Ông Nguyễn Bá Thanh tái đắc cử chức danh Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng


Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tái đắc cử Chủ tịch HĐND thành phố

*   Đồng chí Trần Văn Minh tái đắc cử Chủ tịch UBND thành phố

Sáng 20-6, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 – 2016) khai mạc Kỳ họp thứ nhất  dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII. Đến dự có các đồng chí: Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố; Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: HĐND thành phố khóa VIII có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia quyết định và giám sát thực hiện những chủ trương, chính sách lớn của thành phố để tiếp tục phát huy những tiềm năng, lợi thế, góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng. Chính vì vậy, đòi hỏi các đại biểu không ngừng nâng cao trình độ, năng lực hoạt động, dám nghĩ, dám làm và làm có hiệu quả; thực sự trở thành người đại biểu gần dân, sát cơ sở, lắng nghe và phản ánh chính xác tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của nhân dân, đồng thời tham gia có chất lượng trong thảo luận, chất vấn và xây dựng những nghị quyết thực sự khả thi và bám sát thực tiễn của thành phố.

nguyen ba thanh
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ (trái) tặng hoa chúc mừng Chủ tịch HĐND thành phố khóa VIII Nguyễn Bá Thanh

Kỳ họp thứ nhất của HĐND thành phố đã nghe Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Thanh Quang báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại đợt tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đại biểu HĐND thành phố; nghe Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chủ yếu về kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm 2011 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến. (Xem trích các báo cáo đăng trong số báo này).

Sau khi nghe Ủy ban Bầu cử thành phố báo cáo kết quả bầu cử đại biểu HĐND thành phố khóa VIII và nghe báo cáo thẩm tra, kỳ họp đã biểu quyết thông qua nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu HĐND thành phố. Theo đó, 50 đại biểu trúng cử đã đủ tư cách đại biểu HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 theo luật định.

Tại phiên họp thứ nhất, HĐND thành phố khóa VIII đã bầu các chức danh lãnh đạo HĐND và UBND thành phố. Theo đó, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khóa VII tái đắc cử Chủ tịch HĐND thành phố khóa VIII với 100% số phiếu. Đồng chí Huỳnh Nghĩa tái đắc cử chức danh Phó Chủ tịch HĐND thành phố. Đồng chí Ngô Xuân Thắng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê được bầu làm Ủy viên Thường trực HĐND thành phố.

Các đại biểu HĐND thành phố khóa VIII nhất trí 100% bầu đồng chí Trần Văn Minh tái đắc cử Chủ tịch UBND thành phố. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Anh, Võ Duy Khương, Văn Hữu Chiến, Phùng Tấn Viết được bầu vào chức danh Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Kỳ họp cũng đã bầu các Ủy viên UBND thành phố gồm: Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố; Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công an thành phố; Huỳnh Đức Thơ, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư; Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ; Nguyễn Văn Cán, Chánh Văn phòng UBND thành phố; Lê Thị Hường, Giám đốc Sở Tài chính; bầu Hội thẩm Nhân dân Tòa án Nhân dân thành phố gồm 20 người; Hội thẩm Nhân dân các quận, huyện gồm 132 người.

Kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố khóa VIII cũng đã bầu các chức danh trưởng, phó các Ban của HĐND thành phố gồm:
Ban Kinh tế-Ngân sách: Mai Đức Lộc (Trưởng ban); các Phó Trưởng ban: Phan Thị Thúy Linh, Lê Văn Quang.
Ban Pháp chế: Lương Nguyệt Thu (Trưởng ban); các Phó Trưởng ban: Tạ Tự Bình, Huỳnh Bá Cử.
Ban Văn hóa-Xã hội: Vũ Hùng (Trưởng ban); các phó Trưởng ban: Nguyễn Nho Khiêm, Cao Thị Huyền Trân.
Thư ký kỳ họp: Lê Thị Như Hồng, Nguyễn Nho Khiêm, Phan Thị Tuyết Nhung.

HĐND đã công bố quyết định thành lập các Tổ đại biểu HĐND thành phố gồm: tổ 1 (quận Hải Châu) gồm 10 đại biểu (ĐB) do ĐB Kiều Văn Toàn làm tổ trưởng; tổ 2 (quận Thanh Khê) gồm 10 đại biểu do ĐB Trần Văn Huy làm tổ trưởng; tổ 3 (quận Sơn Trà) gồm 7 đại biểu do ĐB Ngô Quang Phúc làm tổ trưởng; tổ 4 (quận Liên Chiểu) gồm 7 đại biểu do ĐB Phạm Tấn Xử làm tổ trưởng; tổ 5 (quận Ngũ Hành Sơn) gồm 4 đại biểu do ĐB Nguyễn Nho Trung làm tổ trưởng; tổ 6 (quận Cẩm Lệ) gồm 5 đại biểu do ĐB Võ Văn Thương làm tổ trưởng; tổ 7 (huyện Hòa Vang) gồm 7 đại biểu do ĐB Trần Đình Hồng làm tổ trưởng.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng, phát huy tinh thần phấn khởi và thành công của cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND thành phố, cùng với tâm huyết của những đại biểu vừa được nhân dân tín nhiệm cao, HĐND thành phố đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc bầu các chức danh lãnh đạo theo thẩm quyền của HĐND. Ðây là nhiệm vụ then chốt, có vai trò to lớn trong việc nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền thành phố trong thời gian tới.

N.T


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào


Lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm mãi mãi giữ gìn, phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam- Lào, là tài sản vô giá mà hai Đảng, hai dân tộc truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

nguyen ba thanh
Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch

Hôm nay 20/6, Tổng Bí thư, Chủ  tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta đã tới thủ đô Vientiane, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chummaly Sayasone và Phu nhân.

Tham gia Đoàn cấp cao có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng- Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam- Lào; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân và một số lãnh đạo Bộ, ngành…

Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch.

Sau lễ đón chính thức, tại Trụ sở Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chummaly Sayasone.

Đồng chí Chummaly Sayasone nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, nhấn mạnh vinh dự Lào là nước đầu tiên được đón Tổng Bí thư ngay trong đầu nhiệm kỳ mới của hai Đảng và sau tổ chức bầu cử Quốc hội thành công.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chummaly Sayasone

Đồng chí Chummaly Sayasone tin tưởng rằng kết quả chuyến thăm này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam- Lào phát triển sâu sắc và toàn diện.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cảm ơn những tình cảm đặc biệt mà các đồng chí lãnh đạo và nhân dân Lào đã dành cho cá nhân và đoàn cấp cao Việt Nam.

Tại cuộc hội đàm, hai Tổng Bí thư bày tỏ lòng biết ơn về sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, to lớn và có hiệu quả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã dành cho nhau trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển của mỗi Đảng, mỗi nước.

Hai bên khẳng định quyết tâm mãi mãi giữ gìn, phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam- Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp, coi đó là quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi sự nghiệp cách mạng của mỗi nước, là tài sản vô giá mà hai Đảng, hai dân tộc truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện Việt Nam- Lào trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, kết hợp thoả đáng tính chất đặc biệt của quan hệ hai nước với thông lệ quốc tế.

Hai bên sẽ tăng cường các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc bằng nhiều hình thức giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, mở rộng giao lưu, hợp tác giữa các Bộ, ngành, các đoàn thể, địa phương. Tiếp tục giáo dục sâu rộng trong nhân dân nhất là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt Nam- Lào; tuyên truyền phổ biến rộng rãi các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.

Hai bên đánh giá cao kết quả kỳ họp 33 Uỷ ban Liên Chính phủ hai nước, khẳng định phối hợp chặt chẽ để thực hiện thắng lợi Thoả thuận chiến lược về hợp tác kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD vào năm 2015.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chummaly Sayasone

Hai bên cũng thống nhất các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phòng chống các loại tội phạm qua biên giới; hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới vào năm 2014 và tiếp tục xây dựng tuyến biên giới Việt Nam- Lào hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển toàn diện, bền vững, lâu dài.

Trong hội đàm cấp cao, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp hành động tại các tổ chức quốc tế, khu vực mà hai nước là thành viên, nhất là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước; tăng cường hợp tác trong việc giữ gìn, bảo vệ và sử dụng nguồn nước sông Mekong một cách có hiệu quả và bền vững, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhân dân các nước ven sông.

Hai bên khẳng định mong muốn cùng các bên liên quan giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, nhằm giữ gìn hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam ủng hộ và làm hết sức mình để Lào sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Á- Âu (ASEM) vào năm 2012.

Để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 – 2012) và 35 năm ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (1977- 2012), hai bên nhất trí lấy năm 2012 là năm “Đoàn kết hữu nghị Việt – Lào”.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào và phu nhân sang thăm lại Việt Nam vào thời gian thích hợp. Đồng chí Chummaly Sayasone cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

Đức Nguyễn

 

 


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Việt Nam tham dự Hội nghị thành viên Công ước Luật Biển


 

nguyen ba thanh

Đại sứ Lê Lương Minh phát biểu trong một cuộc họp tại Liên Hợp Quốc.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 21 các quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, diễn ra từ ngày 13-17/6 tại New York, Hoa Kỳ.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện gần 200 quốc gia thành viên Công ước, các nước thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Lương Minh dẫn đầu.

Bên cạnh việc đánh giá hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước gồm Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, Cơ quan Quyền lực quốc tế đáy đại dương, hội nghị năm nay tập trung thảo luận các biện pháp cải tiến hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa nhằm đẩy nhanh tiến trình xem xét báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa kéo dài, tiến hành bầu 7 thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển và kiểm điểm việc triển khai Công ước.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lại ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Luật Biển 1982, cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện và bao quát nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan đến biển và đại dương, nhấn mạnh mọi hoạt động trên biển phải được tiến hành phù hợp với Công ước, tôn trọng đầy đủ quyền quốc gia ven biển được hưởng trên các vùng biển được xác định theo Công ước.

Đề cập việc gần đây Trung Quốc đã liên tục phá hoại hoạt động khảo sát bình thường do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh khẳng định đây là những hành vi có chủ ý, được tính toán kỹ, nhằm mục đích biến các vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành khu vực tranh chấp, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm các quy định và nguyên tắc cơ bản của Công ước.

Đồng thời, Trưởng đoàn Việt Nam cũng bác bỏ đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định đường yêu sách này hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý quốc tế nào, đặc biệt là theo Công ước Luật Biển.

Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lại quyết tâm và lập trường của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước Luật Biển cũng như Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm xây dựng khu vực Biển Đông thành khu vực hòa bình, hợp tác, hữu nghị và ổn định.

Chia sẻ quan điểm của Việt Nam, nhiều nước ASEAN đã phát biểu nhấn mạnh cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Công ước Luật Biển khi tiến hành các hoạt động trên biển; đề cao sự cần thiết của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông, thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Trương Tấn Sang: Việt Nam sẵn sàng tham gia tái thiết Nhật Bản


Ngày 1/6, ông Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định “Việt Nam sẵn sàng tham gia vào quá trình tái thiết Nhật Bản,” sẵn sàng “cung cấp nhân lực, vật liệu xây dựng và hàng hóa cần thiết phục vụ công tác tái thiết.”

Ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh như vậy trong cuộc gặp với các lãnh đạo lưỡng viện trong Quốc hội, Nhật Bản hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và gặp nguyên Thủ tướng Shinzo Abe cùng nhiều nghị sỹ khác.Tại các cuộc gặp, ông Trương Tấn Sang cũng bày tỏ tình đoàn kết, sự chia sẻ và cảm thông về những tổn thất do thảm họa động đất-sóng thần gây ra đối với Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ Nhật Bản vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ông Trương Tấn Sang hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Takahiro Yokomichi. (Ảnh: Hồng Hà)

Về sự phát triển quan hệ hai nước trong 40 năm qua, ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh Đảng và Nhà nước Việt Nam đánh giá cao quan hệ với Nhật Bản và chủ trương thúc đẩy phát triển toàn diện quan hệ “đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” giữa hai nước. Việt Nam tiếp tục thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn đã thỏa thuận trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2010 của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và xem xét hợp tác trong các dự án mới.

Ông Trương Tấn Sang cũng bày tỏ cảm ơn Nhật Bản đã ưu tiên và liên tục dành mức viện trợ phát triển chính thức (ODA) cao cho Việt Nam, vì điều này không chỉ thể hiện thiện chí hợp tác của Nhật Bản đối với Việt Nam mà còn là cam kết chính trị của Nhật Bản cho sự nghiệp phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Ông Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam luôn quan tâm phát huy hiệu quả nguồn vốn ODA và đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm, ủng hộ việc duy trì nguồn vốn này ở mức cao cho Việt Nam. Ngoài ra, ông Trương Tấn Sang cũng đề nghị tăng cường hợp tác giữa hai nước trong ứng phó với tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời đề nghị lấy năm 2013 – năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước – làm “Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.”

Về phần mình, lãnh đạo hai viện Quốc hội Nhật Bản gửi lời cảm ơn đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì sự giúp đỡ quý giá và chân tình đối với Nhật Bản trong thảm họa động đất-sóng thần hôm 11/3. Phía Nhật Bản đã giải thích về tình hình sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 và cam kết sẽ công khai tất cả thông tin liên quan đến sự cố.

Về quan hệ hai nước, Chủ tịch Hạ viện Takahiro Yokomichi bày tỏ vui mừng vì sự phát triển trong quan hệ Nhật Bản-Việt Nam, đặc biệt kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kan tháng 10/2010.

Ông Yokomichi cho biết sẽ nỗ lực củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Takeo Nishioka đề nghị quốc hội hai nước tăng cường hợp tác để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.

Cùng chung quan điểm với lãnh đạo hai viện Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeaki Matsumoto cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Ông chúc mừng thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam và cảm ơn sự giúp đỡ của Chính phủ, nhân dân Việt Nam đối với Nhật Bản sau thảm họa ngày 11/3.  Trong khi đó, thay mặt Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Chủ tịch JBIC Hiroshi Watanabe bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Trước đó, ông Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tới thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và đại diện của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước này. Ông khẳng định quan hệ Việt-Nhật đang ở giai đoạn tốt đẹp hơn bao giờ hết và bây giờ là lúc hiện thực hóa, sâu sắc hóa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước./.

Vietnam+

 


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp báo cáo kết quả bầu cử


Sáng 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã họp phiên thứ 40 nghe Hội đồng bầu cử báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 và cho ý kiến vào việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp. Cùng dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, tại phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII chủ yếu tập trung cho công tác tổ chức, nhân sự và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; tình hình thực hiện và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.

Phiên họp thứ 40 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XII.

Về công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ đã có văn bản đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về hai dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học sang kỳ họp thứ hai để có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ hơn. Về công tác tổ chức nhân sự, dự kiến chương trình bố trí khoảng 11 ngày để Quốc hội xem xét, quyết định về vấn đề này theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật và trên cơ sở nghiên cứu thông lệ kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nhiệm kỳ trước. Về các vấn đề kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, Quốc hội dành một buổi thảo luận tại tổ và một ngày thảo luận tại Hội trường về nội dung này. Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại Hội trường một buổi về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009…

Cho ý kiến vào nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, đa số Ủy viên Ủy ban nhất trí với nhất dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII và đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về hai dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học sang kỳ họp thứ hai để có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị. Trước một số ý kiến đề nghị chỉ tập trung cho công tác nhân sự và không dành khoảng thời gian 1,5 ngày cho thảo luận về kinh tế – xã hội, các đại biểu cho rằng, đây là kỳ họp quan trọng chủ yếu tập trung cho công tác tổ chức, nhân sự nhưng không vì thế mà không đề cập đến vấn đề kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh xã hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Son, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, trong kỳ họp thứ nhất, Chính phủ cần có báo cáo kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2011, có báo cáo thẩm tra để cho thấy sự tiếp nối của Quốc hội, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình đề nghị cần có báo cáo về Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009, có thảo luận tổ, hội trường và có Nghị quyết về nội dung này…

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đặc biệt quan trọng, giao thoa giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội vì vậy các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Văn phòng Quốc hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của Pháp luật. Kỳ họp sẽ tập trung vào công tác tổ chức, nhân sự của các cơ quan nhà nước, xem xét các báo cáo và quyết định một số nội dung quan trọng như tình hình thực hiện và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011 (có thảo luận tại tổ và hội trường); phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009… và thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Không đưa vào chương trình kỳ họp hai dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Giáo dục đại học cũng như Báo cáo kết quả giám sát việc tổ chức bầu cử, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội.

Dự kiến Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII sẽ được tiến hành trong khoảng 13,5 ngày (trong đó 0,5 ngày họp trù bị). Phiên khai mạc được ấn định vào ngày 21/7 và bế mạc vào ngày 5/8/2011. Công tác tổ chức, nhân sự được bố trí trong khoảng 11 ngày./.


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu SCIC đầu tư những ngành then chốt của nền kinh tế


Chiều 31/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng làm việc với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chú trọng vào đầu tư hạ tầng và các ngành nghề sinh lợi, đặc biệt là những ngành nắm giữ vị trí then chốt của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu SCIC tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá.

Báo cáo về các hoạt động của SCIC, Tổng Giám đốc Lại Văn Đạo cho biết, từ khi chính thức hoạt động (1/8/2006), tính đến nay SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 933 doanh nghiệp (DN), giá trị vốn nhà nước là 7.540 tỷ đồng.

Sau khi bán vốn nhà nước tại các DN, đồng thời thành lập, góp vốn tại một số DN, hiện nay SCIC đang quản lý danh mục đầu tư gồm 469 DN, giá trị phần vốn nhà nước là 12.600 tỷ đồng, giá trị thị trường ước đạt 33.000 tỷ đồng.

Một trong những nhiệm vụ chính SCIC đang thực hiện là tái cơ cấu, bán vốn nhà nước tại các DN. Tổng số DN đã thực hiện bán vốn thành công là 499 (trong đó bán hết 455 DNp, bán bớt 44 DN), thu về cho Nhà nước 2.585 tỷ đồng.

Theo tính toán, tổng số tiền bán vốn đã thu về và dự kiến thu về đến năm 2012 khoảng 7.800 tỷ đồng. SCIC sẽ sử dụng số tiền này đầu tư vào các dự án trong các ngành, lĩnh vực then chốt, các sự án lớn, quan trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đầu tư linh hoạt để tăng trưởng nguồn vốn Nhà nước.

SCIC cần chú trọng đầu tư vào các ngành then chốt

Trọng tâm ưu tiên đầu tư của SCIC thời gian tới hướng tới hỗ trợ sự phát triển của hạ tầng kinh tế gồm các dự án hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ, đường biển, cảng biển, hàng không, các dự án năng lượng; đồng thời, tập trung vào mục tiêu tăng trưởng vốn khác gồm những lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao và ổn định, đảm bảo việc tạo ra giá trị gia tăng cho vốn Nhà nước. Một số lĩnh vực trọng tâm như cơ khí, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp nông thôn, điện tử tin học, môi trường, bệnh viện, hợp tác đầu tư với nước ngoài…

Đánh giá về các hoạt động của SCIC, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, SCIC đã tiếp quản một số lượng doanh nghiệp khá lớn và làm tốt việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, đem lại cho nguồn lợi cho ngân sách nhà nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các DN Nhà nước cần tiến tới đổi mới hoạt động theo hướng đầu tư vào các ngành trọng yếu, hình thành các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đa sở hữu nhưng có vốn nhà nước chi phối. Đây là con đường các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần hướng đến.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh những việc SCIC cần làm trong thới gian sắp tới là tiếp tục nhận DN về, hạn chế bán bớt DN, xúc tiến việc thực hiện bán hết, tiến tới việc đưa các DN lên thị trường chứng khoán đấu giá 100%. Phó Thủ tướng yêu cầu SCIC tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá, chú trọng vào đầu tư hạ tầng và các ngành nghề sinh lợi, đặc biệt là những ngành nắm giữ vị trí then chốt.

Thu Cúc

http://nguyensinhhung.com


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Hội đồng bầu cử


Chiều 30/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp thứ năm Hội đồng Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng bầu cử cho ý kiến vào báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: Trí Dũng)

Báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử do ông Phạm Minh Tuyên, Trưởng ban công tác đại biểu, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử trình bày cho biết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã diễn ra trong không khí dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công tốt đẹp.Tỷ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử đạt rất cao ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước trong đó, có 4 tỉnh cao nhất, đạt 99,99% là Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn.

Thảo luận, đóng góp ý kiến, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng báo cáo cần làm rõ hơn tầm quan trọng của công tác chuẩn bị đã góp phần làm nên thành công của cuộc bầu cử. Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường vụ Quốc hội, cần phải đánh giá vai trò của Hội đồng bầu cử, các tiểu ban giúp việc cho Hội đồng bầu cử, cũng như tổ chức bầu cử các cấp…

Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Quynh đề nghị báo cáo cần đánh giá và làm nổi bật nội dung, ý nghĩa của cuộc bầu cử đã được nhân dân và cử tri cả nước hết sức quan tâm, những kết quả đạt được thể hiện trách nhiệm cao của cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là ý nghĩa của việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cùng trong một thời điểm.

Tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần có sự phân tích, đánh giá để làm rõ hơn tính chất dân chủ, bình đẳng và những kết quả đã đạt được của cuộc bầu cử.

Phát biểu kết luận phiên họp thứ năm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Nguyễn Phú Trọng đánh giá báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử về cơ bản đã phản ánh đúng thực chất của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên, Tổng Bí thư đề nghị trong Báo cáo cần nêu rõ bối cảnh, đặc điểm, yêu cầu, tính chất của cuộc bầu cử lần này, đồng thời làm nổi bật những điểm mới của cuộc bầu cử (bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cùng trong một ngày…).

Trên tinh thần làm rõ hơn về thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đồng chí đề nghị cần có sự phân tích cụ thể kết quả của cuộc bầu cử để thấy được chất lượng của cuộc bầu cử.

Báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên, trước khi trình Thường vụ Quốc hội xem xét vào đầu tháng Sáu tới./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

(Theo www.nguyenbathanh.com)