Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tham dự Hội nghị triển khai Nghị quyết Đại hội XI


Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đang là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách được Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đặt ra hiện nay.

nguyen ba thanh
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cho cán bộ chủ chốt TP

Đến nay, ngoài việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc học tập Nghị quyết Đại hội XI trong toàn Đảng bộ, Thành ủy Đà Nẵng đã triển khai quán triệt Nghị quyết cho đội ngũ cán bộ chủ chốt thành phố và thông báo những nội dung cơ bản và mới trong các văn kiện Đại hội cho cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn.
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương về tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngày 22/4/2011, Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 02-KH/TU để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành tập trung cho công tác học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng một cách nghiêm túc, đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Đặc biệt, trong 2 ngày 7 và 8/6/2011, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cho cán bộ chủ chốt thành phố. Tại Hội nghị này, các đại biểu tham dự đã được nghiên cứu, quán triệt các chuyên đề lớn: Những nội dung cơ bản của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011 ); Những nội dung cơ bản của Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2020; Kết quả thi hành Điều lệ Đảng và những sửa đổi, bổ sung; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ TP Đà Nẵng.

Hội nghị này cũng đã dành thời gian để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, quán triệt nội dung các văn kiện Đại hội XI, nhất là thảo luận, quán triệt Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng với 4 nội dung trọng tâm: Tập trung thực hiện hiệu quả 5 hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế – xã hội thành phố (dịch vụ, công nghiệp, công nghệ cao và CNTT, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với mục tiêu thành phố môi trường, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao); Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu khác về phát triển kinh tế – xã hội (kiềm chế lạm phát, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh hoàn thành công trình trọng điểm, cải cách hành chính, thu hút đầu tư…); Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh cải cách tư pháp; Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Sau Hội nghị trên, vào sáng 29/6/2011, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị thông báo những nội dung cơ bản và mới trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cho cán bộ cao cấp, tướng lĩnh và các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, TP qua các thời kỳ đang nghỉ hưu trên địa bàn TP.

Hội nghị đã nghe trình bày các chuyên đề: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội XI; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020; Điều lệ Đảng (sửa đổi, bổ sung).

nguyen ba thanh
Đại biểu cán bộ chủ chốt TP học tập Nghị quyết Đại hội XI của Đảng

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: Các văn kiện chính trị Đại hội XI của Đảng rất quan trọng, có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển của đất nước ta. Để đưa Nghị quyết Đại hội XI đi vào cuộc sống, cần giải quyết nhiều vấn đề, trong đó, có 2 vấn đề cơ bản là: Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết và tổ chức thực hiện. Nếu không quán triệt sâu nội dung Nghị quyết thì tổ chức thực hiện sẽ phạm những sai lầm, lệch lạc, trái với chủ trương, đường lối của Đảng. Ngược lại, nếu chỉ nghiên cứu, học tập mà không tổ chức thực hiện tốt thì Nghị quyết dù có đúng, có hay đến mấy cũng chỉ dừng lại ở nhận thức tư tưởng, mà không thể biến thành hiện thực. Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân được quán triệt một cách sâu sắc cả trong nhận thức và hành động theo đường lối, quan điểm và các quyết sách do Đại hội XI xác định và có những biện pháp thiết thực, tổ chức đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Vì vậy, việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay….

Để tiếp tục đạt được mục đích đó, hiện nay Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đang tiếp tục chỉ đạo cho Ban Tuyên giáo Thành ủy, các ngành có liên quan và Thường trực Đảng bộ các quận, huyện, các Đảng bộ khối, ngành và cơ sở tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Đảng bộ TP trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XI.
Theo kế hoạch, dự kiến các lớp học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí, hội viên Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật TP và cán bộ, đảng viên Nhà xuất bản Đà Nẵng (1 lớp); cán bộ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP và trí thức tiêu biểu (1 lớp) sẽ được Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức trong tháng 7/2011.

Đối với quận, huyện và đảng ủy trực thuộc Thành ủy, Ban Thường vụ thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị này tổ chức Hội nghị quán triệt các văn kiện Đại hội XI của Đảng cho cán bộ chủ chốt cấp mình. Các Hội nghị này cũng hoàn thành trong tháng 7/2011.

Đối với cấp ủy cơ sở, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo cấp ủy có trách nhiệm tổ chức học tập, quán triệt các văn kiện Đại hội XI của Đảng cho toàn thể đảng viên; mời lãnh đạo các đoàn thể và cán bộ, chuyên viên các ban, phòng ở cơ sở không phải là đảng viên cùng tham dự. Bên cạnh đó, Văn phòng cấp ủy cùng với ban tuyên giáo các quận, huyện, ban tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc Thành ủy có thể tổ chức một số lớp học tập, quán triệt cho các chi bộ có ít đảng viên nhằm tạo không khí học tập sôi nổi, nghiêm túc. Các Hội nghị này hoàn thành trong tháng 8/2011.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu các cấp, các ngành phải tập trung tuyên truyền rộng rãi đoàn viên, hội viên và nhân dân về Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cũng như Chương trình hành động của Thành ủy, cấp ủy, cơ quan, đơn vị mình. Riêng các cơ quan báo, đài cần có kế hoạch mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền rộng rãi văn kiện Đại hội XI của Đảng, đồng thời đưa tin, phản ánh kịp thời đợt triển khai học tập; phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trong việc tổ chức học tập.

Đình Tăng


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh triển khai Nghị quyết Đại hội XI cho cán bộ cao cấp


nguyen ban thanh
Hình ảnh minh họa

Sáng 29/6/2011, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị thông báo những nội dung cơ bản và mới trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cho cán bộ cao cấp, tướng lĩnh và các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, TP qua các thời kỳ đang nghỉ hưu trên địa bàn TP. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP chủ trì hội nghị và trực tiếp triển khai quán triệt những nội dung quan trọng này.

Hội nghị đã nghe trình bày các chuyên đề như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển 2011); Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội XI; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020; Điều lệ Đảng (sửa đổi, bổ sung). Các văn kiện được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2011 – 2016) là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân nhằm tổng kết sâu sắc những vấn đề về lý luận và thực tiễn; tiếp tục khẳng định, hoàn thiện và phát triển quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta theo tinh thần chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; xác định mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân tộc trong giai đoạn phát triển mới từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Việc học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng, trong nhân dân và là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2011. Trên cơ sở học tập, thảo luận, các cán bộ cao cấp nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; uốn nắn những nhận thức lệch lạc; tăng cường phê bình và tự phê bình, phê phán các biểu hiện “tự diễn biến” trong nội bộ Đảng…
Hà Hùng


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông


Ngày 27-6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã trả lời báo chí Việt Nam về cuộc gặp của Đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc ngày 25-6-2011. Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:

nguyen ba thanh
Đảo Đá Tây trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Internet

* Phóng viên: Ngày 25-6, tại Bắc Kinh, với tư cách là đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc để chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây. Xin Thứ trưởng cho biết nội dung Thông điệp của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Thông tin về chuyến đi đã được báo chí đưa tin, còn nội dung Thông điệp tập trung vào 3 điểm chính sau:

1. Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và thế giới.

2. Bày tỏ quan ngại về những vụ việc vừa qua ở Biển Đông; đồng thời khẳng định rõ lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông, đề nghị các bên nghiêm túc thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” DOC, giải quyết tranh chấp và các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

3. Nêu một số kiến nghị cụ thể về việc thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, như việc duy trì tiếp xúc cấp cao, tổ chức phiên họp lần thứ 5 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc tại Hà Nội.…

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết rõ những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, về việc giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị là gì?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn. Ảnh: Internet

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gần đây nhất là Tuyên bố chung tháng 10-2008 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc. Theo đó, hai bên khẳng định quan tâm gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, “tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và tinh thần “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), duy trì cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, căn cứ nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực thích hợp. Trong quá trình đó, hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ổn định ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp. Hai bên đồng ý, với nguyên tắc dễ trước khó sau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin trực tiếp giữa quân đội hai nước”.

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết tiến trình đàm phán “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc”?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Như các bạn đã biết, sau khi hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc cuối tháng 12-2008, ta và Trung Quốc đã thỏa thuận chuyển trọng tâm đàm phán về công tác biên giới lãnh thổ sang vấn đề trên biển. Hai bên nhất trí trước khi đi vào giải quyết các vấn đề cụ thể cần đàm phán ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Đó là những định hướng lớn, quan trọng mà hai bên cần tuân thủ.

Với tinh thần đó, từ đầu năm 2010 đến nay, ta và Trung Quốc đã tiến hành 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên. Hai bên đã trao đổi ý kiến về một số nguyên tắc cơ bản như: nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982; Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam – Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì phải bàn bạc giữa các bên liên quan khác…Dự kiến vòng đàm phán thứ 7 sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian sắp tới.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Gặp gỡ cấp cao Việt Nam Trung Quốc về Biển Đông


nguyên-ba-thanh
Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam (Ảnh: Thanh Vũ)

Ngày 25-6, tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây.

Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đã trình bày lập trường và chủ trương của phía Trung Quốc về việc phát triển quan hệ song phương và vấn đề trên biển. Trước đó, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân.

Hai bên cho rằng, quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Hai bên nhấn mạnh cần kiên trì đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển theo đúng phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Hai bên khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị; áp dụng biện pháp có hiệu quả, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông; tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước; đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc”; thúc đẩy việc thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất.

TTXVN


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Trương Tấn Sang: Phát huy tối đa nguồn lực xây dựng nông thôn mới


Phát biểu tại Tọa đàm về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, cần phải dồn nhiều sức, phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng thành công nông thôn mới.

truong tan sang

Toàn Cảnh Cuộc Họp

Ngày 26/6 tại Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và  Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tọa đàm về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động Liên hoan văn nghệ và thi đấu thể thao quần chúng 11 xã điểm.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới dự Tọa đàm.

Về tình hình thực hiện tiêu chí văn hóa nông thôn mới tại 11 xã  điểm, tính đến tháng 5/2011, 81/130 thôn được công nhận thôn văn hóa, đạt tỷ lệ 62%. 8/11 xã được phê duyệt dự án và đang thi công xây dựng nhà văn hóa xã, 3 xã đã hoàn thành việc xây dựng nhà văn hóa.

Các đại biểu đại diện cho các xã điểm đều cùng thống nhất quan điểm, cùng với việc thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới tập trung vào 4 nội dung: nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa thôn, làng, ấp, bản văn hóa; hoàn thiện trung tâm văn hóa – thể thao xã, nhà văn hóa – khu thể thao thôn; phát triển hoạt động văn hóa góp phần xây dựng nông thôn mới; và nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật ở nông thôn.

Nhấn mạnh vai trò bảo tồn và phát huy văn hóa ở nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng cho rằng, trong xây dựng nông thôn mới, cần đặt giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những tiêu chí ưu tiên hàng đầu.

truong tan sang

Trương Tấn Sang

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, mục đích xây dựng nông thôn mới hết sức toàn diện với nhiều nội dung, các xã thí điểm đã nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp, cơ bản đạt được nhiều tiêu chí đặt ra. Đời sống văn hóa ở 11 xã điểm có sự chuyển động khá lớn so với hơn 2 năm trước khi thực hiện

Tuy nhiên, đồng chí lưu ý với các địa phương, để nhân rộng mô hình thí điểm ra toàn tỉnh và toàn quốc thì đòi hỏi phải dồn sức, phát huy tối đa tất cả các nguồn lực, cần có sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân. Bởi qui mô càng mở rộng thì các địa phương sẽ càng gặp khó khăn khi tính chất và nội dung chương trình sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Đồng chí cho biết, sau khi kết thúc thực hiện thí điểm 11 xã nông thôn mới, Trung ương sẽ rà soát lại 19 tiêu chí cho phù hợp với thực tiễn với sự phát triển của đất nước và của từng địa phương.

Từ đây đến cuối năm là giai đoạn nước rút để các xã thí điểm hoàn thiện những tiêu chí đạt được và kiến nghị  những vấn đề xoay quanh Chương trình để nhân rộng trên toàn quốc, để nông thôn có một diện mạo mới, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tiếp Bộ trưởng Tài chính Lào


Những hỗ trợ quý báu của Việt Nam về hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý và đào tạo nguồn nhân lực đã giúp hệ thống tài chính, ngân hàng của Lào phát triển nhanh và bền vững.

nguyen sinh hung

Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng

Chiều 26/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Douangdy.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ vui mừng về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước ngày càng phát triển và coi đó là tài sản vô giá để Việt Nam – Lào hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và các cấp, các ngành của Việt Nam sẽ luôn làm hết sức mình để thúc đẩy phát triển quan hệ Việt – Lào và cho rằng trong 10 năm qua, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, thuế quan đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Việc ký kết Thoả thuận về Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật giai đoạn 2011-2020 đã tạo điều kiện để hợp tác giữa hai nước phát triển lên tầm cao mới, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính hai nước cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ then chốt trong việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng. Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, cần rà soát, xác định nhu cầu nhân lực của xã hội để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo.

Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Douangdy cảm ơn sự giúp đỡ chân tình và quý báu của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng của Lào, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý. Thời gian qua, nhiều quy định đã thực sự phát huy tác dụng, tạo cơ chế để hệ thống tài chính, ngân hàng của Lào phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Tài Chính Lào cũng cho biết, Lào luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, hợp tác.

Về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Tài chính Lào khẳng định, với sự hợp tác và giúp đỡ của Việt Nam trong việc xây dựng Học viện Kinh tế – Tài chính Duong Kham Xang, nguồn nhân lực của Lào sẽ dần ổn định và có chất lượng đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Bộ trưởng Somdy Douangdy cũng cho biết, cuối tháng 6 này, cán bộ, công chức Bộ Tài chính hai nước sẽ có cuộc giao lưu hữu nghị. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa để trao đổi kinh nghiệm và tạo mối gắn kết giữa hai Bộ.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa trúng đậm


Sau 2 tuần bám biển ở ngư trường Hoàng Sa, sáng 24-6 tàu Đna 90052 của ông Lê Văn Tiến, Tổ 3 phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cập cảng cá Thọ Quang, chuyển lên bờ 5 tấn cá ngừ đại dương (loại từ 20-25 kg/con) và hơn 10 tấn cá ngừ sọc dưa.

nguyen-ba-thanh
Ông Lê Văn Tiến sau chuyến biển trúng đậm

Ông Tiến cho biết, bán tại cầu cảng cho chủ nậu, cá ngừ đại dương giá 40.000 đồng/kg, cá ngừ sọc dưa 30.000 đồng/kg. Chuyến đi biển này tàu ông Tiến tổng doanh thu 500 triệu đồng, trừ hết các khoản chi phí, chủ tàu lãi ròng 200 triệu đồng, ngư dân trên tàu mỗi người 20 triệu đồng.

Đây là chuyến biển thắng lợi nhất trong 5 chuyến từ đầu năm đến nay. Ông Tiến cho biết, bán cá xong, nghỉ ngơi vài ba ngày lại tiếp tục ra Hoàng Sa đánh bắt. Thu nhập cao, ai nấy phấn khởi tích cực bám biển,

Nói về chuyến biển trúng đậm ông Tiến và các ngư dân trên tàu cho biết: đánh bắt hiệu quả cao nhờ tàu có trang bị máy tầm ngư, phát hiện luồng cá. Khi ra đến ngư trường, cho máy hoạt động, khi phát hiện có luồng cá, thả lưới vây quanh. Trời yên biển lặng đánh bắt rất thuận lợi, năng suất cao.

Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tiếp gặp tàu Trung Quốc đánh bắt tại khu vực ngư dân ta đánh bắt gây khó dễ, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Ông nêu quyết tâm, mặc cho tàu Trung Quốc gây khó dễ, tàu ông và các tàu trong tổ đội vẫn kiên trì bám ngư trường Hoàng Sa để sản xuất và rất mong sự hỗ trợ kịp thời từ trên để ngư dân yên tâm xa bờ bám biển.

N.C


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)