Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường


Ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Trong năm tài chính, giá bán điện chỉ được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành.

Theo đó, nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường là thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng.

Từ 1/6, điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường phải được thực hiện công khai, minh bạch. Trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng Quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Ba trường hợp được thay đổi giá bán điện

Quyết định nêu rõ, trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi so với kế hoạch phát điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt, làm giá bán điện tại thời điểm tính toán:

- Giảm từ 5% trở lên so với giá bán điện hiện hành thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh giảm giá bán điện tương ứng.

- Tăng 5% so với giá bán điện hiện hành thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trường hợp sau 5 ngày làm việc mà Bộ Công Thương  chưa có ý kiến trả lời, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện 5%.

- Tăng trên 5% so với giá bán điện hiện hành thì EVN báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài Chính để thẩm định. Sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ mà chưa có ý kiến trả lời, cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/6/2011.

Giá bán điện bình quân là giá bán điện được xác định theo nguyên tắc tính bình quân cho 1 kWh điện thương phẩm, bao gồm 4 thành phần: Giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, chi phí điều hành – quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện (gọi là giá bán điện).

Hoàng Diên

Nguồn: http://nguyentandung.org/doi-song/thu-tuong-nguyen-tan-dung-dieu-chinh-gia-ban-dien-theo-co-che-thi-truong.html


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Quần đảo Trường Sa công viên xanh giữa biển cả


Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa giờ đây đã mang diện mạo mới. Đoàn công tác của Bộ Công an lên thăm các đảo nổi như Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Trường Sa, Trường Sa Đông đều cảm nhận không gian sạch đẹp, trong đó nhiều đảo được ví như công viên xanh giữa biển cả.

Tiếp tục chuyến thăm và kiểm tra công tác tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đoàn công tác của Bộ Công an đánh giá cao tinh thần, ý chí vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, đồng thời khẳng định lực lượng CAND luôn sát cánh, phối hợp lực lượng Quân đội, trong đó có Hải quân thực hiện nhiệm vụ cao cả trên vùng biển đảo chủ quyền của Tổ quốc.

Những câu chuyện về tình đồng chí trên đảo

Thiếu úy Lê Văn Nam bồng súng hướng về phía biển. Biển đêm thẳm sâu. Trăng đầu tháng chếch hình lưỡi liềm, sóng sánh như cánh én đuôi vàng chao vào vùng biển lặng đảo Sơn Ca. Thiếu úy Nam thực hiện ca gác lúc 20h, khi văn công đang biểu diễn ở đảo. Điều đặc biệt, đó là ca gác thay cho đồng đội ít tuổi hơn, vốn đã lỡ hẹn đêm diễn trước đó. Hơn 30 tuổi, 12 năm trong Quân đội, anh có tới 7 năm tri kỷ với đảo nổi, đảo chìm: Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử, Đá Đông, Đá Thị, Len Đao…

Ca sĩ Thanh Tâm “cháy” hết mình với lính đảo Trường Sa.

“Nhà 5 anh chị em. Có lần về phép da đen nhẻm, mẹ bán ổ lợn nhét tiền vào ba lô, bảo tôi bồi dưỡng. Tôi khóc, bởi tôi hiểu nhà có hai sào ruộng mà nuôi bảy cái miệng ăn, đã bao giờ mẹ được bữa no. Nghèo khó thì mình càng phải phấn đấu, phải nỗ lực, xứng danh với lính đảo Trường Sa” – anh tâm sự.

Còn tại đảo Sinh Tồn Đông, đêm văn nghệ lại có ấn tượng rất riêng. Khi văn công đang sôi động với dàn âm nhạc mạnh, tôi bước về phía bờ cát, nơi cây phong ba rợp bóng. Thiếu úy Đặng Quang Huy, khẩu đội trưởng pháo binh làm nhiệm vụ trực đêm. Trang phục và tác phong nghiêm trang, anh vừa chứng tỏ sự chính quy, sức mạnh của lực lượng, vừa toát lên nét đẹp và lãng mạn của người lính giữa đảo khơi, giữa mây trời, trăng khuya, gió biển.

Ít thể ngờ rằng, chỉ hơn mười phút sau khi thay ca gác, anh đã là diễn viên biểu diễn ngay trong đêm văn nghệ và trong trang phục người lính còn đẫm mồ hôi. Đảo trưởng Nguyễn Văn Thọ thổ lộ, những người lính đảo rất đa năng, họ nghiêm túc trong chấp hành kỷ luật, sẵn sàng trong trực chiến, lại vừa làm anh nuôi, vừa say mê thể dục thể thao, âm nhạc…

Quyến luyến nghĩa tình đất liền – hải đảo

Quả thực, có đi tới những nơi đầu sóng ngọn gió, người ta mới thấu hiểu tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng, mới hiểu đúng nghĩa nhất của lòng tri kỷ. Đây là lần đầu tiên đoàn nghệ thuật CAND thực hiện cuộc hải trình đến với Trường Sa, tất thảy đều khao khát được cống hiến. Ca sĩ Thanh Tâm có nhiều năm đem lời ca tiếng hát về các bản làng miền núi vùng cao, vùng xa thì nay đến với đảo, chị lại nghẹn lòng trước những tình cảm rất riêng, rất lính, rất biển. Chị nói, không gian ấy, tình cảm ấy chẳng thể lẫn với bất cứ nơi nào khác, cũng như chẳng ở đâu có những thứ quà tặng độc đáo như hình ảnh anh lính mang áo sóng biển xanh chạy vội lên sân khấu tặng chị một đoá bàng vuông, nhưng lại ngập ngừng không thể bước xuống.

Biểu diễn ở đảo Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Trường Sa lớn, Thanh Tâm và tốp ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ múa CAND đã có những đêm cháy hết mình với niềm say mê khát khao tuổi trẻ giữa trùng khơi. Bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt và hải trình đầy sóng gió, những nữ diễn viên trẻ như Thu Hoài, Thu Huyền, Huyền Trang, Linh Tâm… vừa lả đi vì say sóng, lắc lư khi xuống xuồng thì chốc lát đã sống động trong bầu không khí sum vầy cùng anh em lính đảo ở đảo chìm Đá Thị, Đá Lớn. Những đêm văn nghệ ở đảo còn là sự đồng âm đồng nhạc của cán bộ, chiến sĩ Công an và Hải quân, hòa chung âm điệu “nối vòng tay lớn”. Hôm diễn ở đảo Trường Sa Đông, bất ngờ trời đổ mưa to, lính đảo ví đó là sự “làm nũng” của ông trời nên không có gì phải ngại, đêm diễn vẫn tiếp tục.

Đảo đổi mới đi lên cùng đất nước

Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa giờ đây đã mang diện mạo mới. Đoàn công tác của Bộ Công an lên thăm các đảo nổi như Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Trường Sa, Trường Sa Đông đều cảm nhận không gian sạch đẹp, trong đó nhiều đảo được ví như công viên xanh giữa biển cả. Trên đảo, các cơ sở hạ tầng phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã được nâng cấp khá hiện đại. Ngoài nhà cửa khang trang, đường đi lối lại đổ bê tông sạch đẹp, giờ đây các đảo đều đã có hệ thống điện mặt trời và điện gió, mạng Internet và sóng điện thoại di động.

Ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu như mưa bão, khi hệ thống điện từ năng lượng mặt trời ngừng hoạt động thì năng lượng điện gió cũng đủ cung cấp ở mức nhất định cho đảo. Các bể chứa nước mưa nhiều đảo có thể dự trữ trong nhiều tháng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Với đảo chìm, tuy không có không gian như đảo nổi nhưng cơ sở, thiết bị phục vụ sinh hoạt cũng được nâng cấp cơ bản.

Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng Biên tập trao quà của Báo CAND tặng cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca.

Với không gian xanh trên đảo thực sự tạo vẻ đẹp riêng có. Nổi bật trong số đó là đảo Sơn Ca, Trường Sa Đông với các loài cây xanh rợp bóng như bàng vuông, phong ba, bão táp, bạch dương… Loài muống biển chỉ nở hoa vào mỗi sáng còn dây và lá lại cuộn dưới những tán phong ba dẻo dai, trong khi bàng vuông chỉ nở về đêm. Lính đảo nói rằng, hương của bàng vuông diệu kỳ lắm, vừa dịu nhẹ cứ vương vấn trong gió, trong sương, đến độ người nỡ hái hoa khi rời đảo cứ dùng dằng, dùng dằng.

Đảo trưởng Nguyễn Thế Lự kể, sau giải phóng khi chúng ta xây dựng, tu bổ lại đảo, tại đây có rất nhiều chim sơn ca. Chúng làm tổ, chim mẹ, chim con sống thành đàn có tới hàng vạn con. Sơn ca nhiều đến mức, lớp phân và mùn của cây, rễ tại đó dày tới hơn gang tay. Theo thời gian, sơn ca thưa dần, nhưng vài năm lại đây, những đôi sơn ca dường như nhớ đảo cũ, chúng lại trở về. Với các đảo Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Trường Sa lớn…, mùa chim di cư, đảo vẫn là điểm hẹn của rất nhiều loài chim biển, trong đó có những chim di cư từ Ấn Độ Dương.

Niềm tin vững chắc

Kiểm tra công tác tại các đảo, các đồng chí trong Đoàn công tác: Thiếu tướng Trần Bá Thiều – Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND và đồng chí Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa – Phó Chính uỷ Quân chủng Hải quân bày tỏ sự tin tưởng trước ý chí, tinh thần rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Các đồng chí khẳng định, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã chứng tỏ rằng, trước bất kỳ khó khăn, thách thức nào cũng đều phát huy truyền thống anh hùng, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng chính trong môi trường, điều kiện sống và làm việc tại hải đảo, cán bộ, chiến sĩ càng chứng tỏ tình đồng chí, đồng đội sâu sắc, tinh thần đoàn kết và cộng lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trò chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ tại các đảo, Thiếu tướng Trần Bá Thiều cho rằng, rất nhiều việc làm, hành động cao cả được khẳng định trong môi trường sống và làm việc ở đảo xa, đó là điều đất liền cần học tập.

Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, học viện, trường CAND. Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát cho hay, Học viện đã hoàn tất các phần việc trong vai trò chủ trì hội thảo khoa học cấp Bộ về chủ đề đấu tranh giữ vững an ninh – trật tự trên biển. Vừa qua Học viện cũng tổ chức cho một số cán bộ và sinh viên tham gia đoàn công tác của Bộ Quốc phòng tới Trường Sa nhằm trang bị thêm những vấn đề thực tiễn và giáo dục lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền đất nước trong cán bộ, học viên.

Theo Thượng tá Tạ Quang Huy, Trưởng ban Công tác Thanh niên Bộ Công an, các đợt sinh hoạt chính trị, giáo dục lòng yêu nước, chủ quyền biển đảo trong thanh niên CAND đã được triển khai rộng khắp nhiều năm qua. Gần đây, các hoạt động hướng về Trường Sa luôn được thanh niên Công an chú trọng, nhiều hình thức phong phú được phát động như cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” do TW Đoàn phát động, sinh hoạt chính trị, nói chuyện về biển đảo, về Trường Sa.

Nhân dịp tham gia đoàn công tác của Bộ Công an tới thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng Biên tập và Thượng tá Nguyễn Thị Hiển, Trưởng ban Trị sự đã trực tiếp trao, tặng quà của Báo CAND cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên các đảo thuộc Trường Sa. Cùng thăm và tặng quà (ngoài phần quà chính của Tổng cục XDLL CAND) còn có các phần quà của Tổng cục An ninh I, Ban Thanh niên Bộ Công an và một số đơn vị khác.

Đăng Trường (email từ Trường Sa)


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Diễn tập ứng phó sóng thần tại Đà Nẵng giả định động đất ở bờ tây Philippines tạo ra


Cuộc diễn tập đầu tiên về phòng chống thảm họa sóng thần sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9 tại Đà Nẵng. Tình huống giả định có thể là do một trận động đất ở khu vực bờ tây Philippines tạo ra.

Lắp đặt thiết bị cảnh báo sóng thần tại Đà Nẵng

Ngày 14/4, trao đổi bên lề Hội nghị triển khai công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011, thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho biết cuộc diễn tập dự kiến diễn ra ở Đà Nẵng vào ngày 1/9. Hiện, Ủy ban đã chuẩn bị kế hoạch để làm việc cụ thể với địa phương này.

Các vùng động đất gây sóng thần có thể ảnh hưởng tới bờ biển và hải đảo Việt Nam. Ảnh: Vast.ac.

Tình huống giả định có thể là do một trận động đất ở khu vực bờ tây Philippines tạo ra sóng thần tràn vào bờ biển Trung Bộ của Việt Nam. Trung tâm cảnh báo động đất và sóng thần nhận được thông tin ngay lập tức kiểm tra và phát tin. Người dân, chính quyền địa phương, các ban ngành triển khai đối phó. Khi sóng thần đã ập vào bờ, công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân được tiến hành.

“Chúng ta phải chủ động chứ không được đợi thảm họa xảy ra rồi mới tìm cách ứng phó. Khi xảy ra động đất dẫn đến sóng thần, nếu vào Đà Nẵng thì chỉ khoảng 2 giờ. Việc tổ chức thông tin phải nhanh nhất. Hành động lúc đó phải nhanh và kiên quyết, có thể phải cưỡng chế, chứ lúc đó không thể đi giáo dục vận động người dân được nữa”, ông Giang nói.

Thời gian lan truyền sóng thần từ vùng khu vực đới hút chìm Manila tới vùng bờ biển Việt Nam. Ảnh: Vast.ac.

 

Đà Nẵng là nơi đầu tiên diễn tập, các tỉnh thành phố ven biển sẽ được mời đến để thăm quan và rút kinh nghiệm. Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, sau Đà Nẵng căn cứ tình hình thực tế có thể tiếp tục diễn tập ở địa phương dự báo có nguy cơ sóng thần cao.

Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu một trận động đất cường độ 8,3 độ richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila (Philippines) thì có thể tạo nên sóng thần cao 6,2 mét ở Quảng Ngãi và 2,1 mét ở Nha Trang. Động đất mạnh 9,2 độ richter ở cùng khu vực có thể tạo ra sóng thần cao 10,6 mét ở Quảng Ngãi và 5 mét ở Nha Trang. Thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam chỉ khoảng 2 tiếng.

Về mặt khoa học các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ richter ở các vùng biển là có khả năng gây ra sóng thần. Việt Nam đang lắp thí điểm 10 trạm cảnh báo tự động. Khi có dấu hiệu sẽ tự động truyền tin về các trạm này. Ở Đà Nẵng, hệ thống này đã cơ bản lắp đặt xong.

Nguyễn Hưng


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Lung linh sông Hàn-Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011


Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011 (DIFC 2011) với chủ đề “Lung linh sông Hàn” diễn ra đúng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, là cơ hội vàng cho Đà Nẵng phát huy thế mạnh du lịch biển. Tham dự DIFC 2011 có các đội: Anh, Hàn Quốc, Italia, Trung Quốc và đội chủ nhà Việt Nam (Đà Nẵng).

Sẵn sàng cho Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011

Kịch bản của 5 đội tham gia Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011 đã được hoàn tất, hứa hẹn những màn trình diễn pháo hoa đặc sắc trên sông Hàn trong hai đêm 29 và 30-4. Phần trình diễn dài 20 phút của đội Julibee Fireworks – Anh sẽ đưa người xem xuôi dòng lịch sử sông Hàn, với các thời khắc phát triển chính, từ thượng nguồn của dòng sông ở Quảng Nam cho đến khi đổ ra biển Đông tại Đà Nẵng.

Đội pháo hoa Anh quốc cho biết, phần trình diễn của chúng tôi sẽ chứa đựng sự tinh túy của dòng sông Hàn lung linh bằng cách hình ảnh hóa sự quan trọng của dòng sông đối với cuộc sống của thành phố. Từ sự thanh bình tĩnh lặng đến gào thét dữ dội, linh hồn của dòng sông sẽ được truyền tải vào màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục với hàng loạt các loại pháo hoa khác nhau được sử dụng. Chúng tôi sẽ đưa khán giả vào một chuyến hành trình đầy hình ảnh và cảm xúc.

Với chủ đề “Xuôi dòng Hàn giang”, màn trình diễn dài 21 phút 08 giây của đội Panda Fireworks- Trung Quốc sẽ được chia thành 5 phần. Đội Hanwha- Hàn Quốc sẽ có màn trình diễn “Sông Hàn và những thách thức”, kết hợp giữa âm thanh và ánh sáng. Đội pháo hoa Parente Fireworks – Ý sẽ mang đến cuộc thi năm nay màn trình diễn với chủ đề “Sức sống của dòng sông”. Antonio Parente, người thiết kế riêng phần biểu diễn của đội Ý cho biết, màn trình diễn sẽ mô tả các khía cạnh và đặc điểm khác nhau của dòng sông, bằng cách kết hợp hài hòa giữa nhạc và pháo hoa.

Trên nền nhạc do nhạc sỹ Trần Ái Nghĩa biên soạn, phần trình diễn dài 21 phút của đội Việt Nam với chủ đề “Lung linh sông Hàn” gói gọn trong 4 phần: Lung linh biển rộng – Lung linh bóng dáng những công trình – Lung linh chân dung người Đà Nẵng và Lung linh Sông Hàn tất cả gắn liền với thiên nhiên, cảnh quan và con người Đà Nẵng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố đã đồng ý chủ trương cho phép Sở phối hợp với các đơn vị liên quan lắp đặt 18 cụm âm thanh, màn hình cỡ lớn phục vụ các khán đài và người xem hai bên bờ sông Hàn. Theo đó, 2 cụm được đặt phía trục đường Như Nguyệt, 4 cụm được đặt dọc theo đường Bạch Đằng. Các cụm còn lại được dựng ở dọc đường Trần Hưng Đạo, gồm: 6 cụm phục vụ khán đài B, 3 cụm phục vụ khán đài A, 3 cụm được bố trí dọc công viên đường Trần Hưng Đạo – đoạn từ tòa nhà Olalani đến chân cầu Sông Hàn.

Công ty CP Xây dựng Đầu tư công nghiệp Đông Dương (đon vị thi công khác đài chính ở DIFC 2011 ở bò Đông Sông Hàn) đang khẩn trương tiến hành thi công lắp ráp khu A. Hơn 40 kỹ sư và công nhân của công ty đang khẩn trương lắp ráp hoàn thiện khán đài A với sức chứa 9.458 chỗ ngồi và lắp ráp khán đài B với sức chứa 16.068 chỗ ngồi. Yếu tố an toàn tại các vị trí khán đài xem pháo hoa luôn được công ty đặt lên hàng đầu, chính vì thế khán đài được lắp đặt bằng hệ thống giàn thép và dầm chịu lực, với tải trọng được thiết kế an toàn là 250kg/1 chỗ ngồi và khả năng chịu tải tối đa 800kg/1 chỗ ngồi. Đây là hệ số an toàn rất cao, bảo đảm độ an toàn tuyệt đối cho người xem./.

PV


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Đà Nẵng bao giờ xây lại Trung tâm Thương nghiệp chợ Cồn?


Không chỉ có tiểu thương buôn bán ở Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng (chợ Cồn) mà ngay cả người dân và du khách hằng ngày đến chợ mua sắm đều có chung tâm trạng lo lắng về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của chợ.

Ông Huỳnh Ngọc Quý, Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Cồn cho biết, hiện khu chợ này có hơn 2.000 hộ kinh doanh với đủ các mặt hàng, chưa kể đến lượng người ra vào chợ mua sắm mỗi ngày ước khoảng 10.000 lượt. Tính ra mỗi năm, các hộ kinh doanh ở chợ Cồn đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng và hiện tình hình buôn bán ở đây vẫn diễn ra rất nhộn nhịp, bất kể những năm gần đây có sự xuất hiện hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại tại Đà Nẵng.
“Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khu chợ này đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động buôn bán của tiểu thương”, ông Quý nói.

Năm 2010, thành phố và tiểu thương đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để sửa chữa chợ Cồn.

Ông Quý cho biết, công trình xây dựng chợ Cồn thành Trung tâm Thương nghiệp được chọn là công trình chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, thi công với tiến độ khá nhanh cho kịp thời gian. Qua hàng chục năm sử dụng, hiện tại hầu hết các tòa nhà, đình chợ và nhiều khu vực khác đã bị rạn nứt nhiều chỗ, các điều kiện về hạ tầng như điện, nước, vệ sinh, phòng chống cháy nổ… khó bảo đảm. Chẳng hạn, tòa nhà 3 tầng trước mặt đường Hùng Vương hiện cả bên trong và bên ngoài xuất hiện nhiều vết nứt trên dầm, sàn bê-tông… Theo các hộ kinh doanh ngành hàng vải tại tầng 2, mặc dù chợ xuống cấp nhưng do lợi thế là chợ nằm ở trung tâm thành phố nên hoạt động buôn bán gặp thuận lợi hơn so với các chợ khác. “Thế nhưng buôn bán ở đây cứ như ngồi trên đống lửa. Nếu xảy ra sự cố không biết hậu quả sẽ như thế nào. Mong sao thành phố sớm xây dựng lại chợ càng sớm càng tốt” – chị Lý, chủ quầy kinh doanh hàng vải tại tầng 2 nói.

BQL chợ Cồn cho biết, vào đầu năm 2007, Công ty Quản lý các chợ Ðà Nẵng (nay là Công ty Quản lý Hội trợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng) đã có kiến nghị với thành phố cần khẩn trương xây dựng lại chợ Cồn để bảo đảm an toàn. Và theo kế hoạch này, thiết kế xây dựng chợ được hoàn thành trong năm 2008, tuy nhiên đến thời điểm này, bản thiết kế xây dựng chợ vẫn chưa được phê duyệt. Và để giảm thiểu nguy hiểm, BQL chợ Cồn đã ra quy định khống chế lượng hàng hóa của các hộ buôn bán tại đây, đồng thời hằng năm thành phố cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng để sửa chữa những khu vực hư hỏng.
Riêng năm 2010, khi thông tin về xây dựng  chợ mới chưa biết khi nào sẽ thực hiện, thành phố đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để tiếp tục sửa chữa những khu đình hư hỏng. Ngoài ra, BQL chợ cũng vận động các tiểu thương đóng góp được gần 3 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp những khu vực chợ xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài, nhất thiết phải sớm xây dựng chợ mới. “Vậy khi nào sẽ xây lại chợ Cồn?”, ông Quý trả lời: “Vấn đề này phải chờ thành phố quyết định. Nhưng hiện tại, cả BQL và hàng nghìn tiểu thương kinh doanh tại chợ Cồn đều có chung mong muốn là thành phố nên sớm xây dựng lại chợ Cồn”.
Bài và ảnh: Trọng Hùng

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chúc Tết Bunpimay năm 2011


Nhân dịp Tết Bunpimay năm 2011, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đã gửi điện chúc mừng đến Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam và các tỉnh, thành phố của Lào có quan hệ hợp tác với Đà Nẵng như Thủ đô Vientian, tỉnh Savannakhet, Salavan, Champasak, Attapu và Sekong.

Sáng ngày 13-4, Đoàn lãnh đạo thành phố do đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dẫn đầu đã đến thăm và chúc Tết cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay năm 2011 (năm thứ 2554 Phật lịch) của nhân dân các bộ tộc Lào. Đồng chí Vansa Launhiada, Tổng Lãnh sự Lào đã thân mật tiếp Đoàn.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố chúc sức khỏe cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán Lào nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay. Ảnh: S.TRUNG

 

 

Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Trần Thọ đã thăm hỏi và chúc sức khỏe cán bộ, nhân viên của Tổng Lãnh sự quán Lào. Nhân dịp này, đồng chí Trần Thọ chúc mừng sự kiện chính trị trọng đại Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vừa tổ chức Đại hội lần thứ 9 thành công tốt đẹp.
Đồng chí khẳng định tình hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Caysone Phomvihan đã dày công vun đắp tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ và phát huy. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác phát triển với các địa phương của Lào; qua đó nhằm góp phần quan trọng gìn giữ và phát huy tình hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.
Thay mặt cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán Lào, đồng chí Vansa Launhiada đã cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng dành cho cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng. Đồng chí ghi nhận và cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ chí tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã dành cho các tỉnh của Lào trong thời gian qua. Đồng chí Vansa Launhiada chúc cho tình hữu nghị truyền thống đặc biệt Lào-Việt Nam và mối quan hệ hữu nghị giữa Đà Nẵng với các địa phương của Lào ngày càng phát triển và bền vững.
S.T

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Chủ tịch UBND Đà Nẵng: Thưởng nóng 5 triệu đồng nếu bắt quả tang đinh tặc


Gần đây, người dân TP Đà Nẵng không khỏi bức xúc và khiếp sợ bỡi tình trạng đinh tặc hoành hành ngày một nhiều và phạm vi hoạt động rộng khắp thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh vừa chỉ đạo thưởng nóng 5 triệu đồng/vụ cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân bắt quả tang các đối tượng có hành vi rải đinh tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố.

Đinh tặc hoành hành trên cầu Sông Hàn -Ảnh: Đ. Vũ

Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu Công an thành phố, UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, theo dõi và xử lý nghiêm các đối tượng rải đinh. Tình trạng đinh tặc hoàng hành đang gây nên tâm lý bất an và sợ hãi của người dân mỗi khi ra đường, đồng thời đe dọa không nhỏ đến tính mạng người đi đường.

Quyết định thưởng nóng nói trên được đưa ra sau khi trong thời gian qua, trên một số tuyến đường ở thành phố Đà Nẵng đã xuất hiện tình trạng đinh tặc, khiến người dân bất bình.

PV

(Theo www.nguyenbathanh.com)