Hiển thị các bài đăng có nhãn công trình. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn công trình. Hiển thị tất cả bài đăng

Dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức ngã ba Huế


Thời gian qua, Báo Đà Nẵng và các cơ quan hữu quan nhận được nhiều đơn thư của người dân ở các phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Hòa An (Cẩm Lệ) và Thanh Khê Tây, An Khê (Thanh Khê) bày tỏ băn khoăn, lo lắng vì không rõ nhà mình có nằm trong phạm vi giải tỏa dự án Đầu tư xây dựng công trình Nút giao thông khác mức ngã ba Huế (cầu vượt qua đường sắt) không? Khi nào sẽ tiến hành giải tỏa? Phương án đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư ra sao?…

Mô hình công trình nút giao thông khác mức ngã ba Huế trong tương lai.

Mô hình công trình nút giao thông khác mức ngã ba Huế trong tương lai.

Phóng viên Báo Đà Nẵng đã làm việc, tìm hiểu tại một số cơ quan chức năng và được biết, phạm vi quy hoạch mở rộng ra xung quanh trung tâm nút giao thông ngã ba Huế hiện trạng kéo dài theo 4 tuyến đường: Trục 1 Tây Bắc, Điện Biên Phủ, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, và trên đoạn đường sắt Bắc – Nam từ Km793+310 đến Km793+610. Trong khi đó, theo thiết kế, dự kiến công trình kéo dài theo đường Tôn Đức Thắng khoảng 360m, độ mở rộng theo phương ngang so với chỉ giới đường đỏ về mỗi phía khoảng 13m; kéo dài theo đường Điện Biên Phủ khoảng 270m, độ mở rộng theo phương ngang so với chỉ giới đường đỏ về mỗi phía khoảng 5m; kéo dài theo đường Trục 1 Tây Bắc khoảng 220m, không mở rộng theo phương ngang; kéo dài theo đường Trường Chinh dự kiến khoảng 270m, độ mở rộng theo phương ngang so với chỉ giới đường đỏ về phía không có đường sắt Bắc-Nam (phía Đông) khoảng 8m.

Còn theo Sơ đồ ranh giới quy hoạch sử dụng đất để đầu tư xây dựng công trình Nút giao thông khác mức ngã ba Huế do UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5286 ngày 23-6-2011, phạm vi quy hoạch thuộc phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), phường Thanh Khê Tây và An Khê (quận Thanh Khê). Ranh giới sử dụng đất của dự án được giới hạn như sau: giáp Khu dân cư Thanh Lộc Đán ở phía Đông Bắc; giáp Khu dân cư số 1 Trường Chinh ở phía Tây Nam; giáp Khu dân cư Phần Lăng ở phía Đông Nam; giáp Trung tâm đô thị mới Tây Bắc ở phía Tây Bắc. Đáng chú ý là diện tích chiếm dụng đất của nút giao thông khác mức ngã ba Huế lên đến 96.066m2 và thu hồi thêm 64.629m2 đất xung quanh khu trung tâm và kéo dài theo 4 tuyến đường để phục vụ thi công, nâng tổng diện tích đất thu hồi sử dụng cho dự án lên đến 160.695m2 (hơn 16ha).

Theo Quyết định số 1609/QĐ-BGTVT ngày 21-7-2011 của Bộ Giao thông-Vận tải, thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo dài 4 năm, từ năm 2012 đến 2015, trong đó 1 năm cho thiết kế kỹ thuật và phê duyệt; 1 năm cho công tác tổ chức đấu thầu, thiết kế bản vẽ thi công và phê duyệt bản vẽ thi công; 2 năm cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thi công. Theo đó, trong năm 2012 tiến hành thiết kế kỹ thuật và chuẩn bị thực hiện dự án, để năm 2013 tiến hành khởi công xây dựng công trình và hoàn thành vào quý 3 năm 2015. Còn phạm vi GPMB được xác định theo hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án do Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải lập, sau khi hồ sơ thiết kế cơ sở này và ranh giới quy hoạch sử dụng đất được duyệt; căn cứ xác định hồ sơ GPMB được tính theo chỉ giới xây dựng công trình; phạm vi chiếm dụng vĩnh viễn là phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống nút giao; khối lượng GPMB được xác định trên cơ sở phạm vi GPMB của dự án, từ đó xác định được số nhà, diện tích nhà, diện tích các loại đất phải thu hồi, số lượng các công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời.

Còn về phương án bồi thường, bố trí và hỗ trợ tái định cư, Bộ Giao thông-Vận tải giao đơn vị chủ đầu tư là Sở Giao thông-Vận tải Đà Nẵng thực hiện theo đúng thủ tục quy định… Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Dự án Cầu Rồng, đơn vị được Sở Giao thông-Vận tải giao điều hành dự án cho hay: “Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai từ năm 2012. Tùy theo nguồn vốn được cấp, chúng tôi sẽ triển khai các công tác theo tiến độ yêu cầu. Trong kế hoạch vốn của năm 2011, chỉ cấp kinh phí cho công tác lập dự án đầu tư thôi. Về phạm vi giải tỏa, chúng tôi vừa hoàn thành cắm mốc ranh giới giải tỏa trên thực địa và đã bàn giao cho chính quyền các địa phương quản lý. Trước mắt, người dân muốn biết nhà mình có nằm trong phạm vi quy hoạch hay không thì mang số thửa đất, số tờ bản đồ đến UBND các quận để đối chiếu, xác nhận quy hoạch. Hiện chưa có kế hoạch cụ thể về thời gian giải tỏa. Còn phương án đền bù, bố trí, hỗ trợ tái định cư sẽ do thành phố xây dựng và thành lập Hội đồng GPMB để thực hiện”.

Được biết, UBND thành phố vừa gửi Công văn số 5563 đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải cho phép được thực hiện dự án Đầu tư xây dựng công trình Nút giao thông khác mức tại ngã ba Huế theo hình thức Hợp đồng BT, với thời gian thực hiện đầu tư từ năm 2011 đến 2013. Trước nhiều thắc mắc, lo lắng của người dân về phạm vi giải tỏa để đầu tư xây dựng công trình, thiết nghĩ, UBND các quận và đơn vị chức năng cần sớm công bố một số thông tin công khai về dự án để người dân biết và an tâm.

Bài và ảnh: Hoàng Hiệp(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Nhiều trường học xây dựng dang dở


Năm học mới 2011-2012 đã trôi qua gần một tháng, nhưng hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều công trình trường học xây dựng dở dang, vật liệu để ngổn ngang, gây ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của các trường.

Công trình thi công khu nhà hiệu bộ Trường tiểu học số 2 Hòa Liên hiện nay vẫn còn dang dở.

Công trình thi công khu nhà hiệu bộ Trường tiểu học số 2 Hòa Liên hiện nay vẫn còn dang dở.

Ảnh hưởng tiếng ồn, bụi bẩn

Hiện nay, công trình xây dựng khu nhà 2 tầng gồm phòng bộ môn, phòng làm việc, phòng hội đồng… ở Trường tiểu học số 2 Hòa Liên (Hòa Vang) đang trong giai đoạn thi công dang dở, ngổn ngang vật liệu xây dựng. Theo Ban giám hiệu nhà trường cho biết, công trình này được đầu tư kinh phí hơn 3 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ cuối tháng 6 và dự kiến đến cuối tháng 10-2011 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Hằng ngày, một bên thầy và trò nhà trường tổ chức dạy học, còn một bên công nhân thi công công trình. Theo nhiều học sinh phản ánh, có hôm, công nhân trộn xi-măng làm bụi bay tứ tung, ván cốp-pha rơi xuống đất ầm ầm. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, mặc dù đơn vị thi công có rào lưới B40 quanh khu vực công trình không cho học sinh vào  nhằm tránh tai nạn xảy ra, song Ban giám hiệu nhà trường vẫn phải cử bảo vệ thường xuyên theo dõi, tuyệt đối trong giờ ra chơi không cho học sinh đến khu vực này. Để hạn chế tiếng ồn và bụi bẩn ảnh hưởng đến các lớp học, nhà trường cũng đã yêu cầu đơn vị thi công hạn chế vận chuyển vật liệu trong những ngày học sinh đến trường.

Tại Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (Thanh Khê), công trình xây dựng khu phòng học, phòng bộ môn của trường cũng đang dở dang, chỉ mới xây xong phần trụ. Trong sân trường, các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, xi-măng, ván cốp-pha được đơn vị thi công vứt ngổn ngang…

Công trình xây dựng dãy phòng học ở Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm mới chỉ thi công xong phần trụ, vật liệu xây dựng để ngổn ngang trong sân trường.

Công trình xây dựng dãy phòng học ở Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm mới chỉ thi công xong phần trụ, vật liệu xây dựng để ngổn ngang trong sân trường.

Ông Nguyễn Bá Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do dãy phòng học cũ bị hư hỏng, xuống cấp, nên nhà trường được UBND quận Thanh Khê đầu tư xây dựng mới dãy phòng học này, với tổng kinh phí xây dựng hơn 4,5 tỷ đồng. Trước đó, nhà trường đã đề nghị việc xây dựng dãy phòng học mới này vào tháng 4-2011 để kịp năm học mới, nhưng do thủ tục rườm rà, đến cuối tháng 7 công trình mới được khởi công xây dựng. Sau khi phá dỡ khu phòng học cũ, nhà trường đã dồn học sinh vào học trong những phòng còn lại và vẫn bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Ông Thanh thừa nhận, do công trình thi công ngay trong năm học mới, nên ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến việc dạy và học.

Cần đẩy nhanh tiến độ thi công

Ông Vĩ Sách, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê cho biết, trên địa bàn quận có 3 công trình xây dựng tại các trường học đang thi công dang dở, gây ảnh hưởng tiếng ồn và bụi bẩn đối với các trường. Cụ thể gồm công trình xây dựng khu phòng học 3 tầng Trường tiểu học Điện Biên Phủ; công trình khu nhà 3 tầng Trường tiểu học Hàm Nghi và công trình khu phòng học Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm. Dù vậy, các trường học này vẫn bảo đảm đầy đủ chỗ học cho học sinh, không xảy ra tình trạng học “3 ca”.

Khi được hỏi vì sao bước vào năm học mới, nhưng vẫn có nhiều công trình xây dựng trên địa bàn quận Thanh Khê còn xây dựng dang dở, ảnh hưởng đến hoạt động dạy học của các trường, ông Vĩ Sách, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê nói: Trong quá trình đầu tư xây dựng công trình ở các trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ tham gia đóng góp ý kiến, chứ không có quyền quyết định. Do vậy, thời gian thi công công trình do UBND quận quyết định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Hân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị UBND quận, huyện, các đơn vị, trường học đầu tư xây dựng công trình trong dịp hè để bảo đảm đưa vào sử dụng trong năm học mới. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng là do UBND quận, huyện quyết định. Trước thực trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị thi công trong quá trình thi công công trình phải triển khai các biện pháp an toàn lao động, hạn chế tối đa việc gây ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của các trường. Mặt khác, đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

NGỌC ĐOAN (Theo BaoDaNang)

 


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)