồng Bảo an, gồm Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và cả Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon, là mục tiêu của một chiến dịch do thám bí mật. Theo đó, Hillary yêu cầu giới ngoại giao nước này thu thập dữ liệu ADN, gồm mống mắt, dấu vân tay cũng như thẻ tín dụng, số khách hàng bay thường xuyên của các lãnh đạo LHQ.

Thời khóa biểu làm việc, địa chỉ email, số fax, nhận dạng website và số điện thoại di động của được Washington thu thập. Mỹ còn muốn thông tin về tiểu sử và sinh trắc học của đại diện các nước thường trực HĐBA.

Đề nghị này có thể phá vỡ luật quốc tế và đe dọa làm trệch hướng lòng tin giữa Mỹ và các quốc gia hùng mạnh khác. Yêu cầu liên quan tới thông tin như chi tiết mật khẩu, mã khóa cá nhân và nâng cấp mạng lưới cũng làm dấy lên nghi ngờ rằng Mỹ đang chuẩn bị một chiến dịch tấn công mạng.

Những tiết lộ trên có thể dẫn tới việc quốc tế kêu gọi Ngoại trưởng Hillary từ chức. Các hiệp ước quốc tế cấm các hoạt động do thám tại Liên Hợp Quốc.

Hillary lệnh cho giới ngoại giao Mỹ thu thập thông tin về sinh trắc học của các quan chức LHQ chủ chốt gồm phó Tổng thư ký, người đứng đầu các cơ quan, cố vấn, những trợ lý tổng thư ký hàng đầu, lãnh đạo các chiến dịch hòa bình và phái bộ chính trị.

Ngoại trưởng Mỹ còn muốn thu thập tin tình báo về phong cách quản lý, ban quyết định cũng như ảnh hưởng của Tổng thư ký LHQ với bộ máy điều hành LHQ.

Chi tiết chiến dịch do thám của Mỹ được gửi tới CIA, mật vụ Mỹ và FBI dưới nhan đề “thu thập thông tin và làm nhiệm vụ”.

Hoài Linh (Theo Mail)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Vì sao đụng độ liên Triều thường xảy ra trên biển


Đường phân định trên biển giữa hai miền Triều Tiên được Seoul công nhận từ sau cuộc chiến 1950-1953, nhưng Bình Nhưỡng kiên quyết bác bỏ. Đó là nguyên nhân khiến đây thường là nơi xuất phát của các vụ căng thẳng.

Đường giới hạn phía bắc (Northern Limit Line – NLL) được sở chỉ huy quân Liên Hợp Quốc đơn phương vạch ra vào cuối cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, như là giới hạn để các tàu của Hàn Quốc không vượt qua. Ngày nay nó được Hàn Quốc và các đồng minh như Mỹ coi là ranh giới trên biển giữa hai miền. Nhưng phía Triều Tiên phản đối ranh giới này và họ vạch ra một biên giới lãnh hải riêng.

Đường NLL (màu vàng đứt đoạn) nơi thường xảy ra căng thẳng giữa hai miền, với 5 hòn đảo nhỏ của Hàn Quốc. Ảnh:Stratford

Di sản chiến tranh

Việc vạch ra đường NLL với đường cong hướng lên phía bắc bán đảo Triều Tiên so với đường biên giới trên bộ đã giúp Hàn Quốc nắm trong tay 5 đảo nhỏ ngay sát bờ biển Triều Tiên, bao gồm Baegnyeong, Daecheong, Socheong, Woo và đảo Yeonpyeong mới bị pháo kích. Trong khi đó Bình Nhưỡng đã phải chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát những hòn đảo ngay gần lãnh thổ này trong chiến tranh. Nguyên nhân là do quân đội Triều Tiên và đồng minh Trung Quốc khi đó rất mạnh trên bộ, nhưng lại không có lực lượng hải quân có thể so sánh được với lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu.

Ngày nay những hòn đảo nói trên có ý nghĩa chiến lược đối với Hàn Quốc, dù rằng các tàu tiếp tế cho chúng nằm trọn trong “vùng phủ sóng” của các khẩu đội pháo bên bờ biển cùng tên lửa chống hạm và tàu tuần tra của Triều Tiên. Những hòn đảo nhỏ này rất yếu về phòng thủ nhưng lại cho phép Hàn Quốc có những “đài quan sát” không thể thuận lợi hơn để do thám vùng bờ biển của Triều Tiên. Trong chiến tranh, những hòn đảo này cũng thường là nơi xuất phát cho các chiến dịch biệt kích của quân đội miền nam.

Hiện trên các đảo nhỏ, bao gồm Yeonpyeong, có dân thường sinh sống và chủ yếu sinh nhai bằng nghề đánh bắt hải sản. Họ được bảo vệ bởi lực lượng lính thuỷ đánh bộ Hàn Quốc, lực lượng tinh nhuệ bậc nhất trong quân đội miền nam. Theo giới phân tích quân sự, với sự triển khai của đội quân này, Hàn Quốc hoàn toàn có thể biến các đảo nói trên thành nơi phát động cho những cuộc đổ bộ Triều Tiên nếu Seoul quyết định tấn công.

Tàu đánh cá của ngư dân Hàn Quốc trên đảo Baegnyeong, nơi chiến hạm Cheonan bị chìm tháng 3 vừa qua. Ảnh: Life

Mặt trận mới nhất

Trong giai đoạn từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ trước, các vụ đụng độ giữa hai miền Triều Tiên thường xảy ra dọc đường biên giới trên bộ, khu phi quân sự cùng các vụ do lực lượng biệt kích và tình báo thực hiện bên ngoài bán đảo, như vụ đánh bom nhằm vào nội các Hàn Quốc ở Rangoon (Myanmar) năm 1983 và vụ tấn công một máy bay chở khách của Hàn Quốc năm 1987.

Từ năm 1999, chiến lược của Bình Nhưỡng đã có sự thay đổi với việc tập trung vào đường ranh giới NLL tranh cãi, khi xảy ra vụ đụng độ đẫm máu giữa tàu chiến hai bên trong khu vực. Năm 2002, trong một hành động được cho là có tính toán của Triều Tiên vào đúng thời điểm diễn ra trận đấu cuối cùng của đội bóng Hàn Quốc trên sân nhà World Cup năm đó, đã xảy ra một vụ chạm trán đổ máu khác giữa hải quân hai bên dọc đường NLL. Sau đó còn xảy ra các vụ giao tranh tương tự có thương vong vào các năm 2004 và 2009.

Tuy nhiên, những vụ căng thẳng nghiêm trọng nhất trên biển mới chỉ xảy ra trong năm nay, với việc Triều Tiên hai lần triển khai hệ thống vũ khí chưa từng được sử dụng kể từ cuộc chiến tranh 1950-1953 là ngư lôi và pháo. Tháng 3 vừa qua, chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm ngoài khơi đảo Baegnyeong, một trong năm hòn đảo của nước này nằm sát Triều Tiên, khiến 46 thuỷ thủ thiệt mạng. Cuộc điều tra quốc tế do Seoul chủ trì phát hiện một ngư lôi mang dấu hiệu của Triều Tiên đã tấn công tàu chiến này, nhưng Bình Nhưỡng phủ nhận trách nhiệm.

Tới thứ ba tuần trước, căng thẳng xung quanh đường ranh giới NLL gây tranh cãi đã được đẩy lên mức độ nghiêm trọng mới, khi Triều Tiên sử dụng trận địa pháo bên bờ biển tấn công một căn cứ lính thuỷ đánh bộ của Hàn Quốc trên đảo Yeonpyeong, đồng thời phá huỷ nhiều ngôi nhà của thường dân nằm gần đó. Bình Nhưỡng giải thích rằng họ chỉ pháo kích đáp trả sau khi lính thủy đánh bộ Hàn Quốc trên đảo nổ súng trước, bất chấp việc miền bắc phản đối qua điện thoại.

Hàn Quốc thừa nhận họ đang tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật vào thời điểm trên, nhưng khẳng định họ chỉ bắn ra biển ở phía nam và phía tây hòn đảo, chứ không hướng ra phía bắc là phần đất liền của Triều Tiên. Nhưng kể cả các vùng biển mà Hàn Quốc mô tả là nơi diễn tập bắn đạn thật cũng nằm trong vùng lãnh hải mà Triều Tiên tuyên bố chủ quyền theo đường ranh giới do nước này vạch ra, khác hoàn toàn so với đường NLL do Liên Hợp Quốc thực hiện năm xưa.

Tuy vậy hiện vẫn chưa rõ tại sao Triều Tiên trong thời gian gần đây lại chọn cách tập trung vào khu vực xung quanh đường NLL trên biển để “khuấy động”. Một trong những nguyên nhân có thể là những gì đang chứa đựng bên dưới mặt nước. Khu vực quanh NLL là ngư trường có rất nhiều cua, nơi mà các tàu của Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc đều muốn được tới đánh bắt. Với lệnh trừng phạt mà Triều Tiên đang đối mặt thì xuất khẩu hải sản là nguồn ít ỏi để nước này có thể thu được ngoại tệ.

Trong khi đó, sau vụ nã pháo hôm thứ ba tuần trước, nhiều dân thường trên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc cho biết họ sẽ không quay lại nơi này. Giới phân tích nhận định đây có thể là một mục tiêu của Triều Tiên khi muốn làm giảm số thường dân sinh sống trên các đảo của miền nam.

Các chiến hạm Hàn Quốc tuần tra ngoài khơi đảo Yeonpyeong. Ảnh: AP

Đảo Yeonpyeong: Dân di tản, binh sĩ đổ bộ

Người dân trên đảo Yeonpyeong lũ lượt di tản về đất liền sau vụ nã pháo của Triều Tiên để lại những ngôi nhà bị đánh tan hoang, trong khi binh sĩ được tăng cường để tiếp quản. Đứng từ đảo Yeonpyeong có thể nhìn thấy bờ biển của Triều Tiên nằm cách đó hơn 10 km. Còn khi tới hòn đảo trong những ngày này có thể nhận thấy sự triển khai các loại vũ khí dày đặc trên những sườn núi.

Hoạt động quân sự có thể thấy khắp mọi nơi khi Hàn Quốc đang tập trung quân đội trên đảo ra phía bờ biển kể từ sau khi bị Triều Tiên nã pháo. Phía bên ngoài đảo là hàng dài những chiến hạm Hàn Quốc đang neo đậu. Trực thăng cũng liên tục vần vũ phía trên đảo Yeonpyeong, trong khi các binh sĩ bộ binh mang ngụy trang di chuyển trên những chiếc xe tải chuyên dụng cùng vũ khí.

Theo mô tả của BBC, trái ngược với cảnh hối hả của quân đội, những sinh hoạt thường nhật trên đảo Yeonpyeong của người dân vốn sống khá đông đúc tại đây lại đìu hiu đến hoang tàn. Chỉ còn rất ít người dân trụ lại sau biến cố thứ ba tuần trước, còn hầu hết đã di tản về đất liền lánh nạn. Bãi đỗ xe bên cầu cảng đang đỗ kín những chiếc xe do mọi ngưởi để lại trước khi lên tàu về đất liền.

Khi bước vào khu dân cư, đập vào mắt là cảnh đổ nát sau vụ pháo kích của miền bắc. Những ngôi nhà sập hoàn toàn nằm lẫn với những công trình xây dựng khác chỉ bị vỡ kính. Những mảnh đạn găm chi chít trên tường một ngôi nhà dùng làm văn phòng trên đảo Yeonpyeong. Nói cách khác, cuộc sống trên đảo nay đã hoàn toàn thay đổi kể từ vụ pháo kích bất ngờ của miền bắc và nơi này đang được quân sự hoá một cách nhanh chóng.

Đình Nguyễn


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Miền Trung báo động nguy cơ dầu loang trên biển


Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang chuẩn bị các phương án ứng phó sự cố tràn dầu, do tàu chở dầu Jian Mao 9 (Trung Quốc) bị chìm vào đầu tháng 11 trên vùng biển cách đảo Lý Sơn 72 hải lý về hướng đông bắc.

Ông Lê Mỹ Liên, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Ngãi cho biết, tỉnh vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình, khẩn trương lên phương án sẵn sàng ứng phó nếu tàu Jian Mao 9 xảy ra sự cố tràn dầu loang vào vùng biển của tỉnh.

“Chúng tôi sẽ phối hợp Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung xử lý ngay nếu dầu loang trên vùng biển Quảng Ngãi”, ông Liên nói.

Ngày 24/11, UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung và các cơ quan liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó nếu tràn dầu từ tàu Jian Mao 9.

Các chuyên gia, kỹ sư của Công ty TNHH lọc – hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) đang thực hiện thao tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu tại nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Trí Tín

Tương tự, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo các huyện ven biển theo dõi chặt chẽ sự cố tràn dầu từ chiếc tàu chìm, chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị sẵn sàng tham gia xử lý khi có yêu cầu.

Theo thông báo khẩn cấp của Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, ngày 9/11, tàu Jian Mao 9 trên đường từ Malaysia đến Trung Quốc thì bị chìm cách huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 72 hải lý. Trên tàu còn 80 tấn dầu FO, 20 tấn dầu DO, 200 lít dầu LO. Nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu trên vùng biển miền Trung rất lớn.

Hiện các biện pháp khắc phục sự cố tràn dầu được áp dụng gồm cơ học, sinh học và hoá học. Biện pháp cơ học được sử dụng nhiều là quây gom, dồn dầu vào một vị trí nhất định để tránh dầu lan trên diện rộng. Sau đó dùng máy hớt váng dầu lên kho chứa. Ưu điểm của biện pháp này là ngăn chặn, khống chế và thu gom nhanh chóng lượng dầu tràn ra biển.

Trí Tín


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Campuchia tổ chức Quốc tang nạn nhân thảm họa


Sáng 25-11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chủ trì lễ Quốc tang tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp hoảng loạn trên cầu dẫn vào đảo Kim Cương ở thủ đô Phnom Penh.

Theo THX, toàn thể các thành viên Nội các, Quốc hội và các nghị sĩ Campuchia đã có mặt để dâng hương cầu nguyện cho các nạn nhân. Thủ tướng Hun Sen và phu nhân đã khóc trong lễ tang.

Kep Chuk Tema, Thủ hiến thủ đô Phnom Penh và các giới chức, các đoàn đại biểu của các cơ quan, ban ngành cùng hàng ngàn người dân tự nguyện có mặt để chia buồn với thảm kịch mà Thủ tướng Hun Sen cho là lớn nhất kể từ khi chế độ Khme Đỏ sụp đổ.

Tất cả các trường học, các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp trên toàn quốc treo cờ rủ và tất cả các nơi vui chơi giải trí phải đóng cửa đến tận nửa đêm.

Ngày 23-11, ngày cuối cùng của Lễ hội Nước Campuchia đã chứng kiến một cuộc giẫm đạp trên cây cầu nối liền thành phố Phnom Penh với đảo Kim cương làm chết ít nhất 456 người và bị thương hơn 700 người.

Theo kết quả điều tra ban đầu, nguyên nhân gây ra thảm họa là do cây cầu dây văng lắc lư đã làm nhiều người hoảng loạn và chen lấn, xô đẩy nhau.

Thủ tướng Hun Sen và phu nhân khóc trong lễ tang (Ảnh: Getty, Reuters)



Nỗi đau của Phaty Smunang (thứ hai từ trái), người đã mất  đứa con gái 15 tuổi trong thảm họa (Ảnh: Getty)

Nước mắt rơi đầy cuả một nữ sinh Campuchia tại lễ tang (Ảnh: AP)

Nỗi đau tột cùng của Sum Sopheap, người đã bị mất con trai trong thảm họa (Ảnh: Getty)

Ngeth Svey Kheng, 18 tuổi, người mất chị gái 19 tuổi trong thảm họa (Ảnh: Getty)

Hàng nghìn người xếp hàng chờ dân hương và cầu nguyện cho các nạn nhân (Ảnh: Getty)

Du khách nước ngoài tại lễ tang (Ảnh: Getty)

Hương, đèn và hoa quả bên cây cầu Kim Cương, nơi xảy ra thảm họa kinh hoàng ở Campuchia

(Ảnh: Getty)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Phim 3D đã đến Đà Nẵng


Buối công chiếu lần đầu tiên siêu phẩm Avatar 3D của đạo diễn nổi tiếng Jame Camaron diễn ra rối 24-11,tại cụm rạp MegaStar Đà Nẵng. Như vậy, Đà Nẵng trở thành thành phố thứ năm trong cả nước phủ sóng phim 3D, một trong những công nghệ làm phim hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay.

Khán giả Đà Nẵng xem phim 3D (Ảnh K.Hòa)

Cách đây gần 1 năm, siêu phẩm Avatar đã “càn quét” tất cả các rạp chiếu phim trên toàn thế giới. Với công nghệ 3D,Avatar đã thực sự đem đến cho khán giả xem phim cảm giác sống động như đang sống cùng các nhận vật: thót tim trước những màn nhào lộn của Jake Sully và nàng Nytiry xinh đẹp, mê mẫn trước những sinh vật tự phát sáng, những dãy núi bay kỳ lạ…

Với Avatar 3D, khán giả thật sự cảm nhận được hết vẻ đẹp hoang dã, kỳ vĩ nhưng không kém phần lung linh huyền hảo của hành tinh Pandora, được cùng bộ tộc Na’vi hiểu và thấm thía bài học về bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong buổi công chiếu đầu tiên này, gần 200 khán giả đã ngồi chật cứng phòng chiếu số 6 – phòng chiếu 3D của rạp Megastar Đà Nẵng. Suốt buổi chiếu phim, nhiều tiếng xuýt xoa đã vang lên. Khán giả Đinh Thu Hương (Thanh Khê) không giấu được sự hồ hởi, nói: “Mình đã xem Avatar vào năm ngoái rồi. Nhưng với bản 3D lần này, mình thực sự bị choáng ngợp vì có cảm giác như đang sống ở hành tinh Pandora vậy. Thật tuyệt vời, Đà Nẵng đã có 3D”.

Xem Avatar 3D tạo cho khán giả cảm giác sống động như đang sống cùng các nhận vật

Anh Vương Thanh Phong, Giám đốc cụm rạp MegaStar tại Đà Nẵng cho biết, MegaStar Đà Nẵng đã bỏ ra 8 tỷ đồng nâng cấp và hình thành phòng chiếu 3D được trang bị công nghệ Dolby 3D Digital Cinema – một trong những công nghệ tiên tiến bậc nhất trong kỹ thuật chiếu phim 3D hiện nay trên thế giới. Phòng chiếu này sẽ phục vụ cho 187 khách xem phim/ lượt. Đến năm 2011, sẽ tiếp tục đầu tư 15 tỷ đồng để xây dựng phòng chiếu 3D mới hoàn toàn.

Tùy theo suất chiếu, giá vé dao động từ 60.000 – 140.000 đồng. Anh Phong cho biết thêm, sau siêu phẩm Avatar 3D, cụm rạp sẽ tiếp tục đưa hàng loạt các bộ phim khác được chiếu bằng kỹ thuật 3D như: Alice in Wonderland, Despicable Me, How to Train Your Dragon, Shrek Forever After, Megamind – 3D…

Khánh Hòa


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)