Đà Nẵng hợp tác đầu tư thương mại với doanh nghiệp New Zealand


Cầu qua sông Hàn, Đà Nẵng. (Nguồn: Internet)

Nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp Đà Nẵng tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp New Zealand, ngày 7/3, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, Thương vụ New Zealand và Hội đồng kinh doanh hỗn hợp ASEAN-New Zealand tổ chức hội thảo “Xúc tiến hợp tác thương mại và đầu tư New Zealand-Đà Nẵng.”

Hơn 40 doanh nghiệp tại Đà Nẵng và 11 thành viên đại diện 8 doanh nghiệp New Zealand đang hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, thực phẩm và đồ uống, hàng không dân dụng và chế biến thực phẩm đã tới tham dự hội thảo và bước đầu thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế với nhau.

Ông Graham Sims, Tổng lãnh sự và Ủy viên thương mại, Tổng lãnh sự quán New Zealand tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết một trong những chiến lược của Thương vụ New Zealand trong năm 2011 là chú trọng đầu tư phát triển vào miền Trung Việt Nam, đặc biệt là ở thành phố Đà Nẵng với các lĩnh vực như hàng không dân dụng, thực phẩm và đồ uống, xây dựng và quy trình thực hiện ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng xanh sạch đẹp vào năm 2020.

Các doanh nghiệp New Zealand cũng đã nhận thấy tiềm năng chuyển mình phát triển vượt trội của khu vực này và thực sự rất ấn tượng với sự tăng trưởng toàn diện của Đà Nẵng trong thời gian qua.

Theo ông Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế xã hội của miền Trung, chính quyền thành phố luôn chú trọng đến công tác thu hút đầu tư, kinh doanh và hoạch định các chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đến với Đà Nẵng.

Hội thảo lần này là dịp để lãnh đạo thành phố giới thiệu với các doanh nghiệp New Zealand về môi trường đầu tư tại Đà Nẵng, tình hình kinh tế-xã hội, tiềm năng phát triển của thành phố, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và các quy định liên quan. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Đà Nẵng tiếp xúc, trao đổi và thiết lập quan hệ bước đầu với các đối tác New Zealand.

Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và New Zealand chưa nhiều, chủ yếu ở lĩnh vực viện trợ phi chính phủ. Từ tháng 7/2004 đến nay, tổ chức Mạng lưới tình nguyện viên Toàn cầu (GVN) của New Zealand đã đưa tình nguyện viên từ nhiều nước khác nhau đến Đà Nẵng hoạt động trong các lĩnh vực hỗ trợ nuôi dạy trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi và khuyết tật, giảng dạy tiếng Anh.

Hàng năm, GVN thực hiện chương trình nhân đạo tình nguyện viên tại Trung tâm cô nhi suy dinh dưỡng, Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng, Trung tâm bảo trợ xã hội, hỗ trợ dạy tiếng Anh tại Đại học Đà Nẵng./.

Hứa Chung

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao QĐND Việt Nam


Sáng 3/7, tại Hà Nội, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ, thăng quân hàm cấp tướng cho cán bộ cấp cao trong QĐND Việt Nam.

nguyen ba thanh

Đại tướng Phùng Quang Thanh trao quyết định bổ nhiệm cho Trung tướng Nguyễn Thành Cung.

Tới dự có: Đại tướng Phùng Quang Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lương Cường, Chính uỷ Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Đào Duy Minh, Chính uỷ Quân khu 5 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Thược, Phó Chính uỷ Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 3; Thiếu tướng Đinh Văn Cai, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 9; Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Thăng, Phó Chính uỷ Quân khu 1 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 1; Đại tá Trần Quang Phương, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 5 và được thăng quân hàm cấp thiếu tướng; Đại tá Đỗ Căn, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chính uỷ Quân khu 3 và được thăng quân hàm thiếu tướng.

Thay mặt Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, chúc mừng các đồng chí được Đảng, Nhà nước và quân đội tin tưởng giao cho cương vị, trọng trách mới. Đại tướng mong rằng, trên cương vị chủ chốt của đơn vị, các đồng chí được bổ nhiệm và thăng quân hàm cấp tướng lần này luôn phát huy vai trò là hạt nhân lãnh đạo trong xây dựng mối đoàn kết thống nhất, luôn luôn giữ vững ngọn cờ đoàn kết của Đảng trong quân đội; chăm lo xây dựng tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tham dự khai trương Vinpearl Luxury Đà Nẵng


Ngày 3-7, Công ty cổ phần Vinpearl khai trương khu nghỉ dưỡng đặc biệt cao cấp, tiêu chuẩn 5 sao + Vinpearl Luxury Đà Nẵng sau 20 tháng xây dựng.

nguyen ba thanh
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh dự lễ khai trương

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đến dự lễ khai trương.

Tọa lạc ở vị trí đắc địa nhất trên bãi biển Non Nước, Vinpearl Luxury Đà Nẵng trải rộng trên 15,4ha đất với tầm nhìn hướng biển, sau lưng bao bọc bởi 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn tạo thế “tựa sơn hướng thủy”. Khu nghỉ dưỡng, được đánh giá là cao cấp nhất tại Đà Nẵng hiện nay, bao gồm một khách sạn quốc tế “vượt chuẩn” 5 sao với 200 phòng nghỉ tiện nghi và khu biệt thự với 39 căn sang trọng.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vinpearl Đà Nẵng, cho biết việc đưa Vinpearl Luxury Đà Nẵng vào hoạt động là một bước tiến đặc biệt quan trọng của Vinpearl trong tiến trình phát triển, bởi đây là dự án thứ hai thuộc dòng Luxury mang thương hiệu Vinpearl (sản phẩm du lịch có tiêu chuẩn cao cấp nhất tại Việt Nam hiện nay), là dự án du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên ngoài Nha Trang (Khánh Hòa) của Vinpearl được đưa vào hoạt động và đây cũng là dấu ấn đầu tiên của Vinpearl tại thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng.

Đà Nam


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bí thư Nguyễn Bá Thanh: Cán bộ trẻ phải trang bị tâm huyết và kiên định hướng đi


Cán bộ trẻ phải biết cách xây dựng các mối quan hệ hài hòa trong công việc; hết sức chú ‎ý rèn luyện đạo đức, phải khiêm tốn, không háo danh, hiếu thắng, đố kỵ, hẹp hòi; phải tăng cường sự hợp tác và không quá lo vun vén cho riêng mình…

Trong khuôn khổ cuộc đối thoại giữa Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh với các học viên lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản l‎ý dành cho cán bộ trẻ (khóa III) và đội ngũ cán bộ nguồn nhân lực chất lượng cao do Câu lạc bộ Cán bộ trẻ thành phố tổ chức ngày 4-3, đã “vỡ” ra nhiều điều không chỉ cho các bạn trẻ mà đối với những nhà lãnh đạo.

Cán bộ trẻ nêu lên những vướng mắc trong thực tiễn với lãnh đạo thành phố

Một trong những cán bộ trẻ (CBT) nêu nhiều câu hỏi nhất trong buổi đối thoại thẳng thắn, chân tình này là gương mặt nữ được đào tạo bài bản từ các đề án tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố – Hồ Anh Ngọc, chuyên viên Văn phòng UBND thành phố. Trong đó, hai vấn đề liên quan đến giới trẻ và CBT được Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh quan tâm trả lời chu đáo.

 

Hồ Anh Ngọc nêu vấn đề, những cán bộ nữ và trẻ với độ tuổi từ 25 đến 35 chịu thiệt thòi hơn nam giới trong công việc; bởi ở độ tuổi này, giới nữ thường bị vướng bận nhiều trong việc gia đình nên ít có cơ hội thể hiện mình trong công tác. Vậy lãnh đạo thành phố giải quyết vấn đề này như thế nào? Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố liệu có nắm được đúng và đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ CBT là học viên sau đào tạo thuộc đề án “tạo nguồn nhân lực chất lượng cao” của thành phố. “Với cách trả lời bằng phiếu khảo sát nêu rõ họ, tên, địa chỉ và có xác nhận của lãnh đạo cơ quan nơi công tác, thì không ai dám nêu những điều chưa được, những bức xúc của mình cả”, Hồ Anh Ngọc nêu ví dụ.

Trong những bức xúc đó, một số bạn trẻ cho rằng mình chưa được bố trí đúng người đúng việc sau khi đào tạo…

Với cách nhìn nhận nhiều chiều, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho rằng, bên cạnh những khó khăn, thì những cán bộ nữ, trẻ có được thuận lợi lớn chính là môi trường cạnh tranh ít quyết liệt hơn nam giới trong công việc. “Những cán bộ nữ, trẻ giỏi thì thường dễ phát hiện được ngay và được chú ý đề bạt và thăng tiến”, ôngThanh hóa giải vướng mắc. Cùng với việc tiếp thu ý kiến về phương pháp khảo sát đội ngũ CBT sau đào tạo nhân lực chất lượng cao, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề mà các CBT cần quan tâm trong quá trình rèn luyện, công tác của mình.

“Làm CBT thì phải luôn giữ được đam mê và nhiệt huyết, chứ mới bước đầu thấy bố trí chưa phù hợp đã than thở, trách móc thì không bao giờ đi đến thành công”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khuyên nhủ. Đây cũng là một phần trong hệ thống những vấn đề mà Bí thư Thành ủy  Nguyễn Bá Thanh nêu ra với các CBT ngay từ đầu buổi đối thoại: CBT phải trang bị sự đam mê, tâm huyết và xác định hướng đi để kiên định đi tới, dù trên đường đi sẽ gặp nhiều chông gai, khó khăn, thách thức.

Quan trọng là chia sẻ kinh nghiệm

Khi T.S Nguyễn Đình Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý‎ Đôn, đề nghị cho lời khuyên đối với CBT, ông Nguyễn Bá Thanh dặn dò: Kiến thức qua đào tạo chỉ trang bị tương đối, năng lực của cán bộ chủ yếu là từ thực tiễn; vì vậy CBT phải học hỏi từ những người có kinh nghiệm và trong thực tiễn. Kinh nghiệm cộng với khả năng tạo nên hiệu quả cao hơn trong công tác.

Trên quan niệm đó, trong suốt buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh dành phần lớn thời gian trao đổi với các CBT về những kinh nghiệm quý‎ báu từ thực tiễn lãnh đạo của mình qua những câu chuyện sinh động. Cùng với việc truyền đạt những kiến thức về rèn luyện kỹ năng của người lãnh đạo, ông đề nghị các CBT phải biết cách xây dựng các mối quan hệ hài hòa trong công việc; hết sức chú ‎ý rèn luyện đạo đức, phải khiêm tốn, không háo danh, hiếu thắng, đố kỵ, hẹp hòi; phải tăng cường sự hợp tác và không quá lo vun vén cho riêng mình…

Chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng quỹ thời gian với Đỗ Phương Thảo (Sở Ngoại vụ), ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng, làm cán bộ lãnh đạo thì việc nhiều, nhưng quan trọng là phải sắp xếp những công việc quan trọng hơn để đưa vào chương trình và cố gắng hoàn thành, không nên quá “tham công tiếc việc” và cầu toàn. Với vấn đề kinh nghiệm trong trao đổi với báo chí và đối phó với tin đồn được Hồ Anh Ngọc nêu ra, Bí thư Thành Nguyễn Bá Thanh ủy cho rằng, nguyên tắc với báo chí là phải tiếp xúc, công khai và đối thoại thẳng thắn; với tin đồn thì phải bình tĩnh xử lý.

“Làm cán bộ càng cao thì càng có nhiều tin đồn, không thể tránh khỏi. Phải tự tin khi tin đồn đó là bịa đặt; nhưng dư luận là có thật thì phải lắng nghe để xem xét, điều chỉnh. Vì vậy phải phân biệt được dư luận chính thống với tin đồn để có cách đối phó hợp lý”, ông Nguyễn Bá Thanh nói.

Cũng liên quan đến sự phân biệt, ông cũng đề nghị các CBT cần tỉnh táo để phân biệt giữa sự quyết đoán và độc đoán trong lãnh đạo; bởi ranh giới giữa hai yếu tố này rất khó phân định. Cơ bản là những quyết định táo bạo nhưng đúng đắn, hiệu quả được xem là quyết đoán; nhưng nếu quyết định mà không lắng nghe và không đạt hiệu quả là độc đoán. Do vậy, để quyết đoán, thì lãnh đạo phải có kiến thức, phải nắm chắc thông tin để quyết định những vấn đề mang tính đúng đắn và hiệu quả.

Nhiều CBT cho rằng, chính những buổi đối thoại với lãnh đạo như thế đã trang bị những kiến thức từ kinh nghiệm thực tiễn, để họ tự tin hơn trong quá trình học tập và công tác của mình. Với họ, kinh nghiệm là quan trọng và quan trọng là có người chia sẻ kinh nghiệm với mình.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Thành phố trẻ Đà Nẵng “bùng nổ” đặt tên đường nói lên điều gì?


Tên đường phố cũng là một dạng địa danh, nó thể hiện sự trân trọng của các thế hệ hôm nay và mai sau đối với lịch sử, văn hóa của một vùng đất, một dân tộc. Với thành phố trẻ Đà Nẵng, tốc độ phát triển, quy hoạch đô thị đã mở ra hàng trăm con đường mới khiến cho việc đặt tên đường trở nên cấp thiết hơn. Nhằm cung cấp kênh thông tin liên quan đến nội dung trên, kể từ số báo này, Đà Nẵng cuối tuần mở chuyên mục “Hồ sơ Tên đường”. Rất mong được sự ủng hộ của bạn đọc và cộng tác viên xa gần.

Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 12 năm 2010, trên địa bàn thành phố đã có 1.000 tuyến đường, 3 cây cầu và 2 công trình công cộng được đặt tên.

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, một trong những con đường vừa được đặt tên trong năm 2010

Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1955, Đà Nẵng chỉ có 45 đường phố được đặt tên, trong đó có đến 40 đường mang tên bằng tiếng Pháp và chỉ 5 đường mang tên Việt thuần túy là Đò Xu, Đồng Khánh, Đỗ Hữu Vị, Gia Long và Quảng Nam.

Trong 20 năm, từ 1955 đến 1975, Đà Nẵng chỉ thêm được 32 đường có tên, các tên đường bằng tiếng Pháp trước đó đã được đổi thành tên người, tên đất của người Việt bằng tiếng Việt, trừ Pasteur và Yersin là tên hai vị ân nhân y học đáng kính của nhân loại.

21 năm tiếp theo, từ 1975 đến cuối 1996, Đà Nẵng thêm được 13 đường có tên. Nhưng chỉ 5 năm, từ 1997 đến tháng 7 năm 2002, sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thành phố đã có thêm 124 đường được đặt tên (con số cực kỳ ấn tượng so với tổng số 90 đường được đặt tên trong gần 5 thập kỷ trước đó), nâng tổng số đường có tên ở Đà Nẵng vào thời điểm này lên 214.

Và, sẽ còn ngạc nhiên hơn sau khi tham khảo số lượng đường phố Đà Nẵng được chính thức đặt tên trong mấy năm trở lại đây.

Trong 5 năm, từ 2005 đến hết 2009, Đà Nẵng đã có thêm 414 đường được đặt tên. Thống kê cho thấy số đường được đặt tên trong thời gian này tăng dần qua từng năm, trong đó năm 2009 có đến 143 đường được đặt tên qua hai đợt.

Tuy nhiên, năm 2010 mới là năm “bùng nổ” đặt tên đường ở Đà Nẵng. Qua hai đợt đã có đến 401 đường phố, công trình công cộng trên địa bàn được đặt tên, bằng xấp xỉ số đường được đặt tên trong 5 năm trước đó!

Năm 2010 đã để lại dấu ấn trong lòng người dân Đà Nẵng (và cả nước) qua việc thành phố đặt tên đường, công trình công cộng, không chỉ ở số lượng mà còn ở “chất lượng” như Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, Norman Morrison, Francis Henry Loseby…

Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 12 năm 2010, trên địa bàn thành phố đã có 3 cây cầu, 2 công trình công cộng và 1.000 tuyến đường được đặt tên.

Con số này nói lên điều gì?

Thực tế cho thấy, sự bùng nổ số lượng đường phố tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển đô thị.

TP. Hồ Chí Minh có hơn 1.500 đường phố (theo Thạch Phương – Lê Trung Hoa, Từ điển Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 2008). Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 1.000 đường được đặt tên. Theo điều tra dân số ngày 1-4-2009, dân số TP. Hồ Chí Minh gần 7,17 triệu người, trong khi Đà Nẵng chỉ trên 887 nghìn người. Đặt một vài con số này gần nhau để thấy rằng, môi trường – không gian sống của Đà Nẵng là mơ ước của cư dân nhiều thành phố lớn trên cả nước.

LÊ GIA LỘC


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đoàn học viên sĩ quan Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng


Sĩ quan hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ chào xã giao tại lễ đón tàu khu trục USS John S. Mc Cain diễn ra vào sáng 10-8-2010. Ảnh minh họa

Ngày 3-3, Sở Ngoại vụ thành phố đã có buổi tiếp Đoàn học viên nghiên cứu về nghệ thuật tác chiến nâng cao của quân đội Hoa Kỳ do Đại tá Michael William Snow dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ ngày 27-2 đến ngày 6-3. Dự buổi làm việc, có đại diện Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố.

Tại đây, Đoàn đã xem video clip giới thiệu tổng quan về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng. Thành viên của Đoàn đã có buổi trao đổi với lãnh đạo Sở Ngoại vụ để tìm hiểu thông tin về phát triển du lịch của Đà Nẵng, xây dựng thành phố môi trường, giáo dục-đào tạo, quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng với các địa phương và các tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà thành phố đang đối mặt… Đoàn cũng được thông tin thêm về việc Đà Nẵng đã phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan trong nước và cơ quan tìm kiếm người mất tích của Hoa Kỳ về tìm kiếm và hồi hương hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Đại diện của Đoàn cho biết, các gia đình, thân nhân của người mất tích được hồi hương hài cốt đánh giá cao hoạt động nhân đạo này của Việt Nam.

S.T


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng gắn chủ quyền an ninh biên giới với phát triển kinh tế biển


Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại, là một thành phố trẻ phát triển nhanh theo hướng bền vững.

Đại tá Nguyễn Quốc Bình đón ngư dân gặp nạn trên biển được tàu Biên phòng cứu nạn vào ngày 25-1-2011. Ảnh: BÁ VĨNH

Tuy nhiên, do tác động nhiều mặt của tình hình thế giới, khu vực và trong nước nên thành phố nói chung và khu vực biên giới biển nói riêng còn tồn tại và nảy sinh nhiều phức tạp mới, có tác động ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế biển của thành phố. Đáng chú ý là hoạt động xâm phạm chủ quyền của tàu thuyền nước ngoài; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; buôn bán, sử dụng chất nổ, xung điện khai thác thủy hải sản làm hủy hoại môi trường sinh thái biển; những lợi thế về biển chưa được nhận thức, khai thác và phát huy tốt; những tai nạn rủi ro do thiên tai bão lũ diễn ra thường xuyên và có thời điểm hết sức khốc liệt gây thiệt hại về người và tài sản của ngư dân.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố đã nghiên cứu quán triệt và cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, tập trung lãnh đạo đổi mới toàn diện các mặt công tác biên phòng, trước hết là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế, nâng cao chất lượng huấn luyện và xây dựng đơn vị chính quy, chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật; gắn xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng TSVM với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CBCS; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng và cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của nền Biên phòng toàn dân, nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh trật tự khu vực biên giới biển và có nhiều đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển của thành phố… được lãnh đạo thành phố đánh giá cao và được nhân dân ghi nhận, tin yêu.

Phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, thông qua hoạt động thực hiện công tác Biên phòng và xây dựng lực lượng, nhất là thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Thành ủy, HĐND, UBND… cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố đã nêu cao trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, có nhiều đóng góp to lớn hơn để thực hiện tốt một trong những định hướng quan trọng của thành phố là chú trọng phát triển kinh tế biển. BĐBP thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng, thông qua triển khai thi hành Luật Biên giới quốc gia, các nghị định, chỉ thị của Chính phủ và của thành phố, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao thêm một bước nhận thức về biển, về vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo và thực trạng tình hình biển đảo hiện nay, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và pháp luật liên quan đến biên giới biển, đảo trong tình hình mới cho quần chúng nhân dân, để nhân dân có nhận thức tốt hơn, đúng hơn, đầy đủ hơn về vấn đề biển, đảo và phát triển kinh tế biển, nhất là ngư dân ở khu vực biên giới biển.

Tăng cường công tác nắm tình hình trên khu vực biên giới biển, nhất là công tác dự báo về âm mưu, chủ trương của các nước láng giềng, những âm mưu, thủ đoạn từ xa của các thế lực thù địch đối với biển Đông, về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài, về thời tiết khí hậu… để kịp thời thông báo cho ngư dân, làm tốt vai trò nòng cốt và tổ chức cho ngư dân xử lý các tình huống xấu xảy ra trên biển trên nguyên tắc “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, nhưng phải mềm dẻo, khôn khéo, lấy phòng ngừa, xua đuổi là chính, không gây căng thẳng, đối đầu, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại…” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, rủi ro về tài sản, tính mạng của nhân dân khi hoạt động trên biển.

Trên cơ sở coi trọng và thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện, gắn với việc kiểm tra, kiểm soát có trọng điểm người và phương tiện ra vào hoạt động trên biển trên cả ba lĩnh vực an ninh trật tự, trang bị kỹ thuật tàu thuyền và thiết bị an toàn khi đi biển. Liên tục tổ chức các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống có hiệu quả với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán sử dụng các chất ma túy, sử dụng chất nổ, hóa chất, xung điện đánh bắt hải sản trên biển để bảo vệ môi trường nguồn lợi biển, tạo ra điều kiện và môi trường, bình yên để ngư dân an tâm bám biển phát triển kinh tế.

Chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, lực lượng, phương tiện và tích cực hỗ trợ các dịch vụ như cung cấp thông tin về ngư trường cho ngư dân, đào tạo kỹ thuật về tàu thuyền. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan bảo đảm an ninh trật tự khu vực cảng cá mới Thọ Quang theo chỉ đạo của UBND thành phố, góp phần phục vụ việc phát triển kinh tế biển của thành phố.

Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các quận, huyện và các ngành có liên quan tiến hành khảo sát toàn diện về lực lượng, phương tiện để xây dựng các tổ, đội đánh cá, nhất là các phương tiện đánh bắt xa bờ, lực lượng tàu cá của Đà Nẵng tham gia trong vùng đánh cá chung.

Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xây dựng đề án kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh trên biển, xây dựng lực lượng nòng cốt trong ngư dân, nhất là lực lượng dân quân trên biển; coi trọng nếp sống có văn hóa trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trong giao tiếp với nhân dân theo hướng tất cả vì sự bình yên trên khu vực biên giới biển, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp về một thành phố an toàn, thân thiện, hội nhập và phát triển.

Đại tá NGUYỄN QUỐC BÌNH

Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)