TT Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam


Ngày 24-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã bổ nhiệm ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữ chức Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng quyết định ông Đỗ Hoài Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, tiếp tục làm công tác chuyên môn tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Đài Tiếng nói Việt Nam

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng quyết định ông Phan Sỹ Bình thôi giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

P.V


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Đầu năm nườm nượp khách du lịch




Mới đầu năm mới, khách du lịch đã tấp nập đến Đà Nẵng trên các chuyến bay quốc tế trực tiếp, các chuyến tàu biển và qua đường bộ, báo hiệu một năm mới tươi sáng cho ngành Du lịch.

 



Mô tả ảnh.

Đà Nẵng chào đón và tặng hoa cho đoàn khách trên chuyến bay quốc tế trực tiếp đầu tiên đến thành phố vào tối mồng 2 Tết. Ảnh: Hằng Vang



Khách quốc tế chiếm ưu thế

Nếu như các năm trước, Tết Nguyên đán là mùa hút khách nội địa, thì năm nay, khách quốc tế do các hãng lữ hành khai thác đã tăng đột biến, với hơn 9.300 khách, tăng 132% so với cùng kỳ. Nhộn nhịp nhất là 31 chuyến bay quốc tế trực tiếp liên tục hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng, đưa gần 3 nghìn khách từ Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong đến thành phố Đà Nẵng. Khách đường biển cũng khá đông, với gần 2 nghìn người cập cảng Tiên Sa trên 5 chuyến tàu biển. Hai đoàn khách tàu biển và hàng không xông đất Đà Nẵng vào ngày mồng 2 Tết được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức tiếp đón, dành tặng những bó hoa tươi thắm và những lời chúc tốt lành nhất.
Trừ khách tàu biển, số khách quốc tế trên đều có đợt nghỉ dưỡng dài ngày tại các khách sạn (KS) cao cấp và tham quan nhiều điểm đến nổi tiếng của Đà Nẵng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà; tỏa về các di sản thế giới tại Quảng Nam, thành phố Huế. Nương theo lượng khách đó, các khách sạn (KS) 4-5 sao ven biển và khu trung tâm thành phố đạt công suất sử dụng buồng phòng từ 60-70%. Nhiều KS lớn như Silver Shore, Hoàng Anh Gia Lai phải “chạy” mệt nghỉ để lo cho lượng khách khá lớn lưu trú từ 3-4 ngày/đoàn. Các KS 3 sao như Minh Toàn, Sun River, Saigontourane… cũng thu hút khách lưu trú khoảng 60-70% số phòng. Để du khách quốc tế hiểu về văn hóa Việt Nam và cái Tết truyền thống, hầu hết các KS đều trang trí và tổ chức đón giao thừa với du khách, với nhiều chương trình thú vị như biểu diễn múa lân, viết thư pháp, Chợ quê, Tết Việt, chúc Tết và lì xì…
 



Mô tả ảnh.


Tàu du lịch biển quốc tế Seabourn Pride trên Cảng Tiên Sa ngày mồng 2 Tết Tân Mão. Ảnh: Văn Trấn



Hút khách bằng sản phẩm mới

Trong dịp Tết, Khu du lịch Bà Nà Hills Resort đã đưa 5 tuyến du lịch trecking (xuyên rừng) vào khai thác và giảm 20% giá phòng; đồng thời tổ chức chương trình Tết hấp dẫn như đón Tết cho khách tham quan, Chợ quê với những món ăn truyền thống và địa phương phục vụ du khách, viết thư pháp. Ngoài các tour truyền thống như câu cá cùng ngư dân, lặn biển ngắm san hô, vào mồng 6 Tết, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch triển khai thêm các hoạt động hấp dẫn, mới lạ trên biển như lướt sóng cùng Jetski, cưỡi phao chuối, dù lượn trên không trong khuôn khổ chương trình du lịch “Du Xuân Sơn Trà”. Theo ước tính sơ bộ từ Sở VH-TT-DL, có khoảng 73 nghìn lượt khách đến tham quan các khu, điểm du lịch trong dịp Tết.
Để khai thác nguồn khách tại chỗ, các công ty lữ hành đều thiết kế các tour ngắn ngày tham quan thành phố, thăm bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm… Đội Xích lô du lịch chia nhau đứng điểm phục vụ khách tại các khách sạn, các tuyến đường chính và điểm tham quan. Đội quản lý trật tự du lịch biển và Đội cứu hộ cũng thường xuyên cắm chốt tại các bãi biển du lịch để bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn tối đa cho khách tắm biển.


HẰNG VANG

.

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: Tập trung cho công tác tuyên truyền


Chiều ngày 18-5, Ủy ban Bầu cử thành phố Đà Nẵng tổ chức phiên họp thứ 4 để đánh giá công tác triển khai bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND thành phố khóa VIII ở địa phương và rà soát lại một số công việc cuối cùng trước ngày bầu cử 22-5. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Đoàn đại biểu QH thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố chủ trì phiên họp.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: S.T

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, công tác triển khai bầu cử trong thời gian qua đã bảo đảm đúng tiến độ thời gian, đúng luật định, chưa để xảy ra sai sót gì đáng kể. Các địa phương, đơn vị, đoàn thể đều tập trung cho công tác tuyên truyền và tham gia làm tốt nhiệm vụ chuẩn bị bầu cử.  Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho thấy việc tổ chức cho ứng cử viên đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp tiếp xúc cử tri vận động bầu cử diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật. Chương trình vận động bầu cử được cử tri đánh giá tốt. Cử tri mong rằng nếu trúng cử các ứng cử viên hãy giữ lời hứa và thực hiện thật tốt chương trình hành động của mình. Đến thời điểm này, mọi tài liệu, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bầu cử đã trang bị, cấp phát xong đến tận Tổ bầu cử. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên bàn thành phố được bảo đảm.
Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo: Tập trung cao nhất cho công tác tuyên truyền bầu cử. Công tác tuyên truyền phải tạo không khí phấn khởi trong nhân dân để ngày bầu cử thực sự là ngày hội non sông. Việc tổ chức mạn đàm về tiểu sử ứng cử viên phải bảo đảm dân chủ, công bằng và đúng luật, bảo đảm để cử tri đi bầu cử có chất lượng. Các địa phương, Tổ bầu cử phải thông báo liên tục để cho cử tri biết ngày bầu cử là ngày chủ nhật (22-5), địa điểm và thời gian bỏ phiếu. Công an thành phố phối hợp với các lực lượng vũ trang bảo vệ tốt bầu cử; đề cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó và đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Các ngành có liên quan đều phải chuẩn bị các phương án dự phòng để xử lý sự cố xảy ra. Ủy ban Bầu cử thống nhất chọn Tổ bầu cử số 8, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu làm địa điểm cầu truyền hình phát sóng trực tiếp trên VTV.
S.T

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang tiếp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ


Chiều 17/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật bà Meira Kumar, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ đang ở thăm Việt Nam. 

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang nhiệt liệt chào mừng Bà Meira Kumar sang thăm Việt Nam; chúc mừng Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã đạt được những thành tựu kinh tế, xã hội to lớn trong thời gian qua; tin tưởng Ấn Độ tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, sớm trở thành một nước phát triển hiện đại và thịnh vượng, có vị trí, vai trò ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới.

Thường trực Ban Bí thư tiếp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cảm ơn Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ quý báu trong cuộc kháng chiến vì độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Thường trực Ban Bí thư bày tỏ vui mừng về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng và được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước trân trọng, gìn giữ và vun đắp đang ngày càng đơm hoa kết trái và trở thành tài sản vô giá của hai nước.

Ông bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn ở các cấp, mở rộng giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Quốc hội hai nước, tăng cường quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các chính đảng ở Ấn Độ nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ chính trị giữa hai nước; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế, thương mại… làm sâu sắc thêm nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Ông khẳng định Việt Nam ủng hộ Ấn Độ trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi tổ chức này được mở rộng và bày tỏ tin tưởng Ấn Độ sẽ đảm nhiệm tốt cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2011-2012.

Bà Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Meira Kumar bày tỏ vui mừng được sang thăm Việt Nam, được tận mắt chứng kiến những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng; tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã được Cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước trân trọng gìn giữ và vun đắp.

Bà Chủ tịch đánh giá cao vai trò quan trọng và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong ASEAN cũng như trên trường quốc tế; tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục giành được những thắng lợi mới to lớn hơn nữa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bà Chủ tịch khẳng định Quốc hội và Chính phủ Ấn Độ sẽ làm hết sức mình để cùng Việt Nam đưa mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Việt Nam đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực vì lợi ích của nhân dân hai nước; nhấn mạnh hai bên cần quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ kinh tế, đồng thời coi trọng thúc đẩy quan hệ trên lĩnh vực văn hóa.

Bà Chủ tịch bày tỏ cảm ơn sâu sắc về việc Việt Nam ủng hộ Ấn Độ làm Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; khẳng định trong chính sách đối ngoại hướng Đông, Ấn Độ luôn coi trọng phát triển quan hệ với ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam./.

Nguồn: VNA

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Văn phòng Chính phủ tổ chức tập huấn nghiệp vụ về thủ tục hành chính


Sáng ngày 16-5 tại Đà Nẵng, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC) thuộc Văn phòng Chính phủ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác KSTTHC của 24 bộ, ngành và 10 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên. Đến dự có đồng chí Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Các đại biểu dự khóa tập huấn. Ảnh: S.T

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục KSTTHC nêu mục đích khóa tập huấn nhằm hỗ trợ cho các đơn vị chức năng thuộc bộ, ngành, địa phương thực hiện đánh giá tác động các quy định về TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo 4 tiêu chí: Sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả; nghiên cứu rà soát, đánh giá độc lập các quy định về thủ tục hành chính đã được ban hành để đề xuất phương án đơn giản hóa. Đây là biện pháp nhằm duy trì bền vững kết quả của Đề án 30 về đơn giản hóa TTHC đã thực hiện. Được biết, kết quả bước đầu của Đề án 30 đã kiến nghị đơn giản hóa gần 5.000 trong số 5.400 TTHC của cả nước. Sau khi hiện thực đơn giản hóa TTHC bằng việc sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan sẽ cắt giảm gần 30.000 tỷ đồng chi phí tuân thủ TTHC/năm cho các tổ chức, cá nhân.

Phát biểu tại buổi khai mạc, đồng chí Trần Văn Minh đánh giá cao hiệu quả và lợi ích của Đề án 30. Kết quả thực hiện Đề án 30 tại Đà Nẵng đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư và đưa thành phố liên tục trong 3 năm (2008-2010) dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng chí mong rằng khóa tập huấn sẽ tiếp tục giúp các cán bộ phụ trách công tác KSTTHC phát huy tốt vai trò tham mưu phục vụ CCTTHC.

S.T


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Liên kết kinh tế các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên


Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, hợp tác và liên kết kinh tế đang ngày càng trở nên bức thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.

Một trong những mục tiêu chính của liên kết kinh tế là phối hợp hoạt động của các bên nhằm tận dụng thế mạnh, lợi thế so sánh của nhau, đồng thời khắc phục những điểm yếu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực có hạn, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí để tạo ra những lợi ích lớn hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn. Nhờ vậy, các đối tác tham gia có thể thiết lập được một không gian kinh tế rộng lớn hơn, hiệu quả hơn cho các hoạt động kinh tế. 

Các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên cần liên kết để phát huy tiềm năng kinh tế biển. TRONG ẢNH: Cảng Tiên Sa đón khách quốc tế.

Miền Trung-Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế tạo điều kiện cho việc mở rộng giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế với nhiều vùng trong nước và quốc tế. Đây là khu vực có vị trí kinh tế chiến lược, nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thuận lợi để xây dựng cảng biển, sân bay quốc tế gần đô thị lớn… tạo cơ hội cho khu vực này phát huy được vai trò và vị trí của mình trong hội nhập kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển mạnh khoa học-công nghệ.

Trong cuộc hội thảo về “Hợp tác kinh tế khu vực miền Trung-Tây Nguyên” được tổ chức vừa qua, TS Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, nhận định: Liên kết, hợp tác kinh tế có vai trò to lớn, tác động tích cực đến sự phát triển của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Hợp tác và liên kết kinh tế là yêu cầu cần thiết đòi hỏi phải hình thành sớm nhằm giúp từng địa phương và toàn khu vực tăng tốc, phát triển bền vững.
Ông Phạm Bắc Bình, Giám đốc Công ty CP vận tải Bình Vinh, Đà Nẵng, nói: “Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên chưa vươn lên mạnh mẽ là do thiếu sự hợp lực, thiếu chia sẻ thông tin về khả năng của mỗi doanh nghiệp. Chúng tôi rất cần có sự hợp tác, liên kết kinh tế chặt chẽ giữa các tỉnh với nhau để chủ động trong nguồn hàng, sản phẩm. Ngay chính tại doanh nghiệp vận tải chúng tôi, hằng ngày nếu xe tải chở hàng lên một chuyến, thay bằng về xe không, nếu có sự hợp tác, chúng tôi sẽ chủ động nguồn hàng quay về lại. Lúc đó, mọi chi phí về xăng dầu, nhân công được tiết kiệm hơn, đồng nghĩa với việc giá thành vận tải sẽ hạ, tạo thuận lợi cho cả nhà xe và khách hàng”.
Mặc dù liên kết, hợp tác kinh tế là kết quả tất yếu, song thực tế vấn đề này tại miền Trung-Tây Nguyên còn nhiều rào cản. Một trong những rào cản đó là sự đánh đổi giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng. Do đặc điểm của các tỉnh ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên có những điểm khá tương đồng, đều có điều kiện phát triển và nhu cầu đầu tư khá giống nhau, trong khi đó, hầu hết các địa phương đều có xuất phát điểm thấp, nhu cầu tăng tốc phát triển trở nên bức thiết, dẫn đến việc chia sẻ lợi ích một cách công bằng trong một không gian kinh tế vượt khỏi các ranh giới hành chính vẫn gặp nhiều khó khăn. Không những thế, các doanh nghiệp vẫn còn hiện tượng chạy theo thành tích trong quản lý kinh tế như tốc độ tăng trưởng GDP nhanh, thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thành lập mới nhiều khu công nghiệp… dẫn đến những lực cản trong quá trình hợp tác, liên kết kinh tế. Đặc biệt, khu vực miền Trung-Tây Nguyên vẫn còn thiếu một trung tâm mạnh đóng vai trò là hạt nhân liên kết.
Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty giày BQ, cho rằng: Một trong những điểm yếu hiện nay của các doanh nghiệp miền Trung là việc tạo dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, trưng bày sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, mặc dù nhiều doanh nghiệp ở miền Trung-Tây Nguyên có những sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp, có khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường, song người tiêu dùng trong và ngoài nước lại chưa biết nhiều.
Trước những yêu cầu cấp thiết về hợp tác, kiên kết kinh tế giữa các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, cũng như qua phân tích những thế mạnh, rào cản, theo TS Hồ Kỳ Minh, các địa phương thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên nên có những định hướng trong việc hợp tác, liên kết. Có thể tiến hành hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế; hợp tác xây dựng không gian du lịch thống nhất; phát triển chuỗi logistic gắn kết các khâu sản xuất, lưu thông, giao nhận, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa; hợp tác giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế hay liên kết phát triển công nghiệp chế biến giúp các địa phương tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu; hợp tác giữa các địa phương có thế mạnh về hệ thống các trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề với các địa phương khó khăn hơn để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội… Tuy nhiên, để bảo đảm thành công, cần phải có một môi trường chính sách minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần tham gia liên kết, hợp tác kinh tế không chỉ các doanh nghiệp mà cần cả sự liên kết giữa chính quyền các tỉnh với nhau.
Bài và ảnh: Thanh Tình
Nguồn: BĐN

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Ứng cử viên đại biểu HĐND Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc cử tri


Sáng ngày 10-5, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) với các ứng cử viên (ƯCV) đại biểu HĐND thành phố khóa VIII (đơn vị bầu cử số 1) gồm các ông, bà: Lê Văn Hiểu, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Út và Ngô Thị Kim Yến. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Quận ủy Hải Châu cùng đông đảo cử tri tại địa phương.

Cử tri phường Hòa Cường Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành
Tại hội nghị, sau khi nghe giới thiệu tóm tắt tiểu sử và chương trình hành động của các ƯCV, cử tri phường Hòa Cường Nam đã phát biểu đề cập những vấn đề các ƯCV cần quan tâm nếu trúng cử đại biểu HĐND thành phố khóa VIII. Theo đó, cần tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn phường, có giải pháp mạnh mẽ hơn trong xử lý các lô đất trống gây ô nhiễm; có chính sách chăm sóc tốt hơn sức khỏe của nhân dân; bảo đảm chế độ chăm sóc người cao tuổi; dành quỹ đất xây dựng các công trình phục vụ dân sinh trên địa bàn dân cư; có giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông; quan tâm hơn nữa đến đời sống những hộ nghèo, người làm công ăn lương, người hưu trí và cán bộ xã, phường có thu nhập thấp trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội; chăm lo sự nghiệp giáo dục trên địa bàn phường… (N.Thành)
* Sáng 10-5, tại Hội trường UBND phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) đã diễn ra buổi tiếp xúc giữa cử tri phường Hòa Thuận Đông với các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc đơn vị bầu cử số 2, gồm các ông, bà: Trần Văn Minh, Huỳnh Nghĩa, Hoàng Giang Yên Thủy, Nguyễn Thị Bé Minh, Hồ Thị Tuyết Anh đã có buổi tiếp xúc cử tri phường Hòa Thuận Đông.
Sau khi nghe giới thiệu tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của các ứng cử viên (ƯCV), cử tri phường Hòa Thuận Đông đã tham gia đóng góp ý kiến thẳng thắn và gửi gắm tâm tư nguyện vọng vào những ƯCV nếu trúng cử làm đại biểu HĐND thành phố khóa VIII. Các ý kiến của cử tri tập trung vào những nội dung chính như việc xây dựng nhà văn hóa phường Hòa Thuận Đông trì trệ suốt 4 năm qua; phường không có khu vui chơi giải trí cho trẻ em; Trường THPT Phan Thành Tài giải tỏa đã lâu nhưng một bên đường chưa có vỉa hè, cống thoát nước; phường chưa có trạm dân phòng; cần rà soát lại danh sách hộ nghèo để tránh tình trạng người thoát nghèo vẫn còn nằm trong danh sách; đường Hoàng Diệu nối dài bị lấn chiếm lòng, lề đường đã lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết.
* Chiều cùng ngày, tại phường Bình Hiên, các ƯCV thuộc đơn vị bầu cử số 2 gồm các ông, bà: Trần Văn Minh, Huỳnh Nghĩa, Hồ Thị Tuyết Anh, Hoàng Giang Uyên Thủy, Nguyễn Thị Bé Minh đã có buổi tiếp xúc cử tri phường Bình Hiên. Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã phát biểu những ý kiến tâm huyết, phản ánh một số bức xúc của bà con ở địa phương như: giải quyết nạn ngập nước trong các kiệt hẻm đường Hoàng Diệu mỗi khi mùa mưa đến; việc Bến xe trung tâm thành phố vẫn cho thu phí gửi xe, đi ngược lại với chủ trương của thành phố.
Thay mặt các ƯCV, ông Trần Văn Minh ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp chân thành và thẳng thắn của cử tri. Đồng thời khẳng định, đại biểu HĐND là người đại diện cho dân, bảo vệ quyền lợi cho dân, cần “Hứa ít làm nhiều, hơn hứa nhiều làm ít, và hứa với cử tri nếu trúng cử sẽ hoàn thành nhiệm vụ của một đại biểu mà nhân dân tin tưởng bầu chọn. (Khánh Hòa)
* Sáng ngày 10-5, ƯCV đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc Đơn vị bầu cử số 11 gồm các ông, bà: Võ Văn Đáng, Phan Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Nho Trung, Trần Thọ, Hồ Tân (TT Thích Thiện Nguyện), Hà Đồng Thông tiếp xúc với cử tri phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn để vận động bầu cử.
Nội dung dự kiến chương trình hành động của các ƯCV tập trung tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố nói chung, quận Ngũ Hành Sơn nói riêng, trong đó có phường Hòa Hải. Các ƯCV đều quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề hậu giải tỏa mà cử tri rất quan tâm là hoạch định chính sách đền bù, bố trí tái định cư hợp lý, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề. ƯCV Trần Thọ khẳng định nếu được bầu làm đại biểu HĐND thành phố khóa VIII sẽ tập trung vấn đề phát triển hạ tầng đô thị, trong đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn để tạo đà phát triển kinh tế- xã hội; đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách an dân đối với nhân dân vùng giải tỏa. Tập trung giải quyết những vấn đề cử tri bức xúc như chỗ ở, giải quyết việc làm, ô nhiễm môi trường. Chương trình hành động của các ƯCV đều đề cập đến việc giám sát thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật trên địa bàn. Trên cơ sở lắng nghe, tìm hiểu nguyện vọng của cử tri để tham gia hoạch định chính sách phát triển của thành phố. Làm sao để các chính sách xuất phát từ nguyện vọng của cử tri chứ không chỉ nằm trên nghị quyết mà không đi vào cuộc sống.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao nội dung dự kiến chương trình hành động của các ƯCV. Cử tri đề nghị các ƯCV sau khi trúng cử phải giữ đúng lời hứa và thực hiện đến nơi đến chốn. Cử tri yêu cầu những người trúng cử phải giám sát tiến độ triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn quận, phường và kiến nghị xóa quy hoạch treo ở những dự án chậm triển khai quá 3 năm để không làm ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của nhân dân. Tham gia vào việc hoạch định các chính sách giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh sau giải tỏa phải tốt hơn, hiệu quả hơn và làm an lòng dân; đồng thời thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm đời sống cho người nghèo, gia đình chính sách, người có thu nhập thấp.
* Chiều ngày 10-5, các ƯCV thuộc Đơn vị bầu cử số 1 gồm các ông, bà: Lê Văn Hiểu, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Út, Ngô Thị Kim Yến tiếp xúc cử tri phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã bày tỏ đồng tình với nội dung dự kiến chương trình hành động của các ƯCV. Cử tri đề nghị người trúng cử quan tâm tham gia điều chỉnh chính sách đền bù giải tỏa hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người dân. Hiện tại trên địa bàn phường Hòa Cường Bắc có gần 1.400 trẻ em trong độ tuổi mầm non nhưng chỉ có một trường mầm non không đủ để thu nhận hết trẻ trong độ tuổi. Cử tri đề nghị những người trúng cử có tiếng nói kiến nghị để thành phố đầu tư cơ sở vật chất giảm tải cho học sinh mầm non và tạo điều kiện cho trẻ học mầm non trên địa bàn phường. Cử tri đề nghị những người trúng cử đại biểu HĐND thành phố khóa VIII phải góp phần tăng hiệu lực giám sát, kiểm soát giá cả những mặt hàng tiêu dùng tăng giá một cách vô lý. Cử tri phản ánh nhiều khu dân cư mới dân đã ở lâu nhưng hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rất thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng. Một số tuyến đường bê-tông nội bộ làm dở dang rồi dừng lại gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt. Trên địa bàn vẫn còn nhiều lô đất bỏ hoang gây ô nhiễm môi trường.
Thay mặt các ƯCV, ông Nguyễn Bá Thanh (Bí thư Thành ủy) trao đổi lại những vấn đề cử tri quan tâm. Những vấn đề tại địa phương cử tri đang bức xúc thuộc trách nhiệm của cấp nào thì cấp đó giải quyết, lãnh đạo thành phố yêu cầu xử lý và giám sát giải quyết những bức xúc cử tri nêu. (S.Trung)
* Sáng 10-5, tại UBND phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc đơn vị bầu cử số 3 gồm các ông, bà: Văn Hữu Chiến, Mai Đức Lộc, Nguyễn Thị Nguyệt, Hoàng Thị Hồng Nhạn, Kiều Văn Toàn, Võ Thành Nhân đã tiếp xúc cử tri phường Hải Châu 1 để vận động bầu cử và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Sau phần tóm tắt tiểu sử, các ửng cử viên đã trình bày chương trình hành động của mình. Theo đó, các ứng cử viên mong muốn sẽ nỗ lực hết mình hoàn thành tốt vai trò của người đại biểu của dân, nghiên cứu, giám sát nhằm xây dựng phát triển thành phố, nâng cao đời sống nhân dân. Hầu hết cử tri đều mong các ứng cử viên nếu trúng cử phải giữ đúng lời hứa, đặc biệt là mạnh dạn chống tham nhũng, lãng phí. Cử tri Trần Xuân Tính, tổ 9, nói: “Tôi mong các đại biểu trúng cử cần tập trung vào việc kêu gọi đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đặc biệt là sinh viên mới ra trường, tránh lãng phí chất xám”. Nhiều cử tri còn đề nghị những người trúng cử phải đóng góp ý kiến cho HĐND thành phố nhằm giải quyết những vấn đề còn bức xúc như trật tự vỉa hè, văn minh đô thị, an sinh xã hội…
* Cùng thời gian, tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố thuộc đơn vị bầu cử số 5  gồm các ông, bà: Nguyễn Quốc Bình, Trần Văn Hấn, Lê Tiến Hưng, Phan Thị Thúy Linh, Trần Văn Lĩnh đã tiếp xúc cử tri phường Tam Thuận để vận động bầu cử.
Sau khi nghe các ứng cử viên trình bày dự kiến chương trình hành động, cử tri đã phát biểu mong những người trúng cử đại biểu HĐND thành phố cần tập trung vào các vấn đề như: Trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường… Đại biểu Trần Tễ, tổ 33, phường Tam Thuận, đại diện cho cử tri nói lên nguyện vọng: “Những người đại biểu HĐND phải phản ánh được những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân, đặc biệt là tình hình các loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, an toàn giao thông chưa bảo đảm…”.
* Chiều ngày 10-5, tại phường Hải Châu 2, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố thuộc đơn vị bầu cử số 3 gồm các ông, bà: Văn Hữu Chiến, Mai Đức Lộc, Nguyễn Thị Nguyệt, Hoàng Thị Hồng Nhạn, Kiều Văn Toàn, Võ Thành Nhân đã tiếp xúc cử tri phường Hải Châu 2.. Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã bày tỏ sự đồng tình với các chương trình hành động của các ứng cử viên và mong muốn các ứng cử viên sau khi trúng cử tập trung phản ánh được những vấn đề gắn với quyền lợi của người dân như: Vấn đề nhà ở xã hội, những chế độ chính sách đối với người có công cách mạng. Cử tri Hoàng Đình Nhân, tổ 11 nói: “Các ứng cử viên nếu trúng cử HĐND thành phố cần góp ý về vấn đề đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, chú ý đến tinh thần, thái độ công tác của cán bộ thực thi nhiệm vụ hành chính đối với dân, giúp các trẻ em nghèo hiếu học…”.
* Chiều ngày 10-5, tại phường Tân Chính, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố thuộc đơn vị bầu cử số 5 gồm các ông, bà: Nguyễn Quốc Bình, Trần Văn Hấn, Lê Tiến Hưng, Phan Thị Thúy Linh, Trần Văn Lĩnh đã có buổi tiếp xúc cử tri. Tại buổi tiếp xúc, cử tri mong muốn các ứng cử viên nếu trúng cử đại biểu HĐND thành phố cần phải gần dân hơn nữa để lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Các cử tri cũng mong các vị trúng cử phải nói lên được những vấn đề “nóng” như: Việc làm, ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là vấn đề chống tham những phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn, bảo vệ tài nguyên rừng, khoáng sản… (Phương Trà)
* Sáng ngày 10-5, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII (đơn vị bầu cử số 14) gồm các ông: Trần Đình Hồng, Đặng Công Thắng, Nguyễn Kim Dũng, Dương Hiển Tuấn, Lê Thị Nam Phương, Cao Thị Huyền Trân đã có buổi tiếp xúc cử tri xã Hòa Tiến (Hòa Vang). Các ứng cử viên đã trình bày trước đông đảo cử tri chương trình hành động của mình, trong đó tập trung vào những nội dung mà cử tri quan tâm như phòng chống tham nhũng, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm cho nông dân… đồng thời hứa nếu trúng cử sẽ nỗ lực thực hiện chương trình hành động của mình, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Cử tri xã Hòa Tiến đồng tình, ghi nhận và đặt niềm tin đối với các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố và chương trình hành động họ đã trình bày, đồng thời yêu cầu các ứng cử viên giữ đúng lời hứa, đưa chương trình hành động của mỗi đại biểu đi vào thực tế cuộc sống khi trúng cử. (N.C)
* Sáng ngày 10-5, tại UBND phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII (đơn vị bầu cử số 13) gồm các ông Võ Văn Thương, Nguyễn Đức Trị, Nguyễn Thiện Hùng, Lê Thị Như Hồng và Huỳnh Văn Tân có buổi tiếp xúc cử tri phường Hòa Thọ Đông.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri hoan nghênh dự kiến chương trình hành động của các ứng cử viên liên quan đến công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo vệ an ninh – quốc phòng trên địa bàn thành phố. Các cử tri bày tỏ mong muốn các ứng cử viên sau khi trúng cử làm tốt nhiệm vụ đại biểu nhân dân, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, gần dân để thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ theo luật định. Các cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề như quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng, xây dựng chính quyền, vệ sinh môi trường… Trước mắt, cần tập trung giám sát các lĩnh vực như cải thiện hạ tầng đô thị, ô nhiễm môi trường, sử dụng nước sạch, nạn xe ben xe tải phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn giao thông, giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo… (Thành Lân)
* Ngày 10-5, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc đơn vị bầu cử số 7 gồm các ông, bà: Thái Thanh Hùng, Viên Đình Tâm, Lê Kim Hùng, Trương Bá Thanh, Lương Nguyệt Thu đã tiếp xúc cử tri hai phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Tại các buổi tiếp xúc, các ứng cử viên đã lần lượt trình bày chương trình hành động và đưa ra những cam kết nếu trúng cử sẽ tập trung vào các vấn đề mà cử tri quan tâm như giải pháp xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho người dân của hai phường.
Tại cuộc tiếp xúc, bà Dương Thị Sách, 84 tuổi (tổ 45 – phường Hòa Minh) mong muốn “Các đại biểu HĐND thành phố ngoài cái Đức, các Tài còn phải có cái Tâm để phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhân dân”. Về tình hình thực tế tại địa phương, nhiều cử tri đã nêu ra những tồn tại, vướng mắc như một số khu dân cư không có chợ hoặc chợ xuống cấp, không có nhà sinh hoạt cộng đồng… Ngoài ra, cử tri hai phường còn kiến nghị những chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp; giải quyết chỗ ở cho công nhân và sinh viên.
* Cùng ngày, tại Hội trường UBND phường Hòa Khánh Bắc và phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu cũng đã diễn ra các buổi tiếp xúc cử tri của hai phường với các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc đơn vị bầu cử số 8 gồm các ông, bà: Tạ Tự Bình, Lê Văn Long, Đặng Thị Kim Liên, Hồ Kỳ Minh, Đỗ Thị Hoa Mỹ, Phạm Văn Sử.
Trong chương trình hành động của mình, các ƯCV đều bày tỏ sẽ nỗ lực thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; tham gia góp ý kiến để xây dựng thành phố nói chung, phường Hòa Khánh Bắc và Hòa Hiệp Nam nói riêng ngày càng giàu đẹp; đề xuất, góp ý kiến giải quyết những vấn đề bức xúc của cử tri… gắn với từng lĩnh vực chuyên môn của mình.
Các cử tri bày tỏ mong muốn các ƯCV giữ đúng lời hứa, tránh tình trạng “nói hay cày dở”, dành nhiều thời gian tiếp xúc để lắng nghe nguyện vọng của đông đảo cử tri. (Văn Nở – Thanh Tân)
* Chiều cùng ngày, các ƯCV: Võ Văn Đáng, Phan Thị Tuyết Nhung, Hồ Tân (TT Thích Thiện Nguyện), Trần Thọ, Hà Đồng Thông, Nguyễn Nho Trung đã có buổi tiếp xúc cử tri phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.
Các ý kiến cử tri phát biểu cho rằng chương trình hành động của các ƯCV đã thể hiện sự quyết tâm cao trong việc triển khai các giải pháp nâng cao đời sống nhân dân; đổi mới trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Cử tri cũng đề xuất nhiều vấn đề để ƯCV quan tâm đưa vào chương trình hành động khi trúng cử đại biểu HĐND thành phố; đó là tăng cường giải quyết dự án quy hoạch “treo”; phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố và quận; giải quyết việc làm cho người dân; giám sát, xử lý cán bộ gây nhũng nhiễu, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân một cách quyết liệt và đúng pháp luật; tăng cường giải pháp đối nội, đối ngoại, bảo đảm an ninh-quốc phòng tại địa phương… (N.Thành)
* Chiều ngày 10-5, tại UBND xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII  gồm các ông, bà: Nguyễn Kim Dũng, Trần Đình Hồng, Đặng Công Thắng, Dương Hiển Tuấn, Lê Thị Nam Phương, Cao Thị Huyền Trân đã có buổi tiếp xúc với gần 200 cử tri xã Hòa Phước.
Sau khi nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, các cử tri đã có nhiều ý kiến về việc giải quyết đất đai, ô nhiễm môi trường, giải tỏa đền bù, đặc biệt chú trọng đến việc giải quyết nhanh thủ tục hành chính, trả lời chính xác các quy định về quản lý đất đai, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, quan tâm hơn đến việc đào tạo nghề cho nông dân, nâng cấp nhà ở cho các gia đình chính sách, xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, mong muốn được thành phố quan tâm hơn nữa, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con…

Cử tri phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thanh Tình
Các ứng cử viên cho biết nếu trúng cử sẽ phấn đấu làm tốt chức năng giám sát của người đại biểu HĐND, tích cực sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri, là cầu nối cử tri đến với các cấp có thẩm quyền thành phố. (Thanh Tình)
* Chiều ngày 10-5, tại UBND phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII (đơn vị bầu cử số 13) gồm các ông, bà: Võ Văn Thương, Nguyễn Đức Trị, Nguyễn Thiện Hùng, Huỳnh Văn Tân, Lê Thị Như Hồng đã có buổi tiếp xúc với cử tri. Sau khi nghe các ứng cử viên giới thiệu chương trình hành động, cử tri phường Hòa Thọ Tây đã phát biểu mong muốn sau khi trúng cử, các đại biểu HĐND thành phố cần tiếp tục quan tâm về vấn đề an sinh xã hội, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục-thể thao, cải cách thủ tục trong lĩnh vực tư pháp- hộ tịch; giảm thiểu tai nạn giao thông… Về đầu tư phát triển kinh tế, thành phố cần quan tâm đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường. Đối với công tác quản lý đất đai, quản lý đô thị, cần sớm triển khai các dự án quy hoạch bởi hiện nhiều dự án quy hoạch kéo dài ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.  (TRIỆU TÙNG)
* Ngày 10-5, ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc đơn vị bầu cử số 4 gồm các ông, bà: Nguyễn Thị Anh Đào, Văn Công Hân, Trần Văn Huy, Tô Năm và Nguyễn Hoàng Sơn đã có buổi tiếp xúc cử tri của 2 phường Thạc Gián và Vĩnh Trung (quận Thanh Khê).
Tại cuộc tiếp xúc, các ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động của mình nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND thành phố và hầu hết đều bày tỏ những nỗ lực của mình trong việc thực hiện tốt vai trò của người đại biểu nhân dân đúng với quy định của pháp luật, góp phần xây dựng quận Thanh Khê phát triển tích cực về an ninh-chính trị và các mặt kinh tế-xã hội. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến các vấn đề dân sinh như môi trường, nhà ở, việc làm, học tập… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cố gắng tích cực góp phần để Thanh Khê tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chính quyền điều hành, quản lý phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đông đảo cử tri bày tỏ sự tin tưởng vào các chương trình hành động của từng ứng cử viên trong những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Một số cử tri cũng đã có những đóng góp thẳng thắn và mong muốn các ứng cử viên phải thực hiện được chương trình hành động của mình bằng những việc làm thiết thực. (N.AN)
* Ngày 10-5, tại UBND phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ,  các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII (đơn vị bầu cử số 12) gồm ông, bà: Ngô Tấn Cư, Đỗ Thị Kim Lĩnh, Nguyễn Thị Huyền, Đoàn Thị Bích Trinh đã tiếp xúc cử tri phường Khuê Trung. Các ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động của mình, tập trung vào một số nội dung chính như: Sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, lắng nghe ý kiến của cử tri về các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, việc làm và bảo vệ môi trường để có những đề xuất, góp ý vào các chủ trương của thành phố. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến giải quyết việc làm, quy hoạch phát triển hạ tầng cơ sở, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, bình đẳng giới…
Các ý kiến cử tri cho rằng Khuê Trung là phường có tốc độ phát triển nhanh, nhất là lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhưng chủ yếu là kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, trình độ công nghệ còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng còn đang trong giai đoạn xây dựng, chưa đồng bộ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nguyện vọng của các cử tri là đề nghị nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là điện, nước và bảo vệ môi trường, hỗ trợ phát triển kinh tế cho hộ gia đình, doanh nghiệp…
* Chiều ngày 10-5, tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, các ứng cử viên Ngô Tấn Cư, Đỗ Thị Kim Lĩnh, Nguyễn Thị Huyền, Đoàn Thị Bích Trinh đã có buổi tiếp xúc với cử tri.
Các ý kiến cử tri cho rằng phường Hòa Xuân đi lên từ xã thuần nông nên có nhiều khó khăn, nhất là vấn đề việc làm cho người nông dân sau giải tỏa, cho phụ nữ và những người cao tuổi. Vì vậy, cử tri mong muốn nếu trúng cử, các ứng cử viên phải gần dân, nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đề xuất, góp ý với lãnh đạo thành phố có những chủ trương đúng đắn, tạo thuận lợi cho cuộc sống nhân dân phát triển. Đông đảo cử tri mong muốn các Ban quản lý dự án phải đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng cơ sở, góp phần nhanh chóng ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Quy hoạch các chợ phải tính đến việc làm, cuộc sống của các tiểu thương, những hộ nghèo đang “sống nhờ” các chợ. Việc xây dựng các tuyến đường cần phải đồng bộ về điện chiếu sáng, nước sinh họat cho nhân dân… Các ứng cử viên nếu trúng cử cần phát huy hết vai trò của người đại biểu nhân dân, gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ảnh kịp thời với HĐND và lãnh đạo thành phố để có các chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. (Đức Thịnh)
* Chiều ngày 10-5, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII (đơn vị bầu cử số 15) gồm các ông, bà: Nguyễn Văn Sơn, Trần Hữu Do, Trương Phước Ánh, Vũ Hùng, Huỳnh Thị Cúc đã tiếp xúc cử tri xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.
Các chương trình hành động được các ứng cử viên trình bày tại cuộc tiếp xúc thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND thành phố. Các ứng cử viên đã hứa nếu trúng cử sẽ đi sâu đi sát công việc, gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời phản ánh, đề nghị HĐND thành phố, các ngành, các cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề  của dân.
Các cử tri xã Hòa Sơn đều nhất trí với chương trình hành động của các ứng cử viên và có những kiến nghị như lực lượng Công an thành phố cần tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường giao thông nối các xã Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh nhằm bảo đảm an ninh trật tự; chăm lo nhiều hơn nữa đời sống mọi mặt của nhân dân…, đồng thời bày tỏ nguyện vọng nếu các đại biểu trúng cử cần quan tâm hơn nữa bà con ở vùng sâu vùng xa, phải đến tận nơi người dân sống để giải quyết khiếu tố, khiếu nại khi bà con không có điều kiện đến các cơ quan công quyền.(Duyên Anh)
* Ngày 10-5, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc đơn vị bầu cử số 15 gồm các ông Trương Phước Ánh, Trần Hữu Do, Vũ Hùng, Nguyễn Văn Sơn và bà Huỳnh Thị Cúc đã tiếp xúc cử tri xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Các ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động của mình cũng như  đưa ra những cam kết nếu trúng cử sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện Hòa Vang nói chung và xã Hòa Nhơn nói riêng ngày càng phát triển. Đặc biệt, các ứng cử viên đều thể hiện quyết tâm luôn sâu sát với nguyện vọng của cử tri, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách xã hội của thành phố và địa phương. Trong đó ưu tiên quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nông dân, cải thiện hạ tầng cơ sở, hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, giải pháp tạo việc làm cho người nông dân…
Cử tri xã Hòa Nhơn đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên đưa ra, phù hợp với nguyện vọng đông đảo cử tri và mong rằng nếu trúng cử, các ứng cử viên phải giữ đúng lời hứa trước dân, nỗ lực hết mình vì trách nhiệm và nghĩa vụ của đại biểu nhân dân. Nhiều ý kiến cử tri cũng đã phản ánh những tồn tại lâu nay tại địa phương, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân còn nhiều hạn chế, TNGT trên địa bàn có chiều hướng gia tăng. Đề nghị các ứng cử viên phải lưu tâm đến các vấn đề này, để thông tin kịp thời với cơ quan chức năng, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình khắc phục những tồn tại này.

Source: T.S