Con đường Nam quốc sơn hà Kỳ 3: Khi bộ đội thời bình hóa “Bộ đội Trường Sơn”


Kỳ 3: Khi bộ đội thời bình hóa “Bộ đội Trường Sơn”

Trên đường tuần tra biên giới đang mở, bên cạnh mái đầu hoa râm của những người lính từng mở đường trong những năm chống Mỹ, hầu hết là những gương mặt trẻ. Họ đã lớn lên như lửa thử vàng, như “rõ mình” hơn ở nơi còn in bóng dáng một thời thế hệ cha anh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…

Những vùng đất “đệ nhất khổ”

Chỉ nhìn nước da đen sạm, bộ quân phục loang lổ vết muối mồ hôi trong cái nắng bỏng rát Tây Nguyên cũng đủ biết Thượng úy Đặng Văn Tuấn, 33 tuổi, quê Hải Phòng, chỉ huy trưởng công trường Công ty 145 (Binh đoàn 12) tại xã Đắc Long, huyện Đắc Glây (Kon Tum) phải lăn lộn với con đường này ra sao. Đã bốn năm rồi, anh và đồng đội mở núi để làm đường trên bình độ 1500m. Chỉ có 8km đường mà họ đã phải đào tới hơn 1,2 triệu mét khối đất đá trong 2 năm qua. Về thăm vợ vừa sinh đứa con đầu lòng được 3 ngày thì Tuấn khoác ba lô vào Kon Tum nhận nhiệm vụ. Anh đã có tới hai lần thoát chết trong gang tấc. Lần đầu đi nhận tuyến, cả nhóm như đàn khỉ leo lên vách đá cheo leo. “Rắc”, mỏm đá Tuấn bám trượt vỡ, anh lăn xuống, nghĩ mình chắc chết thì may bám vào được một dây leo. Lần khác, Tuấn ở lại trực Tết trên công trường năm 2009. Chiều mồng 2 Tết, xa nhà, buồn tê tái, anh em rủ nhau ra làm… khai xuân và cũng để vơi đi nỗi buồn. Tuấn cùng cậu Hiệp lên đỉnh dốc nổ mìn phá đá. Hai anh em đã đào một công sự ẩn nấp. “Ầm”, “ục, ục, ục”, đá từ trên đỉnh lũ lượt lăn xuống. “Chạy mau”, Tuấn chỉ vội hét lên rồi kéo Hiệp nhảy khỏi công sự. Cả hai nhanh trí nhìn thấy cái máy đào đỗ gần đó, vội vàng chui vào gầu máy lánh nạn. “Binh!” – tảng đá khổng lồ lao thẳng đè lên gầu máy đào rồi khựng lại. Suốt chiều hôm ấy, anh em đào bới mới đẩy được đá, cứu hai người ra. Nếu không có cái máy đào, có lẽ cả hai đã tan xương nát thịt.

nguyen ba thanh

Bữa cơm của công nhân trẻ tại Kon Tum trong những ngày mưa thiếu thực phẩm. Ảnh: Nguyên Minh.

28 tuổi, Trung úy Phạm Văn Tuấn là phó giám đốc xí nghiệp trẻ nhất của Công ty xây dựng Lũng Lô. Ngày 1-6-2009, Tuấn vừa nhận quyết định bổ nhiệm chức phó giám đốc thì nhận lệnh gói ghém ba lô đi làm đường tuần tra biên giới. Nhanh đến mức, anh cũng chưa biết con đường này nó hình thù ngang dọc ra sao. Và rồi, nơi anh tới là một xứ “khỉ ho cò gáy”: Gói thầu ở Đắc Sú (Kon Tum) sát biên giới nước bạn Cam-pu-chia. Đường vào tuyến không có, phải nhờ nước bạn, làm một con đường công vụ 15km để đưa vật liệu, xăng, dầu vào. Nhưng đường công vụ cũng dốc dựng đứng, mọi thứ lại phải tập kết ở đầu đường, rồi dùng xe ủi ra “cõng” từng thứ. Tiếng là phó giám đốc, nhưng Tuấn chủ yếu đi bộ, đi xe máy, họa hoằn đường tốt mới được ngồi xe u-oát mà có lẽ tuổi đời của nó còn lớn hơn cả tuổi Tuấn.

Chỉ có trên đường tuần tra biên giới

Ăn khổ, ở khổ, ngày nào cũng dãi dầu cái nắng như thiêu nên khi gặp dòng suối nước trong vắt, cánh lính trẻ Công ty Đồng Tân (Quân khu 7), đang thi công tuyến đường ở nam sông Ia Đrăng, huyện Chư Prông (Gia Lai) sướng “phát điên”. Chiều muộn, cậu Nam, kỹ sư cầu đường rủ cậu Hùng, cán bộ vật tư đi tắm, thì thầm bảo nhau: “Cuối tuần về thăm nàng, người ngợm phải “tươm tươm” tý. Lính thì phải “tráng”, lại giữa rừng già, chẳng một bóng phụ nữ, tội gì không… tắm tiên. Hai chàng nhảy xuống suối, hí hửng vẫy vùng.

“Cứu… cứu… em”… “Cứu em”!

Những tiếng kêu thảng thốt khiến anh Dũng, chỉ huy trưởng công trường cùng anh em đang ăn cơm quẳng bát đũa chạy ra. Trên bờ suối, hai chàng trần như nhộng, tay tóm chặt chỗ kín nhảy tưng tưng, mặt còn lộ vẻ kinh hoàng, máu tuôn ra đỏ lòm cả bàn tay.

- Chúng mày bị làm sao thế?

- Các anh ơi! Con gì nó đớp, đớp… ấy chúng em!

- Chết! Đớp mất rồi à, có còn tý nào không? Quân y đâu?

Quân y chạy ra, nhưng không tài nào cầm máu được. May mà “phần quan trọng” của hai chàng vẫn còn, chỉ bị thương. Anh em vội vàng đưa hai chàng lên cáng, phủ chăn, chạy bộ ra Trung tâm y tế gần đó. Bác sĩ cho biết, họ đã bị cá cóc, một loài cá rất độc ở vùng Ia Đrăng cắn vào hạ bộ. Loài cá này khi chết phình to như quả bóng, con vật nào ăn phải nó cũng chết luôn. Nó cắn ai thì cầm máu rất khó, nếu không có thuốc đặc trị có thể mất máu mà chết. Hùng và Nam thoát nạn. Từ ấy, anh em chấp nhận là những kẻ “kém tắm”, không ai dám bén mảng tới bờ suối nọ.

nguyen ba thanh

Cán bộ chiến sĩ đơn vị công binh H8 (Quân chủng Phòng không – Không quân) thường treo hàng loạt điện thoại di động trên dây phơi để đón “sóng rơi, sóng vãi”. Ảnh: Nguyên Minh.

“Làm giám đốc không cần phải biết nấu cơm” – Trung tá Đỗ Quang Tiến, Giám đốc xí nghiệp 9 (Công ty 319) giờ đây đã phải ân hận vì quan niệm này. Năm 2008, anh vào chỉ huy làm đường bên bờ sông Sa Thầy, tỉnh Gia Lai, khí thế bừng bừng. Được một tháng, công việc đang ngon ăn thì 5, 10, 15, 20 rồi đến… 50 anh chàng to như trâu mộng cứ thế lăn đùng ra sốt rét. Quân y, thủ kho, rồi cấp dưỡng sốt rét hết. Chỉ còn mình Tiến phải vào bếp nấu ăn phục vụ mấy… “ông trẻ”. Khổ thân anh, từ bé đến giờ chưa một lần… cầm dao, phải vừa vào bếp, vừa ra giường hỏi mấy chú em đang rên hừ hừ cách chế biến. Sau đợt ấy, anh em gọi đùa gói thầu đồn 721 là gói thầu “bảy hai sốt”.

Đoàn cán bộ của Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng đi khảo sát tại Bù Gia Mập thì bất ngờ chạm trán một đàn voi rừng. Con voi đầu đàn rất hung dữ, xông thẳng tới đoàn. Trước tình huống nguy cấp ấy, Lê Văn Ngọc, chàng trai trẻ nhất đã nhanh trí ra hiệu cho mọi người ngồi xuống nấp. Riêng cậu thì dũng cảm chạy sang hướng khác gây sự chú ý của đàn voi, giúp mọi người an toàn.

Mùa mưa, đường vào tuyến nhão nhoẹt, khi vào công trường, bạn sẽ bắt gặp những chiếc xe máy nom vô cùng quái dị. Bánh xe được quấn thêm một lớp xích xe đạp chằng chịt để tăng độ bám. Bộ đội làm đường nhìn như chàng Đông-ki-sốt, đánh vật với chiếc xe như con ngựa bất kham vùng vẫy giữa dòng sông bùn. Đó cũng là phương tiện giao thông duy nhất tồn tại được trong mùa mưa.

Xác ô tô, xác xe máy cũng ngổn ngang dọc các cung đường. Mới có mấy năm ra quân, nhưng đã có tới hàng chục ô tô, xe máy thành sắt vụn vì gặp sự cố hoặc hỏng hóc do đường quá xấu.

Đến doanh trại của Lữ đoàn 28, Công ty 319, 789 và nhiều nơi khác, chúng tôi bắt gặp những chiếc điện thoại di động treo lơ lửng trên cành cây hay dây thép trước hiên nhà. Anh em đã dò tìm, nơi ấy, chỗ ấy có “sóng rơi, sóng vãi” của Viettel. May mắn hôm nào trời quang mây tạnh, sóng khỏe thì lõm bõm đàm thoại được dăm ba câu. Còn bình thường, điện thoại cứ treo đó, tin nhắn sẵn rồi, khi có sóng thì máy tự gửi đi!

Báo chí là thứ quý hiếm, anh em đọc đến nát nhàu. Thượng úy Nguyễn Xuân Hưng, Công ty 789 kể, có hôm vào thăm anh em, mua ít thịt chó cho anh em cải thiện. Thịt chó gói giấy báo, lấy thịt ra rồi, cánh lính trẻ phơi báo cho khô, rồi vuốt thẳng để đọc cho đỡ phí!

Chó là con vật được nuôi khá nhiều trên các tuyến đường. Chúng vừa đuổi rắn, vừa canh trộm. Anh em hầu như không bao giờ giết chó mình nuôi mà có khi còn được chúng… nuôi lại. Như con chó của kỹ sư Cường ở công ty 789 từng lập công khi phát hiện một con lợn rừng bị thương xuống suối uống nước. Anh em nhờ thế được… “một bữa no”!

Niềm tin, trăn trở và kỳ vọng

Đường tuần tra biên giới đã thực sự là nơi “lửa thử vàng”, có khá nhiều kỹ sư trẻ đã trở thành lãnh đạo các xí nghiệp mạnh. Cũng đã có rất nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân, chiến sĩ… được đứng trong hàng ngũ của Đảng từ công trường gian khổ này. Theo Đại tá Nguyễn Công Linh, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án 47, mỗi năm có tới hàng chục bạn trẻ được các chi bộ đội sản xuất, trung đội, đại đội công binh đề nghị kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, có một thực tế đáng suy nghĩ là làm thế nào để có nhiều bạn trẻ tài giỏi đến với con đường chiến lược này thì vẫn là một bài toán cần giải. Từ năm 2007 đến nay, Ban quản lý dự án 47 đã tuyển dụng hơn 20 kỹ sư trẻ vào làm việc. Nhiều người không sợ khó, sợ khổ nhưng do mức lương còn thấp, chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng, rất chênh lệch so với làm việc ở thành phố và ở các đơn vị bên ngoài nên nhiều người đã xin chuyển công tác. Ở các đơn vị như đoàn 299, 239, 543, 83, 131, mỗi gói thầu đều có hàng chục chiến sĩ trẻ ngày đêm miệt mài làm đường. Là chiến sĩ nghĩa vụ nên họ không có lương, chỉ có vài trăm nghìn đồng phụ cấp mỗi tháng. Rất ít người trong số họ có cơ hội được đi học sĩ quan hay chuyển sang chế độ chuyên nghiệp.

Năm 2009, khi đến làm việc với Ban quản lý Dự án 47, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã ghi nhận, cho phép thực hiện cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ đặc thù để thu hút nhiều nhân tài tham gia xây dựng đường tuần tra biên giới. Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Công Linh, vì nhiều lý do, chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” đó vẫn chưa được cụ thể hóa để trở thành hiện thực.

Từ thực tế tìm hiểu hoạt động của bộ đội làm đường tuần tra biên giới ở miền Trung, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp đã liên hệ cách thu hút giới trẻ tham gia xây dựng tuyến đường sắt Bai-kan – A-mua xuyên Xi-bê-ri mà ông và bạn bè từng trải qua. Công trường thanh niên cộng sản này được coi là điểm đến, là niềm tự hào của tuổi trẻ, thôi thúc hàng triệu sinh viên các trường đại học trên toàn Liên Xô tình nguyện tham gia. Đường tuần tra biên giới, con đường chiến lược nếu như gắn với việc phát động một phong trào tuổi trẻ rộng khắp, chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều bạn trẻ có tài, có đức, cống hiến và trưởng thành!

————-


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Philippines đề xuất Liên hợp quốc phân xử tranh chấp ở biển Đông


nguyen ba thanh

Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario

Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario, ngày 11-7 cho biết, Manila nêu với Trung Quốc ý tưởng giải quyết tranh chấp vùng lãnh hải giàu tài nguyên và khí đốt trên Biển Đông thông qua phân xử của Liên Hợp Quốc.

Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario Ngoại trưởng Rosario cho hay, ông đã nêu đề xuất trên với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh hôm 8-7 liên quan tới quần đảo Trường Sa.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Manila, ông Rosario nói: “Tôi đã đề xuất rằng chúng ta cần thông qua tòa án quốc tế về luật biển. Philippines sẵn sàng bảo vệ lập trường của Manila theo luật pháp quốc tế trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển và chúng tôi cũng đã hỏi liệu họ (Trung Quốc) có sẵn sàng làm như vậy hay không.”

Trước đó, Ngoại trưởng Del Rosario từng khẳng định lập trường kiên định của Philippines đối với Trung Quốc trong tranh chấp ở khu vực Trường Sa và nói rằng các nước nên cùng hợp tác và thăm dò tài nguyên tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Ngày 8-7, ông Ronald Llamas – cố vấn chính trị của Tổng thống Philippines Benigno Aquino – đề xuất rằng những nước nhỏ hơn trong tranh chấp Biển Đông cần phải hợp tác với nhau để bảo vệ lợi ích của mình.

Ông nhấn mạnh: “Các nước nhỏ hơn cần liên kết thành một khối và tránh đứng về bất cứ bên nào. ASEAN sẽ là điểm tựa giúp cân bằng lợi ích của Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề này có thể giải quyết được nếu không có sự thiên lệch”.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Trung Quốc đòi xử lý “khôn khéo” về Biển Đông


nguyen ba thanh

Các chiến sĩ hải quân Việt Nam cứu sống 9 người nước ngoài trôi dạt trên biển

Ngày 11/7, Bắc Kinh đã kêu gọi Việt Nam và Philippines vận dụng “phương thức ngoại giao khôn khéo” để giải quyết những căng thẳng trên Biển Đông giữa lúc dấy lên những chỉ trích cho rằng Trung Quốc đang ngày càng hung hăng trong các tuyên bố của nước này.

Phát biểu trong diễn văn đề cập tới “sự phát triển hòa bình của Trung Quốc và môi trường quốc tế” tại Hong Kong, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bà Phó Oánh tuyên bố: “Quan trọng là giải quyết những điểm xung đột. Trung Quốc, Việt Nam và Philippines cần phải thể hiện phương thức ngoại giao khôn khéo để đảm bảo những mâu thuẫn của chúng ta sẽ được kiềm chế, xử lý hiệu quả và chúng ta có thể sẽ không để những mâu thuẫn đó ảnh hưởng đến quan hệ. Có thể nhận thấy rằng chúng tôi đang đi theo hướng này.”

Bà Phó Oánh thừa nhận các bên tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển này đều thấy chắc chắn trong những tuyên bố của mình.

Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng bảo vệ việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, trong một nỗ lực nhằm bác bỏ các quan ngại sau khi gần đây có tin cho rằng Bắc Kinh đang đóng tàu sân bay đầu tiên giữa lúc căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.

Bà Phó Oánh nhấn mạnh: “Phát triển quốc phòng của Trung Quốc sẽ song hành với sự phát triển của đất nước”…

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê chuẩn thành viên UBND thành phố Đà Nẵng


Ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê chuẩn việc bầu thành viên UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2011-2016.

Thủ tướng phê chuẩn thành viên UBND thành phố Đà Nẵng như sau: Chủ tịch UBND thành phố là ông Trần Văn Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2004-2011.

nguyen ba thanh

Ảnh minh họa một góc thành phố Đã Nẵng

Các Phó Chủ tịch gồm: Ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu; ông Võ Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2004-2011; ông Văn Hữu Chiến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2004-2011; ông Phùng Tấn Viết, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2004-2011.

Các Ủy viên UBND thành phố Đà Nẵng gồm: ông Nguyễn Viết Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố; ông Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố; ông Huỳnh Đức Thơ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Giám đốc Sở Kế  hoạch và Đầu tư thành phố; ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố; ông Nguyễn Văn Cán, Chánh Văn phòng UBND thành phố; bà Lê Thị Hường, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Con đường “Nam quốc sơn hà” kỳ 2: Cuộc ra quân “nhớ đời”


Kỳ 2: Cuộc ra quân “nhớ đời”

QĐND – Nhắc đến những ngày đầu gian khó mở đường, không thể không kể đến chuyến hành quân đầu tiên mà các giám đốc, kỹ sư trẻ đã gọi vui là “một giấc mơ kinh hoàng”. Đó là một ngày mùa thu năm 2007, họ từ thành phố, đồng bằng lần đầu tới Tây Nguyên để nhận tuyến đường mình sẽ làm. Trước đó, hầu hết anh em đều mới chỉ biết về Trường Sơn qua sách báo, phim ảnh…

Cuộc ra quân đầu tiên

Quyết định của Thủ tướng ban hành tháng 3-2007 nhưng phải đến gần nửa năm sau, các thủ tục pháp lý cho việc triển khai con đường vẫn chưa xong, dù đã qua tới 69 lần phê duyệt. Lúc này, Thiếu tướng Hoàng Kiền được điều động về làm Giám đốc Ban Quản lý dự án 47. Ông nóng ruột không chịu ngồi chờ thủ tục. Tiền trái phiếu là tiền vay của dân, chậm ngày nào, thiệt cho ngân sách ngày đó. Phải “vừa làm vừa báo cáo” thôi! Một ngày mùa thu năm 2007, ông quyết định: Triệu tập các nhà thầu vào ngay Tây Nguyên nhận tuyến. Trong tổng số 18 đơn vị công binh và 60 doanh nghiệp quân đội làm đường tuần tra biên giới, có tới hơn 40 đơn vị ra quân lần đầu trên các cánh rừng Tây Nguyên.

“Ra quân ư? Chúng tôi phấn chấn vì nhiệm vụ vẻ vang và các gói thầu đều có giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm lớn”- Anh Nguyễn Trọng Nguyện, Chỉ huy trưởng Công trường khu vực Dục Nông (Kon Tum) của Công ty Hương Giang (Binh đoàn Hương Giang) nhớ về những ngày đầu gian khó.

nguyen ba thanh

Các kỹ sư trẻ và Đại tá Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Công ty 789 (người ngồi hàng sau, cầm gậy) trong lần đi nhận tuyến năm 2007, tại Ia Lân (Kon Tum). Ảnh: Đức Thuận.

Không riêng gì Nguyện, hàng trăm giám đốc, phó giám đốc, chỉ huy trưởng công trường, kỹ sư… đều háo hức, kẻ lên xe con, người đáp máy bay vào ngay Tây Nguyên. Địa điểm tập kết của đoàn là Nhà khách Binh đoàn Tây Nguyên nằm giữa thành phố Plei-cu. Nguyện cùng anh Chung, giám đốc và vài kỹ sư khác nhảy lên chiếc Land Cuirser dã chiến, phóng một mạch từ Hà Nội vào Gia Lai. Nghe nói đến núi rừng, bản tính vốn lo xa, Nguyện xếp cả lên xe một thùng mì ăn liền và một cái bếp ga du lịch. Ai cũng bảo anh “hâm”, “tích cốc phòng cơ” không cần thiết giữa thời buổi kinh tế thị trường. Kệ! Nguyện cứ đưa hết lên xe. Chẳng dùng thì lại chở về!

Nhà khách Binh đoàn Tây Nguyên vui như mở hội. Xe con đỗ chật sân. Cà phê Trung Nguyên thơm ngào ngạt. Các giám đốc, kỹ sư tươi cười hớn hở. “Nghiêm! Chỉnh đốn trang phục…” – khẩu lệnh của vị tướng người xương xương, dáng đi thoăn thoắt khiến ai nấy giật mình. Một cuộc họp diễn ra với những tình huống trắc nghiệm:

- Anh em, có anh nào đã qua chiến tranh chống Mỹ, giơ tay?

Nhìn mãi cả hội trường, chỉ có một người, anh Trọng – Đoàn trưởng 728 (Binh đoàn 16), vốn là bộ đội đặc công đánh Mỹ.

- Anh em nào đã có kinh nghiệm mở đường giữa rừng đại ngàn Trường Sơn?

Lác đác vài cánh tay giơ lên cho biết đã tham gia làm đường Trường Sơn Đông, đường vành đai biên giới cũ.

- Nếu đi trong rừng gặp vắt thì phải làm gì?

Lắc đầu.

- Nếu gặp rắn lục, xử trí ra sao?

- Nếu đi trong rừng hết nước uống, thức ăn thì làm gì?

Lại lắc đầu và… lắc đầu.

Thế là mất cả một ngày trời để cuộc họp triển khai nhiệm vụ trở thành một cuộc tập huấn kinh nghiệm đi rừng. Thiếu tướng Hoàng Kiền trở thành giáo viên bất đắc dĩ, truyền thụ tỉ mỉ, hướng dẫn từ cách mắc tăng, võng đến cách xử trí khi gặp thú dữ, lạc rừng…

Bốn giờ sáng. Một hồi còi réo vang trong sân nhà khách. Sau bữa sáng nhanh gọn với mì ăn liền, mệnh lệnh hành quân được hạ đạt uy nghiêm như lên đường chiến đấu. Hàng trăm giám đốc, kỹ sư trẻ hàng ngũ chỉnh tề, ba lô, tăng võng đầy đủ lên đường, nhằm hướng những cánh rừng Tây Nguyên xa hút.

Nhóm của Nguyện tới cánh rừng Dục Nông, huyện Đắk Glây (Kon Tum) khi đã xế trưa. Nhìn rừng núi bạt ngàn, toàn cây cổ thụ và dây leo chằng chịt, anh bàn với nhóm của Công ty ACC đi…chung cho đỡ… “sợ”. Gửi xe ô tô ở Đồn biên phòng 673, hai đoàn lên đường với quyết tâm: “Sáng đi, chiều về”. Họ còn đặt cỗ, nhờ đồn biên phòng sắp giúp để chiều về ăn mừng thắng lợi.

Đòn cân não người chỉ huy

Dẫn đầu nhóm của Binh đoàn 12, với kinh nghiệm đi rừng Trường Sơn từ những năm chiến tranh, Thiếu tướng Hoàng Kiền giao tuyến xong khá sớm, quay ra dùng bữa tối tại thị trấn Đắc Glây. Ông tranh thủ liên hệ điện thoại với các đơn vị. Hầu hết các đơn vị đều hoàn thành, chỉ còn hai nhóm của Công ty Hương Giang và Công ty 36 vẫn chưa liên lạc được. Vị tướng mặt dần tái đi vì lo lắng.

21 giờ, vẫn chưa thấy tăm hơi hai nhóm đâu. Ở Đồn biên phòng 673, các mâm đầy ắp thức ăn nhưng không ai ăn. Tất cả kéo nhau vào rừng tìm kiếm suốt đêm nhưng không thấy tăm hơi. Anh em biên phòng nhận định, có lẽ đoàn đã lạc sang rừng nước bạn Lào. Mà rừng nước bạn còn rậm rịt, hoang vắng, còn cả hổ, báo, thú dữ, chẳng biết điều gì xảy ra. Anh Chung, Giám đốc Công ty Hương Giang bật khóc vì lo lắng. Trong số cán bộ đi nhận tuyến, có người em ruột của Chung…

Cả ngày hôm sau, các cuộc tìm kiếm vẫn không cho thấy kết quả gì…

Lại thêm một đêm nữa, Thiếu tướng Hoàng Kiền không ngủ được. Đã hướng dẫn tỉ mỉ thế, sao anh em lại lạc rừng? Hay sự cố xấu nhất xảy ra? Họ gặp thú dữ ăn thịt hay tai nạn đá rơi, trượt xuống vực? Nếu anh em có mệnh hệ gì, tuyến đường chưa mở mà một lúc mất cả chục cán bộ, biết ăn nói sao với thủ trưởng Bộ Quốc phòng, với Thủ tướng?

Trên đường tuần tra biên giới, những người lính làm việc suốt đêm. Ảnh: Vũ Quang Thái

Trở lại với chuyến đi của Nguyện và anh em. Họ lội bộ vào rừng, càng đi rừng núi càng chênh vênh, trơn trượt, âm u, ẩm ướt. Nhiều chỗ phải nắm dây leo mà đu. Không ai bảo ai, họ bắt đầu vứt bớt đồ đạc cho đỡ nặng. Có anh chàng dùng chiếc thắt lưng da cá sấu còn mới cũng cởi ra…vứt! Càng vào sâu, rừng càng ẩm, vắt ra càng nhiều. Chúng bò lổm ngổm trên lá, tinh ranh chui vào chân, vào cổ, vào nách làm cánh lính trẻ kinh hoàng. “May mà hôm đó không gặp rắn! Sau này ở lại làm đường, chúng tôi mới biết vùng Dục Nông này rất nhiều rắn xanh” – anh Nguyện kể. Có cậu lái xe của Công ty ACC bị rắn chui vào ba-lô, lúc về mở ba-lô lấy quần áo thì bị rắn đớp, may mà đi cấp cứu kịp thời. Còn ở đơn vị Nguyện, có đêm mưa, anh Bắc cấp dưỡng dậy sớm nấu ăn cho anh em, anh quờ phải thứ gì bùng nhùng cạnh bao gạo, bực mình lẩm bẩm:

- Ai sửa xe, sửa máy gì mà cẩu thả vứt cả dây cu-roa vào bếp thế này?

Anh cáu tiết quay “sợi dây cu-roa” vào chỗ gần bếp lửa thì sợi dây cu-roa bỗng… biết đi. Trời ơi! Một con rắn lục đang ngóc đầu lên, thao láo nhìn anh.

Sau những chuyện kinh hoàng ấy, mỗi lần công trường di dời đến đâu, Nguyện đều phải mua hàng bó dây cao su phát cho anh em, đề phòng rắn cắn còn ga-rô kịp thời.

Trở lại với cuộc hành quân, đi, đi mãi vẫn chỉ thấy rừng mù mịt, Nguyện lo lắng hỏi Tuấn, người của đơn vị khảo sát:

- Cậu khảo sát trước thế nào mà đi hoài chẳng thấy đường. Xem lại kẻo lạc đấy!

Lúc này máy định vị GPS mới được Tuấn mở ra xem vì sợ hết pin. Dù sóng rất chập chờn nhưng máy cũng đủ báo đoàn đang lạc sang nước bạn Lào. Tất cả hoảng hốt tìm đường quay về. Rừng chiều sụp tối rất nhanh. Chỉ còn tiếng nai, tiếng hoẵng và những âm thanh kì dị của rừng đêm. Những chai nước cuối cùng đã cạn. Những chiếc đèn pin cuối cùng rồi cũng hết pin. Cả đoàn đành dừng chân. Khát khô cổ. Đói cồn cào. Bây giờ, họ mới ân hận vì sao nỡ ném nước, ném lương khô đi. May mà Nguyện còn nhớ lời tướng Hoàng Kiền dặn hôm qua. Nếu hết nước uống, cứ tìm cây bương (tre rừng), chặt ra, bên trong sẽ có nước uống được. Về cái ăn, lúc này thùng mì ăn liền và cái bếp ga Nguyện mang theo thật là quý hơn vàng. Chặt từng cây bương, nấu từng bát nước, cả nhóm cũng được mỗi người một bát mì lót dạ. Ăn xong, cả nhóm tìm cây cối, mắc võng sát nhau, không dám đốt lửa vì sợ rắn, thú dữ tìm về. Cả nhóm ai nấy trùm kín tăng, áo mưa, đi nguyên giày nằm co ro trên võng. Đêm rừng khuya hoang vắng, thi thoảng lại nghe tiếng sột soạt, lạo xạo nửa giống bước chân người, nửa giống bước chân thú đi trên lá. Nhiều anh thú nhận buồn đi tiểu nhưng không dám dậy vì sợ đụng rắn…

Một đêm nặng nề rồi cũng trôi qua.

Sáng hôm sau, cả nhóm lên đường, lại xuyên rừng đi ra. Họ đi mãi, đi mãi đến quá trưa thì cậu Tuấn reo lên:

- Nương lúa Việt Nam các anh ơi!

- Sao cậu biết là nương Việt Nam?

- Nương nhiều lúa, rộng và dài thế kia là bên Việt Nam mình rồi. Bà con bên Lào không có nương lớn thế.

Nghe Tuấn lý giải, cả nhóm reo lên sung sướng. Chiều hôm ấy thì họ tìm ra tuyến đường theo đúng bản đồ thiết kế rồi tìm vào được một bản gần đó. Có dân là có tất cả. Anh em nhờ trưởng bản nấu giúp một bữa cơm. Buổi tối thứ hai sau bữa cơm ngon tuyệt vời, cả nhóm đánh một giấc say như chết, chưa thể liên lạc về vì nơi này chưa có điện thoại. Mãi đến chiều hôm sau, họ mới tìm về tới Đồn biên phòng 673 trong niềm vui sướng vỡ òa của mọi người. Anh Chung ôm lấy anh em, nước mắt rưng rưng.

Nhóm của Công ty 36 (Binh đoàn 11) bị lạc rừng vì một lý do thật đơn giản. Cấp trên đã dặn dò đi rừng tới đâu phải phát cây đánh dấu tới đó nhưng rồi họ lại ngại. Để rồi, càng đi vào sâu, càng mất dấu. Hai đêm, mấy chàng lính trẻ “gà tồ” được một trận nhớ đời. Chẳng có gì ăn ngoài gói lương khô mang theo, các chàng cầm cự ăn dè với uống nước ống bương. Đêm đầu tiên, cả nhóm ngồi đốt lửa thay nhau cảnh giới bốn phía, không anh nào dám ngủ vì sợ thú dữ “vồ”. Hai ngày sau, họ mới lần mò tìm được đường ra an toàn…

Những gian khổ ấy mới chỉ là một phần rất nhỏ so với những thử thách mà người lính mở đường phải đương đầu trong những năm tháng sau đó…

———————-


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Vòng 20 V-League: Trận cầu hay trên sân Chi Lăng


Sân Chi Lăng đã chứng kiến trận cầu hay giữa đội chủ nhà SHB Đà Nẵng và Sông Lam Nghệ An (SLNA) trong khuôn khổ vòng 20 V-League.

Trận đấu lẽ ra có đoạn kết đẹp hơn nếu không có hai pha bỏ bóng đá người hết sức thô bạo của trung vệ Nguyễn Hoàng Helio (thành thẻ đỏ phút 50) với Dembele và Nicolas.

nguyen ba thanh

Pha đột phá qua năm cầu thủ và ghi bàn vào lưới SLNA của Merlo (giữa) - Ảnh: S.H.

Bỏ qua hai pha thô bạo này, người xem có dịp chứng kiến một trận cầu đẹp mắt, xứng đáng với tên gọi là trận cầu đinh khi cả đôi bên cùng chơi tấn công không mệt mỏi suốt trận đấu. Ngay từ lúc nhập cuộc, SHB Đà Nẵng gây sức ép dữ dội với những pha tấn công dọc biên do Nicolas và Quốc Anh khởi xướng. Sức ép quá lớn của chủ nhà khiến SLNA tự đánh mất thế trận khi họ phải lùi về sâu để chống đỡ. Phút 20, pha phối hợp ăn ý giữa Quốc Anh và Merlo để cuối cùng Minh Phương dứt điểm từ xa mở tỉ số 1-0.

SLNA chỉ để lại dấu ấn với ba tình huống nguy hiểm vào phút 39, 41 rồi 43 nhưng cả ba lần Trọng Hoàng, Fagan cùng Quang Tình đều không thắng được thủ môn Thanh Bình trong tư thế một chọi một. Phung phí cơ hội, SLNA bị trừng phạt vào phút 44 khi Nguyễn Hoàng Helio và thủ môn Quốc Cường phối hợp không ăn ý để Dembele vẩy bóng qua đầu thủ môn vào lưới trống, nhân đôi khoảng cách lên 2-0.

Bị dẫn điểm, rồi còn mười người từ phút 50, SLNA chỉ là cái bóng của chính mình – co mình chịu trận cho đối phương mặc tình tấn công. Phút 68, mọi chuyện khép lại với đội khách khi Merlo từ giữa sân đi bóng qua một loạt năm cầu thủ xứ Nghệ rồi lạnh lùng dứt điểm chuẩn xác, đưa SHB Đà Nẵng dẫn trước 3-0 trước lúc Hồng Việt có bàn thắng danh dự cho SLNA ở phút 83.

Năm năm rồi SHB Đà Nẵng mới biết thắng SLNA, mà lại thắng đậm. Phấn khích trước chiến thắng đầy thuyết phục này, bầu Hiển thưởng kỷ lục cho toàn đội 1 tỉ đồng, 200 triệu cho riêng thủ môn Thanh Bình, 100 triệu cho mỗi bàn thắng, 100 triệu cho hàng tiền vệ và 100 triệu cho hàng hậu vệ. Quan trọng hơn tất cả, chiến thắng đã mở ra hi vọng cho chính họ cùng người anh em Hà Nội T&T chạy đua tới ngôi vô địch mùa này.

Trận đấu được xem kịch tính nhất ở vòng đấu này là cuộc đọ sức giữa Hòa Phát Hà Nội và Ximăng The Vissai Ninh Bình trên sân Hàng Đẫy. Sau pha ghi bàn mở tỉ số cho đội chủ nhà Hòa Phát Hà Nội từ đầu hiệp một của Olushola, tỉ số 1-0 kéo dài đến tận phút 90. Tuy nhiên trong những phút bù giờ, trận đấu có thêm hai bàn thắng đầy bất ngờ. Đầu tiên ở phút 90+1, trong pha hỗn loạn trước khung thành đội chủ nhà, Adewale ghi bàn giúp V.Ninh Bình gỡ hòa 1-1. Vài chục giây sau, đến lượt Henry tận dụng sự lơ đễnh của hàng phòng ngự đội khách đánh đầu ấn định chiến thắng 2-1 cho Hòa Phát Hà Nội.

Kết quả vòng 20 V-League diễn ra hôm qua: Thanh Hóa – B.Bình Dương 4-1, Hoàng Anh Gia Lai – V.Hải Phòng 4-2, TĐCS Đồng Tháp – Hà Nội ACB 3-0, K.Khánh Hòa – Navibank Sài Gòn 1-1, SHB Đà Nẵng – SLNA 3-1, Hòa Phát Hà Nội – V.Ninh Bình 2-1.

S.H. – N.K.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đô đốc Mike Mullen công du Trung Quốc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông


Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, ngày 10-7 đã bắt đầu chuyến công du Trung Quốc. Chuyến đi diễn ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Philippines kết thúc chuyến thăm Trung Quốc. Mục đích chung của hai chuyến đi đều hướng đến việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông.

nguyen ba thanh

Các quan chức quốc phòng Trung Quốc đón Đô đốc Mỹ Mike Mullen.

Mỹ – Trung cùng muốn có hòa bình

Đô đốc Mullen là vị Tổng tham mưu trưởng của Mỹ đầu tiên viếng thăm Trung Quốc từ năm 2007 tới nay. Dự kiến, ông sẽ hội đàm với người đồng nhiệm Trung Quốc Trần Bỉnh Đức và hội kiến với Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác của nước này.

Ông Mullen cũng sẽ thăm các binh chủng không quân, lục quân, hải quân và đơn vị pháo binh số 2 ở Bắc Kinh. Ông còn có bài phát biểu trước sinh viên tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh. Mục tiêu chuyến đi của Đô đốc Mullen nhằm thúc đẩy đối thoại an ninh Mỹ -Trung.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh hải quân Mỹ tham gia một cuộc tập trận ngoài khơi Brunei thuộc khu vực biển Đông cùng với các đồng minh Nhật Bản và Australia. Để xoa dịu Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, cuộc tập trận tại biển Đông lần này chỉ là ở “quy mô nhỏ”.

Phát biểu với các phóng viên trước khi gặp các quan chức Trung Quốc, ông Mullen nói quan hệ giữa hai nước – “những cường quốc Thái Bình Dương” – rất quan trọng. Ông nói thêm rằng hai bên cần làm việc nhiều hơn nữa về tính minh bạch và độ tin cậy về chiến lược. Đô đốc Mullen nói: “Sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực đã trở nên quan trọng cho các đồng minh của chúng tôi trong nhiều thập niên qua và sẽ tiếp tục như vậy”. Về các tranh chấp trên biển Đông, ông Mullen nói: “Chúng tôi chủ trương ủng hộ mạnh mẽ biện pháp hòa bình để giải quyết những bất đồng”.

Cũng nhân chuyến thăm này, tờ China Daily có bài viết cho rằng chuyến thăm của ông Mullen gửi một thông điệp tích cực với thế giới. Trung Quốc và Mỹ phải hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Để duy trì phát triển bền vững, hai nước cần phải tôn trọng lẫn nhau đối với các lợi ích cốt lõi cũng như quan tâm chính của mỗi nước. Hai nước cần xử lý đúng đắn những bất đồng và các vấn đề nhạy cảm, tiếp tục nuôi dưỡng và thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau về chiến lược cũng như mở rộng lợi ích chung.

Trung Quốc – Philippines: Tuân thủ DOC

Chuyến thăm của Đô đốc Mỹ Mullen diễn ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario kết thúc chuyến thăm tới Bắc Kinh. Trong bản Tuyên bố chung, hai Ngoại trưởng đồng ý là sẽ không để tranh chấp chủ quyền biển Đông ảnh hưởng đến “quan hệ hữu nghị và hợp tác” giữa Philippines với Trung Quốc. Ngoại trưởng hai nước cũng cam kết tuân thủ bản Tuyên bố chung về cách ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và các quốc gia ASEAN ký kết năm 2002, đồng thời khẳng định sẽ “duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Phủ Tổng thống Philippines bày tỏ hy vọng là sau bản tuyên bố nói trên, hai nước sẽ đạt được giải pháp hòa bình cho các vùng tranh chấp trên biển Đông, mà Manila gọi là biển Tây Philippines. Như vậy, sau nhiều tuần lễ liên tục tố cáo Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và có những hành động gây hấn trên biển Đông, Philippines và Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm nhiệt.

Thông tin từ Phủ Tổng thống Philippines trước đó cũng cho biết Tổng thống Benigno Aquino sẽ thăm chính thức Trung Quốc vào cuối tháng 8 này.

Một chuyên gia về chính sách đối ngoại thuộc Trung tâm châu Á (Đại học Philippines Diliman), giáo sư Aileen Baviera, cho rằng Philippines cũng như Mỹ không thể có chiến tranh với Trung Quốc do ba nước phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.

Theo các số liệu của Bộ Ngoại giao Philippines, trao đổi mậu dịch song phương Trung Quốc – Philippines đã tăng 35% trong năm 2010 và trong quý đầu năm 2011 đã tăng 216% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khánh Minh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)