Khai trương Sàn giao dịch thị trường công nghệ thành phố Đà Nẵng


Sáng 24-12, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Doanh nhân Trẻ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công ty Cổ phần VNet khai trương “Sàn giao dịch Thị trường công nghệ thành phố Đà Nẵng” với tên miền www.techmartdanang.vn.

Đại diện các đơn vị ký kết hợp tác nhằm tăng cường chất lượng sàn giao dịch

Sàn giao dịch hoạt động sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong quá trình giao dịch, chuyển giao công nghệ, nhất là thúc đẩy quá trình thương mại hóa các sản phẩm khoa học giữa các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học và các doanh nghiệp.

Thông qua việc chia sẻ dữ liệu sẵn có của Vnet E-Market và của các địa phương khác, giúp cho các doanh nghiệp tại thành phố Đà Nẵng có khả năng tiếp cận, giao thương với các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế.

Đồng thời, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ thiết thực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi thị trường công nghệ của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền thành phố.

Tin và ảnh: Đắc Mạnh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Khai mạc Đại hội TDTT toàn quốc: Khát vọng tỏa sáng trên SVĐ Chi Lăng


Lễ khai mạc Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI hoành tráng, ấn tượng, rực rỡ sắc màu đã diễn ra tối 25-12 tại sân vận động Chi Lăng, thành phố Đà Nẵng.

Tham dự lễ khai mạc có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

Toàn cảnh lễ khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Đại hội TDTT lần VI là sự kiện thể thao quốc gia được tổ chức 4 năm một lần để đánh giá kết quả phát triển TDTT giai đoạn 2006-2010, cuộc vận động “toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đồng thời, đây cũng là dịp so tài, phát hiện tài năng trẻ, tuyển chọn các VĐV xuất sắc tham dự các giải thể thao khu vực và quốc tế; thiết thực góp phần nâng cao sức khỏe toàn dân vì mục tiêu “dân cường nước thịnh”, “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Với chủ đề “Khát vọng và Tỏa sáng”, sau phần biểu diễn dù bay do 6 phi công của Quân chủng Phòng không – không quân thực hiện là phần biểu diễn mở đầu của 900 diễn viên múa dải lụa đủ màu sắc theo nhạc với ca khúc “Chuyện tình Tiên Sa” của nhạc sĩ Phan Ngọc. Tiếp đó là lễ diễu hành với thời gian 60 phút với các nghi thức rước Cờ Tổ quốc, kiệu ảnh Bác Hồ, cờ đại hội, lễ rước cờ hồng và cờ hòa bình do 240 sinh viên của trường Đại học TDTT Đà Nẵng thực hiện và lễ diễu hành của 67 đoàn tham dự Đại hội.

Ngay sau đó, ngọn đuốc của Đại hội đã được 2 vận động viên (VĐV) xuất sắc của Việt Nam là Lê Bích Phương (VĐV Karatedo của Quân đội) và VĐV bơi lội Hoàng Quý Phước (của đoàn chủ nhà Đà Nẵng) thắp sáng. Trước đó, ngọn lửa được 6 đôi VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam lấy từ Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Quân khu V và được vòng quanh thành phố về sân vận động.

Ngoài các tiết mục biểu diễn văn nghệ, khán giả và những VĐV còn được thưởng thức bữa tiệc nghệ thuật của chương trình đồng diễn với chủ đề “Tỏa sáng” gồm 3 phần do 1.600 diễn viên, học sinh, sinh viên thực hiện.

Một số hình ảnh về lễ khai mạc:

Rước kiệu ảnh Bác Hồ
Hai VĐV Lê Bích Phương và Hoàng Quý Phước rước đuốc

Đài lửa bừng sáng
Đoàn chủ nhà Đà Nẵng diễu hành
Khát vọng
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc
Toàn cảnh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Căng xe, căng phòng, căng cả hướng dẫn


Những chuyến bay thuê bao trực tiếp từ Trung Quốc, Hong Kong theo dự kiến liên tục đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng từ tháng 12 năm nay đến tháng 5 năm sau khiến hệ thống dịch vụ không kịp đáp ứng. Nhiều nhà lữ hành cho biết, chưa bao giờ đối phó với lượng khách quốc tế lớn dồn vào cùng lúc như vậy.

Khu nghỉ mát quốc tế Silver Shores dự kiến chia sẻ khách cho các khách sạn lân cận khi nơi này không đáp ứng kịp lượng khách quá lớn.

Thiếu trầm trọng hướng dẫn viên (HDV) “tiếng hiếm”

Tiếng Trung Quốc được coi là tiếng hiếm, khi ông Tiêu Công Minh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch Đông Phương Quốc tế (ĐPQT), một trong số rất ít công ty khai thác luồng khách thuê bao này, thống kê, lượng HDV tiếng Trung mà Đà Nẵng hiện có chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ước tính sơ bộ của Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho thấy, với tổng lượng khách vào khoảng 1.500 người, thì chí ít phải cần tới 50 HDV. Gom hết HDV của cả ba địa phương Đà Nẵng-Huế-Hội An cũng chưa được 20 người. Trong khi ĐPQT kêu gọi HDV trụ cột của công ty từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội về, thì Vitours cũng tuyển chọn, sàng lọc và huấn luyện nhanh cho 10 người nói tốt tiếng Trung.

Tuy nhiên, do một số HDV này đã rút lại quyết định vì không muốn đi xa, vì thế, theo ông Minh, chi nhánh phải nhận sinh viên Đại học Ngoại ngữ mới tốt nghiệp, tổ chức thực tập nhanh, cho họ ghi âm lời giới thiệu của các HDV các điểm tham quan để về luyện cho thành thục. Đồng thời, mời các giáo viên chuyên dạy du lịch từ Trung Quốc sang đào tạo các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và nắm bắt nhu cầu của du khách cho các HDV mới này.

Vì các kế hoạch bay chính thức mới được đưa về từ giữa tháng 11, mà lịch bay lại quá sít sao nên các hãng lữ hành thật sự lúng túng. “Mặc dù được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng hứa sẽ hỗ trợ tích cực, nhưng trong tình huống xấu nhất là không chuẩn bị đủ lượng HDV, chúng tôi chưa tưởng tượng ra việc đón khách sẽ như thế nào”, ông Minh nửa đùa nửa thật.

Chia sẻ khách cho Lăng Cô, Hội An

Các hãng lữ hành chật vật tìm hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung, khi phải cần 5-6 HDV cho lượng khách từ 140 đến 180 người/chuyến.

Nhận xét “Đà Nẵng chỉ có khoảng 3-4 nhà xe có uy tín, mỗi hãng chỉ sở hữu khoảng 10 xe chia đều cho tất cả các thị trường khách”, ông Minh cho hay khá khó khăn để tìm đủ lượng xe chất lượng cao trong cùng một thời điểm. Ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vitours cho biết, phải “kéo” xe từ TP. Hồ Chí Minh về và đầu tư thêm một số chiếc mới.

Không chỉ vậy, Vitours còn cho nhân viên đi tìm phòng ở Lăng Cô, Hội An trước lượng khách quá lớn. Ông phân tích: “Tiêu chuẩn của khách Trung Quốc phải là khách sạn 5 sao có giá từ 80 USD trở xuống, trong khi đó, hầu hết các khách sạn 5 sao của Đà Nẵng đều không thể chấp nhận mức giá đó. Mà điều chuyển qua 4 sao thì đa số khách lại không chịu”.

Ngay cả Khu nghỉ mát Quốc tế Silver Shores, nơi chuyên đón khách bay thuê bao từ Hong Kong, Quảng Châu, Côn Minh, Thành Đô cũng dự trù chia sẻ khách với các khu nghỉ dưỡng cao cấp lân cận. “Để đáp ứng lượng khách cao trong những dịp này, chúng tôi đã ký các hợp đồng hợp tác đầu tiên để sang nhượng khách với Life Resort và Sandy Beach trong trường hợp không đáp ứng đủ số phòng”, ông Cyril Chan, Quản lý Silver Shores nói.

“Cuối cùng chúng tôi cũng lo xong, nhưng không đáp ứng được mỹ mãn yêu cầu của khách. Nếu họ không chịu thì đành buông thôi. Sức ép lên hệ thống quá lớn khi cùng một thời điểm mà khách vào quá dồn dập, gấp gáp”, ông Dũng kết luận.

Bài và ảnh: HẰNG VANG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Thành lập Trung tâm về các vấn đề WTO thành phố Đà Nẵng


UBND thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định thành lập Trung tâm về các vấn đề WTO thành phố Đà Nẵng trực thuộc Sở Công Thương. Trung tâm có tên giao dịch tiếng Anh là Center on WTO – related Issues of Da Nang City (CID), chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Công Thương, có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu và mở tài khoản để giao dịch theo quy định

WTO

Trung tâm về các vấn đề WTO thành phố Đà Nẵng có nhiệm vụ tham mưu cho Sở Công Thường và UBND thành phố triển khai, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chương trình, kế hoạch và hoạt động liên quan đến các vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO trên địa bàn thành phố; làm cầu nối triển khai, điều phối các hoạt động giữa Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế với thành phố Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Trung – Tây nguyên; nghiên cứu, tiếp nhận, xử lý thông tin; tuyên truyền, phổ biến kiến thức; cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO cho các tổ chức, cá nhân, người dân, doanh nghiệp và các đối tượng khác theo nhu cầu; phối hợp, liên kết các tổ chức khoa học, tổ chức tư vấn pháp luật, tổ chức khác có liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước phục vụ hoạt động của Trung tâm; thực hiện các nhiệm vụ về hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO theo yêu cầu của Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương, UBND thành phố và Sở Công Thương….

(Văn Lâm)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bảo vệ Tổ quốc bằng tư duy mới và tầm nhìn thời đại


Hoàn toàn không có chuyện Việt Nam chạy đua vũ trang, bởi quan điểm của Đảng, Chính phủ Việt Nam là xây dựng được một nền quốc phòng đủ mạnh để tự vệ, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ”, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng đã lên tiếng trong một hội nghị tổ chức tại Đà Nẵng đầu năm 2010.

Thông điệp phát đi từ một hội nghị trong nước dù sao vẫn khó vọng tới được những người bạn bên ngoài biên giới Việt Nam, những người đang mang sự nghi kị khi mối quan tâm đến sự lớn mạnh của quân đội Việt Nam lớn hơn cùng với sự gia tăng về vị thế của đất nước này. Việc đầu tư xây dựng và phát triển quân đội không còn là câu chuyện riêng của mỗi quốc gia khi hội nhập.

Với những nỗ lực và hành động cụ thể, thiết thực trong năm ASEAN vừa qua, quân đội Việt Nam có lẽ đã chứng tỏ với khu vực và thế giới tin về một Việt Nam hòa bình, hòa hiếu với chính sách quốc phòng tự vệ, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không xâm phạm ai.

Đàm để không phải đánh

Người phụ trách đối ngoại của Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nói rõ: trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, không thể mở rộng quan hệ quốc tế mà thiếu lòng tin. Quốc phòng lại là lĩnh vực nhạy cảm nhất, nên tăng cởi mở, minh bạch trong hoạt động quốc phòng, tăng cường hợp tác quốc phòng chính là để xây dựng và củng cố lòng tin.

“Chuyên nghiệp và cởi mở đến khó tin”, một phóng viên nước ngoài thường trú tại Hà Nội có mặt tại phiên họp báo trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã phải thốt lên như vậy.

Hình ảnh mới về Quân đội Việt Nam – Hiện đại và Hòa bình – Ảnh Lê Anh Dũng

Từng đọc nhiều sách báo về những người lính Việt Nam, quen với câu chuyện về sự dũng cảm, tính nguyên tắc của những người trong quân ngũ, và cả tính nhạy cảm, bí mật của lĩnh vực này, năm 2010 là một sự trải nghiệm mới mẻ của anh phóng viên nọ để có cái nhìn khác, chân xác hơn về lính Cụ Hồ thời đại mới.

Lịch sử của dải đất Việt Nam quá nhiều thương đau chiến tranh gắn liền với những hi sinh và chiến công của người lính. Những thắng lợi trên chiến trường của quân đội tạo đà để những nhà ngoại giao hoàn thành sứ mệnh đàm phán vì tự do, độc lập và hòa bình cho tổ quốc. Thế nhưng, giờ đây, bàn đàm phán không còn là lãnh địa riêng của những nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Ngay cả người Việt Nam cũng không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh lạ về anh bộ đội Cụ Hồ. Không chỉ còn là ba lô, súng ống, và đạn dược, vũ khí… những bài tập vất vả nơi thao trường… và những hi sinh nơi chiến trường, màu xanh áo lính đã ghi dấu ấn trong tâm trí người Việt ở vị trí khác: bên bàn hội nghị, giữa những cuộc tiếp tân, những cái bắt tay…

“Có việc thì đi, cần vũ khí thì mua, giống như tất cả các nước khác. Hợp tác với nhiều nước nhưng không phương hại tới lợi ích của nước thứ ba“, vị tướng già của binh đoàn Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng đã nói như vậy.

Hàng chục hội nghị lớn nhỏ của giới quân sự đã được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2010. Một loạt các vấn đề lớn đã được đặt lên bàn thảo luận của những người mặc quân phục các quốc gia, dưới sự chủ trì của chủ nhà Việt Nam, bao gồm những vấn đề lợi ích sát sườn của Việt Nam như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Chưa bao giờ, tần suất đi của bộ đội Việt Nam ra các nước, cả trong khu vực và các nước lớn đối tác lại dày như năm nay, cả chính thức và không chính thức, nhằm tham vấn.

Không chỉ đi, quân đội Việt Nam còn vời bạn đến với mình, để hiểu và tin, để cùng thảo luận, thỏa thuận và hợp tác thực.

5 chuyến thăm chính thức cấp Bộ trưởng Quốc phòng đến Việt Nam cùng với việc hàng loạt các tàu hải quân các nước cập cảng, ghé thăm Việt Nam trong một năm… là quá đủ để thấy nhu cầu đi và đến của quân đội Việt.

Chỉ riêng để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+ lần đầu tiên được tổ chức, ngay từ đầu năm 2010, khó có thể đếm được bao nhiêu chuyến tham vấn đã được Việt Nam tổ chức, đến từng nước thành viên ASEAN, ban thư kí ASEAN cũng như các đối tác cộng.

Từ việc chưa thật rõ ý kiến của các nước ASEAN về hiện thực hóa ADMM+ và hầu như không có thông tin về thái độ của các nước đối tác đối thoại với tiến trình này, Việt Nam đã lắng nghe, nắm bắt, cập nhật và chia sẻ thông tin với các nước qua tham vấn, từ đó tạo đồng thuận để có được cơ chế hợp tác mới.

Đó là chưa kể việc Việt Nam tranh thủ các hội nghị, diễn đàn khu vực và quốc tế như Đối thoại Shangri-La, Đối thoại Nhật Bản – ASEAN, các hội nghị ARF… để vận động cho tiến trình này.

Chưa từng có nước chủ tịch ADMM nào tổ chức tham vấn toàn diện như Việt Nam, vừa phản ánh trách nhiệm cao vừa cho thấy tầm nhìn và cách tiếp cận đúng đắn của nước chủ tịch“, Phó Tổng thư kí ASEAN đã nhận xét như vậy.

Sau 4 năm chuẩn bị, khi thời gian tiến tới ADMM+ đầu tiên chỉ còn tính bằng ngày và công tác chuẩn bị đã cơ bản được hoàn tất, các đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn tiếp tục lên đường để giúp các nước làm công tác chuẩn bị và sẵn sàng phối hợp với các nước đưa các sáng kiến mới ra Hội nghị hướng tới Hội nghị ADMM+ đầu tiên thành công tốt đẹp.

Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam – Ảnh Lê Anh Dũng

Những người quan tâm đến an ninh khu vực nín thở lo cho Việt Nam trong vai trò chuẩn bị hội nghị ADMM+ vào tháng 10 tới ở Hà Nội, với băn khoăn, liệu Biển Đông, mối quan tâm lớn của các nước lớn và khu vực có được nêu ra tại Hội nghị.Cao điểm thách thức kĩ năng ngoại giao chuyên nghiệp của các anh lính Cụ Hồ phải kể đến thời điểm từ cuối tháng 7 năm 2010, sau ARF tại Hà Nội. Bầu không khí trong khu vực “tích điện” với phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về tình hình Biển Đông, và phản ứng của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, bỏ ra khỏi phòng họp 30 phút và trở lại với thái độ cứng rắn.

Hình ảnh rất đẹp của quân đội



Sẽ là thất bại chung nếu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vắng mặt nhưng cũng là thất bại không của riêng Việt Nam nếu Biển Đông hoàn toàn vắng bóng trong chương trình nghị sự.

Hội nghị ADMM+ với cách tiếp cận mềm về Biển Đông đủ làm hài lòng tất cả các bên là minh chứng hùng hồn cho sự ngoại giao chuyên nghiệp của những người vốn bị mặc định gắn với súng đạn, binh đao.

Một nhận thức mới, một tư duy mới về quân đội, về quốc phòng đang ngày càng sáng tỏ, với những nỗ lực “đàm” thay vì tập trung lo nhiệm vụ “đánh” như trước đây.

Đổi tư duy

Hợp tác trong quốc phòng không còn chỉ ở việc hỗ trợ khí tài, đạn dược, không chỉ cắt cử cố vấn… để giúp quân đội Việt Nam ăn no, đánh thắng như trong thời chiến.

Cái nhìn về quân đội Việt Nam cũng không còn là sự nghi kị, thăm dò bởi đã “đánh thắng hai đế quốc to”, với số lượng quân đông đảo nhất khu vực, với sức mạnh quân sự được xếp hàng đầu thế giới như khi Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh, bắt đầu hội nhập khu vực.

Cùng với sự hội nhập của đất nước, từ những hợp tác mang tính thăm dò ở khu vực những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ 20, rồi khởi động hợp tác quốc phòng đa phương ở cấp thấp trong khuôn khổ ASEAN sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức khu vực, quân đội Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập cùng khu vực và thế giới.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên từng chỉ ra, mối lo về ngoại xâm, về chiến tranh đã bớt, nhưng Việt Nam lại đối mặt với “những hình thức xâm lăng mới hiện nay tinh vi hơn, khó nhận biết hơn trước rất nhiều như xâm lăng kinh tế, xâm lăng văn hóa, nước lớn chèn ép, bắt chẹt nước nhỏ về kinh tế”.

Lực lượng quân đội mạnh, vũ khí trang bị tốt là cần nhưng sẽ là chưa đủ để thực hiện bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Như Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng phụ trách đối ngoại, Bộ Quốc phòng đã nói: Quốc phòng đồng nghĩa với bảo vệ tổ quốc, mà kế sách bảo vệ tổ quốc cao nhất của cha ông ta là củng cố hòa bình và không để ai xâm lược nước mình

Chỉ vài năm trước, có lẽ vẫn còn không ít dè dặt đối với hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ thì nay, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam khi trả lời trên Thanh Niên mới đây đã khẳng định Việt Nam hoan nghênh sự có mặt của Mỹ ở khu vực này. Nếu nhìn từ lịch sử, không thể không nói đây là một bước đổi mới tư duy “địch- ta”.

Trang phục mới – Hình ảnh mới



“Đối với một nước không lớn như VN, sự hiện diện và ảnh hưởng của các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ ở khu vực là một thực tế khách quan. Không có gì phải lo ngại về vấn đề này… Cách ứng xử tốt nhất của VN là giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế, sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên vì lợi ích chung, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực”, ông Nguyễn Chí Vịnh giải thích.

Từ tư duy đó, Quân đội Việt Nam đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác với tất cả quân đội các cường quốc, một minh chứng cho đường lối đối ngoại quốc phòng đúng đắn như một phương sách bảo vệ tổ quốc cao nhất – xây dựng và củng cố môi trường hòa bình, an ninh và ổn định để đất nước phát triển. 

Bảo vệ tổ quốc, hơn lúc nào hết, cần những cái đầu tỉnh táo, hiểu thời cuộc, hiểu mình và hiểu người. Và những người lính Cụ Hồ trong thế kỉ 21 đang tạo dựng một hình tượng mới như vậy về mình.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh về du lịch


Thành phố Đà Nẵng hiện có 55 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch (10 dự án đầu tư nước ngoài và 45 dự án đầu tư trong nước).

Trong năm 2010, có một số hạng mục du lịch lớn được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Bãi tắm Sao Biển, các khu du lịch: Silvershore Hoàng Đạt, Life resort, sân golf 18 lỗ tại Hòa Hải, điểm dừng chân du lịch Nam đèo Hải Vân, v.v… góp phần tăng số lượng khách sạn và dịch vụ giải trí cao cấp trên địa bàn thành phố.

Silvershore – Hoàng Đạt



Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng trong năm ước đạt 1.770.000 lượt người, tăng 33% so với năm 2009 và đạt 122% kế hoạch năm; trong đó có 370.000 lượt khách quốc tế, tăng 18% so với năm 2009 và đạt 106% kế hoạch, khách nội địa tăng 38% so với năm 2009 và đạt 127% kế hoạch. Tổng doanh thu chuyên ngành du lịch năm 2010 ước đạt 1.239 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2009 và đạt 122% kế hoạch. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch trong năm 2010 ước đạt 3.097 tỷ đồng.

Khu Du lịch dã ngoại – Nam đường Hầm Đèo Hải Vân



NAM PHƯƠNG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên ở Việt Nam gia nhập trung tâm dữ liệu mở quốc tế


Đó là thông tin được ông Phạm Đỗ Tuấn, Tổng Giám đốc, Trưởng đại diện Intel Việt Nam cho biết tại hội thảo về “Chuẩn mở cho Trung tâm dữ liệu (ODCA) trên nền Công nghệ Intel”, do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp với tập đoàn Intel và Intel Việt Nam tổ chức ngày 17-12.

Intel hỗ trợ Đà Nẵng triển khai Trung tâm dữ liệu mở

Với lợi thế về nguồn nhân lực trong ngành CNTT chất lượng cao; đồng thời trong 2 năm liên tiếp (2009-2010) là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index)), việc Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của VIệt Nam được kết nạp vào mạng lưới thành viên của Liên minh Trung tâm dữ liệu mở tạo cơ hội thuận lợi cho thành phố trong việc tiếp cận với những thành tựu của ngành công nghệ cao từ 70 doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới hiện đã và đang phối hợp cùng Intel, với tổng vốn đầu tư hàng năm vào CNTT lên đến hơn 50 tỷ đô-la Mỹ.

Bắt đầu từ năm 2011, Đà Nẵng sẽ thụ hưởng và tham gia các sản phẩm cuối của ODCA về ứng dụng điện toán đám mây và thiết lập các trung tâm dữ liệu mở.

Ưu thế của vấn đề điện toán đám mây và một trung tâm dữ liệu theo hướng chuẩn mở tạo khả năng khai thác và khai phá hệ dữ liệu thông tin đã được tích hợp tại trung tâm. Qua đó, các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện và chính quyền thành phố khi cần đều có thể khai thác dữ liệu phục vụ cho công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo, lập kế hoạch dự án, đề án… Điều này rút ngắn nhiều thời gian, tránh tình trạng khai thác thủ công, nguồn dữ liệu tản mác ở nhiều hệ thống.

Đắc Mạnh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)