Hiển thị các bài đăng có nhãn môi trường. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn môi trường. Hiển thị tất cả bài đăng

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tham dự thảo luận về vấn đề ô nhiễm môi trường


Hôm nay (7/11), Quốc hội đã dành trọn 1 ngày nghe báo cáo và thảo luận về vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu kinh tế và làng nghề. Đa số ý kiến đều nhất trí tình trạng đã đến mức báo động đỏ, nếu không giải quyết ngay từ bây giờ thì hậu quả con cháu đời sau sẽ phải gánh chịu.

 

Theo kết quả giám sát của đoàn công tác Quốc hội, nhiều khu kinh tế chưa thực hiện nghiêm cam kết bảo vệ môi trường, thường xuyên xả nước thải chưa xử lý vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường (có nơi đến vài chục lần). Ở một số nơi, hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra, kiểm tra tới.

8 Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tham dự thảo luận về vấn đề ô nhiễm môi trường

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh

Nước thải của các khu công nghiệp, dịch vụ trong khu kinh tế chỉ được xử lý sơ bộ và thải vào hệ thống thu gom chung hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Rất ít nơi có khu xử lý nước thải tập trung (khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập đầu tiên vào năm 2003 nhưng đến nay chỉ mới bắt đầu vận hành).

 

Còn với các làng nghề, ô nhiễm nước, không khí, đất đai… cũng rất nghiêm trọng. Ở một số làng có mức độ ô nhiễm cao thì tuổi thọ trung bình của người dân thấp hơn đến 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc. Tại các làng sản xuất, tái chế kim loại, tỷ lệ người mắc bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Ở làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, bệnh phụ khoa chiếm chủ yếu, ngoài ra là các bệnh về đường tiêu hóa, viêm da, hô hấp…

 

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) phản ánh, ở nhiều khu vực ô nhiễm còn xuất hiện các căn bệnh lạ. Các làng ung thư mọc lên ngày càng nhiều cũng xuất phát từ nguyên nhân ô nhiễm môi trường.

 

“Mọi sai phạm đều xuất phát từ nhận thức chỉ nhìn thấy lợi nhuận trước mắt. Xử phạt thì không nghiêm minh. Nếu về lâu dài vẫn để tình trạng thế này thì con cháu chúng ta phải chịu. Không thể đánh đổi môi trường lấy lợi nhuận trước mắt vì không tiền nào khắc phục hết được hậu quả”, bà An nói.

 

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, nếu đánh giá toàn diện, hậu quả còn nghiêm trọng hơn báo cáo rất nhiều. Vì những hậu quả môi trường diễn ra âm thầm, tác động dài lâu và hậu quả khôn lường. “Tình trạng đã giống như một quả bom nguyên tử, có quả đã nổ, có quả sắp nổ. Hậu quả và thời gian xử lý còn lâu dài hơn xử lý chất độc dioxin. Mà nguyên nhân gây ra ô nhiễm lại chỉ tập trung ở một nhóm người, bất chấp hậu quả mai sau”, ông Tính nhấn mạnh. Khi đó, mọi thành quả về kinh tế đều không còn ý nghĩa.

 

Hàng loạt nguyên nhân đã được mổ xẻ, phân tích. Trong đó, nổi bật câu chuyện các tỉnh chỉ muốn chạy theo tăng trưởng, bỏ bê trách nhiệm với môi trường. Doanh nghiệp tất nhiên chỉ vì lợi nhuận nên “lờ” nghĩa vụ, song cơ quan quản lý nhà nước cũng vẫn “nhẹ tay” với sai phạm do e ngại nhà đầu tư không mặn mà. Nếu có phát hiện sai phạm cũng chưa xử lý triệt để. Thậm chí, đa số các vụ việc bị phát hiện là do dân phát giác chứ không phải do cơ quan quản lý nhà nước tìm ra.

 

Theo báo cáo của Chính phủ, riêng trong năm 2011 đã có 1.728 vụ ô nhiễm, tăng 72,6% so với năm trước. Song, chỉ 153 vụ bị khởi tố.

 

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) thẳng thắn, pháp luật nhà nước chưa nghiêm một phần còn là do sự chồng chéo trong phân công chức năng giữa các cơ quan quản lý. Các bộ, ngành thì phối hợp chưa nhuần nhuyễn, giữa tỉnh với ban quản lý khu kinh tế thì trách nhiệm chưa rành mạch. Theo ông, năm 2010, cả nước mới chỉ xử phạt sai phạm về môi trường ở 6 tỉnh, với số tiền 513 triệu là quá nhỏ nhoi đáng để suy nghĩ.

 

Đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị) nêu câu hỏi, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên – Môi trường chịu trách nhiệm chính, song cùng phối hợp là nhiều bộ, ngành liên quan khác. Vậy, liệu Bộ có trở thành nhạc trưởng được hay không?

 

Thực tế như bà Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chia sẻ, thì mỗi khi ở tỉnh có doanh nghiệp vi phạm và Sở Tài nguyên – Môi trường tham mưu với tỉnh để đóng cửa thì bao giờ các ngành liên quan như kế hoạch, đầu tư, công thương và điện lực cũng lên tiếng, vì đối chiếu theo các luật liên quan thì rất khó để đóng cửa hay cắt điện.

 

Về giải pháp, bà Ly Kiều Vân cho rằng, cần xử lý nghiêm minh hơn. Tăng thanh tra, kiểm tra, giám sát để xử lý triệt để các cơ sở sai phạm. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, phải kiên quyết đóng cửa các cơ sở sai phạm nghiêm trọng kéo dài để làm gương.

 

Còn theo đại biểu Đỗ Văn Đương, trước mắt cứ “đánh” vào kinh tế, vào bài toán lợi nhuận bằng các loại thuế, phí và hình thức xử phạt nghiêm minh để doanh nghiệp phải tuân thủ. Ngoài ra, công khai rõ địa chỉ người có trách nhiệm với bảo vệ môi trường để người dân giám sát. Cũng nên phát huy sức mạnh “tai mắt” của dân để dân phát giác và tố cáo doanh nghiệp vi phạm.

 

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc công khai tên tuổi, địa chỉ doanh nghiệp vi phạm trên báo chí hoặc các bảng thông báo công cộng để tăng tính răn đe. Còn với các làng nghề, cần nhanh chóng quy hoạch và phân biệt rõ làng nghề truyền thống với các làng nghề “trá hình” tận dụng công nghệ, máy móc lạc hậu để trốn thuế.

 

Các đại biểu cũng đồng tình ngay trong kỳ họp này nên ban hành một nghị quyết thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, giao Chính phủ thực hiện một số giải pháp tăng cường. Dự kiến Nghị quyết sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp này.

 

Hồ Thu(Theo GTVT)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng – Thành phố thân thiện với môi trường


Thành phố Đà Nẵng vừa được trao giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”. Lễ trao thưởng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN tại Bali, Indonesia vào ngày 23-11-2011. Những thành tựu về xây dựng và bảo vệ môi trường của Đà Nẵng đang được tôn vinh và hình ảnh đô thị Đà Nẵng được quảng bá ra bạn bè quốc tế.

images726105 danang S5300073 Đà Nẵng   Thành phố thân thiện với môi trường

Thành phố Đà Nẵng được vinh danh là thành phố môi trường bền vững ASEAN 2011. (Ảnh tư liệu)

Ông Nguyễn Trung Chính, một cựu sĩ quan quân đội quê ở Đại Lộc (Quảng Nam) đã chọn phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn làm quê hương thứ hai. Tôi gặp ông hằng ngày. Ông nói: “Ở Đà Nẵng, tôi khao khát được sống, được tận hưởng thành quả của sự phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội mà lớp con cháu đang dựng xây”. Biết tôi là nhà báo, ông xem tôi như bầu bạn. Ông hốt hoảng khi hệ thống nước thải tại khu vực Sao Biển chảy ra bãi tắm. Ông vui khi nhặt nhạnh từng bẹ dừa khô ven đường trong buổi sớm mai. Ông kể, báo chí khen ông Hồ Việt, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (tỉnh QN-ĐN) sáng sáng, chiều chiều nhặt từng cọng rác nhỏ bỏ vào thùng để cho bãi biển Phước Mỹ thêm sạch là tốt quá. “Già mẫu mực thì trẻ xông pha”, ông Chính nói thêm. Hiện ông Hồ Việt cũng đề xuất ý tưởng lập “Hội những người yêu biển Đà Nẵng” để bảo vệ môi trường bãi biển.

 

Bạn trẻ Lê Thị Trang, CLB Môi trường – Đại học Bách khoa Đà Nẵng trong một chuyến tham gia bảo vệ môi trường biển khoe: “Đà Nẵng hiện nay có khoảng 10 CLB hoạt động chuyên sâu về lĩnh vực môi trường. Các CLB luôn hành động kêu gọi bảo vệ môi trường, kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu sâu hơn và tham gia tốt hơn vào việc tự giác bảo vệ, cải thiện môi trường sống của chính mình”.

 

Thông tin về thành phố Đà Nẵng được vinh danh “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN-2011” được người dân đón nhận với niềm tự hào. Nhớ lại, năm 2008, thành phố Đà Nẵng đã chạm tới danh vị này nhưng ngay thời điểm nhận giải, Công ty CP Thép Thành Lợi lúc bấy giờ nhập về Cảng Tiên Sa trên 400 tấn thép phế liệu có chứa chất thải độc hại. Sự kiện này làm cho thành phố càng quyết tâm hơn trong việc quản lý và bảo vệ môi trường.

 

Anh Nguyễn Có, công nhân tại KCN Hòa Khánh cho biết, hiện môi trường ở KCN đã được cải thiện. Nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) đối với bảo vệ môi trường được nâng lên. Ví như Công ty CP Thép Đà Nẵng sau thời gian đứng trước nguy cơ bị đóng cửa do sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đến năm 2010, công ty đã chuyển thông điệp đến người lao động rằng “Bảo vệ môi trường hay là chết” bằng khẩu hiệu ngay trước công ty, nhà xưởng. Theo đó, công ty đã đầu tư và đưa vào vận hành Hệ thống bảo vệ môi trường đặc dụng. Được biết, Công ty CP Thép Đà Nẵng có số vốn điều lệ ban đầu khi cổ phần hóa là 41 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm đã quay lại đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường hơn 30 tỷ đồng. Từ một điểm đen về ô nhiễm môi trường, cho đến thời điểm này, thông qua các số liệu quan trắc đo đạc của cơ quan chức năng, Công ty CP Thép Đà Nẵng có thể khẳng định đã giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất luyện thép gây ra.

 

Một câu chuyện khác làm người nghe hoài nghi nhưng đó là chuyện có thật. Ngày mùng 6 Tết Tân Mão 2011, đoàn công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương dẫn đầu đến thăm một DN chế biến thủy sản trên địa bàn quận Sơn Trà. Vị giám đốc đưa đoàn đi thăm xưởng sản xuất và thăm hệ thống xử lý nước thải. Không ngần ngại, vị giám đốc vốc nước trong bể sau xử lý lên rửa mặt. Trên đường về, có người nghi ngại ông giám đốc đang diễn kịch nhưng cũng có ý kiến: “Diễn để làm gì? Đầu năm mới, Tết nhứt mà vốc nước bẩn lên mặt thì… không đáng để diễn đâu”.

 

Du khách tấm tắc khen Đà Nẵng nhiều không kể xiết. Nhiều người “mắt tròn, mắt dẹt” khi nghe kể về những chủ trương của thành phố như ngoài việc bảo vệ môi trường từ định hướng vĩ mô, Đà Nẵng còn hiện thực hóa bằng nhiều giải pháp cụ thể và độc đáo. Chẳng hạn, nếu người nào phát hiện hành vi đổ rác không đúng nơi quy định sẽ được thưởng nóng 1 triệu đồng. Theo đó, tất cả các quận, phường phải lập đường dây nóng, cử lực lượng trực 24/24 giờ để nhận tin báo. Khi nhận tin, lập tức có mặt ở hiện trường lập biên bản xử lý. Đây được coi là liệu pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng đổ rác trộm, đồng thời kích thích người dân tham gia vào việc phát giác, ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường.

 

Có thời gian, tình trạng đổ xà bần, rác tràn lan trên các lô đất chưa xây dựng, lại thường vào ban đêm nên khó phát hiện. Nhưng từ khi có chính sách thưởng cho người báo tin, xử lý nặng, kiên quyết với các hành vi đổ rác trộm, tình trạng này gần như không còn. Sau khi chặn đứng việc đổ rác, thành phố tiến hành bước tiếp theo là xử lý các lô đất đã bị đổ rác, xà bần cho sạch sẽ để tránh ô nhiễm, dịch bệnh.

 

Thành phố đã triển khai cách làm rất hay được nhiều người đồng tình. Đó là bỏ tiền thuê người dọn sạch, sau đó cho thuê hoặc rào lại. Các chủ đất khi muốn bán hoặc sử dụng lô đất đó xây nhà phải trả lại tiền thành phố đã bỏ ra dọn rác. Hầu hết chủ nhân các lô đất này đều ở xa, mua để đầu cơ, ít có cơ hội chăm lo, vì thế khi được thành phố dọn dẹp, quản lý hộ thì rất đồng tình. Trong khi nhiều thành phố khác còn loay hoay chưa biết xử lý thế nào với đất bỏ hoang, thì với cách làm sáng tạo trên của thành phố Đà Nẵng vừa tránh được tình trạng lãng phí đất vàng do để không, lại vừa bảo vệ được môi trường trong lành.

 

Ở Đà Nẵng, ý thức tự giác trồng thêm cây xanh đường phố của người dân được ước tính chiếm 35-40% số lượng cây xanh trồng mới hằng năm. Nhiều gia đình tự bỏ tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng trồng cây xanh trước nhà để tạo cảnh quan, đẹp nhà, đẹp phố.

 

Tâm huyết xây dựng “Thành phố môi trường” luôn được thắp lửa bởi ý chí từ phía lãnh đạo thành phố. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã thẳng thừng từ chối tiếp nhận dự án hàng tỷ USD bởi những lo ngại ảnh hưởng về môi trường. Hay như mới đây, ngày 16-8-2011, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã “vi hành” kiểm tra tình hình thực tế và trực tiếp chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang. Sự kiện này được coi là thông điệp khẳng định rằng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang và sẽ kiên quyết trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp cho cộng đồng bằng những nỗ lực cao nhất, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống với sự phát triển bền vững về môi trường.

 

Trên nhiều diễn đàn hội nghị, hội thảo trong nước, mỗi lần nói về  vấn đề môi trường, người ta lại viện dẫn việc Đà Nẵng từ chối 2 “siêu” dự án FDI với tổng vốn 2,5 tỷ USD để minh chứng. Chưa địa phương nào ở Việt Nam “dũng cảm” như thế. Điều đó minh chứng Đà Nẵng đang quyết tâm xây dựng “Thành phố môi trường”, chú trọng phát triển bền vững chứ không chạy theo đầu tư bằng mọi cách. Ngay tại Diễn đàn Kiến trúc châu Á với sự tham gia của đại diện 16 quốc gia được tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, trong diễn văn phát biểu đại diện cho Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tự hào nói: Thành phố Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là thành phố đang đổi mới mạnh mẽ, đi tiên phong phát triển đô thị theo hướng bền vững.

 

TRIỆU TÙNGDaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Hội thảo “Hỗ trợ phát triển Đà Nẵng – Thành phố môi trường”


Ngày 24-5, tại khách sạn Furama Resort, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo định hướng dự án “Biến đổi khí hậu và môi trường đô thị”, nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ phát triển Đà Nẵng – Thành phố môi trường. Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đã đến dự và ký kết thỏa thuận hợp tác.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến và ông Erik Schweikhardt, Cố vấn trưởng Văn phòng dự án của Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức tại Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Thành Lân
Dự án Hỗ trợ phát triển Đà Nẵng – Thành phố môi trường do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua GIZ được ký kết từ tháng 6-2010 và bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 10-2010. Mục tiêu tổng thể của dự án là hỗ trợ thành phố từng bước triển khai thực hiện chương trình toàn diện về môi trường một cách bền vững và có sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành. Thời gian thực hiện dự án 3 năm.  Đây là dự án nằm trong các thỏa thuận đã đạt được giữa Chính phủ Việt Nam và CHLB Đức về hợp tác phát triển hỗ trợ kỹ thuật cho Đà Nẵng xây dựng chiến lược môi trường đến năm 2020 và phát triển hệ thống vận tải công cộng. Dự án gồm 2 cấu phần: Phát triển môi trường đô thị và Giao thông công cộng. Tuy nhiên, cho đến nay, do sự thay đổi cấu phần về giao thông nên dự án cần thiết phải được xây dựng lại với một chiến lược mới phù hợp hơn.
Tại hội thảo, UBND thành phố và Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức đã ký kết thỏa thuận hợp tác và thống nhất lộ trình tổng thể cho việc thực hiện dự án, bao gồm các hoạt động chính của dự án, các kết quả dự kiến đạt được, cũng như trách nhiệm cụ thể của các bên tham gia dự án, nhằm triển khai thực hiện dự án đạt hiệu quả cao và theo đúng kế hoạch.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đánh giá cao sự hỗ trợ của GIZ trong thời gian qua, đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của GIZ trong việc thực hiện các cấu phần của dự án, xác định các nội dung chính cần thực hiện, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tổng quát đến năm 2020: Đà Nẵng phấn đấu là “Thành phố thân thiện môi trường”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cũng đề nghị GIZ tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực của địa phương, cũng như năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ thành phố trong 2 lĩnh vực giao thông và môi trường, góp phần thực hiện định hướng phát triển kinh tế bền vững gắn với môi trường. GIZ và các ban, ngành liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án theo kế hoạch, xem xét việc thực hiện một nghiên cứu quy hoạch chiến lược tổng thể về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, cụ thể là các vấn đề về quy hoạch và môi trường đô thị.
Thành Lân

(Theo www.nguyenbathanh.com)